Chuẩn bị.
Chiêm Thành không phải một quốc gia thống nhất. Đó là liên minh của các tiểu quốc nhỏ, trong đó bốn tiểu quốc mạnh nhất gồm Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Chế Củ là quốc vương cuối cùng của Vijaya đứng đầu Chiêm Thành. Sau khi ông ta mất, một người đến từ Sud, một tiểu quốc khác nhỏ hơn đã trở thành người đứng đầu.
"Anh đến đây với mục đích gì?" Tôi bình tĩnh hỏi chàng thanh niên vừa tự xưng là hoàng tử của nước Chiêm.
"Đây vốn là đất của người Sud chúng tôi." Anh ta nói. Giọng điệu như thể đây là nhà của hắn. Đến cả Lưu Khánh Đàm thường ngày điềm tĩnh cũng phải kinh ngạc ra mặt. "Chế Củ đã chiếm lấy đất đai của tôi rồi lại đem dâng cho các ngài. Tôi ở đây đúng rồi mà."
"Anh định ám sát trẫm?" Tôi hỏi tiếp.
"Nếu ám sát ngài mà đòi lại được quê hương thì ta cũng làm." Anh ta cười.
"To gan!" Những người xung quanh tuốt vũ khí.
"Bỏ vũ khí xuống!" Tôi hét lớn.
"Nhưng, bệ hạ..." Lưu Khánh Đàm chắn giữa tôi và Indravarman.
"Nếu hắn định ám sát trẫm thì đã làm từ lúc trẫm ở ngoài kia rồi."
"Bệ hạ anh dũng thật đấy."
"Tôi đang sợ vãi ra quần đây này."
"Chúng ta đều là người sẽ đứng đầu quốc gia."
Tôi hít một hơi thật sâu và bước tới, cách Chế Ma Na đúng hai bước chân. Đứng gần anh ta cảm giác rất run, nhưng tôi tự cắn vào miệng để giữ bình tĩnh. Anh ta có thể dễ dàng đoạt mạng tôi trong tình huống này, nhưng để có được sự tin tưởng, tôi cần làm thế thôi.
"Bỏ qua mấy trò đùa nhạt nhẽo đi. Vào thẳng vấn đề, Chế Củ đã dâng miền đất này cho phụ hoàng trẫm, bây giờ nơi này là đất của Đại Việt. Anh định làm gì?"
"Các ngài vừa mới xuất một đạo quân mười vạn binh mã đánh chiếm tới tận Ung Châu nước Tống." Indravarman nhún vai. "Các ngài nghĩ nếu như Chiêm Thành, Đại Lý, Đại Tống, và Chân Lạp bốn nước cùng xuất quân, thì mất bao lâu để san phẳng Đại Việt?"
"Anh nghĩ thế ư?" Tôi nhìn anh ta bằng ánh mắt thương hại.
"Đúng, ta nghĩ như thế đấy." Hắn đáp lại tôi bằng giọng điệu đe dọa.
"Pha này toang rồi."
Vốn dĩ tôi định dọa cho anh ta sợ và quy phục, nhưng nếu bị bốn nước bu lại đánh hội đồng, chúng tôi gần như không có lấy một cơ hội nào. Liệu Đại Việt có thể chống chọi được một cuộc tấn công của bốn nước?
Đây là một câu hỏi khiến cả vua Lý Thánh Tông đau đầu.
"Tuy nhiên, ta lại không thể làm như thế." Indravarman thở dài.
"Cái gì?" Tôi chau mày.
"Nếu như Hoàng đế của Đại Việt đã thân chinh ở đây, thì tức là ở kinh thành Thăng Long kia, các ngài đã có một ai đó vô cùng tài giỏi đang chèo lái con thuyền đất nước." Anh ta nhìn Lưu Khánh Đàm. "Ta thích cụm từ "con thuyền đất nước" này đấy."
"Vậy anh đến gặp ta, chắc chắn không dừng lại ở mấy cái công trình kiến trúc đâu nhỉ." Tôi quay lại bàn đưa anh ta đĩa trầu.
"Đúng." Indravarman ngồi khoanh chân xuống và bốc lá trầu lên ăn. Tôi cũng ngồi xổm xuống đối diện anh ta. "Hiện tại, chúng ta với Chân Lạp đang có một số tranh chấp."
Dù đang nói, nhưng tôi thấy rõ mặt anh ta đang nhăn nhúm lại vì vị cay của lá trầu.
"Cho đáng đời cái tội dọa ta." Tôi cười thần trong lòng. Tục ăn trầu chỉ có ở người Việt và các dân tộc miền núi phía bắc. Tên này làm sao biết miếng trầu là phải bao gồm cả cau với lá trầu quét vôi và vỏ cây chay.
"Thế chiến sự thế nào?" Tôi ngồi hẳn xuống. Lưu Khánh Đàm đặt ấm chè bên cạnh tôi.
"Cũng... tàm tạm..." Trên má anh ta có một giọt nước mắt. "Nhưng chúng ta ở đây thì bàn vấn đề ở đây đi."
Tôi từ từ rót nước, cố tình trêu tức hắn. Nhắc mới nhớ, ở đây không có thuốc lào. Bà tôi vẫn thường bảo, ăn trầu là phải có thêm cái điếu cày.
"Thế anh muốn thế nào?" Tôi đưa tách trà cho hắn. Hắn cũng khá lắm, vẫn giữ được bình tĩnh và đón lấy tách trà. Nhưng hành động uống vội của hắn đã khiến ai đó phía sau tôi phì cười.
"Tôi muốn hỏi, ngài có thể bảo đảm cho người dân của tôi một cuộc sống ấm no hay không?"
"Anh không muốn chiếm lại đất đai của mình à?" Tôi hỏi và quét vôi lên lá trầu.
"Chỉ cần ngài cho họ một cuộc sống ấm no là được." Indravarman trố mắt nhìn tôi cho trọn miếng trầu vào miệng.
"Anh không nghĩ ta sẽ lấy họ làm con tin sao?" Tôi hỏi khi đang nhai trầu. Cũng như nhai mía thôi. Chỉ là vị của nó kinh khủng hơn rất nhiều. Nhưng nhai nhiều thì sẽ quen.
"Con tin? Nếu họ là con tin, thì tiền chuộc là bao nhiêu?" Indravarman hỏi.
"Điều mà cả hai chúng ta đều muốn." Tôi nhổ toẹt bã trầu ra đất.
"Hòa bình." Cả hai đồng thanh.
Đám loạn dân bên ngoài doanh trại sau khi nghe Indravarman trình bày lại sự việc thì vui mừng khôn xiết và kéo nhau đi đàn ca nhảy múa.
Tối hôm sau, Thái úy cũng trở về từ biên giới.
"Về vấn đề thu nhận đám dân Chiêm đó," Thái úy nêu ý kiến. "thần nghĩ cứ để họ tự trị lẫn nhau ở đây thế này là không ổn."
"Đúng thế," Lưu Khánh Đàm nói. "Nhưng nếu để một người thiếu tầm nhìn đến đây cai quản thì cũng không ổn."
"Chúng ta cần một người vừa thông tuệ văn hóa Việt, vừa hiểu biết và có lòng bao dung." Một người nói.
"Bệ hạ," Một người lính vào báo. "có thánh dụ từ Thái hậu."
"Cho vào!" Tôi vội nói.
"Hoàng huynh!" An Dân nhảy chân sáo vào lều. Đi sau thằng bé là một thiếu niên có đôi mắt gian manh khá giống Lưu Khánh Đàm nhưng nụ cười dịu dàng hơn. Và tôi nhớ là đã gặp cậu ta rồi.
"An Dân!"
"Minh Nhân Vương!" Cả doanh trướng cúi người vái cậu bé bảy tuổi.
"Sao... sao em lại tới tận đây?" Tôi kéo một chiếc ghế nhỏ ra.
"Thần đệ," Thằng bé lắc tờ chiếu trên tay. "mang theo thánh dụ từ Thái hậu."
Toàn bộ doanh trướng quỳ xuống chờ nghe thánh dụ. Cả tôi cũng phải quỳ.
"Thừa thiên hưng vận, Thái hậu chế viết." Giọng nói trong trẻo ngọng líu ngọng lơ của đứa bé sáu tuổi cầm tờ thánh chỉ vàng nghe có hơi buồn cười nhưng không ai dám cười. "Ba xứ phương nam do Thánh Tông Hoàng đế đem gươm đi mở mang bờ cõi mà có được. Đó vốn là đất của..."
"Người Man." Người thiếu niên kia nhắc.
"...của người Man!"
Tờ thánh dụ mất một lúc lâu mới đọc xong vì có nhiều chữ An Dân chưa học. Đại ý là thế này: ba xứ ấy là đất man nên hỗn loạn khó quản. Lại còn giặc cướp, thú dữ và thiên tai, cần người có tài năng và đức độ đủ lớn và cả năng lực cầm binh để chuẩn bị cho những trường hợp bất trắc nơi biên phòng. Nhân sự đã được lựa chọn xong xuôi cả rồi.
Tôi ngước nhìn thiếu niên bên cạnh An Dân, anh ta là Lưu Khánh Ba, em trai của Lưu Khánh Đàm.
"Khánh Ba dẫn em tới đây đấy!" Thằng bé khoe.
Chưa kịp nói thêm gì, ngoài lều lại có tiếng nói vọng tới.
"Thái phó đến!"
Một lão già râu tóc bạc phơ chống gậy bước vào doanh trướng. Bên cạnh còn có một người hầu đang đỡ. Cặp kính của ông lấp lánh dưới ánh đèn dầu.
"Thái phó!" Cả doanh trướng lại chào.
Sau khi ngồi xuống vị trí chỉ ở dưới tôi và An Dân, Thái phó Lý Đạo Thành cầm lấy cốc trà và thổi.
"Thái hậu lệnh cho lão thần tới để bàn giao trách nhiệm."
"Thái hậu lệnh cho ngài?"
"Nếu đây đã là đất của ta, thì cũng nên để dân ta tới ở. Đồng thời đưa một số con em người Chiêm tới đất Việt ở để củng cố quan hệ giữa hai nước. Vua Chiêm phía nam biết dân Chiêm đất bắc không phải chịu khổ nhục sẽ tự động cảm ân đức của ta. Tất nhiên là chỉ ở phía nam Hoành Sơn để dễ kiểm soát."
Lý Đạo Thành nhấp một ngụm trà.
"Đó là lý do, nhân sự phương nam sẽ cần những người có năng lực trị an, vừa có năng lực quân sự để có thể chuẩn bị cho mọi trường hợp."
"Thái phó đã lựa chọn được rồi chăng?" Lưu Khánh Đàm hỏi.
"Đúng thế." Lý Đạo Thành dộng cây gậy xuống đất.
"Cho gọi Trần Kỵ úy và Phí Ngự sử!"
Hai người bước vào, một người mặc áo quan và một người mặc áo giáp.
"Bệ hạ vạn tuế!" Cả hai quỳ vái tôi.
"Phong Phí Nguyên làm Châu mục Bố Chính lo việc trị dân, Trần Quỳnh làm Kỵ úy lo việc binh. Cả hai mau chóng nhậm chức." Lý Đạo Thành phong chức cho họ.
"Thần, khấu tạ long ân!" Cả hai vái tôi và lùi về cuối doanh trướng.
"Cho gọi Vũ Đại phu và Quách Lang tướng."
Hai người khác bước vào vái tôi.
"Phong Vũ Trung Siêu là Châu mục Lâm Bình lo việc an dân, Lang tướng Quách Mãn lo việc binh. Cả hai nhanh chóng nhậm chức."
Lâm Bình khi trước có tên Địa Lý. Nhưng vì dễ nhầm với khái niệm Địa lý nói chung nên cha tôi đã cho đổi tên.
"Thần khấu tạ long ân!"
"Cuối cùng là Minh Linh." Tôi lẩm bẩm. "Nơi này là biên cương, cần có tướng tài. Dân cư khó quản, cần người có đức lớn. Hơn nữa cũng cần người giám sát xây dựng cảng biển và việc giao thương nữa."
"Gọi Lưu Thượng thư!"
Thượng thư Lưu Ngữ bước vào.
"Cha!" Lưu Khánh Đàm và Lưu Khánh Ba vội vái phụ thân.
"Thượng thư sao lại..."
"Bệ hạ, thần cao tuổi rồi, xin được giao lại chức Thượng thư này cho người khác. Thần muốn rời xa xứ kinh kỳ ấy về nơi quê mùa mà an hưởng tuổi già thôi."
Giờ tôi mới để ý, bố con họ có chiếc sống mũi như đúc ra từ cùng một khuôn. Nhưng đôi mắt Lưu Khánh Đàm nhỏ hơn Thượng thư, còn Lưu Khánh Ba trông cũng có phần ngây ngô. Trái với vẻ hiền hòa của người bố và em trai, Lưu Khánh Đàm mang điệu cười khinh khỉnh khiến người đối diện sởn tóc gáy.
"Phong Lưu Ngữ làm Tiết độ sứ Minh Linh. Tả vũ vệ Hà Ư, ngươi hãy tới Minh Linh quản lý việc binh, đừng để ta phải thất vọng." Lý Đạo Thành nói và nhấp ngụm trà.
"Ngoài ra, Lưu Khánh Ba, tuổi trẻ anh tài, đến Minh Linh hỗ trợ phụ thân. Lang trung Bùi Minh Giang, quản lý việc di dân, nếu đoàn di dân mất kiểm soát hay gặp bất cứ nguy hiểm gì, ta sẽ hỏi tội ngươi đấy."
"Ti chức lĩnh mệnh!" Bùi Lang trung quỳ xuống.
"Về vấn đề di dân, người nào di dân xuống ba châu miền nam sẽ được miễn thuế ba năm. Đồng thời triều đình cũng sẽ hỗ trợ lương thực và chỗ ở trong thời gian đầu."
Doanh trướng xì xầm bàn tán.
"Được rồi," Thái phó đứng dậy. "Việc của ta chỉ có thế thôi. Ta về đây."
"Thái phó đi cẩn thận!" Mọi người vái ông cho đến khi ông ra khỏi doanh trướng.
Và như thế, vấn đề cai quản ba châu miền nam đã được giải quyết xong xuôi.
"Thôi nào An Dân, Lưu Thượng thư, ý ta là Tiết độ sứ già rồi, cần có con ở bên cạnh chăm sóc chứ." Tôi nói khi cùng An Dân đi dạo trên đồi. Thằng bé có hơi hờn dỗi khi Lưu Khánh Ba sẽ rời khỏi kinh thành.
"Em biết anh để Khánh Ba đi là để anh ấy phụng dưỡng Tiết độ sứ. Cha chúng ta mất từ khi anh em mình còn quá nhỏ... em còn chẳng nhớ được khuôn mặt của phụ hoàng. Hôm qua gặp được Lưu Ngữ, em mới nhận ra, ông ấy cũng sắp gần đất xa trời rồi. Nên có con cháu bên cạnh..."
"An Dân..." Lâu nay tôi không để ý, nhưng em trai tôi trưởng thành rất nhanh. Rất ra dáng vương gia tông thất.
"Được rồi!" Tôi xoa đầu đứa em. "Lần sau, anh sẽ dẫn em đi du ngoạn!"
"Thật ạ?" Thằng bé lại sáng mắt ra.
"Nếu em không ngại xa xôi, có thể đau ốm, có thể nguy hiểm... và mẹ..."
"Đường xa, bệnh tật thì được ở bên thần tiên cũng tự khắc qua thôi." An Dân cười. Rồi nụ cười của thằng bé biến mất. "Còn mẹ thì..."
"Ừ, mẹ thì đáng sợ thật."
Mẹ chúng tôi được dân gian ví như Bồ Tát sống, nhưng riêng về dạy dỗ các con thì cực kỳ nghiêm khắc. Từ lời lẽ, cử chỉ, và cả vấn đề giờ giấc.
"Nhưng em đừng lo." Tôi nói với An Dân. "Ta là Hoàng đế, em là vương gia. Hai chúng ta đều cần có những trải nghiệm cuộc sống để thấu hiểu dân tình thế sự. Rồi chúng ta cũng phải đi làm này làm kia thôi."
Tôi mỉm cười thở dài.
"Sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng mẫu hậu với bá quan make it complicated. Nên là chúng ta cứ enjoy cái moment này thôi."
"Vâng."
Tôi đảm bảo sau tiếng vâng đó là cả tá những dấu hỏi chấm.
"Bệ hạ," Lưu Khánh Đàm cắt ngang chúng tôi. "Sứ giả của Thái hậu từ Thăng Long báo tin, binh mã nhà Tống lại chuẩn bị rồi ạ."
"Đã chuẩn bị rồi sao?" Tôi hỏi, cũng không ngạc nhiên lắm. Bởi tôi đã nghĩ nó sẽ xảy ra sớm hơn. "Tình hình thế nào?"
"Nhà Tống đã xin hòa hoãn với các nước phương bắc và chuẩn bị quân mã nam tiến. Theo mật thám của ta báo về thì đầu năm sau sẽ tấn công."
"Đầu năm sau..." Tôi nhìn lên trời. "Minh Nhân Vương."
"Bệ hạ có gì căn dặn." An Dân đáp. Thằng bé này cũng thật là nhanh trí, tôi vừa gọi nó là "Minh Nhân Vương" thì nó đã đổi từ "hoàng huynh" thành "bệ hạ".
"Em đã tới sông Như Nguyệt bao giờ chưa?"
"Cũng lâu rồi em chưa tới đó ạ."
"Được, khi về Thăng Long, cả nhà ta sẽ cùng ngự thuyền dạo sông Như Nguyệt."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top