Hoàng tử Chăm-pa.

"Bệ hạ, Chiêm Thành lại quấy vào biên giới nước ta."

"Vùng Ma Linh tới Bố Chính vẫn là đất của xứ Chiêm dâng cho ta từ thời Thánh Tông. Nhưng ta vẫn chưa đụng tới."

"Cái gì?" Tôi hỏi. "Ba châu ấy vẫn chưa được khai thác sao?"

"Hồi bệ hạ, đường đi khó khăn, vùng ấy lại khô cằn, khó mà trồng trọt, rừng thiêng nước độc, dân khó mà sống. Vì thế nên... tuy thuộc quyền sở hữu của ta, nhưng ở đó lại chỉ có một số người Chiêm sinh sống."

"Thái úy, chuyện này là thế nào?" Tôi xoa trán.

"Hồi bệ hạ," Lý Thường Kiệt tâu. "năm xưa, thần và tiên đế đã từng dừng thuyền ở vùng ấy sau khi bắt được Chế Củ. Đúng như Trương Đại phu nói, vùng ấy rừng thiêng nước độc, cọp beo hoành hành. Không thể đến ở được."

"Vô lý!" Tôi đập tay lên tay vịn của bảo tọa. "Thái úy! Ta và khanh phải cùng giải quyết chuyện này!"

Và thế là tôi lại thân chinh trong bí mật.

Lần cuối tôi thấy cảnh tượng này là mấy năm trước, trước khi phụ hoàng thân chinh.

Những người đàn ông mặc trang phục phụ nữ sặc sỡ xanh đỏ tím vàng, má phấn môi son nhảy múa theo nhịp trống bồng uyển chuyển.

Nhấn mạnh đấy. Những người đàn ông!

Đây là một lễ hội thường niên vào mùa xuân ở làng Triều Khúc. Bây giờ tôi vẫn hay nghe kể về nó. Một điệu múa đã tồn tại hơn một nghìn hai trăm năm. Điệu múa Con đĩ đánh bồng.

Không giống bây giờ, từ "đĩ" có ý nghĩa tiêu cực và chỉ gái mại dâm, thời xưa, từ "đĩ" ám chỉ những người đàn ông giả gái. Tương truyền rằng, cách đây gần ba trăm năm, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng tập kết nghĩa sĩ ở làng Triều Khúc (1) để chuẩn bị đánh giặc. Để nâng cao tinh thần quân sĩ và cũng để giải trí, ông đã cho tráng sĩ ăn mặc diêm dúa nhảy múa theo nhạc anh Bảnh. Vì thấy quân sĩ múa hay quá, thế là vua Phùng Hưng gọi họ "những con đĩ của ta".

Lúc Thái phó gợi ý múa điệu múa này tôi cũng hơi ngạc nhiên. Nhưng rồi nhìn một đám trai giả gái đi trước đoàn quân hùng hậu cùng với múa lân múa rồng thì tinh thần của tôi phấn chấn hơn hẳn. Các quân sĩ cũng có tinh thần hơn.

"Em lại không được đi ạ?" An Dân ngồi trên ngựa cùng một thiếu niên. Tôi ngồi trong chiếc xe ngựa bên cạnh vén rèm ra nhìn đứa em trai bé bỏng mặt buồn rười rượi.

"Trẫm nói rồi." Tôi cố với tay ra để xoa đầu thằng bé. "Em lớn thêm một chút nữa nhé."

-

Lý Thường Kiệt đánh vào đất Chiêm nhưng không thành. Cuối cùng ông đành cho vẽ lại bản đồ của ba châu ngày xưa phụ hoàng tôi đã chiếm thêm vào lãnh thổ Đại Việt.

"Đây là đất Chiêm Thành sao?" Tôi leo lên một ngọn núi nhìn ra những cánh rừng xanh mơn mởn, những đàn chim bay lượn, tiếng hổ gầm văng vẳng ở phía xa. Tuy nhiên, cái nắng nóng mùa hè khiến tôi hết hứng ngâm thơ.

"Bệ hạ xem," Lý Thường Kiệt khua tay về phía những ngọn núi. "rừng rậm bạt ngàn. Sông ngòi tuy nhiều nhưng địa hình không bằng phẳng, khó trồng trọt. Chưa kể đến thời tiết thất thường nữa."

"Thái úy à," Tôi dựa tay vào gốc cây bên cạnh. "ở đất Đại Việt ta, không phải chỉ có mỗi lúa gạo thôi đâu."

"Bệ hạ..." Lưu Khánh Đàm sáng mắt lên. "bệ hạ có phải đang muốn... chúng ta xuất khẩu gỗ không?"

"Như cái cây ta đang tựa vào đây." Tôi nhìn cái cây cao chót vót. "Loại này dùng chế tác đồ thủ công rất đẹp, thêm nữa, xây nhà, đóng tàu... vô số việc cần tới gỗ kia mà. Mỗi năm cử dân phu đi lao dịch tới đây khai thác gỗ, rồi đưa về các làng nghề để họ chế tác thành sản phẩm."

"Và chúng ta chỉ việc đếm tiền thôi." Tôi và Lưu Khánh Đàm đồng thanh.

Một vài âm thanh lạ vang lên, Lý Thường Kiệt nhanh chóng sai người đi xem xét.

"Thái úy này," Tôi ngơ ngác gọi Lý Thường Kiệt trong khi mắt nhìn xa về phía những cánh rừng điệp trùng. "phía tây vùng này có nước nào?"

"Hồi bệ hạ," Ông đáp. "phía tây vùng này chỉ có những bộ tộc người man. Lúc trước sống ở miền nam Trung Hoa. Nhưng vì dân số người Hán tăng mạnh, lại thêm các vấn đề nội bộ của Nam Chiếu(2) với Tống nên họ đã dần di cư xuống vùng núi này."

"Được rồi." Tôi nhìn Lý Thường Kiệt và Lưu Khánh Đàm. "Muốn khai thác gì thì đầu tiên, quốc phòng vẫn là ưu tiên số một. Thái úy, nhờ ngài nhé."

"Thần tuân chỉ." Thái úy đáp.

"Không. Đồ. Sát."

"Vâng!"

"Đàm, viết thư về cho Thái phó và Thượng thư, bảo họ đưa tới cho ta vài kiến trúc sư."

"Hồi bệ hạ, nếu là kiến trúc sư, thì ở đây thần có một người." Lưu Khánh Đàm đáp rồi quay người đi.

Chỉ mấy giây sau anh ta đã quay lại với một người đàn ông trung niên. Ông ấy có hàm râu xuề xòa lâu ngày không cắt tỉa cùng trán gần hói. Đôi mắt như muốn lồi ra khỏi hốc mắt trông rất hung dữ. Nhưng tôi không quen ông ta.

"Bệ hạ, đây là Ninh Chí An người Thiên Trường. Hậu duệ Đại tướng quân Ninh Hữu Hưng thời Đinh. Tuy không kế nghiệp võ của tổ tiên nhưng đã nối nghề cụ tổ trở thành một kiến trúc sư. Hiện là môn khách của thần." Lưu Khánh Đàm giới thiệu.

"Ninh tiên sinh, ta có thể nhờ ngài xây dựng cảng biển ở đây được không?" Tôi hỏi.

"Cảng ạ?" Cả hai người họ tròn mắt nhìn tôi.

"Trẫm học được ở một số sách phương Tây, ở đó họ xây dựng nên những cảng biển sầm uất lắm. Nếu có các cảng biển lớn, thương nhân sẽ đổ tới nhiều hơn, và kinh tế nước ta sẽ càng phát triển."

"Chúng thần tuân chỉ!" Lưu Khánh Đàm và Ninh Chí An đáp.

"À, Lưu Thị lang." Tôi gọi vội khi hai người họ vừa quay đi.

"Bệ hạ có gì căn dặn?" Lưu Khánh Đàm quay lại.

"Ta bảo để Ninh Tiên sinh phụ trách xây cảng, chứ không nói anh."

"Bệ hạ cần gì sai bảo?" Lưu Khánh Đàm quỳ xuống.

"Phiền Thị lang tìm cho ta các mỏ kim loại quanh vùng này nhé."

Anh ta lại tròn mắt nhìn tôi.

"Có thể quanh đây sẽ có vàng đấy." Tôi nháy mắt.

-

Tôi tạm cho Ninh Chí An chức Viên ngoại lang để tiện việc xây dựng. Đồng thời tôi cũng ở lại vài ngày để giám sát.

Mang tiếng là giám sát chứ thực ra thì tôi đang muốn tránh xa cái cung điện ngột ngạt kia. Lâu lâu trốn khỏi cung đi chơi cũng vui mà. Tôi ngồi ngồi chơi cờ với Lưu Khánh Đàm vừa uống trà trong doanh trướng. Tôi đang tính chiều nay sẽ đi săn hay làm gì đó cho khuây khỏa. Nhắc đến săn bắn, em trai tôi bắn cung rất giỏi dù thằng bé mới có sáu tuổi rưỡi, chỉ dùng được loại cung tên nhỏ, nhưng chưa bao giờ tôi thắng được nó.

Sẵn đang khoe về em trai, tôi cũng phải khoe về bản thân mình. Sau một thời gian luyện cờ với Lê Văn Thịnh, tôi khá là tự tin khả năng đánh cờ của mình không thua các kiện tướng đâu. Nhưng tôi vẫn không phải đối thủ của Lưu Khánh Đàm. Anh ta tung ra từng nước cờ hóc búa khiến tôi toát mồ hôi.

Khi đang bí nước thì tiếng huyên náo ở bên ngoài đã cứu tôi.

"Có gì mà ồn ào thế nhỉ?" Tôi đi ra xem xét. Lưu Khánh Đàm cũng biết ý nên cũng dẹp bỏ bàn cờ vây và đi theo.

Bên ngoài doanh trại, một đám dân mặc trang phục người Chăm đang làm ầm ĩ lên. Tôi nghe được những từ tiếng Việt thô tục đến mức bị kiểm duyệt. Nhưng chủ yếu vẫn là tiếng Chăm.

Phụ nữ mặc những chiếc đầm dài màu trắng và đội khăn, đàn ông mặc trang phục màu đen và có giắc theo vũ khí. Tôi từng thấy những cảnh như thế này trên TV, trong các chương trình thời sự ở nước ngoài thường có các cuộc biểu tình với băng rôn khẩu hiệu gần giống thế này. Ở đây không có băng rôn, chỉ có nông cụ thôi.

"Có chuyện gì ở đây thế?" Tôi hỏi.

"Dạ thưa," Một người lính nói. "đám man di này đang muốn làm loạn ạ."

"Tự tát vào mặt mình đi." Tôi chỉ mặt hắn.

Dù không biết mình mắc tội gì nhưng hắn vẫn làm theo.

"Rồi nói với họ, Hoàng đế Đại Việt đang ở đây. Nếu họ đang có bất mãn điều gì, hãy cử ra đại diện tới gặp. Đích thân ta sẽ giúp họ giải quyết!"

Tôi nhìn những khuôn mặt phẫn nộ của những người Chăm trước mặt. Trong tương lai thì họ cũng chẳng còn đất nước nữa rồi. Trường hợp này khác với việc đánh Tống. Khi Lý Thường Kiệt bắc chinh là để ngăn chặn cuộc tấn công của kẻ thù. Còn đây, đây chính xác là một cuộc xâm lược. Họ hoàn toàn có quyền phản kháng. Nếu tôi thẳng tay đàn áp họ và cho quân khực hết đám loạn dân đó, tôi sẽ chẳng khác gì đám vua Trung Hoa bạo lực khát máu.

"Đàm." Tôi kéo áo chàng Thị lang. "nói thêm với họ rằng: ta biết các ngươi là người Chiêm, có phong tục riêng, tín ngưỡng riêng khác với người Việt. Nhưng bây giờ nơi đây là lãnh thổ của Đại Việt. Các ngươi sống trên đất của ta, thì các ngươi là con dân của trẫm. Trẫm sẽ đối xử với các khanh một cách công bằng, bình đẳng và bác ái."

Ở trong lều chỉ huy, một chàng thanh niên bước vào và bắt chéo hai tay trước ngực kiểu Wakanda forever. Tôi đứng dậy chắp tay đáp lễ.

Gã thanh niên trông khoảng mười chín hai mươi cao ráo vạm vỡ và có một mái tóc đen cắt ngắn hơi xoăn trên nước da rám nắng trông vô cùng mạnh mẽ. Đôi mắt anh ta trông có vẻ không giống với những người Chăm khác. Nó không hiện lên vẻ phẫn nộ hay sợ sệt như những người kia. Tôi có thể thấy từ chúng một khí thế ngút trời.

"Mà, nếu được mấy người dân kia cử làm đại diện thì chắc là anh ta cũng có chút uy tín. Có thể là nhân vật có chút tiếng tăm ở địa phương."

Thấy tôi giỏi chưa, tôi bắt đầu biết nhìn người rồi đấy. Hoặc có thể đó là những gì anh ta cố ý thể hiện cho tôi thấy.

"Ninh Chí An đang cho phá các công trình của các ngươi sao?" Tôi hỏi khi tất cả đã yên vị trong quân doanh. Tên người Chăm quỳ giữa lều, hai bên là một số tướng tá và quan viên. Ninh Chí An cũng đang ở đây. Khi tôi nhìn sang ông ta thì ông ta cũng đang hoang mang lắm.

"Vâng." Anh chàng người dân tộc đáp. "Đó là những công trình được xây dựng từ thuở lập quốc và giữ nước của chúng ta. Là chứng tích lịch sử cho những lần phản Hán chặn Tùy chống Đường và cả những trận chiến với người Việt các ngài. Tuy không nhiều nhặn gì, nhưng đó là những gì tổ tiên chúng ta để lại."

"Bệ hạ," Chí An lên tiếng. "Nếu muốn xây dựng cảng biển ở đây thì cần phải bỏ một số công trình cũ. Nếu không sẽ không thể xây công trình mới được ạ."

"Hắn nói láo!" Gã người Chăm nổi đóa lên. "Hắn còn cho phá cả các công trình kiến trúc văn hóa của chúng thần nữa."

"Đó là thứ dị giáo, không thể để nó manh nha trong đất nước này được!"

"Thế mà là bao dung sao? Các ngươi chỉ đang muốn đồng hóa chúng ta mà thôi, các ngươi chẳng khác gì lũ người Hán kia cả!"

"Các ngươi còn thấy trẫm đang ngồi đây không!?" Tôi đập bàn.

"Bệ hạ bớt giận." Lưu Khánh Đàm dâng trà cho tôi.

"Người anh em," Tôi gọi anh chàng người Chăm. "ta hiểu vấn đề của các anh." Tôi quay sang Chí An. "Kiến trúc sư, các kiến trúc văn hóa và những công trình mang ý nghĩa lịch sử, giữ chúng lại."

"Đội ơn bệ hạ!" Anh ta lạy tôi liên tục.

"Nhưng bệ hạ," Chí An tâu. "nếu thế thì sẽ không có đủ không gian để xây dựng kho bãi và các công trình dân sinh đâu ạ."

"Chúng ta có thể tìm nền móng cũ của các công trình lớn và xây dựng trên đó. Về chuyện bến cảng, ta nghĩ, nếu có thể thì hãy tìm khu vực có nước sâu để tiện cho thuyền bè cập cảng."

"Nhưng bệ hạ, nếu thế, ta sẽ bị xem là nhu nhược với ngoại giáo mất."

"Chí An. có ba thứ ngài không thể vô lý cướp đoạt đi của người dân." Tôi đưa ba ngón tay về phía ông ta. "Đó là tính mạng của họ, tài sản của họ, và lòng tự tôn của họ. Nếu mất đi một trong ba thứ ấy, nhân dân sẽ không bao giờ tha thứ cho kẻ cầm quyền." Tôi đọc y lời Lê Văn Thịnh đã dạy tôi lúc đi Tống. Dù hiện tại anh ta đang bận tối mắt ở sông Như Nguyệt.

"Nhưng bệ hạ, nếu không phá bỏ một số công trình, ta sẽ thiếu đất đai để xây dựng. Các kho bãi, quân doanh, rồi xưởng tàu... cả chùa chiềng nữa. Sẽ mất rất nhiều thời gian và cả ngân sách..."

"Trẫm hiểu, tiền bạc và thời gian vô cùng đáng quý. Nhưng làm sao đáng quý bằng người dân? Ta thà để mất tiền của và mười năm, hai mươi năm cuộc đời, còn hơn là nhận lấy sự bất mãn từ bách tính của chính mình."

"Chú Ninh, cháu tôn trọng chú chú là một kiến trúc sư tài ba." Lưu Khánh Đàm tiếp lời tôi. "Nhưng đây không còn là vấn đề quy hoạch đô thị nữa, mà là xây dựng quốc gia. Chính trị gia bọn cháu cần mang tầm nhìn của mười năm, một trăm năm. Còn chú, chúng cháu cần chú xây dựng các công trình có thể tồn tại một nghìn hai nghìn năm. Khi mộ của chúng ta đều đã xanh cỏ, thì các công trình ấy vẫn còn vững vàng. Đó mới là việc của chú. Còn điều khiển đất nước, chèo lái con thuyền này, là việc của bọn cháu."

Theo như sách sử mà tôi học thì việc đồng hóa dân tộc khác là việc đã diễn ra suốt hàng nghìn năm nay. Người Hán đã đồng hóa các dân tộc xung quanh mình, tạo ra một nền văn minh rực rỡ và huy hoàng trên đồng bằng Hoa Hạ. Tôi đã nghĩ đó là lẽ thường tình.

Nhưng với tâm hồn của con người thời hiện đại và trí óc của một con người sinh ra vào thế kỷ XXI, tôi biết tương lai đất nước tôi sẽ có đến năm mươi tư dân tộc anh em với những bản sắc và tín ngưỡng riêng. Cụ cố, ông nội và cha tôi đã có thể giữ cho các bộ tộc miền núi kia thần phục và khiến họ phải giúp chúng tôi đánh giặc, thế mà tôi không thể thu nhận những con người miền nam này thì sao dám ngồi trên ngai vàng kia và nhận mình là con trai của vua Lý Thánh Tông anh hùng?

"Ra là thế." Gã người Chăm cười khùng khục. "Ra đây là lý do chúng ta không thể đánh bại được Đại Việt."

"Ngươi làm sao thế?" Tôi hỏi.

"Ồ, lỗi của ta." Hắn đứng dậy, bàn tay phải đặt lên ngực trái. "Tên ta là Indravarman. Hoàng tử của Chiêm Thành."


(1) Thuộc xã Tân Triều huyện Thanh Trì, Hà Nội.


(2) Đến thời điểm trong truyện, Nam Chiếu đã trở thành nước Đại Lý.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top