Quân sự và dân sự.
Cuộc chiến diễn ra vào mùa đông, thời tiết Trung Quốc năm ấy lại khá khắc nghiệt. Mỗi ngày tôi đều thấp thỏm chờ đợi tin tức. Cho đến một ngày, không thể chịu đựng được, tôi đã để lại triều đình cho Thái hậu, Thái phó và Thượng thư. Tôi và Lê Văn Thịnh lên Lạng Châu. Bây giờ chính là Lạng Sơn.
Lúc này đã là đầu tháng mười hai âm lịch. Cái thời tiết lạnh thấu xương ở miền núi phía bắc này khiến tôi không dám nghĩ đến tình cảnh cái lạnh ở Trung Quốc. Quân sĩ của tôi, Lý Thường Kiệt và rất nhiều người đang ở đó, cố gắng hết sức để ngăn chặn một cuộc tấn công của quân thù. Họ đang chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân. Và vì tôi. Tôi không thể yếu đuối được.
Nhà của của người dân ở đây là nhà sàn hoặc những ngôi nhà được xây dựa vào núi. Ngôi nhà lớn nhất và đẹp nhất cũng được dựng lên từ gỗ và lợp bằng rơm. Trên đỉnh ngôi nhà đó có một lá cờ màu vàng viền đỏ đề chữ Việt màu đen. Sân nhà còn đang phơi một lớp da hổ.
"Chị!" Tôi lon ton chạy vào ngôi nhà lớn đó. Trong chiếc áo choàng lông thú dài tới chân, tôi đã suýt ngã mấy lần.
"Công chúa." Lê Văn Thịnh cúi người vái công chúa Thiên Thành.
Đây là lần thứ ba tôi gặp chị. Lần đầu là khi phụ hoàng mất. Lần hai là khi chị về Thăng Long sau cuộc loạn họ Dương. Chị gái tôi có nước da trắng hồng xinh đẹp không kém gì mẹ tôi. Dáng người thon thả và đoan trang của con nhà hoàng tộc. Đôi mắt chị hiền hậu, mái tóc đen nhánh để xuông dài. Chị mặc một chiếc áo lông màu nâu dài ấm áp, đeo nhiều trang sức bạc và vấn một chiếc khăn đen trên đầu. Đây là bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Tày ở miền núi phía bắc. Chị tôi được gả cho tù trưởng xứ này là Thân Cảnh Phúc. Phò mã hiện đang cùng Lý Thường Kiệt bắc chinh.
"Bệ hạ vạn tuế." Chị tôi quỳ xuống.
"Chị, bình thân đi." Tôi đỡ chị tôi. "Chị em một nhà cả mà."
"Lê Thị lang." Chị tôi tiếp tục nhún người chào Lê Văn Thịnh. "Bệ hạ không làm khó ngài chứ?"
"Bệ hạ lo lắng cho quân sĩ ngoài biên ải thế này, là phúc phận của quốc gia, sao thần có thể lười nhác được." Lê Văn Thịnh đáp.
"Tại vì ở đây thông tin sẽ về nhanh hơn." Tôi nói. "Chị, mấy ngày nay tình hình thế nào?"
"Tình hình chiến sự, khá là khả quan."
Chị tôi dẫn tôi và Lê Văn Thịnh tới cạnh một tấm bản đồ da vẽ khu vực vùng núi phía bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc.
"Phó tướng quân ta, Tông Đản đã chỉ huy lực lượng của các tù trưởng đánh chiếm các trại ở phía tây." Chị tôi lần ngón tay theo các dãy núi và các tòa thành trì đã bị đánh dấu X. "Trong khi đó, quân thủy do Thái úy chỉ huy sẽ đánh vào Khâm – Liêm. Có thể chỉ vài ngày thôi là chiếm được Khâm Liêm."
"Liệu, mọi chuyện có thuận buồm xuôi gió không đây?" Tôi thở dài. Với cái thời tiết này thì ai cũng chỉ muốn trùm chăn và ngủ một giấc thật dài. Tôi từng xem một số phim cổ trang, thấy chuyện quân sĩ phe này không quen khí hậu mà ngã bệnh rồi phe kia đánh ngược lại khá nhiều. Dẫu biết trước là sẽ thắng, nhưng tôi vẫn lo lắng không thôi.
"Bệ hạ không cần phải lo lắng, ảnh hưởng đến long thể." Chị tôi khuyên. "Thái úy là chiến thần anh dũng nhất Đại Việt. Các tướng Tông Đản, Vi Thủ An, Lưu Kỷ cũng là tướng tài. Dẫu có khó khăn, nhưng chỉ cần quân và dân đồng lòng thì khó khăn nào chúng ta cũng có thể vượt qua được."
"Quân và dân..." Tôi nhớ mang máng lại tiết học trên lớp ngày xưa. Cô giáo tôi có nói gì đó về nhân dân nước Tống trong cuộc chiến này.
"Thầy!" Tôi quay sang Lê Văn Thịnh. "Chuẩn bị hành trang đi. Chúng ta sẽ sang Tống một chuyến."
-
Quân pháp Đại Việt nghiêm minh, binh lính tuyệt nhiên không rớ tới một hạt gạo nào của dân. Nhân dân nước Tống vẫn sống yên bình. Khi tôi và Lê Văn Thịnh hỏi thì họ chỉ đáp ngắn gọn "Quân Việt không làm hại thường dân."
Tên sứ giả năm trước tới Thăng Long mở mồm một tiếng Giao Chỉ, hai tiếng An Nam. Thấy những người dân vùng biên giới này gọi quân Việt là tôi có thể hình dung được phần nào ấn tượng của binh lính Đại Việt trong mắt họ.
"Tài sản của nhân dân. Tính mạng của nhân dân. Và lòng tự tôn của nhân dân." Lê Văn Thịnh nói khi chiếc xe ngựa đi ngang qua một cánh đồng lúa. "Kẻ cầm quyền mà vô lý tước đoạt đi ba thứ ấy của dân sẽ không bao giờ được tha thứ."
"Thầy, ta đang ngăn chặn cuộc tấn công của họ, nhưng trong mắt họ thì ta đang là quân xâm lược, đúng không?"
"Đúng là thế."
Tôi gặp một toán lính Đại Việt đang ngồi uống nước bên đường.
"Dừng xe đã." Tôi gọi người đánh xe và nhảy xuống chỗ họ.
"Trời lạnh thật đấy." Một người than thở.
"Thời tiết này mà chúng mình còn phải đi đánh trận."
"Vợ tôi đang mang thai bảy tháng. Sắp sinh rồi."
"Tranh thủ lập công kiếm ít tiền mua áo mới cho vợ đi."
"Các anh em." Tôi gọi lớn.
Họ ngước lên nhìn tôi.
"Bệ..." Một tên nhìn tôi và á khẩu. Tôi nhanh chóng quắc mắt với hắn. Sao hắn nhận ra tôi nhỉ?
"Tôi chỉ tình cờ tới đây thôi." Tôi ngồi xổm xuống cạnh họ. "Tình hình quân cơ thế nào?"
"Mọi chuyện khá thuận lợi. Thái úy đã hạ lệnh không tơ hào lấy một cắc nào của dân Tống. Ông ấy còn soạn thảo cả "Phạt Tống lộ bố văn" nữa cơ."
"Phạt Tống lộ bố văn?" Tôi nhìn họ.
"Cái kia kìa." Hắn chỉ vào một tờ giấy dán trên tấm bản gỗ lớn bên cạnh.
"Trên đó viết gì thế?" Tôi hỏi. Chẳng quả là vì nó nằm hơi cao nên tôi ngước không tới chứ không phải là tôi không biết chữ nhé.
"Trời sinh chúng dân, đức quân ắt gần.
Đạo là quân chủ, cốt ở nuôi dân.
Nay nghe vua Tống ngu hèn, bất tuân lời thánh nhân.
Nghe kế An Thạch, làm phép thanh miêu trợ dịch. Dân chúng lầm than, quan lại béo tốt.
Mệnh dân vốn ở trời, nay bỗng sa cảnh éo le.
Kẻ ở trên cao tất phải xót.
Việc làm từ trước bất cần thưa.
Nay ta phụ mệnh quốc vương ra bắc.
Cốt muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, quốc thổ dẫu khác ý dân không phân biệt; quét cho sạch dơ bẩn hôi tanh, cho dân hưởng tháng ngày Thuấn Nghiêu.
Nay ta ra quân, vốn để giúp dân.
Truyền lời hịch văn, người nghe an lòng.
Tự mà suy nghĩ, chớ có sợ gì."
Sau khi nghe thầy tôi đọc, tôi quay lại nhìn mấy tên lính.
"Cái này là Thái úy viết sao?"
"Nghe các tướng quân bảo, trước khi đi, Thái phó đã dặn dò Thái úy không được làm mất lòng dân Tống. Nên mỗi khi qua một làng mạc nào chúng tôi cũng đều dán hịch lên. Nhờ thế mà dân Tống không cản trở quá nhiều. Đôi lúc còn giúp chúng tôi chăm sóc người ngựa bị ốm. Thái úy cũng cho phép thương nhân hai bên trao đổi buôn bán trở lại."
"Không hổ danh là Lý Thường Kiệt."
"To gan!" Một tên quát tôi. "Dám gọi tên Thái úy như thế."
"Ồ, xin lỗi xin lỗi." Tôi cười trừ. Cái tên biết thân phận thật của tôi bặm môi cố không đánh vào đầu tên đồng đội mình.
"Cố gắng thắng trận nhé." Tôi nói và lấy mấy xâu tiền trong người ra đưa cho họ. "Gia đình các anh đang chờ ở nhà. Chúng ta đều không muốn bỏ mạng ở nơi xa quê phải không?"
Tôi lên xe ngựa và tiếp tục tiến về phía nơi Thái úy đóng quân. Mấy tay lính nói chuyện với nhau và sau một khoảnh khắc tôi thấy chúng mặt tái nhợt không còn giọt máu rồi đồng loạt quỳ xuống hướng về phía xe ngựa hành lễ.
"Thầy, Thái phó có gặp Thái úy à?" Tôi hỏi.
"Thần nghe mấy bà tám ở phủ Thượng thư kể trước ngày xuất chinh, Thái phó đã tới gặp Thái úy và họ trò chuyện cùng nhau tới tận đêm."
"Ra thế." Tôi gật gù.
Xe ngựa đi qua một đám ăn mày. Họ bám dính lấy chiếc xe ngựa để xin ăn. Người đánh xe và nhóm tùy tùng cố gắng đẩy họ tránh xa khỏi xe ngựa.
"Đợi đã nào!" Tôi nói lớn. Tôi nhận ra đó không phải ăn mày, mà là dẫn tị nạn. Quần áo chỉ hơi bẩn. Một số người có mang theo hành lý và dẫn theo con nhỏ.
"Công tử, những người này..."
"Cũng chỉ là bá tánh không có cơm ăn. Họ chắc là từ phương bắc muốn tránh chiến tranh." Tôi xua tay. "Cho họ ít lương thực đi."
Mấy tay tùy tùng tần ngần một chút rồi cũng chia gạo cho đám nạn dân.
"Chư vị bá tánh!" Tôi nói lớn. "Nếu các vị đói quá thì hãy đi về phía nam. Đại Việt luôn mở rộng cửa chào đón các vị. Hoàng đế Đại Việt sẽ sắp xếp công ăn việc làm và nơi ở cho các vị."
Họ ngớ người ra.
"Công tử, để ta." Lê Văn Thịnh thuật lại những lời tôi nói bằng tiếng Trung.
"Hoàng đế Đại Việt thật tốt quá."
"Người đúng là Bồ Tát."
Nhóm dân tị nạn cảm ơn ríu rít và tiếp tục đi. Đi về phía nam.
"Họ sẽ ra sao?" Tôi hỏi khi xe ngựa đã đi được một quãng xa.
"Nếu họ vượt qua được các dãy núi ở phía nam... sau đó là khí hậu, bệnh tật, văn hóa, ngôn ngữ..."
"Rắc rối vậy?"
"Tất nhiên rồi." Thầy Lê gật đầu. "Dù Đại Việt ta luôn mở rộng cửa đón bằng hữu tứ phương, nhưng đâu thể nuôi mấy kẻ ăn không ngồi rồi được. Họ cần phải tạo ra giá trị cho đất nước chứ."
"Thế thì để họ khai hoang các vùng đất ở xa đi." Tôi đề nghị. "Sớm hay muộn gì, người Hoa cũng sẽ tràn xuống phương nam vì giặc phương bắc thôi mà."
"Bệ hạ nghĩ sao?" Thầy Lê nhướn mày.
"Nếu đợi đến lúc phương bắc quá loạn, làn sống di cư ồ ạt của người Hoa sẽ sẽ khiến chúng ta không ứng phó kịp. Nhưng nếu để từng nhóm từng nhóm nhỏ di cư xuống, chúng ta có thể xử lý dần. Giống như ngăn lũ vậy. Nếu ta chia nhỏ dòng chảy của các con sông lớn ra thành các con kênh nhỏ thì tránh được lượng nước quá lớn dẫn đến vỡ đê."
"Chà," Lê Văn Thịnh vuốt chòm râu không tồn tại của mình. "Bệ hạ sở hữu những kiến thức hơi vượt quá độ tuổi đấy."
"Tôi hơi bị giỏi vật lý đấy."
"Nhưng kể ra, cũng tội nghiệp cho đám nạn dân đó thật. Không biết họ sẽ mất bao lâu để quen với môi trường mới đây."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top