[Y]Tick, tick...boom!: Liệu ta có thể sống chỉ với đam mê?

"You just keep throwing them against the walls, hope againist hope that eventually something sticks."

Spoiler alerts.

Trong danh sách của Strawberries & Cigarettes, đây có lẽ là tựa phim mới nhất bởi lẽ nó chỉ mới được phát hành vào năm ngoái, tức 2021, trên nền tảng xem phim trực tuyến Netflix. Tuy nhiên, trên thực tế, nội dung của Tick, tick...boom! được dựa trên vở kịch cùng tên của Jonathan Larson, người đồng thời cũng là nhân vật chính của phim kể về khó khăn của anh trong quá trình gia nhập sân khấu nhạc kịch. Tick, tick...boom! được Viện phim Mỹ đánh giá là một trong những phim hay nhất năm 2021 và bản thân bộ phim cũng nhận được nhiều đề cử tại các giải lớn nhỏ, trong đó có đề cử cho Nam chính xuất sắc nhất dành cho Andrew Garfield, người thủ vai Jonathan Larson trong phim. Với bất kỳ ai đang theo đuổi con đường nghệ thuật, bộ phim là một tác phẩm đáng xem khi khắc họa những khó khăn, thực tại trần trụi của những người trẻ dám mơ bước và bước đi theo con đường nghệ thuật gian nan. Song, cấu trúc bám sát vở kịch độc thoại của Jonathan Larson cũng như thể loại phim tiểu sử cũng khiến cho những người xem mới (như mình) tương đối chần chừ khi trải nghiệm bộ phim này, tuy nhiên, sau khi xem xong, mình nhận thấy 121 phút trôi qua không hề phí hoài.

Tick, tick...boom! kể về Jonathan Larson, một nhà soạn nhạc kịch, mơ ước được công chiếu vở kịch của mình tại Broadway và đã dành 8 năm cuộc đời để viết Superbia, một vở kịch phản địa đàng. Song, trước khi chạm đến đỉnh vinh quang, Jonathan (trong phim thường được gọi là Jon) buộc phải làm bồi bàn tại quán Moondance Diner trong những năm 90. Tick, tick được Jon miêu tả là tiếng đồng hồ chạy trong đầu anh ta, nhắc nhở anh rằng mình không còn nhiều thời gian. Chỉ vài ngày nữa thôi, Jon - người áp lực với việc thành công khi còn trẻ - sẽ bước sang tuổi 30, tuổi mà anh cho là tương đối muộn màng để phát triển sự nghiệp, trong khi đó hội thảo giới thiệu Superbia sẽ bắt đầu trong một tuần nữa. Và Superbia vẫn còn thiếu một bài hát quan trọng, trong khi Jon vất vả cân bằng đam mê viết nhạc kịch với những vấn đề trần tục hơn của cuộc sống cũng như những mối quan hệ trong đời anh, chẳng hạn như mối quan hệ với cô bạn gái Susan hay người bạn chí cốt Michael.

Tick, tick...boom! là thước phim đầy chân thực về quá trình theo đuổi ước mơ của người nghệ sĩ Jonathan Larson. Vì đây là phim tiểu sử nên ngay từ đầu ta đã biết sau này Jon sẽ thành công với sự nghiệp nhạc kịch, nhưng trước đó, ta vẫn phải cùng Jon đối diện với những khó khăn rất đời của một con người. Jon là người quảng giao, thân thiện, anh tổ chức vô số bữa tiệc trong nhà mình, Jon cũng là kẻ khánh kiệt, sống ở căn hộ tồi tàn (mà chính anh cũng đã đề cập trong các bài hát của phim, cũng là những bài hát xuất hiện trong vở kịch độc thoại Tick, tick...boom!) với đồng lương bồi bàn rẻ mạt cùng với thông báo cắt điện treo lơ lửng trên đầu. Ở ngưỡng tuổi 30, ai mà chẳng mong ước một cuộc sống ổn định, và rõ ràng, cuộc sống của Jon không phải cuộc sống đáng mong ước. Người bạn thân của anh, Michael, đã từ bỏ con đường nghệ thuật và rẽ hướng làm quảng cáo vì không thể chịu được cuộc sống tạm bợ như thế nữa. Nhưng Jon, với tất cả sự lạc quan cùng tính nghệ sĩ của mình, anh vẫn không coi những điều vặt vãnh tầm thường như thế cản trở đam mê. Jon đặt mọi niềm tin vào Superbia, vở kịch anh đã dành 8 năm đằng đẵng để hoàn thiện, tin rằng nó sẽ mang đến cho anh cơ hội đổi đời, cơ hội vào broadway, như thể chỉ cần anh dành hết công sức cho nó, Superbia sẽ lập tức giải quyết mọi vấn đề cuộc sống của Jon một cách diệu kỳ.

Tick, tick...boom cũng đã thành công đặt ra câu hỏi: liệu ta có thể sống chỉ với đam mê? Với Jon, Superbia tượng trưng cho đam mê của anh, đam mê nghệ thuật thuần túy, khác xa với hiện thực cuộc sống này. Để viết Superbia, Jon đã chọn gạt sang một bên các mối bận tâm khác. Superbia đã tách Jon ra khỏi cuộc sống thực, để rồi có những lúc một người lạc quan và vui vẻ như Jon cũng phải hoang mang khi phải đứng giữa đam mê và những bộn bề cuộc sống. Anh phải viết tiếp bài hát cho Superbia, cho hội thảo mà anh coi như bước đệm thay đổi cuộc đời mình. Nhưng song song với nó, bạn anh đang phải chiến đấu với căn bệnh thế kỷ, người bạn gái chuẩn bị đi xa và cần ở anh một câu trả lời. Cuối cùng thì, tất cả có đáng không? Đương nhiên Jon đổ công sức vào nó cũng dễ hiểu: đã gần môt thập kỷ trôi qua kể từ khi anh bắt đầu viết nó rồi, hơn nữa, Jon có niềm đam mê nhạc kịch cháy bỏng hơn ai hết. Nhưng nó có đáng không? Liệu Jon có thể đơn giản sống mà viết Superbia, bỏ mặc nhưng gì xảy ra ngoài kia hay không? Hay chính sự bất cân bằng đó đang khiến anh vướng vào mớ bòng bong hỗn độn? So với Superbia, chẳng lẽ những mối quan tâm hết sức thường nhật của những người bên cạnh Jon lại chỉ là những thứ vặt vãnh vô hại? Rõ ràng là không. Rõ ràng là bất cứ ai, kể cả những người nghệ sĩ tài hoa nhất, cũng phải sống trong vòng xoáy của tiền bạc, bệnh tật, của bè bạn. Không một ai có thể sống mà hoàn toàn từ bỏ những thứ trần tục đó. Đối với mình, Superbia, giống như kết cục của nó sau hội thảo, tượng trưng cho đam mê thuở ban đầu của Jon. Khi đó, Jon đã làm nghệ thuật mà mất đi vị nhân sinh, một nghệ thuật xa rời với thực tế. Khi viết Superbia, anh đã rời xa thực tại của mình, để rồi đến cuối cùng, cho dù bản thân nó xuất sắc đến đâu, được bàn tán nhiều đến đâu, Superbia cũng không nhận được lời mời đầu tư từ bất kỳ ai. Và ngay cả Rosa, người đại diện của Jon cũng như những nghệ sĩ biểu diễn của vở kịch cũng không hiểu Superbia nói về cái gì. Superbia, nghệ thuật đấy, xuất sắc đấy, nhưng nó là thứ nghệ thuật xa rời thực tế như chính chủ nhân của nó.

Giống như lời khuyên ở cuối phim của Rosa, cái Jon cần chính là viết về một thứ gì đó mà anh hiểu rõ. Một thứ gì đó thực tế hơn, giản dị hơn. Hãy tiếp tục viết. Và đó là Tick, tick...boom!, vở kịch kể về tuổi 30 của chính Jonathan Larson.

Qua Tick, tick...boom!, ta có thể thấy những trăn trở của người nghệ sĩ cũng như những khó khăn của họ. Chẳng hạn như việc bị bí ý tưởng, chẳng hạn như việc xây dựng tầm nhìn, chẳng hạn như việc làm nghệ thuật song song với lợi nhuận. Đây là điều mà bất kỳ người làm nghệ thuật nào cũng phải trải qua. Để làm nên một tác phẩm, rốt cuộc người nghệ sĩ phải đánh đổi những gì, chỉ có người đó mới biết. Jon thật may mắn khi anh vẫn có thể làm lành với Michael, nhưng không phải mối quan hệ nào cũng bền vững như vậy. Cuối cùng Jon đành chia tay với Susan mặc dù còn yêu cô rất nhiều. Đó chỉ là một ví dụ cho những đánh đổi của người nghệ sĩ để chạm đỉnh vinh quang. Thế nhưng, cũng giống như nhà văn tiếp tục viết, nhạc sĩ tiếp tục sáng tác nhạc, ta chỉ có thể bước tiếp, tiếp tục cố gắng, tiếp tục kiên trì, bởi chúng ta chẳng thể biết được điều gì đang chờ ta phía trước. Jon cuối cùng vẫn đạt được thành tựu lớn lao trong lĩnh vực của mình, nhưng anh sẽ chẳng bao giờ biết đến điều đó, bởi anh đã qua đời trước khi bước qua tuổi 40, trước khi nhìn thấy đứa con vĩ đại nhất của mình được công chiếu.

Về nghệ thuật, dù bản thân là một người không quá thích nhạc kịch, nhưng mình thích các bài hát trong Tick, tick...boom! Nhiều bài hát thậm chí có thể nghe riêng rẽ như một bài hát thông thường (đương nhiên không thể sánh bằng khi được đặt vào đúng hoàn cảnh của nhạc kịch) và mình vẫn đang nghe nó, ngay cả khi đang viết bài viết này. Cách dựng cảnh và tái hiện vở kịch gốc của Jonathan Larson khiến mình cảm giác như được xem kịch thật thay vì là một bộ phim thông thường. Và không thể không nói đến diễn xuất xuất sắc của Andrew Garfield trong vai Jonathan Larson. Mình không hề nhận ra cố gắng của Andrew lớn lao đến mức nào cho đến khi vô tình xem được một video nhỏ quay Jonathan Larson trong vở kịch Tick, tick...boom! Lúc này Andrew không còn là chính mình nữa mà anh chính là Jonathan Larson, một nghệ sĩ 30 tuổi ở New York, với toàn bộ cách đi đứng, cách hát, cử chỉ và điệu bộ. Rõ ràng anh hoàn toàn xứng đáng với đề cử Oscar mà anh nhận được cho màn thể hiện xuất sắc đó.

Xếp hạng: Cigarettes, vì một cảnh thân mật của Jonathan với Susan.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top