Chính trị luận - Aristotle - LỜI GIỚI THIỆU

(Chính Trị Luận được dịch từ bản tiếng Anh của Ernest Barker do Nhà Xuất bản Claredon Press ấn hành năm 1946)

Bối cảnh lịch sử

Khoảng 4000 năm trước, ở Âu châu chỉ có những giống dân du mục. Từ sông Danube, một giống dân du mục tiến dần về phương nam để tìm những đồng cỏ xanh tốt hơn và dừng chân ở bán đảo Greece. Họ lấy tên thủy tổ của họ là Hellene để làm tên gọi. Người Trung Hoa sau này phiên âm Hellene thành Hy Lạp, và ta cũng quen theo lối gọi này.[1] Ngày nay, Hy Lạp dùng địa danh để đặt tên nước của họ: Greece. Tên chính thức là Cộng hòa Hellenic.

[1] Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Thế giới, trang 65. Văn Nghệ tái bản tại Hoa Kỳ, 1994.

Thời cổ, Hy Lạp không phải là một nước thống nhất như ngày nay mà gồm nhiều thành phố được tổ chức như những quốc gia gọi là thị-quốc; mỗi thị-quốc độc lập với nhau và có cách tổ chức chính trị khác nhau. Các thị-quốc nổi tiếng gồm có Athens, Thebes, và Sparta. Tuy cùng một chủng tộc nhưng dân thị-quốc này lại coi dân thị-quốc khác như thù địch và chém giết lẫn nhau. Sparta và Athens là hai thái cực. Dân Sparta được huấn luyện để sống khắc kỷ từ nhỏ, một đời sống giản dị và cực kỳ trọng võ. Trái lại, dân Athens sống xa hoa, theo công nghệ và yêu chuộng thương mại. Về chính trị các thị quốc Hy Lạp đều theo quân chủ. Sau khi vua Alcmaeon băng hà vào năm 753 trước Thiên Chúa giáng sinh (BC), Athens được tổ chức theo dân chủ nghị viện: công dân được quyền bầu nghị viên, nhưng chức vụ thẩm phán vẫn dành cho quý tộc. Đến thế kỷ thứ 5 (BC), Athens hoàn toàn theo thể chế dân chủ trực tiếp. Mọi công dân đều trực tiếp tham gia việc nước: nghị luận, bàn cãi, bầu bán, biểu quyết, vân vân. Do đó, Athens được coi là nơi có chế độ dân chủ đầu tiên, nơi mà mọi người dân đều được tham gia chính sự. Tuy nhiên, đây cũng là nhược điểm, vì "quyết định của chính phủ thường chậm trễ, dân chúng quen thói bàn bạc, cãi cọ nhau, mồm mép giỏi mà hành động dở, dễ chia rẽ vì những lẽ nhỏ nhặt."[2] Dầu sao, nhờ tính chất tự do tư tưởng mà Athens trở thành một môi trường thuận lợi cho các triết gia như Socrates và sau đó, học trò ông là Plato đã phát triển học thuật đủ mọi ngành. Từ đó, Athens trở thành trung tâm tư tưởng và học thuật của cả bán đảo Hy Lạp; sau này, chính là cái nôi văn hóa và tư tưởng của Tây phương.

[2] Sđd, trang 68.

Aristotle: Thân thế và sự nghiệp

Aristotle không những là một trong những triết gia vĩ đại của Cổ Hy Lạp mà còn của thế giới Tây phương. Ông sinh năm 384 và mất năm 322 (BC) tại Stagira, một thị trấn nhỏ phía đông thành phố Salonica, sát biên giới vương quốc Macedonia. Xuất thân từ một gia đình trí thức, cha của Aristotle là ngự y của vua Macedonia nên từ nhỏ, Aristotle đã được học về thiên nhiên và sinh vật qua quan sát cũng như qua các tài liệu y học của phụ thân.

Mười bảy tuổi, Aristotle tới Athens du học, đúng vào thời điểm Athens vừa được hồi sinh sau cuộc chiến với Sparta và mau chóng trở thành trung tâm văn hóa của toàn khu vực nói tiếng Hy Lạp. Athens được coi là quê hương của kịch nghệ, của ngôn ngữ thời thượng, trung tâm buôn bán và trao đổi sách vở của toàn cõi Hy Lạp. Ngoài văn chương và thương mại, Athens cũng là trung tâm của học thuật vì ngay từ thời đó đã có hai trường đại học được thành lập. Một là Viện Đại học Athens dạy đủ mọi ngành học và thuật cai trị. Trường thứ hai là Học Viện của Plato, học trò của Socrates-người được coi là ông tổ của Triết học Hy Lạp. Aristotle theo học tại Học Viện dưới sự hướng dẫn của Plato trong suốt 20 năm và nghiên cứu đủ mọi ngành học thuật từ toán học, văn học, sinh vật học cho đến triết học. Có thể nói Aristotle không chỉ là một sinh viên mà đã trở thành trợ giáo của Plato tại Học Viện.[3] Aristotle chú trọng đặc biệt đến siêu hình học (metaphysics)-môn học nghiên cứu về "ý tưởng," những gì bên ngoài và ở bên kia thực tại, không phụ thuộc vào giác quan- cùng thiên văn học và chính trị học.

[3] Ernest Barker, The Politics of Aristotle, Oxford University Press, 1956.

Chính trị học, đối với người Hy Lạp, không những chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật. Học Viện Plato không chỉ dạy những môn học và nghiên cứu có tính lý thuyết; đây cũng là nơi huấn luyện chính trị và đào tạo các chính trị gia, đặc biệt về phương diện lập pháp. Plato không phải chỉ là một triết gia, một học giả trong tháp ngà. Ông đặc biệt chú trọng tới tính ứng dụng của chính trị học. Plato tin rằng chỉ có triết học chân chính mới hướng dẫn đúng đắn cách hành xử của con người, và cũng như Khổng Tử ở Đông phương mong muốn truyền bá Đạo của mình tới các bậc quân vương, Plato du hành sang Syracuse để cố vấn cho vua Dinysius đệ nhị, một bạo quân, cách cai trị theo "Vương đạo" trong suốt 16 năm nhưng chẳng thành công, giống trường hợp Khổng Tử đã thất bại sau 14 năm chu du thiên hạ để tìm một minh quân.[4]

[4] Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Thế giới, trang 139,Văn Nghệ, 1994

Trong những năm cuối đời, Plato trước tác một tác phẩm đồ sộ gồm 12 quyển mang tựa đề: Luật Pháp. Những tư tưởng trong Luật Pháp đã phần nào ảnh hưởng đến tác phẩm Chính Trị Luận của Aristotle sau này. Đối với Aristotle, Plato là một người thầy vĩ đại (dù sau này tư tưởng của Aristotle có phần tương phản với Plato trên bình diện triết học), và xứng đáng là một vĩ nhân, như trong những vần thơ ai điếu do Aristotle viết cho thầy: "Ông (Plato) là một người mà kẻ xấu cũng không được quyền ca tụng, người duy nhất và có lẽ là người đầu tiên đã chứng tỏ một cách rõ rệt bằng chính cuộc đời và tư tưởng của mình, là để được hạnh phúc chính là làm một người tốt."[5]

[5] Sđd., trang xiv.

Năm 347, Plato qua đời ở tuổi 80. Trong năm này, có hai sự kiện đánh dấu một bước ngoặt lớn trong đời Aristotle. Quê hương Stagira của ông bị quân đội của vua Philip xứ Macedonia tiêu diệt khiến ông trở thành một kẻ mất quê hương.Sự kiện thứ hai, quan trọng hơn, là người kế nhiệm Plato làm Viện Trưởng không được Aristotle và một số đồng môn khác tâm phục. Hai sự kiện này khiến Aristotle từ giã Athens, bắt đầu du hành đây đó và đem sở học ra áp dụng trong suốt 12 năm dài. Trên cuộc hành trình này, Aristotle cùng người bạn đồng môn Xenocrates, người sau này trở thành Viện Trưởng của Học Viện, liên lạc với các bạn đồng môn sống rải rác khắp bán đảo Hy Lạp, nhằm truyền bá học thuật của Plato. Trước hết, Aristotle và Xenocrates vượt biển Algea đến Troad nơi có hai người bạn đồng môn là Erastus và Coriscus cư ngụ. Troad là một thị-quốc nằm ở phía đông bắc núi Ida, còn về phía nam núi Ida là thị quốc Atarneus đang do nhà độc tài Hermias cai trị. Erastus và Coriscus, cũng noi gương thầy, làm "cố vấn chính trị" cho Hermias, rằng muốn cai trị lâu dài thì phải cai trị khoan dung và nhân hậu hơn là độc tài sắt máu. Hermias nghe theo lời dậy này và phong đất Assus cho Erastus và Coriscus Tại đây, cùng với Aristotle và Xenocrates, họ thành lập một Học Viện thu hút được sự tham dự của học sinh từ các miền lân cận. Aristotle trở thành bạn thân của Hermias và được nhà vua gả cháu gái cho làm vợ. Tại triều đình của Hermias, Aristotle có dịp được quan sát tận mắt chế độ quân chủ và rút ra được nhiều bài học từ những điều nghe thấy; đồng thời cũng học được những nguyên tắc về thương mại, và ngân hàng từ thị quốc này.

Sau một thời gian sinh sống tại đây, Aristotle dọn sang đảo Lesbos, và từ Lesbos Aristotle được vua Philip của xứ Macedonia vời đến Pella, thủ đô của Macedonia để dạy học cho hoàng tử Alexander từ lúc ông hoàng này mới 13 cho đến khi 19 tuổi. Alexander trở thành Đại đế (Alexander the Great) năm 20 tuổi.[6] Cho đến nay, không còn sử liệu nào cho biết Aristotle đã dạy Alexander những gì, nhưng những tài liệu còn sót lại nói rằng Aristotle đã gửi cho Alexander 2 luận cương về "thuật làm vua" và "cai trị các thuộc địa." Ngoài các môn học về văn chương-chủ yếu là qua trường ca Odyssey của Homer và triết học Hy Lạp-Aristotle còn dạy Alexander về khoa học thiên nhiên. Có lẽ đó là lý do sau này Alexander tưởng thưởng cho công trình nghiên cứu khoa học của Aristole 800 lạng vàng từ chiến lợi phẩm của chiến trường miền Đông. Khi Alexander lên làm vua và bắt đầu chinh chiến, Aristotle còn ở lại Macedonia thêm một thời gian nữa trước khi về lại trung tâm văn hóa và học thuật của Hy Lạp.

[6] Đại đế Alexander đã chinh phục toàn bộ bán đảo Hy Lạp, Ai Cập, và đế quốc Ba Tư (trải dài từ nước Albany ngày nay cho đến Pakistan). Đại đế Alexander nổi danh vì ông đã lập nên một đế quốc và chinh phục một vùng đất rộng lớn, 22 triệu dặm vuông, khi mới 20 tuổi và trên con đường trường chinh trong 10 năm này, Alexander chưa hề thua một trận nào hết.

http://killeenroos.com/1/AlexGre.htm#Alexander%20and%20Ancient%20Warfa

Năm 335, Aristotle trở về Athens và mở trường Lyceum. Trường này nằm bên cạnh Học Viện Plato, do người bạn đồng môn Xenocrates, người đã có một thời cùng Aristotle bôn ba truyền bá sở học của Plato, làm Viện trưởng. Tuy nhiên, Athens lúc này không phải là Athens tự do của 12 năm trước. Alexander đã chiếm đóng toàn cõi Hy Lạp và đặt Athens làm đất bảo hộ của Macedonia dưới quyền quản trị của Toàn quyền Antipater thuộc Liên Minh Corinth. Trong cương vị Toàn quyền, Antipater ủng hộ khái niệm chính trị quả đầu (oligarchy), một chế độ chính trị dựa trên giai cấp có tài sản, nên cai trị Athens theo chiều hướng đó, thay vì để Athens sinh hoạt dưới thể chế dân chủ như trước kia. Một điều ngẫu nhiên lý thú là Antipater và Aristotle đã từng quen biết nhau từ trước tại Macedonia và vẫn giữ liên lạc thường xuyên, nay lại tái ngộ ở Athens trong hai địa vị khác nhau Tuy nhiên, tình bạn giữa hai người vẫn khắn khít như xưa và những chính sách của Antipater đã ảnh hưởng không ít đến những tác phẩm của Aristotle sau này. Một cách cụ thể, Aristotle chủ trương xây dựng một thể chế "trung dung" ủng hộ giai cấp có tài sản. Các tác phẩm của Aristotle viết về hiến pháp và lịch sử hiến pháp của Athens cho thấy ông cũng theo sát những diễn biến chính trị của Athens do Lycurgus, một chính trị gia lỗi lạc của Athens và cũng đồng thời là bạn đồng song với Aristotle, tiến hành tại Athens (tư tưởng của Lycurgus cũng được các học giả đời sau nghiên cứu và đề cập đến trong các tác phẩm của họ). Lycurgus là lãnh tụ của đảng dân chủ theo chủ trương của Demosthenes là khôi phục lại vị thế của Athens trước khi bị Alexander thống trị.

Mặc dù Lycurgus là một người chủ trương dân chủ, nhưng vì muốn khôi phục lại Athens, Lycurgus đã áp dụng một số chính sách của Sparta cho dân Athens: đó là chương trình cưỡng bách huấn luyện quân sự. Mỗi thanh niên Athens phải học tập quân sự trong hai năm. Thêm vào đó là một đạo luật cấm mua làm nô lệ những người tự do đã bị bắt làm tù binh trong chiến tranh. Những chính sách này được Aristotle thể hiện trong Quyển VII của Chính Trị Luận. Năm 328, một biến cố nghiêm trọng ảnh hưởng lớn lao đến Aristotle và học viện Lyceum. Callisthenes, là học trò và là cháu ruột của Aristotle, trước đó từng là bộ trưởng thông tin của Alexander, bị Alexander ra lệnh xử tử vì tham gia vào âm mưu thí vua. Callistenes có tham gia vào âm mưu này hay không, không có tài liệu nào còn lưu lại xác định được việc này, nhưng vì ông chống lại chỉ thị bắt triều thần phải quỳ lạy khi triều kiến nhà vua (tục này Alexander học được từ xứ Ba Tư), Callistenes bị giết khiến cả Lyceum phẫn nộ và "xét lại" tài năng của Alexander.

Năm 324, Alexander hạ lệnh bắt dân Hy Lạp phải vinh danh ông như thần thánh và cho phép những người bị Hy Lạp bị lưu đày được trở về. Chuyện chưa ngã ngũ, Alexander băng hà. Nhân cơ hội này, Athens tuyên bố chiến tranh với Macedonia và đòi lại tự do. Tại Athens, Toàn quyền Antipater đương nhiên trở thành đối tượng của cuộc chiến và Aristotle vì là bạn của Antipater, cũng đành phải bỏ Athens sang tị nạn tại xứ Chalcis. Ông qua đời tại đây vào năm 322.

Sau khi Aristotle qua đời, có hai sự kiện chứng tỏ ảnh hưởng của Aristotle trên nền chính trị của Athens. Sự kiện thứ nhất là Bản Hiến pháp của Athens do Antipater soạn thảo năm 321 sau khi dẹp xong cuộc nổi dậy của Athens 2 năm trước đó. Bản Hiến pháp này phản ảnh tư tưởng chính trị của Aristotle và tiếp nối chính sách của Lycurgus như sau: quyền đầu phiếu giới hạn trong số dân Athens có tài sản từ 2000 drachmas trở lên, nghĩa là giới hạn trong giới trung lưu; những người có một số tài sản vừa phải và còn trẻ để làm nghĩa vụ quân sự. Sự kiện thứ hai là việc Demetrius, học trò của Aristotle, lên cai trị Athens và biến những gì Aristotle đã dạy tại Lyceum thành luật.

Ảnh hưởng của Aristotle, tuy nhiên, không chỉ giới hạn tại Hy Lạp hay tại Athens. Triết lý theo trường phái Aristotle đã trở thành nền tảng cho triết học Duy Thực tại Tây phương. Về phương diện triết lý chính trị, Chính Trị Luận trở thành kinh điển cho khoa chính trị học tại Tây phương đến ngày nay.

Chính Trị Luận

Aristotle viết Chính Trị Luận năm 350 trước Thiên Chúa giáng sinh (BC). Cuốn sách này được xem là căn bản cho Chính trị học Tây phương và ảnh hưởng sâu rộng tới các tư tưởng gia đời sau như Cicero, St. Augustine, Aquinas, và các lý thuyết gia khác thời Trung Cổ. Các lý thuyết gia hiện đại như Machiavelli, Hobbes, và các nhà tư tưởng thời Khai Sáng đều dựa trên nền tảng này mà phê phán lý thuyết và mô hình chính trị kiểu Aristotle. Nhờ vậy, họ đã phát triển nên các hệ tư tưởng mới. Vì thế, dù ta đồng ý hay không với lập luận và lý thuyết của Aristotle, hiểu rõ các nguyên lý căn bản mà Aristotle đã đề ra vẫn là điều cần thiết để có thể hiểu được các nhà tư tưởng thời Khai sáng và Hậu hiện đại.

Trong Chính Trị Luận, Aristotle dùng phương pháp luận lý quy nạp, đi từ đơn vị xã hội nhỏ nhất là gia đình tới xã hội và cuối cùng là quốc gia, để tìm ra những đặc tính thiết yếu mà nhà nước phải có để trở thành một nhà nước lý tưởng. Ngoài phương pháp quy nạp, Aristotle cũng dùng phương pháp so sánh giữa mô hình nhà nước "lý tưởng" và mô hình nhà nước trong thực tế và đưa ra những nguyên lý xây dựng một nền chính trị mang lại "điều tốt nhất" cho con người.

Chính Trị Luận có 8 quyển. Quyển I mang tựa đề "Lý thuyết về Gia đình," gồm 13 chương. Aristotle mở đầu Chương 1 bằng nhận xét bất hủ: "mỗi một cộng đồng được thiết lập nhằm đạt tới một cái tốt nào đó; vì hoạt động của con người luôn luôn nhằm đạt được cái mà nó nghĩ là tốt. Nhưng, nếu tất cả các cộng đồng đều nhắm đến một cái tốt, thì nhà nước hay cộng đồng chính trị-cộng đồng cao nhất và bao trùm tất cả các cộng đồng-phải nhắm tới cái tốt cao cả hơn mọi cái tốt khác, và phải là cái tốt ở mức độ cao nhất." Trong Quyển I, Aristotle dùng phương pháp luận lý phân tích và truy nguyên các hình thức quần tụ của con người từ đơn vị nhỏ nhất là gia đình, đến làng mạc, rồi đến quốc gia.

Trong Quyển I, Aristotle nhắc đến vai trò của nô lệ (C. 3, 4 & 5) khi phân tích các thành phần tạo nên hộ gia đình. Mối tương quan trong hộ gia đình gồm có quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ, giữa chồng và vợ, giữa cha mẹ với con cái. Lập luận của Aristotle về nô lệ dĩ nhiên là không còn hợp với thời đại chúng ta, nhưng nô lệ là một thành phần không thể thiếu được trong xã hội Hy lạp thuở đó. Ở đây, ta cũng cần mở một dấu ngoặc về sinh hoạt kinh tế của Athens thời bấy giờ. Như đã dẫn trên đoạn bối cảnh lịch sử, người Hy lạp chuộng xa hoa, không ưa lao động chân tay, nên nền kinh tế dựa vào sức lao động của nô lệ là chính để sản xuất. Không có nô lệ để sản xuất và phụ nữ lo việc nhà thì đàn ông Hy lạp không còn thì giờ để mà suy tưởng những việc cao xa,[7] tựa như kẻ sĩ trong xã hội ta và Tàu thời trước, nho sĩ để móng tay dài lượt thượt và không được làm việc lao động chân tay (sic).

[7] Clayton, Edward. (2006). Aristotle: Politics [bản điện tử] tại 

http://www.iep.utm.edu/a/aris-pol.htm#SH7d

Theo Aristotle, có hai loại nô lệ: những kẻ sinh ra đã là nô lệ và những kẻ bị buộc làm nô lệ. Aristotle lập luận như sau: những kẻ nào mà trời sinh ra kém thông minh, không làm gì được khác hơn là chỉ làm những việc lao động chân tay, thì những kẻ ấy trời sinh ra làm nô lệ; đó là những kẻ không có đủ trí phán đoán khôn ngoan. Aristotle còn cho rằng đối với những người như vậy có được chủ nhân là điều tốt cho họ (C. 5). Ngoài ra, những kẻ chiến bại là những kẻ bị buộc làm nô lệ. Người Hy lạp, trong đó có Aristotle, lý luận rằng những kẻ chiến bại chắc chắn phải "kém" hơn người chiến thắng chứ nếu không thì thua làm sao được? Như vậy, bị bắt làm nô lệ thì cũng hợp với luận lý mà thôi.

Trong Chương 12, Q. I, Aristotle luận về vai trò phụ nữ trong hộ gia đình. Dĩ nhiên, những nhận định này cũng tương tự như quan niệm về nô lệ, nay đã lỗi thời nhưng có lý trong bối cảnh xã hộ đương thời. Aristotle quan niệm: "người nam do bản chất tự nhiên, ngoại trừ trường hợp bị tật bẩm sinh, thích hợp với vai trò chỉ huy hơn là người nữ; cũng tương tự như với tuổi tác và sự chín chắn thích hợp với vai trò chỉ huy hơn tuổi trẻ thiếu khôn ngoan." Aristotle không nói "chỉ huy" cái gì, nhưng nhận định thêm rằng vai trò người chồng đối với vợ cũng giống như vai trò của nhà lãnh đạo chính trị đối với các công dân, và vai trò của người cha đối với con cái cũng giống như của nhà vua đối với thần dân. Quan niệm của Aristotle về phụ nữ cũng là quan niệm của Tây phương về vai trò phụ nữ là lo việc quản trị gia đình. Ngay cả Thánh kinh của Ki tô giáo cũng quan niệm tương tự như vậy. Về phương diện chính trị, trong thời đại "văn minh" của chúng ta, phụ nữ cũng chỉ mới có quyền đầu phiếu từ năm 1893 tại New Zealand, và tại Mỹ từ năm 1920.

Quyển II gồm 12 chương. Trong phần đầu của Quyển II từ Chương 1 đến 8, Aristotle bàn về các nhà nước lý tưởng trên lý thuyết. Aristotle phê bình mô hình nhà nước lý tưởng của Plato, một nhà nước được xây dựng theo kiểu "cộng sản nguyên thủy," trong đó mọi của cải, vật chất đều được chia sẻ giữa các thành viên của cộng đồng (C. 1, 2, 3, 4 &5). Từ chương 6 đến 8, Aristotle phản bác mô hình của các lý thuyết gia khác như Phaleas, Hippodamus. Trong các chương 9-12, Aristotle nhận diện các nhà nước mà theo ông đã tiến đến gần lý tưởng như Sparta, Crete, và Carthage cùng với những khuyết điểm sâu sắc mà các nhà nước này mắc phải và đã đưa đến sự suy vong sau này.

Từ đó, Aristotle đưa ra nhận định là chẳng khi nào con người có thể đạt được một nhà nước lý tưởng (như Plato chủ trương), nhưng con người có thể xây dựng được cho mình một chế độ tốt nhất có thể được. Đó là một chế độ trung dung, giữa chế độ Dân chủ [khi nói đến dân chủ thời cổ Hy lạp, chúng ta phải hiểu đó là dân chủ trực tiếp, mọi người dân đều tham gia vào chính trị từ nghị luận việc công đến thi hành luật pháp] và chế độ Quả đầu (thiểu số cai trị nhưng không phải là quý tộc).[8]

[8] Moschella, Melissa Classic Note, 2000. Bản điện tử tại:

http://www.gradesaver.com/classicnotes/authors/about_aristotle.html

Quyển III gồm 18 chương và chủ đề của Quyển III là khảo sát về bản chất công dân và các mô hình hiến pháp. Quyển III cũng là trọng tâm của Chính Trị Luận. Trong Chương 1, Aristotle cho rằng tư cách công dân của một người không được tạo nên chỉ vì người đó sinh ra và cư trú trên một đất nước nào đó. Tư cách công dân chỉ cần có một tiêu chuẩn để xác định: công dân là người có quyền tham gia chính sự và giữ những chức vụ trong chính quyền (Chương 1, §12)[9].

[9] Các phân đoạn như § 12 dựa theo theo bản dịchcủa Ernest Barker, Oxford University Press, 1946 

Tuy nhiên, có quyền tham gia chính sự và giữ chức vụ trong chính quyền không có nghĩa là người dân sẽ trở thành một công dân tốt. Aristotle đưa ra một câu hỏi thiết yếu: liệu một người tốt sẽ trở thành một công dân tốt chăng? Theo Aristotle, hai điều này thuộc hai phạm trù khác nhau. Ông đưa ra một hình ảnh so sánh người dân trong một nước với những người thủy thủ trên một con tàu, mỗi người có một nhiệm vụ riêng biệt phải thi hành; người thì lo việc lái tàu, người lo việc chèo chống, vân vân. Mỗi người đều phải làm "tốt" phần việc của mình. Tuy nhiên, tất cả đều có một nhiệm vụ chung là giữ cho con tàu được an toàn, đi được tới mục tiêu đã định. Công dân cũng vậy, mục đích tối hậu là giữ cho sự an toàn của chế độ, và đó là "đức hạnh" chung của mọi công dân (C.4, § 3). Công dân, dù giữ chức vụ lãnh đạo hay chỉ là dân thường, cũng cần phải có kiến thức và khả năng để biết lãnh đạo cũng như biết tuân phục (§15). Riêng đối với nhà lãnh đạo, Aristotle còn đòi hỏi phải có thêm một đức tính ngoài những đức tính mà mọi công dân đều có: đó là sự "khôn ngoan chính trị."

Trong Chương 6, Aristotle phân tích các chế độ chính trị được thể hiện qua các loại hiến pháp khác nhau. Một chế độ chính trị là "cách thức tổ chức quốc gia theo các cơ quan cai trị" (C.6, §1). Vì bản năng tự nhiên của con người là sống quần tụ với nhau hầu đạt được đời sống tốt đẹp hơn lúc sống đơn lẻ; do đó, mục đích tối hậu của mọi chế độ là tạo dựng và bảo vệ đời sống tốt đẹp cho mọi người. Chế độ nào đạt được mục đích này là chế độ đúng đắn; ngược lại, chế độ nào chỉ phục vụ cho quyền lợi của giới cầm quyền là chế độ bất công, vì quốc gia là sự kết hợp của những con người tự do và bình đẳng (C.6, § 9).

Trong các Chương 6 - 8, Aristotle phân tích các loại chế độ đúng đắn và các biến thể sai lầm của các chế độ này. Theo Aristotle, cơ cấu chính trị do hiến pháp đặt ra là cơ cấu tối thượng. Cơ cấu này có thể do Một người, Vài người, hay Đa số nắm giữ. Aristotle phân loại các chế độ chính trị như sau: Quân chủ (một người), Quý tộc (vài người), và Đa số (gồm các công dân có tài sản-Aristotle dùng từ "polity" để chỉ chế độ này). Dù dưới hình thức nào, khi cơ cấu tối thượng này cai trị nhằm đem lại cái "tốt" chung cho mọi người, thì nhất thiết nó phải là cơ cấu chính trị đúng đắn và tốt. Nếu các chế độ kể trên chỉ lo cho quyền lợi riêng thì chúng được coi như bị biến thái thành những chế độ xấu xa, như Bạo chúa (tyranny) thay cho Quân chủ, Quả đầu (oligarchy, thiểu số chỉ lo cho quyền lợi của dân giàu) thay cho Quý tộc, và Dân chủ (democracy) thay cho Đa số (Aristotle và người Hy lạp thời đó quan niệm rằng dân chủ là chế độ chỉ lo cho quyền lợi của dân nghèo). Thế còn trường hợp trong một nước có đa số là dân giàu và thiểu số là dân nghèo thì sao? Aristotle cho rằng con số nhiều, ít chỉ có tính tương đối, và nhấn mạnh một chế độ được xem là chế độ quả đầu nếu những người cai trị lo cho quyền lợi của người giàu (bất kể số người này nhiều hay ít), và một chế độ được xem là dân chủ nếu do thành phần dân nghèo cai trị (C.8, § 7).

Trong Chương 9, Aristotle bàn đến các nguyên tắc của chế độ Quả đầu và Dân chủ, dựa trên khái niệm về công bằng và bình đẳng. Những người theo chế độ Dân chủ cho rằng vì mọi người sinh ra đều bình đẳng, như vậy trên căn bản công bằng, mọi người đều có quyền ngang nhau. Những người theo chế độ Quả đầu lại nghĩ khác: nếu mọi người giàu nghèo khác nhau thì theo công lý, họ cũng có những quyền khác nhau; những người đóng góp cho nhà nước một đồng không thể có ngang quyền với những người đóng góp một trăm đồng. Theo Aristotle, cả hai lập luận trên đều sai lầm vì cả hai phe đều đưa ra nhận định và phán xét dựa trên quyền lợi của mình. Và Aristotle đã nói một câu bất hủ: "mọi người, như một quy luật, đều là những quan tòa không ngay thẳng khi phán đoán những gì có liên quan đến quyền lợi riêng tư của mình" (C.9, §2). Thêm vào đó, nhận định sai lạc của hai phe nằm ở chỗ không nắm vững mục tiêu tối hậu của nhà nước. Quốc gia không phải chỉ là một tập hợp của dân chúng cư ngụ trên cùng một lãnh thổ, hay là nơi để dân chúng buôn bán giao dịch dễ dàng với nhau, hay để cùng chống lại những hiểm họa. Tất cả những điều này cần, nhưng chưa đủ, vì chỉ có thể tạo nên đời sống xã hội chứ chưa tạo thành một quốc gia. Mục đích tối hậu của quốc gia là hướng tới một đời sống "tốt," và các mối dây ràng buộc xã hội chỉ là phương tiện để đạt tới mục đích này mà thôi (§13). Do đó, những ai, qua tài năng và hành động của mình, cống hiến nhiều cho quốc gia, thì sẽ được hưởng nhiều vinh dự hơn (§15). Đây là lý thuyết phân bố công lý gọi là bình đẳng theo tỷ lệ, và dựa trên tài năng. Qua đây, Aristotle bác bỏ lập luận xây dựng quốc gia dựa trên giai cấp xã hội.

Trong Chương 10, Aristotle bàn đến một vấn đề quan trọng cho việc tổ chức quốc gia. Đó là thành phần nào sẽ nắm quyền tối thượng: dân nghèo, dân giàu, thành phần ưu tú, một người có tài năng kiệt xuất, hay một bạo chúa? Nếu thành phần đa số-không kể thành phần đó giàu hay nghèo-tịch thu của cải của thành phần thiểu số để chia cho nhau, thì đất nước sẽ bị tiêu hủy. Nếu thành phần ưu tú nắm quyền, thì đa số còn lại sẽ không có cơ hội để tham chính và giữ trọng trách trong chính quyền. Nếu chỉ có một người cai trị, thì tuyệt đại đa số sẽ chẳng bao giờ có cơ hội tham chính. Và Aristotle đưa ra một đề nghị là "Pháp Trị," tức là hãy để luật pháp, chứ không phải con người có quyền tối thượng, vì con người luôn luôn để tư lợi và tình cảm xen vào.

Trong các chương còn lại của Quyển III, từ Chương 11 đến 18, Aristotle phân tích sự lợi hại của "Nhân trị" và "Pháp trị." Aristotle ghi nhận rằng, rất có thể có một người hay một nhóm người siêu tuyệt hơn mọi người, chỉ một mực chăm lo cho cái tốt chung của quốc gia, và theo luận lý tự nhiên thì người này hay nhóm người này nắm quyền tối thượng là thuận lý. Tuy nhiên, Aristotle cũng lưu ý: những người như vậy là "thần thánh chứ không phải là con người" (C.13).

Quyển IV gồm 16 chương. Trong Quyển IV, Aristotle luận về các mô hình hiến pháp (chế độ) và các dạng khác nhau của từng mô hình trong thực tế. Aristotle cho rằng, chính trị cũng giống như nghệ thuật và khoa học cần được xem xét không những dưới lăng kính lý tưởng, mà còn trong bản chất thực tế; nghĩa là, nhận định xem mô hình nào là mô hình tối hảo trong một tình huống đặc thù nào đó; đâu là phương cách hữu hiệu nhất để duy trì một chế độ; tính theo trung bình giữa các nước,thì mô hình nào là mô hình tốt nhất; các dạng chế độ chính có những biến thể nào khác nhau; và đặc biệt chú trọng đến hai chế độ Dân chủ và Quả đầu. Thêm vào đó, Aristotle nhấn mạnh luật pháp phải tương ứng với hiến pháp, chứ không phải ngược lại. Aristotle định nghĩa hiến pháp là "cách thức tổ chức cơ cấu chính quyền trong một nước, cách thức phân bố quyền lực được ấn định, chủ quyền tối thượng được xác định, và mục tiêu tối hậu của quốc gia mà mọi cơ quan và toàn thể dân chúng nhắm tới" (C.1, §10). Nói một cách khác, hiến pháp là cơ sở, trên đó, mọi luật pháp của quốc gia được ban hành.

Trong Chương 2 -10, Aristotle liệt kê các chế độ khác nhau và phân tích một cách tỉ mỉ những ưu điểm cũng như nhược điểm của các chế độ này, nhất là các biến thể của nó như quả đầu, bạo chúa, và dân chủ.

Từ Chương 11-16, Aristotle phân tích xem đâu là mô hình chính trị, một cách tổng quát, khả thi nhất cho đa số các quốc gia. Aristotle đưa ra khái niệm về mô hình chế độ hỗn hợp giữa quả đầu và dân chủ mà ông gọi là "polity" (đã nói đến trong Quyển III) và cách thức tổ chức chế độ theo kiểu này. Aristotle cũng quan niệm rằng, trong một tập thể, cái tốt nhất bao giờ cũng là số trung bình cộng, không thái quá mà cũng không bất cập. Và trong một xã hội, tầng lớp trung lưu chính là số trung bình cộng đó. Aristotle viết: "Những kẻ ở hai cực-cực đẹp, cực khỏe, cực sang, cực giàu và những kẻ ở cực đối nghịch, cực nghèo, cực yếu, cực hạ tiện-là những kẻ khó lòng hành động theo lý trí" (C.11, §5). Quan niệm này cũng tương tự như quan niệm "trung dung" của Khổng Tử bên Đông phương.

Quyển V gồm 12 chương, mang tựa đề "Nguyên nhân của cách mạng và sự thay đổi chế độ." Quan điểm hiện đại về cách mạng thường mang theo ý nghĩa tích cực, đổi cái cũ thay bằng cái mới, tích cực hơn, tiến bộ hơn. Tuy nhiên, cách mạng, theo ý nghĩa Aristotle dùng, thuần túy chỉ là sự thay đổi chế độ, mang tính khách quan, không tốt cũng không xấu. Chế độ mới có thể tốt hơn, nhưng cũng có thể xấu hơn chế độ vừa mới "bị" cách mạng. Thành thử, từ ngữ "phản cách mạng" không có ý nghĩa gì hết theo quan niệm của Aristotle.

Mười hai chương của Quyển V được chia làm 2 phần. Phần đầu, từ Chương 1-4, nêu lên các nguyên nhân tổng quát tạo ra cách mạng. Nguyên nhân tạo ra cách mạng, theo Aristotle, là do sự diễn dịch khác nhau của các thành phần dân chúng khác nhau về công lý và bình đẳng. Những người theo dân chủ quan niệm rằng, hễ những ai bình đẳng trên một phương diện, thì cũng bình đẳng trên mọi phương diện (mọi người đều sinh ra như nhau, nên cũng bình đẳng như nhau); những người theo quan niệm quả đầu lại quan niệm rằng những ai không bình đẳng trên một phương diện nào đó, thì tất yếu cũng không bình đẳng (trên phương diện của cải, chẳng hạn). Hai quan niệm xung đột này đưa đến tranh chấp và hành vi dấy loạn. Nhưng do đâu mà người ta nổi loạn? Aristotle (C.2) đưa ra ba động cơ chính: động cơ tâm lý, mục tiêu của tranh chấp, và các điều kiện dẫn đến tranh chấp. Động cơ tâm lý chính là những cảm xúc và nhiệt tình đối với sự bình đẳng. Những kẻ thua thiệt đấu tranh để được bình đẳng với những người khác; những người thuộc thành phần khá giả đấu tranh để bảo vệ địa vị xã hội của mình. Mục tiêu tranh chấp của cả hai phe không gì khác hơn là "danh" và "lợi." Danh và lợi cũng là điều kiện đưa đến tranh chấp: khi là mục tiêu, danh-lợi tạo ra bất mãn vì con người muốn chiếm đoạt các mục tiêu này; khi là điều kiện, danh-lợi dẫn đến bất mãn vì người ta thấy kẻ khác được hưởng nhiều danh vọng và lợi lộc hơn mình.

Phần hai, từ Chương 5-12, nêu lên các nguyên nhân đặc thù tạo ra cách mạng và thay đổi chế độ chính trị, cùng những phương cách bảo vệ chế độ. Trong chế độ dân chủ, nguyên nhân gây ra sự sụp đổ chế độ là những kẻ mị dân, tức là những chính khách lợi dụng thành kiến, cảm xúc, sợ hãi, hy vọng, và ngay cả lòng ái quốc để khích động đám đông cho mưu đồ chính trị (trong thế kỷ 20 ta thấy có rất nhiều chính trị gia mị dân, điển hình nhất là Hitler).[10] Tất cả những kẻ mị dân khi lên nắm quyền đều trở thành độc tài, bạo ngược. Chế độ Quả đầu bị sụp đổ vì giai cấp thiểu số thống trị đàn áp và đối xử bất công với đa số bị trị (các chế độ độc đảng ngày nay là hình thức rõ rệt nhất của chế độ Quả đầu). Chế độ Quý tộc bị sụp đổ vì giai cấp cai trị đã đi chệch khỏi nguyên tắc công bình của chế độ, nhất là khi chức vụ được sử dụng như phương tiện để mưu lợi cho cá nhân (C.8, §15).

[10] H. L. Mencken, một nhà báo, nhà văn tiểu luận nổi tiếng của Mỹ trong nửa đầu thế kỷ 20, định nghĩa kẻ mị dân là "những người đi rao giảng một lý thuyết mà y biết là không đúng cho những người mà y biết là ngu ngốc."

Để bảo vệ một chế độ, Aristotle đề nghị phải giáo dục quần chúng sao cho người dân sống và hành động theo đúng tinh thần của hiến pháp tạo dựng ra chế độ. Một câu nói khá quen thuộc với chúng ta này nay là: "người dân nào, chế độ đó." Tuy nhiên, Aristotle khuyến cáo là việc giáo dục công dân không chỉ nhằm giáo dục họ để thi hành những cái hay, cái đẹp của chế độ, mà còn là giáo dục để họ biết và tránh làm những điều khiến chế độ suy vong (C.9, §13). Aristotle còn trở lại với đề tài giáo dục trong Quyển VIII.

Quyển VI gồm 8 chương, bàn về các phương thức thiết lập chế độ Dân chủ và Quả đầu, liên quan đến ba ngành của chính quyền: hành pháp, tư pháp và lập pháp. Tư tưởng căn bản của dân chủ là tự do, và đó cũng là mục đích chính của chế độ dân chủ. Tự do, theo Aristotle gồm 2 phần: thứ nhất là tự do chính trị, nghĩa là mọi người dân đều có thể tham chính (qua bầu cử vào các chức vụ trong chính quyền), và ý kiến của đa số được coi là ý kiến chung, được mọi người công nhận (thiểu số phục tùng đa số); thứ hai là tự do dân sự, qua đó người dân sống theo ý mà mình thích, bao hàm ý nghĩa tự do là không bị chính quyền xâm phạm. Các đặc tính của chế độ dân chủ gồm có: mọi công dân đều có quyền tranh cử vào các chức vụ của chính quyền, không ai giữ một chức vụ nào trong chính quyền quá hai lần; mọi chức vụ trong chính quyền đều được trả lương, và nhiệm kỳ của chức vụ cũng không kéo dài quá lâu (C.2).

Aristotle liệt kê 4 mô hình dân chủ được tạo nên tùy theo thành phần dân chúng. Chế độ dân chủ tốt nhất là chế độ mà quần chúng gồm đa số là nông dân. Aristotle lý luận rằng, vì nông dân là những người không có nhiều tài sản và phải bận rộn vì đồng áng nên không có thì giờ tham gia vào các cuộc nghị hội. Quần chúng nông dân cần lợi hơn cần danh, nên họ chỉ cần có quyền bầu ra các viên chức chính quyền và quyền bãi miễn viên chức chính quyền nếu không hoàn thành trách vụ. Chế độ dân chủ tốt thứ hai là chế độ gồm những người sống bằng nghề chăn nuôi; chế độ này cũng tương tự như chế độ gồm đa số nông dân. Hai chế độ dân chủ còn lại do thương nhân, công nhân hay giới lao động tạo nên, theo Aristotle, là những chế độ dân chủ tệ hại và không bền vững, vì hai giới này sống gần thành thị, thường lai vãng đến các nơi nghị hội và tạo ra các xáo trộn chính trị.

Sau chế độ dân chủ, Aristotle bàn đến việc xây dựng chế độ quả đầu. Chế độ quả đầu tốt nhất là chế độ dung hợp giữa quả đầu (thuần túy) và dân chủ, một chế độ được gọi là "polity." Chính quyền được chia làm hai "viện": hạ viện dành cho dân có ít của cải, và thượng viện dành cho dân có nhiều của cải hơn (đã nói đến ở Chương 2).

Trong Chương 8, Aristotle luận về các cơ quan chính quyền cần thiết cho một quốc gia. Các cơ quan do Aristotle đề nghị hơn 2000 năm trước vẫn còn được tổ chức trong các mô hình hiện nay; cụ thể là cơ quan kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm cho việc buôn bán và thi hành các giao kèo được đúng đắn và trật tự. Cơ quan thứ nhì nhằm kiểm soát các bất động sản, công cũng như tư, và bảo trì công thự và đường xá. Cơ quan thứ ba cũng tương tự như cơ quan thứ nhì, nhưng liên quan đến các khu vực ngoài thành phố và rừng núi (kiểm lâm). Cơ quan thứ tư là ngân khố để thu giữ tiền của nhà nước và để trả lương cho nhân viên. Cơ quan thứ năm là văn khố lưu giữ tất cả mọi khế ước, tài liệu công cũng như tư. Cơ quan thứ sáu là cơ quan thi hành các bản án, giam giữ tội phạm. Trên những cơ quan cần thiết này để điều hành sinh hoạt, một quốc gia còn cần các cơ quan sau đây: quốc phòng, thanh tra tài chính các cơ quan chính quyền và quốc dân nghị hội.

Aristotle bàn về các lý tưởng chính trị và các nguyên tác giáo dục trong Quyển VII. Quyển VII được chia làm 3 phần. Phần thứ nhất luận về lý tưởng chính trị và bản chất của đời sống hạnh phúc nhất và tốt nhất. Với lý luận quy nạp, Aristotle đi từ nhận xét về cá nhân con người, rồi suy ra đến quốc gia. Theo Aristotle, đời sống con người có ba cái "tốt": những cái tốt thuộc vật chất ngoại tại, tức là những cái tốt thuộc thể chất, và những cái tốt thuộc tinh thần. Những cái tốt thuộc về tinh thần là những điều cao cả nhất, như can đảm, khôn ngoan và các đức hạnh khác. Những đức hạnh này chẳng phải do số phận tạo nên mà có sẵn ngay trong mỗi người. Aristotle kết luận, "đời sống tốt đẹp nhất cho quốc gia và cá nhân là đời sống đức hạnh được trang bị bởi những cái tốt vật chất ngoại tại, và thể chất, những điều kiện cần thiết để cho con người có thể tham dự vào các hoạt động đem lại sự tốt lành cho quốc gia" (C.1). Tuy nhiên, trong thực tế, đời sống tốt đẹp nhất của con người là đời sống như thế nào? Aristotle cho rằng có hai loại: đời sống thiên về thực tiễn và đời sống thiên về tư tưởng. Đời sống thực tiễn cao nhất là đời sống chính trị và đời sống tư tưởng cao nhất là đời sống hợp với triết học (C.2, 3).

Phần thứ hai luận về các điều kiện cần thiết cho một quốc gia, được coi là lý tưởng, gồm các điều kiện như: dân số, bản chất của dân chúng, cấu trúc xã hội, và lãnh thổ cùng vị thế địa lý của quốc gia. Nhưng dân số, lãnh thổ như thế nào thì được coi là lý tưởng? Đông dân quá hay ít dân quá đều có hại. Aristotle đưa ra công thức cho một dân số lý tưởng là "con số lớn nhất-qua kiểm tra dân số (chứ không phải ước lượng)-cần thiết để nhà nước đạt được mức độ tự túc" (C.4). Về lãnh thổ cũng vậy, Aristotle chọn trung đạo; rộng lớn quá hay nhỏ hẹp quá đều bất cập. Về bản chất của dân chúng, nhận xét của Aristotle khá lạ với chúng ta ngày nay vì cho rằng tâm tính của con người do vị thế địa lý quyết định. Có ba loại người phân chia theo địa lý: thứ nhất, những người ở vùng lạnh lẽo của Âu châu có ý chí cao nhưng kém khéo léo và thông minh; thứ hai, những người ở Á châu khéo léo và thông minh nhưng kém ý chí; thứ ba, dân Hy Lạp là giống dân có cả hai đặc tính này (C.7). Về phương diện cấu trúc xã hội, Aristotle nhận định rằng cần phân biệt hai thành phần trong xã hội; đó là thành phần nguyên tố gồm những công dân tham gia tích cực vào sinh hoạt chính trị của đất nước, và thành phần thứ hai gọi là "các điều kiện cần thiết," bao gồm những thành viên phụ của xã hội tức là những người làm những việc lao động cần thiết để cho thành phần nguyên tố có thể tham gia sinh hoạt chính trị. Trong một nước, xã hội cần phải được tổ chức để cung ứng 6 dịch vụ sau: sản xuất nông sản, sản xuất đồ thủ công và nghệ thuật, quốc phòng, đất đai cho dân sự và quân sự, tôn giáo, sau cùng là lập pháp và tư pháp (C.8).

Trong một nhà nước "lý tưởng" theo quan niệm của Aristotle, công dân là những người tự do, có cùng gốc gác ưu tú mới là thành phần được tham gia vào chính sự; thành phần lao động bình dân, vì không có thì giờ nhàn rỗi để học hành thành người có đức hạnh, nên không thể tham gia chính sự. Tuy nhiên, thành phần này cũng là công dân và trên nguyên tắc phải được tham gia chính sự. Đây là một vấn nạn cho mô hình nhà nước lý tưởng của Aristotle, cho nên, ông chủ trương rằng thành phần lao động sẽ gồm những nô lệ. Mô hình nhà nước lý tưởng của Aristotle, như vậy, sẽ gồm hai thành phần: công dân thuộc giai cấp ưu tú quý tộc và lao động là nô lệ. Những công dân trẻ tuổi lo việc quốc phòng, trung niên lo việc cai trị và lão niên lo việc tế tự. Theo cách sắp xếp này, công dân sẽ tuần tự theo lứa tuổi của mình mà phục vụ quốc gia (C.9).

Phần thứ ba từ Chương 12-17 bàn về các nguyên tắc tổng quát của giáo dục. Nền giáo dục quốc gia, theo Aristotle phải là một nền giáo dục toàn diện về thể chất cũng như tinh thần. Aristotle cũng quan niệm rằng, giáo dục ảnh hưởng đến tư cách công dân và muốn xây dựng đạo đức công dân thì phải bắt đầu từ xây dựng đạo đức cá nhân vì cả hai loại đạo đức này-cơ bản-giống nhau (đã bàn ở Quyển III). Việc hôn nhân cũng là một vấn đề trọng đại trong việc xây dựng một nhà nước lý tưởng gồm những công dân khỏe mạnh. Về phương diện sinh lý học, Aristotle cho rằng thể chất của cha mẹ ảnh hưởng đến thể chất của con cái. Aristotle đề nghị là người chồng nên lớn tuổi hơn người vợ, từ 17 đến 20 tuổi, và lứa tuổi thích hợp nhất cho việc lập gia đình và sinh sản là người chồng 37 tuổi, người vợ 18 tuổi. Khi con cái lớn lên, việc giáo dục cần được quan tâm đặc biệt để trẻ em phát triển về thể chất cũng như đức tính: không nên để trẻ nhỏ từ 5 đến 7 tuổi ở gần dân nô lệ và tuyệt đối cấm không cho nghe những lời tục tĩu hoặc những hình ảnh dâm ô. Điều này quan trọng đến nỗi nhà nước phải ra luật cấm trên toàn quốc. Sau 7 tuổi, giáo dục trẻ em nên chia làm hai giai đoạn: từ 7 tuổi đến dậy thì và từ dậy thì tới 21 tuổi.

Aristotle dành ra Quyển VIII để bàn về giáo dục. Giáo dục là nhiệm vụ của quốc gia và nhà nước phải xây dựng một hệ thống giáo dục đồng nhất cho mọi công dân. Aristotle đề nghị 4 môn học cho chương trình giáo dục: đọc-viết, thể dục, âm nhạc, và hội họa. Âm nhạc, theo Aristotle, là một môn học quan trọng, không phải chỉ là môn học để giải trí, mà là môn học để sử dụng thì giờ nhàn rỗi một cách đúng đắn.[11] Hơn thế nữa, bản chất của âm nhạc là sự hòa hợp âm thanh, và do đó sẽ khiến cho tâm hồn dễ đạt được sự cân bằng giữa tình cảm và lý trí (C.5).

[11] Thì giờ nhàn rỗi là điều hết sức quan trọng đối với người Hy Lạp, vì người ta không thể suy tư tới những điều cao xa, đem đến hạnh phúc (thực sự) cho mình nếu phải vất vả lao động. Niềm vui sau khi xem các vở kịch là sự thư giãn sau khi làm việc mệt nhọc; thời giờ nhàn rỗi tự nó đã là niềm vui, là hạnh phúc nội tại, không cần đến điều gì khác bên ngoài.

Aristotle cũng đề nghị là dạy cho trẻ em phát triển thể chất trước khi phát triển tinh thần. Cho nên, trẻ em nên được tập thể dục trước, vì huấn luyện thể chất sẽ giúp trẻ em phát triển các tập quán tốt như kỷ luật tự giác, rồi đến âm nhạc, sau rốt mới đến các môn học về tri thức.

Aristotle mở đầu Chính Trị Luận bằng lập luận rằng "nhà nước, hay cộng đồng chính trị là cái tốt cao nhất" và lý do để nhà nước hiện hữu là để giúp cho công dân sống một đời sống "tốt." Do đó, việc giáo dục công dân trở thành những người dân đạo đức là điều tối quan trọng. Khi một nước có được những người dân vừa học thức lại vừa đức hạnh, dĩ nhiên đất nước đó phải trở nên tốt hơn. Đó cũng là kết luận tự nhiên khi Aristotle chấm dứt Chính Trị Luận bằng chương luận về giáo dục.

Mặc dù đã trên hai ngàn năm, với một số nhận định về nô lệ và phụ nữ đã không còn hợp thời nữa, nhưng Chính Trị Luận vẫn là một kiệt tác nêu lên những câu hỏi căn bản của đời sống chính trị "lý tưởng" của mọi quốc gia, và là một trong những tác phẩm kinh điển của khoa Chính trị học Tây phương.

Mùa Xuân 2008

Nông Duy Trường

© Học Viện Công Dân

http://icevn.org/vi/node/366

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top