Cung đấu?


Tôi họp mặt các tướng lĩnh trên một chiếc thuyền giữa sông Như Nguyệt. Sông Như Nguyệt bây giờ là sông Cầu. Một nghìn năm trước nó rộng hơn bây giờ. Có lẽ do phù sa bồi lấp trong suốt cả nghìn năm. Hai bên bờ sông là những cánh rừng um tùm. Những con đường để đi từ các xứ phía bắc tới Thăng Long đều sẽ phải đi ngang qua con sông này. Trên sông có rất nhiều bến đò để giúp người dân sang sông. Từ sông Như Nguyệt đi tới kinh thành Thăng Long chỉ mất có nửa ngày cưỡi ngựa.

"Phòng tuyến của ta, sẽ kéo dài từ vùng núi Tản Viên kéo dài tới ngã ba sông Như Nguyệt nối với sông Thái Bình và sông Thiên Đức." Lý Thường Kiệt trình bày trên sa bàn. "Hai bên bờ sông Như Nguyệt có nhiều rừng rậm và núi. Những nơi ấy khó mà qua sông được."

"Thái úy," Một tướng trẻ trông trạc tuổi Lê Văn Thịnh lên tiếng. "nếu giặc nhắm đường vòng thì sao?"

"Đường vòng qua vùng Tam Đảo quá hiểm trở. Nếu đi đường ấy chẳng những nguy hiểm, còn có lợi cho ta. Còn đi vòng ra đường sông Thái Bình cũng quá xa, quân giặc mệt mỏi, ta đánh tất thắng."

"Thái úy," Hoằng Chân Hầu Lý Hải Dương lên tiếng. "tại hạ có ý này."

"Quân hầu cứ nói."

"Vùng ngã ba sông Thiên Đức, Như Nguyệt và Thái Bình tuy là có lợi thế cho ta, nhưng giặc muốn tiến qua cũng không phải là quá khó khăn."

"Quân hầu có kế sách gì?"

"Thái úy," Hoằng Chân Hầu chắp tay. "tại hạ xin nguyện đứng ra chặn giặc nơi này."

"Tại hạ cũng nguyện đi." Chiêu Văn Hầu cũng đứng ra.

"Thái úy, hai vị quân hầu," Vị tướng trẻ khi nãy lên tiếng. "mọi người đều quên rồi sao?" Anh lấy một mô hình chiếc thuyền đặt lên cửa sông Bạch Đằng. "Thủy quân nhà Tống."

Mọi người há hốc mồm kinh ngạc.

"Tuy nhà Tống trọng văn khinh võ, nhưng quân sĩ của họ không hề nhu nhược như đám văn nhân." Anh ta phân tích. "Với sức mạnh kinh tế của nhà Tống thì một hạm đội vài trăm chiến thuyền mất vài tháng chuẩn bị là cùng. Hơn nữa, nếu không có thuyền, quân Tống sẽ rất khó khăn trong việc vượt sông và tiến đánh vì nước ta có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Đoàn thuyền ấy cũng có thể chở lương thực và khí giới, nếu không đánh chặn, chúng ta sẽ gặp bất lợi."

"Sao ta có thể quên một chuyện quan trọng như thế chứ!?" Lý Thường Kiệt vò đầu.

"Thái úy, việc chặn địch ở cửa sông Bạch Đằng, cứ giao cho tại hạ." Anh chàng ấy cất tiếng.

"Nhưng mà," Lý Thường Kiệt nhìn anh ta từ đầu tới chân. "cậu là ai thế?"

"Đúng rồi, cậu là ai thế?"

"Sao cậu lại ở đây?"

"Sao chúng tôi chưa từng gặp cậu?"

Mọi người nhìn anh ta như người xa lạ. Tôi còn chẳng nhớ anh ta là ai. Anh có mái tóc đen cột đuôi ngựa ngắn, đôi mắt sắc sảo và thân hình có phần thư sinh hơn là võ tướng. Và hình như tôi gặp anh ta rồi. Nhưng tôi không thể nhớ ra anh ta.

"Bệ hạ, các vị tướng quân," Lê Văn Thịnh run bần bật cố nín cười. "đây là Lý Kế Nguyên. Anh ấy đỗ kỳ thi năm Thái Ninh thứ tư, đứng thư ba, sau thần và Đoàn lang. Hiện tại đang giữ chức Trung lang tướng."

"Thứ lỗi cho thần." Anh quay về phía tôi và quỳ xuống. "Thần, Trung lang tướng Lý Kế Nguyên, được Thái hậu chiếu cố cho phép tham gia bàn chính sự cùng các tướng."

Mọi người bắt đầu mờ mờ nhớ ra.

"Khanh chính là, người đã trả lời câu hỏi con dao của trẫm đó à?" Tôi nhận ra rồi. Hắn là tên đã nói rằng mình cần bảo vệ xã tắc chứ không phải mình tôi. Hóa ra là võ tướng, thảo nào ngông đến thế. "Bình thân đi."

"Tạ bệ hạ." Lý Kế Nguyên đứng dậy và quay sang Lê Văn Thịnh. "Cảm tạ Lê Thị lang đã nhớ đến tại hạ."

"Trung lang tướng khách sáo rồi." Lê Văn Thịnh đáp. "Anh trả lời được câu hỏi mà ta không thể nghĩ ra, tất nhiên ta phải nhớ rồi."

"Nhưng anh được Thái hậu chiếu cố sao?"

"Thái hậu quả là bậc Quan Âm, nhớ tới một kẻ như hạ thần, còn cất nhắc thần vị trí cao và cho phép thần tham gia bàn luận chiến sự." Lý Kế Nguyên tâng bốc mẹ tôi lên chín tầng mây.

"Trung lang tướng," Tôi chỉ vào bản đồ chiến dịch. "anh có đảm nhận được nhiệm vụ này không?"

"Thần nhất định sẽ làm tròn trách nhiệm!"

"Tốt!"

"Bệ hạ!" Hai người bước ra trước mặt tôi.

"Thần Hoằng Chân Hầu,"

"Thần Chiêu Văn Hầu,"

"xin được chặn đánh quân thù ở cửa sông Thiên Đức!"

"Được!" Tôi cười toác mang tai và đứng phắt dậy. "Chư tướng nghe lệnh!"

"Chúng thần xin đợi lệnh!" Tất cả quỳ xuống.

"Cương thổ nước ta do tổ tiên để lại. Chúng ta quyết không để mất một tấc đất nào!"

"Bệ hạ vạn tuế!"

Đó là chuyện xảy ra trước khi tôi nam chinh mấy ngày.

-

Hiện tại, ở hữu ngạn sông có một thứ trông mới toanh.

"Hoàng huynh!" An Dân dựa vào lan can thuyền tròn mắt mắt nhìn bức tường trên bờ sông đang được xây dựng. "Cái gì thế kia?"

"Ta gọi là, Phòng tuyến sông Như Nguyệt."

Bức tường cao hơn hai mét được xây bằng đá. Dưới lòng sông là vô số cạm bẫy. Quân lính đang hùng hục dựng cọc tre, đào hầm chông và chuẩn bị cả cung nỏ. Ước gì tôi có thể dựng được bê tông thì tốt biết mấy, nhưng một thằng học sinh như tôi thì làm quái gì biết trộn bê tông.

Tôi đã nói rằng quân lính của Đại Việt khác biệt hoàn toàn với lính trong phim cổ trang Tàu chưa?

Trước hết, tổ chức quân đội được chia thành hai loại, bao gồm quân trung ương và quân địa phương. Ngoài ra, lực lượng thổ binh của các tù trưởng miền núi cũng là một lực lượng nòng cốt trong chiến tranh du kích.

Ông cố tôi, vua Lý Thái Tổ, trước khi lên ngôi là Điện tiền chỉ huy sứ, đứng đầu cấm quân. Đến khi lên ngôi, Người đặt ra Tả hữu túc xạ gồm một nghìn người theo hầu vua. Cha tôi khi đặt ra tám quân hiệu, Ngự Long, Vũ Thắng, Vạn Tiệp, Long Dực, Thần Điện, Bổng Thánh, Bảo Thắng và Hùng Lược. Đặc biệt, họ được thích lên mặt ba chữ Thiên tử quân và còn được xăm hình rồng lên người. Dân thường không được xăm hình rồng đâu.

Và nhìn đi, Kiểm hiệu thái úy Lý Thường Kiệt đang đánh nhau với một con cá sấu dài mét rưỡi. Ông ấy đấm vào má con cá sấu khiến nó văng sang một bên rồi túm đuôi con vật và nện nó xuống đất. Con cá sấu cố bò đi, Lý Thường Kiệt đấm mạnh vào đầu nó. Binh lính đứng hò reo.

Về cơ bản thì lên núi đánh hổ xuống sông đánh cá sấu là môn thể thao được yêu thích của con nhà võ. Ngày xưa tôi cũng nghe phụ hoàng kể chuyện Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đả hổ bằng tay không.

Ờm, không phải tôi nghi ngờ khả năng văn chương của Thánh Tông Hoàng đế đâu, nhưng qua giọng điệu của ông ấy, các bạn sẽ hình dung "đánh hổ bằng tay không" chẳng khác gì thanh niên bây giờ ra đầu ngõ chọc chó.

Nhìn xem, binh lính đánh cá sấu có khác gì mấy ông Tây Ban Nha đấu bò tót không? Các bạn nghĩ người thường bơi được với cá sấu hả? Đâu phải ai cũng là Yết Kiêu.

"Bệ hạ."

Phía sau tôi có hai người con gái trong bộ trang phục lộng lẫy màu vàng và đỏ bước tới.

Nào, bao nhiêu chương rồi họ mới lại xuất hiện nhỉ? Vâng, đó là hai vị hoàng hậu của tôi. Bùi Thị Ngọc Hoa – họ hàng của Thượng Dương Thái hậu và Nguyễn Thị Vy – cháu họ xa của Lý Đạo Thành. Mặc dù tội trạng của nhà họ Dương đã được định nhưng mẹ tôi không diệt cả ba họ nhà họ.

"Hai nàng cũng đến đây à?" Tôi mỉm cười.

"Bệ hạ vạn tuế." Họ cúi đầu hành lễ. "Minh Nhân Vương thiên tuế."

"Chị dâu." An Dân khẽ cúi đầu. Đúng là trẻ con chẳng kiêng dè xưng hô gì hết nhỉ.

"Bệ hạ, lúc nãy thần có gặp một thương nhân." Vy nói, người hầu đi bên cạnh đưa lên một chiếc khay. "Và mua được một món đồ từ La Mã."

Tôi nhìn cái "đến từ La Mã", nó y chóc cái vòng vàng tôi mua ngoài chợ năm trước.

"Nàng," tôi ngơ ra một lúc. "nàng mua nó giá bao nhiêu thế?"

"Cũng không đắt lắm ạ." Vy ngây ngô đáp. "Chỉ bằng giá mua hai ba người hầu thôi."

"Nàng có thể gọi ông ấy đến gặp ta không?" Tôi dịu dàng mỉm cười xoa đầu Vy.

"Vâng!" Vy lập tức quay đi.

Không phải tôi cố ý thồn cơm chó đâu. Nhưng dụ trẻ con thì cần phải làm thế. Thật đấy. Tôi xem Vy như em gái, con bé hoạt bát dễ thương và rất nhạy về mấy con số. Con bé tính nhẩm nhanh gần bằng tôi đấy.

"Bệ hạ, thần nói chuyện riêng với Người được không?" Ngọc Hoa hỏi.

Chúng tôi đứng bên mạn thuyền trông ra tả ngạn sông Như Nguyệt.

"Bệ hạ, thần đang lo lắng cho Vy." Ngọc Hoa nói.

"Lo lắng?"

"Con bé còn quá nhỏ, đôi khi suy nghĩ không được..."

"Chín chắn?" Tôi gợi ý.

"Vâng." Hoa thở dài. "Từ nhỏ con bé đã được sống trong sự quan tâm chiều chuộng của mọi người nên... con bé có đôi chút ích kỷ. Thần đã luôn xem con bé như em gái, nhưng thực sự là con bé vẫn đang còn ở tuổi ăn tuổi chơi, thần e là sau này lớn lên, Vy dễ có những hành động sai lầm."

Khoan đã khoan đã khoan đã!!!

Đây là cung đấu đấy à!?

Hoa đang cố đá đít Vy ra khỏi hậu cung sao!? Cô ấy đang cố tranh sủng sao? Tôi đã đi từ cung đấu lên đến chính biến và suýt bị giết đây này. Tha cho tôi đi, tôi không cần thêm một cuộc cung đấu nào nữa đâu! Các bạn thích cung đấu thì đi mà xem phim Tàu ấy, tôi chẳng ham bị kiếm kề lên cổ thêm lần nữa đâu.

Nhân nhắc đến cung đấu, tự nhiên tôi lại nhớ đến bà cố tôi.

Bà cố tôi là Lập Giáo Hoàng hậu Lê Thị Phất Ngân, vợ vua Lý Thái Tổ, là một trong những hoàng hậu đầu tiên của triều Lý. Nhưng hãy nhìn những người xung quanh bà mà xem. Cha bà (Lê Hoàn) là vua, chồng cũ mẹ bà (Đinh Bộ Lĩnh) là vua, anh trai cùng cha khác mẹ của bà (Đinh Toàn) là vua, em trai bà (Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh) là vua, ông ngoại bà (Dương Tam Kha)(1) là vua. Chồng bà ( Lý Thái Tổ) cũng trở thành vua.

Thử tưởng tượng bà ấy là nhân vật trong phim cung đấu xem, các cô nhân vật chính kia có mà xách dép về quê hết.

Rồi, nhìn lại Hoa xem. Cô ấy là họ hàng của tội thần. Tất nhiên, mẹ tôi không muốn xử tội, nhưng trong đám cung nữ thái giám hầu hạ nàng mỗi ngày quá nửa là người của khu mật xứ và gián điệp mẹ tôi cài vào đấy. Lớ ngớ một cái là bay đầu ngay.

"Thế, giữa Vy và nàng, ta nên lo lắng về ai hơn?" Tôi nhướn mày hỏi.

"Dạ?"

"Vy là cháu của Thái phó, còn nàng là ai?"

"Thần..."

Nghe hơi quá đáng, nhưng tôi nhắc lại, Hoa là họ hàng của kẻ đã kề kiếm lên cổ tôi rồi đòi giết cả mẹ và em trai tôi đấy. Tuy cô ấy không hề liên quan gì đến chuyện đó, nhưng để đảm bảo cái ngai vàng vẫn ở dưới mông tôi, mẹ tôi hầu như lúc nào cũng theo dõi nhất cử nhất động của cô ấy.

"Thần không bao giờ quên mình là cháu của kẻ loạn tặc." Hoa nói. "Thần luôn dành tấm lòng cũng như thân thể của mình cho riêng bệ hạ. Thần chỉ... muốn tốt cho tất cả chúng ta."

"Ta hiểu mà." Tôi mỉm cười. "Vy còn nhỏ, chưa hiểu chuyện. Giống như An Dân vậy. Nhưng em trai trẫm đang nỗ lực trở thành một vương gia tài giỏi để giúp trẫm trị quốc. Chẳng lẽ nàng không dạy dỗ đứa em gái kia của nàng trở thành một người con gái tốt sao?"

"Thần vẫn luôn cố gắng..."

"Các nàng hòa thuận, ấy mới là giúp trẫm." Tôi xoa đầu Ngọc Hoa. Thú thực là tôi ít khi làm thế này. Tôi chỉ xoa đầu cô ấy khi cô ấy giải được bài tập hệ thức lượng thôi. Mà xoa đầu một người cao hơn mình cũng hơi khó, thật đấy.

"Lâu lắm rồi bệ hạ mới xoa đầu thiếp." Tôi thề là cô bé đang đỏ mặt.

"Ừ, từ lúc ta đi Tống, công việc ngập đầu, chẳng sang học với các nàng được." Tôi thở dài. Thực ra lý do tôi dạy họ cũng là để không bị quên những kiến thức trường lớp, phòng khi còn quay lại thế kỷ XXI.

"Bệ hạ xoa đầu thiếp tiếp đi." Hoa cúi đầu bặm môi. Tôi cũng bắt đầu thấy ngượng. Nhưng làm gì có ai ở đây.

"Được rồi." Tôi xoa đầu con bé.

"Bệ hạ khen thiếp đi."

"Hoa của ta ngoan lắm." Mặt tôi lúc này chắc cũng đỏ như quả gấc.

Phía sau tôi có tiếng động. Khi tôi quay lại, có sáu con mắt đang nhìn chằm chằm vào tôi.

"Mẹ! An Dân! Vy!" Tôi hùng hổ bước về phía họ. "Sao mọi người..."

"Hoàng huynh," An Dân cười toác mang tai. "cái này gọi là gì nhỉ?"

"Bệ hạ bảo đây là ngôn tình." Vy nói.

"Hai em nghe từ đâu hả?"

"Từ lúc bệ hạ xoa đầu chị Hoa." Vy đáp.

"Từ đầu ạ." An Dân đáp.

"Sao em có thể làm thế!? Sao em lại..."

"Mẫu hậu bảo là "Im lặng mà xem đi."." An Dân mách.

"Mẹ!"

"Khung cảnh thật trữ tình." Mẹ tôi ngắm sông núi đánh trống lảng.

"Tôi là trò đùa của các người à!?"


(1) Chính sử không ghi nhận Dương Vân Nga là con gái của Dương Tam Kha. Thậm chí tên của Đại Thắng Minh Hoàng hậu cũng không được đề cập đến trong chính sử. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top