Anh hùng.

"Dạo này con có cảm thấy những mặt hàng từ phương bắc đang tăng giá không?"

Thầy Lê hỏi tôi khi cả hai đang "đi học" ở gần một khu chợ. Chuyện này mẹ tôi cho phép. Thái úy cũng nói rằng: "Bệ hạ nên gần dân chúng để hiểu được đời sống nhân dân."

"Con cũng có thấy." Tôi cắn một miếng bánh. "Biên giới có chuyện à?"

"Nhóc không biết đó thôi." Người thương nhân nói với tôi. Tôi không thấy vấn đề gì khi ông ta gọi tôi là "nhóc", nhưng hình như thầy tôi thì có. "Nhà Tống đang đóng cửa biên giới, bây giờ người mình chẳng qua được mà người bên kia cũng chẳng về được."

"Sao tự nhiên lại đóng cửa biên giới?" Tôi hỏi.

"Ai mà biết. Chắc lão họ Vương kia lại có cải cách gì đó rồi." Ông ta đáp một cách bực dọc.

"Thế những mặt hàng này..." Tôi đưa tay về phía những mặt hàng đang bày bán. "ông nhập lậu à?"

"Thì mình phải linh hoạt chứ." Ông ta cười.

Tôi nhìn thầy giáo và ra hiệu, nhờ anh ta gọi quan phủ điều tra tên này.

"Bệ hạ, người nghĩ sao về chuyện này?" Lê Văn Thịnh hỏi tôi khi hai thầy trò về đến Văn Miếu.

"Sắp có chiến tranh rồi." Tôi khẳng định.

"Sao bệ hạ lại nghĩ thế?"

"Nhà Tống đang gặp nhiều vấn đề biên phòng phương bắc, nên rất cần giao thương để thu thuế và bổ sung chi phí quốc phòng. Không lý nào họ lại đi làm một chuyện ngu ngốc như đóng cửa biên giới cả. Nếu có lý do cho việc đó, thì chỉ có thể là họ đang ngăn chặn một thứ gây nguy hại đến nước họ. Và đó có thể là gì ngoài thông tin cơ chứ?"

"Quá đúng là bệ hạ!" Lê Văn Thịnh sáng mắt khen ngợi.

"Bài này tôi học rất kỹ để thi học kỳ đấy." Thực ra cũng nhờ Lê Văn Thịnh đã dạy tôi một chút về binh thư nữa.

Thầy Lê nhỉnh hơn các sư thầy kia ở chỗ là anh ta rất rành binh pháp. Mới kết thúc kỳ thi Minh kinh bác học có một tháng, Lý Thường Kiệt đã gô đầu anh giáo của tôi đi và cho anh giữ chức Thị lang. Chức Thị lang này là phụ giúp cho Thượng thư giống Lưu Khánh Đàm nhưng nhiệm vụ khác nhau. Lưu Khánh Đàm lo các công việc xây dựng, còn Lê Văn Thịnh làm việc quân sự. Từ tuyển quân cho đến đúc binh khí. Dù phải một lúc gánh cả hai việc nhưng Lê Văn Thịnh không hề tỏ ra lúng túng, anh ta luôn hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.

"Nhưng nếu có chiến tranh thực sự, thầy nghĩ ai sẽ là người đủ khả năng lãnh đạo quân dân ta kháng chiến?" Tôi hỏi.

"Tất nhiên, chỉ có Thái úy triều ta đủ khả năng mà thôi." Lê Văn Thịnh nói. "Thái úy là chiến thần đương thời, có thể sánh với Ngô Vương ngày xưa. Tuy nhiên, một mình ông ấy là không đủ."

"Không đủ ư?" Tôi chau mày. "Thái úy võ nghệ phi thường, trí dũng song toàn, vậy mà còn chưa đủ để đánh bại nhà Tống sao?"

"Nếu là một đội quân nhỏ, Thái úy có thể đánh. Nhưng nếu nhà Tống quyết khô máu, mình Thái úy không đủ."

"Thế phải làm sao?"

"Bệ hạ à, Đại Việt ta không phải chỉ có mình Thái úy thôi đâu."

-

Ngay trong buổi chầu hôm sau, tin tình báo bay về, quân Tống thực sự đang tích trữ lương thực khí giới ở Ung Châu và chuyển quân số lượng lớn về phía Côn Lôn Quan, sẵn sàng công đánh Đại Việt. Hóa ra chúng đã chuẩn bị từ lúc vua Lý Thánh Tông mới đánh Chiêm. Rồi sau vụ nội loạn của họ Dương thì chúng thấy thời cơ đang dần chín muồi và đã đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho cuộc xâm lược. Thậm chí chúng còn đang tiến hành mua chuộc các tù trưởng miền núi.

"Vương An Thạch cho rằng chúng ta vừa mới chiến tranh với Chiêm Thành xong nên không còn đủ quân để chống trả ư?"

"Sao ông ta có thể quá quắt như thế chứ?"

"Hắn cũng chưa like truyện nữa."

"Các ái khanh," Tôi gọi lớn. "về vấn đề này, trẫm thấy là hoàn toàn có lý do đấy."

Văn võ bá quan quay lên nhìn tôi.

"Vương An Thạch vốn là một tay chơi lão làng. Hắn ta nhất định là đang muốn lấy chiến tranh để nuôi chiến tranh."

"Bệ hạ," Một người lên tiếng. "Thần đánh trận hơn hai mươi năm chưa từng nghe binh thư nào nói đến kế này."

"Đây là một thuật ngữ," Tôi giải thích. "trong chiến tranh Đông Dương, Pháp đã dùng chính chiêu bài này khiến quân dân ta khốn đốn."

Tôi nhìn hai hàng quan lại, họ nghiệt mặt ra như nghe tiếng nước ngoài.

"Nói ngắn gọn, Vương An Thạch muốn sử dụng tài nguyên thu được từ chúng ta để bù đắp vào ngân khố đang dần kiệt quệ của nhà Tống. Đồng thời giúp quân sĩ phương bắc có thêm chút sĩ khí. Tình huống xấu nhất, nếu ta thua trận, ta sẽ bị bóc lột như thời Đường. Thậm chí có thể quân binh và dân phu nước ta có thể còn phải đi lên miền bắc để đánh trận."

Cái này tôi chưa học, nhưng ông bà tôi đều là chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông tôi hy sinh, bà tôi vẫn thường kể chuyện về các chiến dịch quân sự. Tôi cũng nhớ được chút chút. Quay trở lại triều đình Đại Việt, các quan lại sau khi nghe tôi trình bày về lấy chiến tranh nuôi chiến tranh thì mặt họ bắt đầu dãn ra. Nhưng rồi họ lại cau có và xì xào.

"Sao bệ hạ nghĩ ra được những thứ như thế được nhỉ?"

"Lê Văn Thịnh đã dạy bệ hạ những gì thế?"

"Một đứa trẻ có thể có được kiến thức cao siêu như thế sao?"

"Bệ hạ, thần có lời muốn nói."

Một người bước ra khỏi hàng và cúi người hành lễ với tôi. Anh ta trông khoảng ngoài ba mươi, dáng người to lớn cùng và có cái uy của một tướng quân. Các bạn tưởng tôi không biết anh ta à? Tất nhiên là tôi có biết. Đó là Chiêu Văn Hầu Lý Thái Nguyên, cháu nội của Uy Minh Vương Lý Hoảng. Uy Minh Vương là em trai vua Lý Thái Tông, vậy nên anh ta là em họ tôi.

"Quân hầu cứ nói."

"Nếu chúng ta đã sắp sửa có một cuộc đại chiến với nhà Tống, bệ hạ đã liệu được đối sách chưa?"

"Tất nhiên." Tôi mỉm cười. Những ngày học sấp mặt để chuẩn bị cho bài kiểm tra của tôi sắp phát huy tác dụng rồi. "Chúng ta sẽ đánh phủ đầu nhà Tống. Quân ta sẽ đánh thẳng vào Ung Châu."

Quần thần lại xôn xao bàn tán. Mẹ tôi ở phía sau cũng phải thì thào "Con nói cái gì thế?"

"Bệ hạ, chuyện đó..."

"Bệ hạ, đánh vào đất Tống... Từ thời Lê chúng ta cũng chỉ mới đánh phá quanh biến giới, tiến vào tận Ung Châu, chuyện này... là bất khả thi rồi ạ."

"Bất khả thi cái gì? Các khanh đã thử bao giờ chưa mà biết?" Tôi lên giọng. "Vua Lê mới lập quốc đã có đánh vào đất Tống, khiến quân thần nhà Tống sợ xanh mặt, triều ta hùng mạnh như thế này mà lại không thể xuất binh một trận dằn mặt nhà Tống sao?"

Tôi biết là tôi hơi quá lời, nhưng ít nhất thì nói thế khiến đám võ tướng có vẻ hừng hực khí thế hơn.

"Bệ hạ." Một người khác bước ra và quỳ xuống. "Thần xin được đánh trận."

Người này có gương mặt trẻ măng, cùng lắm là bằng tuổi Lưu Khánh Đàm. Anh có ánh mắt mạnh mẽ giống cha tôi và cắt tóc ngắn. Anh là Hoằng Chân Hầu Lý Hải Dương, con của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung, em ruột của Thánh Tông. Tức là em họ tôi luôn.

"Quân hầu từ từ." Tôi nói với anh ta và quay lại nhìn các triều thần. "Các vị, các vị nghĩ ai là người thích hợp nhất chỉ huy quân sĩ đánh vào đất Tống?"

Họ không ai nói được lời nào. Có lẽ vì họ đều biết ai là người thích hợp nhất.

"Bệ hạ," Thái úy Lý Thường Kiệt bước ra. "thần, xin được đánh trận."

-

"Bệ hạ thực sự giao hết quyền hành cho Thái úy ư?" Lê Văn Thịnh hỏi khi đang cùng tôi tập viết chữ.

"Tất nhiên." Tôi nói khi đang tập viết bài Đoản Ca Hành của Tào Tháo. Đây vừa là cách để rèn chữ, vừa để hiểu thêm về nhân vật ấy qua giọng thơ và chất thơ của y. Hồi xưa xem phim Tam Quốc chỉ biết Tào Tháo là gã gian hùng tàn ác háo sắc, bây giờ học về y tôi mới thấy cái chất anh hùng trong y. Tuy nhiên, tôi không đời nào muốn có một anh hùng như ông ta ở bên. "Thầy cũng bảo Thái úy là chiến thần đương thời còn gì."

"... được."

"Ngài không được vào đây đâu ạ."

"Quân hầu..."

"Chuyện gì ồn ào thế?" Tôi nhìn ra ngoài.

"Bệ hạ." Hoằng Chân Hầu Lý Hải Dương xuất hiện trước mặt tôi. Mặt anh ta nóng bừng lên. Rồi chợt nhớ ra điều gì, anh vội quỳ xuống. "Thần mạo phạm vào giờ học của bệ hạ, xin bệ hạ thứ tội. Nhưng thần có việc cần tấu."

"Ngoài Thái úy, nước ta vẫn còn rất nhiều các tướng tài khác, tại sao bệ hạ chỉ trọng dụng duy nhất mình Thái úy?" Anh ta nói sau khi tôi cho phép.

"Trẫm..."

"Bệ hạ, nếu quân quyền rơi quá nhiều vào tay một người, bệ hạ có lường được hậu quả hay không?" Anh ta cắt lời tôi.

"Được rồi." Tôi quay lại bàn học và rót một cốc trà. "Hạ hỏa hạ hỏa đi."

Anh ta nhận cốc trà nhưng chưa uống ngay.

"Bệ hạ, thần không có tâm trạng."

"Hình như là trẫm chiều em quá rồi em hư đúng không?" Tôi hỏi.

"Quân hầu," Lê Văn Thịnh đứng bên cạnh khuyên nhủ. "chú ý lời nói."

"Bệ hạ," Lý Hải Dương nói tiếp. "thần là hoàng thân quốc thích, từ nhỏ đã được luyện võ và học binh thư, chỉ mong có một ngày được dẫn quân đánh trận, bảo vệ quốc gia như cha ông. Nay bệ hạ trọng dụng đại thần, rời xa huynh đệ như thế này, có khác gì Ngụy Văn Đế với các huynh đệ ngày xưa?"

"Giờ lại lấy Tam Quốc ra dọa trẫm cơ đấy." Tôi nóng máu. "Thế giờ em đọc bốn câu cuối bài Đoản Ca Hành xem."

"Núi không ngại cao,

Nước không ngại sâu,

Chu Công thả cơm,

Thiên hạ về theo."

Hải Dương đọc lại bài thơ.

"Chu Công ngày xưa làm rơi vãi cơm khi nhai, trong lòng chỉ mong chờ tìm được hiền tài giúp nước (1). Nay trẫm đã có nhân tài và giang sơn nhất tổ nhị tông để lại, lại không biết trân quý," Tôi quay vào trong đưa tay về phía Chu Công. "làm sao dám cai trị thiên hạ này? Quân hầu đường đường là người của hoàng thất, lại đi ganh tị chỉ vì chút chuyện nhỏ nhặt này ư? Liệu quân hầu có đang định làm một loạn tam vương nữa hay không?"

"Bệ hạ quá lời." Hải Dương dập đầu xuống. "Thần ngu muội, nhất thời không hiểu chuyện, xin bệ hạ trách phạt."

"Được!" Tôi lớn tiếng và ngồi xổm xuống cạnh anh. "Nghe lời trẫm này, sau khi Thái úy thắng trận, nhà Tống sẽ đem quân sang đánh nước ta. Khi ấy, trẫm muốn khanh tận tâm tận lực hỗ trợ Thái úy bảo vệ đất nước." Tôi nhớ lại lời cha tôi đã nói với Thái úy và Thái sư trước lúc lâm chung. "Cúc cung tận tụy, đến chết không thôi."

Ánh mắt anh ta nhìn tôi như sáng lên.

"Thần xin tiếp chỉ!"

"Bệ hạ," Lê Văn Thịnh gọi tôi sau khi Lý Hải Dương đã đi khuất. "sao bệ hạ có thể khẳng định được nhà Tống sẽ lại đem quân tới?"

"Trẫm..." Tôi chỉ lên trời. "xem thiên tướng."

-

Tối hôm ấy, Lý Thường Kiệt tìm tới điện Thiên Khánh khi tôi đang ăn cơm.

"Bệ hạ thứ tội, thần lỡ làm phiền giờ cơm của bệ hạ, thần sẽ quay lại sau."

Lý Thường Kiệt quay đi.

"Thái úy, vào đây nào." Tôi ngoắc tay.

"Thái úy, không cần phải ngại đâu." Mẹ tôi cũng nói.

"Thái úy!" An Dân gọi lớn.

Cuối cùng Thái úy đành ngồi xuống ở vị trí xa nhất.

"Lại gần đây nào." Tôi ngoắc tay.

Lý Thường Kiệt từ từ xích lại gần.

Tôi xới cớm cho vào bát rồi mời Thái úy.

"Bệ hạ!" Thái úy trông rõ ràng là khó xử.

"Ừm, thế này hơi khó xử nhỉ." Tôi nhìn mọi người. "Người đâu!?"

Chờ tên thái giám tới, tôi bảo hắn mang cho tôi cái chiếu.

Vua tôi ngồi khoanh chân trên chiếu. Trên mâm chỉ có mấy món thịt cá rau canh. Về cơ bản thì ẩm thực thời này cũng không khác với thời tôi lắm. Tuy muối khá đắt đỏ nhưng đây là hoàng cung, không phải lo về chuyện đó. Dù tôi rất thèm phở, mì gói và cả trà sữa nữa.

"Ăn nhiều vào An Dân." Tôi gắp thịt cho em tôi. "Ăn nhiều mới mau lớn."

Ánh mắt Thái hậu và Thái úy chòng chọc nhìn hai đứa trẻ.

"Thái úy, việc học võ của bệ hạ và Minh Nhân Vương dạo này thế nào?" Thái hậu hỏi.

"Hồi Thái hậu, bệ hạ và điện hạ đều lanh lợi hoạt bát, nhanh chóng tiếp thu được tinh hoa võ thuật của dân tộc và cả thương pháp của Thái Tổ. Sau này nhất định có thể thân chinh dẹp giặc như tiên đế và các vương gia tiền triều."

"Thái úy cũng ăn đi." Tôi xắn một miếng cá ra và gắp cho Lý Thường Kiệt.

"Ơ, bệ hạ, thần," Lý Thường Kiệt cố tránh.

"Khanh lại không nể trẫm." Tôi tặc lưỡi.

Cuối cùng Lý Thường Kiệt đành nhận.

"Thái úy phu nhân dạo này khỏe không ạ?" An Dân hỏi.

"Phu nhân nhà thần vẫn khỏe. Tạ điện hạ quan tâm."

"Thái úy là nghĩa đệ của tiên đế, tức là nghĩa thúc của bệ hạ và bản vương." An Dân xưng hô thì có phần trịnh thượng, nhưng cái giọng nói nhí nha nhí nhảnh của đứa trẻ bảy tuổi khiến tôi suýt phì cười. "Phu nhân của ngài cũng là người nhà cô(2) thôi. Người nhà quan tâm nhau là chuyện nên làm mà."

"Điện hạ quá lời rồi. Thần tích đức ba đời mới có được vinh hạnh ấy."

"Mùa đông sắp tới rồi." Mẹ tôi đặt đũa xuống. "Phu nhân Thái úy cũng dần có tuổi, sức khỏe cũng không còn như xưa. Ta sẽ tặng khanh một ít áo ấm đem về."

"Thái hậu..." Lý Thường Kiệt ăn cơm với nước mắt.

"Thế khanh đã quyết định xong chưa?" Tôi hỏi Lý Thường Kiệt khi ngồi đánh cờ cũng ông sau bữa cơm.

"Quyết định..."

"Chiến thuật, hướng hành quân, nhân sự, quân số..." Tôi đặt quân cờ vây xuống.

"Bẩm bệ hạ, thần và các Thị lang đã sắp xếp xong hết từ mùa hè. Chỉ có phía các tù trưởng thì... Lang tướng Nùng Tông Đản đang thu xếp ạ."

Tôi nhìn ông.

"Mà, Thái úy vốn dùng binh cẩn trọng lại đồng ý với chiến thuật đánh vào nước Tống của trẫm cơ đấy."

"Ngồi yên đợi giặc sao bằng đánh trước để bẻ gãy mũi nhọn của nó."

"Là tiên phát chế nhân. Thái úy, tướng ngoài trận mạc, bất cần lệnh vua. Một khi đặt chân lên đất Tống, toàn bộ quyền quyết định sẽ nằm ở ngài. À không, ngay khoảnh khắc ngài đi qua cổng Diệu Đức(3), mọi sự sẽ do ngài quyết định."

"Thần nghe nói hôm nay Hoằng Chân Hầu đã có chút bất bình về chiến dịch này." Lý Thường Kiệt đổi chủ đề.

"Thái úy đi chấp trẻ con ư?" Tôi cười. "Tuy là Hầu tước, nhưng biểu đệ trẫm mới mười bảy tuổi, còn chưa hiểu chuyện. Hy vọng Thái úy không để bụng."

Tôi không biết Lý Thường Kiệt cảm thấy thế nào khi nghe một đứa trẻ chín tuổi nói một người mười bảy tuổi là trẻ con. Nhưng ở đây ai cũng xem tôi là người trời nên tôi cũng mặc.

"Thần đời nào dám để bụng." Thái úy mỉm cười. "Ngày còn trẻ, thần cũng ngông nghênh như thế. Tiên đế còn chững chạc hơn thần."

"Thái úy," Tôi gọi. "có muốn cùng trẫm, gánh vác giang sơn này không?"

"Là vinh dự của thần!" Lý Thường Kiệt chắp tay nói.

Tôi mỉm cười.

"Đại Việt ta thật có phúc khi có một đấng anh hùng như khanh."


(1) Một điển tích thời nhà Chu. Chu Công Đán mong có được hiền tài ra giúp nước, có người tới lúc ông đang ăn cơm, ông lập tức chạy ra đón trong khi còn đang nhai và nói chuyện thì phun cơm vào người ta. Trong bài thơ Đoản Ca Hành, Tào Tháo đã nhắc đến điển tích này.

(2) Cô (孤) là tiếng nhún mình của các vua chư hầu, được dùng bởi những người mang tước vương, nghĩa là nói tự khiêm là kẻ đức độ kém.

(3) Cổng bắc kinh thành Thăng Long.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top