Học, học nữa, học mãi.

Những vũ nữ ca múa trong lớp áo lụa lả lướt. Quan văn tướng võ cùng nhau ăn uống cười nói. Nếu tôi không nhầm, ngoài kia, binh lính cũng đang nhậu nhẹt tưng bừng.

"Trẫm lần này đánh Chiêm, không thể không thành nếu các vị không tận lực giúp trẫm." Hoàng đế phát biểu sau màn ca vũ. "Trong đó, không thể không kể đến công lao của Nguyên phi và Thái sư đã cùng các quan văn thay trẫm nội trị, hay những tướng võ cùng trẫm ngoại chiến, đi đầu chém giặc. Hôm nay, trẫm đặc biệt ban thưởng cho vị tướng đã tận lực cống hiến. Cho mời Hiệu úy thái bảo Lý Thường Kiệt!"

Lý Thường Kiệt bước ra giữa điện và vái Hoàng đế Hoàng hậu, sau đó quay sang Nguyên phi và Thái tử.

"Hiệu úy thái bảo phụng lãnh Tiết Việt Đại Tướng, sung chức Tiền phong, bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ." Quan thái giám đọc tờ chiếu. "Luận công ban thưởng, thăng chức Phụ quốc thái uý kiêm lãnh chức Chư trấn tiết độ Đồng trung thư môn hạ, Thượng trụ quốc..." Tên thái giám ngập ngừng nhìn phụ hoàng nhưng cũng nhanh chóng đọc tiếp sau cái nhướn mày của ông. "Thiên tử nghĩa đệ."

Quan lại xôn xao. Đến cả Dương Hoàng hậu và mẹ tôi cũng ngạc nhiên ra mặt.

"Phong làm Quốc phụ quốc Đại tướng quân, tước Khai Quốc công, đứng đầu công hầu. Khâm thử." (1)

Mọi người im lặng một lúc.

"Chúc mừng Thái úy thăng quan!" Thái sư Lý Đạo Thành đưa cao cốc rượu.

"Chúc mừng Thái úy thăng quan!" Các quan tướng khác cũng chúc mừng Lý Thường Kiệt.

"Tiếp tục đi." Cha tôi nói lớn. "Cho mời, vua Chiêm Thành!"

Tôi và An Dân đã về sớm nên đã không kịp nhìn mặt tên vua Chiêm Thành kia. Nhưng nghe nói y đã xin dâng đất để cầu hòa.

-

"Cho mời, Tân Quốc sư!"

Một vị hòa thượng trông khoảng ngoài bốn mươi bước vào. Ông mặc áo cà sa màu đỏ bước từng bước nhẹ nhàng tiến vào sảnh điện Thiên An.

Ông vái phụ hoàng tôi rồi tới Dương Hoàng hậu.

Khi ông vái tôi, ánh mắt chúng tôi chạm nhau. Đôi mắt ông đầy mạnh mẽ, nụ cười của ông dịu dàng như một ông lão hiền từ.

Cha tôi bước tới đối diện ông và chắp tay lễ Phật.

"Quốc sư. Lỗi của trẫm không nhận ra hiền nhân."

"A di đà Phật." Vị Quốc sư cúi gập người. "Bệ hạ quá lời rồi. Lão nạp chỉ tình cờ học được đôi ba chữ nghĩa, không dám nhận chức vị Quốc sư này."

Cha tôi đưa tay về phía Lý Đạo Thành.

"Mời Quốc sư về chỗ."

Vị hòa thượng thở dài, biết mình không cãi lại được nên đành bước tới bên cạnh Thái sư Lý Đạo Thành. Tôi đã nói rằng thời Lý, các nhà sư có quyền lực chính trị chưa nhỉ? Vị Quốc sư này là Thảo Đường Quốc sư, ông bị lẫn vào đoàn tù binh cha tôi dẫn về từ Chiêm Thành. Một lần tình cờ cha tôi biết về tri thức sâu rộng của ông và đùng một cái thăng ông lên vị trí Quốc sư.

"Trong thời gian trẫm thân chinh, đã có nhiều chuyện xảy ra." Vị Hoàng đế ngồi xuống ngai vàng. "Nhưng nhờ có Nguyên phi và Thái sư đồng sức nên thiên tai và loạn dân đều được xử lý. Tất nhiên, trẫm đã luận công ban thưởng cho Thái úy, thì Thái sư và Nguyên phi cũng phải được tưởng thưởng xứng đáng. Đúng không?"

"Bệ hạ," Thái sư bước ra. "thần là lão thần đầu triều. Cả đời dốc sức cho Đại Việt. Nay đã chẳng còn mưu cầu điều gì nữa rồi."

"Thái sư nói gì thế?" Phụ hoàng tôi tặc lưỡi. "Trẫm là thiên tử. Chẳng lẽ trẫm không có gì cho khanh được sao? Khanh muốn gì? Đất đai? Mỹ nữ?"

"Thiên hạ tứ phương, đều là đất của bệ hạ. Thần không dám lấy. Thần nay đã tám mươi, mỹ nữ cỡ nào cũng chẳng còn sức để mà hưởng nữa. Bệ hạ định thưởng cho cháu thần chăng?"

Cả triều đình cười phá ra. Tôi thì cứ ngôi im như phỗng.

-

Thấm thoát lại một năm nữa trôi qua. Khi ấy tôi năm tuổi. Ở thế kỷ XXI, có lẽ năm sau tôi sẽ bắt đầu vào học lớp một.

Nhắc đến chuyện đi học, năm nay phụ hoàng tôi cho xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử, Chu Công và một loạt nhân vật nghe-có-vẻ-nổi-tiếng mà tôi chẳng nhớ hết nổi. Nhìn công trình xây dựng đồ sộ và hoành tráng, tôi cũng muốn làm một Toán Miếu để thờ Pytago, Talet. Rồi tôi nhớ tới Văn Miếu ở Hà Nội thế kỷ XXI, trông cổ kính nhưng vẫn giữ được sự uy nghi. Công nhận nhà nước bảo tồn di tích văn hóa tốt thật. Cả nghìn năm rồi, qua biết bao cuộc chiến tranh tàn phá mà vẫn gìn giữ và bảo tồn Văn Miếu như mới.

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia."

"Con nói gì?" Phụ hoàng tôi đứng bên cạnh hỏi.

"Dạ không ạ." Tôi vội chối.

"Thái tử," Phụ hoàng tôi quỳ xuống ngang với tôi. "con có biết Văn Miếu này là để làm gì không?"

"Dạ... thờ Khổng Tử, Chu Công, Tứ phối, và..."

"Thất thập nhị hiền." Vua cha tôi nhắc.

"Vâng."

"Nơi này ngoài để thờ cúng tiền nhân, còn có một chức năng khác. Con đoán ra không?"

"Là để dạy học ạ?"

"Quả đúng là Thái tử thông minh hơn người." Vua cha tôi cười lớn. "Trẫm đang định, sẽ cho con đến Văn Miếu này học tập."

"Dạ?" Tôi ngạc nhiên. "Con tưởng là để cho những học sinh tới để học chứ."

"Không. Chỉ mình con thôi."

"Nhưng nếu con chỉ học có một mình thì..."

"Thì?"

Tôi định nói là cô đơn. Nhưng nhớ lại thì quanh năm suốt tháng tôi chỉ chơi với thái giám, cung nữ và hoàng đệ tôi thôi mà. Hóa ra đúng là chẳng có ai ngang tuổi tôi để vào học chung cả.

"Thế còn con cái của các quan lại thì sao ạ?" Tôi hỏi tiếp.

Nhưng phụ hoàng tôi đã đi nói chuyện cùng các quan lại khác.

Nói chung là, kể từ đó, tôi vào học tại Văn Miếu. Quanh đi quẩn lại là đọc sách lịch sử và văn học. Học về Khổng Tử, Tứ thư ngũ kinh, các kinh điển Phật giáo, Đạo đức kinh của Đạo giáo, học cả lịch sử Trung Quốc, nghệ thuật chiến tranh, kỹ năng trị quốc, rồi quan hệ Đại Việt với các nước láng giềng. Nhưng đó là việc của suốt nhiều năm liền.

Bây giờ, khi ngồi học trong lớp, chúng ta sẽ thấy ảnh Bác Hồ cười với chúng ta. Còn tôi phải vừa ngồi đọc sách và cái người viết ra nó (Khổng Tử) đang nhìn tôi. Tôi không mê tín, nhưng mỗi khi tôi đọc sai hay không hiểu chỗ nào đó, tôi lại có cảm giác ông ta đang lườm tôi.

Thầy giáo của tôi là một hòa thượng tên Dương Minh Nghiêm, đã ngoài năm mươi tuổi, pháp hiệu là Thông Huyền chân nhân. Tôi thường gọi ông là sư phụ. Đáng lý người có trách nhiệm dạy tôi học là một người được gọi là quan giáo thụ, nhưng hiện tại trong triều chưa có chức này. Quốc sư Thảo Đường, người mới được phong chức Quốc sư đã đề cử ông giáo này cho tôi. Ông sư thầy của tôi có hàng ria mỏng hơi cong như người Châu Âu và một đôi mắt hiền hậu. Giọng ông trầm bổng đọc những dòng chữ nhạt nhẽo nghe như hát.

Tôi khá lười, nhưng kể ra việc duy nhất mà tôi giỏi chính là học. Tuy nhiên, không phải cái môn này. Và sư phụ tôi chỉ khen tôi trong giờ Toán học. Tôi có thể làm phép tính nhân hai chữ số rất nhanh. Còn lại thì, tôi không hề nghiêm túc học kinh thư của Khổng Tử hay thánh nhân thánh nhiếc gì đó. Chỉ toàn là những con chữ vô nghĩa. Sau ba ngày, tôi đã nổi khùng với ông thầy.

"Nếu học nhiều mà không ứng dụng được thì sao phải học ạ?" Tôi hỏi khi chúng tôi tranh cãi về vấn đề muôn thuở mà đến thế kỷ XXI vẫn còn: học Lịch sử để làm gì?

Sau đó, ông dẫn tôi ra ruộng.

Trên cánh đồng lúa nước, những cây lúa nước đang dựng thẳng đứng như những ngọn cỏ đầy hiên ngang.

"Sư phụ này, dù con có hỏi câu hỏi hơi kỳ quặc, nhưng Người cũng không ác độc đến mức bắt con đi cày ruộng đâu nhỉ."

Sư phụ tôi nhướn mày.

"Chẳng cần nói tới thân phận, con mới năm tuổi, làm sao mà..."

Một đứa nhóc trông còn nhỏ hơn tôi vác cây cuốc cao hơn cả nó chạy ngang qua hai thầy trò.

"Thật ra thì, ta cũng muốn thử." Ông vuốt ria.

"Sư phụ..." Tôi làm ánh mắt mè nheo.

"Nhưng tiếc thay, đó không phải mục đích của chúng ta hôm nay." Ông đưa tay về phía cánh đồng lúa. "Người hãy nhìn những cây lúa đó. Người thấy gì?"

"Cây lúa, cần có người chăm sóc, nếu không thì, không thể sống được."

"Đúng. Nhưng chưa vào đúng trọng tâm."

Tôi suy nghĩ hồi lâu.

"Nếu chưa nghĩ ra, chúng ta sẽ để chuyện này sau hãy nói." Thông Huyền chân nhân ngồi xuống bên một hàng nước. Văn hóa này đến tận bây giờ, ở các con phố Hà Nội vẫn còn hiện hữu khắp các con phố. Chỉ là có thêm cà phê nước ngọt và những điếu thuốc lào.

"Dù gì cũng đến đây rồi, Lý lang, ngồi xuống đây với bần tăng nào."

"Từ thời Nam Việt Vũ Đế đến nay đã hơn một nghìn năm, kinh sách của ta gần như chẳng có gì." Vị hòa thượng giảng dạy trong khi ngồi uống chè. "Thái tử có thể muốn trở thành một đấng minh quân thì cần phải học. Học để trở thành vua, học để làm người. Thiên mệnh vô thường, phải luôn tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm tiền nhân để lại mới có thể bảo vệ được ngai vàng và xã tắc."

"Nhưng sao lại phải học cả lịch sử và văn thơ của kẻ đã khiến chúng ta mất gần hết?" Tôi cãi chày cãi cối. "Trong khi sách của chúng thì có nhiều thứ rõ ràng là mê tín, chẳng có tí khoa học gì cả. Rồi còn cả mấy ông thánh nhân nữa, sách của thánh nhân thì không sai được chắc?"

"A di đà Phật. Học hỏi, chính là để tạo ra cái mới từ trong cái cũ. Bài học từ quá khứ chính là để chuẩn bị cho tương lai. Học là để tìm ra những thứ hợp với tư tưởng nhân dân và có lợi cho quốc sách. Nếu Thái tử cứ học theo kiểu tự mãn như thế, người chỉ có thể làm một kẻ hèn mọn mà thôi. Sách của người Hán, trên có thể khuyên quân vương, dưới có thể dạy dân chúng. Lưu truyền từ đời này sang đời khác vẫn không mai một mà Thái tử có thể nói là không cần học sao? Thánh nhân thì có thể sai, nhưng không thể nhìn vào những cái sai xót nhỏ đó mà phủ nhận họ. Sách đúng hay sai, không nằm ở chữ viết trong đó, mà là thái độ của Thái tử khi đọc sách kìa."

Bạn biết đấy, lúc ấy tôi vẫn không để ý lắm. Giống như khi bạn nghe mấytay đa cấp dạy bạn những thứ như báo hiếu, tăng cường sức khỏe, dậy sớm đểthành công... Bạn biết chúng có ích cho bạn nhưng bạn vẫn không làm. Khi ấy tôicũng như vậy. Dù gì thì tôi cũng là một thằng nhóc mười sáu tuổi ở trong thânxác của một đứa trẻ năm tuổi thôi mà. À, nếu tính cả hai kiếp thì bây giờ tôi...hai mươi mốt tuổi.


(1) Tờ chiếu trích từ Việt điện u linh tập phần Lý Thường Kiệt và được thêm bớt các thứ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top