Vệ Vương.

Lính truyền tinh lao vào điện Thiên An giữa buổi chầu với vẻ hớt hải.

"Bệ hạ!" Hắn vừa thở dốc vừa báo cáo. "Quân Tống tiến đến châu Lạng..."

"Tình hình thế nào?" Tôi hỏi.

"... Thân Phò mã đem quân chống trả giặc ở ải Chi Lăng..." Hắn thở hồng hộc.

"Rồi sao nữa?" Thái hậu hỏi.

"... thế giặc quá mạnh..."

"Rồi sao nữa?" Thái sư và Thái úy hỏi.

"Thân Phò mã..."

"Phò mã làm sao?" Cả triều đình hỏi.

"... đã cho dân rút vào rừng thực hiện chiến tranh du kích, làm chậm bước tiến quân thù."

Nét căng thẳng trên mặt mọi người và cả bầu không khí nặng nề đã biến mất.

"Tuyệt vời!" Mẹ tôi đứng phắt dậy. Rồi nhận ra mình đang ngồi chầu nên nhanh chóng ngồi xuống.

"Không hổ là Phò mã Áo chàm của triều ta. Báo cho Thân Phò mã, bảo y giữ vững phong độ, tiếp tục quấy rối quân Tống. Lệnh các tù trưởng quanh vùng tiếp ứng. Quân triều đình cũng sẽ nhanh chóng tới cứu viện."

"Chúng thần tuân chỉ!"

"Bệ hạ," Lê Văn Thịnh bước ra. "thần xin được xuất trận đi giúp Thân Phò mã đánh giặc."

"Bệ hạ," Lưu Khánh Đàm bước ra. "địa hình núi non châu Lạng hiểm trở. Mình Lê Thị lang khó lòng tác chiến. Thần xin được cùng Lê Thị lang đi ứng cứu."

"Sao trẫm từ chối được cơ chứ? Hai người đều còn trẻ, lại đều là anh tài quốc gia." Tôi đứng dậy bước ra. "Truyền chỉ của trẫm, cho Thị lang Lê Văn Thịnh và Thị lang Lưu Khánh Đàm dẫn năm nghìn quân đến châu Lạng, tiếp ứng cho Thân Phò mã, bảo vệ người dân và công chúa."

"Bệ hạ thánh minh!"

-

"Chuyến này thần đi, lành ít dữ nhiều." Lê Văn Thịnh nói khi cùng tôi đi về phía cổng Diệu Đức. Anh ta cưỡi ngựa đi ngay bên cạnh kiệu của tôi và An Dân.

"Thầy đừng đùa trẫm." Tôi cười. "Không có thầy, trẫm biết phải làm sao?"

"Bệ hạ đề cao thần quá rồi." Anh ta bật cười.

"Trẫm không nói quá đâu." Tôi vén rèm kiệu. Lê Văn Thịnh cưỡi ngựa đi cạnh tôi trong bộ áo giáp sắt trang trí hình đầu hổ với một chiếc áo choàng đỏ, oai phong không kém gì nam chính phim chưởng. "Thầy là tâm phúc của trẫm. Sau này trẫm lớn lên càng cần có thầy ở bên cạnh hơn. Rồi thầy còn phải phục vụ cho con trẫm. Như Thái sư Thái úy vậy."

"Thần chẳng nghĩ mình sống được đến lúc đó." Lê Văn Thịnh cười.

"Còn Lưu Thị lang thì sao?" Tôi với người ra hỏi người đang cưỡi ngựa đi bên cạnh Lê Văn Thịnh. Anh ta mặc bộ quan phục thường ngày, còn chẳng đeo vũ khí.

"Thần trẻ hơn Lê Thị lang sáu tuổi, thần nghĩ mình sẽ sống lâu hơn anh ấy." Lưu Khánh Đàm đáp.

"Chú tự tin quá nhỉ?" Lê Văn Thịnh đấm vào vai Lưu Khánh Đàm. Nhìn thấy hai người họ thân thiết như thế này, tôi cũng thấy vui lây.

"Thế thì," An Dân nhoài người ra. "bản vương nhất định sống lâu hơn cả hai vị rồi."

Đến cổng Diệu Đức, kiệu của tôi dừng lại. Lê Văn Thịnh và Lưu Khánh Đàm bước ra trước rồi quay lại, xuống ngựa chào tôi.

"Lê Văn Thịnh! Lưu Khánh Đàm!" Tôi đưa cao thanh kiếm nhỏ vừa cỡ người tôi. "Toàn thắng trở về!"

"Chúng thần nhất định thắng trận trở về!" Hai người họ quỳ xuống.

"Cấp báo!"

Một người lính cưỡi ngựa phóng tới. Anh ta đeo lá cờ của lính truyền tin phóng thẳng đến trước kiệu của tôi.

"Có chuyện gì?" Tôi vội hỏi.

"Thân phò mã tử trận rồi!"

-

"Bệ hạ, Lưu Kỷ đầu hàng quân Tống rồi ạ."

"Bệ hạ, châu Văn và châu Quang Lang đã rơi vào tay địch."

"Bệ hạ, Quách Quỳ treo thủ cấp của Thân Phò mã lên đầu giáo, rất nhiều dân miền núi không chịu được sỉ nhục đã tự vẫn. Số còn lại ra sức báo thù, đều bị Quách Quỳ đem chém cả rồi!"

Tin tức chiến sự bay về liên tục, quân ta tạm thời chặn được địch, nhưng Quách Quỳ và quân Tống đánh như vũ bão, từng lớp phòng ngự bị đẩy lui đến tận phòng tuyến Như Nguyệt.

"Từ Vạn Xuân, thủy binh có thể vượt sông Lục Nam và sông Thương tiến sâu vào địa bàn vùng Đông Bắc, có thể xuôi sông Bạch Đằng, sông Thái Bình ra biển, lại có thể theo sông Đuống tiến vào ." Thái Nguyên nói.

"Ở đây, ta sẽ đặt hai vạn quân và khoảng bốn trăm chiến hạm. Chiêu Văn Hầu, Hoằng Chân Hầu, vị trí này xin nhờ hai vị." Lý Thường Kiệt nói.

"Rõ!"

"Bệ hạ." Lý Thường Kiệt quay sang nói với tôi. "Chiến sự sẽ rất nguy hiểm. Bệ hạ xin hãy lui về kinh thành ạ."

"Không được!" Tôi cãi. "Anh em của trẫm ở đây, con dân của trẫm ở đây, sao trẫm có thể về cung được?"

"Bệ hạ!" Lê Văn Thịnh trừng mắt nhìn tôi. "Đây không phải lúc để bệ hạ mè nheo đâu. Chiến trường không phải chỗ cho trẻ con!"

"Thầy..."

"Lê Thị lang nói đúng đấy." Lưu Khánh Đàm đặt hai tay lên vai tôi. "An nguy của bệ hạ, quan trọng hơn tính mạng của tất cả chúng thần."

"Lưu Thị lang, chuyện này,"

"Bệ hạ ở đây chỉ vướng tay chúng thần thôi!" Lý Thường Kiệt quát lớn.

"Thái úy!" Lưu Khánh Đàm quắc mắt nhìn Lý Thường Kiệt. Nhưng tôi biết ông ta nói đúng.

"Thôi được rồi." Tôi thở dài. "Trẫm sẽ về Thăng Long."

Tôi quay lại nhìn hội đồng tham mưu. Trừ Lý Kế Nguyên và một số tướng khác đã ra biển chặn giặc thì các tướng tài của Đại Việt đều đã tập trung ở đây. Tôi cúi gập người.

"Trẫm sẽ cầu phúc cho các vị nơi chiến trường."

"Bệ hạ vạn tuế!"

Tôi quay lại chỗ chiếc xe ngựa. An Dân và một số quan nội hầu đang đứng chờ sẵn.

"Hoàng huynh!" An Dân chạy tới cạnh tôi, vẻ mặt vô cùng hớt hải.

"Kinh thành ổn chứ?" Tôi hỏi và lên kiệu.

"Một số người có người thân ở các vùng bị quân Tống chiếm đóng có chút kích động. Mẫu hậu đã trấn an họ và hướng dẫn họ đi chùa cầu phúc. Thái phó cũng đang lệnh cho quân sĩ phủ Nghệ tiến quân ra bắc."

Nhờ có cuộc trò chuyện với Indravarman mấy tháng trước, tạm thời quân sĩ biên giới phía nam đã có thể chuyển ra bắc, điều này cũng có ích cho Chiêm Thành vì họ cũng cần lực lượng để giải quyết mâu thuẫn với Chân Lạp mở rộng lãnh thổ và xử lý các công việc trong liên minh.

Tuy nhiên, theo lá thư mật thám báo lại, Chiêm Thành và Chân Lạp đã hòa hoãn để cùng công đánh mặt nam Đại Việt.

Đúng là không có kẻ thù vĩnh viễn và bạn bè mãi mãi. Chỉ có lợi ích trường tồn. Cũng phải thôi. Indravarman là bạn tôi. Chứ không phải vua cha anh ta.

Chúng tôi về đến Thăng Long, quan lại nội kinh đang tất tả lo việc trấn an nhân dân. Có những người khóc lóc, có những bà mẹ lạc mất con. Có những người không còn nguyên vẹn.

"Bệ hạ." Người đánh xe gọi với vào bên trong. "Có Đô hộ phủ Sĩ sư Ngụy đại nhân muốn diện kiến."

"Có chuyện gì?" Tôi mở rèn xe ngựa, trước xe ngựa là một người đàn ông ăn mặc gọn gàng, hông đeo kiếm đang cúi đầu trước tôi. Ông ta tên là Ngụy Trọng Hòa. Vào năm tôi một tuổi, vua cha tôi đã cho Ngụy Trọng Hòa và Đặng Thể Tư làm Đô hộ phủ Sĩ sư, trách nhiệm giống như quan phủ, xử lý các án kiện tụng. Họ giống như Bao Công của Thăng Long vậy.

"Nếu là chuyện cấp bách, chúng ta hãy vừa đi vừa nói." Tôi nói vội.

"Đặng đại nhân đang lo rằng Quách Quỳ sẽ cho quân Tống trà trộn vào nạn dân và gây hoang mang cho dân ta ở trong thành." Ngụy Trọng Hòa ngồi bên ngoài xe ngựa nói.

"Thế phải làm sao?" Tôi hỏi.

"Hiện tại chúng thần đã cho người dò hỏi từng người dân một. Tuy nhiên, số lượng quá lớn. E rằng không kịp..."

"Thái phó đã có cách chưa?"

"Thái phó đang rất bận rộn với việc quân cơ ạ. Hiện tại Chiêm Thành và Chân Lạp đang có động thái ở phía nam. Vô cùng nguy hiểm đối với chúng ta."

"Được rồi, ngài cứ tiếp tục làm nhiệm vụ của mình đi. Ta sẽ hồi cung bàn chuyện này với Thái hậu."

Ngụy Trọng Hòa nhảy xuống khỏi xe ngựa, không quên vái tôi rồi hối hả chạy đi lo việc của loạn dân.

-

"Tường không sao chứ?" Mẹ tôi hỏi ngay khi thấy tôi về.

"Mẹ!" Tôi xà vào lòng mẹ.

"Bệ hạ," Mẹ tôi hốt hoảng nhìn quanh. An Dân ra hiệu cho những người khác ra ngoài.

"Con," Mẹ tôi ôm lấy tôi.

"Sẽ không có chuyện gì đâu đúng không ạ?" Tôi khóc. Dù đã biết trước rằng quân ta sẽ thắng. Nhưng tôi không khỏi lo lắng. Tôi nhận ra rằng dù thắng, thì trận chiến này vô cùng ác liệt. Tôi không biết có bao nhiêu người sẽ chết, sẽ có bao nhiêu mất mát. Đến tận khi Thân Cảnh Phúc hy sinh tôi mới nhận ra rằng mình hóa ra chẳng biết gì.

"Bệ hạ, Thái hậu, Minh Nhân Vương. Thiên Thành công chúa yết kiến." Quan nội hầu ở bên ngoài thông báo.

Cánh cửa mở ra, chị tôi lững thững bước vào.

Người con gái xinh đẹp mang một gương mặt buồn thảm. Trên đầu chị quấn khăn tang màu trắng và đang mặc chiếc áo trắng. Cô nhún người cúi mặt xuống.

"Chị!" Tôi tới bên cô. Đôi mắt chị tôi đỏ hoe.

"Bệ hạ, phò mã tử trận. Thần thân phận đàn bà, không thể..." Giọng chị tôi lạc đi.

"Tường," Mẹ tôi bước tới ôm lấy cô công chúa đang khóc. "không sao đâu."

"Thái hậu." Thiên Thành công chúa ôm lấy bà.

"Được rồi mà. Chúng ta đi chùa nhé." Bà vỗ về và lau nước mắt cho cô công chúa. Tuy tuổi tác họ chênh nhau chỉ vài tuổi lẻ thôi nhưng mẹ tôi vẫn xem chị ấy như con mình.

"Vâng."

Bốn mẹ con kéo nhau lên chùa Diên Hựu. Tiếng tụng kinh gõ mõ vang khắp không gian thanh tịnh của ngôi chùa.

"A di đà Phật." Vị trụ trì họ Đinh hành lễ trước chúng tôi.

"Trụ trì, ngài vẫn khỏe chứ?" Mẹ tôi hỏi.

"Thái hậu, lão nạp đã sống hơn trăm tuổi rồi, làm gì còn cái gọi là sức khỏe."

"Trụ trì đã ở đây ba đời vua, chẳng lẽ không có nguyện vọng gì sao?" Mẹ tôi hỏi tiếp.

"Nếu là nguyện vọng..." Ông nhìn tôi. "lão nạp có thể, dành chút thời gian với bệ hạ không?"

-

Tôi và vị trụ trì hơn trăm tuổi đứng bên hồ sen sau chùa.

"Trụ trì có gì muốn nói với trẫm sao?" Tôi hỏi.

"Nhiều là khác." Ông nói. "Bệ hạ, Người đã bao giờ nghĩ đến việc sẽ bảo vệ đất nước này như thế nào chưa?"

"Tất nhiên." Tôi gật đầu. "Trẫm sẽ bảo vệ đất nước này. Mảnh đất này là nơi ông cha trẫm đã gầy công xây dựng. Phận là con cháu phải biết gìn giữ."

"Từ trước khi lão nạp ra đời, cha anh của lão nạp đã gầy công thống nhất và xây dựng nên Đại Cồ Việt. Khi lão nạp lên sáu tuổi, cha anh bị giết, ngoại bang lăm le xâm lược, nội bộ thì có loạn binh. Cuối cùng, lão nạp đã phải cởi bỏ áo cổn, tháo mũ miện và trao lại đất nước cho người khác." Ông nhìn tôi bằng đôi mắt đã mù. "Liệu bệ hạ có sẵn sàng từ bỏ ngôi vua như vậy không?"

"Kh, khoan đã," Tôi toát mồ hôi hột. "Lẽ nào... ông... chính là..."

"Lãonạp, trước khi xuất gia, có tên là Đinh Toàn." Ông nói. "Người đời gọi là ĐinhThiếu Đế."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top