[Y]The perks of being a wallflower: hành trình gian nan tìm lại bản thân.

“We accept the love we think we deserve.”

Spoiler alerts

Không cần phải bàn cãi, đoạn trích dẫn trên chắc chắn nằm trong top những câu thoại ấn tượng nhất của The Perks Of b
Being A Wallflower. Đằng sau câu thoại có phần cay đắng này là câu chuyện về tuổi trưởng thành khó khăn của không chỉ nhân vật chính Charlie Kelmeckis mà của cả Sam và Patrick, những người bạn thân thiết nhất của Charlie. Theo ý kiến của mình, đây là bộ phim mà bất cứ ai đã và sắp trải qua trọn vẹn những năm cấp ba nên xem và cảm nhận. The Perks Of Being A Wallflower đã khắc họa một tuổi trẻ khó khăn, sa ngã nhưng cũng đầy hi vọng qua những thước phim và bối cảnh mang vẻ hoài cổ. 

The Perks Of Being A Wallflower, hay tên gọi khi được phát hành tại rạp ở Việt Nam là Câu Chuyện Tuổi Teen hoặc Bức Thư Tuổi Mới Lớn, được ra mắt công chúng vào năm 2012. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả và đồng thời là đạo diễn cho bộ phim – Stephen Chbosky. Ngoài lề một chút, với tư cách là một người cũng đang viết những câu chuyện của mình, mình cảm thấy ngạc nhiên vô cùng khi bộ phim được cầm trịch bởi chính cha đẻ của truyện gốc – chính vì thế mà bộ phim có thể truyền tải được tinh thần và những ý định của tác giả, điều mà nhiều bộ phim chuyển thể từ truyện khác không làm được. Phim thành công ở cả hai phương diện thương mại và chuyên môn khi thu được 33,4 triệu đô doanh thu so với số vốn 13 triệu ban đầu cùng vô vàn đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Khác với những bộ phim cùng thể loại, câu chuyện của The Perks Of Being A Wallflower có phần u tối, đề cập đến nhiều yếu tố có phần nhạy cảm như tình dục, ma túy và cả chăm sóc sức khỏe tâm thần tuổi thiếu niên, vốn là trọng tâm của bộ phim. 

The Perks Of Being A Wallflower theo chân Charlie Kelmeckis (Logan Lerman), một cậu trai sắp bước vào những tháng ngày đầu tiên của cấp ba với tâm trạng chán nản. Charlie thậm chí còn đếm ngược từng ngày để thoát khỏi cấp ba – nơi với cậu không khác gì một địa ngục mà cậu bị đày đọa suốt ba năm. Tuy nhiên, những suy nghĩ ban đầu của Charlie không phải là không có cơ sở. Trong những ngày đầu tiên đi học, cậu nhóc Charlie vốn đã có sức khỏe tinh thần khá kém sau cú sốc thời thơ ấu (được hé lộ ở cuối phim) và cái chết do tự tử của người bạn thân nhất, đã bị các khóa trên bắt nạt cũng như bị những người bạn cấp hai ‘”lơ đẹp” và không thể kiếm được nổi một người bạn nào. Charlie cũng rất nhút nhát và hầu như không nói gì khi ở trường, thậm chí là trả lời câu hỏi của giáo viên, kể cả khi cậu biết câu trả lời. Người duy nhất nhận ra tố chất của cậu là thầy Anderson (Paul Rudd), giáo viên tiếng Anh của cậu và đồng thời là một nhà văn có mơ ước chuyến đến New York khi học kì kết thúc. Trong một lần xem bóng bầu dục, Charlie kết bạn được với Patrick (Ezra Miller), học sinh năm cuối quậy phá và em gái kế Sam (Emma Watson), từ đó dần dần mở lòng với cuộc đời hơn. 

Đây không phải là bộ phim mình khuyên các bạn nên xem với bố mẹ, vì những hành động của các nhân vật thanh thiếu niên trong phim đều là những hành động nổi loạn, thậm chí có phần sa ngã. Tuy nhiên, The Perks Of Being A Wallflower là lời phản đối rõ ràng nhất cho quan niệm của người lớn: “tuổi thiếu niên trong sáng chỉ biết chơi và học.” Chúng ta, những người trẻ, biết được những khó khăn mà bất cứ linh hồn trẻ nào trải qua; những bốc đồng và nổi loạn để chứng minh mình cũng có thể bằng bạn bằng bè, và quan trọng, vấn đề tâm lí của tuổi dậy thì có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì các phụ huynh có thể tưởng tượng. Rõ ràng rằng những vấn đề tâm lí đó không hề xuất phát từ sự đua đòi hay nổi loạn, hay vì thế hệ trẻ mỏng manh dễ vỡ hơn nhiều so với thế hệ từng bước qua thời chiến và khủng hoảng kinh tế, nó hình thành qua những nỗi đau và áp lực của tuổi dậy thì. Trong phim, Charlie đã phải đối mặt với những nỗi đau tinh thần lớn lao đến mức phải đi điều trị tâm lí ở bệnh viện đến hai lần. Cậu chứng kiến những người thân thiết nhất của mình ra đi hoặc gây tổn thương cho cậu, chính điều đó khiến cậu thu mình, khó mở lòng và khó kết bạn. Charlie, cho dù có hơi mong manh và nhút nhát, nhưng cậu là một wallflower – một từ lóng chỉ những người thu mình và tránh xa sự chú ý – một người tinh tế quan sát tất cả mọi người, và từ đó hiểu rõ những người bạn sau này của mình qua những khía cạnh nhỏ nhất. Wallflower cũng là loài hoa đinh hương vàng – Charlie giống như một bông hoa như vậy, lặng lẽ tỏa hương, không đợi ai chú ý và không nghĩ ai chú ý đến mình. Sam và Patrick, những đứa trẻ nổi loạn, đã nhận ra sự cô đơn cùng những đức tính tốt đẹp của cậu và trở thành bạn với Charlie sau một lần nâng cốc ở bữa tiệc. Những tháng ngày sau này ở cấp ba đã không còn là những tháng ngày bất định, “không ổn” đến độ Charlie phải đếm từng ngày nữa – ít nhất, cậu không cô đơn. Cậu có Sam và Patrick ở bên, giúp cậu sống đúng với hiện tại và giúp cậu tập trung vào ước mơ sau này của mình – trở thành một nhà văn. 

Tuy nhiên, đây là một câu chuyện thực tế, và rõ ràng Charlie không phải nhân vật duy nhất cần được cứu rỗi; Sam và Patrick cũng không phải là cứu tinh của đời cậu. Sam và Patrick có những vấn đề của riêng mình. Cả hai đều gặp và yêu những người không xứng với mình và đều chìm vào đau khổ với mối tình đó. Charlie thực tế đã dùng thuốc lắc tại các bữa tiệc mà Sam và Patrick đưa cậu đến rồi để sốc thuốc đến mức bị cảnh sát hỏi thăm. Tuy nhiên, đây không hoàn toàn là lỗi của Sam và Patrick cũng như không thể phủ nhận những cố gắng mà hai người đã mang lại cho Charlie. Sự xa cách của họ và sau này là việc hai người cùng vào đại học, để lại Charlie một mình ở quê nhà là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ về mặt tinh thần của Charlie, dẫn cậu về điểm xuất phát và dẫn đến quyết định tiêu cực của Charlie ở hồi cuối bộ phim. Sự phát triển về mặt tâm lí của nhân vật Charlie theo mình là hợp lí, bởi lẽ ngay từ đầu Charlie đã có dấu hiệu của trầm cảm và chấn thương tâm lí – và tất cả những điều này không thể được chữa khỏi chỉ nhờ sự cố gắng của Sam và Patrick cũng chỉ là những đứa trẻ bồng bột. Sam và Patrick hiểu và yêu thương cậu, làm bạn với cậu, nhưng chỉ có Charlie mới có thể mở lòng và chữa lành bản thân mình. Đó là một điểm nhìn thực tế đến đau lòng, xen lẫn với tình bạn đáng yêu và nổi loạn giữa ba nhân vật. Bên cạnh đó, chúng ta không thể bỏ qua tình bạn của Charlie với thầy Anderson, người khơi gợi hứng thú với sách của cậu. Khi thầy Anderson không đi New York ở cuối phim, chúng ta không thể không nhận thấy một phần lí do là vì Charlie, vì một trong những học trò đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của ông. Và Charlie, từ một cậu bé biết đáp án nhưng không dám nói đã trở thành học sinh duy nhất muốn đọc thêm sách và viết luận trong hè – cậu đã giơ tay mặc kệ sự dò xét của đám bạn học. Tình bạn giữa học sinh và giáo viên đã được khắc họa một cách đáng yêu đầy “học thức” như thế. 

Bên cạnh tình bạn, tình cảm gia đình cũng được The Perks Of Being A Wallflower tập trung khắc họa triệt để. Từ cách cả gia đình lo lắng cho Charlie khi cậu bước vào cấp 3 đến những quan tâm rất đỗi tình người giữa các thành viên trong gia đình với nhau – tất cả những chi tiết ấy dù nhỏ đều khiến khán giả cảm động. Bản thân mình thích nhất cảnh Candace cố gắng trấn an Charlie khi tự tử - đặt trong hoàn cảnh của mình, cảnh đó thật đến nỗi mình nghĩ rằng bản thân mình sẽ thực sự làm như thế nếu như đó là thực tại của mình. Mình đã khóc rất nhiều trong những phân đoạn ấy khi xem phim lần đầu và vẫn còn cảm thấy ngậm ngùi ở lần xem thứ hai. Và đừng quên nhân vật dì Helen – người nắm giữ vai trò quan trọng trong cuộc đời của Charlie và với plot twist cuối phim. 

Mình phải dành lời khen cho dàn diễn viên chính, đặc biệt là Logan Lerman trong vai Charlie và Ezra Miller trong vai Patrick. Lerman vốn nổi danh từ loạt phim Percy Jackson và mình đã không biết thực lực của anh cho đến khi xem phim The perks of being a wallflower. Mình đã sững sờ trước diễn xuất chân thật của anh và đồng cảm với nhân vật – điều mà chỉ một diễn viên giỏi mới có thể làm. Bản thân mình thấy khá đáng tiếc cho Logan Lerman khi anh được biết nhiều hơn nhờ vai Percy Jackson trong khi thực lực diễn xuất của anh có thể không được thể hiện hết trong bộ phim cùng tên. Lerman đã khắc họa nên một Charlie nhút nhát, thu mình nhưng cũng rất đỗi chân thành qua từng hành động, lời nói, cử chỉ. Bên cạnh đó, nhân vật Patrick cũng là một điểm sáng cho bộ phim – một nhân vật có sự “tưng tửng” bên ngoài nhưng nội tâm bên trong chứa đầy những nỗi day dứt. Và mình không thể tưởng tượng được ai ngoài Ezra Miller có thể khắc họa nên một Patrick như thế. So với hai bạn diễn nam, diễn xuất của Emma Watson trong phim khá tròn vai tuy nhiên trong một vài phân cảnh, Watson vẫn chưa bộc lộ được hết sự điên cũng như khắc khoải của nhân vật. Về phần bối cảnh, nhạc phim mang đậm phong cách những năm 90 cùng những góc quay hoài cổ tạo cảm giác chân thật mà thơ mộng, khiến chúng ta như đắm chìm vào không gian của bộ phim. 

Đã chín năm kể từ khi The Perks Of Being A Wallflower phát hành, song câu chuyện của nó vẫn thời sự cho đến thời điểm hiện tại, nhất là khi sức khỏe tâm lí đang được coi trọng xứng đáng với tầm quan trọng của nó. Vì vậy, nếu bạn đã từng có lúc tưởng như mình vỡ tan, tưởng như mình không thể vượt qua quãng thời gian thiếu niên khó khăn, hãy dành ra 1 tiếng 45 phút để thưởng thức bộ phim, để biết rằng bạn, một người đầy nứt vỡ của tuổi trẻ, không hề cô đơn. 

Xếp hạng: Cigarettes. 

Yeon.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top