Chính trị luận - Aristotle - Q01C09
Chương IX
Nhưng có một hình thức khác của nghệ thuật tích lũy tài sản rất thông thường và đáng được gọi là nghệ thuật làm giàu. Chính nghệ thuật này đã khiến cho người ta có ý tưởng là sự giàu có và tài sản là vô giới hạn. Rất nhiều người đồng hóa nghệ thuật làm giàu này với nghệ thuật tích lũy tài sản đã nói ở trên vì chúng đều có liên quan đến tài sản, nhưng dù hai nghệ thuật này không khác nhau gì mấy, chúng lại không giống nhau. Loại nghệ thuật nói ở trên là do tự nhiên mà ra, loại thứ hai là do kinh nghiệm mà có.
Ta hãy xem xét vấn đề này theo quan điểm sau đây:
Tất cả vật chất mà ta có đều có hai khả năng sử dụng: cả hai cách này đều từ bản thân vật đó mà ra, nhưng không giống nhau về cách thức sử dụng; có cách sử dụng đúng cách, và cách kia được coi là không đúng hay còn được coi là cách phụ thuộc. Thí dụ, một chiếc giày được dùng để đi, nhưng cũng có thể được dùng để trao đổi lấy vật khác; đó là hai cách sử dụng của chiếc giày. Kẻ đem chiếc giày đi đổi lấy tiền hay thực phẩm với kẻ cần chiếc giày thì cũng sử dụng chiếc giày đấy chứ, nhưng cách sử dụng đó không đúng cách hay dùng đúng mục đích căn bản của chiếc giày, vì giày được làm ra để đi chứ không để trao đổi. Điều này cũng đúng với tất cả các loại tài sản khác, vì mọi thứ đều có thể được trao đổi, và xảy ra cũng tự nhiên vì có người có quá nhiều, kẻ lại có quá ít không đủ cung ứng cho nhu cầu của họ. Như thế, ta có thể suy ra rằng việc buôn bán [hàng hóa để lấy lợi nhuận] không phải là bộ phận tự nhiên của nghệ thuật tích lũy của cải, bởi vì [nếu mục đích chính theo tự nhiên của việc tích lũy tài sản là để cung ứng cho nhu cầu của mình, thì] người ta sẽ thôi không buôn bán nữa khi đã có đủ.
Thực ra trong cộng đồng đầu tiên, tức là gia đình, thì nghệ thuật trao đổi hàng hóa này chẳng có ích lợi gì hết, nhưng khi xã hội phát triển, thì nó lại trở thành hữu dụng. Vì khởi đầu tất cả thành viên của gia đình đều có chung với nhau mọi thứ; sau đó khi gia đình chia ra thành những gia đình nhỏ hơn, thì những gia đình nhỏ hơn này lại chia [vật chất chung] thành nhiều thứ khác nhau. Họ phải trao đổi lẫn nhau để lấy cái họ cần; phương thức trao đổi này vẫn còn được các quốc gia "man rợ" áp dụng để trao đổi cho nhau những nhu yếu phẩm của cuộc sống, và chỉ có thế thôi; thí dụ rượu đổi lấy lúa hay các sản phẩm khác được trao đổi với nhau. Việc trao đổi sản vật như thế này tuy không phải là một bộ phận của nghệ thuật tích lũy tài sản và cũng không đi ngược với tự nhiên, nhưng cần thiết cho sự thỏa mãn các nhu cầu tự nhiên của con người. Một hình thức trao đổi khác, phức tạp hơn, được phát triển, như ta có thể suy ra, từ hình thức trao đổi đơn giản này. Khi dân cư của một nước trở nên càng lúc càng tùy thuộc vào một nước khác và nhập cảng từ nước này những sản phẩm cần thiết, và xuất cảng những thứ mà họ có dư, thì tiền bạc ắt phải được dùng trong những cuộc trao đổi như thế. [Lý do là vì] những nhu yếu phẩm không thể được vận chuyển dễ dàng, và như vậy, người ta đồng ý dùng trong những cuộc trao đổi như thế một vật gì đó tự nó có hiệu dụng và dễ dàng sử dụng trong đời sống làm vật thay thế, thí dụ như sắt, bạc, hay các kim loại khác. Khởi đầu giá trị của những vật thay thế này được đo lường bằng kích thước và trọng lượng, nhưng dần dà người ta đóng một con dấu lên đó để định mức giá trị mà không phải mất công cân đo nữa.
Khi việc sử dụng tiền bạc (dưới hình thức tiền đồng) được phát minh do nhu cầu trao đổi nhu yếu phẩm, một nghệ thuật tích lũy của cải khác ra đời, đó là nghệ thuật buôn bán. Lúc đầu có lẽ đây cũng là một vấn đề đơn giản, nhưng rồi trở nên càng lúc càng phức tạp khi người ta học được từ kinh nghiệm những cách thức để kiếm lời nhiều nhất. Khi tiền bạc được sử dụng, nghệ thuật tích lũy của cải thường được đồng hóa với việc kiếm được nhiều tiền, và trở thành nghệ thuật tích lũy của cải và làm giàu. Thực ra, sự giàu có, theo nhiều người, là có một số lớn lượng tiền bạc, vì nghệ thuật tích lũy của cải và buôn bán đều dính dáng đến tiền bạc. Những người khác lại cho rằng tiền bạc là vật giả tạo, do quy ước tạo nên, chứ không phải tự nhiên, vì lẽ nếu người sử dụng dùng một sản vật khác thay thế, thì tiền bạc sẽ trở thành vô dụng vì nó không phải là một phương tiện có ích gì cho nhu cầu của cuộc sống. Thật thế, những kẻ có nhiều tiền vẫn có thể thiếu những thực phẩm cần thiết. Thế thì đó có phải là của cải không khi một người có rất nhiều mà vẫn phải chết vì đói, như vua Midas trong truyện ngụ ngôn, người đã xin thần thánh biến tất cả mọi thứ ông đụng vào thành vàng?[1]
[1] Midas là vua xứ Pessinus, theo thần thoại Hy Lạp, là một vị vua gặp nhiều rắc rối với thần thánh và những tao ngộ này được ghi vào thần thoại. Trước hết, Midas, vì tiếp đãi trọng hậu Silenus, người vừa là thầy vừa là cha nuôi của Tửu Thần Dionysus nên được Dionysus ban cho quyền năng là bất cứ thứ gì nhà vua chạm vào đều biến thành vàng ròng. Khổ thay, khi đụng đến thức ăn chúng cũng biến thành vàng khối. Khi gần chết đói, Midas cầu xin Dionysus giải trừ cho quyền năng này. Dionysus bảo Midas xuống rửa tay tại dòng sông Pactolus. Quyền năng hóa vàng này được chuyển từ tay Midas xuống dòng sông và hóa cát dưới lòng sông trở thành vàng. (Đây là một loại thần thoại dùng để giải thích các hiện tượng thiên nhiên khi người ta đãi cát tìm vàng. Có lẽ dưới lòng sông Pactolus có mỏ vàng.) Rắc rối thứ hai Midas gặp là khi thần Appollo tranh tài âm nhạc với thần Pan là thần của đồng ruộng (Appollo nổi tiếng với cây thất huyền cầm lyre, còn Pan nổi tiếng với tài thổi sáo). Vị thần núi Tmolus làm trọng tài cho cuộc thi này tuyên bố Appollo thắng cuộc và mọi người có mặt trong cuộc thi này đều đồng ý ngoại trừ Midas, vi Midas là đệ tử của Pan. Điều này khiến cho Appollo nổi giận cho rằng đúng là "đàn gẩy tai lừa," nên biến hai lỗ tai của Midas thành tai lừa. Thành ngữ VIệt Nam cũng có câu "đàn gẩy tai trâu."
Vì vậy khi người ta cố tìm xem có một ý niệm nào đúng hơn giữa sự giàu có và nghệ thuật tích lũy tài sản với việc tích lũy tiền bạc, thì đó là một việc làm đúng đắn. Bởi vì sự giàu có và nghệ thuật tích lũy tài sản theo tự nhiên khác với nghệ thuật buôn bán; một đằng là một bộ phận của sự quản trị gia đình, còn buôn bán là nghệ thuật sản xuất ra của cải qua sự trao đổi sản vật. Nghệ thuật này chỉ chú trọng đến tiền bạc, vì tiền là đơn vị trao đổi và cũng để đo lường hay định giới hạn của tài sản. Như thế, đối với nghệ thuật làm giàu qua tiền bạc, thì quả là không có giới hạn.Nếu như trong nghề thuốc không có giới hạn trong việc tìm ra phương thức bảo vệ sức khỏe, hay trong các nghề khác không có giới hạn trong việc đạt tới mức tối đa mục đích của các nghề đó, thì trong nghệ thuật làm giàu, mục đích của nó cũng không có giới hạn, mục đích này gồm có sự giàu có giả tạo và tích lũy của cải. Nhưng trong nghệ thuật tích lũy của cải trong hộ gia đình có một giới hạn, vì tích lũy của cải vô giới hạn không phải là mục đích của nghệ thuật này. Theo quan điểm này, do đó, tất cả mọi sự giàu có đều phải có giới hạn; tuy nhiên, trong thực tế, dường như điều trái ngược lại là điều đang xảy ra, vì không có giới hạn cho những kẻ làm giàu tăng gia tiền bạc.
Nguồn gốc của sự nhầm lẫn này nằm ở quan hệ mật thiết giữa hai loại tích lũy tài sản; trong cả hai loại, phương tiện thì giống nhau, nhưng cách sử dụng và mục đích lại khác nhau, và điều này tạo ra sự nhầm lẫn: tích lũy tài sản là mục đích của loại thứ nhất, còn đối với loại kia còn một mục đích xa hơn. Vì thế một số người lầm tưởng rằng làm giàu là mục đích của quản trị gia đình, và tất cả suy tư của họ trong đời là làm sao để có tiền bạc càng nhiều càng tốt, và nếu không làm được như vậy, thì cũng đừng làm mất mát, hao hụt tiền bạc. Nguồn gốc của khuynh hướng này trong bản chất của con người nằm ở chỗ người ta chỉ chú trọng đến sự sống còn, chứ không nghĩ đến chuyện sống tốt đẹp, và vì lòng ham muốn thì vô hạn, người ta cũng muốn những phương tiện thỏa mãn lòng ham muốn này trở thành vô hạn. Ngay cả những người muốn tìm một đời sống tốt đẹp cũng muốn tìm những cách thức thỏa mãn các nhu cầu vật chất, và những cách thức này cũng tùy vào nghệ thuật tích lũy tài sản của họ, cho nên họ cũng cắm cúi vào việc kiếm tiền. Đó là lý do thực sự tại sao lại có nghệ thuật làm giàu thứ hai này.
Vì sự hưởng dụng khoái lạc nằm ở chỗ có của cải dư dật, người ta tìm cách cung cấp một cách dư dật các lạc thú, và nếu không thể cung cấp cho các lạc thú này bằng cách tích lũy tiền tài, thì họ tìm những cách khác, dùng mọi phương pháp và khả năng trí tuệ cũng như thể chất cho mục đích này, dù rằng có đi ngược lại với dụng ý của thiên nhiên. Thí dụ, lòng can đảm, không phải để làm giàu mà để tạo cho con người sự quả quyết;[2] khả năng quân sự hay về y học cũng vậy: khả năng quân sự để đạt đến chiến thắng, và khả năng y học để chữa bệnh, đều được dùng vào việc làm giàu. Thế nên có những người đã dùng hết tâm trí vào việc làm giàu và coi đó là cứu cánh của họ, tất cả những điều khác đều được dùng cho cứu cánh này.
[2] Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: "Có chí làm quan, có gan làm giàu."
Đến đây ta đã xem xét nghệ thuật làm giàu, một thứ nghệ thuật không cần thiết, và tại sao người ta lại ưa chuộng đến như vậy; cũng như xem xét nghệ thuật tích lũy tài sản cần thiết rất khác biệt với nghệ thuật làm giàu và là một bộ phận tự nhiên của nghệ thuật quản trị gia đình, chú trọng đến việc cung ứng thực phẩm, một thứ tài sản có giới hạn chứ không phải vô giới hạn như tiền bạc.
http://icevn.org/vi/node/419
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top