nhật ký của asano gakumi

1.

Tôi có một người cha. Tất nhiên là ai mà chẳng có. Sở dĩ tôi mở đầu cuốn nhật ký bằng câu này là bởi nó chứa đựng sự tự hào và ngưỡng mộ của tôi dành cho cha. Cha tôi là một người vô cùng hoàn hảo, theo tôi là vậy, thực ra tôi cũng chẳng cần biết cha bên ngoài được người ta nhận xét mổ xẻ bới móc ra làm sao. Cái định nghĩa hoàn hảo lúc ấy đối với tôi nó dễ dàng lắm, chỉ cần người đó trả lời đúng tất cả những câu hỏi từ ngây ngô đến nghiêm túc của tôi thì đó chính là người hoàn hảo, vậy là đủ.

Có nhiều lúc vẻ mặt nghiêm trọng của cha khi trả lời mấy thứ vớ vẩn từ đâu rơi xuống làm tôi suýt nữa thì bị lừa, thế nhưng đấy cũng na ná thái độ của tôi khi đáp lại những đứa ngu trên lớp. Nên về cơ bản mà nói, chúng tôi hoà nhau.

Định nghĩa hoàn hảo của tôi đến bây giờ thậm chí còn đơn giản hơn trước. Chỉ cần người đó là cha. Vậy là đủ.

Tôi luôn mong muốn được trở thành một người giống như cha. Mặc dù cha luôn bảo tôi rằng hãy luôn là chính con chứ đừng cố gắng trở thành ai, nhưng thưa cha, rất tiếc là con bị cứng đầu.

Thực ra tôi cũng biết vậy. Tôi cũng không hề muốn mai này mình sẽ bị gọi là "con gái của Asano Gakushuu" chứ không phải bằng tên thật. Tôi chỉ muốn hơi hơi giống cha một chút, một chút chút thôi. Bởi vì đừng tự lừa dối mình nữa, các bạn thân mến à, cho dù các bạn có ghét cha tôi đến đâu, các bạn sẽ không thể phủ nhận rằng chính bản thân các bạn vẫn luôn tự hỏi "giờ nếu mà mình là Asano Gakushuu thì mình sẽ làm gì nhỉ?" mỗi khi vấp phải tình huống khó giải quyết.

Đọc được đến đây, có lẽ mọi người sẽ tự nhủ rằng nhỏ này bất hiếu, sao khoe mỗi cha mà mắc gì không khoe thêm mẹ.

Thì đây, để tôi kể nốt. Tôi có một người "mẹ".

Chí ít là đã từng có.

Tôi để chữ "mẹ" trong dấu ngoặc kép đều có lý do cả. "Mẹ" tôi cũng là một người đàn ông, giống cha tôi, khác ở chỗ "mẹ" sinh ra được tôi. Không biết là bằng cách nào, chỉ biết rằng cha "mẹ" hồi có tôi không cần phải qua bên trung gian thứ ba nào ngoài bệnh viện và tờ giấy khai sinh. Có thể đây là sự tiến hoá vượt bậc về mặt sinh học, hoặc chỉ "mẹ" tôi vượt bậc, tôi nghĩ thế.

Tôi cũng không rõ người sinh ra mình nhưng là đàn ông thì phải gọi như thế nào, mà cha và những người khác khi kể chuyện về "mẹ" luôn luôn mở đầu bằng "mẹ con là ba chấm ba chấm", nên tôi sẽ gọi người ấy theo những gì tôi được học từ trước đó. Nhỡ mai sau tôi nổi tiếng như cha và quyển nhật ký này được công khai, nếu những ai có vấn đề về xưng hô "mẹ" của tôi thì rất mong các bạn thông cảm. Không thì thôi, đừng đọc nữa là được.


2.

Ký ức của tôi về "mẹ" rất mơ hồ. Nói đúng ra là không hề tồn tại nếu như không có mẩu chuyện tôi được nghe kể từ những người xung quanh và mấy chục khung ảnh của "mẹ" được bày khắp nhà.

Bởi vì "mẹ" tôi đã ra đi khi tôi chỉ vừa mới 2 tuổi.

2 tuổi, cái tuổi người ta chập chững tập đi tập nói. 2 tuổi, cái tuổi tôi chập chững núp sau chân cha khi thấy người ta chen chúc trong đám tang và bập bẹ những tiếng cảm ơn khách đến viếng.

Vậy nếu như không có ký ức gì về "mẹ", tại sao tôi lại nhớ rất rõ chi tiết này? Sau này có dịp tôi sẽ kể.

Mặc dù tôi từ nhỏ đã được khen "con bé này người lớn ghê nhỉ", thậm chí đôi lúc còn bị nói là "bà cụ non", thế nhưng hồi đó tôi rất coi nhẹ cái chết. Tôi nghĩ cái chết là một thứ khá đơn giản thôi. Trẻ con mà, ai cũng nghĩ đơn giản cả. Tôi cũng không đủ sâu sắc để hiểu mấy phép ẩn dụ kiểu như "đi về một nơi tươi sáng hơn rồi", hồi đó nếu có người nào đi về một nơi tươi sáng hơn thì tôi sẽ tưởng họ đi biển. Vì biển bình minh ánh mặt trời rất sáng, chói loà mắt, tôi biết chứ, cha dẫn tôi đi rồi.

"Đồ không có mẹ," họ đã chế giễu tôi như vậy, bằng một chất giọng cay nghiệt và độc ác. Họ hả hê, họ vui sướng như đã phát hiện ra điểm yếu duy nhất của tôi. Nhưng tôi không hiểu, bởi nếu không có mẹ thì làm sao mà tôi đứng ở đây được. Thế nên tôi đã chạy về hỏi cha. Lần đầu tiên tôi thấy cha không trả lời được câu hỏi của tôi. Lần đầu tiên tôi thấy cha không hoàn hảo như những gì tôi nghĩ.

Cha không trả lời, chỉ lặng lẽ hỏi tôi ai là người đã nói với tôi câu ấy. Tôi lại phải đáp ngược lại. Cha không nói gì thêm nữa, bảo tôi đi về phòng. Ngày hôm sau tôi không còn thấy họ ở trường, cũng không có ai dám hó hé gì về mẹ tôi trước mặt tôi.

Nhưng tôi vẫn không hiểu. Và tôi cứ đau đáu mãi.

Tôi không bao giờ thắc mắc về "mẹ". Tất cả những gì tôi biết đều tự tới cả. Tôi biết tên "mẹ" qua thiệp cưới in màu đã sờn trong ngăn kéo bàn làm việc của cha. Tôi biết "mẹ" trông như thế nào qua khung ảnh mà cha dựng trong nhà. Tôi biết về tính cách của "mẹ" qua lời kể của các cô các chú sang nhà tôi chơi. Tôi không bao giờ thắc mắc về "mẹ". Cha cũng không nói gì về "mẹ" cho tôi nghe.

Tôi nhớ nhầm, hình như là có. Đúng duy nhất một lần. Hôm ấy tôi có hỏi cha rằng mẹ con đâu, cha nhìn tôi, rồi trả lời bằng thứ phép ẩn dụ tôi ghét: "Mẹ con đã đi về nơi tươi sáng hơn rồi."

Tôi ghét, vì tôi không hiểu nó.

"Đi biển ạ?"

Tôi biết là tôi không hiểu nó, bởi vì cha đã bật cười.

"Tại sao con lại nghĩ là mẹ đi biển."

"Tại biển sáng mà." Tôi bĩu môi giận dỗi, cố gắng giải thích làm sao để trông không giống như những đứa ngu cùng lớp, "Với lại biển cũng đẹp nữa."

"Ừ, mẹ con đi biển." Cha nắn nắn vai tôi, "Gakumi nghĩ biển đẹp thì mẹ sẽ đi biển."

Cũng nhờ đó mà tôi đã yêu biển hơn một chút.


3.

Lần đầu tiên tôi biết đến cảm giác đau đớn khi phải chứng kiến cái chết, đó là lúc bạn tôi nức nở dựa vào vai tôi, nó khóc nấc lên, "Bông chết rồi, Gakumi ơi. Bông chết rồi."

Bông là tên chú chó poodle nhà nó nuôi, tôi cũng rất thương Bông vì chú ta rất quấn tôi. Mỗi lần qua thăm nhà bạn, tôi lại cho chú ta một hai món đồ chơi chíp chíp mua được ngoài tiệm tạp hoá. Thậm chí cha mẹ bạn tôi đi công tác cũng gửi nó cùng Bông sang nhà tôi ở một hai ngày. Nghe tin Bông mất, chiều đó tôi buồn đến độ nhốt mình trong phòng không ra ăn cơm. Cha gõ cửa phòng tôi, hỏi tôi hôm nay có chuyện gì sao. Tôi nước mắt nước mũi lem nhem, "Cha ơi, giả dụ như có một người nào đó chết đi rồi, vậy nghĩa là mình sẽ không gặp lại họ nữa đúng không?"

Lần thứ hai cha không trả lời tôi. Thay vào đó, cha chỉ ôm tôi vào trong lòng. Nhưng tôi cũng không cần câu trả lời nữa, vì tôi đã hiểu. Có những hành động thậm chí còn ý nghĩa hơn lời nói.

Và tôi càng khóc to hơn.


4.

Bước vào sơ trung, tôi dần ngộ ra được rất nhiều điều. Người xưa nói cấm có sai, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Một trong những bài học tôi được dạy, chính là về phép ẩn dụ và nói giảm nói tránh trong tiếng Nhật.

Giáo viên tôi không nói trên lớp, nên tôi đã dành thời gian sau giờ học để hỏi lại cô. Khi nghe được cụm từ tôi thắc mắc, cô nhìn tôi đầy ái ngại, rồi ngập ngừng giải thích rằng để báo tin một ai đó đã qua đời mà giảm bớt sự đau buồn tiếc thương, họ sẽ dùng cụm từ đó. Tôi sững sờ. Cô nhận ra được biểu cảm của tôi có nghĩa là gì, vì dù sao cô cũng là một giáo viên dạy Văn học. Rồi cô dịu dàng vuốt tóc tôi, thủ thỉ những lời an ủi. Nhưng tôi đã không còn cảm nhận được gì nữa, cũng không nghe thấy được gì nữa.

Tôi không tin. Tôi chạy về hỏi cha. Cha tôi là một người vô cùng hoàn hảo, cha có thể trả lời đúng mọi câu hỏi của tôi, đúng ở đây là đúng theo những gì tôi mong muốn sẽ nhận được. Nhưng trái lại hoàn toàn, vẻ mặt của cha chính là điều cuối cùng tôi ước gì mình trông thấy.

Tôi hiểu nó. Và tôi cũng hiểu ra rằng, cha có thể trả lời đúng mọi câu hỏi của tôi, trừ những câu đề cập đến chủ đề "mẹ" tôi và cái chết.

Vì "mẹ" tôi đã chết. Nó liên kết với nhau. Nó dễ hiểu. Nhưng không dễ chấp nhận.

Tôi oà khóc giữa cửa nhà. Phải đến năm thứ nhất sơ trung, tôi mới cảm nhận được sự đau đớn thấu tận cùng tâm can khi bị nói là "Đồ không có mẹ." Có thể là do tôi chậm hiểu, có thể là do cha đã bảo vệ tôi quá tốt, có thể là cả hai. Sau này tôi cũng nhận ra rằng có rất nhiều đứa trẻ thậm chí còn bị xúc phạm tồi tệ hơn cả tôi, tôi với họ chỉ hơn kém nhau ở hai chữ may mắn. May mắn vì tôi vẫn còn cha, còn ông bà, còn các cô các chú. May mắn vì tôi chỉ bị nghe bốn chữ đó duy nhất một lần trong đời. Nhưng nó vẫn đau. Chẳng thà tôi tự mình hiểu ra, chẳng thà tôi nghe quen rồi đi, chẳng thà không ai giấu tôi, chẳng thà trên đời này không ai biết về phép ẩn dụ.

Chẳng thà "mẹ" vẫn còn ở đây.

Gia đình tôi là một gia đình gia giáo, vì vậy nên từ thuở còn thơ bé tôi đã được dạy cho rất nhiều thứ, nhưng giờ đây tôi lại như một đứa trẻ con không biết gì. Bất lực, đau khổ, tủi thân, sợ hãi. Chúng trộn vào thành một nùi, rồi hoá thành tôi đứng đây. Thảm hại.

Cha đi tới và ôm lấy tôi. Nhưng lạ lắm. Cái ôm lúc này không còn nhẹ nhàng và dịu dàng như xưa nữa, mà là ghì chặt. Dường như ngoài tôi ra, cha cũng cần an ủi. Dường như so với tôi, cha còn đau đớn hơn.

Thế là tôi ôm lại cha. Cha không khóc, nhưng bờ vai cha run run. Tôi bặm môi cố gắng nín khóc, nhưng không làm sao kìm nén lại được. Và rồi tôi oà to hơn nữa.


5.

Kể từ ngày hôm ấy, tôi chăm hỏi cha về "mẹ" hơn, gần như mọi lúc rảnh rỗi. Cha cũng kể rất nhiều, và tôi nghĩ lý do trước đó cha không nhắc gì đến "mẹ" là bởi vì tôi không hỏi. Tôi hỏi cha và "mẹ" quen nhau như thế nào, thích nhau ra làm sao, ai tỏ tình trước, vân vân và mây mây. Cách họ yêu nhau khá kỳ lạ so với mặt bằng chung, tôi rút ra được kết luận này sau khi quan sát tương tác giữa những cặp phụ huynh khác trong trường vào giờ tan tầm. Thế nhưng kết cục cũng giống nhau. Họ quen, rồi thích, rồi yêu, rồi cưới, rồi có con.

Chỉ khác ở chỗ, "mẹ" tôi không được may mắn như thế.

Trong lúc cha kể, tôi thi thoảng có chen vào hỏi rằng: "Cha có nhớ mẹ không?"

Cha tôi ngừng lại, cười cười nhún vai, xoa đầu tôi rồi đi về phòng. Bỏ luôn mọi câu chuyện ở đằng sau đó.

Lại một lần nữa, cha không trả lời tôi. Và lại một lần nữa, tôi cũng không cần câu trả lời.

Cha không nói nhớ "mẹ", nhưng cha vẫn giữ tấm thiệp cưới đã phai màu trong hộc bàn.

Cha không nói nhớ "mẹ", nhưng vẫn bày ảnh mẹ ở khắp nơi trong nhà, một phòng ít nhất một tấm. Còn tháo ra thay hàng ngày, như thói quen buổi sáng bóc một tờ lịch.

Cha không nói nhớ "mẹ", nhưng lại im lặng mỗi khi các cô các chú kể chuyện về "mẹ" mà không làm gián đoạn họ.

Cha không nói nhớ "mẹ", nhưng tất cả mọi hành động đều thể hiện ra rằng cha nhớ "mẹ". Có những hành động thậm chí còn ý nghĩa hơn lời nói.

Nhưng đó cũng không có nghĩa là tôi không cần nghe những câu chuyện tiếp theo sau đó. Ngày mai tôi sẽ bảo cha kể tiếp vậy.


6.

Tôi có nghe mang máng về cái chết của "mẹ" tôi. Tôi không biết quá nhiều, vì chẳng có ai dám phân tích cặn kẽ từng chi tiết về cái chết của một người mẹ cho con họ nghe, và cũng chẳng có đứa con nào dám nghe từng chi tiết về cái chết của mẹ nó, trừ phi nó là đứa tận mắt chứng kiến hoặc mẹ nó chết là do nó cố tình gây ra.

Tôi không phải là cả hai, thế nên "nghe mang máng" là một từ đúng để diễn tả tình huống này.

"Mẹ" tôi mất vì tai nạn giao thông. Mọi chuyện diễn ra vô cùng chóng vánh, đèn xanh dành cho người đi bộ bật lên, "mẹ" vẫn sang đường như bình thường, không có gì lạ cả. Nhưng tài xế lái xe bus hôm đó và anh phụ xe dường như bất đồng quan điểm về một vấn đề nào đấy, thế nên trong lúc đang bận tranh cãi với nhau thì họ đã không hề để ý mà gây ra tai nạn thảm khốc. Lúc họ kịp phanh lại thì đã quá muộn - "mẹ" tôi đã nằm dưới gầm xe lạnh lẽo. Máu chảy thành dòng, ướt đỏ một nền tuyết trắng.

Tài xế và phụ xe sau đó đều bị phạt tù và phải đền một số tiền cho gia đình tôi. Tôi không rõ là bao nhiêu, vì không ai nói, tôi cũng không hỏi, nhưng tôi biết nó chẳng đáng là bao so với những gì họ đã gây ra. Gia đình tôi hồi đó không đồng ý nhận tiền bồi thường, chỉ hy vọng toà án có thể xử phạt họ thích đáng.

Tôi mặc kệ đấy, có ngồi tù mọt gông thì cũng không đủ đâu. Vì họ đã giết người rồi. Họ giết mẹ tôi.

Tôi mặc kệ đấy. Tôi thù chúng nó tới cuối đời.

Cái gì mà "tha thứ là sự trả thù cao thượng nhất" chứ, tôi làm gì mà thánh mẫu được đến thế.

Tôi mặc kệ đấy.


7.

Tôi bỗng nhớ ra thêm một lần khác tôi hỏi cha về "mẹ" trước khi hiểu được rằng "mẹ" đã qua đời, vậy là tổng cộng hai lần cho đến khi tôi có thể nhớ thêm được gì đó. Lúc ấy khi đã đánh răng xong và chuẩn bị soạn đồ đi học, tôi nhìn thấy cha đang thay ảnh "mẹ" - như hàng ngày cha vẫn hay làm - và đặt lên trên nóc tủ để giày. Tôi hỏi sao cha để nhiều ảnh của "mẹ" thế, cha nói đấy là bùa bình an của chúng tôi.

"Có mẹ con ở đây thì ma quỷ không quấy phá đâu," Cha xoa đầu tôi, "Căn bản là chúng không dám."

Ma quỷ cũng sẽ sợ cha thôi, tôi nghĩ thầm. Mặc dù rất thích toán, thế nhưng tưởng tượng đến một ngày chết rồi đi ám nhà người ta mà vẫn bị họ gọi lại giảng toán cho, tôi sẽ ám ảnh đến mức không thể buông bỏ đi đầu thai được.

Sau này, khi đã ngộ ra được mục đích của việc bày ảnh "mẹ" là do nhớ và muốn cuộc sống của tôi luôn có sự hiện diện của "mẹ" dưới một hình thức khác, thì tôi nghĩ hướng giải thích "bùa bình an" vẫn đúng phần nào đó.

Bằng chứng là dạo gần đây, tôi thường xuyên mơ thấy "mẹ".

Tôi mơ thấy "mẹ" tôi khi còn đang học sơ trung, tôi mơ thấy thời lớp 3-E còn chưa trở thành một ký ức đẹp trong lòng các cô các chú. Tôi mơ thấy thầy giáo bạch tuộc đứng lớp. Tôi mơ thấy giữa tiếng súng đạn, họ vẫn nở nụ cười trên môi.

Tôi mơ thấy "mẹ" tôi, tôi mơ thấy cả thế giới.

Tiếc thay, đó chỉ là những giấc mơ. Mà những giấc mơ thì luôn có hạn.

Tôi không kể chuyện này cho cha nghe. Tôi chỉ nghe cha kể thôi, và giấc mơ đêm đó sẽ tái hiện lại y hệt những gì tôi vừa biết từ chiều.

Bỗng dưng không muốn thức quá khuya nữa.


8.

Cha chưa từng mơ thấy "mẹ", đấy là cha nói vậy, chứ làm sao mà tôi biết được.

Mà có khi cha không lừa tôi thật, vì "mẹ" không giống như một người vì luyến tiếc tình cảm mà báo mộng sến súa gì đó.

Bằng chứng là trong giấc mơ của tôi ngày hôm nay, "mẹ" đã ném thẳng hộp sữa dâu rỗng ruột từ lâu vào người cha và đòi chia tay chỉ vì hai người họ tranh cãi với nhau về một bài toán.

Ừ. Chỉ có thế thôi.

Tôi khoanh tay, chậc một tiếng, nhưng lại buông ngay vẻ mặt chán nản xuống vì ái ngại nhận ra cái tính khí nóng nảy này của tôi từ đâu mà có.

Ngoại hình của tôi y hệt cha, nói từ cùng một khuôn đúc ra cũng không phải suông, mà được cái tính tình vừa cứng đầu vừa quậy phá vừa nóng nảy vừa khó chịu giống "mẹ". Cha nhiều lần bất lực về tôi lắm, nhưng tôi không hề để cha phải thất vọng bao giờ - cái này cũng giống "mẹ" nốt.

Mỗi lần như vậy, cha chỉ "con giống y xì mẹ con" rồi thở dài, còn tôi thì cười hề hề cho qua. Thế nhưng đừng hiểu lầm, tôi vẫn rất tự hào về những gì bản thân mình kế thừa được, giờ ra đường có ai nói "sao bản mặt giống bố mà nết kỳ như mẹ nó vậy" là tôi sẽ xông lên "tao không giống mẹ tao thì chả nhẽ lại giống mẹ mày à?" hay đại loại thế.

Sự kết hợp hoàn hảo của hai người họ đã tạo ra tôi, và tôi có quyền tự hào về điều đó.

Tôi mơ thấy cha "mẹ" tôi thương nhau. Tôi mơ thấy những hộp sữa dâu cha lén để trong ngăn bàn học của "mẹ". Tôi mơ thấy họ cãi cọ, tôi mơ thấy họ làm hoà. Tôi mơ thấy họ tay trong tay, tôi mơ thấy họ tựa vào vai nhau nghỉ ngơi một lát.

Tôi mơ thấy họ thương nhau, và mặc dù sau này tôi sẽ là kết quả cho tình yêu viên mãn của họ, thế nhưng nói thật thì cũng không tránh khỏi có đôi chút ghen tị. Cái dạng như kiểu trên mạng người ta hay chửi vui mấy cặp đôi dưới bình luận ấy, có thế thôi.

Nhưng dường như thứ tình yêu ấy hoàn mỹ đến mức sự ghen tị còn lây sang cả cho số phận, và nó dần chuyển hoá theo hướng tận cùng của tiêu cực. Kết cục như nào, chắc ai cũng đã đoán được rồi.

Tuy biết rằng nếu cứ mơ theo trình tự thời gian, thì chắc hẳn ngày tôi nhìn thấy chuyện đó sẽ đến sớm thôi. Nhưng tôi mặc kệ. Tôi vẫn muốn có những giấc mơ như thế này mãi, vẫn muốn chìm trong những giấc mơ như thế này mãi.

Vậy là ngoài cứng đầu, quậy phá, nóng nảy, khó chịu giống "mẹ", giờ tôi lại hình thành thêm một tính cách nữa của riêng mình: tham lam.

Thế thì có sao nào? Tôi mặc kệ đấy.


9.

Hôm nay các cô chú qua nhà tôi chơi. Tôi hỏi chú Nagisa, "Mẹ con là người như nào vậy chú?"

Chú hơi ngạc nhiên vì tự dưng tôi bỗng thắc mắc về "mẹ", và sau khi đã nhìn về phía cha rồi nhận được cái gật đầu chậm rãi xác nhận, chú quay sang tôi, ngẫm nghĩ một hồi, nói: "Mẹ con khiến cho người khác có cảm giác rằng cậu ấy hơi khó gần nếu như chỉ qua ấn tượng đầu tiên, nhưng nếu quen lâu thì cậu ấy rất dễ nói chuyện thôi."

"Chú đã từng xin lời khuyên từ mẹ con lần nào chưa? Có thành công không ạ?"

"Thành thực mà nói thì chú chưa," Chú cười xuề xoà, "Tâm sự thì được, nói chuyện với mẹ con vui lắm."

Nhìn thấy ánh mắt ngưỡng mộ của tôi, nụ cười trên môi chú cũng dần dịu đi. Chú đưa tay vén tóc mai tôi ra sau tai, khẽ vuốt ve, "Ngày con còn nhỏ, mẹ con trò chuyện với con sáng đêm luôn đấy. Cậu ấy rất hạnh phúc luôn."

"Vậy ạ?"

"Ừ. Mỗi lần có ai muốn bế con cũng phải chờ cậu ấy nói xong lận, không tin cứ hỏi cha con mà xem." Chú đá lông nheo về phía cha tôi, "Đòi bế ngay là bị đánh vào tay liền."

"Nói gì đấy, phải hỏi tôi mới đúng chứ?" Chú Ren chen vào. Cô Rio huých khuỷu tay chú một cái, rồi họ cùng cười với nhau.

Tôi cười theo, nhưng lòng bỗng dưng cảm thấy mất mát. Ký ức về "mẹ" nhiều đến như vậy, mà tôi lại chẳng biết gì.

Nhớ mẹ quá, dù con chưa gặp Người bao giờ, hoặc là do con còn quá nhỏ để có đủ ký ức về những lần ở bên cạnh Người. Nhưng mà con nhớ. Nhớ thật đấy.

Mong là đêm nay con sẽ được gặp mẹ một lần nữa. Đêm nào cũng thế, chỉ cần mẹ là đủ rồi.


10.

"Ủa, nhưng mà sao chú lại không xin lời khuyên từ mẹ con vậy ạ?" Tôi nghiêng đầu làm bộ ngây thơ hỏi chú Nagisa, "Chú không tin tưởng mẹ con sao?"

"Ầy, không phải là chú không tin mẹ con, mà là chú không tin những cách mẹ con đưa ra có hiệu quả đối với chú." Chú thì thầm to nhỏ với tôi, "Chỉ có mẹ con mới đủ bản lĩnh để làm mấy thứ như vậy, còn chú thì không đâu."

Khỏi cần đến lượt tôi phải thắc mắc về độ độc nhất của những lời khuyên ấy, bởi vì giấc mơ đêm nay đã trở thành một dẫn chứng cụ thể hiện ngay trước mắt.

Mẹ à, con không nghĩ để cha giả chết trốn ông nội một ngày là ý tưởng hay đâu ạ. Con nói thật.

Hồi nhỏ, khi cha đi công tác, tôi thường được cha gửi sang sống cùng ông bà nội, đến giờ vẫn vậy. Tôi nhớ mãi một hôm nọ, trong một giây phút yếu lòng hiếm hoi, ông đã thủ thỉ thú nhận rằng: "Cuộc đời này của ông tưởng chừng như không cần phải trả giá, cho đến khi ông phát hiện ra hai đứa kia quen nhau."

Tôi suýt nữa thì hóc miếng trứng còn đang nhai dở. Ông ơi, cháu chưa kịp thu âm ạ, ông có thể nói lại để cha cháu nghe cùng được không? Cháu nghĩ sau khi nghe xong cha dọn qua đây sống luôn đó ạ. Cháu thề. Nếu ông nhớ cha thì ông có thể xem xét nhé.

Đùa thôi, thích thì cha tự đi mà nghe. Con cũng không có rảnh hỏi lại ông đâu. (không dám)

Ăn xong đâu vào đấy, tôi quay sang ông thắc mắc: "Vậy trả giá như thế để đổi lại cháu, ông thấy có đáng không ạ?"

Ông cười cười nhìn tôi, "Cháu đoán xem."

Đáng chứ, tôi nhún vai cười tự đắc. Nếu không đáng thì ông đã đuổi tôi ra khỏi nhà kể từ lúc nhìn thấy cái sừng hươu treo tường nằm im lìm trên sàn do cháu gái cưng 5 tuổi của ông vô tình kiến tạo nên rồi.


11.

Bà nội tôi thường nói, tuy cha tôi chưa hề thú nhận bao giờ, nhưng ai cũng thừa biết có hai ngày mà cha cảm thấy mình đã chạm đến đỉnh vinh quang của cuộc đời, đó là ngày cưới của hai người, và là ngày tôi được sinh ra.

Tôi đoán khung cảnh hôm nay tôi mơ thấy có thể chính là khi tình yêu của họ được đánh dấu bằng một lễ kết hôn. Sang trọng, đầu tư, sôi động, náo nhiệt. Khác xa những gì cha thường khiêm tốn với người ngoài.

Ngày họ cưới nhau, tập đoàn hiện nay đang trên đà phát triển của cha tôi vừa mới thành lập được một năm. Hôm ấy cha còn kịp mở một cuộc họp trực tuyến và mắng cho lũ nhân viên một trận xối xả trước khi cử hành hôn lễ. Người ngoài nhìn vào luôn nghi ngờ thực lực của cha, họ thắc mắc tại sao còn trẻ thế mà đã lên chức Chủ tịch, rồi lại kết luận chắc là có chống lưng rồi, này này nọ nọ. Thực ra lắm mồm cũng đúng thôi, vì họ đâu phải mang cả laptop đến lễ cưới của chính mình để chạy deadline đâu chứ.

Mọi người đến dự đầy đủ đông vui lắm, như một buổi họp lớp vậy. Tôi rất khâm phục những tình bạn lâu năm như thế này, họ không khác gì thành viên trong gia đình cả. Người ta thường nói rằng chơi thì dễ còn thân thì khó, càng cố gắng làm quen nhiều thì đến cuối cùng cũng chỉ còn lại một hai người bạn chân thành. Ý chính rút ra được là số lượng và chất lượng có mối quan hệ nghịch đảo trong mọi tình huống chứ không riêng gì chủ đề tình bạn. Nhưng ở đây cha "mẹ" tôi thản nhiên gộp cả hai vào, và điều đó khiến tôi thực sự vô cùng ngưỡng mộ. Đã giỏi lại còn nhân duyên tốt. Đúng là chỉ có họ mới làm được.

Vào thời khắc cuối cùng của buổi lễ, tất cả mọi người lên sân khấu chụp một tấm hình kỉ niệm. Tôi cũng vội vàng chạy tới, chiếm luôn spotlight của hai nhân vật chính bữa tiệc, dù tôi biết thừa họ chẳng thể nhìn thấy tôi. Tách một tiếng, ảnh được lưu lại, rực rỡ và chói loà.

Vậy là chúng ta đã cùng nhau trải qua những cột mốc quan trọng nhất trong cuộc đời rồi, cha mẹ nhỉ? Dù vẫn ước rằng cha mẹ có thể trông thấy con ở đâu đó trong này, thế nhưng vì cha đã dạy con rằng làm người chỉ nên tham vọng chứ không được tham lam, nên con nghĩ vậy cũng đã đủ rồi ạ.

Ước gì mẹ có thể nhìn thấy con.


12.

Tên tôi, Asano Gakumi, là do "mẹ" tôi đặt cho. Mặc dù đều phát âm là "Gaku", nhưng chữ 額 trong đó lại mang một nghĩa khác hoàn toàn so với chữ 学 của cha và ông nội. "Gakumi" - "một cái nhìn trao cho điều gì đó rất quan trọng" - cũng giống như cách "mẹ" trìu mến nói ra cái tên này khi đang chăm chú nhìn tôi say ngủ trong vòng tay.

"Mày xấu thật đấy." Tôi tò mò ngó đứa bé nhăn nheo được "mẹ" tôi ôm vào lòng, rồi ngán ngẩm thở dài, "Xấu xí như mày còn được mẹ ôm, chẳng nhẽ xinh đẹp như tao lại không được sao?"

Ừ. Đúng vậy.

Bực mình ghê.

"Lâu lắm rồi mới thấy em suy nghĩ tử tế được một lần," Cha gật gù, khá hài lòng về nó, "Cứ tưởng em sẽ đặt cho con cái gì kỳ quặc lắm."

"Anh nên dừng lại ngay và làm giấy khai sinh luôn đi trước khi em có thêm ý tưởng mới."

"Mẹ" thường gọi tôi là Mimi, hay Kumi ơi, hay tất cả những biệt danh "mẹ" nghĩ ra ngoại trừ tên trong giấy khai sinh. Có thể bây giờ nếu như "mẹ" vẫn còn ở đây và gọi tôi bằng những cái tên đó, tôi sẽ cảm thấy ngại ngùng, "con bao nhiêu tuổi rồi mà mẹ vẫn còn gọi con thế", nhưng tôi cũng sẽ không có ý kiến gì đâu.

Từ ngày mẹ ra đi, không còn ai gọi tôi như vậy nữa.

Nếu như mẹ vẫn còn ở đây.

"Cha ơi."

"Sao con?"

"Cha thử gọi con là Mimi đi."

Đôi tay đang pha cà phê của cha đột ngột dừng lại. Người quay ra nhìn tôi, nhíu mày ngờ vực, cũng có chút khó hiểu, cũng có chút ngạc nhiên. Đáp lại ánh mắt ấy, tôi chỉ mỉm cười háo hức mong chờ. Và may mắn thay, cũng nhờ nó mà cha tôi mềm lòng, không hỏi gì thêm nữa cả.

Có lẽ cha đang nghĩ "Con bé này lại nghe ai kể về mẹ nó rồi", đó là lời giải thích đơn giản và có lý nhất cho tất cả mọi hành vi bất thường từ trước đến giờ sau khi mơ xong của tôi.

"Được thôi." Cha cầm cốc cà phê nóng hổi ra bàn ăn, vừa đắng vừa chát. Cái thứ thức uống kỳ quặc người bình thường còn không thể nuốt nổi một giọt, "Con muốn cha gọi theo kiểu gì?"

"Cứ như bình thường thôi ạ."

"Mimi." Vì không bao giờ gọi tên tôi như vậy, nên cha có vẻ hơi gượng, "Mimi ơi?"

Tôi bĩu môi, chọc chọc dĩa xuống đồ ăn, "Nghe như vẫy mèo ấy. Sến quá."

"...Rốt cuộc con muốn gì đây hả Gakumi?"


13.

Không phải đêm nào tôi cũng mơ thấy "mẹ". Đôi khi "mẹ" không xuất hiện thật, đôi khi "mẹ" vẫn đến mà chẳng qua là tôi không nhớ. Mà cho dù có đi chăng nữa, thì những giấc mơ đó cũng khá là rời rạc. Có thể là "mẹ" biết rằng con của Asano Gakushuu và Akabane Karma thì khả năng suy luận cũng sẽ không đến nỗi nào đâu, phải giỏi hơn là đằng khác. Rất may "mẹ" đã đúng. Không những tôi gắn kết chúng lại với nhau được, mà còn nhớ cực kỳ dai.

Ngày hôm nay là một trong những ngày mà tôi không mơ thấy "mẹ"

Tôi tỉnh dậy, nhìn đồng hồ. Bốn giờ ba mươi phút sáng. Cha hình như vẫn còn đang ngủ, tôi nghĩ thế, bởi vì phòng bên cạnh không còn phát ra những tiếng gõ phím khô khốc. Nhân tiện đây cháu xin được gửi lời cảm ơn tới các bác các cô các chú các anh các chị vì đã trở nên có ích hơn. Nếu mà cha cháu sau này được ngủ 7 tiếng một ngày, cháu hứa sẽ khao mọi người một bữa tiệc cuối năm bằng tiền tiêu vặt cháu tiết kiệm được.

Quay trở lại vấn đề chính. Có lẽ tôi tỉnh ngủ không chỉ là vì không mơ thấy "mẹ" mà còn là do tiếng gió đập vào ô cửa sổ. Rèm bay phấp phới. Tôi nheo mắt ngồi dậy, ngán ngẩm vì chắc lúc mình đi học vẫn còn chưa ngớt mưa, dông to như thế này cơ mà. Mặc dù có thể nhờ cha đưa đi, thế nhưng vẫn ngại lắm.

Bỗng chợt, tôi nghe thấy thứ gì đó lạch cạch phát ra từ bàn học. Tôi tỉnh hẳn rồi. Gió thổi to lắm, to đến nỗi khung ảnh của "mẹ" dựng trên tủ bàn học của tôi sắp rơi xuống.

"Nào! Ê!" Tôi lật chăn, hấp tấp chạy tới. Và may mắn thay, trước khi nó chạm đất thì tôi đã kịp giơ tay ra bắt lấy rồi ôm vào trong người. Vì quá vội nên chân tôi đã va phải cạnh bàn. Tôi nén đau, ngồi sụp xuống sàn. Gió vẫn đập liên hồi, như thét gào đòi tôi trả lại những gì đang thuộc về nó. Tôi nhìn ra, nhíu mày căm hận. Còn lâu đi.

Tôi đứng dậy đóng sầm cửa sổ lại, rồi lôi đèn pin điện thoại ra soi kỹ khung ảnh, xem có bị vỡ chỗ nào không. Tôi quyết định không bật đèn phòng vì sợ sẽ đánh thức cha. Sau khi đã xác nhận khung ảnh vẫn còn nguyên vẹn không một vết nứt, tôi quay trở lại giường, chùm chăn, ghì chặt lấy nó, thiếu điều khảm luôn vào trong người. Phần góc của chiếc khung ghim vào tay nhức nhức, nhưng tôi không quan tâm. Ngoài "mẹ" tôi ra, hiện giờ tâm trí tôi không còn cái gì đáng để quan tâm nữa cả.

Những đêm không mơ thấy "mẹ", là những đêm mà tôi không thể nào ngủ ngon.

Nhưng đôi khi đó cũng là một sự may mắn, chẳng hạn như hôm nay vậy.

Tưởng tượng sáng mai thức dậy và thứ đập vào mắt mình đầu tiên chính là khung ảnh vỡ tan tành dưới chân, tôi sẽ bật khóc. Mặc dù biết thừa cái khung đấy chẳng đáng bao nhiêu so với tài chính nhà tôi, nhưng tôi vẫn sẽ nức nở dọn cái đống nát vụn ấy rồi chạy đi mách cha. Đã lâu lắm rồi tôi không muốn phải khóc trước mặt cha, nhưng nếu chạm nhẹ đến chủ đề "mẹ", nước mắt tôi cứ thế mà tuôn ra.

"Mẹ" là điểm yếu lớn nhất của tôi, như những gì tụi bắt nạt hồi xưa biết được. Và tôi vừa ghét vừa yêu cái việc mình không thể nào phủ nhận điều ấy.


14.

Hôm nay giấc mơ của tôi mở đầu bằng một khung cảnh lạ lẫm. Tuyết rơi trắng trời, toà nhà cao tầng ngợp đèn, gió thổi bên tai lạnh buốt. Hiện tại là giờ tan tầm nên mọi người đi lại cũng khá đông. Tôi bối rối. Cha chưa từng nhắc đến nơi này, mọi người càng không. Tôi nhìn xung quanh, ngó trái ngó phải, cố gắng tìm ra một điểm nào đó cảm thấy quen quen, nhưng càng để ý kỹ thì nó lại càng kỳ quặc hơn.

Trong ký ức của tôi, nơi này chưa hề tồn tại.

Đang mải mê tìm kiếm, tôi bỗng đụng phải một ai đó đang đứng đợi đèn đỏ trên vỉa hè. Người nọ may mắn thay là cũng không có tức giận gì, thậm chí còn hỏi thăm tôi, mặc dù tôi mới là đứa có lỗi: "Cô không sao chứ?"

"À, dạ, không sao, cảm ơn-" Tôi định phẩy tay, cười xuề xòa cho qua như những gì vẫn hay làm. Thế nhưng ngay lập tức, cơ thể tôi như bị một thứ gì đó làm cho đông cứng lại, không làm sao nhúc nhích được. Tôi sững sờ, đứng trân trân tại chỗ.

Vì người trước mặt không ai khác, chính là "mẹ" tôi.

"Cô không sao chứ?", Người hỏi lại tôi một lần nữa. "Cô lạc đường sao? Tôi cũng khá rõ về khu vực này, nếu như cô đang không có sẵn điện thoại để tra Google Maps thì tôi sẽ giúp cô nhé?"

Giờ tan tầm. Chiều muộn. Đợi đèn đỏ. Tuyết rơi.

"Mẹ" tôi mất trong khi đang băng qua đường bên kia, vào một buổi chiều muộn tuyết rơi trắng trời.

"Không..." Tiếng kêu sửng sốt của tôi theo ý nghĩ mà thốt ra bằng lời. Vội vàng và hấp tấp, tôi nắm chặt lấy gấu váy, cố gắng giữ cho bản thân tỉnh táo: "Tôi, ừm, tôi xin lỗi, xin lỗi vì đã va phải anh. Anh có thể chỉ cho tôi cách đi về phía toà nhà kia cách đây 2 cây được không? Anh có thể đi cùng tôi không?"

Không được khóc. Không được khóc.

Dù bộ dạng của mày có trông có đang thảm hại đến mức nào đi chăng nữa thì mày cũng không được khóc. Nín ngay.

"Tôi chỉ kịp chỉ cho cô hướng đi đến chỗ đó thôi, hiện tại tôi đang khá vội." "Mẹ" cười, "Hôm nay là sinh nhật tôi, mà cô cũng biết đấy, sinh nhật thì ít nhất cũng phải kịp về ăn một bữa cơm với gia đình. Cô thông cảm cho tôi nhé?"

Hai mươi lăm tháng mười hai. Hai mươi lăm tháng mười hai.

"Cách đây 2 cây thôi mà, tôi là con gái nên đi một mình sợ lắm," Tôi tuyệt vọng câu giờ, "Chỉ một lúc thôi-"

"Cô tên là gì?"

"Mẹ" đột ngột cắt ngang lời tôi nói, và trong phút chốc, tôi đã định nói dối.

Nhưng tôi vẫn kịp dừng lại, vì Người đang trao cho tôi một ánh nhìn rất sâu - Người biết từ lâu rồi, chỉ là không nói gì. Tôi bị hút vào trong đôi mắt hổ phách đó, rồi như một chú rối gỗ Pinocchio bị doạ nói dối thì mũi sẽ dài ra, cô gái ngày nào vẫn luôn mạnh mồm giờ chỉ biết ấp úng, cúi gằm mặt: "Gakumi ạ..."

Giống nhau quá cũng không phải là một điều tốt mà, đúng không cha?

"Gakumi hả? À." "Mẹ" ồ lên một tiếng như thể vừa mới khám phá ra được điều gì đó mới mẻ lắm, "Cứ đi thẳng theo hướng này, rồi con sẽ đến được nơi con cần phải tới thôi."

"Mẹ biết con muốn đến đâu sao?" Đến lúc này thì tôi không nhịn được nữa rồi, "Mặc dù đó là một địa điểm con bịa ra?"

Nước mắt tôi rơi ướt đẫm mặt. Chết tiệt. Tệ thật đấy.

"Biết chứ. Mẹ luôn luôn biết." Mẹ cười, "Dù sao thì con cũng là con của mẹ."

Bỏ dấu ngoặc kép ra được rồi nhé. Khẳng định xưng hô rồi.

"Mẹ là người tạo ra những giấc mơ này cho con." Tôi thổn thức, "Tại sao vậy ạ?"

"Bởi vì cho dù có ghét cái bản mặt khó ở của lão cha già nhà con đến đâu, mẹ cũng rất nhớ những kỷ niệm khi ở bên cạnh cậu ta."

Rồi mẹ tiến lại gần, dùng ngón cái lau đi nước mắt đang lăn dài trên má tôi. Một xúc cảm rất thật, nó thật đến độ nhiều lúc tôi tưởng rằng đây không phải là mơ. Kể cả sau này khi tỉnh lại rồi thì tôi vẫn nghĩ thế.

"Và trên tất cả, mẹ luôn muốn được nhìn thấy con."

Thì ra mẹ vẫn luôn nhìn thấy tôi.

Công sức lau nước mắt cho tôi của mẹ bỗng chốc đổ sông đổ bể, bởi vì sau khi nghe xong câu đó, tôi càng khóc to hơn.

"Sao thế này? Không muốn gặp mẹ à?"

"Không phải..." Tôi lắc đầu nguầy nguậy, cố gắng thanh minh trong những tiếng nấc dồn dập. Thế nhưng cho đến cuối cùng, tôi cũng không thể nào tìm được lý do khác có tác dụng thuyết phục người khác hơn ngoài hai chữ không phải.

"Đến giờ về nhà rồi, Gakumi à." Mẹ tôi giờ này vẫn còn đùa cợt được, "Nếu con không về, cha con sẽ đốt thư đòi con cho mẹ mất."

"Còn mẹ?" Tôi ngẩng lên, "Mẹ sẽ đi đâu?"

"Về đó." Mẹ chỉ tay ra phía điểm dừng bên kia, nơi mà mẹ chưa thể nào đặt chân tới, "Đó chính là biển của mẹ."

"Gakumi nghĩ biển đẹp thì mẹ sẽ đi biển."

"Đừng mà." Tôi nắm lấy tay áo mẹ, "Cách đây có 2 cây thôi mà, mẹ đi cùng con đi."

Cha kể rằng cơm cà ri mẹ làm ngon lắm. Con cũng muốn ăn.

Mẹ đi cùng con đi.

"Chúng ta không thể nào thay đổi số phận được, Gakumi à. Chuyện gì đến thì cũng đã đến rồi."

Làm ơn.

"Sẵn sàng chưa? Gakumi?"

Làm ơn đấy.

"Sao con không trả lời? Mẹ đang hỏi con mà?"

Làm ơn đừng đi.

"Cha đang đợi con kìa."

Khi nghe mẹ nhắc đến cha, tôi mếu máo hơi gật nhẹ đầu, nhưng vẫn nhìn Người đầy luyến tiếc. Mẹ cười, rồi đi ra phía sau tôi, nhẹ nhàng thủ thỉ:

"Đi đi con. Và đừng quay đầu lại."


15.

Ngày xưa tôi đã từng nghĩ câu giải thích "bày ảnh mẹ tôi trong nhà làm bùa bình an" có một phần nào đấy đúng, bây giờ tôi xin phép được sửa lại thành nó hoàn toàn đúng.

Chuyện là hôm ấy, tôi có vô tình cầm khung ảnh mẹ ra ngắm rồi để quên trên bàn học, cứ thế mà đắp chăn đi ngủ. Hôm ấy, tôi và khung ảnh lưng đối lưng. Và kết cục là hôm ấy, tôi mơ thấy ác mộng.

Cơn ác mộng này không phải ma quỷ gì, cũng không phải bước hụt chân ngã từ trên cao xuống rồi giật mình tỉnh dậy. Nó thậm chí còn kinh khủng hơn thế nhiều.

Tôi mơ thấy ngày mẹ tôi chết.

Tôi mơ thấy tôi đứng trước cánh cửa phòng cấp cứu bệnh viện. Trắng toát. Lạnh lẽo. Như tuyết rơi ngoài trời.

Tôi mơ thấy ông bà nội ngoại của tôi, tôi mơ thấy các cô các chú. Tôi mơ thấy ông nội tôi thở dài rồi quay lưng đi, tôi mơ thấy những người còn lại khóc, tôi mơ thấy họ không thể chấp nhận được sự thật, tôi mơ thấy họ buồn thương.

Rồi tôi mơ thấy cha tôi chạy đến. Tôi mơ thấy cha tôi thẫn thờ.

Tôi mơ thấy chú Ren ôm chặt lấy cha tôi, thủ thỉ những câu xin lỗi. Tôi mơ thấy từng người từng người một tiến về phía cha, dường như họ cũng rất muốn nói gì đó, nhưng cuối cùng họ lại chẳng thể nói gì. Mà đối với cha thì điều đó cũng không còn quan trọng nữa. Cha cứ đứng bần thần nhìn nơi cánh cửa phòng cấp cứu im lìm, trong nỗi tuyệt vọng cùng cực vẫn mong có một phép màu vi diệu nào đó xảy ra như Santa Claus phát quà cho bọn trẻ con vào đêm Giáng Sinh.

Ngọn lửa hy vọng vụt tắt. Hết rồi, hết thật rồi.

Cha tôi không khóc, nhưng còn đau đớn hơn là khóc.

Và tôi cũng khóc.

Tôi cũng khóc. Tôi cũng gào to thật là to, vì vốn dĩ chẳng ai nghe thấy tôi cả.

Mà nghe thấy thì có sao nào? Tôi mặc kệ đấy.


16.

Tôi mơ thấy nhiều thứ lắm. Tôi mơ thấy nhiều. Rất nhiều thứ.

Tâm trí tôi đang vô cùng nhiễu loạn. Những cơn ác mộng cứ từ đâu mà dội đến mà hành hạ tôi, dìm chết tôi xuống vực sâu thăm thẳm, xé xác tôi ra tan xương nát thịt. Chúng nó đã đợi ngày này lâu lắm rồi sao?

Tôi mơ thấy di ảnh của mẹ tôi. Tôi mơ thấy cha lặng đi trước linh cữu của mẹ. Tôi mơ thấy sự chết chóc đến ám ảnh trong đám tang, tôi mơ thấy tôi đứng chôn chân ở đó. Chẳng thể nhúc nhích, chẳng thể làm gì.

Đồ vô dụng. Đồ vô dụng đồ vôdụngđồvôdụngđồvôdụngđồvôdụngđồvôdụngđồvôdụng.

Tôi mơ thấy cha nguyên một buổi chỉ đứng đó thôi, mặt cúi gằm. Cũng không biết cha nhìn cái gì, cũng không biết cha đang nghĩ gì. Thi thoảng khi sực nhớ ra, cha lại hỏi mọi người xung quanh "Gakumi đâu?" rồi chạy đi tìm tôi. Tìm được rồi thì cũng chỉ bế tôi lên, không trách móc gì cả. Cũng không nói gì cả.

Đôi lúc, cha sẽ bế tôi ra tiễn khách. Cha vỗ vỗ cánh tay tôi, ra hiệu cho tôi cảm ơn cô chú đi. Tôi dùng cái chất giọng ngọng líu ngọng lô để làm theo.

2 tuổi, cái tuổi người ta chập chững tập đi tập nói. 2 tuổi, cái tuổi tôi chập chững núp sau chân cha khi thấy người ta chen chúc trong đám tang và bập bẹ những tiếng cảm ơn khách đến viếng.

Các cô các chú nghe được thì cười trong hai hàng nước mắt chưa khô, xoa đầu tôi, khen tôi ngoan lắm. Không, tôi không hề ngoan chút nào hết. Mẹ qua đời, cha và ông bà nội ngoại chưa kịp đau buồn đã phải tiếp khách, còn tôi thì chỉ biết chạy đi chơi cùng cây chong chóng được một ai đó tốt bụng tặng cho.

Mày vô dụng quá, Gakumi ơi. Mày đúng là đồ vô tích sự. Mày chả làm được cái quái gì hết. Còn phiền.

Tôi vùng vẫy. Rồi tôi tỉnh dậy. Tôi khó thở và thảm hại. Tôi chộp lấy khung ảnh của mẹ ôm khư khư vào trong lòng. Nhìn thấy nụ cười của mẹ, tôi thấy nhẹ nhõm. Tôi oà khóc. Cha chạy sang, dịu dàng hỏi tôi làm sao vậy. Tôi không nói được, nhưng có lẽ cha cũng hiểu sau khi nhìn thấy vật tôi đang cầm trên tay. Thế là Người lại ôm lấy tôi, an ủi tôi cho đến tận gần hai giờ sáng. Chúng tôi an ủi nhau.

Tôi nắm lấy áo của cha như ôm một chiếc phao cứu sinh. Chắc chắn những cơn ác mộng này chính là cặn bã tích tụ lâu ngày đang lăm le chờ cho đến khi tôi không còn sự bảo vệ của mẹ nữa. Làm sao mà mẹ tạo ra những thứ này được. Mẹ thương tôi nhiều như thế.

Đến tận khi không tồn tại trên đời nữa, mẹ vẫn còn cách khác để thương tôi.


17.

Sáng ngày hôm sau, tôi đã quyết định kể cho cha nghe về chuyện tôi có nằm mơ thấy mẹ.

"Mẹ con nói mẹ rất nhớ những kỷ niệm khi ở bên cạnh cha đấy," Tôi giương vẻ mặt hóng chuyện vui, "Cha còn nhớ mẹ không?"

Cha tay vẫn pha cà phê, nhưng tôi biết cha luôn chăm chú nghe tôi nói. Tôi biết chứ, vì cha rất thích soi những điểm vô lý trong câu chuyện của tôi. Mặc dù hơi hơi khó chịu về việc này, nhưng không thể phủ nhận rằng điều đó cũng chứng tỏ cha luôn trân trọng tôi. Vì nói thật, nếu tôi mà là cha, tôi sẽ bỏ đi ngay lập tức khi thấy đối phương kể chuyện ngu quá.

Nhưng hôm nay cha lại không nói gì cả. Chỉ nghe thôi. Tôi cứ nghĩ cha sẽ đứng dậy bỏ đi thật.

Ừ. Cha bỏ đi thật.

Tôi ngỡ ngàng. Chẳng nhẽ mình ngu đến mức ấy ư?

Bỗng chốc, tôi nghe được tiếng cha lẩm bẩm: "Từng mấy tuổi rồi mà còn nói mấy câu buồn nôn như thế."

Tôi bật cười nhìn cha, nhưng rồi lời nói trêu chọc chưa kịp tuôn ra nơi đầu môi bỗng chốc tắt hẳn đi - ánh mắt tôi va phải một giọt nước mắt lăn dài trên má Người.

Duy nhất một giọt, không hơn không kém.

Dù sao thì cha đã khóc rồi. Lần đầu tiên tôi trông thấy cha khóc.

Tôi đứng bật dậy, ôm chặt lấy cha. Cha vỗ vỗ tay tôi, thở dài. Nhẹ lòng hay mệt mỏi, tôi cũng không biết. Chỉ biết là cha nhớ mẹ.

Cha không nói nhớ mẹ, nhưng tất cả mọi hành động và cả giọt nước mắt kia đều thể hiện ra rằng cha nhớ mẹ, Có những hành động thậm chí còn ý nghĩa hơn lời nói.

"Cha ơi, mẹ nói là mẹ đã nhìn thấy con." Tôi dựa vào vai cha, thổn thức, "Cha có nghĩ mẹ sẽ tự hào về con không?"

"Có chứ." Cha vẫn trả lời đúng (như những gì tôi mong muốn), "Chỉ cần con tự hào về chính bản thân mình, thì cha và mẹ vẫn luôn tự hào về con."

"Vậy thì cha có nghĩ mẹ vẫn luôn ở đây không?"

"Con người chỉ chết thật sự khi những ai còn tồn tại trên thế giới này quên mất họ. Cha nghĩ là con hiểu điều ấy."

Tôi hiểu chứ.

Lý do vì sao những giấc mơ lại chân thực đến như vậy.


18.

Tôi chưa bao giờ đi thăm mộ mẹ. Vì tôi từ trước đến tận ngày học được về phép ẩn dụ thì vẫn luôn nghĩ là mẹ đi biển. Tôi cứ nghĩ mẹ vẫn đang đi dạo quanh bờ cát trắng, tự do dưới ánh mặt trời buổi bình minh sáng rọi mà không hề biết rằng mẹ sẽ bị mắc kẹt ở cái nơi tối tăm và ẩm ướt, dưới cái thứ đất nghĩa trang mốc xanh mốc đỏ, trong tiếng gió heo hút lạnh cả sống lưng.

Hai mươi lăm tháng mười hai.

Tôi và đứa bạn thân ôm một chiếc bánh sinh nhật nhỏ, tiến đến ngôi mộ phủ đầy tuyết trắng. Sinh nhật mẹ tôi chỉ cách của cha đúng một tuần. Các cô các chú kể thầm với tôi rằng, hồi trước, lúc mà cha còn đang du học ở bên Mỹ, mẹ tôi toàn mua vé máy bay sang tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ cho hai người, gộp vào trong đúng một ngày. Hình như là 27 hay 28 gì đó, họ có nhắc mà tôi không nhớ rõ.

Sau này, kể từ khi mẹ mất, cha tôi đã chẳng còn thiết tha gì đến sinh nhật nữa cả. Cũng phải thôi.

Bởi vì trong khi sinh nhật của người ta là hoa và nến, thì sinh nhật của cha và mẹ, là cái chết và đám tang.

"Thắp nến nhanh lên, Gakumi." Bạn tôi thúc giục, "Trời sắp nổi gió rồi kìa."

"Khoan nào." Tôi cố gắng lấy tay che đi ngọn lửa yếu ớt trên chiếc bật lửa, từ từ đưa nó vào nơi cây nến đã được cắm sẵn. Sau mấy lần vô vọng vì nến chưa kịp thắp mà lửa cứ tắt mãi, cuối cùng chúng tôi cũng thành công.

"Được rồi!" Bạn tôi vỗ tay, trông nó không khác gì một đứa trẻ con lần đầu tiên trông thấy ai đó thắp nến, "Bắt đầu thôi."

"Chúc mừng sinh nhật mẹ. Ơ, không, gượm đã!"

Chưa kịp để tôi nói xong, cây nến lại một lần nữa bị gió thổi tắt lịm.

"Đấy thấy chưa, tại cậu đấy." Bạn tôi giở giọng trách móc, "Cứ chần chần chừ chừ, giờ lại phải cắm lại cây khác rồi kìa."

"Tại gió cứ có phải tại tớ đâu?"

Như nghe thấy được vụ cãi cọ trẻ con của chúng tôi, cây nến, kỳ lạ thay, đã sáng trở lại. Nhưng tôi nghĩ là mình biết lý do vì sao.

"Chúc mừng sinh nhật mẹ ạ," Tôi vội vàng nói, "Mẹ ơi, cảm ơn mẹ vì đã sinh ra con. Cảm ơn mẹ vì hai năm tuyệt vời nhất trong cuộc đời của con. Cảm ơn mẹ vì đã bảo vệ con."

Ngọn lửa nhỏ vẫn ánh lên, dập dìu trước gió.

"Cha và con vẫn luôn nhớ mẹ nhiều." Tôi nghèn nghẹn, hình như lại sắp khóc rồi đây. Phiền phức thật. "Cha bày nhiều ảnh của mẹ lắm, mẹ cũng biết mà đúng không? Cha không ghét việc nhìn thấy mẹ đâu, nên mẹ cũng đừng nói chán cha nhé. Cha sẽ tủi thân cho mà xem."

Dường như sau đó tôi có nghe thoáng qua một tiếng cười khúc khích. Nhưng mà có gì đáng để sợ đâu chứ. Mẹ tôi mà.

"Nhanh lên nào, Gakumi." Bạn tôi đứng hết xoa tay rồi lại run chân, "Tớ lạnh lắm rồi đây này."

"Cậu đừng có lằng nhằng nữa," Tôi quay sang quát nhẹ nhỏ một câu rồi tiếp tục, "Mẹ ơi, mẹ từng nói là chúng ta không thể thay đổi được số phận. Vậy chuyện chúng ta là gia đình cũng được tính là số phận đúng không mẹ? Chuyện con là con của mẹ cũng được tính là số phận đúng không mẹ?"

Ngọn lửa chớp tắt hai lần - mẹ đang gật đầu với tôi.

"Vậy kiếp sau, hay kiếp sau nữa, hay kiếp sau nữa nữa nữa, chúng ta vẫn sẽ như vậy nhé mẹ. Chúng ta vẫn sẽ là người một nhà, nhưng mà con muốn không chỉ là hai năm, mà là hai chục năm, à không, hai ba trăm năm, mà thôi, vô hạn năm càng tốt ạ."

Bạn thân tôi nhìn tôi với một vẻ mặt khinh bỉ. Tôi cũng kệ. Không hiểu sao mỗi khi đứng trước mẹ, tôi vô tình trở thành một đứa con nít vô tri chưa hiểu sự đời. Nhưng mà tôi thích thế.

"Nhưng hiện tại thì, hai cha con con sẽ gặp được mẹ, mà chắc phải hơi lâu đó ạ. Đến lúc gặp lại nhau, con vừa già vừa xấu thì mẹ đừng chê con nhé. Mẹ hứa nhé?"

Ngọn nến lại chớp tắt thêm lần nữa.

"Muộn rồi ạ, giờ con phải về đây. Cha đang đợi con về nhà ăn cơm." Tôi hạ mắt, cúi xuống, "Chúc mừng sinh nhật mẹ. Con yêu mẹ nhiều."

Ngọn nến sáng bừng, rồi giờ đã vụt tắt hẳn.

"Ối, chú ơi, khoan đã ạ!" Bạn tôi đột nhiên hô lên, vậy là nó lại sáng trở lại. Tôi đảo mắt, bất lực nhìn nhỏ.

"Chú cứ yên tâm đi ạ, có con ở đây rồi, Gakumi sẽ không còn cô đơn nữa đâu." Con bé ôm chầm lấy bả vai tôi mà lắc, "Phải không? Gakumi?"

"Cậu phiền phức quá đấy! Về mau không tớ bỏ cậu lại bây giờ!" Tôi cố gắng hất tay nhỏ ra, nhưng nhỏ cứ giữ khư khư lấy, "Không chịu đâu, Gakumi à. Chúng ta đã hứa rằng sẽ luôn ở bên nhau kể cả khi hai đứa đã lấy chồng mà. Cậu sao mà nỡ lòng nào bỏ tớ lại một mình ở đây chứ."

"Đi về đi về. Cậu bé bé cái mồm thôi, giữa nghĩa trang mà cứ nô nô đùa đùa."

Hai chúng tôi bước ra khỏi cổng nghĩa trang, hoà mình vào dòng người đang tấp nập mua sắm đồ đạc chuẩn bị đón năm mới. Có những cửa hàng vẫn còn chưa kịp tháo đồ trang trí Giáng Sinh, hoặc có thể là do họ thấy đẹp nên vẫn để nguyên đấy.

Tuyết vẫn còn rơi, nhưng không còn lạnh nữa.


The end

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top