ASEAN
II. Nội dung hợp tác kinh tế – thương mại của ASEAN trong giai đoạn hiện nay.
Với tổng thể nền kinh tế có quy mô lớn và dân số hơn nửa tỷ người, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN được nhận định có nhiều tiềm năng trở thành một trung tâm kinh tế sánh ngang với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga. Hiện nay, ASEAN đang tăng cường hội nhập để tối ưu hóa khả năng hiệp lực trong khu vực và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, cam kết thúc đẩy nhanh kế hoạch thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 bất chấp những thách thức từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cụ thể hợp tác kinh tế – thương mại của ASEAN trong giai đoạn hiện nay bao gồm những nội dung sau đây:
1. Hợp tác nội khối: Nội dung hợp tác chủ yếu và đặc biệt quan trọng của ASEAN là thúc đẩy tự do hóa kinh tế – thương mại và hợp tác kinh tế nội khối. ASEAN nhận thức rằng không thể hợp tác kinh tế có hiệu quả nếu không thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên trong khu vực. Vì vậy, ASEAN đã thực sự bắt tay vào việc tiến hành các chương trình hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, điều này thể hiện rõ trong sáng kiến hội nhập ASEAN và thể hiện ở một số chương trình chiến lược hợp tác kinh tế – thương mại nội khối nổi bật sau:
Về Tự do hóa thương mại hàng hóa: Nội dung của tự do thương mại hàng hóa chính là hoàn thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). ASEAN sẽ tự do hóa thương mại dựa trên việc thúc đẩy hoàn thành cơ chế đã có – AFTA. Các biện pháp mà bản kế hoạch tổng thể AEC đã đề ra và đang được thực hiện là: xóa bỏ thuế quan và hàng rào phi thuế quan; thực hiện các quy định về xuất xứ; thuận lợi hóa thương mại liên kết trong lĩnh vực hải quan; cơ chế hải quan một cửa; áp dụng các tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật với thương mại… Theo lộ trình cam kết của các nước thành viên ASEAN, thuế quan sẽ được xóa bỏ hoàn toàn với các sản phẩm vào năm 2010 với ASEAN-6 và 2015 với các nước ASEAN-4, hàng rào phi thuế quan được xóa bỏ vào năm 2015. ASEAN sẽ đẩy nhanh tiến trình xóa bỏ các rào cản phi thuế và nâng cao các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại bằng việc: Xem xét lại các sản phẩm chưa được đưa vào danh mục ưu đãi của AFTA để nhưng sản phẩm này phù hợp với những quy định của CEPT, Thực hiện các quá trình kiểm tra và thông báo chéo, Cập nhật các biện pháp phi thuế quan cho các nước ASEAN… Cuối cùng sẽ tiến tới loại bỏ tất cả các biện pháp phi thuế quan. Ngoài ra, các nguyên tắc xuất xứ (ROO) và các quy định về công nhận lẫn nhau (OCP) sẽ tiếp tục cải thiện, đồng thời với việc thực hiện các chương trình thuận lợi hóa thương mại như hài hòa hóa thuế quan, sáng kiến cửa sổ ASEAN duy nhất… Năm 2009, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 tại Thái Lan đã thông qua hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) để thay thế CEPT và đã có hiệu lực từ ngày 17/05/2010. Đây là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối, được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết trong CEPT và các hiệp định, nghị định thư có liên quan. Mục tiêu của hiệp định này là đạt được sự lưu chuyển tự do của hàng hóa trong ASEAN như một trong những công cụ chính để xây dựng thị trường và cơ sở sản xuất chung hướng tới hội nhập kinh tế sâu sắc hơn trong khu vực và hướng tới thực hiện cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.
Tự do hóa thương mại dịch vụ và tự do di chuyển lao động lành nghề: Tự do lưu chuyển thương mại dịch vụ là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện hóa AEC. Mục tiêu mà AEC hướng tới là căn bản sẽ không có sự hạn chế nào với những nhà cung cấp dịch vụ ASEAN trong việc cung cấp dịch vụ và trong việc thành lập những công ty xuyên quốc gia trong khu vực. Nội dung của tự do dịch vụ theo AFAS được tiến hành thông qua những vòng đàm phán chủ yếu của Ủy ban phối hợp về dịch vụ. Đàm phán trong những khu vực dịch vụ đặc biệt như dịch vụ tài chính, hàng không được tiến hành bởi hội đồng bộ trưởng tương ứng của khu vực. Ngoài ra AFAS cũng bao gồm một nội dung khác là các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) nhằm tạo thuận lợi cho tự do hóa dịch vụ. Để hỗ trợ cho việc thực hiện AFAS, một nội dung quan trọng đã được bổ sung là tự do di chuyển lao động có tay nghề. Nội dung này được thực hiện thông qua việc tạo thuận lợi hơn trong cấp visa, giấy phép hành nghề, tăng cường hợp tác trong khuông khổ mạng lưới các trường đại học ASEAN, xây dựng các kỹ năng, tiêu chuẩn nghề nghiệp cơ bản; tăng cường năng lực nghiên cứu của các nước, xây dựng mạng lưới thông tin về thị trường lao động khu vực.
Tự do hóa đầu tư và tự do di chuyển vốn hơn. Tự do hóa đầu tư sẽ được thực hiện bằng nỗ lực hoàn thành khu vực đầu tư ASEAN, thông qua việc thực hiện hiệp định khung về khu vực đầu từ ASEAN (AIA). Tuy nhiên, tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14, ASEAN đã ký hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) để thay thế cho hiệp định AOA và hiệp định khuyến khich và bảo hộ đầu tư (IGA). So với AIA và IGA, ACIA có các quy định rõ ràng hơn và cam kết cao hơn ở một số nội dung như: cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư; chuyển vốn, lợi nhuận, cổ tức minh bạch trong tịch biên tài sản và bồi thường. Khu vực đầu tư ASEAN gồm ba nội dung chính là: Chương trình hợp tác và tạo thuận lợi cho đầu tư; Chương trình xúc tiến và quảng bá đầu tư; Chương trình tự do hóa đầu tư.
Xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)(5): Năm 2009, để hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các nước thành viên ASEAN đã tập trung thực hiện 3 biện pháp chính sau: Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế pháp lý cho AEC; Thứ hai, tăng cường cơ chế giám sát, thực thi các thỏa thuận kinh tế đã đạt được thông qua Biểu đánh giá AEC (AEC Scorcard); Thứ ba, nâng cao nhận thức của cộng đồng về AEC thông qua chương trình truyền thông ASEAN. Biện pháp thứ nhất đã được hoàn thiện bằng việc ký kết 3 thỏa thuận quan trọng, bao gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) (6); Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và Gói cam kết thứ 7 về dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (AFAS). Biện pháp thứ hai về cơ bản đã phát huy hiệu quả thực chất, có 87/124 văn kiện pháp lý được ký kết liên quan tới AEC đã có hiệu lực (chiếm hơn 70%). Biện pháp thứ ba cũng đã được một số thành viên ASEAN áp dụng sáng tạo và có hiệu quả, cụ thể như phổ biến thông tin, kiến thức cập nhật về AEC, thiết lập thêm kênh trao đổi thường xuyên giữa các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp của ASEAN. ASEAN cũng nhất trí xác định 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết với lộ trình hoàn thành đến năm 2010, đó là: Hàng nông sản; Ô tô; Điện tử; Nghề cá; Các sản phẩm từ cao su; Dệt may; Các sản phẩm từ gỗ; Vận tải hàng không; Thương mại điện tử ASEAN; Chăm sóc sức khoẻ; Du lịch; và Logistics. Để đẩy mạnh các nỗ lực hình thành Cộng đồng Kinh tế (AEC), ASEAN đã thông qua Kế hoạch tổng thể xây dựng trụ cột này, là một bộ phận trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN-14 (tháng 2/2009), với các quy định chi tiết về định nghĩa, quy mô, cơ chế và lộ trình thực hiện AEC.
Hiện nay, Hợp tác nội khối ASEAN hiện đang đứng trước không ít khó khăn. Mặc dù thương mại nội khối ASEAN đã duy trì ở mức ổn định 25% tổng khối lượng thương mại toàn khu vực, song nếu so với trao đổi thương mại nội khối của EU (hơn 70%), thì rõ ràng mức hội nhập và liên kết nội khối của ASEAN chưa cao. Điều quan trọng nữa là mức chênh lệch phát triển giữa các quốc gia phát triển ASEAN 6 (Brunei, Indonexia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore) với ASEAN 4 khá cao – được coi là yếu tố cản trở chính của sự liên kết kinh tế. Chênh lệch phát triển trong ASEAN chủ yếu tập trung ở 4 lĩnh vực chủ yếu (4I), gồm kết cấu hạ tầng (Infrastructure); thu nhập (Income); liên kết (Integration) và thể chế (Institutional).
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top