Chương 8: Gõ cửa trái tim
Ở Sài Gòn, Nhất Bác có một cái xưởng rượu. Ban đầu là do anh hùng hạp với bạn bè dựng nên, nhưng một thời gian vì bất hòa với hai người bạn chung nhóm, mà anh tách ra làm riêng. Mấy người khác cũng không thích hai người kia, nên cũng đi theo làm công nhân cho anh. Từ một cái xưởng lớn ba người chủ, trở thành một chủ, mạnh ai nấy tự mở xưởng, mở nhà máy.
Về quê hai tháng, công việc trong xưởng chất đầy thành núi, biết bao nhiêu đơn hàng không có người giải quyết. Nên vừa lên đến Sài Gòn, Nhất Bác liền bị công nhân giữ chặt ở xưởng không cho đi đâu. Thậm chí, còn thay phiên nhau đi ra đi vào tìm ông chủ, vì sợ buông ra thì anh sẽ đi mất. Ngày xưa vua trốn thái giám để đi vi hành, nhưng ông chủ của họ dù không phải là vua mà nhân công vẫn phải mò tới tận nhà để tìm. Khổ thế đấy.
Ngồi nhìn đống đơn hàng chất thành hai chồng cao ngất ngưởng trên bàn, Nhất Bác thở dài thườn thượt, nhưng cũng bắt tay vào giải quyết cái mớ tàn tích do mình mê trai để cho tồn lại. Chỉ mới có hai tháng, mà đơn đặt hàng đã xếp thành hai chồng. Ở lại quê lâu thêm chút nữa, chắc nhân công trong xưởng đăng tin tìm người rồi phao đồn ông chủ của mình chết mất xác, sau đó là mời thầy cúng lập đàn gọi hồn luôn quá. Nhân công có tâm với ông chủ ghê.
Nói đến có tâm với ông chủ, thì phải nói đến chú Tân quản lí xưởng. Chính chú là người xúi thằng Tủn Cai Lậy mò đến Châu Đốc để lôi đầu Nhất Bác về. Cũng chính chú Tân, là người dạy cho anh ủ những loại rượu gia truyền của nhà mình và khuyến khích anh mạnh dạn sản xuất ra thị trường. Nên khi anh bỏ về quê, cho dù chú là người dày kinh nghiệm, có thể quyết định mọi việc, thì chú vẫn phải thực hiện đúng nghĩa vụ là gọi chủ mình lên kí đơn.
Kí xong đơn hàng cuối cùng để cho nhân công kiểm kho giao cho khách, Nhất Bác vươn vai tựa lưng vào ghế nhìn đồng hồ treo tường mới biết là hơn 8, 9 giờ tối rồi. Xe xuất bến lúc 5 giờ, đến Sài Gòn là 12 giờ, xem ra đã ngồi mài mông trong văn phòng hơn bảy tiếng đồng hồ. Xem ra, đơn hàng không nhiều lắm. Vì nếu nhiều chẳng hết mau thế này, có khi phải thức mấy ngày mới xong.
Đóng cửa tắt đèn văn phòng trong xưởng, Nhất Bác lội bộ về căn nhà mình thuê cách công xưởng chỉ có 10 phút đi bộ. Nhìn các cặp đôi đèo nhau trên đường anh lại thở dài một hơi, mất công về quê tán tỉnh người ta suốt hai tháng. Cuối cùng, lại thành công dã tràng, còn bị người ta từ chối không thương tiếc.
Quẹo vào khu nhà dành cho người ở xa thuê theo năm. Nhất Bác vừa mở cửa rào, liền bắt gặp Tuấn là thằng bạn đồng hương quê An Giang của mình đang ngồi trong sân ôm cây đàn ghita, vừa nhâm nhi rượu đế Gò Đen vừa hát nghêu ngao bài 'Gõ cửa trái tim':
- Gõ trái tim van em được vào, dù tình xót đau chung thân huyệt đạo. Ngủ vùi với chiêm bao, nỗi niềm mắt xanh xao. Nhưng anh vẫn ngóng tim em mở cửa...
Đang thất tình heo sữa, lại vừa mới mài mông trên xe đò hơn bảy tiếng đồng hồ, còn phải ngồi lì ở trên xưởng thêm tám tiếng, trước sau là mười lăm tiếng đồng hồ. Vậy mà, về đến nhà trọ còn nghe thằng bạn hát cái bài đúng tâm trạng của người thất tình, khiến cho Nhất Bác cảm thấy trong lòng còn buồn hơn nữa.
Nghe thằng bạn hát đi hát lại mỗi bài 'gõ cửa trái tim', Nhất Bác không biết là nó cố tình hay thực sự chỉ thuộc có một bài. Nhưng mà trong lòng giống như bị mọt đục, đi đến giật lấy ly rượu trên tay của Tuấn tu một hơi và nói:
- Hát bài khác đi. Hát hoài một bài không chán à.
Bị giật ly rượu một cách ngon ơ, lại còn bị cắt ngang dòng cảm xúc. Tuấn đau khổ gào lên:
- Tui đang dùng cơn say tìm tâm trạng thất tình để đến trung tâm tuyển chọn giọng hát thi làm ca sĩ mà. Sao ông cướp ly rượu của tui vậy Nhất Bác?
Không nói tiếng nào, Nhất Bác đi một mạch vào nhà, lấy một chai rượu thốt nốt, nướng hai con khô cá lóc, mang ra để trước mặt Tuấn và nói:
- Tui đang buồn. Nhậu với tui đi.
Nhìn hai con khô nướng đang bốc khói thơm phức, cùng với chai rượu thốt nốt nổi tiếng của vùng Châu Đốc đang sóng sánh dưới trời trăng. Tuấn khẽ nuốt nước bọt một cái, trăng thanh gió mát vừa đàn vừa hát, vừa nhâm nhi khô với rượu thì còn gì bằng. Huống hồ, không phải lúc nào cũng được uống rượu thốt nốt, phải có mùa mới uống được. May mắn sao tháng này không phải mùa thốt nốt, mà vẫn có rượu để uống.
Vốn là người làm nông tìm đến Sài Gòn để đổi đời, nên cái thú uống rượu giải sầu, hay là uống ghiền thì nó cũng đã ngấm vào trong máu của nhà nông. Tuấn cũng không ngoại lệ hơn ai, cũng vừa uống rượu nhắm với khô cá lóc đặc sản Châu Đốc do thằng bạn đem lên, vừa nghe nó than thở chuyện buồn của nó.
Là đồng hương với nhau, biết nhau trên một chuyến xe miền Tây, lại còn là hàng xóm trong khu nhà trọ, nên nghe Nhất Bác than thở rằng bị thất tình cũng cảm thấy đồng cảm. Thằng nào chả thế. Tuấn vỗ vai anh mấy cái rồi nói:
- Ông đừng buồn, có thể nhóc con đó chưa hiểu ra tình cảm của ông thôi. Huống hồ người ta còn nhỏ mà, ông nói vậy khó tránh người ta không hiểu. Kiên nhẫn đi.
Thở dài não nề lần nữa, Nhất Bác rót một ly tu một cái ực. Cái cảm giác cay xè của rượu lan trong cuốn họng, so với cái cảm giác nghẹn ứ từ sáng đến giờ ở cổ họng cũng không khác là bao. Một cái vừa cay vừa ngọt, còn một thứ vừa cay vừa đắng. Chỉ có điều là một cái là rượu một cái là tình.
Dưới trời trăng sáng, Nhất bác và người bạn đồng hương uống rượu từ chai này đến chai khác, phải gọi là nhậu đến xỉn quắc cần câu. Một đứa là dân nhậu, một đứa thì đang thất tình mà ngồi chung một bàn thì phải gọi là hợp như người ta đánh tiến lên muốn chặt heo là phải có tứ quý.
Nhà thơ Hàn Mạc Tử có một câu thơ kinh điển 'người đi một nửa hồn tôi mất, một nữa hồn tôi bỗng dại khờ'. Khi con người ta đã gặp phải người mình thích, một ngày không gặp người đó, thì chính là một năm không gặp. Chưa kể, người đó bình thường loanh quanh mình, đùng một cái biến mất tăm mất dạng. Tất nhiên, ban đầu sẽ không nghĩ gì, nhưng vài hôm sau sẽ là khoắc khoải nhung nhớ, thẩn thờ mong ngóng.
Từ hôm Nhất Bác đột ngột trở về Sài Gòn đến nay đã hai tháng đúng. Suốt hai tháng nay, Chiến giống hệt người mất hồn, đi vào quán cứ luôn miệng gọi tên anh, không nghe tiếng trả lời liền cáu gắt giận cá chém thớt, ai làm gì cậu cũng không vừa ý. Đến khi nghe chị Mùi nói anh đã về thành phố rồi, thì mặt mới xụ ra một đống như cái bánh bao chiều nhún nước. Nhìn thương vô cùng.
Đóng cửa quán một cách mạnh bạo, Chiến đạp xe về nhà liền đi ra bờ ao lần đó mình gặp Nhất Bác ngồi chờ anh. Đã hai tháng nay, chiều nào cậu cũng ra đây ngồi. Vì cậu tự nhủ rằng là anh chỉ đang trêu mình thôi, ban ngày không xuất hiện, thì tối sẽ đến đây. Nhưng ngày nào cũng chờ tới khuya mà vẫn không thấy bóng dáng anh đâu hết.
Đung đưa hai chân qua lại trong nước, Chiến nhặt một viên sỏi ném xuống ao miệng lầm bầm:
- Cái đồ dở hơi cám heo, cái đồ biến thái, cái đồ thất hứa...cái đồ...cái đồ ma nước chết trôi...anh tốt nhất là đừng để tui tìm thấy anh. Tui mà thấy là tui băm anh ra nấu bún luôn. Ông thầy bảy phán xạo...biết vậy hổng thèm tin lời ổng...
Ngồi ngoài bờ ao một hồi không thấy Nhất Bác, còn bị muỗi đốt. Chiến thất vọng đi vào nhà, rồi đem cái mặt ủ dột như mất tiền đó đi vòng vòng trong nhà như cái xác không hồn, khiến cho anh Cường bực quá phải quát lên:
- Mày làm ơn dẹp cái mặt đó qua một bên dùm tao được không? Sáng sớm ai mới mở xòng bài mà gặp mày chắc chung tiền khùng luôn quá.
Vốn đang không vui, còn bị anh trai quát. Chiến cũng không vừa quay sang bật lại:
- Nói nhiều quá, im dùm đi được không?
Đóng cửa phòng nghe một cái rầm, Chiến đổ ầm cả người lên giường thở dài nảo nề. Trong lòng thầm đem Nhất Bác ra mắng một trận nữa, miệng thì nói thích cậu, vậy mà biến mất chả thấy tăm hơi đâu. Anh càng quá đáng hơn là, không nói không rằng âm thầm lặng lẽ đi về Sài Gòn luôn. Một lời tạm biệt cũng không có. Đúng là quá đáng mà.
Mắng Nhất Bác chán rồi, Chiến chuyển qua mắng ông thầy bói Bảy trong miếu Bà. Nào là phán trật lất mà cũng đòi làm thầy bói, nghe lời ông thầy lạnh nhạt với anh làm gì, để bây giờ anh bỏ đi luôn không chịu về nữa. Anh không về thì lấy ai cho cậu sai vặt, ai chở cậu đi chợ...hơn nữa anh đi rồi ai gây lộn với cậu đây. Không có ai gây lộn cậu buồn lắm.
Chửi ông thầy bói Bảy một hồi Chiến ngủ thiếp đi, nhưng trong đầu vẫn duy trì suy nghĩ ngày hôm sau sẽ tìm ông thầy bói mắng cho một trận. Mắng cho bỏ cái tật phán nhảm đi, cái gì mà gỡ duyên âm. Người ta đi mất tiêu rồi, gỡ hàm râu của ông thầy đấy, chứ gỡ duyên âm cái gì chứ. Tức quá đi mất.
Quả nhiên sáng hôm sau, đợi quán vắng khách rồi Chiến liền chạy qua miếu Bà tìm ông thầy bói Bảy hỏi chuyện. Vừa ngồi xuống, ông thầy liền nói:
- Sao hả? Duyên âm có phải được gỡ rồi không?
Chiến hừ giọng một cái rồi nói:
- Ông thầy bói rởm. Nghe lời ông giờ anh ta đi luôn rồi, trả tui mười lăm đồng nhanh lên. Ông phán xàm không à.
Bị Chiến đòi tiền, mặt ông thầy bói méo xệch. Tiền làm gì còn đâu, nhậu hết trơn rồi, hơn nữa từ sáng đến giờ có ma nào đến xem quẻ đâu mà có tiền trả. Có cái thân khố rách áo ôm của ông thầy bói thôi, có muốn đòi không. Mang về làm thảm trải cũng sạch chân lắm.
Thấy Chiến chìa tay đòi tiền, ông thầy thở dài khai sạch sành sanh:
- Tao thú thật với mày là tao phán xàm, nhưng tại nó thương mày nên mới mua chuộc tao phán đểu.
Như sấm giữa trời quang, Chiến biết mình bị Nhất Bác lừa vào tròng, liền tức xì khói lỗ tai, nghiến răng ken két hận không thể phi thẳng một đường lên Sài Gòn tìm anh hỏi cho ra lẽ. Nhưng vì không biết anh làm gì trên đó, nhà ở đâu nên phải nhịn xuống. Đợi chạy qua hỏi chú hai Phi đâu đó rõ ràng, rồi về nhà gom quần áo lên thành phố đập anh một trận cũng không muộn.
Nghĩ là làm, Chiến nhờ chị Mùi trông quán giúp, lật đật phi xe đạp đến nhà Nhất Bác tìm chú hai Phi hỏi thăm vài thứ về anh:
- Chú hai ơi! Chú biết anh Út Còi làm gì ở trên Sài Gòn không chú.
Chú hai Phi đang xắt chuối cho heo ăn, nghe Chiến hỏi xong chú à một cái và nói:
- À...nó mở xưởng rượu ở trên Sài Gòn, con tính mua rượu về quán bán hả?
Sợ bị chú hai Phi phát hiện mình có ý đồ khác, Chiến giả vờ gật đầu:
- Dạ đúng rồi chú. Vậy chú biết địa chỉ xưởng của anh út Còi không chú?
Chú hai phi vẫn không biết con trai mình sắp bị người ta ôm đồ đến chỗ tìm, nên thật thà nói:
- Còn nhỏ mà biết kinh doanh quá ta...chú không biết địa chỉ nhà nó, hay xưởng gì hết. Chú chỉ biết là xưởng rượu của nó là xưởng rượu Bình Minh thôi. À, mà quên nữa con chờ chú chút. Bữa trước nó có đưa cho chú cái gì dít dít đó, trong đó có địa chỉ, để chú lấy cho con.
Nói xong, chú hai Phi đứng lên đi vào nhà lấy danh thiếp của Nhất Bác đưa cho Chiến, còn không quên dặn cậu nếu co lên Sài Gòn thì ghé nói chú một tiếng. Vì chú có đồ muốn gởi lên cho anh, nhờ cậu chuyển giúp. Nhưng chú nào biết, con trai mình sắp bị heo sữa rượt đánh tận nơi đâu. Có trách, thì trách cái số con trai chú tương lai làm kẻ thờ bà thôi.
Cầm địa chỉ xưởng rượu của Nhất Bác ở trên tay, Chiến hí hửng chạy về nhà, rồi rút đầu ở trong phòng thu dọn quần áo bỏ vào trong balo. Sau đó, nghĩ ra trong đầu một đống lí do để dì Tuyết cho mình lên Sài Gòn tìm anh. Tất nhiên là không thể nói đi tìm trai được, để bị ăn cán chổi lắm. Lên đó tìm trường học nấu ăn có vẻ hợp lí hơn.
Suy nghĩ một hồi, Chiến tự làm hành động cổ vũ mình, rồi đi ra ngoài tìm dì Tuyết:
- Mẹ ơi! Con tính xin nhờ anh hai với chị ba coi quán dùm con một thời gian. Con muốn lên Sài Gòn học nấu ăn, học nấu mấy món lạ lạ về đây bán. Mẹ đồng ý nghe mẹ.
Không biết con trai mình đang chuẩn bị ôm đồ theo người ta, dì Tuyết tưởng Chiến muốn lên Sài Gòn học hỏi mở mang đầu óc với bạn bè. Xa con thì không nỡ, mà từ chối thì không đành. Dì suy nghĩ một hồi liền nói:
- Vậy con tính chỗ ở chưa, làm ở đâu chưa? Sài Gòn là xứ lạ quê người, không phải như quê mình nói đến là đến, nói đi là đi đâu con. Anh út Còi con của chú hai Phi làm ở Sài Gòn, hay là con qua nhờ chú giúp đi. Ở trên đó có anh coi chừng con, mẹ mới yên tâm.
Biết mẹ sẽ nói như thế nào, Chiến lợi dụng nước đục thả câu:
- Con biết rồi. Ngày mai con chạy qua nhờ chú hai Phi. Vậy là mẹ đồng ý cho con lên Sài Gòn phải không mẹ?
Thấy cái gật đầu của dì Tuyết, trong lòng Chiến vui như mở cờ trong bụng, vội chạy về phòng chuẩn bị quần áo, chọn ngày phong thủy hợp với tuổi của mình để lên Sài Gòn tìm Nhất Bác. Cậu không tin, ở cái thành phố to như vậy mình không tìm ra được anh. Phải tìm anh hỏi cho ra lẽ mới được.
Nằm trằn trọc trên giường, Chiến cố gắng đến mấy cũng không ngủ được. Mặc dù là sẽ nhớ mẹ, nhớ ba và nhớ nhà lắm, cũng biết mình làm vậy là không đúng lắm. Nhưng cậu có việc quan trọng phải lên tận nơi hỏi Nhất Bác cho ra lẽ, chỉ cần thắc mắc của cậu được giải đáp. Cậu tự mò về ngay, không để cho gia đình lo lắng khi bản thân ở Sài Gòn một mình. Tuyệt đối không bao giờ
(Mọt đục cũng là từ lóng của người dân Châu Đốc hồi xưa, ý nói quạo sẵn ở đâu đem ra trút lên người khác)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top