Tô Giám.

Tôi ở trong doanh trại hơn một tháng, Thành Ung Châu vẫn sừng sững như núi. Việc tôi có mặt trong doanh không ai biết ngoài các tướng nên tôi hoàn toàn không ảnh hưởng tí gì tới sĩ khí ba quân.

Quân doanh bí bách, hết đánh cờ vịnh thơ rồi câu cá, Lê Văn Thịnh lại rủ tôi leo lên một ngọn đồi cao cách thành Ung Châu mấy dặm, vừa đủ để quan sát trận chiến.

Đây là lần đầu tôi được thấy thành Ung Châu. Tường thành cao hơn hẳn kinh thành Thăng Long và cũng bề thế hơn.

Xung quanh tường thành có một con hào, binh lính Đại Việt bắc những chiếc ván gỗ làn cầu để bước qua nhưng dễ dàng bị cung tên phía Tống bắn hạ. Binh sĩ leo lên tường thành, quân Tống ở trên tường thành đẩy những chiếc thang xuống. Máy bắn đá bắn lên, quân Tống dùng chính những viên đá ấy đè chết lính Việt. Cảnh tượng không khác gì phim cổ trang. Có điều, tất cả là thật.

"Thầy, tại sao không đốt luôn cổng thành đi?" Tôi hỏi.

"Đốt được cổng thành, tức là có một bức tường lửa ngăn chặn chúng ta vào thành." Lê Văn Thịnh giải thích. "Thêm nữa, ngay trên cổng thành cũng có máng nước để phòng trường hợp hỏa hoạn. Và phía sau cánh cổng đó, không biết bao nhiêu cạm bẫy đang chờ chúng ta."

Tôi gật gù và tiếp tục quan sát. Tôi nhìn những mũi tên đang bay và những lá cờ phấp phới. Có vẻ như hướng gió có lợi cho quân Tống nên những mũi tên của chúng bay xa hơn. Vì gặp bất lợi về hướng gió nên tên của quân ta khó bắn lên được còn quân địch thì cứ thả mưa tên xuống.

"Nếu như thế này, tức là ở cổng thành bên kia tên của quân ta sẽ thuận lợi về hướng gió phải không?" Tôi hỏi.

"Đúng thế." Lê Văn Thịnh gật đầu. "Xem ra dân Ung Châu cũng khá là quyết tâm với cuộc chiến này."

"Dân?"

"Bệ hạ có nhận ra không?" Thầy Lê chỉ lên tường thành.

Trên những bức tường, có những người lóng ngóng thấy rõ trong bộ áo giáp nặng trịch. Một người lính Việt lên được tường thành, có người còn ném vũ khí và ngã ra. Trông không giống binh lính được huấn luyện.

"Những người đó rõ ràng là không hề có kinh nghiệm chiến đấu. Họ giống như những tên lưu manh chỉ biết mấy ngón nghề để bắt nạt kẻ yếu. Để chuyện như thế này xảy ra cũng đủ biết trong thành chẳng còn mống binh sĩ nào nữa rồi. Binh sĩ của ta được rèn luyện qua trăm trận, ắt sẽ thắng được thôi mà."

Đến hoàng hôn, quân dân Ung Châu vẫn giữ vững cổng thành. Vì ngại đêm tối khó quan sát, Lý Thường Kiệt cho quân rút lui nhưng vẫn để lại một số binh lính đánh trống để dồn ép tinh thần của những kẻ trong thành.

"Xem ra Lê Thị lang không có năng lực làm thầy bói rồi." Tôi liếc đểu anh ta khi cả hai thong dong quay về doanh trại.

"Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Kẻ phàm trần như thần đâu thể đoán đúng ý trời được." Lê Văn Thịnh nhún vai. "Hơn nữa, khi bị dồn vào đường cùng, con người ta dễ có khuynh hướng làm mọi cách có thể để sống sót. Họ đang chiến đấu bằng ý chí mà thôi... Chà, thật tội lỗi khi để họ phải chết."

Tôi ngoái nhìn bức tường cao sừng sững như một thứ sẽ không bao giờ sụp đổ. Bỗng tôi nhớ đến một bộ phim đã xem trước đây rất lâu.

"Thổ công!?" Quân doanh ngạc nhiên nhìn tôi khi tôi trình bày kế hoạch của mình.

"Bệ hạ, chúng thần chưa từng nghe đến loại binh pháp này."

"Có phải là đào hầm rồi xông vào trong không ạ?" Phò mã Thân Cảnh Phúc lên tiếng. "Ở vùng núi Phúc từng dùng cách đó để đánh bại họ Nùng một lần."

"Đó là miền sơn cước chúng ta. Còn ở chốn này thì làm sao mà thành công được?"

"Tù trưởng Lưu Kỷ nói đúng đấy." Tôi gật đầu. "Đào hầm để vào thành quá nguy hiểm vì chúng ta không biết địa thế trong thành."

Mọi người nhìn tôi và chờ đợi.

"Ngày xưa ở Hy Lạp, có hai tên khổng lồ từng muốn tấn công đỉnh Olympus. Chúng đã xây một ngọn núi cao chót vót ngang với núi Olympus và thành công tiến vào cung điện của các vị thần."

Mấy tay tù trưởng xì xầm bằng tiếng dân tộc. Còn các tướng người Việt thì đang tạo gương mặt kiểu "chào mừng đến với cuộc sống thường nhật của chúng tôi".

"Trong Đại chiến thành Ansi," Tôi nói tiếp. "Đường Thái Tông đã dựng nên một bức tường cao để công hạ thành trì của Cao Câu Ly, nhưng nó bị quân Câu Ly chiếm lấy nên ông ta đành phải nhận thất bại ê chề."

Cái này có vẻ gần gũi hơn nên các tướng người Việt cũng xì xào bàn tán.

"Tóm lại, cách của ta là dựng một bức tường cao ngang bằng với tường thành, sau đó tấn công qua. Thế thì khác gì chiến đấu trên đồng bằng đâu. Và chiến đấu trên mặt phẳng, binh sĩ ta thua thế nào được?"

Mọi người bắt đầu nhìn nhau gật gù.

Hôm sau, binh lính bốc cát bỏ vào các bao lớn và chồng lên nhau, tạo thành một bức tường cao ngang với tường thành Ung Châu. Nhờ có bức tường đó, quân Đại Việt chỉ mất vài ngày để có thể xông vào thành Ung Châu.

Chuyện tôi không ngờ tới là, Lý Thường Kiệt cho tàn sát hết dân trong thành. Gần sáu mươi nghìn người đều bị giết không chừa một ai.

Tôi lao vào lều của Lý Thường Kiệt.

"Công tử, đây là lều của Thái úy." Hai tên lính chặn tôi lại.

"Tránh ra! Muốn bị chém đầu hả!?" Tôi hất chúng ra và bước vào lều của Lý Thường Kiệt.

"Thái úy!" Hai tên lính bước vào định lôi tôi ra.

"Hai ngươi mau ra ngoài."

Đợi hai tên lính đi rồi, Lý Thường Kiệt hành lễ trước tôi.

"Sao ngài lại làm thế?" Tôi hỏi.

"Vì Tô Giám không thấy đâu cả." Lý Thường Kiệt lạnh lùng đáp.

"Chỉ vì một người, ngài đồ sát cả một tòa thành ư?" Tôi mắng. "Ngài có thấy mình giống Bạch Khởi(1) không!?"

"Bệ hạ đã từng nói, khi thần bước qua khỏi cổng Diệu Đức, mọi quyết định là nằm ở thần. Bao gồm cả việc quyết định dùng kế sách của bệ hạ. Ở đây thần mới là người quyết định. Khi về triều bệ hạ muốn chém đầu thần cũng được."

"Ngài..." Tôi biết có quát tháo thì cũng chẳng để làm gì. Chỉ đành giận dỗi bỏ ra ngoài.

"Bệ hạ đừng trách Thái úy." Lê Văn Thịnh nói khi hai chúng tôi vào rừng giữa đêm hôm. Nghĩ lại thì cũng tội cho anh ta khi phải lãnh trách nhiệm trông chừng thằng trẻ trâu như tôi, lại còn phải vác theo khối đá to đùng kia nữa. "Thái úy làm việc là có lý do cả."

"Lý do!? Lý do của ông ta là gì!?"

"Dân chúng Ung Châu cũng có một phần trách nhiệm trong việc này mà. Ung Châu là nơi cung cấp lương thực và quân trang cho cuộc hành quân tiến đánh Đại Việt. Việc tàn sát nhân dân Ung Châu cũng là để bảo vệ Đại Việt mà thôi."

"Quân binh đánh trận, liên quan gì tới nông dân thương nhân chứ?"

"Nông dân là nguồn lực sản xuất." Thầy Lê giải thích. "Thương nhân giao thương sẽ thông thạo đường lối. Họ là một mối nguy hiểm nên cần phải loại bỏ."

"Còn người già, phụ nữ và trẻ em? Họ cũng là mối nguy hiểm sao?"

"Nếu để họ sống, họ sẽ nuôi lòng căm hận sâu sắc với ta, sẽ gây khó khăn cho các vấn đề ngoại giao sau này. Khi nãy bệ hạ đã nhắc tới Bạch Khởi, bệ hạ có nhớ quân dân Triệu Quốc đã kháng cự mãnh liệt đến thế nào khi Tần xâm lược không?"

"Biết thế thì đừng có mà làm!" Tôi quát tháo.

Tôi và Lê Văn Thịnh lên một đỉnh đồi nhìn được toàn cảnh thành Ung Châu (đang cháy). Tôi lấy khối đá thầy tôi vác theo và khắc lên đó bốn chữ "Ung dân chi mộ" rồi chôn xuống. Sau đó thắp ba nén hương cầu phúc cho bá tánh Ung Châu.

Ai đó lên tiếng sau lưng tôi bằng tiếng Tàu.

Tôi quay lại thì thấy đó là một người đàn ông. Ánh sáng từ ngọn đuốc không đủ sáng, nhưng nhờ có cái tòa thành đang cháy sau lưng (cảm ơn nhé Thái úy) mà tôi thấy được ông ta rõ như ban ngày. Áo giáp vấy máu, râu tóc màu muối tiêu rũ rượi, trên tay ông ta là một thanh kiếm.

"Ông ấy nói gì thế?" Tôi hỏi Lê Văn Thịnh.

"Các ngươi là người Việt?" Lão ta hỏi bằng tiếng Việt. Thanh kiếm của y sáng lên dưới ánh đuốc.

"Vâng." Tôi đáp. Lê Văn Thịnh khẽ chạm vào thanh kiếm bên hông.

"Người Việt hóa ra vẫn còn có kẻ nghĩa khí như thế này."

Gã người Hoa quỳ xuống bên cạnh tôi và đốt ba nén hương lên. Y vái về phía tòa thành đang cháy và khóc lóc thảm thiết. Tôi nghe loáng thoáng mấy chữ "xin lỗi".

Thầy Lê vẫy tôi. Tôi đến bên cạnh anh và anh nói thầm vào tai tôi.

"Y chính là Tô Giám."

"Sao thầy biết?" Tôi sửng sốt quay sang.

"Hắn vừa mới nói mà."

"Tạm thời đừng nói gì hết."

"Vị tướng quân này," Tôi bắt chuyện. "là người Ung Châu sao?"

"Ta là Tô Giám. Tri Ung Châu. Thân là thành chủ, lại bỏ thành mà chạy. Làm gì còn mặt mũi nào dám nhìn mặt bá tánh Ung Châu nữa."

Y gào lên một tiếng rồi trừng mắt nhìn tôi.

"Nước nam nhỏ bé, lại dám cả gan xâm phạm vào bờ cõi Đại Tống ta? Lý nào lại như thế!?"

"Đại Việt ta, quân tướng trên dưới đồng lòng." Lê Văn Thịnh nói. "Vua nước nam ta tuy nhỏ tuổi nhưng tài trí hơn người. Lý Thường Kiệt là anh hùng trăm năm có một. Chúng ta chưa bao giờ sợ Đại Tống các ngài."

"Việc làm của các ngươi hôm nay, chúng ta nhất định sẽ báo thù! Thiên quân vạn mã của ta sẽ san bằng nước nam!"

"Tô đại nhân," Tôi lên tiếng. "ngài là bậc trí giả, chắc ngài cũng nhớ cách đây hơn một trăm năm, Lưu Hoằng Thao nước Nam Hán đã bị vua Ngô dìm chết như thế nào chứ? Ngài có nhớ Hầu Nhân Bảo nước ngài đã tử trận thế nào không? Đại Việt ta dẫu đất nhỏ dân thưa, cũng không đời nào chịu làm tôi tớ cho Đại Tống các ngài!"

"Nhà ngươi..." Tô Giám giận đỏ bừng mặt.

"Ta biết nỗi đau mất thành của ngài." Lê Văn Thịnh tiếp lời. "Nhưng đây là vì dân nước nam. Ta không thể để nơi tập kết lương thảo và khí giới của ngài tồn tại được. Chúng ta vì để bảo vệ chính mình mà sẵn sàng cướp đoạt của kẻ khác. Đó là bản chất của con người chúng ta."

"Tô đại nhân, ngài đã làm hết sức rồi." Tôi chắp tay tỏ ý tôn trọng y. "Vương An Thạch và Hoàng đế nước ngài đều ngu muội. Nước Tống đúng là cần được cải cách. Nhưng cải cách như các ngài hiện tại, cảnh Nghiêu Thuấn ở đâu không thấy, chỉ thấy lê dân lầm than. Chúng ta đều là người đứng trên muôn dân, chẳng lẽ có thể đứng nhìn trăm họ đói khổ hay sao?"

Tô Giám lùi dần lại. Thanh kiếm trong tay y đưa về phía tôi, nhưng cả tôi và Lê Văn Thịnh đều không phản ứng.

"Các ngươi rốt cuộc là ai?"

"Thị lang Đại Việt, Lê Văn Thịnh." Thầy Lê chắp tay hành lễ.

"Hoàng đế Đại Việt." Tôi nghênh mặt ra.

"Hoàng đế..." Tô Giám nhìn chòng chọc vào tôi. Rồi y cười xa xả.

"Ta hiểu rồi! Là Hoàng đế!" Tô Giám quỳ phịch xuống. "Bảo sao, Đại Tống ta lại thua đám man di các ngươi. Một đứa trẻ đã có thể phát ra những lời ấy, nước Tống ta thực sự không thể sánh được."

"Tô Giám." Tôi gọi. "Trẫm không đồng tình với việc thảm sát của Lý Thường Kiệt. Nhưng trẫm cũng không đồng ý với cuộc chiến này. Đây là các ngươi khơi mào trước. Chúng ta chỉ đơn giản là tiên phát chế nhân mà thôi."

"Tiên phát... chế nhân..."

"Ngươi hãy về mà nói với vua nhà các ngươi, nếu ông ta không chịu bỏ cái suy nghĩ xâm lược, ta không đảm bảo được tiếp theo Lý Thái úy sẽ đồ sát thành trì nào đâu."

Tôi không hiểu tôi vừa nói gì nữa. Tôi vừa mới cho phép Lý Thường Kiệt tàn sát thêm một tòa thành nữa ư? Thế hành động thắp hương cho nhân dân Ung Châu này là tôi đang đạo đức giả à?

"Bình tĩnh. Cần phải khiến cho ông ta sợ." Tôi tự nhủ.

"Nước nam ta, lấy dân làm gốc, tuyệt đối sẽ không hạ sát người vô tội mà không có lý do." Lê Văn Thịnh nhấn mạnh. "Chúng ta không phải quân xâm lược. Kẻ xâm lược, chính là các ngươi."

"Ta hiểu rồi."

Tô Giám quỳ dập đầu về phía tôi.

"Bệ hạ vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế."

"Tô Giám, hành động này là ý gì?" Thầy Lê hỏi.

"Thần thực mong được làm thần tử của bệ hạ." Tô Giám vẫn không ngước lên.

Lời nói của y khiến cả tôi va Lê Văn Thịnh sững sờ.

"Đây, là trung nghĩa sao?" Tôi nghiến răng.

"Nếu được sinh ra ở nước nam sớm hơn mười năm, thần nhất định sẽ hầu bệ hạ đến hết đời." Hắn nói tiếp. "Chỉ tiếc, thần là thành chủ, phải chết cùng với thành. Chỉ mong bệ hạ thương xót thần cả đời tận trung với nước tận tụy vì dân, cho thần được chết cùng với dân chúng toàn thành."

"Tô Giám..." Tôi cất tiếng.

Chẳng chờ tôi đồng ý, người đàn ông đưa kiếm lên cắt ngang cổ mình.

Xác của Tô Giám được chôn ngay bên dưới tấm bia mộ tôi dựng. Đầu ông ta hướng về phía thành Ung Châu.


(1) Người chôn sống bốn mươi vạn hàng binh nước Triệu trong đại chiến Trường Bình năm 265 TCN.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top