Chương 21: Lạc Dương - vùng đất mới
Ô kìa thế là thế nào? Những người có mặt ở hiện trường lúc bấy giờ gồm gia nhân, ký giả và người qua đường tròn mắt chứng kiến hành động "lau miệng hộ cậu cả" của thầy Vương trọng vọng. Thế này là thế nào? Thế nào?
Bọn ký giả bu đông bu đỏ, thầm nghĩ thế bây giờ ghi title báo là gì cho giật gân nhỉ? "Cậu cả Tiêu gia ăn sáng quên lau miệng, thầy Vương ưa sạch sẽ liền lau hộ", "Mối quan hệ mờ ám giữa đích tôn Tiêu gia và gia sư của em gái", "Đạo đức nghề gõ đầu trẻ",... Title gì cũng được, đưa tin này là đám ký giả cả tháng sẽ có đủ tiền ăn cả tháng.
Đèn flash máy ảnh bắn toé ra từng tia lửa của những tên ký giả và thợ ảnh được thuê chụp đám cưới. Này này, Tiêu lão gia thuê họ chụp ảnh rước dâu, thế nào mà họ lại tốn nửa cuộn phim để chộp cú vuốt môi thế kỷ kia nhỉ? Chụp nhầm đối tượng rồi, lão gia mới là nhân vật chính cơ mà.
Tiêu Chiến ngớ ngẩn đứng đó, mồm vẫn há hốc ra trong khi tai Vương Nhất Bác đã đỏ ửng lên rồi. Ôi không biết sao chứ cậu cả bỗng nhiên bị thầy Vương đụng chạm bất ngờ thì mặt đần ra, cơ thể cũng dừng hình theo. Cái nụ cười nham nhở ban nãy cũng méo mó dần. Này, thính của thầy Vương hơi bị độc đấy. Không quăng ra thì thôi, chứ quăng ra rồi cậu cả không đỡ nổi.
"Ô la la..." Bảo nhớ mình, xong vuốt môi mình. Thầy Vương hành động lộ liễu quá.
"Ừm...lên xe chứ nhỉ cậu cả?" Vương Nhất Bác cũng ngại chết đi được. Thầy Vương thực sự rất muốn bảo tồn khuôn mặt đẹp đẽ kia, cho nên một ít vụn bánh cũng làm thầy ngứa mắt.
"Ờ ờ, lên đi. Cha tôi chắc ra đó rồi." Cậu cả đợi thầy Vương xoay người đi mới lắc đầu tỉnh lại, sờ lên nơi vừa được bàn tay nhà giáo vuốt qua. Cũng thấm ra phết!
Đám ký giả và người qua đường đã bị gia nhân dẹp bớt. Chết, tung tin vớ vẩn lên thì ảnh hưởng đến danh tiếng của cậu cả và thầy Vương lắm. Chốc nữa phải tới phòng tuần tra nhờ cậu hai Sở trưởng đánh tiếng dẹp loạn hộ mới được.
Từ Tiêu gia tới nhà ga, hai người ngồi trên xe không ai nói gì. Không khí thật ngại ngùng, cái cảm giác ngột ngại này suốt hai mươi lăm năm trong đời đến bây giờ Tiêu Chiến mới cảm nhận được. Ô thế cái người mặt dày như cậu cả còn ngại, thì mặt mỏng như thầy Vương biết sống làm sao mà nhìn đời nữa. Ôi cái tay hư hỏng, đầu óc thầy hỏng mất rồi.
Cho tới lúc đồ được sắp lên các buồng ngủ trong khoang tàu, Tiêu Chiến và Vương Nhất Bác mới bớt ngại ngùng mà nói chuyện với nhau. Tất nhiên họ sẽ làm như chưa có chuyện gì xảy ra, không thể tránh mặt nhau được vì như thế rất dễ gây sự chú ý. Ai chẳng biết cậu cả bám thầy Vương cỡ nào, giờ mỗi người quay một hướng, bị dò hỏi còn khốn khổ hơn. Thôi quên chuyện ban nãy đi để thiên hạ thái bình. Khổ, một phút lỡ dại của thầy Vương mà hậu quả thật khó lường.
Khoang ăn của tàu toàn là người trong đoàn rước dâu ngồi, cậu cả ngồi đối diện thầy Vương, còn cô út ngồi cạnh anh trai. Tiêu An Hà không nhìn ra điều gì khác thường giữa thầy và anh, vì đây là lần đầu tiên cô út được đi xa như vậy. Thiếu nữ áo hồng còn đang mải ngắm từng khung cảnh lạ lẫm lướt qua cửa sổ kính tàu hoả, làm sao để ý đến ông anh mình hôm nay ít nói hơn.
Tiêu lão gia nhìn qua cửa sổ, xa xăm nhớ về nơi ấy. Lạc Dương à? Chà, vẫn phải quay lại nơi này. Nơi mầm mống của sự phản bội ra đời.
Đến đêm, mọi người trong đoàn rước dâu đều về buồng ngủ của mình nghỉ ngơi. Nếu theo đúng lộ trình thì trưa mai sẽ về đến khách điếm tại Lạc Dương, sáng ngày kia rước dâu. Gia đình trọc phú có khác, đám cưới hoa lệ rình rang từ Trùng Khánh tới Lạc Dương. Lão gia cưới vợ bé mà còn hoành tráng thế này, thì mai sau đích tôn rước mợ cả còn xập xình cỡ nào nữa. Người qua đường vô cùng mong chờ nè.
Mỗi tội cậu cả chẳng chơi với cô lớn nhà nào. Ấy, bằng tuổi cậu cả, lão gia đã cưới bà hai rồi, cậu cả lại không định để dân Trùng Khánh ăn cưới à? Hổ cái danh ăn chơi của bố con cậu cả quá! Càng kén lại càng khó, nào để người qua đường chúng tôi lót dép đợi xem mặt mợ cả nhà cậu thế nào, mà lại khó khăn thế.
Gần trưa ngày hôm sau, tàu hoả cập bến Lạc Dương. Mọi người chưa kịp hoàn hồn đã bị cánh ký giả đánh úp bao vây chụp ảnh tung toé. Tiêu lão gia còn phải chửi thề, tổ sư cái bọn rỗi hơn, tao đi cưới vợ chứ có đi ăn cướp đâu. Người thích nhất chỉ có mỗi bà ba, không mất tiền chụp ảnh, còn được lên báo miễn phí.
Tiêu Chiến và Vương Nhất Bác đợi bà ba dụ đám ký giả đi xa rồi mới cùng Tiêu lão gia xuống tàu. Đấy, cho bà hai, bà ba và cô út đi một vòng chơi chán, cầm chân đám chó săn thì ông mới thở được. Tiêu Chiến và Vương Nhất Bác được Tiêu lão gia đưa đến một nhà hàng Tây ở Lạc Dương ăn trưa, sau đó sẽ về nhà cậu chào hỏi. Tiêu Chiến trong đầu hiện lên dấu hỏi chấm to đùng. Cậu cả muốn sang nhà thầy Vương chơi vì muốn chào hỏi thầy u cậu thôi, chứ bố cậu cả đi luôn theo làm gì? Thầy Vương trong đầu hiện lên dấu hỏi chấm còn to hơn, không hiểu tại sao mình đi nhờ tàu về quê lại mời luôn cả cha con lão gia về. Lão gia lấy vợ mà vẫn ham chơi nhỉ? Tiêu lão gia cảm thấy vô cùng bình thường, ô chứ lấy vợ lại không được đi chơi à?
Nhà Vương Nhất Bác tít tận trong làng, xa lắc xa lơ nhà của bà tư. Vào mùa gặt, đường đất được phủ hết rơm lên phơi, xe hơi cứ thế cán qua, xóc nảy cả người. Chả hiểu đường xá cái kiểu gì, xóc tới mức long hết cả ốc vít xe. Thầy Vương ngồi ghế lái phụ chỉ đường cho anh tài xế, còn cha con Tiêu lão gia ngồi băng ghế sau. Đấy, chủ với tớ nó có khoảng cách xa như thế này đấy.
Qua bảy bảy bốn mươi chín cung đường nghiệt ngã, khi mà bốn người trên xe lắc mệt, và thầy Vương bị say xe sấp mặt, thì đã tới nhà thầy Vương. Một căn nhà xinh xinh nằm giữa một cái sân nhỏ. Trong sân có một đụn rơm cao ngất, đàn gà cứ lon ton lượn ra lượn vào, mổ từng hạt thóc rơi vãi. Giữa sân là số thóc đã gặt được phơi khô, bên dưới lót một tấm bạt cho đỡ sạn. Dưới hiên nhà lụp xụp, một bà lão mặc hán phục đơn giản, trên đầu cài trâm gỗ đang ngồi trên ghế băm bèo. Đây là bà ngoại của Vương Nhất Bác.
Lòng thầy Vương trào lên một tình thương mãnh liệt, quặn lại sâu thẳm trong tim. Thời thơ ấu về quê bị chó đuổi, rồi bà ngoại đuổi chó hộ lại hiện về rõ ràng trong trí nhớ của thầy. Mệ ơi, mệ đã già như vậy rồi, mà giờ cháu mới về thăm mệ được. Mệ ơi, cháu nhớ mệ quá!
Vương Nhất Bác mở cửa hàng rào bước vào, tiến đến chỗ bà cụ đang băm bèo. Nhẹ nhàng ngồi xổm xuống, thầy Vương đưa đôi mắt ậng nước nhìn bà cụ. Bà cụ cảm nhận được có người đến thì ngẩng mặt lên, ánh mắt mơ hồ, như phủ một tầng sương mỏng.
"Mệ ơi, cháu đã về rồi đây!" Vương Nhất Bác mỉm cười, cầm lấy đôi tay khẳng khiu, gầy guộc của bà cụ.
"Hả?" Bà cụ vẫn dùng ánh mắt mơ hồ đó đáp lại Vương Nhất Bác.
"Cháu về rồi đây." Vương Nhất Bác lặp lại câu chào ban nãy. Hình như có gì không ổn.
"Nhà cụ không bán sắn dây." Và bà cụ đáp lại bằng một câu trả lời chẳng liên quan.
"..." Thầy Vương.
"..." Tiêu lão gia.
"..." Cậu cả.
"..." Anh tài xế.
Tiêu lão gia và Tiêu Chiến ban nãy sắp cảm động khóc đến nơi rồi thì lại bị câu trả lời lãng xẹt của bà cụ làm tuột cả cảm xúc. Thì ra là bà bị lãng tai, người ta nói gà thì bà nghe vịt. Ôi cái cuộc gặp mặt này đáng ra phải vô cùng cảm động cơ mà. Ơ kìa, sao lại thành ra như thế này.
"Ơ kìa mệ, cháu là thằng cu Bác của mệ đây, mệ không nhận ra cháu à?" Vương Nhất Bác cố gắng nói to để bà nghe thấy. Bà cụ bị lãng tai mà thầy u không ai nói cho cậu nghe.
"Có, nhà bà có bán gà. Để bà gọi cô chú nhớ. Giao ơi, có khách mua gà." Bà cụ hớn hở đứng dậy gọi con gái ra bán gà. Lúc đứng lên, cái lưng còng của bà lộ rõ. Nó đã cụp xuống thành một độ cong mà người ta nhìn thấy vô cùng xót xa.
Thôi Vương Nhất Bác chán hẳn, không nói chuyện với cụ nữa, đứng lên đợi mẹ đi ra. Cậu xót xa nhìn người đàn bà cả một đời lam lũ vất vả, một tay nuôi nấng đàn con bốn đứa. Cụ ông và cụ bà sinh được ba trai một gái, nhưng đều nhập ngũ và mất sớm. Trong thời loạn, ba người cậu của thầy Vương bỏ mạng, để lại cụ bà với nỗi đau vô tận. Hiện tại, cụ chỉ còn dựa dẫm vào vợ chồng con gái mà thôi. Vương Nhất Bác ngó vào bàn thờ trong gian nhà, bốn cái bia, không có ảnh thờ lạnh lẽo nhìn ra ngoài.
"U gọi gì con đấy?" Mẹ của Vương Nhất Bác hớt hải chạy từ sau vườn ra, vừa đi vừa lau hai bàn tay vào tạp dề đeo trước hông.
"U ơi..." Vương Nhất Bác sững người nhìn mẹ mình chạy lại. Mấy năm không gặp, tóc mẹ đã bạc đi từ bao giờ.
"Nhất Bác hả? Con mới về à? Không báo cho u biết." Bà Vương lại gần con trai, nhào tới nắm lấy hai bàn tay con. Mấy năm không gặp, Vương Nhất Bác đã chững chạc hẳn ra.
"Thầy đâu rồi u?" Vương Nhất Bác không phải kiểu người ủy mị, nhưng không khỏi tránh được xúc động khi đứng trước mẹ mình.
"Thầy đang ngoài đồng gặt nốt lúa, u rửa chuồng lợn. À, con chào mệ chưa? Mệ bị lãng tai con phải chào to lên." Bà Vương kéo tay con chán chê mới để ý tới hai con người quần áo là lượt đang phơi nắng cùng với thóc trước sân.
"Khách của con à?" Bà Vương hơi khó hiểu hỏi Vương Nhất Bác. Khó hiểu thật luôn đấy, nắng cỡ này mà hai bố con lại ngồi xổm nghịch thóc là thế nào?
"Vâng..." Một là ông chủ, một là bàn học, và hai người đang rất hào hứng khi lần đầu tiên sờ vào hạt thóc. Chứ đó giờ biết mỗi hạt gạo trắng thôi mà.
Tiêu Chiến rất lạ lẫm với rơm, thóc và gà con. Anh cầm luôn một con gà con lên nghịch, trông đáng yêu quá nhỉ? Bắt một con về chơi được không? Gà này béo ghê cơ, nuôi lớn thịt chắc thích lắm.
Tiêu lão gia cũng ngồi xổm nghịch thóc. Úi thóc mập ghê cơ, này thì hạt gạo chắc mẩy lắm. Xin về nhà lấy giống cho đám nông dân thuê ruộng trồng được không nhỉ? Tiêu lão gia vẽ ngay trong đầu một kế hoạch làm ăn mới.
Vương Nhất Bác nhún vai nhìn mẹ, nhà giàu nhiều khi cũng khó hiểu lắm chứa đùa. Đối với những người ăn gạo trắng như cha con Tiêu gia, thì hạt thóc là một khái niệm vô cùng lạ lẫm. Chắc lần sau đi dạy Tiêu An Hà, thầy Vương cũng phải mang thóc đi giới thiệu. Chứ để cô út ngố tàu như ông anh thì chết dở.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top