Quách Quỳ.

Đến khi nhìn mặt Quách Quỳ thì tôi hối hận. Mặt ông ta nom trông giống hệt Trương Phi trên phim. Dưới ánh trăng mờ và những ngọn nến leo lắt nhảy múa theo những gợn sóng trên sông, ông ta trông càng dữ tợn hơn. Đôi chân của tôi run lẩy bẩy. Cảm giác hồi hộp và sợ hãi khiến tôi xanh cả mặt. Râu tóc ông ta xồm xoàm, mắt lồi hơn cả Ninh Chí An, gân đỏ nổi lên như người thiếu ngủ. Hoặc là vừa mới khóc.

Y bước lên chiếc thuyền của tôi và Lý Thường Kiệt. Trên đó đã đặt sẵn một bàn ăn với đồ nhắm và hai cốc rượu. Lão ta nhìn chúng tôi lườm lườm. Hoặc là chỉ nhìn Lý Thường Kiệt chứ chẳng cho tôi vào mắt. Tất nhiên, một tướng quân thì để ý đến một thằng nhóc mặc viên lĩnh trơn tay ôm bình rượu đang run rẩy làm gì.

"Giá như mình đưa Trương Phi(1) bên mình theo." Tôi thầm nghĩ.

"Đại Tống, Phục man tướng quân Quách Quỳ, hân hạnh." Hắn giới thiệu mà khiến tôi muốn sút vào mặt hắn.

"Đại Việt, Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt, hân hạnh."

Nhưng chẳng cần biết tên kia là tướng quân to cỡ nào, vẫn là loại chức tước nằm hàng dưới so với Thái úy, người nắm toàn bộ binh quyền cả nước. Và kiểu xưng tên nước Đại Việt chứ không phải An Nam hay Giao Chỉ cũng phần nào chứng tỏ vị thế của hai nước là ngang nhau.

Tôi lặng lẽ rót rượu cho hai người họ.

"Phong cảnh đêm nay đẹp thật đấy." Quách Quỳ mở lời như trai tân tán gái.

"Sông thì đầy máu, sau lưng toàn núi xác. Khái niệm cái đẹp của ông khác tôi rồi đấy." Tôi thầm nghĩ.

"Nếu không có bức tường tua tủa tre vuốt nhọn kia thì chúng ta giờ đã ở trong thành Thăng Long ăn thịt uống rượu và xem ca vũ rồi." Quách Quỳ nói tiếp. "Có thể nào, thê thiếp của quốc vương và phu nhân của Thái úy sẽ là người đang múa cho ta xem?"

Trong đầu tôi hiện lên suy nghĩ chuốc say hắn rồi trói lại làm mồi câu cá sấu.

"Phu nhân nhà ta khi còn trẻ múa rất đẹp. Chỉ tiếc, tuổi tác đã cao, không còn uyển chuyển như trước nữa." Lý Thường Kiệt nhẹ nhàng đáp. Tôi biết thừa đấy là ngôn từ ngoại giao, chứ không thì đôi tay siết chặt nổi gân của ông đã cho Quách Quỳ nhập viện khoa chấn thương chỉnh hình.

"Lý Thường Kiệt, ta rất kính trọng ngài đấy." Quách Quỳ nói. "Nếu ngài đến đất Tống ta, đất phong chắc chắn không dưới vạn hộ, chức tước chắc chắn không dưới quận công!"

"Nhưng liệu một kẻ võ biền như ta có thể yên ổn ở xứ các ngài không?"

"Chứ đất Giao Chỉ này thì sao?" Quách Quỳ đưa tay về phía phòng tuyến. "Đất nhỏ như cái lỗ mũi, dân thì ít, vua thì trẻ con. Có thể sánh bằng với Đại Tống ta sao?"

"Nghe người đánh không được cái xứ đất bé dân thưa vua trẻ nít đang nói kìa." Lý Thường Kiệt mỉm cười.

"Các người dùng kế bẩn!"

"Thái Tổ Thái Tông nước Tống khi xưa cũng dùng mưu hèn để đoạt thiên hạ đấy thôi."

"Đó là thiên ý!"

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư."

Lý Thường Kiệt đọc lại bài thơ.

"Chẳng phải, việc các ngài không thể xâm phạm vào bờ cõi Đại Việt ta, cũng là thiên ý sao?"

"Cái đó..." Quách Quỳ cứng họng. Hắn chỉ còn nước cười trừ. "Đúng là Thái úy xứ nam văn võ song toàn, tại hạ bái phục."

Hai người họ cạn chén và uống một hơi hết cốc rượu.

"Rượu này là..." Mặt Quách Quỳ nghiệt ra. Chắc hắn chưa uống thứ rượu như thế bao giờ.

"Bồ đề tửu." Lý Thường Kiệt nói. "Xứ ta gọi là rượu nho, rượu này được làm ra từ quả nho lên men, có nguồn gốc từ Hy Lạp."

"Ta chưa từng nghe đến xứ ấy."

"Đất nước ấy nằm ở phía tây, xa hơn cả Tây Vực. Người ta thường gọi, nơi ấy là xứ sở của các vị thần."

"Lý Thái úy thật có hiểu biết rộng rãi."

Thực ra rượu nho du nhập vào Trung Hoa từ thời Đường. Nhưng vì loạn lạc chiến tranh nên thất truyền.

Các bạn còn nhớ tên buôn hàng giả mà Vy bắt về chứ?

Hắn không chỉ bán hàng giả mà còn buôn lậu muối và rượu nữa. Chừng ấy tội là đủ để cho hắn gia nhập Juventus.

Đặng Thể Tư tìm thấy trong nhà hắn những hũ rượu lạ nên đã dâng lên cho tôi. Tôi nhận ra mùi rượu nho và đã tha cho hắn với điều kiện là hắn phải làm rượu cho triều đình không lương. Từ một tên tội phạm lại được vào trong cung làm việc thì quá là oách xà lách luôn. Tuy nhiên, để tiện việc đi lại cũng như xử tội, tôi cũng đã ra lệnh hoạn hắn luôn.

Túm lại, từ một tên gian thương, hắn đổi năng lực của đàn ông để được thăng cấp lên thành viên chức nhà nước. Dù trách nhiệm chẳng cao hơn ngự trù mấy.

"Nếu ngài thích, chúng ta sẽ đưa hắn cho ngài, để ngài dâng lên vua Tống." Tôi gợi ý. "Học được cách làm ra thứ rượu ngon, chắc chắn vua ngài sẽ không xử tội ngài nặng đâu."

"Tên nhãi nhà ngươi cũng biết ăn nói đấy." Quách Quỳ gãi râu. "Nhưng mà, việc ta để thua ở đây đã là trọng tội rồi. Mất biết bao binh lính, đoàn thủy binh kia cũng chẳng thấy tung tích đâu."

"Thấy thế quái nào được." Tôi nghĩ.

"Có thể họ đã gặp bão." Lý Thường Kiệt đoán.

"Cơn bão mang tên Lý Kế Nguyên."

"Thái úy, chúng ta đều là người hiểu chuyện." Quách Quỳ nói. "Ngài viết thư cầu hòa, nhất định là cũng nhận ra rằng cuộc chiến này không thể kéo dài nữa đúng không?"

"Đúng thế." Lý Thường Kiệt gật đầu xác nhận. "Ngài cũng biết điều đó mà."

"Ta muốn về lâu rồi." Hắn thở dài. "Nhưng nếu ta không đem được chút gì về, chẳng phải thứ ta mất sẽ là cái mạng này sao? Như thế cũng quá thiệt thòi rồi."

"Quách Tướng quân, ngài còn chưa hiểu sao?" Tôi hỏi. "Nếu đánh tiếp, thứ ngài mất sẽ là mạng ngài và cả vạn binh sĩ dưới trướng ngài đấy."

"Oắt con nhà ngươi cũng được học hành tốt đấy. Nhưng ngươi nên hiểu rằng chuyện có bao nhiêu người bỏ mạng không phải mối quan tâm của bệ hạ ta hay Vương An Thạch."

"Cái gì?" Tôi và cả Lý Thường Kiệt chau mày.

Quách Quỳ đưa cốc rượu lên lắc lắc.

"Không có mười sáu châu Yên Vân(2), Đại Tống ta không có được quân đội mạnh như thời Đường, thời Hán. Cũng không có quân chủ anh minh thần võ như Hán Vũ Đường Tông(3), cũng chẳng có Vệ Thanh hay Lý Tích(4). Chỉ có được một Địch Hán Thần(5) thì ông ấy cũng nhập quan hạ thổ lâu rồi."

Quách Quỳ uống một ngụm rượu.

"Tất nhiên, nếu muốn đánh đám nhung địch ngoài kia thì cũng đánh được. Nhưng đánh xong thì sao?"

"Ta chưa hiểu ý tướng quân." Lý Thường Kiệt nói còn tôi bước tới rót rượu cho Quách Quỳ.

"Đám ngoại tộc đó chẳng qua muốn có được tơ lụa gốm sứ của trung nguyên thôi." Quách Quỳ nhấp một ngụm rượu. "Có đánh hết được đám này thì đám khác lại tới. Chi bằng ném cho chúng mớ vải vóc đó rồi ai về nhà nấy. Chúng thích thảo nguyên hoang mạc của chúng thì kệ chúng. Ta cần nơi để yên ổn làm ăn."

Suy nghĩ một chút thì hắn nói cũng có phần hợp lý. Ở một mặt nào đó, tôi và Harivarman cũng đang mua lấy hòa bình. Mới hôm trước, trong một cuộc tranh luận trong một buổi học ở Quốc Tử Giám, có người nói rằng khi không lại đi nuôi đám người Chăm, tốn tiền vô ích. Thế mà em trai tôi phản bác được ngay.

"Nuôi họ đỡ tốn kém hơn là đánh nhau."

Đại Việt giàu có thật, nhưng không thể nào sánh bằng Đại Tống. Việc dùng tiền mua lấy bình yên là quá hời.

"Thiên sinh chưng dân, quân đức tắc mục. Quân dân chi đạo, vụ tại dưỡng dân." Quách Quỳ nói khi tôi rót rượu cho y. "Câu này nói quả không sai. Chỉ cần dân đủ ăn đủ mặc, tất sẽ không loạn. Thay vì tu sửa Trường Thành như Tần Thủy Hoàng hay đem quân chinh phạt tứ phương như các vua khác, chúng ta chỉ cần đưa ít tiền cho chúng là xong. Số tiền đưa cho đám ngoại tộc đó cũng giống như cốc rượu này đổ xuống sông thôi."

Lý Thường Kiệt xem ra cũng đang suy nghĩ về lời của Quách Quỳ.

"Thế thì tại sao, chúng ta lại ở đây?" Lý Thường Kiệt hỏi.

"Vì đám văn nhân kia nghĩ rằng đám Giao Chỉ các ngươi chẳng là cái thá gì cả, có thể một trận diệt gọn. Ai mà ngờ được," Quách Quỳ chĩa ngón tay vào Lý Thường Kiệt. "xứ Giao Chỉ này có một Lý Thường Kiệt và một tên quốc vương vắt mũi chưa sạch mà có thể khiến cho đám văn thần võ quan đồng lòng đến như thế. Đại Tống ta, quả là không bằng được."

Quách Quỳ ngồi trầm ngâm thêm một chút.

"Hòa ước Thiền Uyên... mới đó mà cũng sáu mươi năm rồi."

Hòa ước Thiền Uyên là hòa ước giữa Tống và Liêu năm Cảnh Đức thứ hai nhà Tống, tương ứng với niên hiệu Ứng Thiên thứ mười hai thời vua Lê Đại Hành (1005). Hai nước kết nghĩa anh em, mỗi năm Tống cống nạp cho Liêu bạc và lụa.

Hóa ra ngay từ sáu mươi năm trước, nhà Tống đã thấy rằng cống nạp cho đám du mục đó rẻ hơn là phải đánh nhau. Giống như đi học nộp tiền tiêu vặt cho trùm trường còn hơn là để nó đánh. Đánh nhau thì không lại mà mách cô thì chẳng ăn thua. Thà quỳ xuống giảng hòa sớm để mọi chuyện được êm xuôi.

"Từ sau hòa ước Thiền Uyên, suốt ba triều Chân Tông, Nhân Tông, Anh Tông, nước Tống giảm chi tiêu quốc phòng, quân đội Hà Bắc và Biện Kinh đều chỉ còn cái mã. À, quân Thiểm Tây khá hơn một chút do còn chiến đấu với . Nhưng nói chung là binh bị không được chú trọng. Ai cũng sợ rằng bản thân sẽ bị một tên võ tướng lật đổ."(7)

Quách Quỳ đập vỡ cốc rượu khiến cả tôi và Lý Thường Kiệt giật mình.

"Không một tên văn nhân nào biết rằng Đại Tống đang nằm giữa rừng cọp beo hổ sói!" Hắn gầm lên. "Mặt sông phẳng lặng như tờ kia, làm gì có ai thấy được những cơn sóng đang cuồn cuộn đánh dưới đáy sâu. Hòa bình giữa các nước chỉ là tạm thời mà thôi! Một lũ ngu dốt chỉ biết khua môi múa bút, hoàn toàn không hiểu được tình cảnh của mình!"

Hình như ông ta say rồi.

"Lợi ích của quốc gia là thứ mà những người đứng đầu đất nước như chúng ta phải đặt lên hàng đầu." Tôi lấy cốc rượu mới cho y. "Quách Tướng quân, ngài đã bao giờ nghĩ đến viễn cảnh, về tương lai đất nước của một nghìn năm sau chưa?"

Y nhìn tôi với đôi mắt như muốn nhảy ra khỏi tròng.

"Một nghìn năm nữa, khi mà cả ngài và ta đã về với cát bụi, thì Tổ Quốc của chúng ta vẫn còn. Và lợi ích từ chiến tranh chẳng là gì so với lợi ích có được từ những hiệp định thương mại và các ký kết vì lợi ích đôi bên cả. Ta thừa nhận, ta đã sống rất lâu trong cảnh thái bình. Những thứ chiến tranh, đau thương và đói nghèo, chỉ còn lại trong lời kể của cha ông. Bao năm qua, ta luôn thấp thỏm lo sợ về cuộc chiến hôm nay. Thực sự là khi nó tới ta mới biết, thế nào là nỗi đau của chiến tranh."

Tôi nhìn y, Lý Thường Kiệt cũng im lặng.

"Cả hai ta đều biết chiến tranh gây ra những tổn thất như thế nào mà. Những người đồng hữu của ngài đã tử trận ở đây, ta xin gửi lời chia buồn." Tôi nói với giọng điệu buồn đau thực lòng. "Chúng ta đều đã lĩnh đủ rồi. Không cần phải có thêm người chết vì cuộc chiến tranh vô nghĩa này nữa đâu."

"Vô nghĩa?" Y hỏi tôi. "Ngươi có biết bao nhiêu mạng người đã chết ở Ung Châu không? Oan hồn của họ cứ bám riết lấy chúng ta kia kìa!"

"Oan hồn của họ là do chính các ngài tạo ra!" Tôi hét lên. "Nếu các ngài không định gây sự với chúng tôi, chúng tôi sẽ không phải tàn hại một người dân vô tội nào cả! Nếu các ngài không dẫn quân xâm lược, chúng tôi cũng không phải dựng binh chống lại!"

"Dân Giao Chỉ các ngươi..."

"Giao Chỉ chỉ còn là dĩ vãng thôi!" Tôi hét vào mặt hắn. "Quách Quỳ, ngươi nghe cho rõ đây."

Tôi trỏ vào mặt hắn.

"Quốc hiệu nước ta là Đại Việt! Ngươi đang ở trên lãnh thổ của Đại Việt! Ở đây không có dân An Nam, cũng không có người Giao Chỉ, chỉ có bách tính Đại Việt mà thôi!"

"Quách Tướng quân, xin đừng để ý lời trẻ con." Lý Thường Kiệt quắc mắt nhìn tôi. Đến lúc này tôi mới nhận ra mình vừa lỡ lời.

"Ra là như thế..." Quách Quỳ ngồi thừ ra. "thảo nào..."

Ba chúng tôi im lặng nhìn mặt sông lặng như tờ. Để ý một chút vẫn có thể cảm nhận được những cơn sóng.

"Lý Thái úy." Quách Quỳ đưa cốc rượu lên. "Ta sẽ rút binh."

"Ta sẽ cấp cho ngài tàu bè và lương thực." Lý Thường Kiệt đưa cốc đáp lại.

"Còn nô lệ?"

"Cái này phải hỏi ý Hoàng đế. Phận thần tử như ta không dám tự quyết."

"Ta hiểu."

Hai người họ cạn chén với nhau. Quách Quỳ rời thuyền và quay lại chiếc bè nhỏ. Hắn chắp tay chào Lý Thường Kiệt. Ông cũng đáp lại.

"Quách Tướng quân đi mạnh giỏi."

"Lý Thái úy bảo trọng."

Quách Quỳ nói rồi hướng về phía tôi đang lục tục lấy mái chèo. Lời chào của hắn khiến tôi suýt làm rơi mái chèo.

"Bệ hạ vạn tuế."

"Sao hắn ta biết được chứ?" Tôi quay lại nhìn hắn đang chèo thuyền quay về doanh trại.

"Chính bệ hạ đã nói những người đứng đầu đất nước như chúng ta còn gì." Lý Thường Kiệt thở dài. "Nếu bệ hạ sợ Thịnh đi sẽ quát chết y thì đi với bệ hạ người có thể chết vì vỡ mật sẽ là thần mất."

Phụ quốc thái úy bước tới cạnh tôi và lấy cái mái chèo.

"Thái úy cũng thật là," Tôi ngồi xuống bên bàn ăn. "sao ngài không tự xử lý... đám... nô... lệ..."

Thế mà tôi ngủ thiếp đi trên thuyền luôn.


(1) Nhân vật chính muốn nhắc tới Trương Phi trong Tam Quốc Diễn Nghĩa với vẻ dữ tợn và quát chết Hạ Hầu Mậu ở Trường Bản. Cho đến nay, ngoại hình của Trương Phi không hề được đề cập đến trong bất kỳ tài liệu nào ngoài tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa.

(2) Yên Vân thập lục châu là nơi cung cấp kỵ binh và chiến mã cho quân đội Trung Hoa từ thời Hán.

(3) Chỉ Hán Vũ Đế Lưu Triệt và Đường Thái Tông Lý Thế Dân.

(4) Vệ Thanh là danh tướng thời Hán. Lý Tích là danh tướng thời Đường.

(5) Địch Thanh (tên tự Hán Thần) là danh tướng nhà Bắc Tống.

(6) Từ thời nhà Chu xem Hoa Hạ là trung tâm của thế giới, xung quanh là các dân tộc mọi rợ chưa có văn minh gồm (南蠻), (東夷), (北狄), và (西戎). Quách Quỳ gọi nhung địch là nói tới nước Tây Hạ (ở phía tây nước Tống) và nước Liêu (ở phía bắc nước Tống).

(7) Tống Thái Tổ Triệu Khuôn Dận xuất thân là võ tướng, đoạt lấy binh quyền và lật đổ vua, lập ra nhà Tống. Các đời vua sau này của nhà Tống đều thực hiện chính sách "văn nhân cầm quân" để đề phòng một cuộc lật đổ giống như thế. Từ đó dẫn tới tình trạng yếu ớt về mặt quân sự của nhà Tống.

Nói chung là tác giả viết xung quá nên quên mất các nhân vật bất đồng ngôn ngữ. Nên độc giả hãy giả vờ là Quách Quỳ đã học tiếng Việt mười năm rồi nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top