Trạng nguyên.

"Bệ hạ," Giác Hải thiền sư lạy tôi. "thứ cho bần tăng vô năng!"

"Sư phụ?" Tôi tròn mắt nhìn vị sư thầy đang quỳ trước cửa Văn Miếu.

"Bệ hạ, chúng thần đi Thiên Trúc thỉnh kinh cầu đạo, chẳng phải để làm quan làm lại. Chỉ mong đời sống tinh thần của dân chúng được sung túc. Chúng thần không thể cầm quân đánh giặc như Thái úy, cũng không có năng lực trị quốc của Thái phó. Ở với chúng thần, bệ hạ sẽ chỉ là một Phật tử, không phải một minh quân."

"Sư phụ,"

"Thánh Tông đã từng nói với chúng thần, Phật pháp có thể dùng để giáo hóa chúng dân, nhưng trị quốc vẫn cần Nho học. Bần tăng không đủ khả năng dạy bệ hạ thông tuệ đạo Khổng."

Tôi thở dài. Nhưng quả thật, tôi hiểu ý của Giác Hải thiền sư. Phụ hoàng tôi cũng từng nói với tôi chuyện này. Muốn trở thành một đấng minh quân, học kinh Phật thơ ca là chưa đủ. Còn cần học cả kinh Khổng, sử sách, cả kinh tế, nông nghiệp... Bởi thế, trở thành vua thì dễ, làm được vua mới khó. Ngồi lên ngai vàng dễ, giữ được ngai vàng khó.

"Trẫm hiểu rồi." Tôi đỡ vị sư thầy dậy. "Sư phụ giữ gìn sức khỏe."

"Bệ hạ, hôm nay, bần tăng to gan mời Người đến một nơi được không?"

Tôi và Giác Hải thiền sư đến cánh đồng lúa nhiều năm trước Thông Huyền chân nhân đã đưa tôi tới khi tôi còn là Thái tử. Hóa ra bao năm qua tôi còn chẳng thèm quay lại đây. Đã mấy vụ mùa trôi qua rồi. Tôi nhìn nhưng cây lúa. Chúng đầy những hạt nặng trĩu và cong xuống.

"Vụ màu năm nay cũng không đến nỗi nào." Tôi nhớ năm trước khi tôi lên ngôi, năm Thần Vũ thứ ba, năm ấy mất mùa, Vua Lý Thánh Tông vì thế mà lo lắng, bệnh tình ngày càng trở nặng đến đầu năm Thần Vũ thứ tư thì băng hà.

"Người còn nhớ, ngày trước Thông Huyền chân nhân dẫn người đến đây, cây lúa ấy như thế nào không?"

"Chúng, không có hạt, và dựng thẳng đứng."

"Còn bây giờ?"

"Rất nhiều hạt. Và trĩu xuống."

"Giống như một con người vậy."

"Hả?" Tôi nhìn vị tăng sư.

"Con người, khi không có giá trị, họ sống một cách cao ngạo. Đến khi có giá trị, họ mới bắt đầu cúi đầu thấp."

"Khiêm tốn?"

"Đúng thế. Làm người có giá trị, cần phải biết khiêm tốn. Khiêm tốn mà sống, khiêm tốn mà học tập. Việc học, là cốt lõi của con người."

Giác Hải thiền sư thở dài một cái.

"Nhưng khi bước ra đời, phải đứng thật thẳng lưng. Thẳng lưng, sống hiên ngang như một đấng anh hùng."

"Lời sư phụ dạy, học trò xin đời đời nghi nhớ." Tôi quỳ xuống lạy ông. "Sư phụ, xin nhận của học trò ba lạy."

"Hai lão tăng sư đều đi rồi à?" Mẹ tôi vẫn ngồi xem tấu chương.

"Giác Hải tâm như hải,

Thông Huyền đạo hựu huyền.

Thần thông kiêm biến hoá,

Nhất Phật, nhất thần tiên." (1)

Tôi buồn rầu quay sang Thái hậu. "Mẹ, con có xứng làm vua thật không? Sao dần dần mọi người đều rời bỏ con?"

"Chỉ là hai vị cao tăng thôi. Người này đi thì người khác tới." Mẹ tôi lạnh lùng nói. "Bệ hạ, nếu người để cảm xúc cá nhân xen vào công việc quá nhiều, người sẽ không thể đưa ra những quyết định sáng suốt được đâu."

"Nhưng..."

"Người là Hoàng đế." Mẹ tôi cắt lời. "Người là người quyết định muôn dân bách tính ngoài kia sẽ ra sao. Họ có thể không biết ngày mai họ có cơm ăn hay không, họ có thể không biết ngày mai mình có phải mặc giáp ra trận hay không. Nhưng Người phải luôn sẵn sàng. Người phải luôn chuẩn bị tinh thần năm sau sẽ có hạn hán, tháng sau địch quốc sẽ xâm lược, ngày mai sẽ có đại thần đột ngột qua đời. Người phải luôn chuẩn bị tinh thần để đối phó với những tình huống tồi tệ nhất. Đồng thời, người cũng không được biểu đạt cảm xúc."

Mẹ tôi dừng lại một lúc.

"Nếu bệ hạ bước lên điện với khuôn mặt ủ rũ, người sẽ khiến quần thần nghĩ rằng đất nước ta sắp đại nạn, họ càng có lý do để rời bỏ bệ hạ. Con hiểu chứ?"

"Con hiểu." Tôi gật đầu dứt khoát An Dân cũng gật gù tỏ ra hiểu. "Việc bây giờ là tìm thầy mới."

"Vừa hay," Mẹ tôi kẽ liếm lông bút, đây là lần đầu tôi thấy bà làm thế. "ta đang có một kế hoạch muốn cùng con thực hiện."

-

Cuộc thi diễn ra đúng như kế hoạch. Sau khi các sĩ tử đỗ các kỳ thi ở địa phương và các cuộc khảo thí trên kinh thành được gọi vào cung diện kiến quan lại cùng Thái hậu và Hoàng đế.

Và chẳng cần đoán, các bạn cũng biết đấy, tôi chỉ ngồi yên đó thôi. Mẹ tôi mới là người quyết định. Từ ra đề, chỉ định địa điểm thi, người chấm thi... Cuối cùng còn lại được mười người đến trước mặt tôi và Thái hậu.

"Mười người à?" Mẹ tôi xem danh sách mười người rồi quay sang tôi. "Bệ hạ, người có muốn ra đề cuối cùng không?"

"Trẫm sao?" Tôi tròn mắt ngạc nhiên.

"Bệ hạ là Thiên tử mà, đôi khi cũng phải tỏ chút uy quyền chứ." Bà nói thế nhưng tôi thấy trong ánh mắt mẹ tôi là "Để xem suốt thời gian qua con học hành như thế nào nào."

Phải nói thêm rằng, việc tuyển chọn quan lại và tìm thầy học mới cho tôi là hai lý do vô cùng chính đáng. Nhưng lý do thứ ba, không được chính đáng cho lắm, chỉ có ba mẹ con tôi biết, đó là "tạo điều kiện cho những người dân tầng lớp thấp được tham gia vào triều đình."

Từ khi Ngô Vương giành lại độc lập, Đinh Hoàng thống nhất các sứ quân, Lê Đại Hành đánh đuổi bè lũ xâm lăng, Thái Tổ lập quốc dời đô, nhị tông đánh dẹp tứ phương, tính đến nay là hơn trăm năm. Tổng quan lại thì chỉ có mấy cách để trở thành người trong triều đình.

Một là thân thích với vua, như Dương Tam Kha là em vợ Ngô Quyền.

Hai là làm thái giám, như Đỗ Thích.

Ba là những tướng lĩnh cùng vua đánh dẹp tứ phương và con cháu được trọng dụng.

Bốn là làm môn khách của các quan lại rồi được tiến cử.

Và năm, vượt qua được kỳ thi Bạch Liên của nhà Phật. Mà cái này thì chỉ dành cho các nhà sư.

Những cách trên đều có ưu điểm và nhược điểm của nó. Ví dụ như không phải ai cũng sẵn sàng xuống tóc đi tu để vào triều làm quan. Cũng như thế, không phải ai cũng sẵn sàng mất đi "công cụ duy trì nòi giống". Thân thích của tôi thì loanh quanh hoàng tộc, đều đã đi trấn thủ biên cương. Những tướng lĩnh và các quan lại thì không nói làm gì. Môn khách của các quan lại? Có một cái nhược điểm to chà bá lửa, đó là quan lại đó có thể sử dụng những môn khách ấy để tạo ra thế lực cho mình và âm mưu đảo chính.

Tôi thì muốn những người dân thường biết chữ, đã đọc nhiều kinh sách và thông hiểu tri thức trên trời dưới đất vào triều làm quan. Như thế sẽ tạo ra tiền đề để nhân dân tầng lớp thấp cho con cái mình học chữ, những người biết chữ sẽ càng chăm đọc sách, những người chăm đọc sách sẽ ứng thi làm quan làm lại. Từ đó nâng cao dân trí toàn dân.

Mẹ tôi nghi ngại rằng chuyện này sẽ đả động tới quyền lợi của những thế gia, những người muốn truyền lại vị trí của mình trong triều cho con cháu mình (như Lưu Thượng thư và Lưu Khánh Đàm) nên lý do thứ ba này được giấu nhẹm đi. Thêm nữa, mẹ tôi xuất thân là dân đen nên bà cũng muốn giúp đỡ những người có cùng xuất thân như mình.

Tôi vén tấm màn lên và bước lại gần mười thí sinh khảo thí. Họ quỳ xuống và không dám ngước đầu lên.

"Bình thân." Tôi nói với họ.

"Tạ bệ hạ."

Mười người họ lục tục đứng dậy nhưng vẫn đưa tay ra vái tôi. Vì để giữ mình gần như đứng ngang với họ nên tôi vẫn đang đứng trên cầu thang, cách họ khoảng bốn mét.

"Trẫm hỏi khanh," Tôi chỉ vào một chàng thanh niên trông khoảng ngoài hai mươi. "vì sao khanh đi thi khoa cử?"

"Bẩm bệ hạ." Hắn đáp. "Thần cả đời đọc sách thánh hiền, không tham gia khảo thí để lấy công danh, há chẳng phải phí hoài công sức sao?"

"Các khanh cũng thế sao?"

"Bẩm bệ hạ," Một người có vẻ ngoài đứng tuổi nói. "thần nhiều năm đèn sách, cũng chỉ vì muốn muốn làm rạng danh tiên tổ."

"Thần từ nhỏ sức khỏe yếu kém, chỉ biết chút thơ văn nhưng cũng muốn dốc hết sức xây dựng nước nhà."

"Học hành nhiều năm, cũng chỉ mong đỗ đạt làm quan, giúp dân giúp nước."

Tôi khá hài lòng về câu trả lời của họ. Dù nghe cứ như lặp đi lặp lại một lời. Và dường như họ đều mong chờ vào mục số bốn ở trên kia.

Tôi đến bên một chàng Nho sinh trông khoảng ngoài ba mươi có mái tóc đen nhánh cột đuôi ngựa và vận bộ trang phục trắng.

"Khanh cho trẫm biết, trên đời này có cái gì không cần đào mà vẫn sâu?"

"Bẩm bệ hạ, là biển." Anh ta đáp.

"Cái gì, khi ngươi đứng, thì nó nằm, mà khi ngươi nằm, thì nó lại đứng?"

"Bẩm bệ hạ, là bàn chân."

"Tại sao hổ lại ăn thịt sống?"

Anh ta tròn mắt nhìn tôi. Hắn nhìn ngang, những người khác cũng tỏ vẻ bí.

"Bệ hạ, thần xin chịu tội." Hắn quỳ xuống.

"Bệ hạ," Một người bước ra. "Cho phép thần."

Tôi ra hiệu cho hắn trả lời.

"Hổ ăn thịt sống, bởi vì hổ không biết nấu."

Đám Nho sĩ ồ lên gật gù. Tôi hỏi người tiếp theo.

"Đình nào lớn nhất?"

"Bẩm bệ hạ, là triều đình."

"Con gì có lưỡi mà không có miệng, có mũi mà không có mắt?"

"Thứ quái vật gì thế?" Một tên khẽ hỏi nhưng tôi vẫn nghe được.

"Bẩm bệ hạ. Là con dao." Anh ta đáp sau vài giây suy nghĩ.

Tôi hỏi người tiếp theo.

"Khi nào thì bốn bằng mười?"

Hắn suy nghĩ một lát rồi cũng đáp.

"Bẩm bệ hạ, mười cái miệng, hay bốn cái miệng thì cũng là cái ruộng." (2)

"Nếu trẫm và cha khanh cùng rơi xuống sông, khanh sẽ cứu ai?"

Người Nho sinh nhìn tôi với ánh mắt tuyệt vọng. Những người khác cũng ngơ ngác nhìn nhau. Quan lại hai bên cũng khẽ trao đổi về câu hỏi hóc búa này. Tất nhiên, đến tận thế kỷ XXI còn có biết bao nhiêu chàng trai đau đầu khi bị người yêu mình hỏi câu tương tự mà.

"Bẩ... bẩm bệ hạ... Phụ thân thần là cha của bốn đứa con. Còn bệ hạ, là cha của cả thiên hạ. Xét về lợi hại, thần, nhất định sẽ cứu bệ hạ rồi ạ."

"Vậy là, vì trẫm, khanh sẵn sàng phạm tội bất hiếu?"

"Bệ hạ thứ tội!" Hắn quỳ rạp xuống.

"Còn ngươi?" Tôi hỏi tên bên cạnh, người vừa trả lời câu hỏi con dao.

"Cha thần mất rồi ạ." Hắn đáp ngay tắp lự. "Còn nếu bệ hạ định rơi xuống hoàng tuyền thì thứ cho thần vô năng, không thể đi cùng bệ hạ. Thần còn phải bảo vệ xã tắc Đại Việt, không phải một mình bệ hạ."

"Hỗn láo!" Một vị quan hét lớn.

"Không sao!" Tôi phất tay. "Khẩu khí lớn lắm! Ta thích."

"Ngươi thì sao?" Tôi hỏi tên tiếp theo.

"Cha thần rất giỏi bơi lội, ông ấy sẽ cứu bệ hạ."

"Tức là ngươi sẽ không nhảy xuống cứu trẫm?"

"Thần không biết bơi, nếu thần xuống, triều ta có thể sẽ phải mất một vị trí quan trọng."

"Quan trọng hơn cả trẫm?" Tôi khẽ nhướn mày.

Đến đây thì hắn bí.

"Bệ hạ, cho phép thần." Gã Nho sinh lúc nãy vừa trả lời câu hỏi con hổ xin được cứu bồ. Anh ta trông khoảng ngoài hai mươi, tóc cắt ngắn và có ánh mắt khá tự tin.

"Bệ hạ, tại sao Người lại dẫn phụ thân thần ra bờ sông?"

"Trẫm..."

"Và chẳng lẽ, bệ hạ ngồi trên ngôi vị cửu ngũ chí tôn, thế mà lại không biết bơi sao?" Hắn nhảy vào họng tôi nói. Nếu là Thái hậu thì hắn đã lôi đi đánh đòn rồi.

"Nhưng với cổn miện như thế này," Tôi dang tay ra. "trẫm có thể bơi sao?"

"Nếu là thế," Hắn cúi gập người. "Thứ lỗi cho thần, thần chỉ có thể cứu người ở gần thần nhất."

Sau đó tôi tiếp tục ra nhiều câu hỏi khác cho các Nho sinh. Hầu hết đều là câu hỏi mẹo. Và chỉ có anh chàng bảo tôi không biết bơi trả lời được hết.

"Đủ rồi bệ hạ." Thái hậu gọi tôi về chỗ. Sau đó, các quan viên tiếp tục đưa ra những bài khảo thí riêng để chọn xem ai phù hợp với vị trí nào.

"Có vẻ bệ hạ tìm được thầy học mới rồi." Thái hậu nói khi tôi về chỗ ngồi.

"Kỳ thi tuyển Minh kinh bác học và Nho học tam trường năm Thái Ninh thứ tư," Quan thái giám đọc quyết định của Thái hậu. "đỗ đầu, làng Đông Cứu Lê Văn Thịnh."

Anh càng Nho sinh trả lời được hầu hết các câu hỏi khi nãy quỳ xuống vái.

"Thần, Lê Văn Thịnh, khấu tạ long ân."

Tôi sặc nước trà.

Cô giáo lịch sử của tôi từng đố lớp tôi về "Tứ Trạng". Đến cả thằng bạn chuyên sử của tôi cũng chỉ biết mỗi Trạng Lường Lương Thế Vinh. Sau đó chúng tôi mới biết thêm về Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi. Trạng Nguyên nhỏ tuổi nhất lịch sử, nguyên mẫu của câu chuyện Cậu bé thông minh trong Sách giáo khoa, Nguyễn Hiền. Và Lê Văn Thịnh, Trạng Nguyên đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. (3)

"Lê Văn Thịnh..." Tôi khẽ lặp lại.

"... Bổn cung thấy, Lê Văn Thịnh thông minh xuất chúng, lại từng làm thầy đồ trong dân gian, nay phong chức Thị độc vào cung hầu bệ hạ học. Khâm thử."

"Thần, Lê Văn Thịnh nhất định không làm Thái hậu và bệ hạ thất vọng. Nguyện dốc toàn tâm toàn lực vì bệ hạ và vì xã tắc Đại Việt."


(1) Bài thơ Tán Giác Hải thiền sư, Thông Huyền đạo nhân của vua Lý Nhân Tông. Tương truyền ông làm bài thơ này khi ông bảy tuổi, sau khi Thông Huyền chân nhân chữa bệnh sợ ve sầu của ông.

(2) Trong tiếng Hán, miệng là khẩu, điền là ruộng. Bốn cái miệng là bốn chữ khẩu (口), ghép vào nhau thành chữ điền (田). Mười cái miệng là chữ thập (十) và chữ khẩu, ghép vào nhau cũng thành chữ điền.

(3) Các danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa đến đời Trần mới được đặt. Nhưng đa số mọi người đều xem Lê Văn Thịnh là Trạng nguyên đầu tiên. Kỳ thi Minh kinh bác học năm Thái Ninh thứ tư (1075) cũng là kỳ thi tuyển chọn quan lại đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Bên cạnh vua Lý Thánh Tông cho xây Văn Miếu và vua Lý Nhân Tông mở Quốc Tử Giám thì Lê Văn Thịnh là Trạng nguyên khai khoa của Đại Việt, là những người mở đầu cho giáo dục khoa cử của Việt Nam. Về "Tứ Trạng" thì không rõ sách nào chép, chỉ biết cô giáo Lịch sử cấp ba của tác giả đố như thế.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top