1. máy ảnh ma,
"Lũ trẻ đó đều là kiệt tác của Người."
"Nhưng tôi đâu tạo ra chúng."
"Nhưng em tặng chúng cho Người, nên giờ chúng là của Người rồi."
.
.
Gửi tới người đang đọc những dòng này, thứ lỗi cho kẻ chẳng có chút khiếu văn vở, lại có thói lan man đại hải là tôi. Tôi buộc phải viết xuống những dòng dưới đây - thứ nhất, là để giữ bản thân không phát điên (nên viết càng nhiều và càng dài, càng tốt); và thứ hai, là để cảnh tỉnh bất cứ ai lỡ đặt chân vào— nơi này.
Tôi không nghĩ có danh từ phù hợp nào để lột tả nó, cũng như hết thảy những— người bạn, mà ai cũng có thể lỡ bắt gặp ở đây. Đổ cho vốn từ của tôi hạn hẹp đi, không sai; thực lòng, khi nhắc tới họ, cụm từ đầu tiên và duy nhất bật ra trong đầu tôi, chỉ có q̶̶u̶̶á̶̶i̶ ̶v̶̶ậ̶̶t̶. Nhưng nếu tôi gọi họ như thế, thì khác nào phủ mình theo ý muốn của họ.
Nên, chẳng quan trọng tôi gọi họ là gì đâu,
Ta bắt đầu với kẻ thứ nhất luôn nhé?
.
Lần đầu tôi gặp đứa bé đó, là ở bậu cửa tít cùng dãy nhà phía Tây, hướng ra sân sau trường.
Tôi đoán chừng hôm đó là một ngày hạ - còn là giai hạ chớm tàn, chớm lụi. Vì có cái nắng hanh rót toé lên nền gạch sạm - không quá rực rạo, nhưng vẫn đủ rát để chân tôi rụt quắm lại; và vì vẫn loáng thoáng tiếng gì rỉ rích như ve rũ cánh sầu. Tôi cứ đoán chừng thế thôi, vì tôi nào nhớ nổi từng tiểu tiết chi li. Tôi còn không lý giải nổi tại sao mình lại đi chân trần ra tận dãy nhà đối diện lớp học chính của bản thân nữa kia.
Tôi chỉ nhớ dáng lưng đứa bé nọ - gọi là đứa bé, âu cũng có chút ngượng tay - tì ngả lên sống cửa, cao tới mức chắn ngoạm cả bóng cây phong đỏ lá sừng sững giữa sân. Rồi khi tôi nhướn mình qua, và nhìn rõ cả đôi chân toằng ngoằng vắt thừa qua ba bậc thang; đến một kẻ không giỏi ước lượng cũng có thể nói càn là người này cao trên mét tám.
Nhưng tôi vẫn sẽ gọi y là đứa trẻ. Vì bản năng bắt tôi làm thế.
"... Xin chào."
Và vì tôi biết, đôi mắt màu lam loãng mơn man ủ dột kia, chỉ có thể là của một đứa bé mà thôi.
(Nó quá trong so với cái vấn đọng rệu rã của người trải đời, và cũng quá dịu so với cái bất mãn trớt quớt của đám thiếu niên bồng bột. Chỉ đơn thuần là, chút buồn nhẹ hẫng và chóng tan của một đứa bé.)
"Xin chào."
Đứa bé kia nhanh nhảu đáp lời.
Tôi không nhớ đủ để đặc tả giọng nói, nhưng tôi nhớ nụ cười - tươi rực và sáng rọi như vành hướng dương tụ nắng. Đứa bé ngước lên nhìn tôi qua ống kính chiếc máy ảnh cầm tay.
Nắng rưới lên thấu kính, một vệt hồng đan lục tái trong veo.
"Đừng có chụp."
"Tôi biết mà. Khuôn mặt cậu cũng đâu ưa nhìn tới mức đấy."
(Tôi biết đó là một lời nói dối. Đến thầy hiệu trưởng mới - trẻ măng nhưng khó ở tới cùng cực - còn phải công nhận là tôi có một khuôn mặt điển trai kia mà. Nhưng thôi, có thể gu trẻ con thời nay hơi dị hợm; nên tôi chỉ nhún vai, không nói thêm gì.)
Đứa trẻ bật cười khẽ lẽ, chậm rãi hạ chiếc máy ảnh xuống lòng; hai bàn tay cẩn thận ấp lấy hai bên sườn máy, như thể muốn truyền chút xíu hơi ấm sự sống vào giữa những con vít vô tri. Nó nhích người sang bên, chừa ra một khoảng trống vừa thỏm cho tôi lọt qua. Nên tôi chẳng nói chẳng rằng mà ngồi thụp xuống luôn.
Hoặc là tôi đã nói gì đó, nhưng tôi không nhớ được. Và vì nó không phải tình tiết gì quan trọng quá đâu, nên xin đừng trách tôi khi lược bỏ.
Gió ráp táp lên gò má; và lá cây chừng như đang độ chuyển màu. Như thể có ai đó vừa nhỏ bung cả rễ cây lên, rồi nhúng chìm phần ngọn vào một tô sệt nhựa nha đam - chỉ có túm lá đầu ngọn là còn xanh rờn màu hạ. Còn lại đều lốm đốm tông đỏ, tông vàng - đan lấy nhau như những ô màu trên khối rubik chưa giải. Hoặc có thể, khung cảnh này hoàn toàn do trí tưởng tượng của tôi chắp vá phục dựng nên; vì có quá nhiều thứ mà tôi chẳng thể nhớ nổi. Nên tiềm thức tôi đang tự lấp lấy cái khoang trống hoang hoải ấy bằng toàn những thứ hoang đường.
Tôi không nhớ gì nhiều về phần đầu cuộc hội thoại ấy cả. Chỉ có nửa sau của nó, là sẽ ám ảnh tôi tới tận khi tâm trí ngừng nghĩ suy.
"Cái máy ảnh này vốn đâu dùng để chụp người sống."
Đứa bé hạ giọng thì thào,
"... Ồ."
Gió chẳng kịp tán bung hết mọi câu chữ trước khi chúng kịp chạm tới tai tôi, và tôi thờ ơ đáp lại một tiếng như thế. Đấy, thấy chưa, hoàn toàn là một đứa trẻ - tôi của khi ấy, có lẽ đã nghĩ như thế.
Chừng như chẳng mảy may để tâm tới cái trào phúng lộ rõ trong tông giọng lẫn ánh mắt tôi, đứa bé vẫn cứ tủm tỉm cười; những ngón tay mảnh khảnh khéo léo vặn lấy ngàm ống kính. Xoay vào, hay tháo ra— hình như là ráp lại. Nó vừa giải phẫu cái máy ảnh đó à?
"Thế, cái máy ảnh đó chụp gì? Ma à?"
Tôi không nhớ nổi tại sao khi ấy, mình lại muốn bắt chuyện với đứa bé nọ tới thế. Có thể do cái nắng đổ gay gắt như đang muốn nung cạo da tôi; và vì quá lười để di chuyển, nên tôi đành tìm cách khác làm mình phân tâm thôi. Hoặc cũng có khi, vì càng im lặng, tôi càng thấy cái góc cắt sườn mặt lẫn hàng mi đứa trẻ ấy, có gì đó lạ vô cùng.
(Và lạ ở đây, không phải là đẹp. Tôi không phủ nhận, đứa trẻ đó đẹp. Không có ai trong bọn họ là không đẹp tới chếnh choáng ngẩn ngơ cả. Nhưng trùm lên cả cái đẹp ấy, chỉ có một từ sai. Có gì đó không đúng, trong độ cong bẽn lẽn tới giễu nhại nơi khoé môi, hay hàng mi rẻ quạt lay mình như cánh bướm chực bay, hay cái ánh nhìn đặc sệt thương hại như thể họ biết hết thảy những cái bí mật nhớp nhơ mà tôi đã sớm xắt vụn rồi giấu vùi vào giữa từng đốt tuỷ—)
Tôi không nhớ màu áo đứa trẻ nọ khoác trên vai, nhưng tôi nhớ mái tóc trắng phôi, như thể ai kia vừa phết dặm bụi phấn lên từng lọn một. Dài qua gáy, túm thành một cái đuôi ngựa mảnh dính sau cổ. Tôi cũng không nhớ rõ nội quy về tóc tai của trường lỏng chặt ra sao, nhưng chắc chắn là tới tận giờ, tôi vẫn chưa gặp một bạn học nam nào khác nuôi tóc dài tới vậy.
Tôi, lúc ấy, không xét tới khả năng người này là giáo viên; vì thứ nhất là, nếu thế, tôi đã chẳng dám gọi nó là đứa trẻ. Và vì chẳng có công nhân viên chức nào trong trường mà đứa lưu ban hai năm là tôi không nhớ mặt cả. Tôi cũng không xét tới việc nó là người ngoài trường, vì làm gì có chuyện ông bác bảo vệ cục cằn để bất cứ một người không phận sự (và không thẻ) nào - kể cả phụ huynh hay thanh tra từ Bộ - bước nửa bước qua cổng.
Tức là, tôi của khi ấy khù khờ chắc mẩm, một học sinh năm đầu với dấu hiệu trầm trọng của hội chứng Chuunibyou. Và hội chứng Marie Antoinette; hoặc là thành viên danh giá của hội con ông cháu cha với đủ bạc đút tay để ngang nhiên vào trường với một quả đầu nhuộm. Tôi khá nghi ngờ giả thuyết cuối.
"Không phải hả? Hay là... ờm, một sinh vật gì khác mà mắt thường không thấy được? Như là, quỷ? Thiên thần? Hay mấy con yêu tinh nảy loanh quanh gì đấy?"
Và đến cả giả thuyết đầu cũng bắt đầu lung lay, khi đứa bé nọ thoáng nhíu mày, bất mãn lắc đầu. Lọn tóc mai dài chấm vai lay nhẹ như dây kéo chuông đền; và một phần trong tôi thực lòng đã muốn vươn tay ra giật thử lấy nó, xem tiếng đinh đang liệu có thật ngân vang trong cái nắng hạ tràn. Phần còn lại trong tôi, thì vẫn luôn biết ơn bản thân khi ấy nhường nào khi đã kịp kìm lại tính táy máy bẩm sinh.
Đứa bé vẫn không đáp lời - tôi nhẩm đếm từng giây, và bỏ cuộc sau mười lăm nhịp lặng. Nó vẫn cứ mải miết, cẩn trọng xoay ráp cái ống kính dài ngang ngón trỏ, với sự chăm chú lẫn tỉ mẩn của một nhà giải phẫu rạch mở lớp biểu bì mỏng tang trên cánh côn trùng.
"... Cậu thích cái máy ảnh đó lắm à?"
Tôi dè giọng hỏi ướm.
Lần này, đứa bé gật đầu. Có vài giọt nắng rỉ thoáng vương lại nơi đuôi mắt cong cong, nhuốm đôi đồng tử sạm màu lam lạnh thành cái tênh tao ấm dịu như cánh lưu ly trên mặt ly trà.
À, tôi nhớ ra rồi. Đột nhiên lại nhớ ra rồi. Giọng đứa nhỏ nọ trầm - không tới mức như cello, chỉ ngang với dây G mở trên violin là kịch; ấm, nhưng lại khàn đục như thể thanh quản bị dát đầy nhựa thông. Và dù nó có gắng nhấn giọng tới chừng nào chăng nữa, cao độ cũng chỉ có thể hạ tới vậy mà thôi.
"Đây là quà của anh trai tôi."
Chẳng trách trông thằng nhóc lại vui ra mặt.
"Để chúc mừng cậu đỗ cấp ba à?"
"Không."
Đứa bé đáp gọn lỏn, gần như là cộc lốc. Không trả lời nhiều hơn những gì được hỏi; thằng nhóc này cũng có điểm giống tôi thật. Và nói từ góc nhìn của tôi trong hiện tại, thì tôi và nó chẳng có điểm tương đồng nào khác ngoài cái thái độ không muốn giao thiệp với thế gian đó cả.
"Thế, quà sinh nhật?"
"Là quà mừng tôi được nhận nuôi."
... Ồ.
Tôi nhớ mình đã cảm thấy tội lỗi; rất mực tội lỗi. (Như một kẻ khờ bị xỏ mũi.) Có cái gì đấy ngứa ngáy xoáy liệng nơi khoang ngực. Có cái gì đấy lờm lợm như đờm họng, đắng xém; và tôi càng cố nuốt vào, nó lại càng tứa trào thành câu;
(Tôi vẫn luôn là một kẻ thiếu nhạy cảm tới đáng hờn.)
"... Tôi xin lỗi."
Đứa bé thoáng khựng lại; những ngón tay ấn trên bề mặt lập rập rãnh cấp như giấy gói cupcake thoáng chững vài khắc, rồi lại tiếp tục chạy xoay như được lập trình. Nó liếc mắt nhìn tôi, và dầu tôi chẳng tài nào đọc nổi những xúc cảm thoáng lướt trên cái bề mặt lặng thinh như khoảng trời không mây ấy—
"Tôi biết mình không sai mà. Cậu giống anh trai tôi ghê ấy."
Nó mím môi, cười mỉm; rụt rè chìa cái khung ngắm máy ảnh về phía tôi. Và đính chính một chút, là khá lâu về sau, qua chính miệng đứa bé nọ, tôi mới biết bộ phận đó được gọi là khung ngắm. Chứ với tôi của ngày ấy, cái khoảng xắt chữ nhật bé ngang một chiếc gương tay ấy, chắc cũng chẳng khác một cái màn hình điện thoại là bao.
Những khung ảnh cũ - hay, mượn chữ của đứa bé kia, những lát cắt thời gian - bắt đầu nối nhau loang thẫm lớp màn hình tinh thể lỏng.
Và thằng bé bắt đầu kể; giọng đều tăm - điềm nhiên tới ơ thờ. Đôi môi tái màu cẩm quỳ tựa con đập mở toang, và cơn lũ ngôn từ (chẳng biết tù đọng tự bao giờ) lập tức ùa ra, cuốn phăng những lời phủ quyết đang ngấp nghé nơi đầu lưỡi. Cuốn phăng cả vài mảnh hồn vụn vương vãi đâu đó giữa đầu ngón và hàng mi xếp gấp trên đôi đồng tử chết lặng, chết trân;
Tách.
"Ba mẹ tôi... mà, cũng không cần nói về họ làm gì. Nói chung tôi và anh trai sống với ông từ nhỏ. Ông hồi đó cũng trên bảy chục rồi; hai, ba năm đầu thì không sao, nhưng đến năm thứ tư thì không làm việc được nữa. Làng quê nghèo, không có quỹ trợ cấp. Anh em tôi thì chưa tới mười tám - ngu ngốc thật, mấy kẻ thiển cận ở đấy cũng biết tới luật lao động kia - nên không đâu nhận vào làm mướn cả. Với cả, ông tôi cũng là dạng lủi thủi bẳn tính; chẳng có thân quyến, hàng xóm thì từ mặt. Nhà thờ— à, có một cái nhà thờ ngay gần nhà ông tôi, chỉ cách tầm vài trăm mét thôi; cái nhà thờ thì đã nhận vào quá nhiều trẻ mồ côi. Vùng quê đấy nhiều trẻ mồ côi lắm; mà có khi tại đám trẻ đấy kéo bè kéo lũ chạy quanh phố rồi phá phách nhiều quá, nên mấy kẻ bán buôn mới không dám nhận hai anh em tôi. Đi ăn cắp thì sẽ bị đánh đến thừa sống thiếu chết. Đồ ăn thừa thì người ta đi đem quyên cho nhà thờ, chứ không cho chúng tôi. Đồ đạc trong nhà, nếu bị phát hiện đem cầm hoặc đem bán, thì sẽ bị đuổi cổ, hoặc là đánh chết."
(Cái cách đứa trẻ ấy thốt ra từ chết, nhẹ nhàng biết dường nào.)
Chính giữa khung ảnh trên màn hình, là một người phụ nữ trong bộ cánh trắng nhụi như dù sứa miết phẳng. Chị ta nằm thẳng thướm, mắt nhắm nghiền, tay chắp trên bụng; cây thánh giá đặt giữa ngực, hấp háy như bóng sao rơi. Hoặc là do góc độ ánh sáng, hoặc là da chị ta thực sự tái bợt, tái phau, tới độ tôi những tưởng như mình có thể dấp cọ mà nhem màu lên ấy. Tôi nhớ mái tóc đen xoã, từng lọn đan mắc vào giữa những đóa hoa héo rũ - có một lớp thảm hoa lát dưới lưng chị ta. Màu vàng ố như cà phê loang trên vải trắng. Tôi cá chắc mười mươi, đó mới là màu gốc của những đóa hoa. Trắng. Trắng của hoa tang. Trắng của cái chết.
Bao quanh cái nệm đang quắt lại vì thiếu nước ấy, là bốn cái khung gỗ ốp ọp ẹp. Hoặc là thứ gì đấy trông giống khung tranh; bọc cao quá đầu người con gái nọ. Vì góc độ chụp, nên tôi chỉ có thể nhìn thấy phần mặt rìa - đen sần sật như thức ăn bị rán quá lửa. Tận cùng rìa trái bức ảnh, (tôi nheo mắt, nghiêng đầu săm soi), còn có vách đất nâu sạm, đổ dốc xuống, bề mặt nham nhở như bị cào xúc—
"Nhưng mà, không có cái ăn thì không được."
Lần này, tới lượt nhịp thở tôi chững lại.
Tách.
"Nên chúng tôi đi đào mộ, và ăn xác người."
Màn hình đột ngột tối sẩm, (cửa trập sập kín,) rồi lại sáng rộ lên. Từng phân tử vỡ khúc xâu thành những vệt nhiễu nhập nhằng, phai tạp đủ thứ màu, trúc trắc ráp nối thành một bức tranh méo xiên méo xẹo. Nắng ỏn ẻn chao vạt áo qua, rồi tắt ngấm - như sợ hãi rụt mình.
Và tôi thì biết chắc cái thứ lờm lợm cay xộc nơi cuống họng mình lúc này, chẳng phải là cảm giác tội lỗi, hay bất cứ thứ xúc cảm chết bằm nào mà đáng lý ra chẳng nên được đặt tên.
Một nhát cắt nham nhở rạch tung khoang bụng phẳng lì. Tà váy sũng đỏ. Hai mép vết thương bị xẻ toác ra, thành một khoang bầu dục lệch độ, như thể ai đấy vừa khoét thêm một cái hốc để thả tọt con mắt thứ ba vào thay cho hệ tiêu hoá. Những mẩu thịt nhám vụn rung rinh bết vào kẽ xương, như phần thân con sên trần sũng lợm dịch thể, trơ tráo bám nhớp lên bất cứ bề mặt rắn nào mà nó chạm tới được.
"Mỗi ngày, chúng tôi đều chờ tiếng chuông nhà thờ. Không phải chuông cầu nguyện, mà là chuông tang. Cậu cứ nép ở xó tường một ngày, nghe đi nghe lại, là sẽ phân biệt được thôi. Đấy là anh tôi bảo thế; anh tôi phân biệt tiếng chuông giỏi lắm. Anh ấy mắc hyperthymesia... à, là hội chứng siêu trí nhớ ấy. Anh tôi không có khả năng quên đi bất cứ thứ gì trong đời cả; như là mấy mánh chặt xẻ nghe lỏm được ở hàng thịt lợn chẳng hạn."
Có cánh tay gầy quắt, bé bỏng, vói vào khoảng trống toang hoác giữa khoang ngực và đai chậu. Lòng bàn tay khum lại như một cái muỗng, múc lấy quả thận bé thỏm như hạt đỗ xanh. Cái xô gỉ sét bẩn tưởi đặt chễm chệ trên ngực, che đi cây thánh giá, che đi đôi mắt Chúa trời. Dải thịt trơn săn lại thành từng cục thuôn, dài ngang một đốt ngón - ruột già, tôi cố ép mình không nghĩ tới hai chữ ấy - như xúc xích nén dập, hay những đốt thân bị bơm sicilon tới phổng đầy của một con sâu bướm, lủng lẳng phần đuôi trên miệng xô.
Thứ lỗi cho vốn từ hạn hẹp lẫn văn phong tệ hại của tôi; tôi vẫn muốn tả. Tôi vẫn phải viết xuống. Bởi vì trần đời, tôi chưa từng - và cầu phước lành rằng sẽ không bao giờ phải một lần nữa - tận mắt chứng kiến một khung cảnh bệnh hoạn và dơ rục tới thế. Và tôi cần lôi sạch nó ra khỏi tâm trí nếu còn muốn ngủ yên thêm một lần nào.
Tách.
"Anh tôi tốt bụng lắm. Con người thì ai mà chẳng giết để sống; kể cả mấy người ăn chạy bẩm sinh cũng giết thực vật đấy thây. Huống hồ, chúng tôi còn không giết bất cứ ai cả. Nhưng anh ấy vẫn cảm thấy tội lỗi. Hoặc là sợ hãi. Vì không thể quên được, nên những hình ảnh này đeo đẳng anh ấy mỗi đêm. Mà tôi thì dĩ nhiên chẳng thể giúp được gì."
Quả tim ướt nhẹp nằm cộm trên mặt thớt gỗ (tận cùng phía trên, chếch về trái bức ảnh); từng nhánh van mạch phồng rộp lên như rễ sồi nổi u. Có bàn tay bé xinh cẩn thận kéo căng phần rìa thuôi ruột, rồi nhấn lần mũi dao dọc theo bề mặt trơn nhẵn. Lớp cơ vòng bọc tách mở như sóng rẽ, để lộ những mẩu bột chất thải nâu lợm xen vàng rạ bẩn cặn.
Đây là định nghĩa trực quan và trần trụi nhất của hai chữ ghê tởm.
"Nên tôi đã nghĩ, nếu vậy thì, chỉ còn cách chịu khổ cùng anh ấy thôi. San sẻ một nửa nỗi đau, kiểu vậy đó. Thế là tôi lấy trộm một cái máy ảnh cũ, từ hòm di vật của... bố chúng tôi, chắc là thế; rồi đem chụp lại. Từng cái xác một. Từng buổi nấu nướng một. Tôi lưu giữ lại tất cả, và nhìn chúng mỗi đêm."
Tiếng ve đột ngột rộ lên, như trống đệm tan hồi; rồi nín bặt.
Tách.
Nhãn cầu lăn trên đĩa như hai cục bánh trôi. Trùng hợp thay, đôi đồng tử đục ngầu đục ngẫn ấy, cũng loang sắc vàng nhợt.
"Như thế, chí ít, anh tôi sẽ không cô đơn nữa."
Tách.
Cái xác khô quắt của một người nom đã có tuổi - tóc bạc trắng, má hõm, móng tay vàng ran. Mặc áo len màu xanh lam xỉn. Hốc mắt trũng sâu. Không phải nằm trong quan tài, mà là ngả mình trên ghế tựa, trong một căn phòng—
"À, nhầm rồi. Đừng để ý tới tấm đó nhé."
... Tại sao lúc đó, tôi lại không đứng lên mà chạy đi ấy nhỉ?
Tách.
Lần này, là cái xác của một con cún. Chihuahua. Rất bé. Lông xám, ngắn cũn, ôm sát người. Tôi chẳng biết mình nên thở phào, hay nên tự cười nhạo sự đạo đức giả hoặc tiêu chuẩn kép của bản thân nữa đây.
Tách.
Một con chó bé bằng bắp tay, sao có thể lấp đầy cái bụng cồn cào đã quen được chiều hư của hai đứa bé. Nên dĩ nhiên, sẽ lập tức có một món chính tiếp theo. Mà cái tiếp theo ấy, lại là một thiếu niên đẹp tới ngẩn ngây - những lọn tóc đen xoăn nhẹ, rủ xuống tựa liễu ôm, ôn tồn lướt trên hàng mi nhắm nghiền, cong điệu như lông vũ hồng hạc. Đẹp tới phi thực. Đẹp tới si dại. Đẹp tới lộm rộm buồn nôn.
"Mắt thẩm mỹ của anh cũng giống anh trai tôi nữa nhỉ. Anh tôi cũng thích người này lắm, thích tới mức cố gắng chặt đầu gã ta đem về kia. Anh tôi nói, muốn giữ người này, mãi mãi."
Tách.
Bức ảnh tiếp theo: vẫn bàn tay bé nhỏ ấy, hằn học vịn lấy những đốt xương bọc lồng trên quả tim lạnh ngoét - dồn lực tới nổi gân xanh rần. Như thể muốn bẻ ngoặt từng khúc xương ráo giòn rụm, rồi hôn lấy - hay nuốt lấy - mảnh xác thịt thiêng liêng đã từng là khởi nguồn của bản nhạc sự sống, là cánh cửa dẫn tắt tới tâm hồn đã sớm hoại tử—
"Nhưng, cậu biết đấy, chặt xương thì dĩ nhiên là tiếng rất to. Cái xác lại còn mới như thế. Chúng tôi lựa giờ còn không cẩn thận, nên bị bắt quả tang. Hết thảy bị phanh phui."
Tách.
Ngón cái đứt lìa, với phần rìa nhở nham như lửa hun, nằm chỏng chơ trên đất. Người đàn ông lạ mặt trong bộ quần áo rách rưới ngã thụp xuống, khuôn miệng banh chành, la ó - những nếp nhăn hằn cả sợ hãi lận giận dữ xô vón vào nhau. Một biểu cảm xấu xí. Thảm hại.
"Nhưng mà, là nói dối đấy."
... Hả?
Tôi vô thức thở hắt ra một hơi; luồng không khí dớp lạnh trượt theo rãnh nhân trung - và tới tận lúc ấy, tôi mới nhận ra mình đã nín thở tự bao giờ. Cả hai bàn tay rịn mướt mồ hô lạnh. Vai tôi căng cứng. Mà không, không chỉ vai; mọi thớ cơ trên cơ thể đều cứng đanh như dây đàn vĩ cầm khi bị vặn chốt quá đà. Đến cả hệ thần kinh sinh dưỡng, thứ mà tôi vốn chẳng thể hữu thức điều khiển, hẳn cũng đang chững lại trong kinh hãi - như thể sợ rằng chỉ cần lay trật một nhịp thôi, và con dao bên kia ống kính sẽ lập tức xé rách màn hình, hung hãn rạch lên một khuông nhạc cuối đỏ thẫm cho khúc đời ngắn ngủn này.
Đứa trẻ nọ ngước lên, nhìn thẳng vào mắt tôi; đôi đồng tử màu lam loãng trong lảnh chiếu rõ từng đường nét một trên khuôn mặt mà tôi đã quen thấy trong gương mỗi sáng, rồi vặn xoắn nó thành một cục bầy hầy chằng rõ nhân dạng.
Là nói dối đấy.
"Người ấy không phải là anh trai ruột tôi đâu. Là một đứa trẻ mồ côi trong nhà thờ thôi. Nhưng mà, cậu biết đấy— anh ấy rất ngầu, nói cách khác là, rất lập dị. Nên người lớn trong nhà thờ đều vừa sợ vừa ghét anh ấy. Nên anh ấy bị cắt khẩu phần ăn. Mà, anh ấy cũng vốn đâu thích ăn mấy thứ cỏ vón nhạt thếch ấy."
Tách.
Cuộn phim vẫn chạy. Tôi nghe tiếng tim mình nảy lên từng nhịp, loạn âm, không đều, như tiếng một đứa bé vụng về lần đầu chạm vào máy ảnh, run tay ấn liên tục lên nút chụp hình—
"Cậu biết không, tôi thực sự rất thích anh ấy. Thích như cái cách anh ấy thích người con trai trong cỗ quan tài kia vậy. Tôi cũng muốn giữ anh ấy, mãi mãi."
Đứa bé khẽ nghiêng đầu, nhoẻn cười nhẹ tênh;
"Cậu có muốn nhìn thấy anh ấy không?"
Cậu giống anh trai tôi lắm đấy.
.
.
Tôi không nói, không rằng, và cũng không dám nhìn vào màn hình thêm một khắc nào nữa; chỉ lập tức đứng dậy, xoay gót bỏ chạy.
Chẳng cần nhìn lại, tôi cũng biết,
sau lưng tôi, đứa trẻ kia vẫn đang mê mẩn xoay miết cái ngàm ống kính.
Đâu, mới là nói dối thế?
Tách.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top