bac ba phi(http://w1.60s.com.vn/truyen/761484/12112007.aspx)

Bác Ba Phi - Có bầy nai không bao giờ kêu :

Trên đường về nhà, bác Ba Phi cứ suy nghĩ nát óc để tìm cách trừng trị bầy nai phá đám mạ, vẫn chưa ra kế. Chiều hôm ấy bác cứ nằm gác tay qua trán trăn trở hoài và lặng thinh không chịu nói năng gì tới thằng Đậu. Thằng Đậu rất băn khoăn, nó đinh ninh là hồi hôm mình gác ách nhằm cặp heo cho ông nội đi cày, nên bị ông nội giận dai vậy.

- Con lỡ vô ý, ông nội đừng giận nữa - Thằng Đậu thủ thỉ với ông - Ông nghĩ coi, ban đêm mập mờ, heo với trâu con nào cũng bằng nhau, dễ lầm lắm.

Thằng Đậu hiểu lầm về ông nội. Thấy thằng cháu băn khoăn, bác Ba ngồi dậy xoa đầu nó, cười xòa:

- Đầu óc ông đang tập trung nghĩ cách trị cho bầy nai không dám bén mảng đến ăn đám mạ của mình nữa.

- Chỉ có vậy thôi sao ? Thằng Đậu bật cười. Té ra từ sáng tới giờ ông nội nó nằm dàu dàu là chuyện ấy. Nó ngước mặt cười và trêu ông nội:

- Tưởng gì, chớ có vậy ! Muốn nai không ăn mạ được nữa thì cứ bắt mỗi con cắt bỏ một cái lưỡi, là êm ru.

Bác Ba bật cười ha hả:

- Phải chi bắt chúng được thì xẻ thịt bán lấy tiền, dại gì phải cắt lưỡi rồi thả đi ?

Nhưng tiếng cười của bác Ba bỗng im bặt. Thằng nhỏ nói giỡn vậy mà có lý. Vịn từ cái ý của nó bác Ba đã nghĩ ra một kế hay...

Sau bữa cơm, không nói không rằng, bác Ba mài cây mác vót thật bén, chặt trúc từng đoạn rồi chẻ cật trúc ra, tước xéo cho mảnh trúc bén tựa lưỡi lam. Vừa làm bác Ba vừa lẩm bẩm một mình: "Cho tụi mầy sống trên đời mà không cất tiếng kêu được gì". Thấy ông nội cứ làm thinh hoài, thằng Đậu cầm một mảnh trúc đưa lên:

- Đố ông nội dám cắn mảnh trúc này vào miệng, kéo mạnh ra một cái.

Bác Ba nghe ghê răng, rụt cổ, rùng mình, vội buông cây mác, đưa tay bụm hai hàm lợi:

- Cái thằng, nói nghe ê răng thấy mồ.

Làm xong, ông cháu bác Ba dùng chiếc bao bố quấn mảnh trúc, vác ra đồng.

Đến đám mạ, bác Ba bảo:

- Mầy ngồi đây để ông "khoáng bùa" trị ba con nai nầy.

Bác Ba ôm bó trúc lội vô đám mạ cắm rải rác đều khắp. Bác cắm thật chắc xuống đất, chỉ để đầu bén của mảnh trúc lấp ló ngang tầm đọt mạ. Làm xong xuôi đâu đó, hai ông cháu dắt nhau về nhà.

Đêm ấy thằng Đậu thức đến hết canh ba mà vẫn trăn trở hoài. Nó luôn nghĩ về một công việc huyền bí của ông nội làm hồi chiều. Ông làm cái việc xem như trò chơi lại gọi là "khoáng bùa"? Khoáng bùa gì không thấy dùng giấy quyến vẽ mực tàu vào ? Khoáng bùa sao không thấy ông nội thổi phì phèo, đọc thần chú lảm nhảm như các ông thầy pháp chữa bệnh ăn heo của nhà người đau ? Ông nội cầm từng mảnh trúc lội đi cắm êm ru, vậy mà cũng gọi là khoáng bùa ? Nó đã từng thấy người ta bảo khoáng bùa trị ma quỷ, ai đời ông nội lại đi khoáng bùa trị nai ăn mạ!... Và rồi những ý nghĩ lang bang của thằng Đậu chìm dần vào giấc ngủ...

- Dậy! Dậy, Đậu ơi!

Hồi đầu hôm thao thức mãi nên thằng Đậu đánh một giấc tới mặt trời mọc xỏ lỗ tai. Dở mùng phóng xuống đất, đứng dụi mắt, thằng Đậu thấy ông nội sắp sẵn hai cái thúng. Thằng Đậu nhỏ, cầm cái thúng táo, bác Ba cầm cái thúng giạ, hai ông cháu hướng thẳng ra đám mạ.

Nắng buổi sáng chiếu vàng trong trẻo theo sau lưng. Thằng Đậu thấy cánh đồng ruộng ven rừng U Minh đẹp mắt làm sao ! Kìa, những cây tràm tàn dù đội nắng đứng nghiêng nghiêng. Kìa, rừng tràm bạt ngàn xống ngọn lên hứng nắng, trông cây nào cũng nhuốm màu vàng ruộm tựa một rừng san hô. Ngọn cỏ bắp thâm thấp, nhọn nhọn và trơn mát lướt lui dưới bước chân thằng Đậu. Mấy cây điên điển đồng giăng đầy màng nhện đọng trắng hơi sương lấp lánh.

Ông cháu bác Ba đã đi đến đám mạ. Bác còn ngồi khề khà trên bờ cơm nếp, hết vấn thuốc hút, lại se khăn bịt khấc quanh đầu. Thằng Đậu đang nôn nóng trong bụng mà ông nội cứ rề rà hoài, nó thấy phát nổi bực.

Hút thuốc xong, bác Ba Phi từ từ bước xuống đám mạ. Sau một hồi xem xét kỹ lưỡng. Bác Ba gật đầu như thỏa mãn một điều gì, bác bảo thằng Đậu bưng thúng đi theo từng hàng mảnh trúc bác cắm hôm qua.

- Nhìn kỹ nghe con! Kẻo đá xước vào mảnh trúc bị nó rọc bàn chân chẻ làm hai đa.

Bác Ba men lại chỗ mảnh trúc cặm, lượm lên một vật gì, rồi ngoắc thằng Đậu lại:

- Nhẹ chân! Đến đây!

- Cái gì vậy ? Ơ, một miếng thịt nai còn tươi rói.

Thằng Đậu kêu lên sửng sốt. Bác Ba giải thích cho cháu nội biết:

- Tìm chỗ mảnh trúc cắm là có một khúc lưỡi nai nằm ngay tại gốc, lượm bỏ vào thúng bưng về.

Thằng Đậu bây giờ mới hiểu được câu chuyện bí mật của ông nội. Có lạ lùng gì ! Mảnh trúc bén cắm lẫn trong mạ non, nai kéo vào ăn, huơ lưỡi cuốn mạ cuốn luôn mảnh trúc vào miệng, giật mạnh, thế là mảnh trúc cắt tiện một khúc lưỡi rơi lại.

Hai ông cháu tìm đủ một trăm tám mươi hai mảnh trúc cắm trong mạ, mò dưới gốc mảnh nào cũng có một cái lưỡi nai nằm lại tại chỗ. Ông cháu bác Ba lượm đầy hai thúng thịt lưỡi nai đội về.Bác Ba Phi - Chiếc tàu không động cơ :

- Lửa cháy ! Lửa cháy ! Ông nội ơi, lửa cháy gần tới Lung Tràm rồi.

Thằng Đậu đứng ngoài sân, chổng mông réo ông nội nó tựa đuổi bò ăn mạ. Bác Ba Phi với tay lên gác chụp vội cây chèo, chạy ra sân. Nhưng bác lại chạy trở vô, đến bên đầu vách vớ lấy chiếc khăn choàng tắm tiều bịt khấc lên đầu, quay trở ra. Vừa đến thềm nhà, bác lại quên chiếc áo và gói thuốc bánh giồng, lại quay trở vô lần nữa. Bác lận gói thuốc vào lưng quần, vắt chiếc áo lên vai. Bác Ba Phi lại chạy ra. Khi bác xuống tới bến thì thấy thằng Đậu đã cầm sào đứng sẵn trước mũi ghe.

Nhìn ông nội lính quýnh, thằng Đậu mắc cười, nó dậm chân, réo quyết liệt:

- Rút đi ! Ông nội cứ cà rịch cà tang để rùa nó bò xuống lung "chém vè" hết trọi.

Bác Ba Phi nhảy vội xuống lái ghe, xeo bung ra dòng nước. Vừa kềm lái thả xuôi theo dòng nước chảy, bác Ba vừa sửa lại chiếc khăn bịt khấc trên đầu, vắt lại chiếc áo từ vai này qua vai kia, vận lại cái lưng quần lá nem lưng trắng. Chiếc ghe bị nước U Minh đạp trôi nhanh quá, tấp hông vào cọc cây cầu khỉ bắc ngang kinh, rồi hất ra một cái làm hai ông cháu bác Ba chới với. Chiếc ghe chòng chành. Thằng Đậu cằn nhằn ông nội:

- Vậy đó! Ông nội kềm lái gì đâu...

Bác Ba lụp chụp quơ chèo nạy mạnh cho chiếc ghe bung ra giữa dòng, hào hển bảo cháu:

- Không sao, còn kịp...

Chiếc ghe tam bản sức chở hàng chục tấn của hai ông cháu bác Ba Phi đã cặp lại mé Lung Tràm. Quả như bác dự kiến, ngọn lửa đốt đồng còn cháy xa lơ tận trên kinh Đường Ranh. Lửa giăng thành hình vòng cung, cháy nà xuống. Mùa khô cỏ cao ngập đầu, xuống ủ thành một lớp bổi khô làm mồi cho lửa cháy nhạy vô cùng ! Dưới lớp cỏ bổi ấy là mặt đất lỗ chỗ những hố lá, lò rèn. Một địa thế như vậy rất thuận lợi cho các loài rùa, rắn, ếch, chuột xây dựng những "thành phố" mà sống mọc râu. Nhưng hôm nay, bọn chúng phải bồng chống nhau chạy trối chết bởi ngọn lửa ác hại này.

Ngọn lửa như một lũy tre, đỏ kéo giăng từ mé biển vô tới Kinh Ngang, cứ ào ào từ trên gió cháy nà xuống. Các loài rùa, rắn, trăn, chồn chạy dồn xuôi theo chiều gió mà tỵ nạn. Bởi vậy hai ông cháu bác cột sợi dây đỏi ghịt mũi ghe vào gốc cây, dùng sào banh cặm ép lái ghe sát vào bờ. Rồi hai ông cháu hè hụi khiêng một tấm ván lớn làm cây đòn dày bắc từ be ghe lên bờ thành một nhịp cầu. Lặn ngụp trong biển khói mù mịt của ngọn lửa từ trên gió thổi xuống, hai ông cháu bác Ba vẫn mắm môi gần ngạt thổi, nước mắt chảy ràn rụa, họ cố làm cho xong cái "bến phà" cho các loài vât từ trên bờ bò xuống.

Xong đâu đó, hai ông cháu bác Ba cầm hai thanh gỗ, quấn khăn trùm mặt để chống khói, kẻ ngồi mũi, người ngồi lái ghe mà chờ. Lửa cứ từ trên gió cháy đùa xuống một cách tàn bạo ! Lửa bay tàn đỏ trời, rơi vãi đầy người bác Ba và thằng Đậu, họ phải luôn tay đập phủi để khỏi bị lửa ngún cháy quần áo.

Hàng rào lửa cháy tràn xuống còn độ vài trăm mét nữa tới mé Lung Tràm, nhưng ông cháu bác Ba Phi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Thằng Đậu sốt ruột:

- Coi mòi bữa nay trớt quớt rồi đó ông nội!

Bác Ba cũng hoài nghi:

- Không lẽ kỳ vậy. Chờ chút coi.

Bác Ba Phi nói vừa dứt, bỗng thấy trên mé lung, chỗ đám cỏ xanh rì vụt động đậy. Thằng Đậu nhóng lên xem. Bác Ba cũng nhìn theo. Có lẽ là hơi lửa quận vào lùm cỏ rung rinh. Họ càng nhìn kỹ. Không ! Có một con gì xạo xự bên dưới. Ơ, không phải chỉ một con, mà có đến cả bầy ! Rồi bất thần một con chuột cống nhum lông đen sì vọt ra. Con chuột chạy ra khoảng trống, vội dừng lại, giương đôi mắt tròn đen, nhìn ngơ ngác. Rồi một con chồn đèn vàng óng cũng vọt ra, dừng lại cạnh con chuột, đảo cặp mắt lừ đừ nhìn chuột như muốn dò hỏi một chuyện cơ mật. Chuột cống quay lại nhúc nhít hai hàng ria mép có lẽ muốn trao đổi một vấn đề quan trọng với anh bạn đồng hành. Nhưng phía sau, từ trên đám cỏ đã xao động rào rào do đàn chuột cống và chồn đèn tràn tới. Thấy hai loại nầy là đồ vô dụng, bác Ba Phi lắc đầu chán nản, vung thanh gỗ lên ra vẻ từ chối. Con chuột cống với con chồn đèn càm đầu thấy thái độ người chủ ghe không đồng ý tiếp đón, chúng liền mở mũi sang hướng khác, dàn đàn tuôn đại xuống Lung Tràm, lội qua bên kia. Ông cháu bác Ba ngồi trên ghe nhìn chuột và chồn lội đầy nghẹt một khúc sông mà vỗ tay cười ngất. Họ đậu ghe ở đây là để đón bắt loại rùa, có giá trị hơn.

Thế rồi đến những con trăn vằn vện lần lượt bò ra, bất chợt lọt đến khoảng đất trống, con nào cũng cất đầu lên, le le cái lưỡi ba chia dường như hỏi chào bác Ba Phi để thăm dò đường đi. Bác Ba cũng vung thanh gỗ lên, lắc đầu, làm lũ trăn cụt hứng, quay đầu bò đi hướng khác. Nhìn theo những con trăn, bác Ba lẩm bẩm:

- Ai công đâu bắt chúng nó về. Da trăn lúc này rẻ mạt, thịt xảm xì. Dù có mướn cũng không ai thèm ăn.

Bác Ba Phi cùng thằng Đậu cứ cầm hai thanh gỗ ngồi chờ. Và sau đó, lúc hàng rào lửa bủa xuống còn độ một trăm mét, bấy giờ cái "mặt hàng" của hai ông cháu bác Ba chờ đợi mới lần lượt xuất hiện. Mé cỏ rung lên như có một con trốt xoáy, một số rùa nho nhỏ bằng cái chén ăn cơm rải rác bò ra. Rùa vàng, rùa quạ, rùa nắp, rùa hôi đều có mặt. Ra đến khoảng trống, chúng xếp thành hàng đôi đi xuóng "bến phà" cà rì cà rụp. Thằng Đậu thấy rùa nhỏ con tỏ vẻ không hài lòng, đưa mắt ngó chừng để dò ý ông nội. Bác Ba chặt lưỡi, lắc đầu ngầm bảo là mình cũng chán. Hai ông cháu bác Ba ngồi nhích lại hai bên đầu cầu, dùng thanh gỗ gạt những con rùa đang bò, rơi xuống nước. Rùa rớt bao nhiêu thì bám vào be ghe bấy nhiêu.

Lửa cứ cháy nà tới. Rùa xếp hàng ba rồi hàng tư vội vã chạy rụp rụp xuống ghe một cách khẩn trương. Bấy giờ có những con rùa lớn hơn, mai đen ngời bằng cái tô úp đầu.

Thằng Đậu cũng lại dòm chừng ông nội để hỏi ý kiến. Bác Ba có hơi suy nghĩ rồi mới chíp môi, nhự gật đầu.

Đến lúc hàng rào lửa đã cháy còn độ năm mươi mét nữa là tới mé lung, bây giờ rùa bự mới lụp cà lụp cụp bò tới. dẫn đầu là một chú càng đước mai lớn bằng cái sàng gạo, hai đầu yếm nhọn lởm chởm hình răng cưa. Khi đến đầu cầu, chú càng đước dừng lại, đưa tay chùi nước mắt và hả họng cúi đầu chào bác Ba . Bác Ba Phi vuốt râu, mỉm cười và gật đầu một cách hài lòng. Từc thì đàn rùa xếp thành hàng bốn bò thẳng xuống.

Nhưng cái thứ "thầy rùa" này cũng gian manh đáo để, trong mỗi đầu hàng tư chúng lại xen vào một chú nhỏ. Hai ông cháu bác Ba cương quyết không chấp nhận, thấy con rùa nào nhỏ bò lộn trong hàng liền bạt tai một cái, rơi xuống nước. Lũ rùa bị rơi thành dề đeo theo hai bên be ghe, một tay quạt nước nâng tấm thân nặng nề cho nổi lên khỏi chết đuối.

Lửa cháy ào tới. Đám cỏ xanh mỗi lúc một xáo động. Cỏ guộng giồng và ngã liệt. Đó là những đàn rùa lớn nhất chạy chết, đang tràn tới. Chúng chạy loạn xạ không còn trật tự gì cả. Mạnh con nào nấy mang chiếc mai kình càng của mình mà chồm đại lên lưng đồng loại để tranh nhau xuống phà. Chúng bị khói un, nước mắt nước mũi chảy choàm ngoàm, nhưng vẫn cứ chạy bằng ba chân còn một chân đưa lên che lấy mặt.

Rùa xuống đã đầy ghe. Bác Ba ra lịnh cho thằng Đậu mở sợi dây cột đằng mũi. Bác rút đòn dày rồi nhổ sào banh xô chiếc ghe bung ra. Những con rùa tới sau phải nhảy bừa xuống sông, kết bè với đám rùa đeo theo hai bên be ghe nãy giờ, thế là hai ông cháu bác Ba Phi cho ghe bung ra giữa dòng sông, xuôi theo nước trở về.

Đàn rùa đeo theo hai bên ghe, khi ra giữa sông sợ bị chìm, chúng hoảng vía đạp nước quyết liệt. Cứ một chân vịn vào be ghe, ba chân đạp nước làm cho chiếc ghe của hai ông cháu bác Ba Phi lướt tới ào ào. Ghe càng lao tới thì đàn rùa càng sợ sút tay rơi lại, chúng càng quyết liệt bám chặt và bơi miết. Chiếc ghe mỗi lúc một tăng tốc. Chồm chồm cỡi nước tạo thành hai vệt sóng cuộn tròn hình chữ V trắng xóa. Hai ông cháu bác Ba Phi khỏi phải chèo, bơi gì nữa.

Thằng Đậu ngồi trước mũi ghe gõ dầm cộp côp mà ca bài "Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa". Bác Ba thì ở sau lái cứ cắp chèo vào nách mà kềm cho ghe đi đúng hướng. "Chiếc tàu không có động cơ của hai ông cháu bác Ba Phi cứ lướt sóng chồm tới. Gió phất phơ chòm râu màu bông sậy dưới cằm làm cho bắc Ba nghe lòng mênh mong thơ thới. Bác lận lưng lấy gói thuối bánh giồng ra vừa kềm lái vừa vấn hút. Bác cứ nhả khói, nhìn mây, hiu hiu ánh mắt kềm con tàu lướt sóng ào ào mà không nghe một tiếng vang, một nhịp chao động rung rinh nào của máy nổ. "Chiếc tàu" của hai ông cháu bác Ba Phi đang độ tăng tốc, bỗng có tiếng đàn bà đâu đó kêu réo chí chóe trên mặt sông:

- Tàu tóp máy! Tàu làm ơn tóp máy.

Bác Ba giật mình nhìn sang. Ơ kìa, những chiếc xuồng chở lúa khẳm mẹp chèo đi ngược chiều. Xuồng của họ đang bị những đợt sóng tàu của hai ông cháu bác Ba đánh bổ chòng chành sắp bị lật đến nơi ! Bác Ba vội rà máy chèo làm động tác hãm tốc, nhưng không kham. Chiếc ghe cứ chồm tới ào ào, mũi vẹt nước bung ra hai luồng sóng dữ. Mấy người đàn bà chèo những xuồng lúa sợ bị đánh chìm, cứ kêu réo thất thanh. Bác Ba không biết phải làm sao, đành thét:

- Tàu rùa! Tàu không có gắn máy. Tàu rùa, tóp máy không được!

- Và cứ thế, bác Ba kềm lái cho chiếc ghe chở rùa của mình chạy một mạch về tới nhà, lủi tuốt vô ụ bến.

Bác Ba gái nghe hai ông cháu thằng Đậu về tới, vội chạy ra mở tấm đăng sậy chận ngang họng đìa cho chiếc ghe chở rùa chống vô đậu luôn phía bên trong rồi mới bửng tấm đăng lại. Hai ông cháu bác Ba Phi mệt đừ, lững thững lên nhà. Thằng Đậu thì sà xuống ôm lấy con chó Đuổi, còn bác Ba ngồi dựa trên ghế trường kỷ, lột khăn bịt khấc, gỡ áo vắt vai ném vào góc giường, thở ra, bảo bác gái:

- Tối rồi, dọn cơm ra bỏ bụng ba hột đi bà!

ANH ĐỘNG - 1977Bác Ba Phi - Đoàn máy bay liên hợp của bác ba Phi đáp xuống sân nhà :

Bác Ba Phi nghiêng tai lắng nghe rồi cười khà khà:

- Chúng ta sẽ bắt lũ chim này làm máy bay trực thăng đưa về nhà.

Làm thế nào bắt chim đưa về nhà ? Thằng Đậu cứ băn khoăn hỏi ông nội hoài mà ông nội nhất định giữ bí mật quốc gia. Đậu còn lạ gì tánh ông nội, những lần như vậy dù có cạy nớu ông cũng nhất định không nói, chỉ còn cách lặng lẽ theo dõi xem ông làm mà thôi. Thấy thằng cháu chưa thật tin. Bác Ba đứng dậy bảo:

- Nào đi theo ông rồi sẽ rõ!

Hai ông cháu đến một gốc cây mớp thúi, thụt bắt hai con lươn.

Sau đó bác Ba móc túi lấy ra hai sợi dây ni lông thật chắc, mỗi sợi dài độ ba mét, một đầu cột vào cạnh đuôi con lươn, một đầu cột vào giữa một khúc cây. Làm xong bác Ba khoác tay ra lịnh cho thằng Đậu cùng cầm lươn đi theo ra giữa trảng trống chỗ có chim đang bu kiếm ăn xôn xao. Bác chọn chỗ cho thằng Đậu đặt bẫy trước, rồi bác đặt bẫy của mình. Những con lông ô màu đen như gấu, cổ trắng đầu đội mũ vàng, chân đỏ, mỏ hồng đứng cao hơn đầu người lớn. Những con già đãy lông xám, mang đãy dưới diều lụng thụng trông tựa ông sư đi làm đám. Những con chàng bè chân ngắn như vịt, cổ cao tựa ngỗng, có bộ vó lừ đừ chẳng khác những thằng say. Những con giang sen chân cao lêu nghêu, lông ửng ba sắc sặc sỡ... Sau khi gài bẫy, ông cháu bác Ba núp vào một bụi cây, thỉnh thoảng họ nhóng lên nhìn chừng. Nãy giờ đã qua cơn động, đàn chim xáp lại chỗ hai cần bẫy của ông cháu bác Ba, chúng vây đông nghẹt quanh hai con lươn. Họ thấy một con lông ô nhảy chồm tới trước, mổ vào đầu con lươn mồi rồi nuốt trộng. Con lươn mồi vừa ngộp vừa đau, gồng mình vọt một cái chui qua đường lỗ đít con chim lông ô. Con già đãy đứng gần thấy vậy nhảy tới mổ lấy, nuốt trộng, và số phận con già đãy cũng không tốt đẹp gì hơn con lông ô. Cứ như vậy... như vậy hết lông ô đến chàng bè, rồi già đãy, giang sen, và cứ tới, tới...

Thấy chim bị xỏ lụi thành hai xâu đầy, bác Ba liền ra lệnh:

- Nào, ta lên "trực thăng" về nhà!

Hai ông cháu chạy ùa ra. Tất cả các loài chim đang ăn trên trảng hè nhau bay bùng lên trời. Chỉ duy có hai xâu chim mắc bẫy thì tung cánh lên liền bị sợi dây ni lông quàng xiên trong bụng, giật lại, rơi xuống. Ông cháu bác Ba chạy lại nắm đầu cây ngáng, họ hô lên một lượt: "huồi" tức thì hai xâu chim tung cánh cất lên cao, mang hai ông cháu bác Ba Phi theo lên bầu trời tựa cánh diều giấy. Bác Ba bảo thằng Đậu phải lái cho bầy chim bay về xóm nhà. Hai ông cháu càng "bay" càng nghe gió thổi hù hụ qua lỗ tai, họ biết rắng lũ chim mỗi lúc một lên cao. Nhưng khốn nỗi, thằng Đậu thân hình nhẹ quá, bị xâu chim mỗi lúc một lôi lên cao tới mây xanh. Đậu thấy mình bay quá tầng phi đạo, hoảng hốt hét to:

- Làm sao đây! Ruột gan con nôn lên cần cổ mất rồi, ông nội ơi!

Bác Ba cười hề hề, nói thầm: "Để dượt cho nó quen, sau có đi lính nhảy dù khỏi bị ngộp".

Nhưng thằng Đậu nó cứ la bài hải:

- Làm sao bây giờ ? Con buông tay nhảy dù đại xuống à?

Thằng Đậu nói vậy cho ông nội hoảng mà đến tiếp cứu, chớ đời nào nó mạo hiểm làm cái chuyện nhảy dù không có bọc được. Khoảng trời mênh mông, mây trắng vướng vào chân hừng hực. Đậu liếc mắt nhìn xuống thấy cây cỏ, kinh rạch thu nhỏ li ti ngang dọc tựa một bức họa đồ, nếu buông tay thì có mà nát xương. Nhưng bác Ba tưởng thật. Bác nghĩ thằng nhỏ hoảng quá có thể buông tay thì nguy, vội vã lái xâu chim lại gần thằng Đậu, bác thét:

- Bườn tới, đấm cho quẹo vài cái "máy" sẽ giảm độ cao ngay.

Thằng Đậu nghe lời, co tay thoi thùm thụp vào những con chim gần nhất. Bị đánh nhiều quá, mấy con chim này rũ cánh, không còn quạt mạnh được nữa. Thằng Đậu được từ từ hạ xuống ngang tầm với ông nội. Nhưng dù sao thằng Đậu cũng nhẹ hơn ông nội, một lúc nó lại bị xâu chim bay nhanh quá, vượt lên phía trước. Đậu lại thét:

- Máy bay không có thắng thì làm sao tóp máy được, hở ông nội?

Bác Ba lại bày cách cho thằng cháu:

- Không có dây thắng thì rút dây ruột.

Thằng Đậu liền giật sợi dây ruột, bầy chim bị đau thấu ruột gan, đôi cánh quạt mỗi lúc một uể oải. Thế là tốc độ và tầm cao của hai ông cháu được bay song song nhau. Thằng Đậu khoái chí cười om:

- Phải mình có đeo bom, lái luôn ra chi khu Rạch Ráng ném xuống cho mẹ con thằng quận Nhung chạy vắt giò lên cổ chơi, ông nội há?

Hai ông cháu bác Ba cười nói nghí ngố một hồi, chợt nhìn xuống thấy xóm Lung Tràm. Họ lái hai xâu chim đảo quanh một vòng để đáp xuống sân. Nhưng bác Ba thấy bầy heo đang chạy giỡn tùm lum, sợ sơ xảy gây nên tai họa cho phi vụ, bèn cất tiếng gọi bác gái:

- Bà nó đâu? Lùa bầy heo dang chỗ khác cho đoàn máy bay liên hợp của Ba Phi đáp xuống sân coi nào!

Bác Ba Phi - Quyết bắt cho được kẻ trộm :

Đêm ấy bác Ba Phi đậu chiếc ghe chở đầy rùa trong khẩu đìa bèo bên cạnh nhà. Sáng ra kiểm tra lại thấy số rùa trong ghe vơi đi rất nhiều. Thế nầy là thế nào ? Không lẽ có kẻ trộm ? Ở xứ nầy ai không phải là bà con cật ruột thì cũng là bạn bè chí cột với nhau, từ trước tới giờ chưa một nhà nào bị vi sơ một trái ớt, một trái cà, bữa nay bị mất cắp là vô lý ! Nhưng tại sao rùa trong ghe không có cánh lại bay biến đi mất ? Vòng bao lưới thành ghe còn y nguyên, với độ cao và dày như vậy rùa không thể trèo ra hoặc chui lọt được. Bác Ba chấp tay sau đít đi tới đi lui suy nghĩ mãi. Bác hút đến mấy điếu thuốc mà vẫn không đoán nổi lý do tại sao. Nhất định phải rình xem tận mắt coi rùa bị mất bằng con đường nào.

Chiều hôm ấy, hai ông cháu bác Ba Phi giả vờ dắt nhau xuống xuồng bơi ra sông Đốc, có công chuyện. Đến vàm Rạch Lùm, bác Ba cùng thằng Đậu neo xuồng lại, đợi hết canh một ông cháu bơi đáo trở về. Rón rén đậu xuồng đằng bến nhà dì Sáu, bác Ba cầm cây mác rừng cán dài, thằng Đậu cắp cây dáo nhỏ, hai ông cháu bí mật phục kích sau bụi tre xiêm trên bờ đìa, cạnh chiếc ghe chứa rùa. Măc dù muỗi bu như trấu vãi, nhưng hai ông cháu bác Ba Phi cứ kên mình nằm êm ru, chờ đợi...

Đêm mỗi lúc một khuya. Con gà tàu lai cúm núm của bác ở ngoài chuồng đã đập cánh gáy "Ò ó o... cúm núm" đến mấy lượt, vậy mà hai ông cháu bác Ba vẫn chưa thấy bóng dáng tên trộm nào léo hánh. Thằng Đậu mấy lần than buồn ngủ, nhưng bác Ba động viên cháu ráng chịu. Thằng nhỏ cũng nghe lời, kiên trì cắp dáo nằm bên ông nội, thỉnh thoảng nó khoa khăn đuổi muỗi.

Gần đến canh năm, hai ông cháu bác Ba Phi chợt thấy mặt nước đìa chỗ gốc cây mù u, phía bên kia bờ khi không lại chao động một vùng. Bèo tai tượng chập chờn chao đảo cuộn quận lên thành một vực xoáy. Rồi từ dưới nước có vật gì đen thui lớn bằng cái khạp da bò từ từ lừng lên. Một lúc nó trồi lên khỏi mặt nước một thêm cao. Cố xem kỹ, bác Ba nhận ra đó là một con người dị dạng. Con người kia dang hai cánh tay ngắn ngủn vẹt bèo cho trống thêm ra. Rõ ràng là kẻ trộm ! Nó từ đâu tới ? Nó tuột xuống đìa hồi nào mà lặn luồn vào đây ? Thằng Đậu khẽ bấm vào tay ông nội ngầm ý hỏi, nó được ông ra hiệu lại bảo rằng cứ yên tâm. Hai ông cháu bác Ba Phi kẻ gườm dáo, người cầm mác chuẩn bị xáp lá cà với tên trộm có cái đầu và đôi tay kỳ dị kia.

Tên trộm chẳng hay biết gì, nó cứ dang hai cánh tay ngắn ngủn vẹt bèo và rẽ nước lội tới bên chiếc ghe chở rùa, đến nơi, nó với tay nắm mũi ghe đu mình lên. Chiếc ghe nhún xuống một cái, đầu mũi khẳm đừ. Tên trộm đã ngồi gọn trên sạp mũi ghe. Chợt nhìn thấy toàn thân tên trộm, thằng Đậu suýt nữa bật ngửa ra chết giấc. Trời ơi ! Một người có nước da đen như quần lãnh, thân hình mập múp tựa cái lu. Cặp đùi nó gân guốc, nhưng sao hai tay nó lại ngắn ngủn, dáng vóc lùn tịt ? Khiếp đảm nhất là cái đầu, làm sao mà nó dẹt lét lại và có hai con mắt thồ lộ to bằng trái cau đóng thượng trên óc o?

Nghe cháu nội run lẩy bẩy bên mình, bác Ba làm tỉnh sờ vào nó và động viên:

- Kẻ trộm có tài hóa trang, đừng sợ cháu ạ.

Thằng Đậu thều thào:

- Một thằng lùn dị dạng, ông nội ơi?

- Một thằng gù da đen có cái đầu dẹp vậy thôi.

Tên trộm bây giờ vẫn còn ngồi êm chưa thấy động đậy gì. Hai ông cháu bác Ba Phi chắc mẻm tính mạng hắn đã nằm gọn trong tầm tay của mình rồi. Họ cứ gườm sẵn vũ khí chờ đợi. Chốc sau, họ thấy tên trộm từ từ chồm tới, vói tay qua lớp lưới bao thành ghe, bắt ra một con rùa lớn bằng chiếc dĩa bàn. Cái bụng của tên trộm phề phệ quá cỡ, phía dưới có mang một tạp-dề trắng phóc. Bác Ba nghĩ thầm: "Người đầu bếp mới đeo tạp dề, có đâu kẻ trộm cũng lại đeo, nghĩa là làm sao ?". Nhưng bác Ba lại chợt hiểu ra: lớp hóa trang bằng lọ nghẹ của nó bị cỏ cào trôi mất phần phía dưới bụng.

Trong lúc ấy tên trộm đưa con rùa vô miệng. Cái miệng của nó rộng đến mép tai, táp một cái "bụp" rồi nhai ràu rạu. Rồi cứ thế, hắn thò tay vào lưới bắt từng con rùa ra ngồi nhai ngon lành. Nó nhai rùa nghe giòn tan tựa người ta nhai cà pháo muối chua vậy. Tên trộm ăn một hơi đến năm bảy con rùa mà chưa thấy hắn đã thèm.

Nãy giờ nằm theo dõi kỹ lưỡng, bác Ba Phi hiểu chắc chắn tên trộm này là ai rồi ! Ức quá, bác Ba cùng thằng Đậu cầm vũ khí đứng bật dậy, thét:

- Ếch!

Quả đúng là con ếch lớn ngoại cỡ.

Con ếch bà nghe tiếng động liền nhảy ùm xuống đìa. Lặn tuốt về phía gốc cây mù u. Bác Ba Phi thở phào. Lâu nay bác biết chỗ gốc cây mù u kia có một cái hang ếch ăn ngầm, nhưng đâu có ngờ con ếch này lại tự tung tự tác quá vậy?

Sáng hôm sau, bác Ba cùng thằng Đậu tìm cách bắt cho được con ếch bà ăn trộm rùa hồi hôm. Bác bảo thằng Đậu tháo cái quai thùng đựng dầu lửa, là một que sắt lớn bằng chiếc đũa ăn cơm, dài độ một gang tay. Bác Ba dùng búa, kềm, đục, giũa chặt ngạnh, mài, uốn que sắt thành một lưỡi câu thật bén. Bác dùng sáu sợi dây chì gộp lại nhưng không se săn, tóm vào lưỡi làm nhợ câu. Theo kinh nghiệm, nhợ câu hoặc nhợ bẫy cứ để nhiều tao bung xòe như vậy, khi mắc một con vật lớn dù nó có giãy vùng thế nào cũng không thể cóc dây mà đứt đi được. Chúng có cắn thì từng sợi nhợ nhỏ bị lọt vào kẽ răng.

Làm xong, bác Ba bảo thằng Đậu ra chuồng bắt một con vịt xiêm lông vừa đâm ra ràng, cột vô lưỡi câu, thả xuống đìa.

Đến canh năm đêm sau, bác Ba cùng thằng Đậu ra ngồi rình tại bụi tre xiêm để chờ xem ếch ăn câu. Trời vừa hừng đông thì hai ông cháu thấy bèo tai tượng chỗ gốc cây mù u động đậy. Hai ông cháu bấm tay ra hiệu. Con ếch bà từ dưới nước trừng lên, nó cũng làm những động tác y như đêm trước. Trời tang tảng sáng, thằng Đậu thấy rõ hơn cái đầu của một con ếch lớn. Bữa nay chẳng những nó không thấy sợ sệt, ngược lại còn nghe khoái trong bụng vô cùng. Nó cứ nhìn chăm chăm vào cặp mắt ếch trợn lên thồ lộ đang dáo dác tìm mồi.

Côn ếch bà thấy con vịt xiêm đang đủng đỉnh rỉa rỉa giữa đìa, liền vung hai tay vẹt bèo, lội tới. Đến gần con vịt, ếch bà dừng lại, khỏa bèo, hớp nước súc miệng sào sạo rồi phun ra cái "phèo". Làm mấy động tác vệ sinh cá nhân xong, ếch bà chồm tới trững mồi. Ánh mắt ếch bà trợn lên đen ngời tỏ vẻ vui thích, đầu nghiêng qua nghiêng lại, thè lưỡi liếm mép soàn soạt. Rồi ếch bà với tay bưng con vịt xiêm đưa lên mũi ngửi. Bỗng, ếch sa sầm tỏ vẻ không hài lòng về miếng mồi chưa được vừa miệng. Ếch lại cầm con vịt lên, rẽ đôi cánh ra xem. Nhìn cánh vịt mới đâm lông ống bum búp, ếch thua buồn lắt đầu, bỏ con vịt xuống lặn một hơi vào cái hang ngầm ở chỗ gốc mù u.

Bác Ba Phi cùng thằng Đậu ngồi núp sau bụi tre xiêm nhìn theo, sau khi ếch bỏ đi, bác Ba đứng lên thở ra, bảo với thằng Đậu:

- Ếch chê con vịt xiêm này còn hôi lông, không chịu ăn.

Ông cháu vô chuồng bắt một con vịt mái ta chân vàng, mỏ vàng, lông trắng phau. Con vịt này đang lứa đẻ mập múp, đít sà kéo lết. Họ đem ra đổi vào chỗ con vịt xiêm bị ếch chê.

Sáng hôm sau nữa, cũng vào lúc trời vừa hừng đông, con ếch từ dưới hang ngầm trong gốc cây mù u lội ra, đội bèo nổi lên. Ông cháu bác Ba Phi cũng núp sẵn sau bụi tre xiêm rình xem. Con ếch trừng lên nháy nháy đôi mắt tỏ vẻ hân hoan trước buổi sáng, rồi đưa hai tay ngắn ngủn lên vươn vai, ngáp dài một cách sảng khoái. Miệng ếch rộng tựa miệng can lân múa địa, xương hàm bạnh ra như hai cái cong xuồng. Mặt nước đìa chao động. Con vịt ta lông trắng bị cột vào lưỡi câu đang ung dung rỉa bèo nhởn nhơ, chợt thấy ếch bà, nó nhẹ vỗ cánh rũ nước, ngóng cổ lên nhìn, ngoáp chiếc mỏ vàng óng kêu cạp cạp. Ếch bà thấy con mồi béo ngậy liền vẹt bèo lội băng băng tới. Những động tác dầu tiên, ếch cũng làm vệ sinh cá nhân. Ếch vốc nước súc miệng xì xoạp, phun ra cái phèo. Sau đó nhìn con mồi một cách chăm chỉ, tỏ vẻ hài lòng. Mắt ếch ngời lên long lanh, gật đầu liền mấy cái, thè lưỡi liếm mép, rồi nhích lại bợ con vịt đưa lên. Con vịt hoảng hốt giãy giụa, đâp cánh kêu quàng quạc. Gặp đúng con mồi vừa miệng, ếch bà chép chép môi, nước dãi tứa ra, liền há họng táp bập một cái, nhai ngấu ngốn. Nhưng sau đó dường như ếch phát hiện có vật gì không bình thường lẫn trong miếng ăn. Ngậm miệng lại, nghiêng đâu, ếch nheo mắt kiểm nghiệm.

Bác Ba Phi với thằng Đậu núp sau bụi tre xiêm, thấy thời cơ đã đến, ông cháu vụt đứng dậy một lượt, nạt lớn:

- Ếch!

Và ông cháu bác Ba kẻ cắp dáo, người cầm mác xông ra. Con ếch chợt thấy hai ông cháu bác Ba Phi hùng hổ, hoảng hốt nhào ngang, cắm đầu lặn thoát thân. Chẳng ngờ bị lưỡi câu trong họng xốc ngập vào hàm ếch, giật lại. Ếch bật đầu lên, nhảy dựng một cái và cắm xuống lặn tiếp. Lần này lưỡi câu đã xốc ngập ngạnh vào xương hàm ếch, buộc nó bật trở lại. Thế là ếch đã bị mắc câu, nổi phình lên mặt đìa, giãy giụa, chòi đạp làm nước văng trắng dã. Ếch cố lôi chạy về phía gốc cây mù u nhưng bị sợi dây câu ghịt lại. Sáu sợi dây chì rẽ ra căng thẳng tựa sáu sợi dây đàn lục huyền cầm. Hết phương vùng vẫy. Ếch bà căng thẳng sáu sơi nhợ câu, hai tay cào cào những sợi dây cố bứt cho đứt. Sáu sợi dây chì có sợi thẳng sợi dùng, trường độ khác nhau, bật lên những âm thanh cao thấp tạo thành một bản nhạc hấp dẫn vô cùng.

Mặt trời mỗi lúc một lên. Chim rừng đã dậy, cất tiếng líu lo chào mừng buổi sáng. Nhạc chim hòa cùng "nhạc ếch" nghe rộn rã làm sao ! Nhạc ếch có những bè trầm là đà trên mặt đìa, thỉnh thoảng xen tiếng ồm ộp tựa điệu trống.

Bác Ba Phi ngồi tựa lưng vào bụi tre xiêm mà nghe lòng rộn ràng kỳ lạ. Tâm hồn bác Ba như tỉnh như say theo tiếng nhạc ếch du dương mùi mẫn. Tức cảnh sinh tình, bác Ba cứ mơ màng lim dim, cầm que củi gõ vào gốc tre ca bài "Dạ cổ hoài lang" hòa theo nhạc ếch:

- "Từ, (là từ) phu tướng, bảo kiếm sắc phan lên đàng..."

Bác Ba Phi - Lúa nở ngầm :

Cấy xong một chục công lúa sa-mo trời cứ đổ mưa hoài, làm cho bác Ba Phi ngồi khoanh tay rầu rĩ. Bác cứ nhấp nha, nhấp nhổm, uống trà, đi ra hàng ba đứng treo tay nhìn những cơn mưa mờ mịt ruộng đồng, rồi trở vô ngồi vấn thuốc hút, uống trà. Thật là sống ở thời buổi nầy một khi bị tai nạn thiên nhiên giáng xuống thì sức người đành vô phương khả đảo. Đêm nằm trăn trở lắng nghe từng cơn mưa rơi lộp độp trên mái lá mà bác Ba cứ thở vắn than dài! Bác hay lặp đi lặp lại với bác gái cùng thằng Đậu một câu:

- Từ hôm xuống nọc cấy đến nay tính đã... Ơi, sao mưa mãi là mưa ! Cái điệu nầy chắc "bà Thủy cắt hộ tịch" mười công lúa sa-mo của mình rồi.

Nhưng từ sau cái đêm than thở não nuột của bác Ba, dường như động lòng trời, sáng ra có mây ráng đỏ chen vào giữa buổi bình minh. Triệu chứng này báo hiệu cho một ngày quang đãng. Quả như vậy. Mặt trời ló dạng vàng óng như chiếc mâm thau được chùi thuốc tẩy, chiếu ra nhiều tia sáng kỳ diệu. Chim chìa vôi cất tiếng hót líu lo ngoài tàn cây xoài. Những con cúm núm lai gà tàu ở đầu bờ ruộng gù lên hai giọng: "ò ó o... ò, cúm núm, cúm !..." Và con bò lai nai nửa tháng trời bị thằng Đậu niệt miết trong chuồng cho ăn toàn những rơm khô, bây giờ thấy trời ấm áp, nghếch cái đầu có chà gạc lên, nhìn đám cỏ non bên ngoài bằng cặp mắt trong veo, thèm thuồng rồi cất tiếng rống như mừng rỡ: "Um bò ! Bét, bét !". Mặt trời càng lên cao, những tia nắng sớm càng soi óng ánh qua từng kẽ lá trong khu vườn cây tổng hợp của bác Ba Phi.

- Nắng hồng tươi soi bóng các em đến trường..."

Trong lúc bác Ba Phi lắc nước chiếc xuồng ba lá sau mương, để chuẩn bị đi thăm ruộng, thằng Đậu trong nhà cứ ca hát và nhảy nhót tựa con chim trao trảo.

- Đậu à ! Sửa soạn đi thăm ruộng với ông nội!

Nghe ông nội kêu, thằng Đậu vội lấy chiếc nón vải màu xanh cũ mèm có một lỗ rách trên chóp đội lên đầu và xách cây sào nạng chạy ra. Đến bên xuồng. Thằng Đậu bị bác Ba bảo quay trở lại:

- Bỏ hờ theo một chiếc liềm hái, coi có cỏ rác gì mọc theo bờ mà cắt vén cho lúa.

Sau đó, ông lái, cháu mũi chống xuồng qua mấy mương liếp, ra tới mé ruộng. Qua đợt mưa chum, nước đồng lênh láng như biển. Từng đợt sóng của ngọn gió nồm bỏ vòi trắng đã bổ xồng xộc vào mạn xuồng. Ông cháu bác Ba lái xuồng thả trôi theo sóng. Xuồng chạy te te trên mặt đồng, hướng mũi về phía đám lúa sa-mo. Trên mặt đồng, những nơi cỏ bắp hoặc cỏ chỉ đều bị nước ngập láng te. Những đám sậy, đám điên điển bị cỏ mục của giồng cào trôi đùn, chất lên nhau, mang theo hàng hà sa số là gián nước và kiến riệng. Sóng đánh sì soạp vào be xuồng. Gió thổi rì rào qua đám sậy. Gió đùa lất phất hàm râu lưa thưa dưới cằm bác Ba. Gió vuốt mơn man qua món tóc trán thòi ra chỗ nón rách trên đầu thằng Đậu. Cảnh thôn quê dịu dàng làm dễ chịu lòng người. Gió êm đềm mát mẻ tâm hồn người ta đến nhớ nhung mông lung vời vợi ! Hai ông cháu bác Ba cứ thả xuồng và thả hồn mình trôi vào mơ mộng.

Họ cứ mê mải mỗi người tham gia vào "câu lạc bộ" của quá khứ, của tương lai riêng biệt, không ai lái xuồng kềm cho nó đi ngay ngắn. Xuồng trôi tấp vào một con giồng cỏ cạnh miếng ruộng lúa sa-mo mà họ định đến thăm tự hồi nào. Khi nhìn thấy một khu vực mặt đồng nước sôi tim mẳn tựa có một bầy cá ròng ròng khổng lồ đang ăn mống, họ mới giật mình. Bác Ba gò xuồng lại, trở ngược ngọn sào xốc xuống đất, cột xuồng. Mở gói thuốc bánh giồng ra quấn một điếu lớn bằng ngón tay cái, ngồi bập khói, đôi mắt cứ hấp háy như còn tiếc ngẩn cơn mơ, bác Ba rầm rì phàn nàn:

- Nước ngập láng te thế này, ba cái lúa "đi ông Yẹm" hết rồi, thật toi công.

Nhìn mặt nước sôi tim mẳn, bác Ba càng chua xót trong lòng. Nhưng dù sao bác cũng thăm dò xem đám lúa còn mất thế nào. Bác Ba uể oải ném điếu thuốc đánh xèo và chậm rãi xắn quần lội xuống ruộng. Điều trước hết làm cho bác Ba ngạc nhiên là khi hai chân vừa chạm tới đất dường như dẫm phải những bụi cỏ tươi còn đang căng sức sống ngầm mãnh liệt. Bác Ba chựng người, kêu lên một tiếng nhìn thằng Đậu rồi khom người dùng tay sờ thử. Lại một ngạc nhiên kế tiếp: tai bác nghe rõ ràng những tiếng rào rào dường như tằm đang ăn lá dâu dưới lòng nước. Kinh ngạc quá, bác Ba mò quýnh quáng trên mặt đất để tìm xem chuyện gì. Chốc sau, khi mọi việc được xác định rõ ràng, bác Ba ngẩng người lên thở ra một hơi dài, và vui vẻ báo tin với thằng Đậu:

- Lúa vẫn sống! Lúa đang nở ngầm trong dòng nước. Mầy nghe tiếng lúa vặn mình nở rào rào đó không?

Suốt mười ba năm sống trên thế gian nầy, thằng Đậu chưa hề nghe thấy điều kỳ quặc vậy. Nó liền nhảy ùm xuống đồng nước mò thử để kiểm nghiệm lời nói của ông nội.

Tất bật thế nào, khi phóng xuống ruộng, ống quần của nó vướng vào mũi xuồng, giật một cái đập đầu vào tấm lô, mắt đổ lửa:

- Trời đất ơi!

Nghe tiếng kêu thảm thiết của đứa cháu, bác Ba Phi vội chồm đến đỡ nó dậy. Bác vuốt ve, xuýt xoa cho nó. Cái quần vải tám của thằng Đậu tét dọc từ ống lên tới háng. Một tay túm ống quần, một tay thằng Đậu mò tìm thử xem cái chuyện lúa nở ngầm ông nội vừa nói. Quả thật ! Những bụi lúa đang vặn mình lên đâm ngạnh trê, xé bẹ nở ra lách tách nghe tựa hàng ngàn con tép rộn rã búng nhảy. Thằng Đậu mê quá, nắm gọn vào tay một bụi nghe thử sức nở của lúa. Lúa cứ xạo xự vươn mình chỉ chốc sau đó là đầy cứng một nắm tay.

- Làm sao hở ông nội? Cứ để như vầy lúa sẽ nở đặc gật, tới chừng trổ bị lốp hết, không có một hột nhổ râu cho mà xem.

Bác Ba đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi ra lệnh cho thằng Đậu:

- Phải đi cắt tranh về bó từng bụi lúa lại để hạn chế sức nở của nó.

Ông cháu bác Ba chống xuồng như bay lên vạt đất gò Kinh Ngang cắt chở về một xuồng cọng tranh. Từ đó cho tới chiều tối, hai người mò mẫm bó lại từng bụi lúa đang có tốc độ nở ngầm dưới nước. Đêm ấy về nhà, bác Ba Phi chống xuồng lên đầu trên, xóm dưới kêu bà con đi "bó lúa" với ông cháu bác vào ngày mai.

Sáng hôm sau già, trẻ, bé, lớn, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, trẻ con cả xóm rầm rộ chống xuồng ra ruộng bác Ba Phi để "bó lúa" vần công. Dĩ nhiên xuồng của ông cháu bác Ba chống tiên phuông. Lúc dắt đoàn đi gần tới miếng ruộng lúa, chợt trông thấy một hiện tượng kỳ lạ, vội hô bà con dừng lại. Những chiếc xuồng ba lá khẳm mẹp người ta dồn lại thành cục, tiếng sào khua rột rạt, tiếng người xôn xao bàn tán rì rầm nổi lên. Thấy hàng ngũ nhốn nháo mất trật tự, bác Ba hô lớn cho họ yên tâm:

- Cũng chẳng phải có chuyện gì lạ lùng lắm đâu. Dường như có kẻ nào đem lưới đại quàng lại giăng trên miếng ruộng của tôi. Bà con trông kìa, những hàng phao lưới trắng trắng, đen đen đang nổi bập bềnh đầy mặt ruộng đó.

Tất cả nhìn theo tay bác Ba Phi. Chỗ miếng ruộng, ngay khu vực bác Ba với thằng Đậu "bó lúa" hôm qua, có hàng dọc xâu chuỗi phao lưới của ai đang giăng, phao lưới màu đen có, xám có cái nào cũng bự bằng trái dừa khô. Tất cả bà con nổi giận thét lên:

- Lưới quàng sao không giăng ngoài khơi mà bắt cá đao, cá dống lại đem giăng bừa lên trên lúa ngập nước của người ta ?

Thét xong, bà con ào ào tới, không cần phải làm thông lệ là ăn trầu, hút thuốc trước khi bước xuống ruộng. Thằng Đậu đứng trước mũi, bác Ba Phi chống sau lái của chiếc xuồng đi đầu. Xuồng vượt lên ao ào, mũi lòa nước trắng dã. Bỗng nhiên thằng Đậu kêu lên:

- Coi kìa! Mỗi chiếc phao sao lại có hai chân chòi đạp sáng nước?

Bác Ba vội vã chống sào nạng nhún liền mấy cái, chiếc xuồng vọt tới nơi. Bác đã biết rõ những cái thứ trước mặt là giống gì rồi, vội thét lên:

- Xúm lại bắt chim bà con ơi!

Nghe bác Ba Phi kêu, tất cả xuồng ùn ùn chống tới, vây quanh khoảnh ruộng có những hàng "phao lưới" nổi. Khi nhìn tận mắt họ mới vỗ tay rần rần, cười nói vang dậy trên đồng nước:

- Thật là chuyện lạ trên đời, thế gian hi hữu!

Chim ơi là chim! Chàng bè, le le, giăng sen, cồng cộc không rõ can cớ gì mà chúng cứ chổng mông, cắm đầu xuống nước, giơ hai chân chỏi ngược lên trời ? Bà con nhảy ùm xuống ruộng mò thử xem. Rốt ra họ mới hiểu rõ nguyên nhân: Chim đang mắc kẹt đầu trong giữa bụi lúa. Đây là những loài chim ăn đêm, mò nước, bị lúa nở ra, kẹp mắc đầu vào giữa kéo không lên được. Bà con xúm lại "nhổ" chim lên, dùng dây tranh bó lúa trói chúng lại, mỗi xuồng bỏ đầy một khoang.

Bác Ba Phi - Có qua có lại :

Mấy chú Chệt lái heo ngoài chợ sông Đốc đã hợp đồng chặt chẽ với bác Ba Phi, nhưng đến khi đem heo về họ lại "phản phé", chẳng có một mống nào chạy máy đuôi tôm vô cân. Ức quá, ngày sau bác Ba quá giang xuồng máy thiếm Tư ra tận nơi hỏi cho ra lẽ.

Trước lúc ra đi thằng Đậu còn theo tận mé sông, cằn nhằn ông nội:

- Con đã bảo tin Chệt lái heo như dê tin cọp vậy, ông nội cũng không nghe.

Nghe Đậu nói, bác Ba thấy ân hận, càng căm giận vô cùng. Bởi vậy vừa tới, bác làm ra vẻ hầm hừ, cự nự liền:

- Tại sao mấy nị thất hứa với ngộ vậy?

Bác Ba suy nghĩ: "Mấy chú Chệt nầy nói dóc với mình chẳng khác múa rìu qua mắt thợ. Chạm vào tổ sư rồi, đố chạy trời cho khỏi nắng. Bác phải chơi lại một vố cho cay, cho lũ nhóc con mở mắt biết ai là bậc thầy". Bác nghĩ vậy nên thay đổi thái độ.

Bác Ba tươi cười bảo mấy chú lái heo:

- Heo rừng cân sợ lỗ thì cân heo nhà vậy. Heo của tôi vừa lứa xuất chuồng có độ vài ba mươi con. Nhân dịp các nị vô cân, tôi bảo bà con lối xóm cùng bán thêm vài chục con nữa. Họ cử tôi ra kêu các nị... Nếu không, tôi đi luôn Cà Mau kêu công-xi vô cân, chừng đó đừng có ức.

Nghe bác Ba bảo xóm Kinh Ngang có heo xuất chuồng độ trăm tấn, mấy chú lái mừng quýnh, ánh mắt người nào cũng sáng rực.

Mặc dù mặt trời đã xế dài và đang chuyển mưa họ cũng í ới gọi nhau sửa soạn dụng cụ, châm dầu, tát nước vỏ để vào Kinh Ngang quyết chơi phỗng tay trên đám lái công-xi Cà Mau. Và rồi trời lại đổ mưa. Bác Ba giả bộ lạnh, bảo ở lại sáng mới về. Mấy chú lái hoảng hốt năn nỉ xí xố, bảo thế nào bác cũng ngồi vỏ dẫn họ về ngay trong chiều nay.

Họ chạy tất bật lo chuyến đi nhanh chóng, và tìm áo mưa trùm cho bác Ba. Nhìn họ làm hào hển không dám nghỉ mệt, bác Ba thỉnh thoảng quay ra ngoài cười một cách đắc ý.

Chốc sau, con đường từ vàm Rạch Lùm chạy lên Kinh Ngang người ta thấy có ba chiếc máy "tắc ráng" nối đuôi nhau chạy phun khói xanh. Những lượn sóng cuộn lên vạch thành từng mũi tên bung rộng trườn vào bờ, xô vào những hang hốc kêu xoàm xoạp. Chiếc vỏ máy cuối cùng có bác Ba Phi ngồi giữa, chân tréo ngoảy, hút thuốc phì phèo. Bác cứ nhìn vào những bà con hai bên bờ, miệng tủm tỉm cười hoài.

Qua chỗ kiếng đập, cua quẹo Rạch Lùm, bác Ba trỏ tay vào bờ chỉ cho mấy chú lái xem và bảo:

- Mấy nị chơi xạo vô cùng. Đã hợp đồng lại tự ý bỏ, làm tụi tui phải quăng thịt heo rừng trôi đặc sông như vậy đó.

Mấy chú lái liếc nhìn những mảng thịt heo rừng trôi dập dềnh trên sóng tựa những dề xăng đặc mà lấy làm xấu hổ, không dám ngó lên. Bác Ba cười gằn:

- Ở đời có tin cậy nhau không là kiểm qua việc đối xử, còn chơi xỏ nhau, điều ấy hử, ai dễ thua ai? Các nị chỏi mắt mà xem sự đời sẽ có đi có lại.

Mấy chú Chệt lái heo chẳng nói gì, cứ gầm mặt, lên ga máy vọt tới tới. bây giờ trước mắt họ là những con heo mập ú sắp xuất chuồng của bác Ba cùng bà con Kinh Ngang, rồi đây hàng loạt heo sẽ được vào bội, sẽ được xuống vỏ máy, rồi sẽ đưa lên vựa Chánh Hưng và rồi cùng hàng loạt xấp tiền thẳng rang, thơm phức thi nhau chui vào nặng trịch cái hành thầu của các nị...

Những chiếc vỏ máy chạy tới cửa nhà bác Ba Phi, rướn mũi lên bờ. Ba con người lực lưỡng cầm vòng bắt heo đi lên trước, một ông già đầu bịt khăn khấc, hút thuốc phì phèo, cằm lưa thưa râu bắp thủng thỉnh theo sau. Vô gần tới cửa nhà các "chú ị" xí xô xí xào:

- Pà Pa đi đâu vắng rồi ông Pa?

Bác Ba Phi làm như không nghe câu hỏi của họ. Trong lúc họ còn đứng nhí nhố ngoài hàng ba, bác tiến lên, bước vào trong, hắng giọng:

- Đậu a! Ra biểu đây.

Thằng Đậu chạy ra, nhe hàm răng trắng muốt cười, nhìn ông nội. Bác Ba nháy mắt ra ý cho đứa cháu nội, rồi thản nhiên trao đổi công chuyện nhà với nó:

- Mấy chí lái này đưa ông nội về để cân mười con heo đúng lứa xuất chuồng của mình. Bà nội đâu, bảo xúc cám cho heo ăn để rồi cân!

Thằng Đậu hiểu ý ông nội, nó vỗ tay đánh đốp làm ra vẻ sửng sốt, nhìn vào ông rồi chuyển sang nhìn mấy chú lái, kêu lên:

- Chết rồi!

- Chết cái gì?

- Nguy rồi!

- Nguy làm sao?

- Tại ông nội không dặn...

- Dặn cái gì?

- Dặn bà nội ở nhà đừng bán heo.

- Rồi sao nữa?

- Nên bà nội không biết, bán hết cho mấy chú ngoài Rạch Ráng rồi chớ sao? Bà nội đi theo ra ngoài đó lấy tiền chưa về.

Bác Ba ra vẻ nổi giận, chồm tới nắm ngực thằng Đậu gầm lên:

- Bà cháu mầy hại tao rồi! Bây giờ tao phải ăn nói sao với mấy chú lái đây?

Mấy chú lái heo sông Đốc đứng theo dõi cuộc nói chuyện của hai ông cháu bác Ba mà đực người ra, lắc đầu hỡi ơi! Mặt mày chú nào cũng đắng nghét. Bác Ba uể oải ném tàn điếu thuốc, thở ra, quay sang phân trần với mấy chú lái:

- Các nị coi, bà cháu nó cho tôi leo cây như vậy đó!

Mấy chú lái xí xố phàn nàn:

- Ông Pa chơi zầy kẹt tụi tui quá xá!

Bác Ba thở ra, nói nửa úp nửa mở:

- Cũng tại các nị không biết kiêng cử, chạm vào tổ sư của nghề nói dóc. Chuyện đời... có đi có lại thôi.

Chờ mấy chú lái heo đi rồi, bác Ba ôm thằng Đậu vào lòng, mắng yêu:

- Mồ tổ cha mầy! Nhanh trí ứng phó tuyệt vời như vậy là nối dòng ông nội được rồi đó con ạ.

Thằng Đậu được ông nội khen vừa khoái chí cũng vừa mắc cỡ, gỡ tuột tay ông chạy ra ngoài. Đậu nhảy tung tăng xuống nhà dưới, nói lui:

- Với mấy thằng cha Chệt lái heo xỏ lá đó phải "chơi đẹp" như vậy mới vừa, chớ ông nội!

Bác Ba hỏi với theo:

- Bà nội mầy đi đâu, hở Đậu?

- Thấy trời đổ mưa, bà nội đi kêu công nhổ mạ để mai cấy cho kịp lứa.

Bác Ba vuốt râu cười hà hà tỏ vẻ rất hài lòng, ngồi gật gù nói một mình:

- Cháu cũng như bà, thật là những con người hết sức linh hoạt!

Nói xong, bác Ba bước ra ngoài cửa, đi đến xóm ngoài, dặn lui lại cho thằng Đậu ở nhà:

- Bà nội về bảo ngâm nếp khuya xôi cho người ta ăn cấy, nghe Đậu! Ông nội đi kêu công cấy một bữa cho xong một chục công lúa sa-mo nầy.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #44112