AQ chính chuyện
Lỗ Tấn
AQ Chính Truyện
Phần 1
LƯỢC THUẬT NHỮNG CHUYỆN ĐẮC THẮNG CỦA AQ
A Q không những tên, họ, quê quán đều mập mờ, cho đến "hành trạng" trước kia ra sao cũng không rõ ràng nốt. Số là người làng Mùi đối với A Q xưa nay thì cần y làm công cho, hoặc chỉ đem y ra làm trò cười mà thôi, chứ không bao giờ có ai chú ý đến "hành trạng" của y cả. Mà chính y tự mình cũng chưa hề bao giờ nói tới chuyện đó hết. Chỉ có những lúc cãi lộn với ai thì họa hoằn y mới trừng ngược mắt lên mà tuyên bố :
- Nhà tao xưa kia có bề có thế bằng mấy mày kia ! Thứ mày thấm vào đâu !
A Q không hề có nhà cửa. Y trọ ngay trong đền Thổ Cốc làng Mùi. Y cũng không có nghề nghiệp nhất định, chỉ đi làm thuê làm mướn cho người ta, ai thuê gặt lúa thì gặt lúa, thuê giã gạo thì giã gạo, thuê chống thuyền thì chống thuyền. Ngộ những lúc công việc kéo dài thì y ở lại trong nhà chủ tạm thời hôm đó, xong công việc lại đi. Cho nên, người ta có công việc bận bịu lắm thì còn nhớ đến A Q, nhưng nhớ là nhớ công ăn việc làm, chứ nào phải nhớ gì đến "hành trạng" ! Rồi đến lúc công việc rỗi thì luôn cả A Q người ta cũng chả nhớ nữa, còn nói gì đến "hành trạng" !
Ấy thế mà có một lần, một ông lão nào đã tâng bốc y một câu như sau : "A Q được việc thật !" Lúc đó A Q đang đánh trần đứng trước lão, người gầy gò và bộ uể oải ; người ngoài chả ai hiểu lão kia nói thật hay chế giễu, nhưng A Q rất lấy làm đắc ý.
A Q lại có tính tự cao. Cả bấy nhiêu mặt dân trong làng Mùi, y tuyệt nhiên không đếm xỉa đến ai cả. Cho đến hai cậu đồ trong làng cũng vậy, y vẫn xem thường hết sức. Phú cậu đồ giả, ngày sau có thể thành thầy tú giả dã. Cụ Cố nhà họ Triệu và Cụ Cố nhà họ Tiền là hai người mà trong làng ai ai cũng kính trọng, bởi vì hai cụ gia tư đã giàu có, lại hai cậu con là hai cậu đồ ; thế mà chỉ một mình A Q là không ra vẻ sùng bái lắm. Y nghĩ bụng : "Con tớ ngày sau lại không làm nên, to bằng năm bằng mười lũ ấy à !". Hơn nữa, A Q lại có thể lên mặt với cả làng Mùi ở chỗ y đã lên huyện mấy bận, mặc dù y có trọng gì lũ phố phường. Thì chẳng hạn như cái ghế dài ba thước, rộng ba tấc, ở làng Mùi gọi là cái "ghế dài", A Q cũng gọi là "ghế dài", thế mà trên huyện họ lại gọi là "tràng kỷ" ! Y nghĩ bụng : "Gọi như thế là sai ! Là đáng cười !" ở làng Mùi, rán cá, người ta bao giờ cũng cho thêm một vài lá hành dài bằng ba đốt tay, thế mà trên huyện, họ lại cho nhánh hành thái thỏ vào ! A Q nghĩ bụng : "Thế là sai, là đáng cười!" Nhưng người làng Mùi là những người nhà quê, chưa hề đi đâu cả, lại chẳng đáng cười hơn ai hết hay sao ? Một đời chúng nó chưa hề biết trên huyện người ta rán cá như thế nào kia mà !
A Q là người "trước kia có bề có thế", kiến thức rộng, lại "được việc", kể ra cũng đã có thể gọi là người "hoàn toàn" lắm rồi. Chỉ đáng tiếc là trong người y còn có một tí khuyết điểm. Bực bội nhất là ngay trên đầu có một đám sẹo to tướng chẳng biết từ bao giờ. Mặc dù đám sẹo đó cũng là vật sở hữu của y, nhưng xem trong ý tứ y thì hình như y cũng chẳng cho là quý báu gì, bởi vì y kiêng tuyệt không dùng đến tiếng "sẹo" và tất cả những tiếng âm gần giống âm "sẹo". Về sau cứ mở rộng phạm vi dần, tiếng "sáng", tiếng "rạng" cũng kiêng, rồi tiếng "đèn", tiếng "đuốc" cũng kiêng tuốt. Chẳng cứ người nào, bất kỳ vô tình hay hữu ý mà phạm phải huý là A Q nổi giận, cái đám sẹo đỏ ửng lên, y nhìn để đánh giá đối thủ rồi kẻ ít mồm ít miệng là y chửi, kẻ sức yếu là y đánh. Nhưng chẳng biết thế quái nào, A Q thường vẫn thua nhiều hơn là được. Do đó y thay đổi dần dần chính sách, về sau chỉ lườm kẻ thù bằng một cặp mắt giận dữ nữa mà thôi.
Nào ngờ, sau lúc A Q thi hành cái chính sách "lườm nguýt" đó thì bọn vô công rồi nghề ở làng Mùi lại càng thích chọc ghẹo y hơn. Hễ thấy mặt A Q đâu là y như chúng nó giả vờ làm bộ ngạc nhiên nói :
- Ơ kìa ! Sáng quang lên rồi kia kìa !
A Q lại nổi giận, lại lườm bằng một cặp mắt rất dữ tợn.
Nhưng chúng nó vẫn không sợ, cứ nói :
- À té ra có ngọn đèn bảo hiểm kia kìa !
Không có cách gì đối phó, A Q đành nghĩ ra một câu để trả thù :
- Thứ chúng mày không xứng ...
Lúc đó, y lại có cảm tưởng rằng cái sẹo trên đầu y không phải là một cái sẹo tầm thường mà là một cái sẹo vinh diệu, danh giá nữa kia. Nhưng như trên kia đã nói, A Q là người kiến thức rộng, y biết ngay rằng nếu y nói nữa nhất định sẽ phạm húy, nên y không nói hết câu.
Thế mà lắm đứa vẫn chưa chịu thôi, cứ ghẹo y, thành ra cuối cùng lại đánh nhau. Thực tế thì A Q thua, người ta nắm lấy cái đuôi sam vàng hoe của y dúi đầu vào tường thình thình bốn năm cái liền rồi mới hả dạ bỏ đi. Còn A Q thì đứng ngẩn người ra một lúc, nghĩ bụng :
- Nó đánh mình thì khác gì nó đánh bố nó.Thật thời buổi này hết chỗ nói !
Rồi cũng hớn hở ra về vẻ đắc thắng.
Cái điều A Q vừa nghĩ trong bụng, về sau y nói toạc ra. Vì vậy, những kẻ vẫn hay chọc ghẹo y đều biết rõ cái thủ đoạn đắc thắng tưởng tượng đó của y. Cho nên, từ đó hễ đứa nào tóm lấy cái đuôi sam vàng hoa của y, nó cũng bảo :
- A Q này ! Đây không phải là con đánh bố đâu nhé ! Đây là người đánh con vật, nghe chưa ? Hãy nói đi nào : người đánh con vật !
A Q hai tay cố giữ lấy cái đuôi sam, nghếch đầu lên nói :
- Đánh con sâu ! Được chưa ! Tớ là sâu ! Chưa thả ra à !
Tuy A Q đã nhận là sâu rồi mà nó vẫn chưa chịu thả. Nó còn tóm lấy đầu y dúi luôn năm sáu cái thình thình nữa vào chỗ nào gần đó rồi mới hớn hở bỏ đi, yên trí rằng sau trận này y có thể xấu hổ mà chết đi được ! Nhưng chưa đầy mươi giây đồng hồ sau, A Q đã lại hớn hở ra về có vẻ đắc thắng. Y nhận thấy y là người giỏi nhịn nhục bậc nhất, và ngoài việc "nhịn nhục" ra, thì về mọi phương diện, y vẫn là người "bậc nhất". Trạng nguyên cũng chỉ là người "bậc nhất" mà thôi ! "Thứ mày kể vào đâu" !
Sau lúc đã dùng bấy nhiêu phương pháp thần diệu ra đối phó với kẻ thù, A Q liền khoan khoái đi tới quán rượu, nốc luôn mấy chén, đùa cợt với anh này, cãi lộn với anh kia, lại "đắc thắng" rồi mới hớn hở bỏ về đền Thổ Cốc, ngả ra làm một giấc đến sáng.
Giá phỏng trong túi sẵn tiền thì A Q đi đánh bạc. Giữa một đám người xúm nhau ngồi xổm, A Q mặt đầm đìa những mồ hôi là mồ hôi chen ngay vào, tiếng nói giòn hơn ai hết.
- Này, cửa Thanh lang, bốn quan đấy !
- Mở lớ !
Bác nhà cái vừa mở vừa xướng, mặt cũng đầm đìa những mồ hôi là mồ hôi.
- Thiên môn lớ ... Bao nhiêu cửa giác cho về lớ ! Cửa nhân và Xuyên đường để lại lớ! Tiền A Q đâu ? Đưa đây !
- Cửa Xuyên đường một quan này ! Quan năm này !
Giữa bấy nhiêu tiếng xướng ngân nga đó, tiền của A Q cứ thế dần dần luồn vào túi một bọn người khác, mặt cũng như mặt y, cũng đầm đìa những mồ hôi là mồ hôi. Cuối cùng, A Q đành tháo ra ngoài vòng, đứng sau lưng bọn con bạc mà nhìn vào và hồi hộp thay cho kẻ khác, cho đến lúc tan sòng mới ngậm ngùi trở vào đền Thổ Cốc, để hôm sau sẽ lại vác cặp mắt sưng húp đi làm thuê.
Kể ra "mất ngựa biết đâu không phải là một điều may cho ông già cửa ải". Đã có lần, A Q bất hạnh được luôn một canh bạc, nhưng lần ấy cơ hồ lại như là thất bại.
Đêm hôm ấy, làng Mùi rước thần. Theo lệ thường, làng có tổ chức một đám hát. Bên rạp hát, cũng theo lệ thường, có mấy sòng bạc. Đối với A Q, tiếng trống, tiếng phèng la bên rạp như phảng phất ở đâu ngoài mười dặm đường xa dội lại. Chỉ có tiếng xướng của nhà cái là y nghe rành mạch. Y được luôn mấy hội. Tiền đồng thành bạc hào, bạc hào thành bạc đồng, bạc đồng chất dần dần thành một đống ; A Q đắc ý, mặt mày nở hẳn lên.
- Này ! Thiên môn hai đồng này !
A Q không biết rõ ai đánh nhau với ai và vì cớ gì, chỉ thấy tiếng mắng chửi, tiếng đấm đá cứ ào ào loạn xạ cả lên, choáng cả đầu óc một hồi khá lâu. Lúc y ngồi dậy được thì lũ con bạc đã biến đâu mất, cả bọn người xung quanh hồi nãy cũng không thấy một ai nữa ! A Q cảm thấy có mấy chỗ đau ran lên như vừa bị mấy quả đấm, mấy cú đá vào người. Trước mặt y, một bọn đứng nhìn ra vẻ ngạc nhiên. A Q bàng hoàng chạy về đền Thổ Cốc, rồi đến lúc định được thần hồn thì mới sực nhớ ra rằng đống tiền củamình cũng bay đâu mất rồi. Trong ngày hội, bọn phường bạc đều là người tứ chiếng, biết dò đâu cho ra manh mối ?
Rõ ràng một đống bạc đồng trắng xóa lên đó, mà lại là của mình, thế mà bây giờ biến đâu mất ! Cứ cho là "con nó cướp của bố đi" và tự mắng mình là "đồ con sâu" cũng vẫn không khuây được. Lần ấy, A Q mới hơi cảm thấy nỗi đau khổ của một cuộc bại trận thật tình.
Nhưng chẳng mấy chốc là A Q lại đã chuyển bại thành thắng. Y sẽ dang cánh tay phải lên, rán hết sức đánh vào mặt y luôn hai bạt tai, đau ran lên. Đánh xong, y hình như đã hả dạ, tựa hồ người đánh là mình là người bị đánh bại lại là một "mình" nào khác ... Rồi một lát, y có cảm tưởng rằng y vừa mới đánh một đứa nào ấy, mặc dù còn đau nhức cả mặt mũi. Y hả lòng hả dạ ngả lưng xuống giường.
Thế là ngủ thẳng.
Phần 2
LƯỢC THUẬT THÊM VỀ NHỮNG CHUYỆN ĐẮC THẮNG CỦA AQ
Tiếng rằng AQ bao giờ cũng "đắc thắng", nhưng thật ra mãi đến ngày được Cụ Cố nhà họ Triệu tát cho mấy tát tai vào mặt thì y mới nổi tiếng hẳn.
Đưa hai quan tiền rượu kỉnh bác khán xong xuôi rồi, AQ uất ức về nhà, ngả lưng xuống giường, nghĩ bụng: "Thời buổi này, hết chỗ nói ! Con đánh bố !" Nhưng y lại sực nghĩ ra rằng: Cụ Cố nhà họ Triệu oai vệ biết bao nhiêu mà mình cũng xem như là bà con mình, cho nên y lại dần dần tỏ vẻ đắc ý. Rồi y đứng dậy, hát bài "Gái góa thăm mồ" và đi tới quán rượu. Trong lúc đó, y có cảm tưởng là Cụ Cố nhà họ Triệu vẫn là nhân vật oai vệ hơn ai hết.
Nói nghe ra có vẻ lạnh lùng, nhưng từ hôm AQ bị đánh, quả nhiên người làng đối với y xem chừng kiêng nể hơn trước nhiều. Thấy vậy, AQ nghĩ bụng: "Hẳn có lẽ bởi vì mình là bực bố Cụ Cố nhà họ Triệu !" Thật ra, nào có phải thế. Theo lệ thường, ở làng Mùi nếu tên Kèo đánh tên Cột, anh Ba đánh anh Năm thì xưa nay chẳng ai để ý đến cả. Nhưng nếu có dính dáng đến một nhân vật "xù" như là Cụ Cố nhà họ Triệu chẳng hạn thì mới có tiếng đồn. Lúc đã có tiếng đồn thì không những người đánh đã có danh có giá mà luôn cả người bị đánh cũng nhờ đó mà lẫy lừng. Còn như nói đến sự phải trái thì nhất định là lỗi về AQ rồi, không cần phải bàn nữa. Tại sao vậy? Thì cả lẽ Cụ Cố nhà họ Triệu lại có thể có lỗi được hay sao? Nhưng, nếu AQ có lỗi, thì sao người ta lại có vẻ kiêng nể y hơn trước? Nào ai biết đâu đấy ! Kẻ xuyên tạc thì cho rằng hoặc giả là vì AQ nói y là bà con với Cụ Cố họ Triệu, tuy bị đánh đấy, song người ta vẫn e rằng AQ nói cũng có phần nào đúng, thà kiêng nể y chút đỉnh có lẽ cũng êm hơn. Nếu không phải như thế thì có thể nói là AQ cũng như con bò thái lao tế thánh, tuy cũng chỉ là một con vật, chẳng khác con dê, con lợn thường, nhưng đã được Đức Thánh ngài nhúng đũa vào rồi thì bao nhiêu tiên nho đố bác nào dám động vào nữa !
Từ đó AQ đắc ý được mấy năm ròng.
Rồi, đến mùa xuân năm nọ, AQ say mềm bước đi trên con đường làng, bỗng thấy lão Vương Râu xồm đang mình trần trùi trụi, ngồi bắt rận bên một góc tường dưới bóng mặt trời. Bất giác, AQ cũng nghe ngứa ran cả mình lên. Cái lão Vương Râu xồm này, râu vừa xồm lại vừa lắm sẹo, trong làng vẫn quen gọi là lão Vương Sẹo Xồm, nhưng AQ bỏ bớt chữ "sẹo" đi. Và AQ khinh lão ra mặt. Cứ trong ý tứ AQ thì sẹo chẳng lấy gì làm lạ cả, chỉ bộ râu quai nón kia mới là kỳ quặc, mới là chướng mắt. Thế rồi AQ sẽ ngồi xuống cạnh Vương Râu xồm. Kể ra, nếu là kẻ khác thì chưa hẳn AQ đã ngồi một cách vô ý vô tứ như vậy. Nhưng lão râu xồm này thì sợ cóc gì mà chẳng ngồi ! Nói trắng ra, AQ chịu ngồi như thế này là vẻ vang cho lão ta lắm rồi.
AQ cũng cởi mảnh áo cộc đụp rách ra, và cũng mằn mò, tìm tòi một lúc. Chẳng biết vì áo mới giặt hay vì AQ lơ đễnh mà một hồi khá lâu, y chỉ bắt được có ba bốn con thôi ! Liếc qua bên cạnh thấy lão râu xồm đã làm luôn một lúc ba, bốn, năm, sáu con, và cứ con này đến con khác, chét vào răng, cúp nghe đánh "bụp" lên từng tiếng một !
AQ lúc đầu còn thất vọng, sau phải cáu lên. Làm sao cái lão Vương Râu xồm đáng ghét thế kia mà lại bắt được nhiều rận như vậy, còn mình thì ít ỏi thế này, còn gì là thể thống nữa? Y muốn tìm cho ra một hai chú rõ to, thế mà vẫn không được ! Tìm đi tìm lại, mãi mới được một chú choai choai. AQ nét mặt hầm hầm, nhét vào giữa cặp môi dày, rán hết sức cúp một cái, thế mà tiếng cúp lại chỉ tẹt một tiếng, vẫn không kêu to bằng Vương Râu xồm.
Vết sẹo trên đầu AQ đỏ bừng lên. Y vất mẹ áo xuống đất, nhổ một bãi nước bọt, nói:
- Đồ sâu róm !
- Đồ chó ghẻ, mày mắng ai đấy !
Vương Râu xồm vừa trả lời vừa ngước mắt lên, ra vẻ khinh bỉ.
Gần đây, AQ tiếng được người ta kiêng nể và cũng hay lên mặt, nhưng gặp tụi lưu manh trong làng thường cà khịa với y thì y vẫn e sợ. Chỉ có lần này là tinh thần thượng võ của y lại hăng lên ghê lắm ! Cái thằng râu quai nón xồm xoàm cả mặt kia mà cũng dám nói lếu nói láo à ?
- Thằng nào nghe là chửi thằng ấy !
AQ đứng phắt dậy, hai tay chống nạnh.
- Thằng này lại ngứa xương ống rồi hẳn?
Vương Râu xồm vừa nói vừa khoác áo lên mình, cũng đứng dậy.
AQ tưởng nó định chuồn, thốc ngay vào, cho một quả đấm. Nào ngờ quả đấm chưa bén tầm thì Vương Râu xồm đã tóm lấy AQ giật một cái, AQ loạng choạng ngã sấp xuống. Tức thì Vương Râu xồm níu lấy cái đuôi sam, lôi tới bên tường, định chiếu lệ dúi đầu vào tường ... AQ nghếch đầu lên nói:
- Người quân tử chỉ đấu khẩu, ai đi đấu sức?
Hình như lão Vương Râu xồm này không "quân tử" cho lắm, nên nó không đếm xỉa tới câu nói ấy, cứ dúi đầu AQ vào tường luôn năm cái liền, đoạn rán sức xô một cái thật mạnh làm cho AQ ngã té ra đằng kia có đến năm sáu thước, bấy giờ mới hả dạ, đắc ý bỏ đi.
Trong ký ức của AQ thật là chưa bao giờ có một chuyện nhục nhã như thế. Số là đối với Vương Râu xồm quai nón kia, AQ cười nó thì có, chứ bao giờ nó lại dám cười AQ? Nói gì đến chuyện đấm đá ! Thế mà lần này ... nó dám thượng cẳng chân hạ cẳng tay, ai ngờ như thế được ! Chẳng lẽ lại đúng như người ta nói: vì đức Hoàng đế sắp bỏ khoa thi, không cần lấy tú tài cử nhân nữa, do đó mà thanh thế họ Triệu nhà mình từ nay kém oai đi. Có thế chúng nó mới dám xem thường xem mình khinh ra mặt.
AQ đứng ngơ ngác chả hiểu thế nào cả.
Đằng xa có người đi tới. Thì chính là kẻ thù của AQ. Hắn là đứa mà AQ xưa nay vẫn ghét đứt mắt đi được. ấy là thằng con cả Cụ Cố nhà họ Tiền. Trước đây, hắn có lên học trường tây trên tỉnh, rồi không biết thế nào lại tuốt sang Nhật. Vừa năm sau, hắn về nhà, cặp dò cứ ngay đơ ra, cái đuôi sam cũng biến đâu mất. Mẹ hắn khóc bù lu bù loa mấy mươi bận, rồi vợ hắn cũng nhảy xuống giếng định tự tử ba lần liền. Về sau mụ mẹ hắn đi đâu cũng nói: "Cái đuôi sam kia là bị một bọn côn đồ phục rượu cho say rồi cắt mất đi đấy ! Lẽ ra cháu nó có thể làm quan to rồi kia ... Nhưng bây giờ thì đành phải chờ cho tóc dài trở lại đã rồi mới nói chuyện ấy !". Nhưng AQ không chịu tin như vậy, cứ gọi cậu cả nhà họ Tiền là ""thằng Tây giả", là "Hán gian", hễ thấy mặt là chửi thầm trong bụng.
Điều mà AQ ghét cay ghét đắng là cái đuôi sam giả của hắn. Đến cái đuôi sam mà cũng giả nốt thì còn gì là nhân cách? Thế mà con vợ hắn không biết đường nhảy xuống giếng một lần thứ tư nữa cho chết quách đi, thì thứ đàn bà ấy quyết không phải là hạng người chính đính ! ...
Lão "Tây giả" đi lại gần.
- Thằng trọc ! Đồ con lừa !
Xưa nay AQ thấy hắn, vẫn chỉ chửi thầm trong bụng. Nhưng lần này vì "chính khí" mà nổi giận, và vì muốn trả thù, nên trong lúc vô tình y đã thốt thành lời. Ai ngờ "thằng trọc" đã hầm hầm bước tới, tay cầm chặt cái ba-toong sơn vàng mà y vẫn gọi là cái gậy đại tang. Trong giây lát, y biết ngay là có lẽ hắn sẽ đánh, cho nên y triển hết gân, gò cả hai vai lên mà chờ ... Thì quả nhiên, đốp, đốp ! tựa hồ cái gậy kia đã giáng vào đầu y rồi !
- Tớ nói thằng kia cơ mà !
AQ chỉ đứa bé đứng bên cạnh, phân bua.
Đốp ! đốp ! đốp !
Đấy lại là việc nhục nhã thứ hai trong ký ức AQ. Cũng may là ngay sau mấy tiếng đốp ! đốp ! đó thì AQ đã lại tựa hồ cho thế là xong hẳn đi một chuyện, và y đã cảm thấy trong người nhẹ nhõm. Vả lại, "quên" là cái bửu bối gia truyền, rất thần hiệu của AQ trong những trường hợp này. AQ chậm rãi đi tới quán rượu, có vẻ đắc ý.
Nhưng trước mặt y, cô tiểu chùa Tĩnh tu đã ở đâu đằng kia đi lại. Ngày thường, cứ mỗi lần gặp cô tiểu này là thế nào AQ cũng chửi một câu, huống hồ hôm nay, sau khi y vừa bị nhục. AQ sực nhớ điều gì, thế là lại nổi giận. Y nghĩ bụng: Thì ra vì hôm nay ông bước chân ra cửa là gặp ngay lấy mày. Thảo nào xúi quẩy như thế !
AQ bước tới, nhổ một bãi nước bọt đánh toạch một cái:
- Khạc ! Phì !
Cô tiểu cứ cúi đầu đi, không ngoảnh lại. AQ sấn tới gần cô ta, bỗng giơ tay xoa ngay vào cái đầu vừa mới cạo, cười gắn lên và nói:
- Con trọc ! Về nhanh lên, sư cụ chờ kia kìa !
- Ngứa chân ngứa tay à?
Cô tiểu mặt đỏ bừng, vừa nói vừa rảo bước. Bao nhiêu người trong quán rượu đều cười ồ lên. Thấy trò chơi của mình có người thưởng thức, AQ càng cao hứng tợn:
- Sư cụ sờ được, tớ lại không sờ được à?
Rồi AQ véo một cái vào má cô tiểu. Bao nhiêu người trong quán lại cười ồ lên một thôi nữa. AQ đắc ý. Muốn cho bấy nhiêu "khán giả" được hài lòng, y rán sức véo luôn một cái nữa thật mạnh vào má cô bé rồi mới buông tay.
Sau khi lập được "chiến công" này, AQ đã quên cả Vương Râu xồm, quên cả lão "Tây giả" rồi; và hình như bao nhiêu nỗi bất bình, bao nhiêu điều "xúi quẩy" ngày hôm ấy đều đã rửa được sạch sành sanh. Mà lạ lùng thay, lúc bấy giờ y nghe hình như người y nhẹ hẳn đi, nhẹ hơn lúc bị mấy ba-toong đánh đốp ! đốp ! vào đầu nữa. AQ hớn hở tựa hồ như bay bổng lên tít mãi trên mấy từng mây.
Xa xa đằng kia còn văng vẳng nghe tiếng cô tiểu chửi lồng trong tiếng khóc: "Cha thằng AQ ! Đồ tuyệt tự!"
- Ha ! Ha ! Ha !
AQ cười đắc ý.
- Ha ! Ha ! Ha ! Ha !
Bao nhiêu người trong quán rượu cũng cười, cũng đắc ý gần bằng AQ.
Phần 3
BI KỊCH TÌNH YÊU
Có kẻ nói rằng: nhiều người thường ước ao gặp được đối thủ của mình khỏe như cọp, dữ như cắt, có thế thắng trận mới thỏa thích. Nhược bằng yếu như cừu, như gà con, thì dù có thắng cũng vô ích. Lại còn có những người, lúc thắng rồi, mắt nhìn thấy kẻ thù của mình hồi trước, bây giờ đứa chết cũng đã chết rồi, đứa hàng cũng đã cúi đầu van xin "cắn cơm, cắn cỏ" rồi, thì trên đời không ai là địch thủ với họ nữa, không ai chống chọi với họ nữa, không ai là bạn bè, là lứa tác với họ nữa, chỉ một mình vò võ, chẳng ai hơn, tự khắc họ cảm thấy lạnh lùng, cô đơn, hiu quạnh, và cũng cảm thấy nỗi đau đớn của sự thắng trận. Nhưng AQ của chúng ta thật chưa hề cảm thấy có cái trạng thái hiu quạnh nói trên. AQ là một người bao giờ cũng hớn hở tự đắc. Phải chăng đó chính là cái biểu hiện đủ chứng tỏ rằng: văn minh tinh thần của Trung Hoa nhà ta quả là bậc nhất trên hoàn cầu?
Thì các người xem: AQ lòng đang phơi phới kia kìa !
Tuy nhiên, cuộc thắng trận này có làm cho AQ cảm thấy trong tâm hồn y khang khác thế nào ấy ! Y nhẹ nhàng rảo bước trên con đường làng một lúc lâu rồi hớn hở đi về đền Thổ Cốc. Lẽ ra, theo lệ thường, AQ đã ngả lưng ra kéo khò khò một giấc rồi ; ai ngờ hôm ấy, y lại không tài nào nhắm mắt được. Y cảm thấy đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ có cái gì là lạ: nghe nó cứ nhờn nhờn khác mọi hôm ! Phải chăng trên gò má cô tiểu hồi nãy có tí dầu tí mỡ gì đã dính vào đây? Hay là chỉ vì sờ vào gò má cô tiểu mà bây giờ trơn lỳ như thế này ! ...
"Cha thằng AQ, đồ tuyệt tự !"
AQ còn như văng vẳng bên tai bấy nhiêu tiếng chửi. Y nghĩ bụng : "Phải rồi, đã là đàn ông thì phải có một người vợ. Tuyệt tự thì rồi ai cúng cơm cho. Phải có một người vợ. Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại." Mà làm cái kiếp quỷ đói như Nhược Ngao ngày xưa thì trong đời người còn gì thảm thiết bằng ! Kể ra ý nghĩ này của AQ thật đúng với kinh truyện thánh hiền thủa trước hết sức. Chỉ tiếc một điều là từ nay trở đi, AQ không tài nào kiềm chế nổi cái "nỗi lòng canh cánh" của y nữa !
AQ mơ màng:
"Đàn bà ! ... Đàn bà ! ..."
"Sư cụ sờ được ! ... Chao ! ... Đàn bà ! ... Đàn bà ! ... Đàn bà ! ..."
AQ vẫn mơ màng ...
Chả ai biết tối hôm ấy, AQ mãi đến mấy giờ mới ngáy; nhưng đại khái là sau lúc nhận thấy hai đầu ngón tay nhờn ứơt như vậy thì y cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, phơi phới hẳn lên.
"Đàn bà! AQ vẫn cứ mơ màng.
Chỉ chừng ấy, chúng ta cũng đã biết cái giống đàn bà nó nguy hiểm là dường nào rồi!
Đàn ông nước Trung hoa nhà mình phần đông vốn có thể thành ông thánh ông hiền cả. Chỉ tai hại vì một lũ đàn bà mà thành ra hỏng hết! ... Nhà Thương xưa kia vì một con Đát Kỷ mà mất nước nhé ! ... Rồi đến nhà Chu cũng vì một con Bao Tự mà tan nát cơ đồ nhé ! Đến như nhà Tần ... tuy sử sách không hề chép phân minh, nhưng chúng ta cũng cứ cho là bởi vì đàn bà đi ! ... Vị tất đã sai. Lại còn Đổng Trác nữa, thì rõ ràng là bị con Điêu Thuyền hãm hại đứt đi rồi ! ...
AQ vốn là người hiền lành trung hậu. Chúng ta không biết rõ y có từng được một vị tôn sư nào dạy lễ nghĩa cho hay không, nhưng đối với cái đạo "nam nữ hữu biệt" thì y xưa nay vẫn giữ nghiêm lắm. Một mặt khác, đối với dị đoan, tà thuyết, như đối với cô tiểu và chú Tây giả chẳng hạn, thì thật y có cái "chính khí" không hề dung thứ bao giờ! Học thuyết của y có thể tóm tắt như sau: phàm là tiểu thì nhất định có tư tình với sư cụ, và phàm là đàn bà con gái mà đi ra đường thì nhất định đi ve trai; người đàn ông đang trò chuyện cùng người đàn bà đằng kia thì tất là có tằng tịu gì rồi chứ chẳng không! Để trừng trị lũ chúngnó, AQ vẫn luôn luôn lườm chúng nó bằng một cặp mắt dữ tợn, hoặc cố ý nói to lên mấy câu "thọc gan" cho chúng nó "chết cả ruột đi được"; còn nếu ở chỗ hẻo lánh thì y lén ra đằng sau ném cho một hòn sỏi vào lưng!
Thế mà ai ngờ sắp đến tuổi "nhi lập" rồi, AQ lại bị một cô tiểu ám hại làm cho tâm hồn cứ phơi phới lên. Xét theo lễ giáo thì tâm hồn phơi phới lên vì một người đàn bà thật là điều không nên có, cho nên đàn bà quả là đáng ghét! Giá như hôm ấy, cặp má cô tiểu không có chất gì nhờn nhờn thì AQ đâu đến nỗi như người bị bùa mê? Hay là giá cặp má cô ta có một lần vải che hẳn đi thì có lẽ AQ cũng không phải mê mẩn rồi! Năm sáu năm về trước, trong một rạp hát chật ních người, có một lần AQ đã véo vào đùi một mụ nào, nhưng vì còn có manh quần, nên không đến nỗi mê mẩn như hôm nay. Đằng này con tiểu kia lại không biết che đậy đi như thế cho; điều đó đủ thấy dị đoan thật là khả ố!
AQ vẫn cứ mơ màng: "Đàn bà! ..."
Đối với bọn con gái mà y cho là "nhất định chỉ đi ve trai", AQ đã nhiều lần để ý đến chúng nó xem sao. Nhưng chúng nó tuyệt nhiên chưa hề cười với y bao giờ cả. Và trong lúc trò chuyện với đàn bà, y đã cố ý chờ đợi ... thế mà chúng nó cũng tuyệt nhiên không nói đến chuyện tằng tịu nọ kia! ... A! Đó cũng là một điều làm cho đàn bà đáng ghét thật, chúng nó chỉ toàn là đạo đức giả cả.
Hôm đó, AQ ở nhà Cụ Cố họ Triệu, giã gạo một ngày trời. Ăn cơm tối xong, y ngồi hút thuốc dưới nhà bếp. Nếu làm công ở nhà nào khác thì ăn cơm tối xong là y đi về nhà. Nhưng ở nhà Cụ Cố, cơm tối lại ăn sớm hơn các nhà khác. Ngày thường ở nhà này ăn cơm xong là đi ngủ ngay, lệ không được đỏ đèn. Chỉ có hai trường hợp đặc biệt: một là ngày cậu Tú còn chưa thành đạt thì tối lại, cậu có thể đỏ đèn lên sôi kinh nấu sử; hai là lúc nào AQ đến làm công thì cũng được phép đỏ đèn lên mà giã gạo đêm. Vì cái ngoại lệ này nên hôm ấy, trước lúc đi giã gạo, AQ còn ngồi hút thuốc.
Vú Ngò, người ở gái duy nhất trong nhà Cụ Cố họ Triệu, rửa bát đĩa xong cũng tréo mảy ngồi trên chiếc ghế dài mà nói mấy câu chuyện xì xằng với AQ.
- Cụ bà ấy mà, hai hôm nay không ăn một hột cơm nào đâu nhé! Chả là cụ ông muốn mua nàng hầu ...
AQ nghĩ bụng: "Đàn bà! ... Con vú Ngò, con mẹ gái góa này nó cũng ..."
- Mà mợ Tú cũng đến tháng tám này thì ở cữ đấy nhé! ...
AQ vẫn mơ màng:
"Đàn bà! ..."
Buông ống điếu xuống, AQ đứng dậy. Vú Ngò còn nói lải nhải:
- Mợ Tú nhà ta ...
Bỗng AQ xông tới quỳ sụp xuống trước mặt mụ:
- Chúng ta cùng nhau ... chúng ta ... nào!
Im phăng phắc trong chốc lát.
"Ối giời ơi là giời ơi!" Mụ vú ngẩn đi một lúc, bỗng run cầm cập, chạy ra ngoài la to, mấy tiếng kêu sau cùng của mụ nghe hình như xen lẫn trong tiếng khóc.
AQ quỳ trước bức tường cũng ngẩn ngơ một lúc rồi hai tay vơ quàng lấy cái ghế không, từ từ đứng dậy, tựa hồ cảm thấy có điều gì không hay. Y thấp thỏm trong bụng, vội vàng nhặt cái tẩu thuốc, giắt vào thắt lưng, định đi giã gạo thì "đốp" một tiếng, rồi nghe như tuồng đòn cứ đánh một thôi vào đầu. Y vội quay lại, đã thấy cậu Tú đứng trước mặt, tay cầm một cái đòn tre to tướng.
- Đồ làm giặc! Thằng này, mày ...
Cái đòn tre cứ nhắm đầu AQ mà bổ xuống. AQ đưa hai bàn tay lên ôm lấy đầu, thành ra đòn tre cứ đánh vào mấy đốt tay, đau nhói. AQ chạy thẳng ra khỏi nhà bếp, đòn tre vẫn bổ vào lưng một thôi khá lâu. "Oẳng pa tàn !" Cậu Tú dùng tiếng quan thoại chửi theo.
AQ chạy vào nhà giã gạo, đứng một mình, còn thấy ngón tay tê đi, và còn nhớ ba chữ: "Oẳng pa tàn!"... "Oẳng pa tàn!". Câu chửi bằng tiếng quan thoại này ở làng mùi xưa nay chưa hề ai dùng, chỉ có những người tai mắt hay lui tới cửa quan mới dùng đến, cũng vì thế mà nghe có vẻ đáng sợ hơn tất cả những tiếng chửi khác, và do đó đã để lại trong đầu óc AQ một ấn tượng rất sâu sắc. Vả lại lúc đó, AQ cũng đã quên bẵng cái ý nghĩ về "đàn bà" lâu nay vẫn ám ảnh tâm hồn y. Nhưng sau trận đòn trận chửi đó, AQ cho câu chuyện như thế cũng gọi là yên đi, và cảm thấy chẳng có gì đáng lo nghĩ nữa. Y lại cứ đi giã gạo như thường. Giã được một chốc, y thấy bức, nghỉ tay, sẽ cởi áo ra.
Đang cởi áo thì nghe ngoài kia có tiếng xôn xao. Bình sình AQ vẫn thích xem những đám ồn ào. Tức thì y lần theo tiếng ồn ào chạy ra xe, cứ thế lần mò vào tận nhà Cụ Cố. Giời nhá nhem nhưng y cũng nhận thấy trong đám người tấp nập, xôn xao đó, có cả bà Cụ Cố đã hai ngày trời không có hột cơm nào trong bụng, cả thím Bảy Trâu nhà bên cạnh, cả hai bác Triệu Bạch Nhãn, Triệu Tư Thần, hai người bà con chính tông với nhà Cụ Cố.
Mợ Tú tay dắt vú Ngò ra khỏi buồng nhà dưới, miệng nói:
- Nào, vú cứ ra ngoài này, chuyện gì mà lẩn vào trong buồng định ...
Thím Bảy Trâu đứng cạnh cũng nói gom:
- Thì ai chả biết u là người chính đính? Không thể như thế mà lại định làm liều!
Vú Ngò chỉ nức nở khóc, miệng lẩm bẩm, chẳng ai nghe rõ ra cái gì cả.
AQ nghĩ: "Hừ vui quá! Con mẹ gái góa này định giở cái trò gì thế này?" Rồi chạy đến bên bác Triệu Tư Thần, có ý dò xem câu chuyện đầu đuôi thế nào. Bổng Cụ Cố Triệu vùn vụt chạy tới, tay cầm cái đòn tre to tướng. Thấy đòn tre đó, AQ sực nghĩ ra rằng câu chuyện này với trận đòn hồi nãy nhất định có dính dáng với nhau. Quay mình lại y định chạy trở về gian nhà giã gạo. Bất đồ chiếc đòn tre đã chắn ngang đường về. Thế là y lại quay trở lại, đâm đầu chạy thẳng, cố nhiên là lủi ra phía cửa sau. Không mấy chốc, y đã về đến đền Thổ Cốc.
Ngồi một hồi, AQ nghe tuồng như da thịt có vẻ rờn rợn và cảm thấy rét. Số là tuy đã sang xuân nhưng thời tiết ban đêm vẫn còn chưa lấy gì làm ấm, ở trần vẫn còn khó chịu. Sực nghĩ lại cái manh áo cộc còn nằm ở nhà họ Triệu, AQ muốn đi lấy về, nhưng lại sợ cái đòn tre của cậu Tú. Giữa lúc ấy, bác khán làng đã từ ngoài cửa bước vào.
- AQ! Con mẹ mày! Cả đến người ở nhà cụ Triệu mà mày cũng trêu ghẹo được, thật là mày làm giặc! Mày báo hại tao cả đêm hôm qua không nhắm mắt được tí nào! Con mẹ mày!
Rồi mắng cho một tràng như thế, vân vân ... AQ cố nhiên không hề cãi lại nửa lời. Cuối cùng, vì là ban đêm, nên món tiền đưa bác khán uống rượu cũng phải gấp đôi lên, những bốn quan. AQ không có một đồng tiền nào trong túi đành phải đem cái mũ lông cừu gán cho bác khán. Y lại còn phải ký một tờ cam đoan, thừa nhận năm khoản sau:
1. Sáng hôm sau, phải đem một cặp nến đỏ, thứ nặng một cân, và một bao nhang đến nhà Cụ Cố tạ tội.
2. Phải chịu hết tiền phí tổn biện lễ trừ "tà thắt cổ" cho nhà họ Triệu.
3. Từ nay trở đi, không được bén mảng đến nhà họ Triệu nữa.
4. Nếu sau này vú Ngò có việc gì bất trắc thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
5. Không được trở lại nhà Cụ Cố đòi tiền công giã gạo, và xin lại cái áo còn bỏ lại hôm trước.
Cố nhiên AQ phải nhận tất. Khốn một nỗi, y không còn một đồng xu nhỏ. Cũng còn may là đang mùa xuân nên cái mền bông cũng không cần cho lắm nữa. Y bèn đem cầm lấy hai chục quan tiền để thi hành bấy nhiêu khoản trong tờ điều ước. Sau lúc mình trần trùi trụi phủ phục trước Cụ Cố, AQ ra về, vẫn còn thừa lại một ít tiền, nhưng y cũng không nghĩ đến việc chuộc cái mũ lông cừu. Y đem uống rượu hết. Còn bên nhà Cụ Cố cũng không thấy nói gì đến việc cúng bái trừ tà gì cả. Bấy nhiêu hương đèn đều cất đi để khi nào Cụ Cố bà lên chùa lễ Phật sẽ dùng. Còn tấm áo rách thì nửa to cắt đi để đến tháng tám này mợ Tú ở cữ dùng làm tã lau nước tiểu cho em bé, và nửa nhỏ, nát quá, thì dùng đóng vào gót dép của vú Ngò.
Phần 4
VẤN ĐỀ SINH KẾ
Lễ bái từ tạ ở nhà họ Triệu xong xuôi, AQ về đến đền Thổ Cốc thì mặt trời đã lặn. Y dần dần cảm thấy hình như trên đời có cái gì là lạ. Nghĩ đi nghĩ lại, y nhận ra rằng: nguyên nhân chỉ vì y ở trần. Sực nhớ còn một mảnh áo cộc kép, y liền lấy khoác vào, rồi ngả lưng xuống cho đến lúc tỉnh giấc, mở mắt ra thì ánh mặt trời đã chói lọi trên mái tường phía tây bên kia. Y ngồi dậy, lẩm bẩm:
- Mẹ kiếp!
Thế rồi, cũng như mọi hôm sau khi ngủ dậy, AQ bước ra, đi rong trên con đường làng. Bây giờ, y không nghe da thịt buốt như lúc ở trần nữa, nhưng dần dần y lại cứ cảm thấy trên đời có cái gì là lạ thật. Tuồng như tất cả bọn đàn bà con gái làng Mùi từ hôm nay trở đi bỗng dưng đua nhau mà hổ ngươi. Cứ thấy mặt AQ đâu là chúng nó xô nhau trốn biệt vào tận trong cửa. Thậm chí thím Bảy Trâu đã ngót năm chục tuổi đầu rồi cũng vậy, thím ta cũng học theo người khác vội vàng lẩn tránh đi. Không những thế, thím ta còn hối hả gọi đứa con gái của thím non mười tuổi đầu vào nốt! AQ lấy làm lạ lùng hết sức. Y tự hỏi: "Quái! sao cả lũ chúng nó độ này lại đua nhau học điệu bộ các cô tiểu thư như thế là thế nào nhỉ? Mấy con đĩ này rõ khéo! ..."
Rồi đến những ngày sau, AQ càng thấy nhiều sự lạ lùng khác nữa. Một là lão chủ quán rượu nhất định không bán chịu cho y nữa. Hai là, lão từ ở đền Thổ Cốc cũng nói lảm nhảm như muốn ngỏ ý thúc giục y dọn đi chỗ khác. Ba là, không nhớ rõ bao nhiêu ngày trời rồi, nhưng đã khá lâu, không hề có người nào gọi y đi làm vặt nữa! Cửa hàng rượu không bán chịu thì nhịn đi cũng xong, lão từ muốn đuổi thì lần lữa còn có thể được, chỉ có điều không ai gọi đi làm thì chết đói. Đến thế này thì thật là "mẹ kiếp"!
AQ không tài nào chịu nổi tình cảnh ấy nữa. Y đành phải liều tìm đến mấy nhà chủ xưa nay vẫn thuê y làm vặt để dò xem tình hình, chỉ trừ nhà Cụ Cố họ Triệu ra là không dám tới. Nhưng tình hình đã đổi khác. Đến đâu là y như trong nhà đã thấy một lão đàn ông mặt mũi hết sức khả ố bước ra xua tay đuổi như đuổi ăn mày:
- Không có! Không có! Đi đi! ...
AQ cũng ngạc nhiên. Y nghĩ bụng: những nhà này xưa nay vẫn cần mình làm thuê, thế mà bây giờ bỗng dưng không một ai có việc gì nữa cả. Nhất định là có điều gì oái oăm đây chứ chẳng không. Để ý dò la, y mới vỡ ra rằng: bọn họ có công việc gì là toàn đi gọi thằng cu Don. Cái thằng cu D. là một thằng nhãi con, gày gò, ốm yếu. Theo con mắt AQ thì nó còn thua cả lão Vương Râu xồm nữa kia! ... Thế mà ai ngờ chính cái thằng nhãi con này lại đã hớt ngang bát cơm của y! Bởi vậy, lần này y tức điên lên hơn lần nào hết. Trong lúc hằm hằm rảo bước, y bỗng vô tình giơ cánh tay lên, miệng nói:
Ngã thủ chấp (i i i) cương (i) tiên cương (i i i) nỉ đả! (Chú giải của người dịch: Một câu hát tẩu mã trong các tuồng cổ Trung quốc. Dịch nghĩa: Tay cầm con roi sắt (tớ) sắp đánh mày. AQ vẫn là khách quen các rạp tuồng!)
Mấy hôm sau, tình cờ AQ bỗng gặp thằng cu D. trước bức tường xế qua nhà Cụ Cố họ Tiền. Tục ngữ có câu: "Kẻ thù gặp mặt nhau thì mắt trông thấy rõ mười mươi". AQ bước tới, cu D. cũng dừng chân đứng lại.
AQ mắng và lườm cu D. bằng một cặp mắt rất dữ tợn, rồi nhổ một bãi nước bọt:
- Đồ súc sinh!
- Tớ là giống sâu bọ, thỏa dạ chưa?
Câu trả lời nhún nhường của cu D. trái lại làm cho AQ càng điên tiết. Nhưng trong tay AQ lúc bấy giờ không sẵn có một cây "roi sắt" nên y đành phải vồ tới, dang cánh tay ra cố níu lấy cái đuôi sam của cu D. Cu D., một tay giữ chặt đuôi sam của mình, còn tay kia cố gò lấy đuôi sam của AQ ... AQ cũng lật đật đưa cánh tay còn rảnh kia ra giữ thật chặt lấy đuôi sam của y. So với AQ độ trước thì sức vóc cu D. thấm vào đâu. Nhưng gần đây, phải nhịn đói, y cũng gày gò, ốm yếu không khác gì cu D. ... Bởi vậy, lực lượng hai bên địch thủ thật là tương đương. Bốn cánh tay giằng co lấy hai cái đầu, hai lưng cũng đều gò cong hẳn lại, in bóng lên bức tường vôi trắng xóa nhà họ Tiền thành một đường vòng cung y như một cái cầu vồng màu chàm, lâu có đến nửa giờ đồng hồ là ít.
Những người đứng xem hình như muốn hòa giải, nói:
- Hảo lớ, Hảo lớ!
Một bọn khác cũng gào to lên:
- Hảo, hảo! (Lời người dịch: Hảo trong tiếng Trung quốc còn có nghĩa là thôi, thôi.)
Không rõ họ có ý hòa giải hay là khen, hay là xúi giục. Nhưng cả hai chú đều không ai nghe thấy gì cả. Hễ AQ tiến lên ba bước thi cu D. lùi lại ba bước, rồi cả hai đứng lại. Mà cu D. bước tới ba bước thì AQ lại lùi ba bước, rồi cả hai lại đứng lại. Có độ ngót nửa giờ, hoặc giả hai mươi phút cũng nên - ở làng Mùi không có đồng hồ nên khó nói cho đích xác - đầu hai chú đều bốc hơi lên, mồ hôi trán chảy đầm đìa ... Bỗng thấy AQ bỏ tay ra. Ngay lúc ấy, cu D. cũng bỏ tay ra nốt. Cả hai chú cùng một lúc đứng thẳng dậy, cùng một lúc lùi ra xa, rồi cả hai lẩn vào đám người đứng xem.
AQ còn ngoảnh đầu lại:
- Nhớ lấy nhé ! Con mẹ mày !
Cu D. cũng ngoảnh đầu lại, chửi bới:
- Con mẹ mày, nhớ lấy nhé !
Trận "long hổ đấu" này kết cục đại khái có thể nói là "bất phân thắng phụ". Không biết khán giả có được hài lòng lắm không, bởi vì không nghe ai bàn tán gì. Nhưng vẫn không một ai gọi AQ đi làm thuê cả.
Một hôm, trời ấm, gió thổi hiu hiu có khí vị tiết hè. Thế mà AQ vẫn rờn rợn rét. Tuy vậy, rét cũng còn có thể chịu được. Khổ nhất là cái bụng đói. Mền bông, mũ lông cừu, áo, đều không còn cái nào nữa. Cả cái áo chẽn bông cũng bán rồi. Bây giờ còn một cái quần, chả nhẽ cũng cởi nốt đi hay sao? Còn như cái manh áo kép rách kia thì đem biếu người ta đóng gót dép họa có kẻ lấy, chứ đem bán thì một đồng xu cũng chả đắt! Đã nhiều phen, AQ những ước ao bắt được chuỗi tiền con nhà ai đánh rơi giữa đường, nhưng chưa hề thấy chuỗi nào cả. Cũng lại nhiều phen, y cố nhìn kỹ cả bốn góc nhà y ở, may có thấy gì chăng, nhưng bốn góc nhà vẫn trống không, có gì đâu! AQ bèn quyết chí đi kiếm ăn vậy.
Trên con đường làng, AQ lang thang đi kiếm ăn. Y nhìn thấy những quán rượu, những hàng quà, hàng bánh xưa nay vẫn quen. Nhưng y đều lảng đi qua, không những không dừng chân lại mà cũng không có ý thèm thuồng gì cả. Điều AQ ước ao bây giờ không phải những thức đó. Y ước ao những gì, chính y cũng không rõ.
Làng Mùi vốn là một làng bé nhỏ, đi chả mấy chốc là cùng làng. Trước làng có nhiều ruộng sâu, trông toàn một màu xanh mướt của mạ non. Giữa đồng, một vài chấm đen đen, tròn tròn có vẻ linh động: ấy là mấy chú nông phu đang cặm cụi làm việc. Nhưng AQ bụng đâu nghĩ đến việc thưởng thức cái cảnh vui vẻ đó của đồng quê. Y cứ cúi đầu rảo bước. Y cảm thấy cảnh đó không dính dáng gì với việc y đi kiếm ăn cả. Một lát sau, y đến chùa Tĩnh Tu.
Xung quanh chùa cũng có một cánh đồng sâu. Mấy bức tường quét vôi trắng nổi hẳn lên giữa cánh đồng xanh thẳm. Đám đất mé sau nhà chùa, gần bức tường đất thấp, là một vườn rau. AQ do dự một lúc, nhìn quanh nhìn quất một lúc, không thấy một ai qua lại. Y trèo lên tường, níu lấy cành hạ thủ ô. Đất sét đầu tường lác đác rã xuống. Chân y cũng run lập cập. Cuối cùng, y vớ được một cành dâu, phóc ngay vào trong vườn. Trong chùa, góc này rất là sầm uất. Chỉ hiềm điều ở đây không có rượu, không có bánh bao, không có một thức gì "nhai được" tất cả. Gần bức tường phía tây, có một lùm tre, dưới lùm tre có nhiều búp măng, khốn nỗi bấy nhiêu măng lại toàn là măng chưa nấu. Còn mấy luống rau thì thứ đã kết hạt, thứ đương đâm bông, thứ thì già cỗi. Cay đắng như một cậu đồ hỏng thi, AQ chầm chậm đi lần ra mé trước. Nét mặt y bỗng hớn hở hẳn lên. Y vừa trông thấy mấy vồng củ cải. Y ngồi xổm ngay xuống, rứt mấy gốc. Thoạt tiên, một cái đầu tròn tròn lù lù ra từ trong cửa nách. Cái đầu ấy vừa lù ra lại thụt vào ngay: rõ ràng là cô tiểu hôm nọ. Xưa nay, lũ tiểu này, AQ xem bằng rác. Nhưng ở đời cũng phải tùy thời thế, cho nên AQ lật đật nhổ bốn gốc cái, ngắt lá vứt đi rồi nhét cả vào thân áo. Giữa lúc đó thì sư bà vừa ở trong chùa đi ra.
- Nam mô a di đà Phậ ... ậ ... ật! AQ này, sao lại nhảy vào vườn mà ăn cắp của nhà chùa làm vậy! Ái chà! Nam mô a di đà Phật! Tội chết! Ái chà chà! ... Nam mô a di đà Phật!
AQ chân bước, mắt nhìn quanh, nói:
- Ai nhảy vào vườn nhổ trộm cải nhà bà? Bao giờ nào?
Sư bà chỉ vào thân áo:
- Bao giờ nữa? Đấy kia! ...
- Đây là của nhà bà đấy à? Bà gọi lên xem nó có thưa không? ...
AQ chưa nói xong đã bỏ chạy ... Số là một con chó đen to tướng ở đâu chạy thốc ra đuổi. Con mực này vẫn nằm đằng cửa trước, chẳng biết vì lẽ gì bây giờ lại tót mãi ra tận sau này. Con chó vừa đuổi vừa cắn, và sắp đớp một miếng vào ngang đùi AQ. May sao, từ thân áo một củ cải té ra. Mực ta giật mình một cái, đứng dừng hẳn lại. Trong lúc ấy, AQ đã trèo lên cây dâu, nhảy phốc qua tường, rồi cả người lẫn củ cải cũng lăn nhào ra mái ngoài. Trong vườn, dưới gốc cây dâu, chỉ còn con Mực đứng cắn ăng ẳng và sư bà đứng niệm phật.
AQ những áy náy lo rằng cô tiểu sẽ lại thả con Mực ra đuổi theo. Lật đật, y nhặt mấy củ cải rồi cắm đầu chạy. Dọc đường, y còn nhặt thêm mấy hòn đá phòng bị. Nhưng không thấy nó ra, y vất đá, vừa chạy, vừa gặm củ cải, vừa nghĩ bụng "Vùng này ngó bộ làm ăn chẳng xong! Ta đi lên huyện vậy!"
Gặm hết ba củ cải, AQ nhất quyết sẽ lên huyện.
Phần 5
LÊN VOI XUỐNG CHÓ
Mãi đến trung thu năm ấy, làng Mùi mới lại thấy bóng AQ ... Cả làng ngạc nhiên bảo nhau: AQ đã về! Bấy giờ người ta mới có kẻ tự hỏi: Lâu nay nó đi đâu nhỉ? Xưa kia, mỗi lần lên huyện về, AQ vẫn hớn hở chuyện trò với mọi người. Nhưng lần này, không thế. Vì vậy không ai chú ý đến. Dễ thường AQ cũng có thỏ thẻ một vài câu với lão từ đền Thổ Cốc, nhưng lệ thường ở làng Mùi, chỉ có những lúc nào Cụ Cố họ Triệu, Cụ Cố họ Tiền, hoặc thầy Tú Triệu lên huyện kia thì người ta mới coi là việc quan trọng. Còn ngoài ra, cả lão Tây giả kia có đi về cũng chẳng ai quan tâm nữa là AQ! Vì vậy nên lão từ cũng không đồn đại gì về việc AQ đi cả, thành thử trong làng không ai biết mối manh gì.
Lần này AQ ở huyện về khác hẳn mấy lần trước. Trông y có vẻ là lạ. Trời đã nhá nhem tối. Y vào quán rượu, cặp mắt ngái ngủ. Y tới trước quầy, nắn trong lưng ra một tay đầy tiền đồng và bạc hào, xỉa ra và nói:
- Tiền mặt đây này, rượu đâu đưa ra đây?
Y mặc chiếc áo kép mới, lưng đeo một cái ruột tượng nặng trĩu làm cho cái thắt lưng sả hẳn xuống đằng trước thành một đường vòng cung. ở làng Mùi, vẫn có cái thói hễ thấy ai hơi có máu mặt thì người ta vẫn nghĩ: đối với hạng người này thà kính trọng họ một chút còn hơn là tỏ vẻ khinh bỉ. Bây giờ, dù biết rằng vẫn là AQ đấy, nhưng không phải như thằng AQ với tấm áo rách dạo trước nữa. Cổ nhân có câu: "Sĩ biệt tam nhật, tiện đương quát mục tương đãi" (Chú thích của người dịch: Một câu danh ngôn của Lã Mông đời Tam quốc nói với bạn. ý nghĩa: Ba ngày không gặp mặt một kẻ sĩ thì khi gặp lại, nên biết trọng đãi hơn mọi hôm, vì họ có thể tiến bộ khác trước nhiều rồi.)
Vì vậy mà cả làng Mùi, từ anh hầu sáng, ông chủ quán, khách uống rượu cho đến kẻ qua đường, đối với AQ ai nấy đều tỏ ra vừa ngờ vực vừa kính trọng. Bác chủ quán gật đầu luôn mấy cái rồi lạ trò chuyện vồn vã:
- Kìa A Q! Đã về đấy à?
- Vừa về xong.
- Phát tài chứ? ... Thế lâu nay ...
- Ở trên huyện mà!
Tin đó sáng hôm sau đã lan ra khắp làng. Cả làng ai cũng ước ao biết rõ lai lịch cái túi tiền và cái áo mới của AQ. Bởi vậy, ngoài quán rượu, trong tiệm trà cho đến dưới hiên đình, người ta chỉ trầm trồ dò la từng ấy chuyện. Kết quả là AQ lại được người ta trọng vọng thêm.
Theo lời AQ thì lâu nay y làm công ở nhà Cụ Cử trên huyện. Chỉ một chút đó cũng đã làm cho người nghe lấy làm kiêng nể rồi. Cụ Cử vốn là họ Bạch, nhưng vì cả vùng chỉ có một cụ là đậu cử nhân, nên trong lúc xưng hô, cũng không cần phải dùng chữ "Bạch" mào đầu lên trên hai chữ cử nhân nữa. Chỉ gọi cụ Cử là ai cũng hiểu rồi. Lối xưng hô này chẳng phải riêng gì cho làng Mùi. Chung quanh vùng này có trăm dặm đường đất, ai cũng gọi như vậy. Đến nỗi có nhiều người yên trí rằng cụ là họ Cử tên Nhân! Làm công ở nhà cụ Cử là một điều đáng trọng rồi, thế mà AQ còn nói: y không thích làm đó nữa vì cái cụ Cử này thật ra cũng "mẹ kiếp chúng nó" lắm! Mấy người được nghe câu chuyện này vừa tiếc rẻ vừa khoái chí. Khoái chí ở chỗ AQ không thèm làm việc với cụ Cử mà tiếc rẻ là sao lại không làm.
Vẫn theo lời AQ thì lần này y trở về làng một phần nữa cũng là vì y ghét bọn người trên huyện. Thì ví dụ chúng nó cứ gọi cái ghế dài kia là tràng kỷ, lại như lúc rán cá chúng nó cứ gia vị bằng nhánh hành. Nhất là cái thói xấu y vừa khám phá ra, tức là cái kiểu bọn đàn bà con gái lúc chúng nó đi đứng cứ ưỡn ẹo trông đến khó coi. Tuy vậy, AQ cũng nhận rằng: trên huyện cũng có những điều đáng phục. Tức như ở làng Mùi đánh bài thì chỉ biết chơi thứ bài ba mươi hai con, và chỉ có một mình lão Tây giả là biết chơi "mạt chược". Mà trên huyện thì đứa oắt con mới nảy mũi ra cũng chơi mạt chược thạo rồi! Cứ để chú Tây giả ở làng đánh thử với một thằng ranh con trên ấy thì lập tức thấy rằng chả khác gì "quỉ sứ vào điện Diêm vương"! Câu chuyện này những kẻ được nghe ai cũng đều lấy làm xấu hổ.
- Này, các bác đã thấy chặt đầu người hay chưa nhỉ? Úi chào! Vui lắm! Giết tụi cách mạng ấy mà! Úi chao chao! Vui, vui quá cơ!
AQ vừa nói vừa lắc lư cái đầu, nước bọt cứ bắn vào mặt bác Triệu Tư Thần đứng trước y. Câu chuyện chặt đầu này, ai nghe cũng phải rùng mình rởn gáy. Nhưng AQ lại nhìn quanh quất một hồi, bỗng dang cánh tay phải ra, nhằm vào cái cổ cò hương của lão Vương Râu đang đứng nghe chăm chú bổ ngay vào gáy:
- S ... sật!
Lão Vương Râu hết hồn hết vía thụt ngay cả đầu lẫn cổ xuồng, nhanh như chớp nhoáng, như đá tóe lửa, trong lúc đó thì người nghe đứng xung quanh vừa sợ hãi, vừa thích thú. Sau đó, có mấy ngày trời, lão Vương Râu vẫn còn choáng váng cả đầu óc, nhất định không dám lại gần AQ nữa; những người khác cũng vậy.
Trước con mắt dân làng Mùi lúc bấy giờ, địa vị AQ dù chưa có thể nói rằng oai hơn Cụ Cố họ Triệu, nhưng nói xấp xỉ thì cũng chẳng sai bao nhiêu.
Chẳng bao lâu, danh tiếng AQ đã lừng lẫy đến trong chốn khuê phòng làng Mùi. Thực ra, trong làng Mùi chỉ có hai nhà có thể gọi là khuê phòng: ấy là nhà họ Triệu và nhà họ Tiền. Ngoài ra chín phần mười, chả nhà nào là có khuê phòng cả; nhưng buồng đàn bà con gái nào mà chẳng gọi là khuê phòng? Cho nên danh tiếng AQ đồn đại khắp khuê phòng cũng cho là một sự lạ đi! Các bà hễ gặp nhau là trầm trồ những chuyện như là: thím Bảy Trâu vừa mua lại của AQ được một chiếc quần lụa màu xanh lam, cũ một tí, nhưng "chỉ có chín hào bạc thôi!", hoặc là bà mẹ bác Triệu Bạch Nhẫn - một tin khác nói chính là bà mẹ bác Triệu Tư Thần cơ, chứ không phải là bà mẹ bác Triệu Bạch Nhẫn, chưa có tin nào đúng hơn, chờ kiểm tra lại đã - cũng mua được một cái áo trẻ con bằng vải sa tây điều còn khá mới, mà chỉ có ba quan tiền, cứ chín mươi hai đồng ăn một quan! Thế rồi các bà người nào cũng cứ mong gặp AQ, người thiếu quần lụa thì mong hỏi quần lụa, người thiếu áo sa tây thì lăm le mua áo vải sa tây. Thấy AQ, không những họ không trốn tránh nữa mà thậm chí lại có nhiều lúc AQ đi đã khá xa rồi, họ còn chạy theo, gọi đứng lại để hỏi: "Chú AQ này, còn cái quần lụa nào nữa không! Hết cả rồi à? ... Thế, áo vải tây điều cũng được. Còn đấy chứ? ..."
Câu chuyện dần dà từ chốn khuê phòng vào đến chốn khuê các. Số là trong lúc đắc ý, thím Bảy Trâu đã đem chiếc quần lụa lên trình cụ Cố bà họ Triệu xem qua. Cụ Cố bà lại nói lại với cụ Cố ông và cứ khen lấy khen để. Ngay tối hôm ấy, ngồi trước mâm cơm, cụ Cố ông đưa chuyện đó ra thảo luận cùng cậu Tú, rồi cho rằng: cái thằng AQ này nhất định là có những sự tình khả nghi, chúng ta cửa ngõ cũng nên cẩn thận một tí ... Nhưng chả biết nó còn có gì mua được nữa hay không? Có lẽ cũng còn có thứ tốt đấy. Phần thì hiện nay cụ Cố bà còn cần một cái áo gi-lê thứ tốt nhưng phải cho rẻ.
Cuộc hội nghị gia tộc họ Triệu quyết định sẽ nhờ thím Bảy Trâu lập tức đi tìm AQ cho được. Do đó, mới có ngoại lệ thứ ba này nữa: tối hôm ấy được phép chong đèn chờ AQ đến.
Đĩa dầu vơi mãi, vơi mãi ... AQ vẫn chưa đến. Cả nhà họ Triệu đều đã sốt ruột, ngáp lên ngáp xuống. Kẻ thì trách AQ hững hờ, người thì oán thím Bảy chậm chạp. Cụ Cố bà những ngại rằng câu chuyện dạo mùa xuân độ nọ có lẽ làm cho AQ sợ phạm vào một điều khoản trọng yếu trong tờ cam đoan mà không dám đến chăng ... Nhưng cụ Cố ông bảo: không ngại gì, vì chính "ta" truyền gọi nó kia mà! Thì ra, cụ Cố ông là người cao kiến có khác! Quả nhiên, một lát sau, AQ cùng thím Bảy Trâu đã ở ngoài cửa bước vào. Thím Bảy thở hồng hộc, chân bước miệng nói:
- Chú ấy cứ chối đây đẩy một không có, hai không có. Con thì con nói: Không biết! Chú cứ đến mà bẩm với hai cụ. Chú ấy còn nói ... Con thì con nói ...
Dưới thềm, AQ toét miệng ra một cái, giống như cười, nhưng vẫn không phải là cười, rồi nói to:
- Cụ ạ!
Cụ Cố vừa nói vừa bước tới gần AQ, đưa mắt nhìn y từ đầu đến chân:
- AQ này, nghe nói độ ngày mày đi ra phát tài lắm phải không? Thế thì tốt, tốt lắm. Này! à mà nghe nói mày còn một ít đồ cũ ... Còn bao nhiêu cứ đưa đây xem xem ... Này! không có ý gì đâu ... Chả là ta cần dùng ...
- Con vừa bảo thím Bảy đấy! Hết cả rồi.
- Hết rồi kia à?
Giọng cụ nghe như thất thanh:
- Sao đã hết chóng làm vậy?
- Chả là gặp chỗ quen biết ... Vả lại có bao nhiêu đâu ạ! Anh em họ giật hết.
- Chắc cũng còn một ít chứ?
- Giờ chỉ còn một bức nghi môn thôi ạ!
Cụ Cố bà lật đật nói:
- Thế thì đưa đến cho xem vậy!
Cụ Cố ông có vẻ lãnh đạm:
- Vậy thì sáng mai! Cứ đưa đến đây nhé. Này, AQ này, từ rày, bất cứ đồ lề gì, hễ có là cứ đưa đến đây, ta xem trước nhé...
Cậu Tú nói:
- Đây không bao giờ trả rẻ đâu mà! Nghe chưa?
Mợ Tú vội liếc nhìn nét mặt AQ xem nó có chú ý gì đến lời cậu Tú hay không.
Cụ Cố bà nói:
- Ta cần mua một cái áo gi-lê.
AQ miệng vâng vâng dạ dạ, nhưng lại uể oải lùi ra về. Cũng chẳng ai biết y có nhớ cho hay không, thành ra cụ Cố ông cũng vừa thất vọng, vừa bực mình, vừa lo ngại, đến nỗi quên không ngáp dài nữa. Cậu Tú cũng bất bình với thái độ của AQ, nói:
- Cái thằng Oẳng pa tàn này, phải coi chừng! Hay là gọi ngay lão khán đến bảo phải đuổi ngay đi, không cho ở trong làng nữa là hơn hết!
Nhưng cụ Cố ông cho rằng không nên làm thế, sợ nó lại thù oán lôi thôi. Vả lại xưa nay những đứa làm nghề ấy chả bao giờ chúng nó làm thói "gà què ăn quẩn cối xay", vậy nên làng ta chẳng ngại gì sự đó. Còn nhà mình thì ban đêm ngủ cho tinh tỉnh một tí là được rồi. Nghe bấy nhiêu lời nghiêm đường dạy, cậu Tú rất tán thành, vì vậy cậu cũng lập tức thủ tiêu đề nghị đem AQ "trục xuất cảnh ngoại". Một mặt khác, cậu ân cần dặn dò thím Bảy Trâu nhất thiết không để cho câu chuyện hôm nay tiết lộ ra ngoài.
Nhưng ngày hôm sau, lúc thím Bảy đem chiếc quần đi nhuộm đen thì thím lại đem cả những chỗ khả nghi về AQ rêu rao với mọi người. May mà thím không nhắc nhở gì đến chuyện cậu Tú có ý "trục xuất" AQ. Nhưng thế cũng đã là một điều bất lợi cho AQ rồi! Trước hết, bác khán tìm ngay vào nhà y lấy quách bức nghi môn. Y cố biện bạch rằng, cái bức nghi môn đó Cụ Cố bảo phải đem lên trình cụ xem đã, nhưng bác khán vẫn nhất định chiếm lấy. Bác lại nhân dịp này vòi thêm một ít "tiền rượu" hàng tháng nữa. Một sự thiệt thòi khác cho AQ là từ hôm ấy về sau, lòng kính nể và sợ sệt của dân làng Mùi đối với y cũng giảm bớt nhiều. Tuy chưa dám khinh ra mặt đâu, nhưng xem có ý đã không muốn lại gần y nữa. Không muốn gần y không phải vì sợ đánh "sật" một cái vào gáy như trước, mà là người ta chỉ "kính nhi viễn chi" nữa thôi.
Một bọn vô công rồi nghề lại cố đi dò xét về AQ cho ra manh mối. Thì AQ cũng chả giấu giếm gì ai cả! Y cứ ngạo nghễ nói toạc tất cả những điều y đã làm. Do đó, người ta mới biết y chẳng qua chỉ là một vai phụ không có gan trèo tường mà cũng không có gan chui ngạch. Y chỉ đứng ở mé ngoài chuyền đồ ra mà thôi. Và, có một đêm, y vừa bệ được một cái gói, còn lão trùm đang chui vào một lần nữa, thì trong nhà hô hoán lên; thế là y chuồn thẳng, và ngay đêm ấy, lập tức bỏ huyện về tuốt làng Mùi. Rồi từ đấy trở đi, y cũng giải nghệ luôn nốt. Đoạn tiểu sử này càng làm tai hại cho danh giá AQ. Số là xưa nay dân làng Mùi còn giữ cái thái độ "kính nhi viễn chi" với AQ chỉ vì lo y thù hằn. Ai ngờ chẳng qua y chỉ là một thằng ăn trộm mà lại không có gan đi ăn trộm nữa thì quả thật không có gì đáng sợ.
Phần 6
CÁCH MẠNG
Tối hôm mười bốn rạng ngày rằm tháng Chín niên hiệu Tuyên thống năm thứ ba, tức là hôm AQ bán cái ruột tượng cho chú Triệu Bạch Nhẫn, vào hồi canh ba, lúc bốn giờ, một chiếc thuyền ván, mui đen, khá to ghé vào bến trước nhà họ Triệu giữa lúc đêm khuya trời tối mò mò, dân làng đang ngủ say, không ai hay biết gì hết. Và chưa mờ sáng thì chiếc thuyền đã rời khỏi bến, chỉ có mấy người trông thấy mà thôi. Sau lúc đã dò la, thầm thì thầm thụt cùng nhau khá lâu, người ta mới biết rằng: chính là thuyền nhà cụ Cử.
Thuyền nhà cụ Cử đã đưa đến cho làng Mùi một nỗi lo âu hết sức lớn. Chưa đúng ngọ, cả làng đã nhốn nháo hẳn lên. Chiếc thuyền này về đây để làm gì thì nhà cụ Triệu hết sức giữ bí mật. Nhưng trong các quán rượu và các hàng nước, đâu đâu người ta cũng đồn dậy lên rằng: bọn Cách mạng sắp vào huyện nên cụ Cử chạy về làng lánh nạn. Chỉ có thím Bảy là bảo không phải. Thím ấy nói: chỉ có mấy hòm quần áo cũ trên cụ Cử gửi xuống nhờ giữ hộ, nhưng cụ Triệu không nhận và giả lại ngay. Chả là cậu Tú Triệu và cụ Cử xưa nay không tương đắc gì, cho nên trong lúc hoạn nạn, hai nhà nhất định không có thể san sẻ nỗi lo nỗi buồn cùng nhau. Vả lại thím Bảy ở ngay bên cạnh nhà cụ Triệu, thấy tận mắt, nghe tận tai, cho nên chắc hẳn là không sai.
Mặc dù như thế, tiếng đồn vẫn lan rộng ra. Người ta bảo nhau: hình như cụ Cử không về, nhưng cụ có viết một bức thư rất dài để làm thân với Cụ Cố. Cụ Cố làng ta cũng đã nghĩ lại, và cụ cho rằng: cũng chả có hại gì nên đã cho gửi cái hòm lại. Cái hòm ấy hiện giờ nhét dưới gầm giường cụ bà nằm. Còn như tin tức về bọn Cách mạng thì có kẻ nói chính tối hôm qua chúng nó đã vào huyện rồi, chú nào chú ấy áo giáp bạch, mũ bạch, ăn bận trắng toát một loạt để tang cho vua Sùng Chính.
Xua kia, AQ đã mấy lần nghe người ta nói đến cách mạng. Năm nay, y lại đã thấy chém bọn Cách mạng độ vừa rồi. Nhưng trong óc y đã có sẵn một ý kiến chẳng biết nguồn gốc từ đâu cho rằng: làm cách mạng tức là làm giặc; làm giặc tức là báo hại y. Vì vậy nên xưa nay, y vẫn ghét cay ghét đắng bọn Cách mạng. Ngờ đâu chính bọn đó đã làm cho cụ Cử danh giá khắp vùng như thế kia mà cũng phải sợ, thì y cũng đã hơi lấy làm "lác mắt". Huống nữa là y lại thấy lũ đàn ông đàn bà khốn nạn ở làng Mùi cuống quít lên như vậy, thì y càng khoái chí. Y nghĩ bụng: "Cách mạng cũng hay! Cách mẹ cái mạng lũ chúng nó đi! Ghét quá đi mất! Giận quá đi mất! ... Tớ, tớ cũng sẽ đi đầu hàng cách mạng."
Gần đây, AQ túng thiếu, thành thử y cũng có ý bất bình. Phần thì trưa hôm ấy, bụng đói, uống hai bát rượu, cho nên y càng choáng váng say. Y vừa nghĩ ngợi vừa rảo bước, tâm hồn lại nghe nhẹ nhàng hớn hở lên. Rồi chả biết thế quái nào mà bỗng y đã tưởng tượng ngay rằng y là người cách mạng, và cả bọn dân làng Mùi đã thành "tù binh" của y cả rồi! Trong lúc đắc ý, bất giác y hét to lên mấy tiếng:
- Làm giặc nào! làm giặc nào!
Dân làng Mùi bấy giờ đều nhìn AQ bằng cặp mắt sợ hãi vô cùng. Điều đáng thương hại đó xưa nay y chưa từng thấy. Thành ra y thích chí vô hạn, chẳng khác gì nắng tháng sáu mà được uống nước đá vậy! Y càng hớn hở rảo bước và nói to:
- Hay lắm! Tớ muốn gì sẽ được nấy! Tớ ưa ai là người ấy được nhờ!
Cắc, cắc, tùng, tùng! Ăn năn đà quá muộn! Chỉ vì quá chén mà Trịnh hiền đệ bị giết oan ... a ... a ... Tùng tùng, tùng tùng, cắc ... Cắc cắc, tùng tùng ... Thủ cấp (i i i) cương (i i) liên (i-a) tương nỉ đả.
Trước nhà Cụ Cố họ Triệu, hai bố con và hai người bà con chính tông của cụ đang đứng xúm ở cổng bàn về cách mạng. AQ không trông thấy, cứ ngang nhiên rảo bước và vẫn hát:
- Tùng ! tùng ...
- Này bác Q ơi!
Cụ Cố gọi khe khẽ và có vẻ sợ sệt.
Xưa nay, đã bao giờ AQ nghĩ người ta lại có thể kết liền chữ "bác" với tên mình để gọi. Vậy nên y cho rằng người ta còn nói chuyện gì đâu đâu ấy, chứ chẳng liên can gì đến mình. Y cứ hát:
- Cắc, cắc, cắc, ... Tùng ... tùng ... tùng.
- Bác Q này!
- Ăn năn đà quá muộn, à ...!
Cậu Tú đành phải gọi thẳng:
- AQ à!
Lúc đó AQ mới dừng chân, nghếch đầu lại hỏi:
- Cái gì thế?
- Bác Q này ... Độ này ...
Cụ Cố bỗng không biết nói gì nữa
- Độ này! ... phát tài chứ?
- Vâng ạ! Phát tài hẳn chứ lỵ! Muốn gì là được nấy!
- À, à bác Q này! Bọn mình là bạn nghèo với nhau cả, thì chắc chẳng lẽ gì ...
Triệu Bạch Nhẫn rụt rè nói, cố ý dò xem ý tứ nhà cách mạng như thế nào.
- Bạn nghèo à? Anh lại không phong lưu bằng mấy tôi ấy à?
Vừa nói xong, AQ đã bước đi.
Mấy người nhà họ Triệu nghe mà phát khiếp, đứng lặng đi một hồi. Chiều hôm ấy, hai bố con nhà họ Triệu bàn bạc cùng nhau, cho mãi đến lúc đỏ đèn mới thôi. Còn chú Triệu Bạch Nhẫn vừa về đến nhà là cởi ngay cái ruột tượng, bảo chị vợ giấu kín vào dưới đáy hòm.
AQ hớn hở nhẹ bước trên con đường làng một hồi khá lâu. Về đến đền Thổ Cốc thì y đã tỉnh rượu hẳn. Chiều hôm ấy, lão từ đối với y cũng tỏ y nhã nhặn khác thường, mời y uống chén nước trà. Y nài lão thết y luôn hai khẩu bánh nữa. Ăn xong, y còn lấy một đoạn nến bốn lạng thắp dở và cả cái cọc nến mang về buồng nhỏ của y, đỏ đèn lên, một mình nằm nghỉ. Giờ này, bao nhiêu ý nghĩ tốt đẹp, bao nhiêu niềm vui mà y không tài nào tả nên lời, đang nhảy múa trong đầu óc y giống như ngọn đèn đêm nguyên đán vậy:
"Làm giặc! Cũng vui đấy chứ! Một bọn làm cách mạng tuyền là mũ bạch, áo giáp bạch, ai nấy tay cầm dao bản, roi sắt, lựu đạn, súng trường, nạng ba chia, câu liêm chạy cả đến đền Thổ Cốc gọi: "AQ! Chúng ta cùng đi, đi!" Thế là cùng nhau đi ...
Lúc đó tụi dân làng Mùi khốn nạn trông mới buồn cười! Chúng nó sẽ quì ràn rạt xuống van xin:"AQ tha chết cho tôi đi!" Nhưng ai mà nghe chúng nó! Thằng cu D. đáng tội chết trước. Rồi Cụ Cố họ Triệu, cả lão Tú nữa, cả thằng Tây giả nữa ... Có nên tha thằng nào không nhỉ? Kể ra lão Vương Râu thì tha ra cũng chẳng hề gì, nhưng bất tất!
"Đồ đạc, thì cứ vào thẳng nhà Cụ Cố phá ngay cái rương ra xem ... Tiền đồng ... vàng bạc ... áo sa ... Mà trước hết phải khuân ngay cái giường Hông-kông của mợ Tú về đền Thổ Cốc cái đã ... Ngoài ra, còn bộ bàn ghế nhà họ Tiền cũng chuyển về nốt. Hay là ta dùng ngay bộ của nhà họ Triệu vậy? Lẽ cố nhiên mình bất tất phải bỏ tay ra khuân vác. Bảo thằng cu D. khiêng đi, mau lên! Chậm là tát vào mặt ...
" Lão Triệu Tư Thần có con em, nhưng xấu quá! Còn con gái thím Bảy Trâu, vài năm nữa hẵng nói chuyện ... Vợ lão Tây giả ... con này đã chung chạ với một thằng đàn ông không có đuôi sam ... Chao! Tởm ... Thứ đàn bà ấy chả ra trò! Mụ Tú Triệu phải một cái là trên mi mắt có một cái sẹo! Mà ... con mụ vú Ngò lâu nay đi đâu nhỉ? Bực một nỗi là cái bàn chân chị ta to quá! ..."
Giữa lúc đầu óc còn rối beng với bấy nhiêu ý nghĩ thì AQ đã ngáy khò khò. Cây nến bốn lạng vừa cháy mất độ dăm phân, ngọn lửa lập lòe chiếu vào cái miệng hoác rộng của y.
"Ha! Ha!" AQ bỗng giật mình dậy, kêu to một tiếng rồi nghếch đầu lên, hoảng hốt nhìn quanh nhìn quất. Nhìn thấy đoạn nến bốn lạng vẫn còn, y lại ngả người ra ngủ.
Ngày hôm sau, AQ thức dậy rất muộn. Y chạy ra nhìn trên con đường làng, thì đâu vào đấy, chả có gì thay đổi. Mà cái bụng của y nghe vẫn đói! Y ngẫm nghĩ hồi lâu cũng chả nghĩ ra cái gì cả. Nhưng bỗng hình như y đã có một quyết định gì, rồi cũng chẳng biết là vô tình hay hữu ý, y lại nhẹ bước lần đến chùa Tĩnh tu.
Sau bức tường có trổ hai cánh cửa sơn đen, cảnh chùa vẫn vắng lặng như mùa xuân độ nọ. AQ ngẫm nghĩ một chốc, rồi bước tới gõ cửa. Một con chó sủa từ trong chùa sủa ra. AQ vội vàng nhặt lấy mảnh gạch vỡ bước tới gõ mạnh vào cánh cửa. Gõ mãi đến lúc cánh cửa đầy những vết gạch đó mới nghe có tiếng người ra mở.
AQ vội nắm chặt lấy mấy mảnh gạch trong tay, đứng theo thế mã bộ, sẵn sàng cầm cự với con Mực. Nhưng cửa chùa chỉ hé ra một tí, con Mực cũng chẳng thấy xông ta. Nhìn vào, chỉ thấy sư bà hôm nọ.
- Bác lại tới đây làm gì nữa kia?
Sư bà hỏi, giọng hớt hơ hớt hải.
- Cách mạng rồi! Bà biết không?
AQ trả lời vu vơ.
- Cách mạng, cách mạng ! Đã cách một lần rồi! Các bác còn muốn cách chúng tôi đến như thế nào nữa kia!
Hai con mắt sư bà đỏ bừng hẳn lên.
- Thế nào?
AQ rất lấy làm ngạc nhiên hỏi.
- Bác không biết hay sao? Chúng nó đã đến đây"cách" hết rồi! Nhà bác không biết đó thôi.
AQ càng lấy làm ngạc nhiên.
- Ai kia ?
- Lão Tú với lão Tây giả ấy mà! ...
Thật là một điều bất ngờ cho AQ, làm cho y hết sức ngơ ngác. Sư bà thấy y mất hẳn nhuệ khí, tức thì đóng cửa lại. AQ lại đẩy cửa nhưng không tài nào xô cho ra được nữa. Y gọi một thôi nữa, chả một ai trả lời.
Đó là chuyện xảy ra buổi sáng. Cậu Tú bắt tin rất nhạy, vừa biết được rằng bọn Cách mạng đã vào huyện đêm hôm trước, cậu liền đem đuôi sam quấn vòng quanh trên đầu, vừa sáng thì tức tốc qua họ Tiền thăm lão Tây giả, là người xưa nay cậu chả ưa tí nào, nhưng ngày nay trong vận hội mới, trong thời kỳ "cùng nhau mưu cuộc duy tân" này, hai ông trò chuyện bỗng dưng thành ra thân mật, rất tâm đầu ý hợp như hai đồng chí. Hai ông hẹn hò cùng nhau đi làm cách mạng. Hai nhà cách mạng bàn bạc hồi lâu mới sực nhớ ra rằng: trong chùa Tĩnh tu còn có một cái bài vị thờ vua với mấy chữ "Hoàng đế vạn tuế, vạn vạn tuế ..." phải "cách" ngay mới được. Thế là hai ông cùng nhau tới chùa Tĩnh tu làm một cuộc cách mạng. Sư bà ra cản trở, nói mấy câu; hai ông cho là sư bà ủng hộ chính phủ Mãn Thanh, nhè vào đầu bà ta bổ ba-toong xuống. Cô tiểu thì mãi lúc hai ông đi đã xa mới hoàn hồn. Kiểm điểm đồ nhà chùa lại, thì thấy cái bài vị cố nhiên bị đập nát ra giữa chùa mà cái lư hương Tuyên Đức xưa nay vẫn để thờ trước tượng Đức Quan Âm đã biến đâu mất rồi!
Câu chuyện trên đây mãi về sau AQ mới biết. Y lấy làm hối hận vì ngủ quá giấc mà lỡ dịp, nhưng cũng giận tụi chúng nó không tới gọi y cùng đi. Y nghĩ lại: "Lẽ nào chúng nó lại chưa biết là mình đã đầu hàng cách mạng rồi hay sao?"
Phần 7
KHÔNG CHO LÀM CÁCH MẠNG
Tình hình làng Mùi dần dần êm đềm trở lại. Theo những tin đồn gần đây người ta biết rằng: tiếng là bọn cách mạng đã vào huyện nhưng cũng chẳng có gì thay đổi khác trước. Quan huyện vẫn là quan huyện cũ, chẳng qua bây giờ gọi là quan gì gì ấy, mà cụ Cử cũng làm quan gì gì ấy! ... Những chức tước mới, ở làng Mùi chả ai hiểu gì hết. Còn ông lãnh binh thì cũng vẫn là ông lãnh binh ngày trước. Duy có một điều đáng sợ là trong đó có mấy người cách mạng không tốt xen vào làm rối loạn cả lên. Ngay ngày hôm sau, chúng nó đã đi cắt đuôi sam của người ta rồi. Nghe đâu bác Bảy Cân làm nghề chèo thuyền trên làng trên đã bị chúng cạo trọc, thành thử trông không thành hình người nữa! Tuy nhiên, việc đó cũng chưa đáng sợ, bởi vì dân làng Mùi chẳng mấy khi lên huyện, mà dẫu có việc lên huyện thì họ cũng không lên nữa, khỏi nguy hiểm. Chính AQ lâu nay vẫn có ý định lên huyện thăm người quen, sau lúc được tin này, cũng thôi.
Nhưng ở làng Mùi thì không thể nói không có chút gì thay đổi. Mấy hôm sau, dần dần có người đem đuôi sam quấn vòng quanh lên đỉnh đầu ngày một thêm nhiều. Như trên kia đã nói, người đầu tiên thi hành việc này cố nhiên là cậu Tú Triệu. Kế theo là hai chú Triệu Bạch Nhẫn và Triệu Tư Thần. Sau đến là AQ. Giá về mùa hè mà đem đuôi sam quấn ngược lên đỉnh đầu buộc kết lại thành búi tó đằng sau thì cũng không có gì là lạ. Nhưng bây giờ, mới đầu thu, cho nên cái chính sách "thu hành hạ lệnh" (đem lệ mùa hè ứng dụng vào mùa thu) của mấy "nhà quấn đuôi sam" cũng phải kể là một cao kiến, và như thế, đối với làng Mùi, không thể nói đó không phải là một cuộc cải cách.
Bác Triệu Tư Thần, gáy trống thông lổng, bỗng ở đầu đằng kia chạy tới. Những người trông thấy đều la to lên:
- Ồ! Ông cách mạng đã tới kia kìa!
AQ nghe, tỏ ra rất phục. Y đã biết chuyện cậu Tú quấn đuôi sam lên, nhưng không hề nghĩ rằng những người như y cũng có thể quấn đuôi sam lên được như thế. Bây giờ thấy Triệu Tư Thần làm như vậy, y mới nghĩ đến việc bắt chước và quyết chí thi hành. Y lấy một chiếc đũa, đem đuôi sam dốc ngược lên đỉnh đầu, ngần ngại hồi lâu ... rồi mới mạnh dạn bước chân đi ra.
AQ đi qua trên con đường làng, người ta nhìn thấy, nhưng cũng chẳng ai nói gì. Lúc đầu AQ buồn bực, sau y phát cáu. Gần đây, y bỗng trở thành gắt tính. Kỳ thực, không phải đời sống hàng ngày của y lâu nay có khó khăn gì hơn ngày chưa đi "làm giặc". Người ta đối với y cũng lễ độ. Lão chủ quán cũng không đòi tiền mặt ngay nữa. Nhưng y vẫn thấy bực bội trong lòng. Đã "cách cái mạng" đi rồi, thì không thể chỉ có như thế này. Nhất là có lần gặp thằng cu D. y lại càng tức lộn ruột.
Thì cả thằng cu D. nó cũng đem đuôi sam quấn ngược lên! Hơn nữa, nó cũng nghiễm nhiên dùng một đoạn đũa giống như y. AQ không thể nghĩ rằng thằng cu D. cũng làm như y được. Y quyết không cho phép thằng cu D. lăng loàn như vậy. Thằng cu D. là cái thá gì! Y đã định tóm ngay lấy thằng oắt con, bẻ cho gẫy nát chiếc đũa tre trên đầu nó đi, xả ngay cái đuôi sam xuống, rồi tát vào mặt nó mấy tát tai để trị cái tội không biết thân phận mà dám táo gan làm cách mạng. Nhưng cuối cùng, AQ cũng tha cho nó đi, chỉ lườm nó bằng một cặp mắt dữ tợn, rồi nhổ một bãi nước bọt đánh "tách" lên một tiếng mà thôi!
Trong mấy ngày ấy, chỉ có lão Tây giả là người hay lên huyện. Cậu Tú Triệu tuy vẫn có ý nhân câu chuyện gửi hòm hôm trước đi bái yết cụ Cử một phen, nhưng chỉ vì dọc đường còn có cái nguy "chặt đuôi sam", nên cậu đành rốn lại. Cậu viết một bức thư theo thể cách "lọng vàng" gửi ngay lão Tây giả mang lên huyện và giới thiệu cho cậu được vào đảng "Tchư díu" (Tự do). Lên huyện về, lão Tây giả đòi ngay bốn đồng bạc và đưa cho cậu Tú một cái huy hiệu bằng bạc, hình quả đào, để đeo vào áo dài. Làng Mùi trông thấy, càng lấy làm kính phục. Họ bảo nhau: Đấy là huy hiệu đảng "Tsư díu" (Thị du) (Chú thích người dịch: Tiếng quan thoại, chữ tự do đảng cũng như thị du đảng, đọc na ná giống nhau. Vì vậy mà dân làng Mùi vẫn tưởng rằng đảng Tự do cũng là một bọn buôn dầu hạt thị) đấy. Đeo huy hiệu ấy vào thì được ngang hàng với hàm Hàn lâm. Từ hôm ấy, cụ Triệu lại oai vệ hơn cả lúc cậu con vừa đỗ tú tài nữa kia! Cho nên bây giờ cụ thật là "mục hạ vô nhân", gặp AQ cụ cũng chẳng thèm để ý đến nữa.
AQ đang bất bình nhiều nỗi và thường cảm thấy hiu quạnh ... Nghe câu chuyện huy hiệu bằng bạc này, y mới vỡ lẽ ra vì sao y lại hiu quạnh như thế. Thì ra, làm cách mạng mà chỉ tuyên bố rằng mình "đầu hàng" chưa đủ, quấn đuôi sam lên cũng chưa đủ. Trước hết vẫn phải làm quen với bọn cách mạng đã. Sinh bình AQ chỉ biết có hai người trong bọn đó. Một người ở trên huyện thì độ nọ đã bị chém đầu đánh s... sật rồi! Bây giờ chỉ còn lão Tây giả nữa thôi. Ngoài việc thương lượng với lão Tây giả ra, AQ không còn có con đường nào khác nữa.
Cổng nhà họ Tiền vừa mở thì AQ đã rón rén bước vào. Vừa vào thì y đã hết hồn hết vía, vì y thấy lão Tây giả đang đứng giữa sân, mình bận bộ áo đen, tuồng như là âu phục, trước ngực cũng có một tấm huy hiệu bằng bạc, hình quả đào, tay cầm cái ba-toong mà độ nọ y đã được biết mùi. Cái đuôi sam của lão đã dài được non một thước đã xõa xuống vai y như cụ Lưu Hải Tiên. Trước mặt lão, Triệu Bạch Nhẫn và ba người vô công rồi nghề khác đứng nghiêm, kính cẩn nghe lão nói.
AQ khe khẽ đi tới, nép sau lưng Triệu Bạch Nhẫn trong bụng muốn chào một tiếng, nhưng chẳng biết xưng hô thế nào cho tiện. Gọi là "Tây giả" thì quyết không được rồi, gọi là "Tây - cũng không xuôi, mà gọi là ông "cách mạng" cũng chẳng gọn. Hay là gọi là "ông Tây" vậy?
Nhưng "ông Tây" vẫn không nhìn thấy y, vì ông ta còn đang trợn trắng mắt lên giảng giải rất hăng:
- Chả là tôi thì tôi nóng tính. Cho nên vừa gặp nhau là tôi nói ngay: "Anh Hồng! Ta làm ngay đi thôi! Nhưng anh Hồng lại nói: "No". "No" là tiếng Ăng-lê, các bác chẳng hiểu đâu. Nếu không thì đã thành công rồi! Tuy vậy, xem đó ta cũng đủ biết anh Hồng làm việc cẩn thận như thế nào! ... Anh ấy mấy lần có mời tôi lên Hồ Bắc cho được. Tôi không chịu đi. Đi thì ai muốn đến làm việc trong một huyện nhỏ bé thế này cho!
- Ủa! ... này ! ... này!
AQ đánh bạo thốt ra được mấy tiếng lúc lão Tây giả vừa ngừng lại. Nhưng không hiểu vì sao y lại không gọi là "ông Tây".
Bốn người đang đứng nghe, đều giật mình ngoảnh lại nhìn. "Ông Tây" cũng vừa trông thấy AQ.
- Cái gì?
- Tôi ...
- Ra ngay!
- Tôi định đầu hàng ...
"Ông Tây" giơ cái gậy "đại tang lên:
- Cút lập tức!
Cả Triệu Bạch Nhẫn và mấy lão kia cũng mắng om sòm:
- Ông bảo mày cút đi, mày không nghe hay sao?
AQ đem hai bàn tay lên che đầu rồi không kịp suy nghĩ, chuồn thẳng. May mà "ông Tây" không đuổi theo. AQ chạy rất nhanh khoảng độ năm sáu mươi bước, mới đi chầm chậm lại. Lúc bấy giờ lòng AQ bỗng lại âu sầu. Muốn làm cách mạng nhưng "ông Tây giả" không cho làm. Y không còn có cách nào khác nữa. Từ nay còn mong gì có người mũ bạch, áo giáp bạch đến gọi! Bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu chí hướng và tiền đồ, thế là đi đời nhà ma! Ấy là chưa kể y sẽ chịu bao nhiêu nỗi nhục nhã khi bọn hiếu sự sẽ đem câu chuyện này đồn đại lên để cho tụi Vương Râu, cu D. có dịp cười cợt!
Tuồng như xưa nay AQ chưa hề bao giờ chán chường như hôm nay. Cho đến cả cái đuôi sam quấn vòng quanh trên đầu, hôm nay y cũng cho là vô vị, đáng khinh bỉ hết sức! Y muốn đem mà buông xuống cho bõ ghét, nhưng rồi cũng thôi, không buông xuống. Y đi rong mãi đến khuya, uống chịu hai bát rượu. Thế rồi tinh thần lại phấn khởi hẳn lên, và y lại mơ tưởng đến những chiếc mũ bạch, áo giáp bạch...
Một hôm, AQ theo lệ thường đi rong mãi đến khuya, lúc các quán rượu sắp đóng cửa, mới trở về đền Thổ Cốc.
Đúng! đúng!
Bỗng có mấy tiếng ầm rất lạ tai, giống tiếng pháo mà không ra tiếng pháo! Vốn tính thích ồn ào và thích xem nhảm, AQ mò ra xem. Đằng trước mặt như có tiếng chân người bước tới. Y lắng tai nghe. Bỗng có người chạy từ đằng kia chạy lại. Chợt trông thấy, AQ cũng theo bóng người ấy chạy nốt. Người ấy chạy quanh, y cũng quành theo. Người ấy đứng dừng lại, y cũng đứng dừng lại. Nhìn lại phía sau chẳng có gì. Té ra bóng người chạy đó chỉ là cu D. Y phát bẳn:
- Cái gì thế?
- Hừ ... nhà cụ Trí ... Triệu mất cướp!
Cu D. vừa trả lời vừa thở hồng hộc.
Quả tim AQ cũng thoi thóp, dồn ngược. Nói xong, cu D. lại chạy. AQ cũng chạy theo, và còn đứng dừng lại mấy lần nữa. Dù sao thì AQ cũng đã làm qua nghề ấy, cho nên y gan dạ lắm. Y nép vào một góc đường nghe ngóng, tựa hồ như có tiếng kêu gào, và nhìn kỹ thì tựa hồ như có vô số người đội mũ bạch, mặc áo giáp bạch, tấp nập khiêng những rương hòm, đồ đạc, chuyển từ trong nhà chuyển ra. Cái giường Hồng-kông của mợ Tú hình như cũng chuyển ra đấy rồi! Nhưng không thấy rõ cho lắm. AQ còn muốn lại gần, nhưng chân vẫn không nhúc nhích.
Đêm ấy không có trăng. Trong bóng tối dày đặc, cảnh làng Mùi vẫn lặng lẽ, lặng lẽ như những ngày thịnh trị đời Hy Hoàng. AQ đứng nhìn, nhìn đến phát chán mà vẫn thấy chúng nó ra ra vào vào, khiêng hoài, khiêng mãi. Hết khiêng rương lại khiêng đồ vật, hết khiêng đồ vật lại khiêng cái giường Hồng-kông của mợ Tú ... Chúng nó khiêng đến nỗi làm cho AQ không tin cả con mắt y nữa. Nhưng y không định lại gần, y trở về đền Thổ Cốc.
Đền Thổ Cốc cũng tối đen như mực. Y khép chặt cửa ngoài, đi lò mò vào nhà, ngả người xuống giường một hồi rất lâu. Lúc đó tâm thần y mới ổn định và y mới bắt đầu suy nghĩ về y. Rõ ràng bọn đội mũ bạch, áo giáp bạch đến rồi, thế mà chúng nó không thèm gọi mình một tiếng! Chúng nó khiêng bấy nhiêu đồ tốt thế mà cũng chả có phần mình. Thôi! Đây lại chỉ là tại cái thằng Tây giả khả ố kia, nó không cho mình "làm giặc"! Nếu không, lẽ nào lần này lại không có phần mình? AQ càng nghĩ càng tức điên ruột lên. Y sẽ gật đầu nói một cách độc địa:
- Không cho tớ làm giặc à! Chỉ có một mình mày làm giặc thôi à! Mẹ cái thằng Tây giả này! Được! Mày làm giặc! ... Làm giặc là tội chết chém. Tớ sẽ viết ngay một lá đơn phát giác để người ta bắt cổ mày, đem về huyện chặt đầu, tru di cả nhà cho mà xem ... S ... Sật! ... S ...Sật!
Phần 8
ĐẠI ĐOÀN VIÊN
Sau lúc nhà họ Triệu mất cướp thì phần đông dân làng Mùi vừa thích chí vừa sợ hãi. AQ cũng vậy, y vừa thích chí vừa sợ hãi.
Nhưng bốn hôm sau, giữa lúc đêm khuya, y bỗng bị bắt lên huyện. Giời tối đen. Một toán lính, một đội tuần đinh, một đội cảnh sát, năm tên mật thám, lẳng lặng đi về làng Mùi, thừa lúc đêm tối mò mò, vây kín lấy đền Thổ Cốc, lắp ngay mấy khẩu súng liên thanh chĩa mũi vào trong đền. Nhưng AQ không hề xông ra. Một hồi khá lâu, trong đền vẫn im phăng phắc, tuyệt không động tĩnh gì cả. Viên lãnh binh sốt ruột, phải treo hai vạn quan tiền thưởng, mới có hai chú tuần đinh mạo hiểm trèo tường vào. Thế rồi, trong ngoài hưởng ứng cùng nhau, toán quân thốc vào một loạt, tóm ngay được AQ. Mãi đến lúc bị lôi ra ngoài cửa, đứng bên khẩu súng liên thanh, AQ mới hơi tỉnh giấc ... Về huyện, trời vừa đúng trưa. Người ta dắt y tới một nha môn đã nát, rồi bẻ quanh năm sáu góc đường nữa, người ta đẩy y vào gian nhà nhỏ. Y đương bước thấp bước cao đi vào thì cái cánh cửa làm bằng những súc gỗ nguyên phiến đã đóng sập ngay lại sau gót chân y. Ba mặt khác đều là những bức tường vôi. Nhìn kỹ vào trong góc phòng, y thấy hai người khác đã ở đấy từ trước.
AQ bụng hồi hộp nhưng không lấy làm khổ sở. Số là gian phòng này so với cái buồng ngủ của y ở đền Thổ Cốc kể còn cao ráo, sáng sủa hơn nhiều. Hai lão kia xem chừng cũng đều là nhà quê cả. Y dần dà trò chuyện hỏi thăm. Một lão nói:
- Tớ bị bắt là vì ông nội tớ còn thiếu cụ Cử một món nợ cũ.
Còn lão kia thì chả biết vì sao mà bị bắt cả. Họ hỏi AQ ... nhanh nhẹn trả lời:
- Tớ à! Tớ định làm giặc!
Chiều hôm ấy, người ta lại dắt AQ đến một công đường to. Một lão già đầu trọc ngồi trên cao. AQ nghĩ bụng: lão già này chắc là một lão sư cụ hẳn ... Nhưng nhìn thấy một toán lính đứng sắp hàng ở dưới và mười mấy người nữa ở hai bên, đều bận áo dài, người thì đầu cũng trọc như lão già, người thì đuôi sam dài có một thước xõa xuống như lão Tây giả, người nào người nấy, mắt bự cả thịt, hằm hằm nhìn AQ. AQ biết ngay rằng: lão trọc này chẳng phải là tay vừa. Thế là mấy khớp đầu gối của y tự nhiên như rã hẳn ra, và y quỳ sụp xuống. Bọn áo dài nạt nộ om sòm:
- Đứng mà nói! Không phải quỳ!
AQ xem chừng cũng hiểu họ nói gì, nhưng không tài nào đứng dậy được. Cái thần xác mà hiện giờ phút này y không tự chủ được nữa chỉ cứ ngã sụp xuống. Thế là y đành cứ thế mà quỳ.
- Quen cái thói nô lệ!
Bọn áo dài mắng, giọng khinh bỉ, nhưng rồi cũng không bảo y đứng dậy nữa.
Lão già đầu trọc nhìn thẳng vào mặt AQ, nói rất thong thả, rõ ràng:
- Cứ thú thực đi là hơn, khỏi phải tra khảo thêm khổ. Ta biết hết rồi! Thú đi rồi tha cho ...
Bọn áo dài cũng quát to lên:
- Khai đi!
AQ nghĩ ngợi, ấp úng khá lâu, rồi trả lời tiếng được tiếng mất:
- Con vẫn có ý đi đầu ...
Lão già hỏi, giọng rất là hòa nhã:
- Vậy thì sao không đến?
- Thưa lão Tây giả nó không cho ...
- Nói bậy! Bây giờ mới nói thì chậm quá rồi! Hiện nay bọn đồng đảng với mày ở đâu?
- Cái gì kia ạ?
- Bọn ăn cướp nhà họ Triệu hôm trước ấy mà?
- Nào chúng nó có lại gọi con đâu? Chúng nó tự mình chúng nó chuyển đi.
Nhắc lại chuyện đó, AQ còn ra vẻ căm tức.
- Chúng nó đi về đâu? Khai rồi ta tha cho ...
Giọng lão trọc nói rất là ngọt ngào.
- Bẩm, con không biết. Nào chúng nó có gọi con đâu!
Rồi thấy lão trọc nháy một cái. Thế là AQ lại bị dẫn về trại giam. Đến sáng hôm sau, y mới bị lôi ra lần nữa.
Quang cảnh công đường vẫn như ngày hôm qua. Ngồi trên vẫn cái lão trọc đầu hôm qua. AQ vẫn quỳ sệp xuống đất. Lão trọc đầu ngọt ngào hỏi:
- Còn muốn nói thêm gì nữa không?
AQ nghĩ chẳng biết nói gì, sẽ trả lời:
- Không ạ.
Rồi một lão áo dài đưa một tờ giấy và một quản bút đến trước AQ nhét vào tay AQ lúc đó cơ hồ "hồn rơi phách rụng". Số là lần này là lần đầu tiên bàn tay của y mới có liên quan đến một cái quản bút. Y còn chưa biết cầm thế nào thì người đó đã chỉ cho y một chỗ trên tờ giấy, bảo ký vào đấy. Y tay nắm chặt lấy quản bút, miệng lẩm bẩm thưa, vừa sợ hãi, vừa xấu hổ:
- Con ... Con ... không biết chữ ạ!
- Thế thì để cho tiện, vẽ vào đấy một cái vòng tròn vậy!
AQ định vẽ một cái vòng tròn, khốn một nỗi là tay cầm bút cứ run đây đẩy. Người kia phải đem tờ giấy giải rộng lên trên mặt đất hộ y. Y bèn nằm bò xuống, rán hết sức bình sinh, vẽ một cái vòng. Sợ người ta cười, y quyết vẽ cho tròn. Nhưng cái bút đáng ghét kia không những nặng quá thể mà lại không chịu cho y điều khiển. Cứ từng khúc, từng khúc một, y đấu các nét vẽ lại, nhưng hễ cái vòng sắp khít thì cái bút lại chệch ra ngoài. Thành thử chỉ vẽ được một cái hình xiên xẹo, méo mó in như là hạt dưa.
AQ còn thẹn về chỗ mình vẽ không được tròn, nhưng người kia không để ý đến, đã giằng lấy bút, giấy rồi. Thế rồi một tụi lại đem y trở về trại giam như cũ.
Về đến trại giam lần thứ hai này, AQ cũng không ra vẻ buồn bã cho lắm. Y nghĩ rằng: "Người ta sinh ra ở trong trời đất thì tất cũng phải có lúc bị dắt vào dắt ra trong ngoài một cái trại giam, có lúc cũng phải nắm lấy quản bút mà vẽ một cái vòng tròn. Chỉ có vẽ không được tròn thì mới thật là cái vết nhơ nhuốc trong đời mình mà thôi". Nhưng chẳng mấy chốc y đã quên ngay và tâm hồn y đã thảnh thơi hẳn. Y nghĩ bụng: "Con cháu tớ ngày sau hẳn là vẽ được tròn trĩnh hơn tớ bây giờ!", rồi ngủ thẳng.
Nhưng đêm ấy, có một người không ngủ được. ấy là cụ Cử. Cụ rất bất bình với ông lãnh. Cụ thì chủ trương rằng: cần nhất là phải hỏi cho ra tang vật, mà ông lãnh thì bảo: phải ra oai cho chúng nó sợ. Gần đây, ông lãnh đã khinh cụ ra mặt. Ông ta đập bàn đập ghế nói:
- Phải giết một thằng cho trăm nghìn thằng khác sợ chứ! Ông xem, tôi ra làm cách mạng chưa được hai mươi ngày trời mà đã xảy ra mười mấy vụ ăn cướp, thế mà không vụ nào truy ra cả, còn gì là thể diện của tôi! Bây giờ truy ra được rồi, ông lại nói ngang. Không được! Việc này là phần việc của tôi ...
Cụ Cử bí, chả biết trả lời thế nào ... Nhưng cụ vẫn giữ ý kiến của cụ và nói rằng: nếu không tìm cho ra tang vật thì cụ sẽ lập tức từ chức bang biện. Ông lãnh trả lời:
- Cái ấy tùy ý ông.
Vì vậy, tối hôm ấy cụ Cử không ngủ được một tí nào. Cũng may hôm sau, cụ không hề từ chức.
Lần thứ ba, người ta dắt AQ ra ngoài trại giam, tức là ngay sau cái đêm cụ Cử không nhắm mắt từ đầu hôm suốt sáng. AQ ra đến công đường vẫn thấy cái lão trọc chiếu lệ ngồi đấy. AQ cũng chiếu lệ quỳ sụp xuống.
Lão trọc lại cứ ngọt ngào hỏi:
- Thế còn muốn nói gì nữa không?
AQ nghĩ một hồi, chả biết nói gì cả, trả lời:
- Bẩm không ạ!
Bọn áo dài, áo ngắn liền khoác cho y một cái áo vải tây trắng trên có mấy chữ mực đen. AQ lấy làm buồn khổ vô cùng là vì cái áo đó hơi giống áo đại tang; ăn bận như thế sợ có "xúi quẩy" chăng? Nhưng ngay lúc ấy, người ta đã bắt y trói cánh khỉ lại và lôi ra khỏi nha môn rồi.
AQ bị người ta đẩy lên một chiếc xe không mui, ngồi chung với mấy chú áo cộc. Tức thì xe mở máy. Một toán lính và mấy chú tuần đinh vác súng đi trước, hai bên đường rất nhiều người hếch mỏ đứng xem. AQ không biết phía sau có những gì. Bỗng y chợt nghĩ rằng: hay là chúng nó đưa mình đi chặt đầu! Hoảng quá! Hai mắt y quáng hẳn lên, rồi hai tai cứ nghe vù vù. Y dường như ngất đi. Nhưng y cũng chưa ngất hẳn, có lúc lo sợ, có lúc thản nhiên. Y cảm thấy rằng: người ta sinh ra trong trời đất, trước sau cũng có thể có một lần bị chặt đầu!
Nhưng AQ còn nhận ra đường lối, và hơi lấy làm lạ sao lại không đi thẳng tới trường chém? Nào y có biết đâu rằng bây giờ người ta còn đem y bêu phố để cho mọi người trông thấy đã. Nhưng dù có biết thế chăng nữa thì y cũng chỉ nghĩ rằng: người ta sinh ra trong trời đất, trước sau cũng có một lần phải bêu phố để cho mọi người trông thấy như vậy!
AQ bây giờ đã vỡ lẽ ra rồi! Đây là con đường quanh ra trường chém rồi! Y thẫn thờ nhìn ra hai bên đường. Hai bên đường, người xem như kiến. Tình cờ, trong đám đông, y bỗng thấy mặt vú Ngò. Đã lâu không gặp vú, thì ra vú đã lên huyện làm công. AQ bỗng thẹn thấy mình không có khí phách để hát lên vài câu. Bao nhiêu tư tưởng cuồn cuộn trong đầu óc y như một cơn lốc. Bài "Gái góa thăm mồ" hát lên cũng chẳng oai vệ gì; còn câu "Ăn năn đà quá muộn" trong tấn "Long hổ đấu" xem ra cũng yếu lắm. Thôi thì hát câu "Thủ chấp cương tiên tương nỉ đả" vậy! Rồi y dang tay lên. Lúc đó y mới nhớ ra rằng hai tay y đã bị trói chặt. Vì vậy mà y cũng chả hát câu "Thủ chấp cương tiên" nữa.
"Hai chục năm sau sẽ có ..." Giữa lúc ngổn ngang trăm mối, AQ bỗng phụt ra một câu xưa nay y chưa hề nói được bao giờ. Thật là không có thầy mà vẫn cứ có thể giỏi được.
- Hay lắm!
Một tiếng gào như tiếng sói gầm lên giữa đám người.
Chiếc xe cứ đi thẳng. Giữa bấy nhiêu tiếng khen ồn ào, AQ liếc mắt nhìn vú Ngò. Nhưng hình như vú không thấy AQ, chỉ đứng thất thần nhìn mấy khẩu súng trên vai bọn lính.
AQ lại nhìn vào đám người đang reo hò.
Trong giây phút này, tư tưởng AQ lại cuồn cuộn lên trong đầu óc y như một cơn lốc. Bốn năm về trước, y đã gặp phải một con sói đói cứ theo riết lấy y, định ăn thịt y. Lúc bấy giờ, y sợ tưởng chết ngất đi. May sao trong tay còn có một con dao rựa y mới liều mạng cầm cự về được đến làng Mùi. Đến nay, y còn nhớ mãi đôi mắt con sói vừa dữ tợn, vừa khiếp sợ, cứ lấp lánh lên y như hai ngọn lửa ma trơi, chỉ mới đằng xa trông mà đã nghe đau nhói cả da thịt. ấy thế mà trong giờ phút này, AQ lại gặp những cặp mắt ghê tởm hơn thế, ghê tởm như chưa bao giờ ghê tởm bằng, vừa lừ đừ, vừa sắc bén, gần mà như xa, theo riết y, không những nuốt chửng lời nói của y mà chực cấu xé thân hình y.
Rồi những cặp mắt đó lại hòa thành một khối cấu xé cả tâm hồn y nữa.
- Cứu tôi với, ối trời ơi!
Nhưng AQ không nói nên lời được. Mắt y đã tối sầm lại, tai nghe vù vù: y cảm thấy thân hình y tan ra thành từng hạt bụi.
*
**
Về ảnh hưởng lúc đó của sự việc trên đây thì rõ rệt nhất lại là ở nhà cụ Cử. Cả nhà cụ đều rên rỉ về sự quan tư không chịu tìm cho ra tang vật. Sau nữa là ở nhà Cụ Cố họ Triệu. Không những trong lúc lên huyện đi báo, cậu Tú đã bị bọn cách mạng không tốt nó cắt mất cái đuôi sam, mà nhà cụ lại còn phải nộp hai vạn quan tiền thưởng cho hai tên tuần đinh đã mạo hiểm trèo tường vào bắt AQ hôm trước. Thành ra cả nhà cụ càng rên rỉ tợn. Hai gia đình này từ đấy về sau đều có vẻ điêu tàn như các bậc "di lão".
Còn như về dư luận, thì cả làng Mùi đều nhất trí công nhận rằng: AQ không phải là người lương thiện, chứng cớ là y đã bị bắn. Vì rằng: nếu là người lương thiện thì sao lại bị bắn kia chú! Trên huyện thì dư luận không lấy gì làm hay lắm. Phần nhiều họ không thỏa mãn. Họ bảo: bắn người trông không vui mắt bằng chém. Mà cái tên tử tù kia trông buồn cười thế nào ấy. Đã bị đưa đi bêu phố một hồi như vậy mà cũng không hát lên được một câu, thành ra đi theo nó bao nhiêu đường đất, chỉ mất công toi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top