Mặt trận ngoại giao.


Nhìn bản đồ Đại Việt – Chiêm Thành, tôi dự đoán Minh Linh nằm ở khu vực Quảng Trị hay Quảng Bình. Còn cha của Indravarman, Harivarman đang ở địa phận tỉnh Quảng Nam. Hai ngày đi xe ngựa phóng hết tốc lực, tôi và Lưu Khánh Ba có mặt ở một tòa thành của Chiêm Thành vào lúc hoàng hôn.

Đập vào mắt tôi đầu tiên là một bức tượng cao đến bốn năm mét bằng vàng miêu tả một vị thần bốn tay đang nhảy múa. Ông ta có mái tóc dài, một tay ông ta cầm một cây đinh ba lớn và toàn thân ông như sáng lên dưới ánh hoàng hôn. Không có ý xúc phạm đâu, nhưng hai trong số bốn tay của ông ấy như đang múa quạt vậy.

Indravarman đứng trước bức tượng và hành lễ. Tôi cũng làm theo, đặt hai tay bắt chéo ngực kiểu Wakanda và cúi đầu.

"Bệ hạ, làm như thế..."

"Nhập gia thì tùy tục." Tôi nhắc. "Khánh Ba, anh cũng mau làm đi."

Lưu Khánh Ba đành làm theo.

"Đó là ai thế?" Tôi hỏi Indravarman.

"Là thần Shiva." Anh ta đáp. Tôi nhớ cái tên này từ những bộ phim Ấn Độ.

"Ông ta... vĩ đại lắm sao?"

"Người là vị thần đứng đầu Svarga. Vị thần của sự hủy diệt, quan trọng nhất trong tôn giáo của chúng tôi."

"Tôn giáo của Ngài thờ thần hủy diệt ư?" Lưu Khánh Ba hỏi.

"Dù Người là thần hủy diệt và thường đem lại chết chóc nhưng Người cũng là vị thần kiểm soát bệnh tật. Chúng tôi cầu khấn tên Người mỗi khi muốn vượt qua bệnh tật và chết chóc."

Một thiếu niên và một đứa trẻ mặc áo giao lĩnh trơn, đi chân đất, đầu đội khăn vấn bước qua các ngôi đền Ấn Độ giáo. Tôi nhanh chóng nhận ra những ngọn tháp đã từng thấy trong sách Mỹ Thuật về kiến trúc người Chăm. Nhưng bây giờ tôi đang được nhìn chúng khi đang khởi công xây dựng.

Những đền đài ấy là những tòa tháp được xây bằng gạch đỏ cao chót vót. Những bức tượng thần có nhiều tay mà tôi đoán được qua mấy bộ phim Ấn Độ như Shiva và... hết rồi.

Được rồi, đoạn tiếp theo sẽ hơi mất thuần phong mỹ tục đấy.

Tôi nhìn thấy một chiếc dương vật to đùng bằng đá dựng sừng sững giữa đường. Trên đấy còn có ba đường kẻ bằng phấn trắng, đường ở giữa có một chấm tròn màu đỏ. Cái thứ ấy được đặt trên một cái bồn có đường dẫn nước chảy xuống đất. Có một người phụ nữ đi đến và tưới nước lên nó.

"Cái... gì thế?" Lưu Khánh Ba không giấu nổi sự tò mò với dị giáo.

"Chúng ta gọi đó là Linga Yoni." Không biết là do tôi tưởng tượng hay hoàng tử nước Chiêm đang cười chúng tôi. "Là biểu tượng của thần Shiva. Cái cột đó, tượng trưng cho nam, còn cái bệ ở dưới tượng trưng cho nữ."

"Là..."

"Đúng rồi." Indravarman không để tôi đoán. "Là bộ phận sinh dục."

"Hoàng tử." Lưu Khánh Ba hằng giọng. "Ta hiểu là ngài đang có thiện chí, nhưng vua nước ta còn nhỏ. Nói những lời ấy..."

"Ta tưởng cậu có vợ rồi? Những hai cô." Indravarman tròn mắt nhìn tôi. "Lẽ nào cậu... chưa..."

"Văn hóa chúng ta khác các Ngài." Lưu Khánh Ba nhắc. "Chúng ta theo lễ giáo Khổng Nho, những thứ... những thứ tục tĩu kia..."

"Không sao đâu Khánh Ba." Tôi mỉm cười. "Ta chỉ hơi giật mình thôi. Ta và anh cũng có một cái ở giữa hai chân mà."

"Bệ..."

Tôi nghĩ anh ta đang ước được quay ngược thời gian và về nhà ngủ chứ không phải đi theo tôi. Khi ba người bước qua, anh còn giả vờ là mình không quan tâm đến thứ đó bằng cách quay mặt đi và nhìn nó bằng khóe mắt.

Chúng tôi đứng trong một căn phòng lớn được đốt đuốc sáng trưng. Mùi trầm hương thơm thoang thoảng bay vào mũi tôi. Người đàn ông ngồi trên chiếc ngai lớn dát vàng đang dùng tay bốc thịt nhai ngấu nghiến.

"Indravarman," Ông ta gọi Indravarman bằng tiếng Chăm, nhưng tôi đã học được đôi chút nên có thể nghe hiểu rồi. "con dẫn ai tới vậy?"

"Một người bạn của con." Chế Ma Na đưa tay về phía tôi.

Tôi nhìn người đàn ông trước mặt. Harivarman. Ông ta có nước da bánh mật dưới ánh nến sáng quắc như ban ngày. Mái tóc đen của ông loăn xoăn và dài ngang vai, hàm râu quai nón của ông được cắt tỉa gọn gàng và đôi mắt màu hổ phách của ông nhìn tôi chằm chằm.

Tôi vô thức bước về phía ông. Bàn ăn trước mặt ông nhắc tôi rằng cả ngày hôm nay tôi mới ăn có một tô mì nóng lúc sáng sớm.

"Lý Càn Đức." Ông nhìn tôi và chuyển sang nói tiếng Việt.

"Ông..." Tôi trố mắt nhìn ông.

"Đôi mắt của ngươi, giống Nhật Tôn lắm."

"Ông biết phụ hoàng ta?"

"Ta gặp hắn tám năm trước ở Phật Thệ." Ông nói. "Cũng phải cảm ơn hắn đã bứng hộ ta tên Chế Củ cùng đám thân binh của hắn."

"Làm sao ông biết mặt ta?"

"Ở xứ Minh Linh có tai mắt của ta kia mà." Vua Chiêm nói và giật một quả nho.

"Thế ngài định lấy lại xứ ấy sao?"

"Không." Ông ta đáp và cúi tới nhìn thẳng vào mắt tôi. "Ta muốn cả cái đất nước Đại Việt của nhà ngươi ấy."

"Nói càn!" Lưu Khánh Ba quát lên.

"Vừa hay, ta cũng muốn cả cái liên minh của ngài trở thành lãnh thổ của Đại Việt." Tôi siết chặt bàn tay, cố tỏ ra rằng tôi và ông ta ngang hàng. Nhưng đôi chân tôi thì run lẩy bẩy còn Harivarman thì chắc đang cười trong lòng.

"Vậy là nhà ngươi đích thân tới tuyên chiến?" Hắn hỏi. Khí thế của hắn mạnh hơn Indravarman. Khí thế của bậc quân vương.

"Không." Tôi đáp. "Chuyện nước nào diệt nước nào, hãy để hậu thế quyết định. Còn bây giờ..."

Tôi lùi lại chắp tay.

"Harivarman. Hãy chuyển hướng quân của ngài đến Chân Lạp."

Ông vua Chiêm Thành ngồi nhằn xương gà.

"Tại sao ta phải làm thế?" Hắn nhổ khúc xương ra.

"Thế tại sao ngài lại quyết định đánh nước ta?"

"Vì ta và Chân Lạp có cùng một văn hóa." Harivarman đáp. "Tại sao ta lại phải đi liên minh với một nước có nền văn hóa khác mình để đánh nước có cùng văn hóa với mình?"

"Vì đánh Chân Lạp sẽ cho ngài nhiều lợi ích hơn." Tôi thẳng thắn nói.

"Ngươi nói thử xem." Harivarman đưa tôi cái đùi gà.

"Như ngài thấy, dù đã trải qua một nghìn năm bắc thuộc, Đại Việt ta vẫn là dân tộc nói tiếng Việt, vẫn cắt tóc đi chân trần, vẫn xăm mình vẫn thờ cúng các vua Hùng. Sau hàng nghìn năm, huyết quản chúng ta vẫn chảy dòng máu rồng tiên. Chúng ta là Con Rồng Cháu Tiên, Lạc Long Quân và Âu Cơ vẫn là Quốc Tổ Quốc Mẫu. Hán – Đường mất cả nghìn năm vẫn không thể đồng hóa dân tộc ta hoàn toàn. Ngài nghĩ ngài có thể khiến dân tộc ta thờ một cái dương vật ư?"

Tôi có thể nghe tiếng Indravarman bật cười ở phía sau.

"Thế còn Chân Lạp?"

"Với nền văn hóa giống nhau, ngài hoàn toàn có thể dễ dàng biến người Chân Lạp thành người Chăm. Hơn nữa, nếu ngài lấy tượng vàng từ nước ta, ngài sẽ phải nấu chảy chúng ra để làm tượng mới. Còn tượng từ Chân Lạp thì không."

"Chỉ thế thôi à?" Ông ta vẫy cái cánh gà trước mặt tôi.

Tôi bặm môi nhìn ông ta.

"Kém quá."

"Hương Kỳ Nam một miếng vạn lạng vàng!" Lưu Khánh Ba thét lên.

"Ngươi mới nói gì?" Harivarman hỏi lại.

"Trầm hương từ Chiêm Thành là cống phẩm đặc biệt dành riêng cho hoàng đế nước Tống. Giá của một miếng trầm hương ấy không rẻ đâu."

Harivarman nhìn vào hộp trầm hương bên cạnh. Có vẻ như trong mắt ông đang hình dung đó là vạn lạng vàng.

"Ngài nghĩ xem, nếu ở Đại Tống nó đã có giá vạn lạng vàng, thế nếu đem hương Kỳ Nam ấy bán cho các nước xa như Liêu, Cao Ly và Nhật Bản thì sao?"

"Giá sẽ còn cao hơn ư?" Ông ta bắt đầu hứng thú.

"Đúng!"

"Nhưng chia buồn với các ngươi, nước ta không có đoàn thuyền nào có thể đi quãng đường xa đến thế. Thêm nữa, cướp biển..."

"Nhưng chúng tôi thì có!" Lưu Khánh Ba nhấn mạnh. "Đại Việt là cường quốc thủy quân. Chúng tôi có thể chống trả với mọi tên cướp biển. Nếu ngài liên minh với chúng tôi, Đại Việt có nhiều mối hàng, và chúng tôi có thể giới thiệu các ngài với những mối làm ăn đó. Có thể còn được giảm các thứ thuế. Sản vật của các ngài sẽ đi khắp thiên hạ, và cha con ngài chỉ việc bơi trong đống tiền mà thôi."

"Khắp... thiên hạ?"

"Gỗ quý, hương liệu, cây trái, lụa là, gia vị..." Lưu Khánh Ba thao thao bất tuyệt "Những thứ ấy có thể bán tới những nước phía bắc và cả những đất nước xa xôi phía tây."

"Cả... về phương tây?"

"Thời Hán, Trương Khiên mở ra con đường buôn lụa đến tận Ai Cập. Từ đó trở thành một con đường giao thương kéo dài hàng nghìn dặm. Ngài nghĩ thế nào về... một con đường tơ lụa trên biển? Độc quyền bởi Chiêm Thành và Đại Việt?"

"Con đường tơ lụa... trên biển..." Harivarman chắc đang hoang mang lắm. Những lời Lưu Khánh Ba nói ra nghe như kiểu "Bạn Harivarman, bạn có muốn đổi đời không?"

"Hoàng đế La Mã chắc chắn không thể nào từ chối được vải lụa. Vua nước Liêu chắc chắn cũng không nỡ chối bỏ trầm hương. Ngài nghĩ mà xem, Chân Lạp có thể trao cho ngài những thứ ấy không?"

Quốc vương và hoàng tử Chiêm Thành bắt đầu suy nghĩ lợi hại.

"Indravarman." Harivarman gọi con.

"Có con."

"Bảo Paramabhodhisatvavarman chuẩn bị đi."

Cái tên ông ta nói ra khiến tôi hơi hoang mang. Sao họ có thể đặt được cái tên như thế nhỉ?

"Đó là chú của tôi." Indravarman nhìn tôi giải thích.

"Nếu Chân Lạp cử thân vương dẫn quân, thì chúng ta cũng sẽ đáp lại chúng bằng một thân vương." Harivarman tiếp tục ăn. "Chúng ta sẽ tiến thẳng tới Angkor."

"Này," Tôi hỏi Lưu Khánh Ba khi đang dùng bữa ở một cung điện khác. "chuyện thuyền buôn tới khắp thiên hạ..."

"Thần nói láo đấy." Đôi mắt anh ta đang ngắm nghía cái đùi gà tự nhiên lại giống Lưu Khánh Đàm đến lạ. Một ánh mắt gian manh.

"Ông ta không biết chứ?"

"Chắc chắn là ông ta biết thần nói láo rồi. Thuyền Đại Việt ta chuyên đi đường sông, không mạnh về đường biển. Còn Chiêm Thành, thuyền buôn của họ có những chiếc đã tới được Lưu Cầu. Tuy nhiên, họ thường xuyên bị hải tặc cướp phá nên chưa thể thống trị giao thương hàng hải. Thần đoán, Harivarman muốn lợi dụng thủy thủ và thủy quân của ta để giúp hắn đánh phá cướp biển."

"Nhưng anh chỉ nói dối một nửa thôi đúng không?" Tôi hỏi. "Chuyện nước ta có những mỗi hàng với La Mã là thật mà."

"Vâng ạ." Anh ta đáp. "Nhưng con đường tơ lụa trên biển... cái đấy thần có nói hơi quá. Nhưng khi ngoại giao, chúng ta cần khôn khéo mà."

"Chà... loại đầu to mắt cận như anh em các anh chả biết đánh đấm gì nhưng vẫn đáng sợ thật đấy." Tôi gật gù.

"Bệ hạ quá khen rồi." Lưu Khánh Ba dùng tay xé gà cho vào miệng.

"Anh không dùng đũa à?" Tôi hỏi.

"Nhập gia tùy tục, thưa bệ hạ."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top