Chương 10: Thích?

Làm kẻ mất liêm sỉ ôm đồ lên Sài Gòn tìm trai, Chiến bị xích lô lừa mất một trăm đồng, còn bị người ta móc túi lấy hết tiền mang theo. Nhưng thằng móc túi cũng nhân từ, nó không lấy hết tiền, chừa lại cho khổ chủ mấy đồng. Chỉ có điều không đủ mua một cái bánh cống đặc sản Tiền Giang thôi. Không có tiền về quê, lại không biết rành đường xa, heo sữa đành ở lại nhà Nhất Bác.

Ăn nhờ ở đậu nhà người ta, thì phải làm cái gì đó trả ơn. Chiến suy nghĩ suốt một đêm quyết định sẽ quét dọn nhà cửa, giặt quần áo cho Nhất Bác. Chỉ có như vậy, cậu mới có mặt mũi ở lại nhà anh. Huống hồ, mấy bữa trước xin mẹ lên đây học nấu ăn, mà tự nhiên mới lên có mấy ngày đòi về, thế nào cũng lộ chuyện ôm đồ đi theo trai. Lúc đó, chổi chà đến mông không oan ức chút nào.

Ở nhà Nhất Bác được một tuần, Chiến quen giờ giấc đi về của anh. Đường đi ra chợ, đến công xưởng hay ra bến xe...cậu đều được anh dẫn đi mỗi ngày, có thể nói là tự đi một mình cũng không sao. Nhưng vì hơi ngốc, nên đi chợ luôn bị người ta lừa bán đắt hơn ở dưới quê, mà so với giá cả của những chợ khác cũng đắt hơn nhiều. Chợ Bến Thành nổi danh là chợ chém không ngoa chút nào đâu.

Hôm nay, đài phát thanh còn chưa làm việc, Nhất Bác liền mở cửa nhà, đi ra ngoài đến xưởng rượu giải quyết vài chuyện. Mấy ngày gần đây trời mưa suốt, thời tiết thay đổi liên tục, rượu trái cây ủ theo phương pháp truyền thống, nhiệt độ rất quan trọng. Ẩm thấp không được, lạnh quá thì không chính xác ngược lại nóng quá thì lại thành hỏng. Vì chuyện này mà một tháng nay anh không giao được rượu ngon cho các nhà hàng.

Khui một thùng rượu nho, Nhất Bác rót ra một ly, nhìn thấy màu nâu nhạt, còn có mùi tương tự giấm, thì thở dài một cái:

- Chú Tân! Lại hỏng rồi. Xem ra tháng này không thích hợp ủ rượu nho.

Rót thêm một ly nhỏ như ly cúng ông địa, chú Tân ngửi một lúc cảm thấy có gì đó không đúng, liền nếm thử một giọt:

- Là có người lén mở mấy thùng rượu này ra.

Nhất Bác ngạc nhiên hỏi lại:

- Nhưng mà là ai mới được? Không lẽ có người muốn phá con.

Chú Tân suy nghĩ một hồi rồi nói:

- Hình như cách đây nửa tháng con mới tuyển hai nhân công coi xưởng phải không? Mà rượu của con thì cứ hỏng suốt. Nên chú nghi ngờ là một trong hai đứa mới tới làm. Chứ bình thường đâu có. Nếu con tin chú, thì để chú điều tra cho.

Biết chú Tân thật lòng giúp mình, nên Nhất Bác gật đầu đồng ý để chú điều tra ai là người chơi xấu mình. Tự mở xưởng hơn bốn năm nay, anh không mất lòng với nhân công bao giờ. Lương trả cho họ hàng tháng, đủ để gửi về quê và còn có thể chi xài linh tinh ở trên Sài Gòn. Còn bạn bè thì càng không, ba đứa kinh doanh ba ngành nghề khác nhau, nên không có lí do gì để làm hỏng rượu của anh. Thương trường là chiến trường ông bà nói cấm có sai.

Sỡ dĩ Nhất Bác tin tưởng chú Tân quản lí một cách tuyệt đối, là có nguyên nhân chính đáng. Từng là người có kinh nghiệm, lại còn từng có trong tay rất nhiều xưởng rượu. Nhưng bị người ta chơi xấu, khiến chú Tân đã bị phá sản. Nên khi chú thấy anh có ý định mở xưởng, lo lắng anh sẽ bị giống mình. Chú không ngại trở thành người quản lí nhân công cho anh, sẵn sàng chỉ dạy anh những gì mình biết.

Tình cảm Nhất Bác dành cho chú Tân ngoại trừ sự tin tưởng, thì còn có sự kính trọng. Chú luôn tận tình hướng dẫn anh làm sao để phân biệt rượu thượng hạng và rượu thường nhưng nhãn mác là hàng hiệu. Thậm chí, bí quyết gia truyền để có một mẻ rượu ngon cần làm như thế nào, chú cũng mang ra thổi vào tai anh. Còn dặn dò thật kĩ, sống để bụng chết mang theo. Người tốt mà bị gặp biến cố phá sản, ai mà đành lòng lợi dụng.

Giao việc điều tra trong nhóm nhân công lại cho chú Tân, với người có kinh nghiệm như chú, chừng vài ngày là có thể biết thủ phạm. Chuyện bây giờ là làm thế nào, để bảo quản số rượu mới vừa vào chai không bị hỏng. Vương Nhất Bác vừa đi vừa suy nghĩ mà về nhà lúc nào không biết.

Vừa bước chân vào nhà, Nhất Bác ngửi được mùi cá thu kho nước dừa thơm phức, còn có mùi rau muống xào thịt ba rọi xộc vào mũi. Anh như bừng tỉnh thoát khỏi những suy nghĩ của bản thân, nhìn chằm chằm vào bếp có một bóng dáng tròn tròn đang xào xào nấu nấu. Thỉnh thoảng còn vừa nấu vừa hát, trông dễ thương vô cùng.

Đứng tựa lưng vào cửa phòng tắm nhìn Chiến vừa nấu cơm vừa hát, khóe môi của Vương Nhất Bác bỗng nhiên lại kéo đến mép tai. Trong đầu anh bắt đầu suy nghĩ lên viễn cảnh sau này. Đó là tương lai anh sẽ cưới cậu về hai người sinh một đứa nhóc, mỗi ngày đi làm về đều có người nấu một bàn cơm canh nóng hổi. Một nhà ba người cùng nhau quây quần bên bàn ăn, cuộc sống như vậy còn gì bằng.

Múc tô canh chua bạc hà đậu bắp cá hú để lên bàn, thấy Nhất Bác đang đứng tựa lưng vào cửa nhìn mình chằm chằm, rồi cười như thằng hâm. Chiến tưởng anh bị chập dây thần kinh, liền đánh bốp vào vai anh một cái:

- Tự nhiên đứng cười, bị khùng hả. Rửa tay, rửa mặt đi rồi ăn cơm.

Gãi đầu cười trừ, Nhất Bác đi vào phòng tắm rửa tay rửa mặt, rồi ngồi vào bàn ăn cơm trưa với Chiến. Từ ngày cậu lên đây ở với anh, ngày nào về nhà cũng có người chờ cơm, chẳng bù với trước đây. Cứ sáng đi một mình, tối về cũng chỉ có một mình. Thậm chí, đến cái bếp dầu lửa, anh cũng chưa đụng đến để nấu một gói mì Vị Hương.

Nhìn mâm cơm có mấy món, nhớ đến đi chợ ở trên Sài Gòn cũng đắt hơn ở dưới quê. Chiến than thở với Nhất Bác, còn khâm phục anh tại sao có thể gầy dựng được xưởng rượu ở trên đây, thì anh chỉ nhướng mày một cái rồi phán một câu xanh rờn:

- Đó là do nhóc bị ngốc thôi, ai bào nhóc đi chợ Bến Thành là gì cho họ chém. Đi chợ An Đông gần nhà mình không đi.

Bị mấy bà bán rau củ trong chợ Bến Thành chém giá tới xương, bỏ công đứng nấu ăn, còn bị chê ngốc. Chiến tức quá, vung chân đá vào ống quyển của Vương Nhất Bác một cái rồi nói:

- Là ai không chỉ đường cho tui hả?

Vốn đang buồn chuyện bị nhân công chơi xấu, nhưng nhìn thấy thái độ tức tối khi bị lừa của Chiến. Trong lòng của Nhất Bác, không hiểu sao lại muốn trêu cậu một chút:

- Là nhóc không hỏi anh. Nhóc không hỏi, anh làm sao trả lời.

Chiến tức cành hông, gào thẳng vào mặt Nhất Bác:

- Anh...anh quá đáng vừa thôi...

Đạp vào chân Nhất Bác một cái rõ đau, Chiến đứng lên đi vào phòng đóng cửa lại một cái rầm, khóa chốt cửa bên trong, không cho anh vào phòng lấy đồ đi tắm. Ai bảo người quá đáng với cậu trước chính là anh chứ, mới ở dưới quê lên có một tháng rưỡi thôi, đường xá ra sao còn chưa rành, dám đi chợ mỗi sáng là giỏi lắm rồi, làm sao dám tìm chợ nào bán rẻ hơn. Không an ủi thì thôi, còn bị mắng là ngốc. Đúng là tức chết mà.

Nhìn cánh cửa phòng của mình đang đóng kín mít, Nhất Bác nhận ra mình nói hơi quá lời, trong lòng cảm thấy có chút áy náy. Chiến đã bỏ cả buổi sáng để đi xe bus ra chợ mua đồ về nấu ăn cho anh. Nhưng anh không cám ơn, mà còn trêu cậu ngốc. Bị đá vào chân còn nhẹ, cậu mà giận bỏ về quê là to chuyện. Lúc đó có mười cái miệng, anh cũng đừng hòng rước được heo sữa về nhà mình. Chơi ngu rồi.

Thở hắt một hơi, Nhất Bác đứng lên đi đến gõ cửa phòng gọi Chiến:

- Nhóc con...nhóc đang giận anh hả?

Mặc dù đang vùi đầu vào trong chăn của Nhất Bác, nhưng Chiến vẫn nghe được tiếng anh gọi mình, giận dỗi nói:

- Không dám giận ông chủ xưởng rượu đâu. Mình ăn nhờ ở đậu nhà người ta mà, thì làm sao dám giận ai.

Biết heo sữa giận mình, Nhất Bác thở dài nhìn bàn cơm còn đang bốc khói nghi ngút, nhớ ra Chiến ăn chưa no. Sợ cậu sẽ đói không ngủ được, anh chừa riêng một phần rồi lấy lồng bàn đậy lại. Heo sữa bị anh chọc giận bỏ cơm giữa chừng, thế nào cũng sẽ xuống bếp hâm đồ ăn lại thôi. Nhưng mà cái bệnh thích trêu heo sữa đã ăn sâu vào máu rồi, bảo anh bỏ nhất thời không làm được. Vì trêu cậu đã thành thói quen của anh rồi.

Cuộc sống của Nhất Bác trước đây vốn chỉ quanh quẩn ở xưởng, rồi về nhà ngủ. Có khi nhàm chán quá, thì gọi mấy đứa bạn đến nhà làm vài ly, đến khi quắc cần câu thì thôi. Nhưng từ khi Chiến lên Sài Gòn ở với anh để đi học nấu ăn, không khí trong nhà có vẻ ấm cúng hơn. Vì ngày nào về đến nhà cũng có một mâm cơm nóng hổi. Bạn bè lâu lâu gặp lại, ai cũng trêu là anh đang phát tướng. Có đứa còn tưởng anh lén bọn nó cưới vợ, đòi gặp mặt mới khiếp.

Làm culi cho Chiến một thời gian, ăn cơm xong gom chén đĩa đi rửa đã thành thói quen của Nhất Bác. Mang tiếng là chủ nhà, nhưng chỉ cần anh rửa không sạch, là y như rằng cậu có thể lải nhải bên tai anh từ 3 giờ chiều đến 6 giờ tối. Có điều anh rất thích nghe cậu cằn nhằn, ngày nào không bị mắng cảm giác rất khó chịu. Nên phải trêu cho cậu cáu lên mới ngủ được.

Rửa xong mâm chén là trời sụp tối, Nhất Bác theo phản xạ mở cửa phòng bằng chìa khóa sơ cua. Thường ngày ở một mình đã quen rồi, nên cho dù đã ở chung với Chiến một tháng rưỡi, thỉnh thoảng anh vẫn quên là phòng mình đang nhường cho heo sữa, mà mở cửa đi vào vô tư. Kết quả là mấy lần bị cậu đánh cho một trận túi bụi hột sen.

Nhìn thấy Chiến đang dọn dẹp tủ quần áo cho mình, mồ hôi của Nhất Bác bắt đầu rịnh ra như tắm. Trong đầu thầm khấn xin ông bà tổ tiên, cho cậu đừng nhìn thấy cái hộp anh để sát góc. Cậu mà nhìn thấy là ngày này năm sau, là đám giỗ đầu tiên của anh. Từ cái hôm bị cậu tát ở bờ ao, thì tới hôm nay đã là bốn tháng, và cái yếm đó anh vẫn đang cất trong tủ.

Nhưng trái với sự lo lắng đến suýt bay luôn hồn vía của Nhất Bác, thì ai kia của anh gần như có phản ứng ngược lại. Lúc Chiến đang xếp quần áo cho anh, vô tình nhìn thấy trong tủ đồ của anh có một cái áo lót trắng. Tưởng là anh có người mình thích, nên trong lòng cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Bỏ công chạy lên đây tìm người, vậy mà người ta đã có người yêu rồi.

Ngắm nghía một hồi, Chiến phát hiện cái áo lót này sao mà giống cái áo lót mà bản thân làm mất ở bờ ao. Nhưng mà sao nó ở trong tủ của Nhất Bác, không lẽ thực sự anh đã giữ nó mấy tháng nay. Nghĩ đến đây trái tim của cậu đập thình thịch:

- Sao tim đập giữ vậy trời? Không lẽ mình thích anh ta?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top