phần 1

Ba lần gặp Bác (Phần 1)
12 Tháng 4 2010 lúc 19:28

Hồ Thị Thu kể
Ở miền Nam sống trong chế độ thối nát của Mỹ-ngụy, em chỉ thấy cực khổ và đau thương. Một điều khổ tâm cho em là không biết cả đến tên Bác Hồ. Một dạo, bọn giặc đem ra xử bắn một chú "Việt cộng" (danh từ bọn Mỹ dùng để gọi các chú giải phóng). Trước khi chết, chú ấy hô to: "Hồ Chí Minh muôn năm!".
Bác Hồ và Bác Tôn chụp ảnh với đoàn thiếu nhi dũng sĩ miền Nam (1969)
Em rất căm thù bọn giặc giết người và thương chú giải phóng; nhưng em rất thắc mắc, vì em không biết Hồ Chí Minh là ai. Về nhà em hỏi mẹ em:
- Mẹ ơi, Hồ Chí Minh là ai hả mẹ?
Mẹ em âu yếm xoa đầu em và hai dòng nước mắt vòng quanh. Mẹ em nói:
- Lớn lên con sẽ biết. Hồ Chí Minh tức là Bác Hồ, con gọi là ông. Bác Hồ là Chủ tịch nước Việt Nam. Bác ở ngoài Hà Nội. Thế rồi mẹ em kể cho em nghe về Bác, những điều đó em nghe rất lạ, nhưng em lại rất thích. Cuối cùng mẹ em bảo:
- Bọn giặc ghét ai nói đến Bác Hồ, con thương Bác để trong bụng thôi, đừng nói với ai....
Về sau mẹ em thường kể chuyện Bác Hồ cho em nghe, càng nghe em càng thương Bác vô vàn. Có lần em được nghe tiếng Bác nói trên đài. Khi em đi làm liên lạc, có một lần em được các chú cho xem ảnh Bác Hồ, đó là tấm ảnh đăng trên báo các chú cắt và dán vào bìa cứng. Đấy cũng là lần đầu tiên em được nhìn rõ Bác. Từ đó, em luôn luôn có cảm giác Bác Hồ là người ông trong nhà, ông đi tập kết xa... Mẹ em bảo:
- Con thương ông thì con phải làm được nhiều việc tốt, nhiều điều hay.
Sau đó, khi em được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, các chú thưởng cho em một chiếc huy hiệu Bác Hồ. Phần thưởng ấy vô cùng cao quý, em ngày đêm giở ra xem mà vẫn không thấy chán. Em mong chóng đến ngày thống nhất, miền Nam không còn giặc Mỹ để Bác vào thăm... Đến khi được ra miền Bắc, các cô tặng em một tấm ảnh Bác Hồ, em vui sướng vô cùng. Hôm đó em ngắm ảnh Bác thật là thỏa thuê. ở miền Nam dễ gì có tấm ảnh Bác rõ ràng như thế để mà ngắm. Thế mà giờ đây, hơn thế nữa, em đang ngồi trên xe vào Chủ tịch phủ để thăm Bác Hồ. Thật còn gì vui sướng bằng. Xe chạy, gió thổi tạt vào mặt, lòng em thấy dạt dào niềm vui. Xe đưa chúng em vừa dừng trong Chủ tịch phủ, em đã nhìn thấy Bác Hồ và Bác Tôn. Chúng em reo lên:
- Bác! Bác...
Chúng em chạy ùa vào ôm lấy hai Bác. Hai Bác ngồi trên chiếc ghế dài để trong vườn cây rợp bóng mát và ngào ngạt mùi thơm của hoa. Bác mặc quần áo nâu và đi đôi dép cao su giản dị. Bác Hồ bảo chúng em ngồi xuống ghế.
Lần đầu tiên được gặp Bác, cảm động quá, em không nói được ra lời. Trong đoàn có mình em là gái nên Bác nhận ra ngay. Bác để tay lên vai em và hỏi: Cháu Thu phải không? Em kính cẩn thưa với Bác:
- Dạ, thưa Bác cháu là Hồ Thị Thu!
- Cháu học lớp mấy rồi?
Em vòng tay và ngập ngừng mãi không nói được, lúc sau em mới thưa:
- Dạ thưa Bác... Nhà cháu nghèo quá, cha cháu chết hồi cháu còn nhỏ, cháu có nhiều em, mẹ cháu không đủ tiền cho cháu đi học, nên cháu chưa biết chữ... Em định thưa tiếp với Bác: Ra miền Bắc cháu sẽ cố gắng học thật nhiều... Nhưng khi ngước nhìn lên, em thấy Bác rơm rớm nước mắt thì em không giữ được xúc động, nước mắt em cứ giàn giụa. Bác kéo em lại gần, Bác sửa vành mũ tai bèo cho em và xúc động nói:
- Nhất định cháu phải được học hành.
Em nép mình trong lòng Bác, cảm động, sung sướng cứ liên tiếp trào dâng. Em ngắm Bác thật kỹ để thỏa lòng ước mong. Em nhìn từ những tàn hương trên thái dương Bác đến những sợi râu bạc trắng và đôi mắt hiền từ của Bác. Bác như một ông tiên trong chuyện cổ tích mà hồi bé chúng em rất đỗi kính yêu. Những phút bên Bác thật như đang sống trong giữa giấc mơ.
Chú Tố Hữu lần lượt giới thiệu tên tuổi chúng em. Trong đoàn em có anh Đoàn Văn Luyện, người diệt được nhiều Mỹ và khi trở thành dũng sĩ diệt Mỹ anh còn là một thiếu nhi. Khi mới ra, anh Luyện đã được gặp Bác, nên khi chú Tố Hữu định giới thiệu anh Luyện, Bác bảo:
- Bác biết rồi, Đoàn Văn Luyện phải không?
- Thưa Bác, cháu là Luyện ạ!
Anh Luyện rất xúc động, miệng anh cười nhưng mắt lại rưng rưng. Anh có ngờ đâu tên mình được Bác nhớ. Hỏi chuyện anh Luyện xong Bác quay lại dịu dàng hỏi em:
- Thằng Mỹ to, cháu nhỏ như vầy, cháu đánh nó như thế nào?
Em vòng tay trước ngực thưa với Bác:
- Dạ thưa Bác, cháu nhỏ nhưng mà còn có các cô, các chú, các bác và các bạn nên cháu không sợ chúng nó, đánh được một trận rồi cháu thấy quen, không sợ nữa.
Bác Hồ cười vui vẻ, Bác Tôn cũng cười và nói:
- Các cháu không sợ thằng Mỹ, nhân dân ta không sợ đế quốc Mỹ thì nhất định chúng ta sẽ đánh thắng chúng nó.
Em lại đứng lên thưa với hai Bác:
- Dạ, chúng cháu cũng như đồng bào ở trong không hề sợ tụi lính Mỹ, cũng không sợ gian khổ, không sợ chết mà chỉ sợ có một điều...
Thấy em ngập ngừng, Bác Hồ hỏi:
- Cháu sợ điều gì?
- Dạ, thưa Bác, chúng cháu chỉ sợ bị mù hai con mắt, sau này sẽ không được nhìn thấy Bác.
Nghe em nói, Bác Hồ cảm động chớp chớp mắt và kéo em vào lòng... Em xúc động quá, gục vào lòng Bác giấu nước mắt. Em sợ khóc sẽ làm Bác buồn. Lúc đó em nhớ tới các bạn em ở miền Nam cũng đều có niềm mơ ước được gặp Bác, được thấy Bác một lần, mà chưa kịp đạt được đã anh dũng hy sinh... Bác xoa đầu và bảo chúng em kể chuyện đánh Mỹ để Bác và Bác Tôn nghe. Bạn Võ Phổ kể Bác nghe chuyện diệt 60 tên Mỹ - ngụy. Bạn Võ Hường kể về lần đánh nhau với bọn Mỹ mà bạn bị thương. Hai Bác rất xúc động vì Hường mới 15 tuổi đã bị quân thù cướp mất một cánh tay, một con mắt. Bạn Hường đã anh dũng diệt 35 tên Mỹ. Bác hỏi kỹ trường hợp bị thương của bạn Hường:
- Bây giờ chỗ bị thương của cháu còn nhức không?
- Thưa Bác, ít thôi ạ!
- Cháu mất một con mắt học hành có khó không?
Bạn Hường cảm động thưa với Bác:
- Thưa Bác, cũng có khó khăn nhưng cháu cố gắng học được ạ!
- Cháu cố gắng thế là tốt! - Bác khen bạn Hường.
Đến lượt em, em kể việc làm của mình để các Bác nghe. Nhưng em quên nói chuyện phá 13 khẩu súng địch. Nghe các chú bổ sung thêm, Bác hỏi:
- Cháu phá súng chúng nó bằng cách nào?
- Thưa Bác, nhè lúc tụi nó sơ hở cháu lấy cát bỏ vào nòng súng, đến khi chúng nó bắn bị tắc đạn, nòng nổ toác ra!
Bác Hồ và Bác Tôn cười vui vẻ. Bác Hồ bảo:
- Các cháu nhỏ mà thông minh.
Cả đoàn đã lần lượt kể chuyện để hai Bác nghe, còn lại mỗi mình Ngô Nết là chưa kể. Nết 12 tuổi, quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi. Nết đã diệt được 5 tên Mỹ. Bác kéo Nết vào lòng, âu yếm hôn Nết và nghe Nết kể chuyện. Vừa lúc đó, bác Phạm Văn Đồng đến. Bác Hồ giới thiệu chúng em với bác Đồng rồi chỉ về phía Nết, Bác nói:
- Cháu Nết cùng quê với chú Đồng đó.
Bác Hồ, Bác Tôn và bác Phạm Văn Đồng đều rất vui khi biết Nết là em trai của chị Ngô Thị Tuyết. Chị Tuyết khi 17 tuổi là chiến sĩ thi đua, chị đã diệt 25 tên Mỹ, đấu tranh chính trị và binh vận rất kiên cường. Chị cũng vinh dự nhiều lần được gặp Bác. Nghe Nết kể chuyện xong, bác Phạm Văn Đồng khen:
- Chị dũng sĩ, em cũng dũng sĩ. Chị dũng sĩ trước, em dũng sĩ sau, chị em cháu đều anh dũng đánh Mỹ.
Bác Hồ vui vẻ nhìn các cháu và nói trong niềm phấn khởi:
- Nhất định nhân dân ta sẽ đánh thắng giặc Mỹ!
Rồi quay sang phía chú Tố Hữu, Bác nói:
- Chú phải làm một bài thơ về các anh hùng tí hon này nhé!
Bác Tôn gật đầu đồng tình và nói tiếp:
- Các nhạc sĩ cũng cần làm những bài ca để ca ngợi thiếu niên miền Nam.
Tất cả cười vui vẻ. Bác Hồ bảo:
- Bây giờ các cháu hát một bài.
Các em chưa biết hát bài nào thì Bác đã nói:
- Các cháu hát bài "Giải phóng miền Nam" nhé!
Bác bắt giọng cho chúng em hát. Bác ngồi vỗ tay theo nhịp hát. Chúng em ngồi quây quần bên Bác vừa hát vừa vỗ tay, khu vườn trở nên rộn ràng trong tiếng hát trầm hùng:
"Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh đến cùng, cầm gươm, ôm súng xông tới..."
Chúng em hát xong, Bác bảo:
- Các cháu đã đói bụng chưa? Bác cháu ta đi ăn cơm.
Bữa cơm ấy em nhớ suốt đời. Hôm ấy Bác cho em và Ngô Nết, hai cháu nhỏ tuổi nhất ngồi bên Bác. Bác đơm và gắp thức ăn cho chúng em. Bác hỏi em:
- Đồng bào trong quê cháu sống như thế nào? So với đồng bào miền Bắc cháu thấy khác nhau ở chỗ nào?
Em định đứng dậy để thưa với Bác, nhưng Bác bảo chúng em cứ ngồi. Em liền thưa:
- Thưa Bác, ngoài Bắc không có người bóc lột, không có bọn thực dân. Được sống tự do bình đẳng nên sung sướng hơn trong ấy nhiều lắm.
Bác gật đầu bảo: "Cháu nói đúng".
Bữa cơm thân mật, đầm ấm và em thấy ngon hơn bất cứ bữa ăn nào.
Trước khi chúng em phải xa Bác ra về, Bác cho mỗi cháu hai quả táo, một quả lê và ba quyển sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, loại sách "Người tốt, việc tốt".
- Các cháu về nhà đọc sách này và cố gắng học tập cho giỏi, rèn luyện cho tốt.
Cuối cùng Bác còn cho chúng em hôn hai Bác một lần nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: