Đảo chính.
Này, tôi hoàn toàn không tin ba cái chuyện mê tín, nhưng mấy hôm sau, mưa tạnh hẳn luôn.
"A di đà Phật. Sơn thánh và Phật Pháp Vân thiêng thật." Nguyễn Viết Y nhìn trời. "Nhưng mô hình của bệ hạ cũng hay lắm. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm ra những đường ống như thế trong tình trạng này được."
"Tình trạng này? Ý sư phụ là gì?"
"Cách của bệ hạ, tạo ra một loại ống như thế, rồi chôn dưới đất, lại còn chắp nối vào nhau để dẫn ra sông ra biển nữa. Với trình độ của người hạ giới chúng thần thì quá sức."
"Đừng có xem con là người trời chứ." Tôi thở dài. "Chẳng qua mấy hôm rồi mưa quá nên mặt trời không chiếu sáng đủ để làm bay hơi nước thôi."
Cuối buổi học, tôi quay về Cấm Thành thì lại gặp Thái sư đang đứng chờ.
"Thái sư." Tôi ngóc đầu ra khỏi kiệu.
"Bệ hạ, cẩn thận." Quan thái giám nhắc tôi.
Từ dạo cái hệ thống cống rãnh kia được vẽ lên điện Thiên An, Thái úy và Thái sư tự nhiên ghét nhau ra mặt. Tôi nghe ngóng được họ vừa cãi nhau to về nó. Thái sư thì muốn kính Phật hành lễ, ông ta cho rằng sử dụng kiến thức của trời mà không được cho phép là đại nghịch bất đạo trong khi rõ ràng là tôi cho phép. Ngược lại, Thái úy Lý Thường Kiệt muốn dùng nó để dẫn nước, để thử khả năng thực tiễn và áp dụng vào các công việc khác. Ông ta muốn áp dụng cái mô hình đó ở nơi quê trước để thử nghiệm.
Trớ trêu thay, có một số tin đồn rằng Thái sư Lý Đạo Thành đã qua lại với người của họ Dương ở cả Lạng Châu và Nghệ An. Triều đình bàn tán xôn xao mấy ngày nay. Họ thắc mắc không biết Thái sư đang nghĩ gì. Nhưng tôi thì khá yên tâm về lòng trung thành của ông. Tôi gần như đã quên hết những lời mẹ dạy cách đấy mấy năm.
"Bệ hạ," Quan thái giám liếc Thái sư rồi lại nhìn tôi. "như thế có hơi nguy hiểm không ạ?"
"Đi cùng Thái sư mà còn sợ nguy hiểm sao?" Tôi cười. "Dưới gầm trời này ai có thể chống lại Thái sư?"
Tôi chỉ một tên lính gác cổng.
"Ngươi hả?" Hắn chỉ biết quỳ dập trán xuống đất.
"Hay ngươi?" Tôi chỉ tên khiêng kiệu. Hắn cũng quỳ xuống.
"Hay ý ngươi là," Tôi nhìn viên thái giám. "Thái sư muốn ám hại ta?"
"Ơ..." Tên thái giám hoảng loạn thấy rõ. "Thái sư, hạ quan không dám có ý đó, chỉ là..."
"Thôi được rồi." Tôi cười ngặt nghẽo. "Trẫm chỉ đùa thôi. Các ngươi đứng dậy đi. Trẫm sẽ tản bộ cùng Thái sư, các ngươi lui đi."
"Bệ hạ," Lý Đạo Thành nói với tôi khi đang đi bộ vào cấm cung. "quân bất hí ngôn, sao có thể nói đùa vô nghĩa như thế chứ?"
"Bình thường thôi." Tôi thở dài. "Trước có kẻ còn đem sách đen vào chốn cung đình để dạy trẫm cơ."
"Bệ hạ là người đứng đầu cả một quốc gia, sao người có thể nói ra những lời như thế?"
"Rốt cuộc hôm nay ông muốn nói gì với trẫm?"
"Dạo gần đây Thái úy có gặp riêng bệ hạ không?" Lý Đạo Thành hỏi.
"Thái úy à?" Tôi nghiêng đầu. "À, ngày mai khanh sẽ khởi hành ra biên cương phải không? Chúc khanh đi mạnh giỏi nhé."
"Bệ hạ, lão thần đang nghiêm túc." Lý Đạo Thành trừng mắt. Vết sẹo của ông khẽ giật giật.
"Thôi được rồi." Tôi thời dài. "Lát nữa trẫm sẽ cho khanh xem cái này."
Tôi bước vào sân rồng, nơi này vốn dùng để cúng tế trời đất và làm các nghi lễ quan trọng. Bây giờ, có một người đàn ông to lớn đang cầm tay An Dân và dạy thằng bé bắn cung.
"Thái úy." Tôi bước vào sân tập.
"Bệ hạ." Lý Thường Kiệt cúi người vái tôi.
"Anh!" An Dân ném cung nhào tới, nhưng đi được vài bước thì nhớ ra gì đó nên đành lùi lại và cúi đầu. "Bệ hạ."
Trở thành vua đã chia cắt tình cảm anh em bọn tôi. Chẳng biết từ khi nào, giữa chúng tôi xuất hiện một rào cản lễ nghi. Tuy nhiên, đó chỉ khi ở trước mặt người khác, khi ở riêng, chúng tôi vẫn là anh em.
Em trai tôi dạo này dậy sớm tập thể dục, dáng người rất có khí phách. Trên ngón tay cái thằng bé đeo một chiếc nhẫn, loại hỗ trợ bắn cung, được gọi là thiếp.
"Em đã bắn được tên chưa?" Tôi cố nở một nụ cười dịu dàng.
"Thần đệ đã có thể ngắm chuẩn hơn. Tất cả là nhờ Thái úy chỉ dạy."
"Minh Nhân Vương điện hạ rất có tố chất." Lý Thường Kiệt khen. "Mới hướng dẫn một lần đã có thể sử dụng được cung tên. Tương lai nhất định sẽ còn tiến xa."
Sau khi liếng thoắng về tài nghệ của em trai tôi, Thái úy mới quay sang Thái sư.
"Thái sư, ngọn gió nào đưa ngài tới đây thế?" Lý Thường Kiệt cúi gập người.
"Ta chỉ tình cờ đi ngang qua thôi." Lý Đạo Thành cúi người đáp lễ. "Thì ra, Thái úy đang dạy Minh Nhân Vương bắn cung sao? Sao ta không nghe nói gì hết vậy?"
"À không." Lý Thường Kiệt lắc đầu. "Ta chủ yếu dạy võ công cho bệ hạ, nhưng có lẽ vì Thái sư, mà lịch luyện tập của bệ hạ bị gián đoạn rồi."
Tôi thề là lúc đó Lý Đạo Thành đã rung lên bần bật. Chắc ông ta tức lắm rồi. Vì sao Thái úy lại dạy võ cho tôi hả? Đích thân tôi bảo đấy. Thái úy đang dần nhàn hạ vì một số chức vụ trong triều được chuyển giao cho người khác dưới quyền Thái hậu. Mà các cụ nói, nhàn cư vi bất thiện, để Thái úy không bất thiện, tôi đành nhờ ông ấy kèm cặp mình võ thuật. Và cả đất nước này ai mà không biết Thái úy Lý Thường Kiệt có võ công vô địch thiên hạ. Với profile như thế, tôi phải tận dụng ngay chứ.
"Bệ hạ, hôm nay ta sẽ tiếp tục những gì hôm qua đang dang dở." Lý Thường Kiệt bơ hoàn toàn Lý Đạo Thành và cùng tôi luyện thương.
Tôi vung cây bổng lên và tấn công vào đối thủ trong tưởng tượng. Lý Thường Kiệt đang dạy tôi U Linh Thương Pháp, bài thương pháp do Thái Tổ sáng tạo ra và được lưu truyền trong quân đội.
"Bệ hạ," Thái úy chỉ dẫn khi tôi đang thực hiện các động tác. "động tác của Người thiếu uyển chuyển."
"Bệ hạ," Thái sư nhắc. "đòn tấn công của người thiếu lực."
Hai ông già ở bên cạnh cứ tranh miệng nhau mà chỉ dẫn giống như hai đứa con nít lên ba tranh nhau giành bật công tắc đèn.
"Bệ hạ cố lên." Còn em tôi ở bên cạnh cổ vũ.
"Này," Tôi hạ cây gậy xuống sau khi múa xong một đoạn thương pháp. "Thái sư và Thái úy, ai mạnh hơn?"
Hai vị nhìn nhau.
"Thái sư đã tinh thông võ nghệ từ khi còn nhỏ tuổi. Tại hạ thực sự không thể so bì." Lý Thường Kiệt khiêm tốn nói.
"Thái úy tuy trẻ hơn ta nhiều tuổi, nhưng trên chiến trường anh dũng thiện chiến, lập biết bao chiến công, ta thẹn không bằng được." Lý Đạo Thành cũng chối.
"Hay lắm." Tôi vỗ tay. "Ta cũng muốn xem hai vị giao đấu."
"Bệ hạ?" Hai ông già nhìn tôi với bốn con mắt mở to.
"Trăm nghe không bằng một thấy." Tôi nhìn họ. "Ta thực lòng muốn được mở mang tầm mắt, chiêm ngưỡng trận so tài giữa hai dũng tướng hàng đầu Đại Việt ta."
"Bệ hạ," Lý Đạo Thành cố thoái thác. "thần tuổi đã cao, e sẽ làm bệ hạ không vừa mắt."
"Năm xưa Hoàng Trung tuổi ngoài thất tuần vẫn có thể đấu với Quan Vũ bất phân thắng bại..."
"Hoàng Trung và Quan Vũ có giao đấu sao?" Thái úy xoa cằm. (1)
"... nay chỉ là một trận giao hữu mà khanh lại từ chối, lẽ nào khanh không quan tâm đến sự phát triển võ công của trẫm?"
"Bệ hạ..."
Thực ra thì tôi đang nhõng nhẽo thôi. Cuối cùng hai người họ cũng cởi bỏ quan phục và cầm lấy hai cây gậy.
Nhìn thấy hai thân thể cường tráng với cơ bắp cuồn cuộn loang lổ mực đen và những vết sẹo trên cơ thể họ, tôi như thấy được sự tàn khốc của chiến tranh.
"Thái úy," Tôi lại gần nói thầm Lý Thường Kiệt. "Thái sư tuổi đã cao, sức khỏe không còn như thời tráng niên, trong trận đấu, đừng đánh hết sức."
"Thái sư," Tôi nói thầm với Lý Đạo Thành. "Thái úy là võ quan đầu triều, quân cấm vệ ở đây có đông người là con nhà võ có danh tiếng, ngài nên nhẹ tay để giữ thể diện cho ngài ấy."
Hai lão già đều nghe tôi nói như thế, có lẽ họ sẽ chỉ đánh hời hợt thôi. Tự nhiên tôi thấy mình thật thông minh.
Hai cây gậy va vào nhau, Lý Thường Kiệt xoay cây gậy trong tay và vung nó vào vai Thái sư. Lý Đạo Thành đưa thân gậy ra đỡ đòn và chọc mũi gậy vào ngực Thái úy, Lý Thường Kiệt lùi lại, ông nắm đuôi cây gậy và quét rộng, Thái sư lùi khỏi tầm, Thái úy nhảy tới vung gậy xuống đầu Thái sư. Người đàn ông già đặt ngang cây gậy đỡ đòn.
"Thái úy!"
"Thái sư!"
Quân sĩ đang đứng gác cũng chăm chú xem trận đấu và hò reo cổ vũ.
Đến lúc trời chạng vạng, hai người họ vẫn bất phân thắng bại.
"Được bao nhiêu hiệp rồi?" Tôi hỏi tên lính bên cạnh.
"Bẩm bệ hạ, hơn hai trăm hiệp ạ."
"Ta xem thì mỏi cả mắt, thế mà tay họ vẫn chưa mỏi à?"
Cuối cùng, hai cây gậy không chịu được nữa, cả hai gãy đôi.
"Đủ rồi." Tôi bước lên sàn. Dưới ánh nắng cuối chiều, cơ thể của họ lấp lánh những giọt mồ hôi. "Nhờ hai vị, hôm nay trẫm được mở mang tầm mắt."
"Tôi nhớ tôi bảo hai ông nương tay với nhau cơ mà." Có vẻ như đấu được nửa chừng thì họ quên béng luôn.
"Thái sư, đã có tuổi rồi, mà vẫn oai dũng phi thường. Tại hạ bái phục." Lý Thường Kiệt cúi người. "Hôm nay kẻ hậu bối này cũng được mở mang tầm mắt."
"Thái úy quá lời rồi." Lý Đạo Thành cũng cúi người. "Nếu Thái úy không nhường ta, làm sao ta còn đứng vững chứ."
"Đủ rồi đủ rồi." Tôi vẫy tay cắt ngang cuộc trò chuyện của hai ông già. "Người đâu, ban rượu."
Hai vị cầm hai cốc rượu và uống một hơi cạn sạch.
"Mong hai vị, từ nay tiếp tục giúp trẫm." Tôi nói với họ. "Tiên đế băng hà khi trẫm còn nhỏ, nỗi đau này thực không từ ngữ nào có thể tả nổi. Nhưng may thay, trẫm có hai vị đều là những trung thần, mong hai vị," Tôi cúi người. "cùng trẫm nâng đỡ giang sơn Đại Việt."
"Bệ hạ!" Cả hai người quỳ xuống, những người xung quanh cũng quỳ xuống hành lễ.
"Được rồi, trẫm còn phải về phòng đọc sách. Hôm nay, thực cảm ơn hai vị."
Tối đó, khi tôi đang đọc Hán thư, phần Vũ Đế kỷ thì Thái hậu Thượng Dương bước vào điện.
"Đích mẫu." Tôi bỏ sách xuống.
"Bệ hạ, ta nghe nói, hôm nay bệ hạ đã cho Thái sư và Thái úy giao đấu." Thái hậu chẳng hành lễ, hỏi thẳng tôi. Bà ấy chưa từng quên các nghi lễ này.
"Đó chỉ là một trận đấu giao hữu thôi."
"Giao hữu? Là cái gì?"
"Ý trẫm là... Thái sư và Thái úy đều từng là võ tướng, trẫm muốn được học hỏi võ công từ họ. Vừa để mở mang tầm mắt, vừa giúp hai người họ xóa bỏ những hiềm khích lâu nay."
"Bệ hạ, rốt cuộc Người đang nghĩ cái gì vậy!?" Thái hậu quát lên.
"À, trẫm..."
"Thái úy là chiến thần đương thời, được tiên đế trọng dụng. Thái sư tuổi đã cao, lỡ chẳng may, Thái úy có âm mưu hãm hại Thái sư, thì Lý Thường Kiệt kia hoàn toàn có thể đổ lỗi rằng hắn đang làm theo chỉ thị của bệ hạ, giúp bệ hạ mở mang tầm mắt. Đến lúc đó, Bệ hạ sẽ mất đi Thái sư đầu triều, Thái úy sẽ thừa cơ chiếm lấy quyền lực. Bệ hạ muốn có một kẻ chuyên quyền sao? Bệ hạ muốn mình như Tần Nhị Thế, như Hán Hoàn Đế (2) sao!?"
"Chứ người muốn con giống ai? Lưu Anh hay Vũ Văn Xiển (3)?" Tôi gắt lên.
"Bệ hạ!" Thái hậu tức giận quát lên. Nhưng bà không làm được gì tôi vì tôi là vua nên đành rời khỏi điện, mặc cho tôi đứng hình ở trong phòng.
Một lúc sau, đến lượt Hoàng thái phi bước vào.
"Mẫu phi!" Tôi đứng dậy ngay lập tức.
"Bệ hạ, nghe nói hôm nay Thái úy và Thái sư đã giao chiến dưới sự chỉ thị của Bệ hạ sao?"
"V... vâng." Tôi ngồi xuống. "Con chỉ là, muốn hai người họ..."
"Hiện tại họ đang ở hai phe đối lập nhau, chỉ một sơ sẩy nhỏ thôi cũng có thể khiến một trong hai vong mạng. Tất nhiên, trong tình huống này, mất đi một trong hai người họ đều là vấn đề của cả quốc gia chứ không riêng gì bệ hạ hay ta."
"Hay Thái hậu?" Tôi vô tình nói thêm.
"Thái hậu có tới đây sao?"
Tôi kể lại mấy câu ngắn ngủi Thái hậu và tôi trao đổi mới một lúc trước.
"Thái hậu sợ rằng Thái úy đả thương Thái sư sao?" Mẹ tôi nhìn ra bên ngoài cửa sổ trầm ngâm.
"Ngày trước, Thái sư và mẫu phi có quan hệ rất thân thiết, sao bây giờ,"
"Thái sư chưa từng ủng hộ ta." Mẹ tôi quay lại nhìn tôi. "Ông ta chỉ về phe một thứ duy nhất: sự chính thống."
"Hả?"
"Việc ông ta giúp ta trị quốc khi tiên đế thân chinh là vì Thái hậu đã đồng ý. Còn lần này," Mẹ tôi ngồi xuống trước mặt tôi. "việc buông rèm nhiếp chính chỉ dành cho Thái hậu và ấu chúa. Ta hoàn toàn không có cái đặc quyền ấy."
"Nhưng, con thấy mẹ có năng lực hơn Thái hậu mà."
"Năng lực? Năng lực thì là gì so với địa vị, thế lực và tiền tài? Ta không phải chính thất của Thánh Tông. Ta không có thế lực chính trị chống lưng, ta chỉ là một con bé nông dân ở nông thôn được Thánh Tông đón vào cung thôi."
"Nhưng những chuyện này thì liên quan gì đến việc học võ của con?"
"Đơn giản thôi. Nếu đây là một âm mưu để ám sát Thái sư, thì khi đó phe cánh của bà ta sẽ giảm sút cực mạnh. Việc Thái úy đích thân dạy võ cho bệ hạ, chẳng qua là vì chính bệ hạ ra lệnh. Nếu không, đừng mong Lý Thường Kiệt đó được tới cấm cung mỗi ngày như thế."
"Rốt cuộc thì mẹ và Thái hậu đấu đá nhau vì điều gì?" Tôi gắt lên. "Mọi người cùng đoàn kết với nhau không phải sẽ tốt hơn sao?"
"Đoàn kết?" Mẹ tôi trừng mắt rồi khẽ liếc xung quanh như thể sợ ai đó nghe thấy từ đó. "Người nghĩ ta không muốn sao? Ta cũng muốn cùng Hoàng đích mẫu của người buông rèm nghe chính sự lắm chứ. Nhưng ta được phép ư?"
"Nhưng..."
"Bệ hạ." Thái phi Ỷ Lan đập bàn. "Người quá ngây thơ."
"Mẹ, con thực sự, muốn cùng cả mẹ, và Thái hậu,"
"Muốn?" Thái phi nhướn mày. "Người nghĩ người chỉ cần muốn là được? Người chỉ được phép lựa chọn mà thôi. Một là Thái hậu, hai là ta. Thế thôi!"
"Tại sao lại phải chọn một trong hai kia chứ!?"
"Vì đó là bắt buộc."
"Trẫm là Thiên tử!" Tôi hét lớn. "Trẫm lệnh cho cả hai người hòa hợp với nhau!"
"Bệ hạ!" Mẹ tôi, giống Thái hậu, quát tôi một cái rồi bực tức bước ra khỏi điện.
Vài hôm sau, tôi vẫn ngồi chơi trên ngai vàng như thường ngày. Tôi chẳng nghe các quan nói gì hết mà cứ mãi suy nghĩ làm cách nào để mẹ mình và Thái hậu có thể cùng nhau hợp tác.
"Bệ hạ! Thái hậu!" Một người lính lao vào với vẻ hớt hải.
"Có chuyện gì vậy?" Thượng Dương Thái hậu hỏi.
"Hoàng thái phi và Thái úy dẫn quân tới đòi Thái hậu phải nhường lại vị trí nhiếp chính cho Thái phi."
(1) Hai ông này có giao đấu. Nhưng là trong một tiểu thuyết được viết sau thời điểm này khoảng vài trăm năm.
(2) Hai ông này đều gặp tình trạng hoạn quan chuyên quyền, dẫn đến triều đại suy vong. Thượng Dương Thái hậu đang nhắc Lý Nhân Tông rằng Lý Thường Kiệt chỉ là một hoạn quan và tác hại của việc trọng dụng hoạn quan.
(3) Hai vị vua cuối cùng của Tây Hán và Bắc Chu. Đều bị ông ngoại của mình soán ngôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top