apd logic hoc bien chung

VAI TRÒ CỦA CÁC NGUYÊN TẮC, PHẠM TRÙ LÔGÍC BIỆN CHỨNG ĐỐI VỚI VIỆC RÈN LUYỆN NĂNG LỰC TƯ DUY BIỆN CHỨNG

 

 

                             

Cùng với phép biện chứng và nhận thức luận mácxít, lôgíc biện chứng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng, rèn luyện năng lực tư duy biện chứng. Với tính cách một khoa học, lôgíc biện chứng có những nguyên tắc và phạm trù xác định. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích và góp phần làm rõ vai trò, ý nghĩa của các nguyên tắc, như nguyên tắc khách quan, nguyên tắc toàn diện, nguyên tắc phát triển, nguyên tắc lịch sử  cụ thể, nguyên tắc thực tiễn, cùng với các phạm trù lịch sử và lôgíc, cụ thể và trừu tượng của lôgíc biện chứng trong quá trình nhận thức; coi việc nắm vững và vận dụng thành thạo những nguyên tắc, phạm trù đó là điều kiện để rèn luyện, phát triển năng lực tư duy biện chứng.

Năng lực tư duy biện chứng là tổng hợp những phẩm chất tư duy ở trình độ cao, là khả năng nắm bắt và vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt, sáng tạo các nguyên lý, phạm trù, quy luật của phép biện chứng với tư cách phương pháp nhận thức và nguyên tắc mà tư duy phải tuân theo nhằm giải quyết một cách hiệu quả nhất những vấn đề nhận thức và thực tiễn đang đặt ra.

Năng lực tư duy biện chứng được đặc trưng bởi sự hiểu biết và vận dụng các nguyên lý, phạm trù, quy luật của phép biện chứng duy vật, cũng như các nguyên tắc, phạm trù của lôgíc biện chứng. Sự thống nhất giữa phép biện chứng, nhận thức luận và lôgíc biện chứng là một nguyên lý rất quan trọng của triết học mácxít. Trong Bút ký triết học, V.I.Lênin khẳng định rằng, phép biện chứng cũng chính là lý luận nhận thức, là lôgíc biện chứng của chủ nghĩa Mác.

Cùng với phép biện chứng và nhận thức luận, lôgíc biện chứng có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc phát triển năng lực tư duy biện chứng cho người học. Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức, vai trò của lôgíc biện chứng đã tăng lên hơn bao giờ hết. Chỉ có nắm vững và vận dụng được các nguyên tắc, các phạm trù của lôgíc biện chứng mới có thể thực sự đi sâu vào bản chất của đối tượng, mới có thể nắm được các khái niệm, lý thuyết khoa học và giải quyết được những vấn đề của thực tiễn.

Khác với lôgíc hình thức, lôgíc biện chứng là khoa học nghiên cứu những hình thức và quy luật của tư duy trong sự vận động, phát triển của nó. Ngoài những quy luật biện chứng phổ biến của tự nhiên, xã hội và tư duy (cả những quy luật cơ bản và không cơ bản), lôgíc biện chứng còn nghiên cứu những quy luật biện chứng của riêng tư duy: sự chuyển hoá từ tư duy kinh nghiệm lên tư duy lý luận, từ tư duy thông thường lên tư duy khoa học; từ cụ thể đến trừu tượng và ngược lại, từ hiện tượng đến bản chất, v.v..

Vận dụng các nguyên lý, quy luật của phép biện chứng duy vật vào quá trình tư duy, lôgíc biện chứng nêu lên các nguyên tắc cơ bản mà tư duy phải tuân theo trong việc nhận thức chân lý. Khi nghiên cứu lôgíc biện chứng, người học sẽ nắm được các nguyên tắc cơ bản, như nguyên tắc khách quan, nguyên tắc toàn diện, nguyên tắc phát triển, nguyên tắc lịch sử - cụ thể, nguyên tắc thực tiễn.

Nguyên tắc khách quan đòi hỏi việc nhận thức phải dựa vào những cơ sở thực tế khách quan, xuất phát từ chính bản thân đối tượng, từ những thuộc tính và mối liên hệ vốn có của nó, từ những quy luật vận động và phát triển của bản thân nó; không thể dựa vào ý muốn chủ quan hoặc lấy ý chí chủ quan áp đặt cho thực tế, đồng thời không được cắt xén, không được gán ghép cho sự vật, hiện tượng những gì mà chúng vốn không có. Trong Bút ký triết học, V.I.Lênin chỉ ra rằng, "tính khách quan của sự xem xét (không phải thí dụ, không phải dài dòng, mà bản thân sự vật tự nó)"(1).

Nắm vững và vận dụng đúng đắn nguyên tắc khách quan sẽ góp phần thiết thực trong việc xây dựng năng lực tư duy biện chứng cho người học. Việc quán triệt nguyên tắc này giúp họ thấy được rằng, phải quan sát các sự vật và hiện tượng trong thực tế hoặc phải tiến hành các thí nghiệm khoa học để có được những tư liệu cần thiết nhằm rút ra tri thức khoa học đúng đắn. Những kết quả nghiên cứu phải được kiểm tra, đối chiếu, so sánh và đánh giá có phù hợp với hiện thực khách quan hay không. Nắm vững nguyên tắc khách quan giúp người học hiểu được sự cần thiết phải quan sát thực tế một cách tỉ mỉ, chính xác; phải xuất phát từ bản thân đối tượng, phải xem xét đối tượng đúng như nó vốn có trong thực tế.

Bản thân các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan không tồn tại cô lập, tách rời, mà tồn tại trong những mối liên hệ hữu cơ với nhau. Hơn nữa, những mối liên hệ ấy lại vô cùng phong phú, đa dạng và hết sức phức tạp, bao gồm cả những mối liên hệ bản chất và không bản chất, tất nhiên và ngẫu nhiên, chủ yếu và thứ yếu. Vì thế, khi nhận thức thế giới khách quan, tư duy biện chứng đòi hỏi phải tuân thủ nguyên tắc toàn diện. V.I.Lênin viết: "Muốn thực sự hiểu được sự vật, cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ và "quan hệ gián tiếp" của sự vật đó. Chúng ta không thể làm được điều đó một cách hoàn toàn đầy đủ, nhưng sự cần thiết phải xét tất cả mọi mặt sẽ đề phòng cho chúng ta khỏi phạm phải sai lầm và sự cứng nhắc"(2).

Nắm vững nguyên tắc toàn diện, người học sẽ nhìn nhận, đánh giá đối tượng một cách chính xác, đầy đủ, toàn vẹn; xem xét đối tượng như một chỉnh thể, hệ thống; tránh được lối tư duy phiến diện, chiết trung, ngụy biện. Thực tế cho thấy, các hiện tượng trong tự nhiên thường xảy ra rất phức tạp, do nhiều nguyên nhân gây ra và biến đổi qua nhiều giai đoạn, nhưng nhiều khi ta chỉ quan sát được kết quả cuối cùng. Vì thế, nếu nghiên cứu đối tượng một cách phiến diện sẽ dẫn tới những tri thức, kết luận sai lầm. Chẳng hạn, khi xem xét vật rơi trong không khí, ta thấy một thực tế là hòn đá rơi nhanh hơn chiếc lá. Để giải thích điều này, chúng ta phải có quan điểm toàn diện, phải thấy rằng các vật đó vừa chịu sự tác động của lực hút trái đất, vừa chịu sự tác động của lực cản không khí. Chỉ có thể coi vật rơi tự do khi mà lực cản của không khí không đáng kể so với trọng lực của vật. 

Tự nhiên, xã hội và tư duy luôn nằm trong quá trình vận động và phát triển không ngừng theo những quy luật tất yếu, vốn có của chúng. Vì vậy, để nhận thức được bản chất của sự vật, ngoài các nguyên tắc trên, tư duy còn phải tuân thủ nguyên tắc phát triển. Nguyên tắc này quy định tính tất yếu phải nghiên cứu sự vật trong sự vận động và phát triển theo những quy luật phổ biến, khách quan vốn có, chỉ ra chiều hướng biến đổi của nó. Mặt khác, nguyên tắc này còn giúp cho tư duy của người học trở nên năng động, linh hoạt, mềm dẻo; khắc phục bệnh bảo thủ, trì trệ và máy móc.

Lôgíc biện chứng chỉ cho chúng ta thấy được sự phát triển biện chứng của nhận thức khoa học. Các khái niệm, định luật, lý thuyết tất yếu được bổ sung, điều chỉnh, phát triển trong quá trình nhận thức, trong lịch sử phát triển của khoa học. Những khái niệm, định luật, lý thuyết mới này không phủ nhận hoàn toàn các khái niệm, định luật, lý thuyết cũ mà có sự kế thừa những giá trị hợp lý, coi chúng như những trường hợp đặc biệt. Vì thế, không nên có thái độ xem những tri thức đã có của con người như những chân lý tuyệt đích, cuối cùng. Như chúng ta đã biết, cơ học Niutơn là thành tựu khoa học vĩ đại của loài người, được áp dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong nhiều thế kỷ. Nhưng, lịch sử vật lý học không dừng lại ở cơ học Niutơn. Do không có được tư duy biện chứng, không nắm được nguyên tắc phát triển nên một số nhà khoa học lúc đó cho rằng, vật lý học đương thời đạt tới tột đỉnh của nó, đã tìm ra được mọi quy luật cơ bản của tự nhiên. Khi thuyết tương đối và thuyết lượng tử đưa ra quan điểm mới về không gian, thời gian, khối lượng, nhiều nhà khoa học đã có tư tưởng hoài nghi những lý thuyết mới này. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học sau đó đã chứng minh cơ sở khoa học và tính đúng đắn của thuyết tương đối, thuyết lượng tử.

Mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan đều có quá trình hình thành và phát triển, đều có lịch sử của mình và bao giờ cũng tồn tại trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nhất định. V.I.Lênin khẳng định: “lôgíc biện chứng dạy rằng, "không có chân lý trừu tượng”, rằng “chân lý luôn luôn là cụ thể"”(3).Nguyên tắc lịch sử - cụ thể chỉ cho người học thấy rằng, khi xem xét các sự vật, hiện tượng, cần phải tìm hiểu quá trình phát sinh, phát triển của chúng, chỉ ra mối liên hệ nội tại của chúng, cũng như mối liên hệ giữa chúng với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Nắm vững nguyên tắc lịch sử - cụ thể giúp cho người học có thể xem xét, nghiên cứu đối tượng nhận thức gắn với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nhất định, biết vận dụng những học thuyết, những nguyên lý, công thức một cách sáng tạo, tránh rơi vào các căn bệnh giáo điều, kinh nghiệm, máy móc.

Nguyên tắc lịch sử - cụ thể chỉ ra rằng, ngay cả những kiến thức hiện đại cũng chỉ là một bậc thang của quá trình nhận thức vô hạn. Khi nghiên cứu một đối tượng, đánh giá một tư tưởng hay vận dụng một lý thuyết, công thức, cần phải gắn chúng với các mối liên hệ, với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Mỗi khái niệm, định luật, quy luật vật lý, hoá học hay sinh học đều ra đời trong hoàn cảnh cụ thể, phụ thuộc vào trình độ hiểu biết và công cụ, thiết bị nghiên cứu của từng thời kỳ. Bởi vậy, cùng với sự phát triển của nhận thức và thực tiễn, các khái niệm, định luật, quy luật sẽ được bổ sung, hoàn thiện.

Thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức, là tiêu chuẩn khách quan của chân lý vì vậy, cùng với yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc trên, tư duy biện chứng mácxít không tách rời nguyên tắc thực tiễn. V.I.Lênin khẳng định: "Quan điểm về đời sống, về thực tiễn phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức"(4). Nguyên tắc thực tiễn chỉ cho người học thấy được rằng, nhận thức phải xuất phát từ thực tiễn, dựa trên cơ sở thực tiễn, đi sâu vào thực tiễn, coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, đồng thời phải căn cứ vào thực tiễn để kiểm tra tính đúng đắn của tri thức, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội. Nguyên tắc này cũng giúp người học hiểu được tính biện chứng của tiêu chuẩn thực tiễn. Thực tiễn là tiêu chuẩn khách quan để kiểm nghiệm chân lý, nhưng tiêu chuẩn thực tiễn không cho phép biến những tri thức của con người thành những chân lý tuyệt đích cuối cùng.

Lôgíc biện chứng chỉ cho người học thấy rằng, những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc rút, được bổ sung từ thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước, những kiến thức khoa học được rút ra từ thực nghiệm và được kiểm tra bằng thực nghiệm. Việc nắm vững và tuân thủ nguyên tắc thực tiễn có tầm quan trọng đặc biệt, giúp người học tránh rơi vào sai lầm của bệnh chủ quan, giáo điều, máy móc.

Ngoài những nguyên tắc trình bày trên đây, lôgíc biện chứng còn nghiên cứu các phạm trù lịch sử và lôgíc, cụ thể và trừu tượng,... nhằm vận dụng chúng như những phương pháp nhận thức khoa học.

Thống nhất giữa lôgíc và lịch sử là một nguyên tắc phương pháp luận quan trọng của nhận thức khoa học và xây dựng các lý thuyết khoa học. Khác với quan điểm duy tâm và siêu hình, chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng, lịch sử là tính thứ nhất, còn lôgíc của tư duy là tính thứ hai, lôgíc là cái phản ánh của lịch sử. Hay nói cách khác, mối quan hệ giữa lịch sử và lôgíc là mối quan hệ giữa hiện thực khách quan và sự phản ánh lôgíc của hiện thực đó, là biểu hiện của mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy. Tuy nhiên, lôgíc phản ánh lịch sử một cách tóm tắt, khái quát; nó chỉ phản ánh những mốc chính, những giai đoạn phát triển chủ yếu, những mặt bản chất, những xu hướng tất yếu của lịch sử. Ph.Ăngghen cho rằng, cái lôgíc là cái lịch sử nhưng đã được trừu tượng hoá, nghĩa là được "lọc bỏ, tước bỏ", được “làm sạch” khỏi những cái ngẫu nhiên, những bước quanh co của lịch sử.

Nguyên tắc thống nhất giữa lịch sử và lôgíc của chủ nghĩa duy vật biện chứng là cơ sở của các phương pháp khoa học: phương pháp lôgíc và phương pháp lịch sử. Hai phương pháp này là hai phương pháp nghiên cứu khác nhau, nhưng lại thống nhất biện chứng với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, không có phương pháp lôgíc hoặc phương pháp lịch sử "thuần túy" tách rời nhau.

Nắm vững và vận dụng hợp lý, sáng tạo các phạm trù lịch sử và lôgíc như những phương pháp sẽ phát huy hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề của nhận thức và thực tiễn. Chẳng hạn, khi trình bày các khái niệm, phạm trù, quy luật, nếu dẫn dắt người học đi qua các giai đoạn của sự phát triển nhận thức thì họ sẽ dễ hiểu và nắm vững ý nghĩa của các tri thức đó. Có nhiều giờ dạy, người thầy có thể đi theo cách thức trình bày lịch sử vấn đề để đi đến khái niệm, định luật.

Nhận thức là sự thống nhất của hai quá trình đối lập nhau: từ cụ thể đến trừu tượng và từ trừu tượng đến cụ thể. Theo quá trình thứ nhất, nhận thức xuất phát từ những tài liệu cảm tính, phân tích chúng và rút ra những khái niệm đơn giản, những định nghĩa trừu tượng phản ánh từng mặt, từng thuộc tính của sự vật. Quá trình nhận thức từ cụ thể đến trừu tượng tạo tiền đề cho quá trình thứ hai - quá trình nhận thức đi từ trừu tượng đến cụ thể. Trong quá trình thứ hai này, nhận thức đi từ những khái niệm, định nghĩa trừu tượng thông qua tổng hợp biện chứng để đạt đến cái cụ thể trong tư duy. Đi từ trừu tượng đến cụ thể là phương pháp nhận thức khoa học quan trọng. Theo C.Mác, "phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể chỉ là cái phương pháp nhờ nó mà tư duy quán triệt được cái cụ thể và tái tạo ra nó với tư cách là một cái cụ thể trong tư duy"(5). Phương pháp này đã được ông xây dựng trên cơ sở duy vật biện chứng và vận dụng tài tình trong tác phẩm Tư bản. 

Trong nhận thức khoa học cũng như xây dựng đề tài, lý thuyết khoa học, việc vận dụng thành thạo phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể cho phép chủ thể nhận thức thâm nhập sâu vào bản chất và quy luật của đối tượng, hiểu được tất cả các mặt và quan hệ tất yếu của đối tượng trong mối liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, các nguyên tắc, phạm trù của lôgíc biện chứng có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, rèn luyện năng lực tư duy biện chứng cho người học. Tuy nhiên, sự hiểu biết về những nguyên tắc, phạm trù của lôgíc biện chứng không đồng nhất với năng lực tư duy biện chứng. Năng lực tư duy biện chứng là khả năng vận dụng những nguyên tắc, phạm trù của lôgíc biện chứng một cách hợp lý, nhuần nhuyễn, sáng tạo. Nói cách khác, tri thức về những nguyên tắc, phạm trù của lôgíc biện chứng phải được người học vận dụng thành thạo, nhuần nhuyễn thì mới biến thành sức mạnh của tư duy trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Ở nước ta hiện nay, các nguyên tắc, các phạm trù của lôgíc biện chứng được  đề cập chủ yếu trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy phép biện chứng và nhận thức luận của triết học Mác - Lênin. Thông qua quá trình đó, người học lĩnh hội được những nguyên tắc và phạm trù của lôgíc biện chứng. Các nguyên tắc, phạm trù của lôgíc biện chứng cũng được đề cập đến trong chương trình Lôgíc học (phần lôgíc biện chứng).

Nhằm phát huy vai trò của triết học Mác - Lênin nói chung và lôgíc biện chứng nói riêng trong việc xây dựng, rèn luyện năng lực tư duy biện chứng cho người học, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chủ yếu, như đổi mới nội dung ch­ương trình và phư­ơng pháp giảng dạy; phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong giảng dạy; phát huy tính tích cực, chủ động của người học; xác định đúng vai trò, vị trí của lôgíc biện chứng với tư cách một môn khoa học độc lập và nghiên cứu nó một cách toàn diện, sâu sắc.1

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: