CHƯƠNG 2: NHỮNG TIẾNG NÓI THẦM



GẶP MƯA

Đêm hôm ấy bầu trời mây vẩn, mặt trăng còn khuyết không mấy khi hiện hẳn được ra. Không khí nóng bức nặng nề, như mang cái lo ngại. Trong bốn bề toàn đồng ruộng bát ngát, chỉ thấy xa xa mờ mờ, mấy đám cây cối im lặng một cách say sưa, mơ màng.
Trời bỗng thêm mây đen phủ đặc, gió lốc bắt đầu cuốn bụi. Khách rảo cẳng mà vẫn không thấy tiến mau. Trên đầu ầm ỳ sấm chuyển; chớp loáng ở chân trời ngày càng gần lại, ngày càng mau; mưa to sắp đổ xuống mà làng xóm lại xa, đi chạm thế này chắc không thể nào tìm được chỗ ẩn. Khách vừa băn khoăn vừa gấp bước, nhưng bụi với gió cứ ấn mãi vào mặt, phải giữ chặt lấy cái nón lá cho khỏi lật ra sau gáy, rồi lại phải bỏ ra cầm ở tay. Cũng không xong, gió mạnh và nhanh lắm, như cố tinh bắt khách lùi. Người đã nhọc quá, xem chừng không thể tránh khỏi mưa, khách mới chậm chân để thở. Bỗng thấy một đám cây rậm đang cót két ngả nghiêng ở cạnh một cái đầm con. Nhìn kỹ thì đó như là một cái miễu lớn, ở trong lại hình như có chùa, hay miếu - hay không có gì chăng nữa thì cành lá um tùm thế kia cũng che đỡ cho mình được ít nhiều. Khách liền dấn bước về nẻo miễu.
Trong miễu quả có một ngôi chúa nhỏ; song khách chỉ đứng lại ngoài hiên. Trong chùa vắng ngắt mà tối lắm. Nhờ có chớp nháy khách dần dần trông thoáng được một cái bệ gạch ở giữa những cột to sù. Cái bệ phẳng, trên không có gì qua; mấy tượng bụt thì hình như cụt đầu nằm lăn ở dưới đất. Sau cái bệ ấy là bóng tối mà ánh chớp làm cho đen thêm - cái tối sâu âm thầm, sâu vô tận, người ta không biết trong ấy có những điều bí mật gì.
Khách không bước vào trong chùa, đặt nón ngồi ở hiên, ngảnh mặt trông ra; trong bụng không lo sợ nhưng không được yên lòng hẳn. Hạt mưa đã lác đác đập lên mái ngói và cành lá, rồi ào ào trút xuống, nước bắn vào gần chỗ khách ngồi. Khách phải thu hình lại và lấy nón che chân, sau lại phải ngồi quá vào trong bực cửa.
Bấy giờ cả một phương cảnh vật chuyển động trong đám tối mịt mù; tiếng gió chạy ầm ầm hòa với tiếng nước đổ rào rào không ngớt. Chớp lóe lên từng lát buông vội xuống một tấm màn mưa lấp lánh trước hiên và làm thoáng hiện ra những đám cây ướt đang vạt vã. Bốn phía sấm dồn như vần đá tảng nối vào những tiếng sét như nổ vỡ một tầng trời. Mưa gió tưởng chừng không bao giờ nguôi. Khách cứ lẳng lặng ngồi đó, trong bụng ngày môt thấy xôn xao áy náy. Khách tự nghĩ: «Dễ thường phải ở đây đến sáng cũng nên».
Khách là một người bộ hành từ phương Nam đi lại. Ít lâu nay, người ta đồn rằng ở Bắc thượng có vị Cao sĩ ngoài trăm năm mươi tuổi, sống từ đời Lê Mạt cho đến bây giờ là năm 152; cụ biết được nhiều điều rất mầu nhiệm, suy được những cơ trời huyền bí, nói trước việc tương lai tới hai ba trăm năm trở về sau. Khách là người mộ học, nghe thấy vậv, không quản xa xôi, đi ngay tới Bắc thượng để xin Cao nhân chỉ giáo. Ở nhà đi từ sáng tờ mờ đất, định đến chiều tới Bắc thổn, sẽ tìm vào nhà một ông họ Đàm là bạn học cũ; nghỉ ở đấy một đêm đến sáng hôm sau sẽ lên Bắc thượng. Khách đi không may lạc đường, lúc biết ra thì trời đã gần tối. Khách hỏi thăm cặn kẽ rồi cứ đi không muốn trọ đỗ ở đâu, gần đến Bắc thôn thì gặp mưa, khách phải miễn cưỡng vào ẩn trong miễu.
Ngồi ở cửa chùa đợi tạnh, khách tuy có bồi hồi thực, nhưng đó chỉ là nổi khó chịu của mọi người gặp phải lúc này thôi. Chứ khách có biết đâu rằng hiện khách đang ở trong một cái hang chứa những tai nạn ghê gớm.
Ngôi chùa này nguyên có tiếng là thiêng lắm, chùa dựng lên đã lâu, nghe nói là của một viên quan triều đình cáo lão sai làm để đến tu niệm. Bây giờ, tuy là nơi bỏ hoang, xa cách hẳn làng xóm, nhưng trước kia quanh năm vẫn tấp nập nghi ngút, khách thập phưong qua lại cầu khẩn rất nhiều.
Bỗng tự nhiên mấy năm về trước đây, chùa này xảy ra một chuyện rất kỳ dị. Sáng sớm hôm rằm tháng chín năm ấy, những người đi lễ đến nơi thì thấy cửa chùa còn đóng. Đợi mãi đến lúc mặt trời đã cao mà chưa thấy nhà sư thỉnh chuông. Đẩy cửa vào thì cửa không cài then trong, mà mâm quả, bát nhang, với bình hương, giá nếu đều đổ vỡ. Các tượng bụt thì bị quăng cả xuống đất, dưới đất có vết máu lênh láng, mà pho tượng nào cũng cụt đầu. Đang kinh ngạc thì người ta lại lôi ở trong xó tối ra mấy cái thây cũng mất đầu, đó là hai vị sư với hai chú tiểu.
Người ta đi trình quan; huyện quan đến khám xét và tra vấn nhưng không ra được manh mối; mà kỳ quá, trong chùa ngoài những thủ cấp của bụt và sư tiểu, thì không thấy mất mát gì qua. Không biết hung thủ làm gì bằng những của ấy. Bốn năm tháng dò xét cũng không thể khám phá được những điều bí mật, đành phải bỏ. Rồi việc ấy dần dần cũng bẵng đi.
Nửa năm sau trong chùa lại có hai nhà sư khác đến ở. Hai nhà sư chưa kịp thu dọn; mới đến hôm trước, hôm sau một ông trốn đi đâu mất, còn một ông chết lăn ra sau phương trượng; người ta không biết được tên họ nhà sư ấy, vì ông ta cũng bị chặt đầu.
Còn đương tầm nã người đi trốn, thì sáng hôm thứ tư có người thấy ông ta ở trước cửa chùa, nhưng đã chết treo dưới cây đại lớn.
Khắp vùng đó nôn nao lên vì những sự quái gỡ. Ngay từ khi xảy ra mấy cái án mạng trước, người bàn đi kẻ đoán lại, phần nhiều người tin rằng chùa này phát hung thần. Nhân đó, mấy người chú ý riêng về việc này đều nói quả quyết rằng: thường thường những đêm ầm ỳ mưa gió, trong chùa Đầm thấy lập lòe một ngọn lửa xanh; họ cố rình xem thì thấy hiện lên những hình thù rất lạ lùng, xúm quanh ngọn đèn mà rì rầm như nói chuyện. Câu chuyện lan ra thực chóng, trước còn những bọn đàn bà con trẻ hay kể lại, lâu dần cả đến người mạnh bạo nhất cũng phải tin rằng có những sự phi thường. Chùa Đầm vì thế hóa ra một nơi độc địa không ai dám bén mảng đến.
Ba bốn năm trời không hương khói, không người coi sóc, không ai dám đoán biết đến những việc xảy ra ở trong. Miễu thành ra um tùm, chùa thành ra thêm bí hiểm, chốn này người ta coi như một nơi tụ họp của vong hồn người chết hay một cái cửa xuống âm phủ, lù lù hiện ra đó để nạt người trần gian. Người ta lại kể chuyện rằng: một hôm có một bọn người đi buôn ở xa đến không biết là chùa dữ, nên rủ nhau vào ngủ một đêm. Sáng hôm sau không ai ra nữa: bọn ấy tất thành ma không đầu. Rồi mỗi năm lại thấy những điều kỳ quái một thêm ra. Khi thì mấy người táo tợn bị thiệt mạng và mất xác vì dám vào dò xét trong chùa; khi thì ông lý trưởng làng trên vì nói động đến chùa Đầm nên tự nhiên bỏ nhà đi đâu mất; khi thì bọn tuần tráng trong làng gặp thấy trong lức đêm tối những con yêu tinh da trắng tóc xõa chập chờn quanh miễu. Bao nhiêu bệnh nạn ở vùng đó người ta đều cho là các hồn người chết trong miễu gây nên.
Những cái nguy hiểm ở chùa Đầm là thế, nhưng người khách lạ có ngờ biết gì đâu? Có lẽ khách ở xa nên không nghe nói đến các việc trong miễu này bao giờ; dầu cho có máng nghe thấy khách cũng coi như những chuyện huyền hoặc. Bấy giờ mưa đã dần dần ngớt; lúc tạnh hẳn thì đêm chừng đã quá canh ba. Một vài con dế cỏ se sẽ cất tiếng kêu, rồi lại im. Mặt trăng trên đám mây tan cũng nghé con mắt trông xuống. Khách thấy trời khuya đã toan tìm chỗ ngủ. Bỗng nghe ở phía sau có tiếng sột soạt rất nhanh. Khách trông vào: trong xó tối mù có hai con mắt lè lè sáng. Hai con mắt tròn và nhỏ, yên lặng như chăm chú nhìn khách. Cùng lúc ấy có tiếng gừ gừ đưa ra. Khách «suỵt» một cái thì một соn cáo chạy vụt ra ngoài đâm bổ vào đám cây muỗm còn đầm đìa những giọt nước. Bỗng con cáo lại nhẫy lùi lại dựng cả lông mình lên, thì ra một con rắn lớn ở trong cỏ đang bò tới... Khách vừa đứng phắt dậy thì thấy hai con vật đang gầm gừ phì phè lừa vồ nhau. Khách nhẩy sổ ra dẫm chân dép lên đầu con rắn. Nó oằn oại rồi chết ngay. Con cáo đã biến đâu mất. Lắng tai nghe chỉ thấy tí tách rơi xuống một vài hạt nước đọng trên mái ngói hay lá cây mà thỉnh thoảng một cơn gió thổi qua làm rụng xuống gần hết. Trời một ngày một thêm quang quẻ, mà chốn này lắm rắn rết như thế xem chừng không ngủ yên được, nên khách buộc lại dép rồi xách nón đi ra.
Ở NHÀ ÔNG ĐÀM
Ông họ Đàm đặt chén rượu xuống vừa mỉm cười vừa lắc đầu:
- Nguyễn tiên sinh nói lạ! Bao nhiêu chứng cớ hiển nhiên còn đấy, ai dám bảo là không có, là huyễn hoặc? Chính tôi đây cũng không ngờ vực nỗi gì.
- Thế thì nhân huynh cho là tôi đặt để ra sao?
Câu chuyện này là câu chuyện ẩn mưa trong chùa Đầm. Khách nhân thấy ông bạn cứ thuật lại những việc yêu quái trong cái miễu mà ta đã biết, bèn đem kể rành mạch từ lúc khách bước vào chùa trông thấy những tượng bụt đổ vỡ cho đến lúc thấy con cáo và con rắn đuổi nhau cho ông họ Đàm nghe. Ông họ Đàm thì cho là khách nhầm, chứ nhất quyết không tin việc Nguyễn công vào ẩn mưa trong cái chùa quái gở.
- Một là Nguyễn tiên sinh vào đấv rồi không ra nữa, hai là Nguyễn tiên sinh không bước chân vào bao giờ...
Ông họ Nguyễn thì lấy làm lạ quá. Bạn ông hẳn cũng biết ông không đời nào nói dối, mà sao vẫn một mực cho là mình bịa đặt ra câu chuyện ấy để làm kinh ngạc mọi người.
Lúc ấy vào khoảng giờ thìn (8 giờ sáng) hai ông bạn ngồi đối diện uống rượu ở trên phản, ông họ Đàm người xương xương, nước da ngâm đen nhưng không phải vì cháy nắng; búi tóc nhỏ, gò má cao, trán nhỏ, mắt bé sắc xảo. Cách nhau đã hơn mười năm trời, kể từ ngày còn theo học hòa thượng Linh tự, bây giờ mới lại gặp mà hai người nhận được nhau ngay. Hai ông vẫn giữ nguyên cái nét mặt đặc biệt ngày trước. Ông Đàm thấy ông Nguyễn vẫn nước da hồng đỏ, vẫn đôi mắt sáng và nghiêm trang, vẫn cái miệng rộng, măm mắm trên cái hàm vuông của người chính trực quả quyết; nay chỉ thêm hoa râm cái bộ râu ba chòm kia dài và đen, mà bạn học vẫn gọi đùa là bộ râu Trinh Tử.
Hai ông được gặp nhau xem chừng vui vẻ lắm và kể lại những tích cũ lúc hai người đang ganh nhau luận sử đàm thi. Rồi sau khi hỏi nhau về cuộc đời mười năm về trước, ông Đàm thở dài mà than trách cái thân thế của mình. Nay ở thôn Bắc, ông chả thiết làm gì cả; cái công luyện tập đèn sách đã tính đem ra răn bảo đàn sau, nhưng vì có nhiều điều bất đắc chí nên lại thôi; việc nhà cửa phó mặc cho «bà nó» săn sóc. Bà là người đảm, thắt lưng bó que làm lụng một tay chăm nuôi con cái và cung phụng đức ông chồng. Ngày rộng tháng dài, ông chỉ ngâm vịnh thơ văn cho tiêu tán. Cái công danh sự nghiệp khiến cho ông bao phen chìm nổi mà không có kết quả gì, thôi thì ông cũng không cần nửa. Mặc kệ cho đời xoay vần, cho đời nó sóng gió, ông đã chán lắm, ông chỉ ở kín một chỗ, ông ngâm nga thơ phú, ông châm chọc đời chơi.
Nhưng người chán đời để ẩn trong thú điền viên kia lại quan tâm đến những việc lạ lùng trong nước. Ông không những không «dũ áo» mặc kệ những việc ấy, lại còn đem ra thuật lại cho bạn cũ biết, và lấy việc ông họ Nguyễn ẩn mưa trong miễu là một việc khó tin, ông lại nói rằng:
- Thế gian kể cũng nhiều điều kỳ lạ, song không kỳ lạ bằng những chuyện này. Mấy năm nay, bên tai tôi không lúc nào ngơi những điều quái đảm kinh hồn người ta kể lại. Trước tôi vẫn cho là việc bày đặt như bao nhiêu chuyện ma quỷ khác, đến sau cùng phải tin. Vả «thế gian chẳng ít thì nhiều», vạ gì bịa ra những điều người ta không trông thấy! Huống chi việc xảy ra ngay gần đây, các người trong mấv thôn không ai không biết rõ, không ai không lo sợ sẽ gặp phải những tai nạn không thường... Một người đặt để ra nói còn có lẽ chứ có đâu mọi người trong châu huyện gần đây ai cũng nói đến những điều không có để nạt nhau ư?... Ngô huynh ở xa đến đây, nghe thấy những điều kể vừa rồi cho là lạ kỳ cũng phải. Nhưng lạ kỳ mà có thực... Có nhẽ lại thực hơn cái việc ẩn mưa của ngô huynh.
Giọng nói với nét cười của ông Đàm nửa ra khôi hài, nửa ra châm chọc. Ông Nguyễn không muốn cãi lại, ngồi lẳng lặng ngẫm nghĩ hồi lâu. Có lẽ ông cũng hơi chột dạ; có lẽ ông đang nghĩ cái cớ vì sao ông không phải làm con ma cụt đầu trong chùa Đầm. Nhưng ông đặt chén rượu xuống, thong thả nói:
- Người ta vẫn bảo rằng ma quái chỉ đến nạt những người yếu bóng vía, còn tôi thì tôi cho là những người ấy tự nát mình thì phải hơn. Trời đất sinh ra người có thâm thiểm gì mà tạo ra những vật ấy để hại người ta? Chẳng qua bụng mình bao giờ cũng chứa sẵn cái sợ, trong trí sẵn tưởng có các vật linh thiêng, độc ác nó chỉ định ám ảnh mình. Bởi thế, một tiếng động trong đám tối, một tiếng chim lạ trong lúc đêm khuya đều khiến cho mình tưởng trông thấy những hình thù quái lạ. Trong một bọn người đi ngoài đồng ban đêm thường có người kêu rú lên rằng thấy ma, mà những người kia nếu không khiếp sợ thì chỉ lấy làm ngạc nhiên không thấy ma nào hết. Tôi thường đi tối với những người như thế để хеm con ma của họ nó thế nào. Nhưng không bao giờ tôi được gặp ma cả. Vậy thì ma ấy ở đâu? chẳng là ở cái nát đảm của người nhát, ta vẫn gọi là yếu bóng vía, tưởng tượng ra trước mắt hay sao?
Ông Đàm:
- Trong trời đất có nhiều việc ta lấy ý tưởng mà đoán xét mà cắt nghĩa được, song cũng có nhiều việc sâu nhiệm ta không thể lấy tri thức nhà suy lường... Những điều lạ kỳ, những điều vô lý nhất, cũng có thể có được. Việc oan hồn hiển hiện, việc yêu quái linh thiêng đời nào cũng có, đời nào cũng lắm. Ngày xưa có những án kỳ lạ nếu không có những việc hiện hồn mách bảo thì ai tra xét được ra? Mà những chuyện thần miếu, những hung thần tác quái, như trong chuyện thần Xương cuông ăn thịt người trong cái miếu hãm hại Bất Vi ngày xưa, có phải là những chuyện truyền khẩu đâu? Các việc đó điều chép cả trong lịch sử. Không nói đâu xa lạ, nói ngay những điều tôi mắt thấy tai nghe về cái miễu chùa Đầm đủ chứng rằng các ma quỉ là có thực. Tạo hóa dựng nên, hay cho phép những linh vật ấy được vơ vẩn trên đất của người trần gian là ý thế nào, bất tất phải gò tâm nghĩ đến những điều mầu nhiệm ấy vội... Hay là có thể cho rằng các hung thần hay yêu quái được quyền đến chiếm cứ ở đấy, một là để trừng phạt lũ lăng ni làm nhiều điều hắc ám trong nơi thanh tịnh mà tội ác chỉ giấu được mắt người trần; hai là để hãm hại những kẻ gian tà, những người đến sổ chết với những kẻ vô phúc lạc vào đó. Ví bằng việc sát hại này không do ở lòng trời khiến ra, mà lại do ở tính quái ác của lũ yêu ma kia, thì chỉ một lưỡi tầm sét đánh xuống là tan nát hết. - Một lẽ nữa là giống yêu quái đó chắc hẳn là các vong hồn của người trần, các hồn đơn quỉ đói không ai cơm cúng, phải tự họp ở đấy để tìm tòi các người tận số, hoặc phải chết vì nước lửa, hoặc chết vì sấm sét, rắn rết hay vì cách nào, để dun rủi đến đấy mà chết. Những người chết đó, xác thì bị các quỉ đói chia sẻ, còn hồn thì lại vẩn vơ quanh cái miễu, lâu ngày cũng thành yêu tinh. Đó là những con tinh tóc xõa, áo trắng lừ lừ đi trong những đêm mưa gió âm u mà thỉnh thoảng bọn thần đinh trông thấy...
Ông Nguyễn vuốt râu cười nhạt:
- Tiếc thay, những bộ văn Trích quái không có nhưng lý luận như tiên sinh vừa giải tôi nghe...
- Thế ra ngô huynh vẫn chưa tin lời tôi ư? Thì tôi đã nói rằng chính tôi đây lúc mới nghe cũng không thể tin lời người ta thuật được. Mãi về sau, vừa suy nghĩ, vừa xem xét, lúc chính mắt được thấy cái ánh lửa xanh lè trong chùa với những yêu tinh quanh quất đấy, tôi mới không nghi ngờ gì nữa.
Nguyễn công thấy ông Đàm nói quả quyết lắm, đã bắt đầu kinh dị, cho là một việc lạ thường. Ông cau mày một lúc rồi nói:
- Quái lạ, thế sao đêm vừa rồi tôi không thấy gì? Hay là vì tôi không nghi ngờ gì nên không bị cái nát đảm nó mê hoặc...
- Tiên sinh vẫn cứ nói đến mê hoặc mãi...! Nếu tiên sinh có vô tình vào qua miễu ấy thực mà không việc gì thì đó chẳng qua là thần minh còn che chở người ngay, nên phúc thần mới hộ vệ tiên sinh mà không cho lũ yêu quái gần đến... chứ từ xưa đến nay, có ai dám bén mảng đến đấy đâu. Nhưng tôi xin tiên sinh chớ có tin ở vẻ tầm thường của chùa Đầm theo như ý tiên sinh nghĩ.
- Thế thì lạ thực! Trong trời đất lại có những việc khác thường đến thế ư? Nếu vậv đêm nay tôi quyết vào đó rình xem...
- Tôi can ngô huynh đấy. Để mặt họ, hơi đâu mà trêu họ cho mang vạ vào mình.
Nhưng Đàm tiên sinh khuyên bạn thế nào cũng không được, ông Nguyễn cứ một mực rằng:
- Tôi vì nghi hoặc lắm, không đành tin một điều có vẻ huyền hoặc như kia. Nếu có xảy ra điều gì bất lợi cho tôi, tôi cũng không oán thán.
Cơm nước xong chuyện vãn một lúc lâu, rồi ông Đàm chỉ lối cho ông Nguyễn đi lên Bắc thượng. Ông xin lỗi rằng không thể cùng đi với bạn được và hẹn đến chiều sẽ lại hội diện ở nhà.
Chiều hồm ấy, ông Nguyễn ở Bắc thượng về, ông Đàm liền hỏi đến chuyện đi tìm Cao sỹ, ông Nguyễn nói:
- Tôi lên núi, đến cửa không tự thì gặp một người tiểu đồng đón hỏi rồi dẫn tôi vào... Cao sỹ tráng cốt cách như tiên, da hồng tóc tuyết, cư chỉ tự nhiên lắm, tiếng người nói trong trẻo mà rất khoan thai dõng dạc. Tôi đem mấy điều dự sẵn để thỉnh giáo, nhân lại hỏi đến việc ma quái ở chùa Đầm. Nhưng người không nói nhiều, mà lời nói ý nghĩa cao thâm quá. Tôi đoán chắc mới nhất kiến nên mình chưa xứng đáng được người dạy bảo cho. Tôi cáo từ rồi lui xuống tìm vào thăm ông huyện Đào Đình Khê là một người tôi vẫn hâm mộ.
- Phải ông ta là người lỗi lạc và thanh liêm lắm, nhưng tôi không muốn giao tiếp, và nghĩ mình thì thanh bần...
Mâm rượu bưng lên, hai ông bạn lại vừa chén tạc chén thù vừa nói chuyện. Ông Đàm ngỏ ý lưa bạn ở lại ít bữa nhưng ông Nguyễn xin từ chối và nhất quyết đi khám phá những việc lạ trong chùa Đầm.
Cản ngăn thế nào cũng vô hiệu, đến khi mặt trời ngả bóng, ông Đàm ngại ngùng đi tiễn bạn ra khỏi thôn. Lúc chia tay, Đàm tiên sinh lại hết lời khuyên giải lần nữa. Ông Nguyễn phải bật cười lên mà rằng:
- Sao tiên sinh phải lo sợ quá như thế? Người xưa dẫu phải bao phen nguy khổ cũng không ngại, miễn là tìm biết được điều hay. Đây chả là một sự lạ đáng biết ư? Tôi muốn tin lời tiên sinh mà vẫn còn chưa hiểu các việc kỳ dị, vậy tôi đi xem cho hiểu chứ sao?
- Nếu vậy, xin vĩnh biệt, thân người là trọng mà tiên sinh không muốn giữ gìn, tôi cũng không dám can ngăn.
Nguyễn công thì mỉm cười lên đường, còn Đàm công đứng trông theo, cau mày lẩm bẩm mấy câu rồi cũng trở vào.
THẤY YÊU QUÁI
Bấy giờ vào khoảng gần canh ba. Khu miễu trơ trơ ở giữa chốn đồng không bát ngát kia dốc ngược cái hình lù lù sẫm đen xuống mặt nước đầm bên cạnh.
Mảnh trăng cao không bị mây ám dải cái ánh sáng rõ ràng lạnh lẽo xuống trăm nghìn mẫu ruộng trắng xanh. Chốc chốc một làn gió thoáng đưa như phảng phất qua lại những vong hồn không ai trông thấy.
Trong miễu thì om tối. Lác đác dưới đất mấy vùng ánh sáng mờ đang cử động theo bóng lá chen xít nhau. Từng trận gió ào ào trên các đầu cây nghe như những tiếng thở dài lớn. Trong bụi lối dưới chân cỏ các thứ dế đua nhau trinh trích từng lúc rồi lại im, điểm vào những giọng giun kêu rù rì rất dài, rất lâu, rộng rãi điều hòa như cái yên lặng.
Lúc ấy trong chùa thấy có một ngọn lửa nhỏ không cử động, Ngọn lửa nhỏ quá, đến nỗi không đủ soi ra ngoài cái bệ phẳng lỳ. Ngọn lửa ở đó được gần nửa trống canh. Trước khi hiện ra, cứ thấy nó từ tử ở trong chỗ đen mù đen mịt tiến gần lại, trước nhỏ, sau to dần. Mà хеm như không có người đem ra, hay có thì người ấy vô hình hơn đêm tối. Khi nó đứng lại, nhìn rất kỹ thì mới biết đó là một thứ lửa đèn. Nhưng ngọn bấc lại nhô lên cháy ở giữa đĩa, nên trông hình như cái đèn ấy không có đế và đứng lửng lơ trên không.
Không có một tiếng động nào qua. Những giọng rì rào ở bên ngoài như bé dần, như biến đi, làm cho vùng đen tối thêm nặng nề, thêm độc ác. Bỗng thấy rúc rích như chuột chạy ở chân tường... Ngoài hiên mấy chiếc lá khô rơi.... một con dế trong xó sẻ rụt rè kêu. Rồi tất cả im thin thít.
Một bàn tav đen sì to tướng thò rа, năm ngón quều quào trên ngọn đèn, ánh lửa chiếu lên làm cho lòng bàn tay mờ mờ đỏ. Một bàn tay nữa vừa đến nằm lên trên bàn tay trước, thì bốn năm thằng quỉ hiện lên ngồi vây lấy chung quanh cái bệ. Chúng che khuất hẳn ngọn lửa và châu đầu vào nói chuyện với nhau. Chúng nói không ra lời, chỉ thấy lắp bắp phì thào mội lúc.
Ông Nguyễn thấy trống ngực đánh thình thịch, ông nín hơi thở lại thì quả tim lại đập dữ hơn. Ông ta nấp ở sau một cánh cửa vẫn mở, chỗ ấy đen tối như mực, giơ tay lên đến mặt cũng không trông thấy gì. Nhưng từ chỗ ấy ông ta có thể xem xét được hành động của lũ «yêu quái».
Chúng nó vẫn châu đầu nói chuyện với nhau bằng hơi gió. Hai thằng quỉ quay lưng lại, nên ông ta chỉ thấy hình hai cái đầu yên lặng trên hai cái lưng to lớn và đen. Ba thằng ngồi ở phía bệ bên kia thì ông ta trông thấy mặt: mặt xanh như nhuộm phẩm, miệng đỏ và cực rộng, ở dưới những đám lông rậm xơ xác không rа hình râu. Chúng nó để tóc xõa xuống vai, nhưng có một đứa quay mặt ra thì bịt trên đầu một thứ khăn xanh thắt ở sau gáy.
Lúc ấy hai cái tay trên ngọn đèn là tay của thằng quỉ bịt khăn xanh đã kéo về để lên bệ. Ông Nguyễn thấy nó gật gù mấy cái rồi đưa mắt cho mấy thằng kia trông về chỗ ông ta nấp rồi lại rì rầm nói nhỏ hồi lâu. Đang hết sức lắng tai nghe thì bỗng thấy chúng "Hà hà!" lên mấy tiếng. Rồi lại rì rầm bàn nhau nữa. Sau thằng quỉ bịt khăn xanh thì thào lên một thôi một hồi những tiếng nói lớn hơn trước, nhưng nghe vẫn như tiếng người hết hơi. Lũ quỉ liền rút năm con dao nhọn và sáng giơ lên rồi cùng đứng cả dậy. Ông Nguyễn nghe thấy tiếng cười khàn khàn như ở trong những cổ họng bị cắt đứt:
- Hà hà!
- Hà hà! hà hà!
Ông ta hết sức cẩn thận sẽ đứng lên. Rồi vùng một cái, chạy ra cửa, nhưng liền bị hai tay bóp lấy cổ đun ông ta lại; một thằng quỉ nữa vẫn đứng rình ở ngoài. Bấy nhiêu đứa liền nắm lấy ông ta khiêng để lên bệ. Ngọn đèn lúc ấy đẫ khêu lớn, một thằng đang cầm ở tay giơ lên. Ông Nguyễn dẫy dụa thế nào cũng không ra, ông kêu không thành tiếng nữa. Ông bị những bàn tay như sắt ghì chân tay ông xuống, người ông nằm ngửa, cứng như xác chết; ông nhắm nghiền mắt lại sẵn sàng da thịt đợi cho lũ quỉ xé ra tan tành. Bỗng thấy một thằng nói lên, nói tuy sẽ, nhưng lần này thực là tiếng người:
- Mở... mắt... ra!... Mở... mắt...!
Ông Nguyễn vô tình vâng lời, mở mắt ra thì thằng bịt khăn xanh cúi xuống gần mặt ông ta mà thở, ông ta ngơ ngác liếc quanh liếc quẩn rồi lại nhìn rõ vào mặt nó. Nó liền rách mồm ra cười một cách ghê gớm mà nói:
- Ai bảo mày... cả gan... vào đây?
Nguyễn công điên tiết quát lên:
- Chúng bay tụ nhau ở đây chỉ có việc giết người ăn thịt thôi phải không?
Một đứa rền rĩ trả lời:
- Chính phải, rồi... chính... phải!...
- Thế thì chúng bay ăn thịt tao đi!
- Hãy yên... mày... chưa được chết vội!
Ông Nguyễn hét rất lớn:
- Thì giết ông đi! Giết đi! Giết đi!!!
Thằng quỉ đội khăn xanh trợn mắt nhìn như đâm vào mặt ông ta. Nó nói:
- Không nói to... Đợi đó!
Rồi ồng bị nó chẹn lấy cổ, chân tay không nhúc nhắc được; người rủn cả ra. Lũ yêu quái lại thì thào với nhau một hồi. Ông ta biết rằng nó bảo nhau sắp giết mình, nên lừa lúc bất ngờ, vùng lên cùng với một tiếng thét dữ dội. Chúng nó ồn ào xúm nhau lại giữ. Ông ta thấy mấy nhát dao đâm hụt vào lưng với bên gáy, bèn nắm tay đánh tung ra tứ phía. Bỗng ngọn đèn tắt hẳn, rồi thấy ánh lửa sáng rực hiện lên. Trên bốn mặt tường, những bóng đen cực lớn chạy rất nhanh giữa những tiếng kêu gọi xôn xao, nhìn ra thì lũ quỉ đã bị mấy người trói dật cánh khuỷu. Ngoài cửa chùa lại thấy gần một chục người, tay gươm tay đuốc xông vào.
- Các người là lính của Đào huyện quan sai đến phải không?
Lính thưa:
- Bẩm cả Đào đại nhân cũng đến.
- Thế đâu?
- Bẩm ngài, quan cùng mấy người xông vào trong kia bắt nốt.
Nói dứt lời thì huyện quan và hai tên lính dẫn thằng quỉ đội khăn xanh ra. Quan huyện Đào cười và nói với Nguyễn công:
- Bây giờ tiểu đệ mới biết rõ mặt các vong hồn!
Nguyễn công sửa lại đầu tóc, quần áo xong, đáp:
- Nếu không có ngài đến cứu thì tiểu đệ cũng bị giống yêu quái này giết chết, tiểu đệ xin nhớ ơn mãi mãi.
- Ngô huynh dạy quá. Đó là chức trách của tiểu đệ, ngài bất tất phải nói đến việc hàm ơn.
Huyện quan lại ngảnh trông lũ quỉ:
- Các «vong hồn» oan uổng đói khát quá, nay ta đem về huyện cho nơi ăn chốn ở hẳn hoi. Quân bay! «rửa mặt» cho chúng!
Tức thì bằng ấy thằng quỉ bị vặt hết râu và chùi sạch phấn nhọ bôi trên mặt. Nguyễn công trông vào thằng chúa quỉ đội khăn xanh, kêu lên một câu kinh ngạc:
- Đàm tiên sinh!
Huyện quan gật đầu, cười mà nói:
- Phải. Đàm tiên sinh, hay là Ba Đen (vì trong bọn vẫn gọi bằng cái tên hiệu ấy). Bọn này Ba Đen đứng đầu, được bộ hạ vâng phục lắm, vì y táo tợn giảo quyệt biết chừng nào... Chúng nó có mười bốn thằng tất cả, nhưng đây mới là những tên ghê gớm nhất. Cả bọn thì một nửa là quân cường bạo hợp lại, còn một nửa là tuần đinh ở roấv làng gần đây. Cái ý kiến giết sư cướp chùa làm sào huyệt, rồi bầy rа những câu chuyện yêu quái như thế là chính Ba Đen nghĩ ra. Thực y đã khéo lấy những điều huyền hoặc sợ hãi để che kín những việc hành động của mình. Sào huyệt của chúng ở đây, nhưng chỗ chúng đến ăn cướp lại ở xa lắm. Bởi thế sau những án giết người lấy của, dò xét thế nào cũng không ra. Ai có ngờ đâu rằng bọn cướp kia chính là lũ yêu quái này - lũ yêu quái giả mạo!
Nguyễn công đứng lặng thinh ở giữa đám người cầm đuốc. Việc xảy ra là một việc kỳ quái hết sức, đến nổi ông ta không biết có nên tin những điều mắt thấy tai nghe vừa rồi không! Đàm Văn Cương lại là tướng cướp ư? Lại là người chực giết cả ông ta ư? Lòng người đến như thế thì mắt nào soi suốt được?
Ông huyện quan lại tiếp:
- Đàm tiên sinh (hay là Ba Đen) khôn ngoan đến như thế, song vẫn có điều sơ xuất: Ba Đen cứ tưởng rằng trong bọn ai cũng kinh sợ hắn, lại tin rằng thủ hạ hắn đã uống máu ăn thề rồi thì không đứa nào dám làm phản nữa. Nhưng Đàm tiên sinh lầm. Cái lòng tham lam chỉ muốn vơ của cho đầy, muốn cướp hết cả phần của thủ hạ mình với cái lòng độc ác chỉ thèm giết cho nhiều mạng kia, đã khiến cho một con yêu giả trong chùa này рhải căm hờn, phải hối hận. Con yêu ấy tên là Trần Văn Thình (cả bọn cướp đều sửng sốt). Phải, Trần Văn Thình, tuần tráng ở làng trên. Chiều hôm nay, chính sau lúс ngô huynh ra khỏi huyện đường ít lâu, bản chức đang ngồi ngẫm nghĩ về câu chuyện ngô huynh ẩn mưa trong chùa Đầm thì thấy lính dẫn tên tuần tráng ấy đến. Nó quì xuống thú hết các tội, rồi tố cáo các việc sát hại của bọn chúng với các việc «hiển hiện» ở chùa Đầm. Bản chức hỏi cặn kẽ tên Thình, xong lại nói cho nó biết ngô huynh vào khám phá ở đấy. Nó vội thưa với bản chức rằng nếu ngay đêm nay không bắt được bọn cướp này thì thế nào ngô huynh cũng bị hại.
Bản chức đem lính đến nơi cho vây kín bốn mặt thì vừa lúc nghe tiếng ngô huynh thét. Lúc xông vào bắt thì Đàm tiên sinh là người trốn trước nhất, không muốn cho bản chức được cái hạnh ngộ tiếp kiến ngài... Nhưng lính của bản chức đã bít hết các lối, mà bản chức lại biết hết các ngách hiểm hóc ở sau chùa rồi, nên Đàm tiên sinh không thoát đâu được.
Nói đoạn ông truyền cho lính trói cả năm tên cướp lại làm một bọn và quay lại mời Nguyễn công cùng về huyện đường. Nguyễn công vừa buồn vừa giận. Ông thở dài mà theo qnan huyện, miệng mỉm cười một cách chua chát mỉa mai: «Ồ! Có ai ngờ! Có ai ngờ đâu rằng cái khoảng mười năm xa cách đã thay lòng người cố hữu đến như thế!... Mà cũng là người có học, biết rộng! Có học để thêm quỷ quyệt, để bày ra mưu sâu chước hiểm, để khéo rào khéo chống; đối với những việc ghê gớm dị kỳ mà chính mình bày ra, chính mình gây nên, y khéo làm như người ngoài cuộc, để che mắt trần gian. Cái lòng nham hiểm với cái trí quỉ quyệt kia nếu không vì một sự tình cờ có người khám được ra thì không biết sẽ ra biết bao nhiêu tội ác nữa».
Đàm Văn Cương lúc ấy đứng ngoài hiên chùa bị trói dật cánh khuỷu cùng với bọn đồng đảng, búi tóc buột rũ xuống hai bên vai. Lúc Nguyễn công bước qua trước mặt y, thì y vẫn ưỡn ngực một cách ngạo nghễ, không tỏ ra vẻ gì là lo sợ, hối hận. Nhưng khi đôi mắt nghiêm khắc của Nguyễn công trừng lên nhìn thẳng vào y thì họ Đàm hơi biến sắc, se sẻ cúi đầu xuống và mắt liếc ngang.
Nguyễn công toan đem bao nhiêu lời căm giận mà mắng cho giống sài lang kia một hồi. Song ông chỉ mím môi mà đứng lại giây lát trông y một cách rất khinh bỉ, rồi vừa thở dài vừa bước ra.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #truyen