Thầy trò.
Những buổi học với thầy Lê cũng quanh quẩn quanh Tứ Thư Ngũ Kinh, lịch sử và văn thơ. Bớt được kinh Phật kể cũng khỏe, nhưng đôi khi tôi và mẹ vẫn thường tụng kinh và ăn chay vào một số ngày. Thậm chí An Dân cũng bắt đầu phải tập ngồi thiền và tụng kinh.
"Thầy, trẫm muốn hỏi, vì sao quan phương bắc như Triệu Đà lại được xem là vua của nước ta?" Tôi hỏi thầy Lê trong một buổi học Nam sử.
"Ý của bệ hạ là..." Y nhướn mày nhìn tôi.
"Ý con là, Triệu Đà chỉ là quan của Tần Thủy Hoàng, chỉ vì đương lúc loạn thế đánh xuống phía nam, tiêu diệt Âu Lạc mà xem y như vua của dân Việt ta sao?"
Tôi dốt Lịch sử, nhưng bạn cùng bàn tôi chuyên Sử. Nó thường hay đi cãi nhau khắp các diễn đàn trên mạng về vấn đề "Có chấp nhận Triệu Đà là một vị Hoàng đế của Việt Nam hay không?"
Đại khái là vì Triệu Đà lấy quốc hiệu Nam Việt, và Đại Việt sử ký toàn thư cũng có một kỷ riêng về ông ta. Hơn nữa trong thời gian trị vì, ông cai trị theo phong tục tập quán người Việt như ngồi xổm, nhuộm răng, đi chân đất... Các hậu duệ của ông cũng mang một nửa dòng máu Việt.
Bác Hồ cũng có thơ:
"Triệu Đà là vị hiền quân,
Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời." (1)
Nói chung là tôi chẳng quan tâm lắm. Nhưng ở đây thì lại phải quan tâm. Thời này có cả đền thờ của Triệu Đà ở lộ Khoái (2), phía đông nam thành Thăng Long. Một số nơi xem ông là thành hoàng của làng mình.
"Hạ thần học thức nông cạn, không dám đoán bừa. Chỉ dám xét theo sách sử và truyền tụng trong dân gian. Theo ý của hạ thần, xưa An Dương Vương gầy dựng nước Âu Lạc, đã có thể chống lại được cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng. Nhưng rồi lại để thua và mất nước vào tay Triệu Đà. Đà vốn là quan phương bắc, nhưng khi về nước nam, y đã cai trị nước Việt theo phong tục của người Việt, thậm chí khi Cao Tổ nhà Hán muốn Vũ Đế nhà ta thần phục, ông ta cũng chỉ thần phục trên danh nghĩa. Giống như nhà Đinh, nhà Lê và cả nhà Lý chúng ta, bên ngoài xưng vương, nhưng trong nước vẫn là lễ nghi Hoàng đế."
"Nhưng Triệu Đà vốn là người phương bắc mà." Tôi cãi cố.
"Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp (3) cũng là quan phương bắc kia mà." Thầy Lê đáp. "Thậm chí họ còn chẳng xưng đế xưng vương gì cả. Họ mang cái đức cái nhân của họ từ phương bắc tới nên họ được lòng dân. Còn như Tô Định, tham lam tàn bạo hà hiếp bá tánh thì sẽ chỉ có được sự phẫn nộ của dân chúng mà thôi. Cuối cùng, hắn cũng bị Trưng Vương đánh đuổi."
Ánh mắt anh ta nhìn tôi giống như muốn nhắc tôi rằng "mày mà láo nháo là biến khỏi ngai vàng ngay."
"Ví như Lê Đại Hành, đương lúc Đại Cồ Việt đang nguy khốn mà tiếm ngôi chăng?"
"Vua Đinh và Thái tử bị ám sát, quốc gia lại sắp có nạn binh đao, lúc đó là bất khả kháng. Quan trọng không nằm ở việc nối ngôi chính thống, là hào trưởng hay trẻ chăn trâu, ngôi vị Hoàng đế không xem ở xuất thân. Bệ hạ nghĩ thử xem," Thầy chỉ thẳng vào tôi. Tội này đáng lý phải bị chém ngay tại chỗ. "Ngôi vị Hoàng đế, nhìn vào đâu để đánh giá?"
Tôi nhìn chòng chọc vào "anh giáo" của mình. Mà nếu cộng cả tuổi của tôi ở tiền kiếp thì tôi và thầy mình bằng tuổi đấy.
Tôi đặt tay lên ngực mình. Sống ở đây đã ngót gần mười năm, cách nói chuyện úp úp mở mở của người thời này tôi đã quen rồi.
"Nhìn vào đức!" Tôi phán.
"Chính xác!" Lê Văn Thịnh gật đầu mạnh và thu tay lại. "Người giỏi trị nước không xét thân thế, không xem cương thổ, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Võ Đế sẵn sàng chịu làm phiên thuộc của nhà Hán, nhún nhường trước các vua Hán, giúp nước ta tránh nạn binh đao trong gần trăm năm. Dân chúng được an cư lạc nghiệp. Là người sẵn sàng vứt bỏ tự tôn cá nhân để muôn dân được thái bình. Đó há chẳng phải chính là cái tuyệt đức của bậc quân tử đó sao? Sống tới hơn trăm tuổi là xứng đáng lắm!"
Học với thầy Lê có cái hay. Đó là anh ta thường dẫn tôi đi dạo quanh thành. Chúng tôi chủ yếu đi bộ chứ không dùng xe ngựa. Đây vừa là cách rèn luyện sức khỏe, vừa để gần dân chúng. Khổ nỗi, mấy tay thái giám không dám để tôi đi lông nhông trên phố. Họ cứ nhất mực đi theo. Nên thầy giáo tôi đã bày ra kế cho hai thầy trò trèo tường ra khỏi Văn Miếu.
Khác với phim tàu toàn đội mũ đi hia, đi chân đất là truyền thống của người Việt, nhưng mấy tên thái giám cứ sợ tôi bị thương nên bắt tôi mang giày. Cuối cùng thì tôi cũng được đi chân đất dạo chơi trên phố.
"Thầy, đây là gì?" Tôi chỉ vào một thứ nữ trang bằng vàng đính đá quý màu xanh màu đỏ.
"Đây là trang sức từ một đất nước ở xa về phía tây, tên là La Mã."
"La Mã!?" Tôi tròn mắt nhìn Lê Văn Thịnh. Dốt lịch sử thì dốt, nhưng tôi biết La Mã là gì nhé.
"Một đất nước có lịch sử lâu đời. Nằm ở rất xa về phía tây."
"Khách quan thật có mắt nhìn." Gã thương nhân ấy là người Việt. Hắn cười tươi rói, để lộ ra một chiếc răng bằng vàng giữa hàm răng nhuộm đen. Ở Đại Việt thì răng đen là mốt, nhuộm răng đen mới chứng tỏ mình nhà giàu, nhưng tôi thì xin kiếu. Mẹ tôi và các quan đầu triều cũng không chuộng mốt này cho lắm. "Đây đều là hàng thượng hạng đến từ La Mã. Hai vị cứ tự nhiên quan sát lựa chọn."
Cuối cùng, tôi chọn được một sợi dây chuyền bằng vàng. Giá cao ngất ngưởng nhưng thầy tôi đã ghi giấy nợ và cho phép hắn tới ngân khố quốc gia để lấy tiền nợ.
"Quan lại La Mã là một hội đồng được gọi là Viện Nguyên Lão." Lê Văn Thịnh giảng cho tôi về La Mã trên đường về. "Hoàng đế nước ấy không xem mình là con của trời mà tự ví mình như thần thánh. Có thể anh em con ở nơi ấy chăng?"
"Con chẳng có hứng thú nhận mấy tên ví mình như thần thánh làm anh em đâu." Tôi thở dài. "Nhưng con tưởng ở La Mã người ta làm theo kiểu chọn người tài lên làm vua?"
"Trước đây thì thế." Lê Văn Thịnh nói. "Nhưng sau một thời gian dài các Nguyên Lão của La Mã tự gây dựng thế lực phân chia ảnh hưởng khiến cho đất nước rối loạn thì quyền hành tối cao lại quay trở về với Hoàng đế."
"Thầy có thể giải thích cho con vì sao lại chuyển từ chế độ thiện nhượng ấy sang chế độ thế tập không?" Tôi hỏi thầy Lê khi hai thầy trò về đến (trèo tường vào) Văn Miếu.
"Nếu bệ hạ phải lựa chọn giữa Thượng Dương Thái hậu và Linh Nhân Thái hậu, Người sẽ chọn ai?" Lê Văn Thịnh ngồi têm trầu.
"Tất nhiên là mẹ trẫm."
"Sự thật là bệ hạ đã chọn Linh Nhân Thái hậu. Nhưng nếu khi ấy có một cuộc chiến tranh giành ngôi vị nhiếp chính giữa hai vị Thái hậu thì bệ hạ có ngăn được không?"
"Không." Tôi thành thật trả lời.
"Đấu đá nội bộ trong cung, có thể dễ dàng dẫn tới chiến tranh trong nước. Trong nước mà có chiến tranh, thì ai là người khổ?"
"Bá tánh."
"Nếu có chiến tranh, bá tánh bị đưa ra chiến trường, ai sẽ cày ruộng sản xuất lương thực?"
"Vậy thì chế độ tập quyền có tác dụng thế nào?"
"Thì khi ấy, ngai vàng sẽ chỉ trao cho người con của Hoàng đế trước, dẫu có tranh chấp thì cũng hiếm khi nào vượt ra ngoài phạm vi cung đình. Tuy cũng có những lần có binh biến, như loạn tam vương thời Thái Tông. Nhờ sự bao dung độ lượng của Người mà mọi chuyện cũng ổn thỏa. Nhưng để tránh những trường hợp đáng tiếc như thế xảy ra, ngôi vị Thái tử nên được quyết định sớm." Thầy Lê nhìn tôi. "Xuyên suốt lịch sử, bệ hạ là Thái tử trẻ nhất đấy."
"Nhưng trẫm có thắc mắc khác. Từ La Mã tới chỗ ta, xa xôi vạn dặm, vậy thì giá thành sản phẩm sẽ như thế nào?" Tôi ngồi nghịch sợi dây chuyền vàng.
"Giá thành sản phẩm của La Mã cao gấp trăm lần sản phẩm của nhà Tống. Vì lẽ đó, chỉ có trong Hoàng cung hoặc quý tộc giàu nứt đố đổ vách mới có thôi."
"Thế còn cửa hàng bên đường đó?"
"Ở đó bán toàn đồ giả thôi." Lê Văn Thịnh nói như thể anh ta đã biết từ đầu. Ánh mắt anh ta như trêu tôi.
"Trẫm đã phí tiền vào thứ gì thế này?" Tôi lắc cái vòng trong tay. "Thái hậu sẽ giết trẫm mất."
"Bệ hạ yên tâm." Lê Văn Thịnh mỉm cười. "Tờ ngân phiếu khi nãy thần đưa hắn cũng là đồ giả thôi."
"Hả?"
"Bệ hạ nghĩ chức tước thần đủ to để đụng tới ngân khố quốc gia sao?" Lê Văn Thịnh cười đắc ý rồi bỏ miếng trầu vào miệng nhai.
"Ừ... nhỉ..." Tôi gãi đầu. "Nhưng sao thầy không nói với ta ngay từ đầu?"
"Để dạy bệ hạ thôi." Lê Văn Thịnh mỉm cười. Dạy học cho vua thích thật. Mắng Hoàng đế cà khịa hoàng tộc mà chẳng lo chịu tội.
"Kinh đô của La Mã là một thành trì giàu sang bậc nhất. Có thể nói, đó là trung tâm thương mại của cả thiên hạ. Điểm đầu của con đường tơ lụa là từ Đại Tống. Còn điểm cuối chính là kinh đô của La Mã. Một thành trì xa hoa tráng lệ. Tuy nhiên, để đi từ đó tới đây, sẽ phải băng qua sa mạc, đi qua các Hãn Quốc ở Tây Vực rồi giặc cướp. Đó là lý do sản vật từ La Mã có giá thành cao ngất ngưởng."
"Họ có thể đi đường biển mà." Tôi gợi ý.
"Có chứ." Thầy Lê gật đầu. "Thời thuộc Hán, có một thuyền buôn của La Mã đã từng cập cảng ở nước ta. Nhưng trên biển cũng đâu có thiếu cướp biển và thiên tai. Thần từng gặp một thương nhân Tây Dương, ông ta nói rằng đi đường biển phải vòng qua một nơi gọi là Lục địa Đen, rồi băng qua những vùng biển đầy nguy hiểm."
Với một vài kiến thức, tôi đoán ra ngay Lục địa Đen mà anh ta nói chính là Châu Phi.
"Chung quy lại, con đường nào cũng sẽ nguy hiểm như nhau thôi."
"Còn chứ." Tôi mim cười.
"Bệ hạ có cao kiến gì sao?"
"Đường hàng không." Tôi trỏ ngón tay lên trời.
"Hàng... không?" Lê Văn Thịnh ngước lên nhìn trần nhà. "Ý bệ hạ là... bay?"
"Đúng!" Tôi búng tay. "Là bay!"
"Bệ hạ đúng là người trời mà." Lê Văn Thịnh cười khùng khục. "Thứ lỗi cho thần, thần không biết bay."
"Ta nói thầy hay," Tôi nói với Lê Văn Thịnh. "Một nghìn năm nữa con người sẽ thống trị cả bầu trời."
"Thống trị bầu trời ư?"
"Không chỉ bầu trời. Sẽ có ngày, chúng ta sẽ đặt chân lên mặt trăng nữa kìa."
"Bệ hạ, chú Cuội và Hằng Nga đã lên đó từ lâu rồi." Lê Văn Thịnh rót trà. "Và dẫu ngày mà con người trần thế có thể lên được cung trăng thì thần cũng đã về nơi chín suối rồi."
Ánh mắt của Lê Văn Thịnh đăm chiêu nhìn ra ngoài vườn. Tôi có thể thấyanh ta đang mơ. Mơ về tương lai khi con người bay lượn trên bầu trời.
(1) Hai câu này nằm trong bài thơ Lịch sử nước ta của Bác.
(2) Lộ Khoái tương đương tỉnh Hưng Yên hiện tại.
(3) Tích Quang và Nhâm Diêm là Thái thú Giao Chỉ và Cửu Chân cuối thời Tây Hán đầu thời Đông Hán (thế kỷ I CN), là những người đầu tiên truyền bá Hán học vào nước ta. Sĩ Nhiếp là Thái thú cuối thời Đông Hán đầu thời Tam Quốc (cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III CN), được xem như Nam Giao học tổ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top