Chương 1: Different World [Vargas & Beilschmidt]
"This is not the world we had in mind
But we got time
We are stuck on answers we can't find
But we got time..."
-Alan Walker-
-----------------------------------
Một cái hang. Gã biết đây là một cái hang. Gã còn biết chính xác mình đang ở đâu. Đã tám thập niên đằng đẵng qua đi, một mảnh hồn của gã cứ thế quanh quẩn trong u ám, lạnh lẽo và tuyệt vọng. Có lẽ đến ngày tất cả sự sống trên thế gian tàn lụi, gã vẫn không thể chạy trốn bóng tối và tội lỗi đang bủa vây, trì níu và tách biệt gã với nửa đời trước.
Trong không gian đặc sệt bóng tối, sực nức mùi bùn đất trộn lẫn mùi tử thi đang phân hủy, gã thấy bản thân vật vờ di chuyển, mình mẩy bê bết giỏi bọ cùng thứ chất nhầy tanh tưởi và bốc mùi y hệt bãi lầy nhớp nhúa ngập lên tận bắp chân. Cơn ác mộng ở gần đến mức gã có thể cảm nhận bằng năm giác quan nhưng chịu đựng là cách duy nhất gã đối mặt với nó. Tại sao gã không thể tóm lấy mà nghiền nát trong lòng bàn tay, phá vỡ vòng lặp oan nghiệt kia? Vì lẽ nào mọi nỗ lực đều đưa gã về thời điểm bắt đầu? Câu trả lời có lẽ nằm ở tận cùng của vĩnh hằng, thế nên dù trải qua một kiếp người kể từ cái ngày định mệnh đó, gã vẫn thấy nó thật xa xăm.
Tràng hỏa lực liên hoàn xuất phát từ nơi nào đó vang vọng, va đập vào các vách đá ram ráp trước khi bổ nhào đến, dồn gã vào thế bức bách tuyệt vọng. Trống ngực cộng hưởng cùng tiếng bước chân dồn dập khiến đầu óc gã muốn vỡ tung vì nỗi lo lắng và sợ hãi căng phồng.
Chúng đến rồi. Những thực thể đen tối, phân thân của cơn ác mộng trường niên nhanh chóng bao vây Feliciano.
Gã thảm thiết cầu xin, kêu gào bằng tiếng Ý, rồi thì tiếng Đức. Nhưng họ không dừng lại. Những cái bóng giằng lấy gã khỏi tự do, đè bẹp sự phản kháng sống còn và chỉ để lại chuỗi âm thanh thống thiết tuyệt vọng.
Nòng súng của ai đó gầm lên lần nữa. Feliciano gục ngã, thoi thóp. Không chút đau đớn, gã chỉ thấy cơ thể nhẹ hẫng, phân rã dần dần thành từng mảnh tro xám xịt bay lơ lửng tan biến vào thinh không. Xung có chuỗi âm thanh sầu não ai oán vang lên:
-Đồ phản bội.
-Tại sao thế?
-Mi là quốc mẫu của chúng ta cơ mà?
Feliciano muốn nói gì đó nhưng chỉ có tàn tro từ miệng thoát ra ngoài. Phản bội. Gã là kẻ phản bội, vì tư tình mà đàn áp người dân, vắt máu chính đồng bào mình. Gã đáng bị treo xác cùng Mussolini và bộ sậu của lão. Hướng về họ chỉ có cơn cuồng nộ, cơn mưa đá cuội, kẹo đồng và những nhát búa vô tình trút xuống. Sẽ không ai, không một ai đưa tiễn gã bằng biệt khúc "Bella Ciao" (1).
---------------------------------------------------------
Khi Feliciano Vargas mở mắt lần nữa, một bầu trời khác chan hòa ánh nắng hiện ra, một màu xanh trong vắt bị kẹp giữa hai bức tường đỏ vừa được sơn mới.
Vậy là gã đã trở về sau một buổi giao du cùng cơn ác mộng đang làm tổ trong đầu. Hít thở một hơi, mùi nước sơn đánh bật gã khỏi cơn mơ màng, gã biết chuyện gì đã tái diễn trong mơ nhưng thực tại trước mắt gã xa lạ hơn cả giấc mơ kia. Feliciano vẫn nhớ rõ ánh mắt và bàn tay dịu dàng của Greece, nhớ cả cái ôm vỗ về và vùng trời bình yên trên lồng ngực của Heracles. Sự dễ chịu hiếm hoi khi ở cạnh một người khác khiến gã thiếp đi sau hai ba đêm trắng liền kề. Nhưng giờ đây gã lại phát hiện mình ở một nơi xa lạ. Nghĩ tới đây Feliciano lại thấy niềm tin vào bản thân tuột dốc thê thảm. Phải chăng gã lên cơn khó ở và bị tống cổ khỏi tư dinh của anh ta? Nếu cớ sự xảy ra thì tin chắc phần lỗi nghiêng về Feliciano, gã không nên làm phiền Heracles vì bệnh của mình.
Feliciano đứng dậy, tìm chiếc điện thoại trong túi quần và rồi thất vọng khi màn hình chẳng hiện một vạch sóng, trong ví gã chỉ còn một tờ £5, căn cước công dân và hai thẻ tín dụng. Ý tưởng đầu tiên bật lên trong đầu gã là lập tức trở về căn biệt thự bên bờ sông Tiber, sau đấy liên lạc với Greece và hỏi cho tỏ tường chuyện xảy ra. Nhét hết mọi thứ vào túi áo khoác, Feliciano lững thững bước ra phố và đảo mắt nhìn chung quanh, hi vọng mọi việc diễn biến suôn sẻ như mình hình dung, thế nhưng, cảnh vật thu vào mắt đã thiêu rụi toàn bộ suy nghĩ tích cực.
Feliciano không khỏi hoang mang khi thấy nổi bật lên giữa mặt tiền khu nhà ở là vài bức tường với khung gỗ nổi tối màu, các thanh dọc thanh ngang sắp xếp khéo léo tạo thành hình khốI bắt mắt như một bức tranh lập thể. Thực lòng, ngắm các tạo vật dát lên mình chất hoài cổ luôn mang lại cảm giác trầm tĩnh và êm dịu nhưng Feliciano cũng nhớ rằng kiến trúc nhà truyền thống với khung gỗ chưa bao giờ được biết đến như nét đặc trưng của Hi Lạp, thay vào đó chúng dễ khiến người ta liên tưởng đến các nước Tây Âu.
Đi dọc theo con đường lát đá trong sự ngỡ ngàng, gã thấy xuất hiện lác đác bảng hiệu đề tên tiếng Đức và vài nhóm người vui vẻ chuyện trò bằng thứ ngôn ngữ mà đầu óc gã muốn từ chối tiếp nhận.
Feliciano vò mái đầu mướt mồ hôi, cố gắng tìm trong lịch trình công du của mình kế hoạch viếng thăm Germany và đám anh em nhà hắn. Tuy nhiên, vẫn xảy ra khả năng gã lạc trôi đến vùng nói tiếng Đức ở Bỉ, Hà Lan, Pháp,... bằng một cách phi thường mà bản thân còn bất lực để lí giải. Dù ở đâu, trong lòng gã vẫn cháy âm ỉ một thứ linh cảm rằng mọi chuyện đã trở nên phức tạp hơn so với những gì gã hình dung.
Phải về nhà ngay thôi, Feliciano nghĩ. Chiếc điện thoại vẫn vô tín hiệu khi gã kiểm tra lần nữa, vậy nên gã đành lân la hỏi đường:
-Entschuldigen Sie! [Xin lỗi, thưa quý cô.]
Hai cô em tóc vàng xinh đẹp dừng lại và chăm chú nhìn gã trai ngoại quốc, mỉm cười cất tiếng:
-Vâng, ông anh cần gì?
Italy gợi ra vài thông tin suy đoán:
-Tôi đang ở tỉnh nào của Áo vậy?
Thứ gã thật sự mong cầu là câu trả lời, họ có cười phá lên vì một tên người Ý ngơ ngẩn không ý thức nổi bản thân ở đâu cũng chẳng sao.
Cô gái cao lớn đáp:
-Đây là thành phố Berlin của Đức.
-Vậy làm ơn cho tôi biết đường đến Đại sứ Quán Ý của Berlin được không? Tòa nhà nằm trên đường Hiroshima thì phải, khu vực đó tập trung rất nhiều Đại sứ Quán.
Cô thấp hơn đưa mắt nhìn người kia:
-Bồ biết đường chứ Gretel? Tớ chưa đến đó bao giờ.
-Nó nằm ngay đối diện công viên Tiergarten nơi bọn mình đi dã ngoại hồi tuần trước.
-Nói thế mới dễ hình dung với dân tỉnh lẻ như mình.
-Vụ này cứ để tớ lo.
Gretel đáp rồi quay sang Italy, hướng dẫn hết sức nhiệt tình:
-Đại Sứ quán Ý gần đây thôi. Tôi nghĩ anh nên đến ga Stettiner (2) bắt tàu, xuống trạm Stadtmitte, bắt xe buýt số 200 để vào đường Tiergarten. Đến đấy, hãy để ý mấy biển tên đường ở bên trái sẽ thấy Hiroshima.
-Tôi biết mình hơi phiền phức nhưng Stettiner ở hướng nào vậy?
-Cứ ra thẳng đường Invaliden theo hướng này, rẽ phải và cuốc bộ thêm mười phút là thấy tòa nhà Stettiner. Đến đó thì hỏi lối xuống ga ngầm và nghe người ta chỉ dẫn tận tình để khỏi mua nhầm vé tàu lửa.
-Tôi hiểu rồi. Xin cảm ơn ạ. Thật may mắn khi gặp các cô.
-Không có chi đâu. Đi thôi Rene, sắp vào học rồi.
Hai cô gái đã đi xa một đoạn, Feliciano thoáng nghe họ bàn luận về buổi diễu binh ở quãng trường Pariser. Phải chăng đó là lí do khiến gã xuất hiện tại Berlin? Nhưng Germany chỉ cho phép Italy được tự do đi lại trên lãnh thổ của hắn dưới sự giám sát của ít nhất hai nhân viên do Đại sứ quán Ý cắt cử và giờ bên cạnh gã lại chẳng có ai. Feliciano tự hỏi nếu Ludwig Beilschmidt biết mình đơn độc ở đây, hắn có nổi giận và cáo buộc gã tội gián điệp hay không. Ba phần nể, bảy phần chán ghét, lòng tin của hắn đối với Italy cũng giống như Russia đối với America vậy. Sự bất hòa giữa họ thậm chí đã hình thành trước khi hai gã khổng lồ bước vào thế cạnh tranh một mất một còn, nó ngấm ngầm và dai dẳng đến tận hôm nay. Cơn bệnh, thù hận và Beilschmidt, khốn nạn thay khi chúng cũng bất tử như Feliciano.
Khi biển báo Invalidenstraße vừa xuất hiện, tòa kiến trúc Stettiner liền xuất hiện xa xa với phần mái cong cong, đồ sộ và có sức quyến rũ với đám đông như một Gulliver mới đặt chân lên xứ sở Lilliput. Với tốc độ của một vận động viên đi bộ điền kinh, cặp mắt thì mải nhìn hai cột tháp nhô lên ở cổng chính, thế là trong một phút chểnh mảng, gã va quệt phải một người đi đường tội nghiệp. Sau một tràng á ối từ đôi bên, Feliciano thở phào khi nhận ra sự việc chưa đến nỗi nghiêm trọng. May thay, thứ tiếp đất là xấp báo trên tay chứ không phải thân mình già nua của ông cụ.
-Cháu xin lỗi. Là cháu bất cẩn ạ.
-Thôi không sao. Cậu nhặt nó giúp ta là được.
Feliciano vội vã thu gom và sắp xếp lại những trang báo đã xổ tung vì gió tốc. Chuyện tưởng chừng đã ổn thỏa nhưng khi gấp lại tờ báo, chọc ngay vào mắt gã là bức ảnh Adolf Hitler trong tư thế nghiêm chào cùng dòng tít vô cùng nổi bật "Heil dir im Siegerkranz" (3). Tất nhiên gã tỏ tường hàm ý của nó, chỉ vướng mắc việc người ta dạn dĩ phô bày Hitler và bài ca Đế quốc Đức lên trang nhất. Chẳng phải với Germany, vết nhơ quá khứ luôn là nỗi ám ảnh vượt trên hết thảy mọi ám ảnh hay sao?
-Đã xong chưa?
Ông ta có vẻ sốt ruột.
Trái lại, Feliciano muốn bằng được câu trả lời. Tỉ mỉ và tỉ mỉ, gã rà soát từng từ tiếng Đức, cố tìm cho ra một nghĩa hàm ẩn, một lối chơi chữ nào đó. Thế mà càng đọc, sự hoang mang đè nén nơi lồng ngực càng được thổi phồng.
"Kỷ niệm sáu năm Ngày Chiến Thắng
Ngày 7 tháng 9 năm 1944, Josef Stalin kí văn kiện đầu hàng sau khi quả bom nguyên tử cuối cùng công phá Moskau, theo đó kết thúc Đệ Nhị Thế chiến và công nhận sự thắng lợi của liên minh Đức - Ý - Nhật - Mỹ..."
Thật hoang đường! Nực cười hơn cả thế giới được kiến tạo bởi người chơi Heart of Iron IV! (4)
Một tay mơ về lịch sử cũng nắm được tình tiết cơ bản rằng Mỹ không kết bè với Phát Xít, Đức chưa kịp chế tạo thành công vũ khí hạt nhân và Stalin luôn xứng danh Người Đàn Ông Thép (5). Đệ Tam Đế chế và sinh mạng của Hitler đã cùng nhau tan thành tro bụi khi Hồng Quân tiến vào Berlin. Chiến thắng của Đồng Minh là sự thật không thể chối bỏ.
Người đàn ông chau mày và lên giọng, cắt ngang nỗi ưu tư của Feliciano:
-Này cậu ơi, báo của tôi!
-A quên mất. Cháu... xin lỗi. Thành thật xin lỗi.
Dúi xấp báo vào tay ông ta, Feliciano vội vã quay đi.
Phát xít Đức thắng à?
Không thể nào.
Không thể nào...
Quang cảnh trước mắt chao đảo khiến bước chân gã cũng theo đà lao đao. Trong cơn xây xẩm mặt mày, chưa đầy dăm bước, gã lại gây thêm một vụ va chạm. Nạn nhân lần này là một quý ông cao ráo mặc áo blouse, đủ khỏe mạnh để trụ vững và kịp thời níu áo Feliciano trước khi gã sấp mặt.
-Ôi, tôi xin lỗi!
Feliciano phản ứng một cách máy móc khi được đỡ dậy. Tinh thần của gã đã hao hụt xuống mức âm để chịu đựng thêm một cuộc đôi co, gã chỉ muốn ngay lập tức bốc hơi khỏi chốn quái quỷ này.
-Đi đứng cho cẩn thận chứ... Ơ kìa, ngài Vargas! Quả là vinh dự vì ngài đã thân hành đến chung vui cùng chúng tôi.
Một tay đập nhẹ lên bả vai Feliciano, tay còn lại đủng đỉnh trong túi áo, ông ta cười toe toét, phô bày cả hàm răng trắng đều tăm tắp, hai tròng mắt lấp lánh và rạng rỡ như sao đêm, ngay cả vết chân chim ở đuôi mắt chỉ họa thêm nét dày dặn và đáng mến trên gương mặt điển trai tầm cỡ minh tinh màn bạc. Nụ cười thân thiện khơi gợi nên cảm giác Déjà Vu khiến Feliciano vài ba phần tin rằng mình từng gặp qua người này. Vậy nên ông ta mới có thể nhận diện và xướng danh gã. Đó chính xác là điều mà Feliciano không mong chờ một khi còn đứng trên lãnh thổ của Germany.
-Ông nhầm rồi, tôi không phải Vargas!
-Vậy à?
-Vâng. Giờ tôi có việc gấp! Xin lỗi ạ!
Lạ thay, người đàn ông lại dễ dàng từ bỏ và để gã thoái lui.
Feliciano rảo bước ngay mà không dám đoái đầu. Chui vào nhà ga Stettiner, cơn lo âu làm ổ nơi lồng ngực gã tức thì tiêu biến đi đôi ba phần. Chút vững tâm vừa sống dậy đã cho Feliciano thêm dũng khí trì hoãn điều đáng lí phải thực hiện trước tiên. Thay vì đến thẳng quầy vé, gã lảng sang một kiosk sách báo và đốt cháy thời gian bằng việc quanh quẩn, săm soi căn quầy hình hộp, mục đích là tìm bằng được số báo khi nãy giữa hàng chục ấn phẩm được trưng bày, phủ kín hầu hết các mặt phẳng, trừ phần mái cong cong. Sự góp mặt của Adolf Hitler trên trang nhất và ấn tượng về tờ nhật san yêu thích của Ludwig Beilschmidt đã giúp gã điểm mặt nó dễ dàng hơn cả mong đợi. Phấn khích như đãi được vàng, Feliciano vơ vội tờ Völkischer Beobachter (6) và giữ nó trước lồng ngực, tay còn lại khua khoắng trong túi áo tìm tờ bạc duy nhất rồi hỏi:
-Cái này bao nhiêu ạ?
Ông lão trông coi quầy, một người nhỏ thó với dáng ngồi uể oải, gần như chìm hẳn vào bóng tối từ không gian bên trong nhìn gã với nửa con mắt và lãnh đạm trả lời:
-10 Reichspfennig.
-Sao ạ?
Feliciano chớp mắt ngạc nhiên.
-10 Reichspfennig!
-Reichspfennig gì cơ ạ?
-Ờ, thế thì 1 Reichsmark. (7)
Tuy phật lòng vì giọng điệu nhát gừng khó ưa kia, gã vẫn mềm mỏng đáp rằng:
-Ý ông là 1 Deutsche Mark (8) phải không? Nhưng từ lâu, châu Âu đã sử dụng đồng tiền chung...
-Reichsmark! Đó chính xác là đồng tiền chung!
Đúng là một sự nhịn chín đứa trèo lên đầu, lần này thì Feliciano không nhịn nữa. Gã nhại lại với vẻ bỡn cợt và lên giọng:
-Đó chính xác là đồng tiền chung, khi và chỉ khi cái quốc gia chết tiệt này khiến châu Âu đổi mẹ tên thành Merkelreich, Viertes Reich! (9)
Lần đầu tiên trong đời, Feliciano hài lòng vì khả năng thông thạo tiếng Đức, thứ ngôn ngữ gã buộc phải tiếp thu sau vài thế kỷ chung sống và kết giao với đám hậu duệ của Germania. Ngữ âm của nó khiến lời gã nhổ ra thêm bội phần lỗ mãng, cay nghiệt. Thế vẫn chưa hả, Feliciano vung tay ném phắt tờ báo xuống sàn, chân này giẫm, chân kia xéo nát cái cười trên mặt tên ác ôn gián tiếp hủy hoại cuộc đời mình. Chẳng có gì trong đầu gã ngoài lời lẽ đay nghiến dành cho Hitler, Beilschmidt và cả thằng khốn Karl Wolff (10) đã lôi gã vào hang. Rồi thì tay chủ quầy nổi xung thiên và sa sả một tràng thóa mạ, rồi thì quần chúng hiếu kì xôn xao, âm thanh từ bên ngoài vọng đến, lúc này Feliciano mới bừng tỉnh, cảm giác da thịt ngứa râm ran như kiến bò khi trở thành mục tiêu của hàng chục cặp mắt. Gã nhận ra bản thân sẽ hối hận vì ngày hôm nay. Là bộ mặt của cả nước Ý, dù làm đúng, gã cũng không nên hành xử lỗ mãng trước đám đông. Nếu đoạn ghi hình được đăng tải lên Internet thì sao? Phải biện hộ thế nào với Conte (11)? Ông ta sẽ phạt Feliciano cấm cung hay buộc gã phải xin lỗi Beilschmidt?
Mớ bòng bong cứ to dần, to dần, mỗi khi Feliciano tiến gần đến lối thoát thì lại thêm một vấn đề phát sinh. Gã muốn bật khóc, muốn kêu gào, muốn mặt đất ngoác mồm nuốt trọn cả thế giới để mình khỏi phải tiếp nhận thêm nỗi lo âu nào nữa. Thế mà đời không chiều lòng Feliciano, lọt vào mắt gã là bốn cái mũ kepi di chuyển, luồn lách giữa những mái đầu vàng hoe.
Không chỉ mỗi mình Feliciano nhận ra chúng, thằng già đã khiêu kích gã đảo mắt rồi nói nhẹ tênh:
-Mày nhập trại là chắc cú, ôn con ạ!
Hoang mang đã chạm tới đỉnh điểm, đầu óc gã trở nên trống rỗng, còn công tắc bản năng được kích hoạt tức thì. Italy lùi lại, quay đầu. Rồi như một cỗ xe Ferrari mất lái, gã hăng máu phóng bạt mạng, lao thẳng ra hướng cổng chính, cơ vai và bắp tay săn lại, sẵn sàng húc ngã chướng ngại vật bất kì. Hình như gã đã làm thế thật. Gã thậm chí chẳng thèm nhìn những nạn nhân. Còn nghe tiếng bước chân dồn dập phía sau thì gã còn liều lĩnh, bất chấp tất cả vì đường thoát thân.
Về lại cái ngõ nơi đã gặp Gretel và Rene, Feliciano mới gia giảm tốc độ dù tâm trạng vẫn phập phồng lo sợ. Không ai đuổi theo nữa, gã nói với chính mình, câu chữ đứt đoạn vì hơi thở cứ đua nhau tuồn ra từ mũi và miệng. Quả tim thì cật lực nện vào lồng ngực, từng nhịp, từng nhịp như những cú đấm trời giáng từ bên trong. Tay gã ôm ngực, cố xoa dịu cơn đau quằn quại, đôi chân phải gắng trụ vững và tiếp tục di chuyển về phía trước. Thật lạ lùng, Feliciano thầm nghĩ, hiếm khi gã nếm trải cảm giác sức cùng lực kiệt. Tuy không khỏe như Russia nhưng hai hiệp chính phụ trên sân bóng còn không thể khiến gã mệt mỏi vì khác với con người, thể lực của các quốc gia vô cùng bền bỉ và dường như vô tận.
Italy bắt đầu hồi tưởng chuỗi sự việc xảy đến kể từ khi gã mở mắt và cảm thấy bối rối vì những gì mình đã nghe, đã thấy. Cứ như thế giới được định hình sẵn trong đầu gã trở nên lệch lạc. Cứ như gã vừa bị ném vào một thực tại khác.
Không đâu. Không đâu. Sao mà có thể?
Cứ về Ý và mọi chuyện sẽ ổn, Italy đinh ninh như vậy. Gã sẽ lân la hỏi đường và bắt đầu lại cuộc hành trình, lần này thì đành đi bộ. Ra nông nỗi như vậy, gã chẳng mong gì hơn được về lại phòng riêng rồi bật khóc một mình.
------------------------------------------
Cơn chấn động lan ra toàn thân cho Germany cảm giác vô lực, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, sự liên kết đầu óc và cơ thể hắn chắc hẳn gãy làm đôi, trơ trọi từng mảng. Linh hồn hắn trôi nổi và lang bạt, thẫn thờ tìm kiếm nét này nét nọ của một nước Đức thân quen nhưng thu vào tầm mắt chỉ có rừng cờ đỏ tươi, trông như vệt máu chảy dài trên một vùng da thịt mới nguyên những vết cắt hành xác.
Trong tiềm thức hắn có một mảnh kí ức động đậy, hắn thấy mình trở về tháng 7 năm 1920 trong một căn phòng ảm đạm cùng gã đàn ông có bộ ria mép giống hệt danh hài Charles Chaplin. Với niềm thành kính vô biên dâng lên từ đáy mắt và bầu nhiệt huyết căng ra nơi lồng ngực, lời nói của ông ta tuôn như suối nguồn bất tận:
-Ngài xem, Đen - Trắng - Đỏ, những màu này từng thuộc quốc kì của Đế quốc Đức vinh diệu tột cùng, đó mới chính là Vaterland mà tôi tôn thờ, yêu kính, trung thành cho dù chỉ còn mảnh hồn vương vất ở thế giới bên kia. Nay tôi ôm hết những hoài bão, di sản kế thừa từ Đệ nhị Đế chế đặt vào Đảng kì này. Nước Đức không bao giờ tàn lụi, Vaterland có thể ngã ngựa vì mưu hèn kế bẩn, đâm lén của đám Tội đồ Tháng Mười Một (12) nhưng Người sẽ tái sinh với một hình hài khác mạnh mẽ, xuất chúng hơn để nghiền nát tất cả kẻ thù cùng bè lũ phản quốc.
Adolf Hitler trao cho Ludwig Beilschmidt lá cờ chữ Vạn kèm theo vô vàn lời hứa hẹn hấp dẫn, ngọt ngào đến mức có thể khiến hắn mỉm cười trong giấc ngủ say. Nhưng đến tàn cuộc, điều duy nhất tồn tại, đeo bám hắn là nỗi ô nhục trường niên mang tên Đệ Nhị Thế chiến. Làm sao hắn quên quãng đời hậu chiến cam go và khắc nghiệt, từng có vô vàn ánh nhìn sắc lẻm cứa vào da thịt, từng có phút giây hóa vĩnh hằng khi những đồng loại xung quanh phủ nhận sự tồn tại của hắn, lắm lúc cái tên "Germany" được xướng lên và lồng ngực hắn thắt lại, cứ ngỡ mình lần nữa trở thành bị cáo trước vành móng ngựa trong một phiên tòa mà cả thẩm phán lẫn bồi thẩm đoàn sẽ không dành cho hắn chút khoan dung lượng thứ. Cho đến tận ngày nay, Ludwig Beilschmidt mới xây dựng được một tâm thế vững vàng để đối mặt với quá khứ, nhìn nhận thấu đáo chứ không tôn sùng hay khuyến khích nhân dân phục hưng Đệ Tam Đế chế. Thế nên, Germany sao có thể lờ đi những lá cờ mang theo dấu ấn một thời rũ xuống từ mái những tòa nhà cao tầng lân cận và cột sắt ven đường, len giữa hàng cột khổng lồ của cổng Brandenburg, phất phơ trên tay của đám đông tập hợp hai cánh trái phải quảng trường Pariser. Nhanh chóng trấn tĩnh, hắn lôi chiếc điện thoại Nokia 1280 từ túi áo khoác, thoăn thoắt nhấn mấy con số, miệng lầm bầm rủa xả kẻ bày trò sẽ phải trả giá bằng ba năm bóc lịch.
Số 110 gọi đi. Không có tín hiệu.
Ludwig Beilschmidt thấy trong lòng như đang có ngọn lửa bùng lên, gặm nhắm hết cả ruột gan. Hắn bực mình giật điện thoại khỏi tai, nhập nhanh số của văn phòng Chính phủ Liên Bang, với hi vọng mong manh sẽ được gặp Angela Merkel, người mà hắn thầm gọi hai tiếng "mutti". Hắn muốn kể bà nghe, muốn câu trả lời đích đáng cho những thứ quái quỉ đang tồn tại trước mắt. Chỉ có sự điềm đạm, ôn hòa của bà mới xoa dịu được những bất ổn trong lòng hắn.
Một lần nữa. Không có tín hiệu.
Germany đập trán và nhét điện thoại vào túi. Hắn phải chờ cho đến khi đường truyền ổn định. Không! Hắn không chờ được nữa! Beilschmidt chộp lấy một người đi đường, sốt sắng hỏi:
-Có chuyện gì vậy? Tại sao những lá cờ này ở khắp nơi?
-Ở đây sắp cử hành lễ diễu binh mừng Ngày Chiến Thắng.
Họ chỉa vào nhau sự ngờ vực, rằng có một trò đùa ngớ ngẩn đang diễn ra.
-Chiến thắng?
Germany kinh ngạc cực độ. Khi nghe về lễ diễu binh mừng chiến thắng, người ta phải nhớ ngày huy hoàng của nước Nga khi mà Quảng Trường Đỏ rung chuyển giữa tiếng bước chân đều đặn, sôi nổi của hàng ngàn quân nhân, tiếng đại bác uy dũng gầm vang trên nền nhạc quốc ca Nga và những bài chiến ca bất hữu "Katyusha", "Tạm biệt em gái Xla - vơ", "Ngày Chiến Thắng", "Hồng Quân bất bại" mang theo hào khí hừng hực vọng về từ dòng lịch sử. Không chỉ phô trương binh lực, người Nga còn muốn chứng tỏ sự hiện đại và giàu mạnh về khí tài nên lực lượng cơ giới được triển khai thành dòng chảy những xe tăng, thiết giáp yểm trợ tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe kháng mìn, xe đa dụng. Nếu năm đó tiết trời chiều lòng người thì Không quân sẽ điều động từng tốp máy bay lượn trên bầu trời theo đội hình chữ V. Kẻ chiến thắng tất nhiên được quyền phô diễn sức mạnh và niềm tự hào dân tộc. Sau hai cuộc Thế chiến, chưa bao giờ Beilschmidt dám lên ý tưởng về một buổi lễ diễu binh hoành tráng tôn vinh bản thân. Hắn luôn là kẻ chiến bại.
-Tôi không rõ cậu đang đùa hay vừa tỉnh dậy sau cơn hôn mê sâu. Nhưng nếu cậu thiệt sự là thương binh thì hãy chuẩn bị ăn mừng vì cách đây sáu năm chúng ta đã thắng người Nga.
Lời nói như cơn cuồng phong quật ngang khiến Germany xây xẩm mặt mày, ngạc nhiên thay, hắn vẫn níu giữ nổi chút bình thản để dứt khoát với ông ta:
-Vâng. Tôi biết rồi. Cảm ơn.
Thắng người Nga. Đã thắng người Nga...
Dư âm trong đầu hắn ngân lên tận chín lần nhưng Beilschmidt không tài nào chấp nhận việc Braginski ngã ngựa. Hàng loạt nghi vấn và giả thuyết trỗi dậy mạnh mẽ khiến Ludwig lạc lối giữa ma trận của những suy tưởng ngổn ngang. Đôi chân hắn vô thức di chuyển cho đến khi cảm nhận được một bề mặt cứng rắn va vào lưng. Có ai đó đến khẽ chạm lên vai Ludwig, môi mấp máy vài lời trước khi lướt nhanh theo hướng đối diện. Có tiếng động cơ xe tải hạng nhẹ mang theo một tá cảnh sát. Có những tiếng reo hò đến từ đám phụ nữ. Có giai điệu Gilbert thường ngâm nga vang vọng trên loa phát thanh. Hết thảy âm thanh lọt vào tai Ludwig đều trở thành lời ong tiếng ve. Phần tỉnh táo trong đầu hắn nỗ lực để giành lại quyền kiểm soát cái thây trơ lì không chịu làm điều nên làm trong tình cảnh hiện tại. Rồi bỗng dưng có người nắm vạt áo khoác và kéo hắn về phía trước:
-Herr Beilschmidt, können Sie das sehen?
Gã kia vung tay, chỉ vào những lá cờ:
-Ich möchte wissen was geschehen war. (13)
Gã có vẻ khẩn thiết, nhưng Ludwig chỉ đáp lại với vẻ thờ ơ, cho đến khi gã kia tóm lấy cổ áo hắn rồi giật mạnh:
-Beilschmidt, cậu nghe tôi nói gì chứ?
Ludwig rùng mình thoát khỏi cơn mơ màng và suýt văng tục khi nhận ra sự hiện diện Feliciano Vargas. Sao định mệnh không mang cho hắn France, Japan, Sweden, England hay Belgium, những kẻ vừa được việc vừa biết điều? Sao lại chọn thằng người Ý chuyên làm rối đời Ludwig? Chuyện mới chuyện cũ nối đuôi nhau trở lại trong tâm trí khiến cơn uất hận trào dâng và Ludwig lạnh lùng xua đi bàn tay đang bấu víu trên áo mình:
-Herr Vargas...
Sau nhiều năm thân cận Francis Bonnefoy, hắn đã học được cách che đậy cảm xúc tiêu cực bên dưới những lời lẽ trịnh trọng:
-Tôi thật sự không biết biết chuyện gì xảy ra. Khi nãy, tôi đang viếng mộ thì thình lình tôi ở đây. Hãy nhìn xem...
Ludwig trỏ vào bức tượng Reichsadler (14) hiên ngang đứng trên một cái bệ thạch cao, khi nãy trong vô thức hắn đã tựa vào đó.
-Tôi không bao giờ cho phép thứ này được xây dựng, chúng ta đang ở một Berlin khác, một thế giới khác.
Lời vừa nói ra tức thì khiến Ludwig cảm thấy mình thật ngu xuẩn. Berlin trong tim gã người Ý thì khác nào kí ức về Venice trong đầu Germany, chẳng có gì khiến gã phải vương vấn và lưu tâm về sự thay đổi của nó. Quả nhiên, Vargas căng mắt nhìn hắn như nhìn một thằng nhóc thích vẽ chuyện, nhưng chỉ xua tay và chuyển chủ đề:
-Bỏ qua việc đó đi, còn những quốc gia kia?
-Có lẽ chúng ta phải tìm họ.
Khi và chỉ khi vài khúc mắc được làm rõ, Ludwig tự nhủ. Hắn không muốn mọi nghi vấn đều nhắm vào mình.
-Hoặc họ tìm đến chúng ta. Hi vọng mong manh lắm vì điện thoại mất tín hiệu rồi.
Beilschmidt kiểm tra lại lần nữa rồi khẳng định:
-Điện thoại tôi cũng vậy.
Như mọi khi, tên người Ý lại đùn đẩy trọng trách lên vai Beilschmidt:
-Thế chúng ta phải làm gì tiếp theo?
Phải làm gì đây, Ludwig cũng đang tự hỏi. Chưa bao giờ hắn lâm vào tình cảnh trái khoáy như bây giờ. Nếu Kiku, Francis hoặc Arthur ở bên cạnh, cả nhóm sẽ cùng nhau phân tích, tranh luận và tìm ra giải pháp thích hợp. Đời thực bao giờ cũng nghiệt ngã với Ludwig vì hắn chỉ có Vargas mà thôi. Nhưng hắn vẫn hi vọng, Spain và France nói gã người Ý bây giờ rất khác xưa, Ludwig muốn thấy chí ít một mặt tích cực từ sự thay đổi đó:
-Tôi cần nghe ý tưởng của anh.
Trái với kì vọng của hắn, gã người Ý lắc đầu, xua tay:
-Đây là nhà của cậu. Cứ làm theo những gì cậu muốn.
Tôi chỉ muốn bóp cổ anh ngay lập tức, Ludwig Beilschmidt mím môi. Tuy nhiên, cả tay chân và đầu óc hắn chưa kịp hành động thì tiếng nhạc trên loa phát thanh đã kết thúc, tiếp theo là thông báo về lễ diễu binh sắp sửa tiến hành. Ludwig biết nó có nghĩa là gì, hắn giục giã:
-Đi thôi, Vargas. Phải nhanh chóng rời khỏi đây trước khi đám đông nghiền nát chúng ta.
Ludwig rùng mình khi nhớ lại buổi diễu binh năm 1940 với hai từ kèm theo: náo nhiệt và hỗn độn. Quãng đường hành quân của Wehrmacht (15) được giăng đầy dây hoa lá, cờ Quốc xã và quân kỳ. Có hai khán đài lớn được dựng lên bên cạnh hai nhà gác của Brandenburg với sức chứa cả ngàn khán giả. Con số này chẳng thấm vào đâu khi cả thành phố ùn ùn kéo đến đứng chật ních hai bên đường để chào đón và hoan nghênh những người hùng đã chiến đấu vì Vaterland. Với nụ cười tỏa sáng như hoa mùa xuân, họ phấn khích vẫy khăn, mũ, cờ hay bất kì mảnh vải nào có được trên tay. Đám Orpo (16) luôn ở thế chật vật giằng co trước sự cuồng nhiệt quá khích của người dân còn khối quân nhân đi diễu hành thì bất lực với việc giữ đội hình thẳng tiến khi phải né chỗ này tránh chỗ nọ. Trên đại lộ Unter den Linden và quãng trường Pariser, tình hình trật tự được kiểm soát tốt hơn, người ta không thể xâm lấn đường đi của đoàn kị binh, khí tài, các khối quân sự nên họ trèo cây, đu bám các cột đèn và cột cờ để lấy góc nhìn. Quỷ quái ôi Hitler, ông ta hứa sẽ tìm cho mỗi phụ nữ Đức một tấm chồng nên chẳng ai phản đối việc các cô các chị nhanh nhảu chạy đến tặng hoa, gài hoa cho các chiến sĩ, thậm chí tung hoa, ném hoa vào đoàn quân đang bước đều từng bước. Buổi lễ kết thúc thành công mĩ mãn với quang cảnh đường xá tràn ngập xác hoa và bốc mùi phân ngựa. Ngày Chiến Thắng của Đức Quốc xã chí ít cũng sẽ như vậy, còn tệ hơn thì Ludwig chưa dám nghĩ đến.
-Chờ đã, tôi thấy Rein...
Vargas nói với theo khi Beilschmidt lầm lũi tách đám đông, tiến về phía đường Behren để tìm lối vào công viên Tiergarten. Xung quanh quá ồn ào nên lời của gã người Ý nhanh chóng bị nhấn chìm, Feliciano Vargas đành đuổi theo, nắm vai Ludwig và ra hiệu cho hắn chú ý quan sát đoàn xe Mercedes-Benz đen bóng. Germany thấy kẻ giống hệt một người quen cũ, với mái đầu vàng hoe hói quá trán, một cái mũi thẳng và nhọn như đầu tên, khuôn mặt dài như mặt ngựa, đôi mày vừa thưa vừa nhạt màu, đôi mắt dài ti hí với con ngươi lóng lánh kết hợp cùng cái miệng rộng, mỏng môi lúc nào cũng vẽ ra một đường thẳng khiến người ta khó lòng phỏng đoán hắn đang cười hay tỏ ra nghiêm nghị. Đấy đích thị là Reinhard Heydrich (17) bằng xương bằng thịt, gần tám nhập niên kể từ ngày gã ta xuống mồ, Ludwig vẫn có thể nhận diện kẻ được Hitler gọi là "người đàn ông với quả tim sắt đá".
-Ừ, Heydrich đấy.
Với bao thứ dị thường lọt vào tai mắt từ nãy đến giờ, cho dù Adolf Hitler xuất hiện, Germany cũng đành nhún vai, chấp nhận sự thật rằng những điều xấu xa nhất sẽ tái sinh. Còn gì tồi tệ hơn Quốc Trưởng của hắn đâu, Ludwig thầm nghĩ. Và rồi gã đàn ông tóc vàng bên cạnh Heydrich quay mặt về phía họ và mỉm cười tinh quái. Cơn ớn lạnh vuốt dọc sóng lưng Ludwig, chưa bao giờ sự thân quen lại cho hắn cảm giác ghê sợ đến tê cứng cả người, giống như khi hắn buộc phải chứng kiến vai phản diện của mình trong một thước phim tài liệu về Đệ Nhị Thế chiến. Thế nhưng, cả hắn và Vargas đều biết chẳng tồn tại bức màn giữa bọn họ với cỗ xe Mercedes-Benz cách đó vài mét.
Gã người Ý lầm bầm vài câu rồi nhanh chóng rảo bước theo Germany. Họ luồn lách giữa đám đông, chẳng nói với nhau một lời, chẳng để ý tiếng kêu la ối á khó chịu, gương mặt gã đàn ông đã choáng hết suy nghĩ của cả hai. Ludwig đi chậm lại khi thấy dòng chữ Behrenstraße trên các bảng hiệu và quay đầu để xác nhận mình chưa lạc mất Italy. May thay, gã người Ý vẫn ở phía sau, bước chân chậm rãi và giữ khoảng cách với người đi trước, như thể họ chẳng quen biết nhau. Thấy Ludwig nhìn mình, gã hỏi:
-Cậu thấy nó rồi chứ, tên Beilschmidt ngồi cùng Reinhard Heydrich ấy?
-Song Trùng của tôi, một người trông y hệt nhưng hoàn toàn xa lạ.
Ludwig Beilschmidt lần đầu biết đến khái niệm Doppelgänger khi Francis Bonnefoy ác mồm gọi hắn là Song Trùng của HRE và bọn nhà Vargas cũng sớm hưởng ứng theo lão. Germany không thích cái biệt danh bị gán cho chút nào. Dân gian truyền rằng, sự xuất hiện của một Song Trùng thường mang đến cho chủ thể vận xui, bệnh tật, tai họa, thậm chí là điềm báo của cái chết.
-------------------------------------------------------
(1) Bella Ciao là bài chiến ca chống Phát Xít của người Ý. Nội dung kể về cuộc chia tay của anh chiến sĩ và người thương, cùng di nguyện: ngày kia anh tử trận, hãy hòa xác thịt anh vào đất vùng non cao, để hương hồn hóa kiếp thành hoa nở, đẹp như những phận người ngã xuống vì tự do mai sau.
(2) Nhà ga Stettiner (Stettiner Bahnhof) hiện tại được tái xây dựng và đối tên thành nhà ga Bắc Berlin (Berlin Nordbahnhof).
(3) "Heil dir im Siegerkranz" mang nghĩa "Hail to Thee in the Victor's Wreath" là tựa đề bài quốc ca Phổ và Đế quốc Đức, được sử dụng từ năm 1871 đến 1918.
(4) Hearts of Iron là loạt trò chơi lấy bối cảnh Đệ Nhị Thế chiến, cho phép người chơi chọn phe, chọn quốc gia và phát triển nội tại phe mình để chống giặc cứu nước, xâm lược các vùng lãnh thổ khác, cứu thế giới,...
(5) Tên khai sinh của ông này là Ioseb Besarionis dzе Djugashvili, cái tên Stalin chỉ xuất hiện sau năm 1912, theo bút danh K.Stalin ông đã dùng khi công bố học thuyết "Marxism and The National Question". "Stal" trong tiếng Nga có nghĩa là "thép" nên Stalin được hiểu thành "Người Đàn Ông Thép".
(6) Völkischer Beobachter là tờ nhật san được Quốc xã sử dụng như công cụ tuyên truyền.
(7) Reichsmark là đơn vị tiền tệ của Đức từ 1924 đến 1948. Một Reichsmark bằng 100 Reichspfennig.
(8) Deutsche Mark từng là đơn vị tiền tệ của Đức sau Reichsmark, trước khi chuyển sang sử dụng đồng tiền chung Euro.
(9) Merkelreich nghĩa là "Đế chế của Merkel", Viertes Reich nghĩa là "Đệ Tứ Đế chế". Hai cụm từ này đều được dùng để bóng gió về ảnh hưởng to lớn của Đức trên toàn châu Âu.
(10) Karl Wolff là một trong những tên đầu sỏ SS, tư lệnh của lực lượng SS tại Ý sau khi Ý bị Đức xâm lược, bị tình nghi là có liên can trong vụ thảm sát tại hang Ardeatine.
(11) Ám chỉ Giuseppe Conte, thủ tướng Ý đương nhiệm.
(12) Tội đồ Tháng Mười Một là cụm từ Đảng Quốc xã dùng để lên án những kẻ bị gán tội phản quốc ở hậu phương (chủ yếu là chính quyền và phe Marxist). Theo quan điểm này, không phải Quân đội Đức bị chiến bại trong Thế chiến I, mà bị đâm sau lưng, dẫn đến việc Đức phải ký hiệp định đình chiến.
(13) Herr Beilschmidt, können Sie das sehen? Ich möchte wissen was geschehen war.
=> Ông có thấy chúng không, Beilschmidt? Tôi muốn biết chuyện gì đang xảy ra.
(14) Reichsadler là Quốc huy Đức Quốc xã, gồm một con đại bàng đen nhìn sang phải đậu trên một vòng lá sồi bao quanh chữ Vạn Quốc xã.
(15) Wehrmacht là tên của các lực lượng vũ trang quân đội Đức Quốc xã từ năm 1935 đến năm 1945. Wehrmacht bao gồm Heer (lục quân), Kriegsmarine (hải quân) và Luftwaffe (không quân).
(16) Ordnungspolizei hay Orpo, Cảnh sát Trật tự là một bộ phận của SS, quy tụ cảnh sát các cấp trung ương và địa phương, Cảnh sát Đường sắt, Cảnh sát Đường thủy, bảo vệ tại các cơ quan...
(17) Reinhard Heydrich là một trong những tên đầu sỏ của Quốc xã, bị ám sát năm 1942 bởi quân kháng chiến Tiệp Khắc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top