Bà Chằn Mít Ướt

Tôi sợ gặp phải ánh mắt như bà chằn của nó. Đứa con gái duy nhất khiến tôi thấy hãi cho đến tận bây giờ...

Giang cầm tờ giấy ghi số điện thoại, ngập ngừng mãi rồi cũng quyết định bấm số. Đầu dây bên kia là giọng một đứa con trai, có lẽ là Tú.

- Dạ, cho gặp cô Thủy ạ.

- Mẹ ơi, nghe điện thoại.

...

- Con chào cô. Con là Giang,...

- À, cô chờ điện thoại của con mãi. Con thế nào rồi, đã ổn chưa? Khi nào con lên đây ?

- Nếu cô không phiền thì sáng mai con đón xe lên ạ. Giang nói giọng nhỏ xíu, hồi hộp.

- Rồi rồi. Con đi một mình được chứ. Khi nào tới bến xe thì gọi cho cô ngay nhé. Mai cô có việc, nên thằng Tú sẽ ra đón con. Con cứ tự nhiên ha. Đừng ngại gì hết.

- Dạ. Con cảm ơn. Con chào cô.

* * *

Hai tuần trước, kì thi tốt nghiệp vừa kết thúc. Giang làm bài rất tốt nên vui lắm. Ra khỏi phòng thi là Giang vội đạp xe về để khoe với ba mẹ ngay. Trước sân, trong ngõ, chật ních người. Nó thấy điều gì đó không ổn. Không kịp dựng xe, Giang chạy ngay vào nhà. Mọi người thấy Giang, vội tránh qua hai bên, tạo thành một đường nhỏ, mà từ ngoài nhìn vào, Giang thấy có hai người nằm bất động trên giường, phủ chiếc khăn trắng đầy máu. Tiếng khóc thút thít. Những con mắt đỏ hoe. Những bàn tay chạm vào vai nó. Rồi lặng im.

Từ lúc đấy tới khi làm tang lễ, Giang như một bức tượng với đôi mắt đỏ hoe, sưng húp. Nó chỉ nghe loáng thoáng rằng ba mẹ nó bị tai nạn nhưng nó không hỏi gì thêm, bởi lẽ nó chẳng thể nào mở miệng nổi. Mọi thứ như sụp đổ.

Hàng ngày ngồi bất động trước bàn thờ ba mẹ, Giang đọc kinh, khấn vái, rồi khóc. Đến khi không còn sức để khóc nữa, Giang lại ngồi thẩn người ra, vô hồn. Họ hàng thay phiên nhau tới dọn dẹp nhà cửa, rồi như cầu xin Giang hãy ăn chút gì cho lại sức.

Giang không nhớ mình đã ngồi đó từ bao lâu rồi. Cho đến khi, cô Thủy và chú Minh, hàng xóm cũ của nó, bước vào nhà và đỡ nó dậy. Giọng cô nhẹ nhàng, khuyên nó nhiều thứ. Cô đưa cả địa chỉ và số điện thoại của nhà cô, nhắc nó giữ sức khỏe và ráng bình tâm lại, cố gắng tập trung ôn thi Đại học, rồi khi nào lên Sài Gòn thì vào nhà cô ở.

Đêm qua Giang nằm mơ, gặp mẹ và ba. Nó thấy cảnh nó cầm tấm bằng Đại học về và khoe inh ỏi với hai người. Ba mẹ nó cười thật hiền, xoa đầu nó. Sáng tỉnh dậy, nó thấy ướt đẫm một bên gối.

* * *

Hai đứa bé giành nhau một cây kẹo. Con bé đẩy thằng nhóc một cái. Thằng nhóc té xuống đất, khóc thét lên rồi chạy về phía mẹ.

- Mẹ ơi, nó giành kẹo của con.

Mẹ thằng nhóc dỗ dành

- Con trai mẹ mạnh mẽ lắm mà. Ngoan nào.

Rồi mẹ thằng nhóc quay sang cười với mẹ con bé. Còn con bé lè lưỡi trêu thằng nhóc.

- Con trai mà khóc nhè. Lêu lêu.

Thằng nhóc vẫn thút thít khóc. Con bé bực mình:

- Trả kẹo nè. Nín đi, khóc hoài.

* * *

Kí ức về thằng Tú chỉ có thế. Khi lên lớp một, nhà thằng Tú chuyển lên Sài Gòn. Tuy vậy, thỉnh thoảng hai nhà vẫn liên lạc với nhau. Khoảng vài năm, ba mẹ thằng Tú lại về đây thăm bà con, hàng xóm. Duy chỉ có thằng Tú là không bao giờ xuất hiện. Trong kí ức của Giang, Tú vẫn chỉ là thằng nhóc yếu ớt, hay khóc nhè.

Giang bước xuống xe. Tìm cổng ra và đứng ở hồ nước giữa sân, Giang cố hình dung ra thằng Tú bây giờ, có lẽ là một thằng nhóc đeo cặp kính dày cộp và trông thư sinh vô cùng.

- Này, bạn là Giang?

Giang quay lại, hoảng hốt đến nỗi lùi lại cả mấy bước chân. Trước mặt nó là một anh cao khoảng 1m8, to lớn, tóc nhuộm vài cọng màu vàng, và, và,...và... trông hơi ăn chơi quá mức.

- Anh là ?

- Tú đây. Hành lý đâu? Nhanh lên, tui còn đi công việc.

Giang líu ríu xách vali, ngồi trên xe mà cứ ngỡ như là mơ. Tú. Người đang chở nó là thằng Tú hay khóc nhè ngày xưa.

Tú dừng xe trước một căn biệt thự. Từ lúc ở bến xe tới giờ, Tú vẫn không nói câu nào. Mỗi lần mở miệng là như ra lệnh.

- Đứng đấy làm gì. Vào nhà đi.

Giang vẫn đứng ngó căn biệt thự. Cứ ngỡ Tú đi nhầm nhà. Đến khi Tú lôi hành lý, kéo vào trong sân, Giang mới dám vào theo.

- Chìa khóa phòng, cổng,... cầm lấy đi.

- Phòng của bạn đây. Tự dọn dẹp và thu xếp đi.

- Trong phòng có đầy đủ cả rồi. Đói thì lấy đồ ăn trong tủ lạnh.

- Chìa khóa xe. Xe trong gara, chiếc màu hồng. Laptop. Bản đồ. Tự tìm đường mà lên trường đi. Giờ tui đi công việc, mai mới về. Ba mẹ đi công tác. Bạn tự lo đi.

Rồi Tú lấy xe phóng vút đi, bỏ mặc Giang và cô bé giúp việc trong căn nhà rộng thênh thang.

* * *

Số tiền ba mẹ để lại cũng không phải là nhỏ, đủ giúp cho Giang xoay xở ở thành phố. Nhưng vì chỉ có cô chú là người quen ở đây, và Giang là lần đầu vào Sài Gòn, lại phải ôn thi cho kì thi đại học sắp tới, nên nó buộc phải vào ở tạm nhà họ. Nhưng điều Giang không ngờ là họ có cuộc sống khá giả hơn những gì Giang nghĩ. Và Tú, lại hoàn toàn không như Giang đã từng nhớ. Dẫu biết cuộc sống luôn là sự đổi thay nhưng hình ảnh của Tú bây giờ khiến Giang không khỏi bất ngờ.

Khi ổn định, Giang gọi điện về cho vài người họ hàng, online liên lạc với bạn bè, và cố gắng coi lại bài học. Nó lên Sài Gòn đã được một tuần, chỉ còn một tuần nữa là thi. Vậy mà cho đến giờ, nó vẫn chưa gặp mặt cô chú. Thi thoảng, cô lại gọi điện về hỏi thăm nó. Còn Tú, mỗi ngày, về nhà vào lúc 4h sáng, ngủ tới chiều và 8h tối lại rời khỏi nhà, đương nhiên là không hỏi thăm Giang lấy một câu. Nhìn vẻ mặt lạnh băng của Tú, Giang cũng hơi sợ nên thôi, cứ để mặc.

Cuộc sống vật chất đầy đủ. Điều kiện ôn thi quá tốt. Cô bé khoảng chừng 12t, hơi rụt rè nhưng giờ hai chị em cũng đã khá thân với nhau. Chỉ có một điều, màn đêm trở thành nỗi ác mộng của Giang khi mà chỉ có nó và cô bé giúp việc lặng lẽ trong ngôi nhà. Mỗi khi chợp mắt, Giang lại nhớ ba mẹ kinh khủng. Hầu như khi nào ngủ dậy, mà hai mắt nó không sưng húp lên.

* * *

Ngày thứ mười. Cô chú vẫn chưa về. Giang đánh bạo hỏi Tú trong một dịp hiếm hoi cả hai người ngồi ăn tối ở nhà.

- Làm gì về mà hỏi.

- Là sao?

- Người ở Sing, người ở Anh. Mỗi năm về hai lần. Lần gần đây nhất là vào hôm... Thôi ăn đi, bạn hỏi nhiều quá.

- Ừ. Giang ngập ngừng. Tú này.

- Gì nữa.

- Tú có thể về sớm hơn không. Giang sợ ở nhà một mình.

- ...

* * *

Còn một ngày.

Sáng mai Giang sẽ đi thi. Bài vở đã ôn kĩ. Từ hôm đấy, Tú thường về nhà sớm hơn. Nhưng cậu vẫn không nói chuyện với Giang nhiều là mấy.

Bữa tối, vẫn chỉ có Tú, Giang và cô bé giúp việc lặng lẽ ngồi ăn. Không khí có vẻ ngột ngạt.

- Mai Tú có thể chở Giang đi thi được không. Giang không biết đường.

- Đi taxi đi.

- Tốn...tốn tiền... lắm. Giang cúi đầu không dám nhìn Tú. Với lại, Giang bị say xe.

- Thế tra bản đồ rồi tự tìm đường mà đi.

- Giang chưa có bằng lái.

- Phiền phức quá. Đi xe ôm đi. Tui không dậy sớm nổi. Lớn rồi, tự lo đi.

Mắt Giang ngân ngấn nước. Tự dưng nó thấy tủi thân. Nếu còn ba mẹ, có lẽ giờ này, hai người sẽ thay phiên nhau gọi cho Giang, dặn dò nó đủ thứ. Và rồi, rồi...mẹ sẽ kết thúc cuộc gọi vào lúc 10h, không quên nhắc Giang đi ngủ sớm. Và...mẹ sẽ nói: "Mẹ tin con sẽ làm được mọi thứ". Và... Giang sẽ cười thật tươi, và hét vào điện thoại: "Mẹ ơi, con yêu mẹ quá".

Không cầm được, Giang buông đũa và chạy lên phòng. Nước mắt cứ tuôn ra không ngừng. Giang ngồi đấy, tựa vào cửa và nhìn ra ban - công.

* * *

Có tiếng bước chân, Giang quay lại và thấy Tú ngồi xuống bên cạnh.

- Sao bạn cứ khóc hoài thế.

- Không. Làm gì có.

- Không mà sáng nào ngủ dậy, mắt cũng sưng húp lên thế à. Hơn nữa, ai vừa bỏ cơm mà lên đây ngồi khóc vậy ha.

- Liên quan gì đến Tú. Để Giang yên được không.

- Nhưng bạn đang ở trong nhà tui. Bạn mà có chuyện gì, ba mẹ lại nghĩ tui ăn hiếp bạn sao. Tú nhe răng cười. Nụ cười lần đầu tiên mà Giang thấy sau hơn 11 năm gặp lại.

- Lúc nãy chỉ muốn chọc bạn tí thôi, ai ngờ bạn lại dễ giận thế kia.

- Không có. Mai Giang đi xe ôm được rồi. Không phiền tới Tú. Giờ để Giang một mình được chưa. Giang cố giữ giọng nói bình thường nhưng mắt nó lại đầy nước.

- Thôi mà. Mai để tui chở đi. Nha.

- Không cần. Tránh ra. Giang hét lên trong tiếng khóc.

- Coi kìa. Tú không nén nổi tiếng cười.

- Kệ Giang.

Cậu đưa cho Giang cây kẹo mút:

- Cho kẹo nè. Nín đi. Khóc hoài.

* * *

Hôm thi xong tốt nghiệp, tôi lên kế hoạch đi xuyên Việt trước khi lên đường đi du học. Nhưng chuyến đi chỉ kéo dài được hai tuần thì mẹ tôi bỗng gọi điện, nói vắn tắt về việc nhà tôi chuẩn bị có thêm một con bé dưới quê lên ở tạm để đi thi đại học. Lý do vớ vẩn. Ba mẹ nó vừa mất. Tôi phải an ủi nó à. Nhưng giọng mẹ như năn nỉ tôi. Ngừng chuyến đi để về đón nó. Vớ vẩn hết sức.

Tưởng ai, hóa ra là con nhỏ Giang, mà tôi nhớ không nhầm thì là hàng xóm lúc trước của nhà tôi. Con đấy thì lo gì nhỉ. Nó dữ tợn, tàn bạo. Dù biết sức nó chẳng thể so nổi với tôi bây giờ, nhưng khi nghe đến nó, tôi vẫn còn bị ám ảnh. Hầu như lúc nhỏ, ngày nào tôi cũng bị nó đánh, giật kẹo, đủ trò hết. Đến mức, mỗi khi ba mẹ về quê, dù có năn nỉ tôi tới mức nào, cả dọa nạt lẫn bắt ép, tôi vẫn không là không. Tôi sợ gặp phải ánh mắt như bà chằn của nó. Đứa con gái duy nhất khiến tôi thấy hãi cho đến tận bây giờ.

Vừa tiễn ba mẹ ra sân bay là tôi lại phi ra bến xe, dáo dác tìm nó. Đứa con gái mặc áo thun vàng đứng bên hồ nước. Tôi dụi mắt mấy lần, cảm giác như mình vừa bị cận nặng. Có một con nhỏ đứng bên hồ nước Nhưng mặt mũi hốc hác vô cùng, hai mắt thì thâm quầng và tóc tai bù xù, còn từ cổ trờ xuống chân cứ như một bộ xương di động, mặc dù nó cũng khá khá cao. Bà chằn ngày xưa của tôi đây sao. Lấy hết bình tĩnh, tôi tiến lại gần để hỏi nó.

Nó líu ríu lên xe và không mở miệng lấy một câu làm tôi cũng ngại. Dẫu biết nó vừa mất ba mẹ, nhưng tôi không nghĩ nó lại suy sụp đến mức này. Không biết hỏi gì, tôi đành im lặng. Cho đến khi về nhà, nó vẫn không mở miệng nói với tôi. Dường như tôi hơi mất bình tĩnh, chỉ biết nói như ra lệnh cho nó. Trông nó tội nghiệp vô cùng.

Khuôn mặt nó lúc nào cũng u ám. Đôi mắt buồn đến lạ kì. Nó khiến tôi không dám mở miệng nói chuyện với nó, khiến tôi không đủ cam đảm để ở nhà và đối mặt với nó. Tôi chẳng biết phải làm thế nào ngoài việc ra ngoài.

Đi chơi chán chê, tôi quyết định ăn cơm ở nhà. Một lần. Dù sao nó cũng là khách, cứ để nó ở nhà thế cũng không được. Tôi định bụng bữa cơm tối này, tôi sẽ bắt chuyện và rủ nó đi dạo cho thoải mái. Từ hôm vào nhà tôi, nó vẫn không ngừng khóc. Đôi mắt sưng húp. Nhưng tôi biết nó là một đứa mạnh mẽ. Nó sẽ vượt qua cú sốc này và sẽ thi tốt. Vấn đề là tôi không biết phải bắt chuyện với nó như thế nào đây. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt đầy u ám đó là tôi như bị ai đó khóa miệng lại.

Nó nói nó sợ ở nhà một mình. Tôi suýt bật cười. Nhưng đôi mắt nó vẫn còn sưng húp. Tôi chỉ biết im lặng. Dù sao, nó cũng đã lên tiếng trước, nhưng sao tôi không thể nhìn thẳng vào đôi mắt đấy.

Ngày vẫn qua ngày, không khí dường như ngột ngạt thêm.

Một buổi tối trước hôm đi thi. Nó, cuối cùng con bé đấy cũng nói chuyện bình thường được một tí. Nó nhờ tôi chở nó đi thi. Nhìn vẻ mặt của nó trông nhút nhát và rụt rè đến buồn cười. Tôi muốn trêu nó vài câu. Nhưng chẳng biết có nói gì hơi quá không, mà mắt nó ngân ngấn nước rồi vụt chạy lên phòng. Tôi nhìn con nhóc:

- Này nhóc, anh có nói gì quá đáng không hả?

- Em không biết. Ai biểu anh chọc chị Giang chi.

- Thì anh chỉ đùa tí thôi. Có gì đâu. Người gì yếu đuối thế không biết.

- Không dám đâu, bóng đèn trong nhà hư, một mình chị Giang sửa đấy. Chị Giang còn giúp em cắt tỉa mấy chậu cảnh, rồi còn giành nấu ăn nữa.

- Thật không.

- Thật mà. Chị Giang cũng không biết sợ mấy con bò sát luôn. Chị Giang mạnh mẽ lắm đấy. Chẳng qua chị ấy đang buồn thôi. Hứ. Anh hư quá.

- Buồn gì mà nhìn lạnh lùng phát ớn.

- Ơ, chị Giang lại nói nhìn anh im im, khó tính nên không dám bắt chuyện với anh. Người lớn lạ kì ghê.

- Con nhóc này! Thôi ăn đi.

Người lớn thật lạ kì. Hay vì càng lớn nên càng cố giấu suy nghĩ của mình, khiến người khác không biết phải làm thế nào cho vừa lòng?

Tôi vội lên phòng Giang. Nó không bao giờ chịu đóng cửa phòng. Tôi chưa thấy ai ngủ xấu như nó. Nằm úp xuống nệm mà còn đạp cả mền gối xuống đất. Khiến tôi mỗi đêm phải qua đắp mền lại cho nó. Mạnh mẽ ư. Có lẽ thế. Nhưng giờ nó đang ngồi đấy, tựa vào cửa và khóc không ngừng. Tôi chợt nhớ đến câu nó hay nói với tôi ngày xưa mỗi khi nó làm tôi khóc thút thít:

- Nín đi! Khóc hoài. Trả kẹo nè.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top