anh.
Trong những câu truyện dân gian và lời người ta truyền miệng, tôi hay được nghe về thứ gọi là "hồn phách" của con người. Nếu như mèo có chín kiếp sống, nghĩa là khi nó chết đi đủ chín lần, nó sẽ chết thật, thì con người cũng vậy. Thứ gọi là "hồn phách", cũng gần giống "kiếp sống" của con mèo; khi ta chết hụt, ta mất đi một phần "hồn phách".
Một người thường sẽ có bao nhiêu phần hồn, tôi hay tự hỏi mình như vậy.
Là "ba hồn bảy vía" như các cụ nói, hay là nhiều hơn thế? Hay thực ra con người cũng chỉ có một kiếp sống duy nhất ?
Tôi có câu trả lời của mình, năm tôi 17 tuổi.
*
Năm 17 tuổi, tôi mới được quay lại nhà bà.
Đương nhiên tôi về không phải là không có lí do.
13 tuổi với 17 tuổi khác nhau rất nhiều.
13 tuổi, bạn chỉ lo xem vui gì, chơi gì cho hết ngày, bạn có lẽ cũng sẽ lo mình bị ghi tên vào sổ đầu bài mỗi lần đi học muộn, bạn có lẽ sẽ sợ vì bị gọi phụ huynh tới trường mỗi lần phạm sai lầm khủng khiếp nào đó như dùng phao trong giờ thi chung của cả trường. Bạn có thể sợ bóng sợ gió khi đứa ngồi bên cạnh đột nhiên không muốn nói chuyện với bạn nữa, bạn có thể vô duyên vô cớ mà buồn vu vơ chỉ vì đứa bạn thân mọi ngày hay đi học cùng mình không dưng lại biến mất trước giờ tan tầm.
Nhưng đấy chỉ là những nỗi lo của tuổi 13.
Tuổi 17, bạn vẫn lo về việc học hành đấy, nhưng đột nhiên bạn lại nhận ra trên vai mình có nhiều gánh nặng hơn. Gánh nặng tài chính, gánh nặng sự nghiệp tương lai, gánh nặng đồng chăng lứa, gánh nặng phải trở thành một đứa con ưu tú, gánh nặng chọn cho mình một con đường ổn định.
Ở cái tuổi mà bản thân mình chưa thực sự trưởng thành, nhưng cũng chẳng còn là trẻ con vắt mũi chưa sạch, tôi đã ý thức được rằng, có một thứ ngòi nổ vẫn luôn âm ỉ thường trực trong những gia đình nhiều thế hệ. Đặc biệt là những gia đình đông con trai. Nó cũng là bài toán đấy, nhưng là bài toán tiền bạc, bài toán thừa kế.
Ông bà tôi có cả thảy ba người con trai. Bố, chú hai và chú út tôi. Bố tôi, cho tới nay, theo pháp luật, mới chỉ có tôi là con trai duy nhất. Chú hai tôi thì có Minh và Khôi. Còn chú út nhà tôi, năm nay mới 27 tuổi.
Năm bố tôi lên 17, ông đưa bố tôi và chú út lên Hà Nội để đi học.
Chú hai tôi, sau khi học hết cấp ba thì không học lên trên nữa, chú đi nghĩa vụ quân sự.
Vấn đề là nằm ở chỗ đó.
*
Qua những câu chuyện bà kể, tôi biết được rằng dòng họ nhà tôi trước đây chính là một gia đình lâu đời kiểu mẫu. Nghe nói, tít từ thời bố mẹ của bố mẹ của bố mẹ của bố mẹ của bố mẹ tôi, tức là đời cụ cố tôi, gia đình nhà tôi có người làm quan lớn. Cụ đông con cháu, cũng đông cả của cải đất cát, vậy nên thiếu nhà cửa chưa bao giờ nằm trong từ điển của các cụ nhà tôi. Nhưng thay vì lắm tài nhiều tật, cụ lắm tiền nhiều tật. Đương nhiên đứng dưới tư cách của con cháu nói về bậc trưởng bối trong nhà, như tôi, rõ ràng sẽ bị coi là hỗn. Nhưng tôi chỉ thuật lại lời bà kể mà thôi.
Bà tôi nói rằng, cụ giàu thế, lắm của là thế, nhưng rồi đến đời cháu chắt, chẳng ai thấy của cải cụ để lại bao giờ. Hơn nữa, bà nói cụ "ác". Bà kể lại rằng, ngày xưa dâu con trong nhà khổ lắm, bầu bí cũng vẫn phải còm cõi vác bụng ra đồng mà đi cấy, đi gặt. Đấy mới chỉ là dâu con thôi, chứ người làm còn khổ hơn nhiều. Thế còn nhiều là bao nhiêu, bà tôi không nói, vậy nên tôi cũng không thể hiểu rõ định nghĩa "khổ" ấy là đến mức nào. Là tra tấn đày đoạ, hay làm cái gì đó kinh khủng hơn.
Lại nói đến vụ của cải, lần này là bố tôi kể. Tôi tự tin nói rằng bố thừa hưởng khá nhiều allel trội từ bà tôi, dù không biết nó có bao gồm việc bố tôi biết nhiều chuyện ngày xưa giống bà, và cũng yếu bóng vía y hệt bà hay không. Nhưng chuyện cơ bản là thế này; theo nguồn tin đáng tin cậy từ bố, một người sống với ông nội suốt 10 năm đầu cuộc đời, cũng giống như tôi sống với bà nội, thì dòng họ nhà tôi không còn đông đủ như trước từ thế hệ thứ ba. Nhiều người vào trong Nam lập nghiệp, nhiều người mất do chiến tranh. Tới lúc đó nhà tôi mới chia thành hai nhánh, một ở lại Hà Nội, một về lại chỗ ông bà tôi sống hiện giờ; phần vì anh chị em trong nhà sống với nhau không hợp, phần vì cụ cố tôi, ngoài hai căn nhà để lại, một trên phố cổ Hà Nội, một ở quê bà tôi, thì không có bất cứ đồ vật hay của cải gì của ông cụ còn sót lại, hay di chúc cho con cháu. Cụ đi đột ngột, chẳng ai kịp hỏi han, hay biết thêm gì cả. Vậy nên có hai giả thiết mà mọi người trong dòng họ nhà tôi đặt ra, một có khả năng nhất, chính là cụ ông đã để lại hết tiền bạc cho người khác giữ ( mà mọi người hầu như dám chắc là vợ bé của cụ ) ; hai là cụ giấu nó ở đâu đó rồi.
Đương nhiên giả thiết thì mãi là giả thiết, cho tới hiện tại thì chưa có ai trong gia đình tôi chứng minh được những giả thiết trên đặt ra có cái nào là đúng hay không. Nhưng mà tôi biết một điều rằng, chưa bao giờ khối tài sản khổng lồ của tổ tiên lại là một miếng bánh dở mà không đứa con nào muốn xâu xé.
Lấy ví dụ như, nhà tôi chẳng hạn.
Sau khi chú tôi đi nghĩa vụ quân sự về, ông ấy bắt đầu thầu nhiều dự án xây dựng. Việc làm ăn của chú đi lên rất nhanh, nhanh đến mức khó tin. Nhưng đâu đó năm tôi 15 tuổi, chú vỡ nợ. Thầu nhiều quá, nhưng chẳng dự án nào làm đến nơi. Thuê nhiều thợ, nhưng lại không quản đến chốn. Vật liệu xây dựng mua rồi nhưng cứ không cánh mà bay, thợ thuyền làm thì chểnh mảng, đâm ra chẳng có dự án nào chú hoàn thành mà không phải chạy vạy mỗi nơi một ít. Rồi, món nợ ấy cứ tăng, tăng mãi, tăng đến khi chú tôi không trả nổi nữa. Đến lúc ấy chú mới chấp nhận sự thật rằng chú phá sản rồi. Vậy là theo đúng quy trình của những người từng bị chủ nợ đòi ráo riết, chú đi trốn. Bán nhà, bán hiệu thuốc của vợ chú. Rồi chú một nơi, vợ con chú một nẻo.
Tôi cũng chẳng biết chú trốn đi đâu.
Tôi chỉ biết trong số những mối nợ của chú tôi, có cả những người họ hàng làng xóm ở quê. Và ai phải trả tiền cho số nợ của chú ? Ngoài ông bà tôi ra thì còn ai nữa chứ.
Người ta vẫn cứ hay bảo, "nước mắt chảy xuôi".
Nhưng có lẽ trong thời gian chú đi trốn, có lẽ chú không thực sự đi trốn.
Có một lần tôi nhìn thấy ảnh chú thím tôi, à không, phải là chú tôi dẫn nguyên nhà ngoại, bao gồm bố mẹ vợ, và anh chị vợ, đi Sa Pa.
Tôi nhớ như in lúc đó ông bà tôi lao đao và khổ sở cỡ nào để xoay món tiền mà chú tôi nợ người ta.
Mỉa mai thay, khi người vẫn còn sức lao động lại vô ưu vô lo mà lang bạt khắp chốn, để lại một món tiền khổng lồ cho những người già ở cái tuổi "xưa nay hiếm" lo liệu.
Tôi cũng thấy cay đắng thay ông bà mình.
Khoảng độ 1 năm sau, chú tôi có vẻ không muốn trốn nữa. Bố tôi kể rằng, có lần bố về thăm ông bà, lúc vào thì thấy cái xe bán tải màu đỏ của chú trong sân. Ông bà tôi lúc đó ngồi ở cái trường kỉ ngoài hiên nhà, đối diện với chú. Nhưng thái độ của ông bà lạ lắm. Thái độ của chú cũng thế, bởi vì lúc nhìn thấy bố tôi, chú chẳng nói chẳng rằng, cũng chẳng chào hỏi. Chú lập tức đứng dậy chào ông bà, tiến ra cái xe màu đỏ của chú, rồi đánh xe đi thẳng.
Mãi về sau bố tôi mới gặng hỏi được bà, hoá ra lần đó chú tôi về, cốt chỉ để đòi ông bà chia tài sản.
Chia thôi, ừ chia ba, thì chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng chú tôi muốn chia cái nhà tổ tiên để lại làm bốn, chú lấy hai phần, bố với chú út tôi mỗi người một phần. Hoặc không thì quy cái nhà đấy ra tiền mặt, rồi để chú hai tôi đưa số tiền ứng với "hai phần" tài sản còn lại cho bố với chú út, còn cái nhà của ông bà thì để mình chú giữ.
Còn lý do lại phải chia như thế, thì theo chú hai tôi lập luận, là vì chú không được bố, tức ông nội tôi, cho lên Hà Nội ăn học như anh em, vậy nên việc chú nên được nhận nhiều tài sản hơn trong di chúc của ông bà, coi như là điều đúng đắn để bù đắp cho những "thiếu thốn tình thương" mà chú tự chọn cho mình.
Bố tôi kể xong liền bật cười.
Tôi cũng chẳng biết chính xác bố buồn cười vì điều gì, vì ông bà nội tôi chưa mất mà con trai đã chu đáo thay ông bà nghĩ đến cả phần di chúc, hay buồn cười vì cái lý do hết sức vớ vẩn mà chú hai tôi đặt ra, khi nói về việc phân chia đất đai. Nhưng dù bố có buồn cười về điều gì đi chăng nữa, thì tôi biết rằng, sau điệu cười có đến 7 phần mỉa mai đó, thì bố đã đặt lên vai tôi trọng trách cũng khá cao cả rồi. Không đúng, không phải sau khi bố kể, mà từ lúc bắt đầu câu chuyện, mục đích của ông khi nhắm vào tôi đã quá rõ ràng.
Hè năm 17 tuổi, tôi "được" gửi về ông bà.
Đáng ngạc nhiên thật, khi mà bố tôi lại lần nữa dám gửi con trai độc đinh của ông về nơi nó từng suýt chết, nhưng, tôi thừa biết sứ mệnh cao cả bố gửi lên tôi là cái gì.
Làm thế nào để ông bà tôi không vì lời lẽ ngon ngọt của chú hai mà mủi lòng để lại nguyên căn nhà cho chú. —— Quá rõ ràng, đây chính là nhiệm vụ bố đã hết lòng tin tưởng mà uỷ thác cho tôi
Tôi không trách bố được, dù đúng là dựa theo những lời tôi vừa nói, bố với chú hai tôi cũng chẳng khác gì nhau. Hai người hoá ra cũng chẳng khác nào con diều hâu đang nhòm ngó miếng thịt tươi ngon mang hai chữ "tài sản" hết. Nhưng theo pháp luật mà nói, thì đấy là quyền lợi của bố tôi, và về sau này là của tôi nữa, vì suy cho cùng tôi cũng là dòng dõi đích tôn trong nhà.
Đến một lúc nào đấy, rồi lợi ích sẽ được đặt lên trên tình thân thôi con— bố hay nói với tôi như vậy.
Thực ra tôi luôn cảm thấy mình nhỏ bé. Và có lẽ tôi luôn ao ước mình luôn được nhỏ bé. Bởi vì chắc rằng, nếu tôi không lớn lên, tôi sẽ không cần phải quá hiểu chuyện, cũng sẽ không cần phải nhìn mọi thứ dưới con mắt đầy tư lợi như vậy.
*
"Vũ dẫn bạn về đấy à con?"
Tôi vừa đặt đôi giày lên bậc tam cấp trước cửa nhà thì nghe tiếng bà vọng ra từ bếp.
Như mọi mùa hè trước khi tôi bị ngã ao, bố thường đổ tôi ở đầu dốc đê để tôi tự đi bộ về nhà bà, còn ông thì không nán lại mà đi thẳng. Hôm nay cũng thế, cũng chỉ có mình tôi, với cái ba lô con con đựng quần áo và mấy cuốn sách còn đọc dở. Chỉ thế thôi. Chẳng đồ đạc gì lỉnh kỉnh, cũng chẳng có người nào.
Ừ, tôi có đưa bạn về nhà đâu ?
"Sao thế?" - Bà tôi đi ra từ trong bếp, phủi tay lên cái áo sơ mi cũ tôi để lại ở nhà hồi 4 năm trước - "Không dắt bạn vào nhà đi con ?"
"Con...con về một mình mà bà ?"
"À...Bà nghe thấy tiếng người khác không phải tiếng con, bà tưởng con mang bạn về." — Bà tôi cười — "Thôi, không có gì nữa thì vào thay đồ đi rồi dọn cơm."
Tôi gật đầu, nghe lời bà đi vào trong nhà thay đồ rồi xuống dọn cơm.
Nhưng, thính lực của bà tôi đó giờ vẫn luôn rất tốt, 4 năm làm sao mà để bà nghe nhầm được tiếng tôi thành tiếng người khác cơ chứ ?
Mà tôi cũng chỉ thắc mắc trong phút chốc.
Bữa ăn của tôi với bà thực ra rất đơn giản. Bởi vì ông tôi sớm đã lên Hà Nội để chữa bệnh, nên nhà chỉ có hai người, cơm nước cũng vì thế mà không cầu kì như những dịp lễ tết. Chỉ có mỗi bà với tôi ngồi ăn trong cái nhà rộng cả trăm mét vuông, bà hỏi tôi mấy câu mà bà vẫn thường hay hỏi, kiểu, tôi dạo này học hành thế nào, trường lớp bạn bè ra sao, năm sau sẽ thi trường gì, rồi sau đó vẫn là động viên tôi ráng học hành chăm chỉ, rồi nghĩ cho bố vì bố tôi còn vất vả, vân vân và mây mây. Đây không phải thủ tục khi bà cháu tôi gặp nhau, mà đúng hơn là sự quan tâm đối đãi, lo lắng những điều nhỏ nhặt cho đứa cháu mà bà cũng không có cách nào giao tiếp một cách thân thiết như ngày nó còn bé tí chạy lăng xăng trước mặt mình. Hiển nhiên, đó không phải là một điều đáng buồn hay đáng thương cảm gì hết, việc tôi chỉ có thể gật gù nghe bà dặn dò, có lẽ là một quy luật hết sức tự nhiên. Khi một đứa trẻ dần lớn lên, chúng không còn thân thiết với ông bà mình như trước. Chưa kể khoảng thời gian 4 năm không thường xuyên được gặp bà, càng làm tôi không biết nên nói gì hơn ngoài hỏi thăm mấy căn bệnh tuổi già và tấm tắc về mấy món bà hay nấu cho tôi hồi bé.
Máy móc nhai miếng cơm trong miệng, tôi ngẩng đầu lên nhìn chính căn nhà mình đang ngồi, rồi tự hỏi liệu có phải mình đã xa nơi này hơi lâu để nhận ra nó to lớn quá đỗi thế này hay không. Từ bé, tôi vẫn luôn biết rằng căn nhà này rất rộng, nhưng vì trong nhà neo người, nên trong nó lại càng u uất lạnh lẽo. Bởi mới nói, bà tôi sống trong căn nhà này suốt 16 năm, khi chồng con đều ở nơi xa, suốt ngày còm cõi một mình, quả thật không hề dễ dàng.
Chưa kể, con cháu còn chẳng mấy khi về.
Có một lần ngồi với chú út, hai chú cháu tôi bàn về chuyện một năm có thể về quê được bao nhiêu lần. Chú tính: một năm cùng lắm cũng chỉ về được 4 lần, tính cả Quốc Khánh, giỗ chạp, rồi lễ tết. Mà bà tôi đã ngoài 60, ông tôi thì đã 70, vậy tính ra nếu xét theo tuổi sinh lý, bệnh tuổi già, rồi còn chưa kể bất trắc xảy ra, tôi nhiều lắm cũng sẽ chỉ gặp ông bà thêm 60 lần.
Nghĩ đến mới lại thấy, hoá ra tôi cũng sẽ chẳng được gặp bà thêm mấy nhiêu nữa.
"Bà, con không về lâu thế, bà ở một mình có buồn lắm không ?" - Tôi buột miệng hỏi bà.
"Ông con còn đi lâu hơn kìa, ngần ấy thời gian bà cũng đâu có buồn. Con không cần lo." - Bà tôi cười, nét đĩnh đạc và lạnh lùng của một người nhà giáo vốn dĩ luôn ẩn hiện trên gương mặt bỗng dưng biến mất - "Nhưng bà cũng rất vui vì con quan tâm bà như vậy."
"Con xin lỗi..."
"Không phải lỗi của con." - Bà tôi lắc đầu - "Bố con có mỗi mình con thôi, bố lo cho con như vậy cũng là tốt. Năm đó nếu không phải vì bà đi vắng, chắc con cũng không đến mức như vậy."
Tôi biết "mức như vậy" mà bà nói đến ý là gì.
"Là lỗi của con mà bà." - Tôi lặp lại - "Tại con không nghe bà nói..."
"Chuyện thập tử nhất sinh, nhiều khi nó là cái số con ạ. Thôi, ăn cơm đi." - Bà nói.
"...Nhưng mà kể cũng lạ, bà cứ nhớ, ngày đấy sau khi con ngã thì có người nhắc bà ra ao xem. Nhưng sau đấy bà không làm cách nào nhớ được đấy là ai."
Ngực tôi bỗng nhói một cái.
"Vậy..." - Tôi nuốt nước bọt xuống cổ họng khô khốc - "Ngày đó lúc bà kéo con lên, bà có thấy ai không ?"
"Thấy ai là sao con ?"
"À, không ạ."
Tôi không nói với bà là có người cứu tôi, chính xác hơn là tôi không dám nói. Sức khoẻ của bà tôi từ ngày ấy đã tệ hẳn, sợ rằng mấy lời tôi kể, có lẽ lại khiến bà đâm nghĩ ngợi.
*
Dám chắc rằng nếu hôm nay có mặt chú út tôi ở đây, chắc chắn tôi sẽ được nghe mấy lời châm chọc kiểu "Hôm nay thằng Vũ rửa bát, chắc mai trời mưa to".
Ừ, hiếm lắm tôi mới có dịp động tay vào mấy cái bát.
Lần hiếm hoi động tay vào mấy cái bát, lại khiến tôi phát hiện ra một chuyện —— Người cứu tôi ngày xưa, hoá ra đã chết lâu rồi.
.
.
.
"Cậu Vũ hôm nay lại muốn tập bơi à ?"
Người kia thậm chí còn không quay người lại, đột ngột cất tiếng hỏi tôi.
Da trắng, xương hàm mảnh, đuôi mắt dài.
Tôi biết chính xác đây là ai.
Sau khi định hình được vấn đề, tôi trượt răng cửa qua đầu lưỡi. Mùi máu tanh ngọt thoáng chốc lan ra trong khoang miệng.
"Được, đây không phải mơ."
Nếu là mơ thì tôi sẽ không trả lời người kia, vì bà hay nói với tôi rằng, trả lời người gọi tên mình trong giấc mơ, sẽ bị bắt mất hồn.
Nhưng mà, ở thời điểm hiện tại, tôi biết mình còn tỉnh táo.
Vậy nên là...
"Anh là người đã cứu tôi, đúng không ?" - Tôi đánh bạo hỏi một câu không đầu không cuối, với một câu trả lời kì vọng được đặt sẵn trong lòng.
"Không."
Tôi thoáng giật mình, răng cắn mạnh vào da thịt trong khoang miệng làm nó tấy lên đau đớn. Cảm giác đau rát ấy dường như là thứ bộp chộp, thay tôi lên tiếng.
"Tôi biết đấy là anh, đừng có chối."
"Tôi đâu có chối." - Người kia, trái hẳn với tôi, lại không hề nóng vội, từ từ xoay người về phía tôi.
Lúc này anh đang ngồi trên bậc thang cuối cùng, đong đưa chân trong làn nước của cái ao xanh xanh. Giống hệt việc tôi từng làm 4 năm trước.
Còn tôi thì đang đứng cách đó, cũng chỉ vài bậc thang.
"Tôi không chối, tôi chỉ muốn sửa lại câu nói của cậu thôi."
"Thứ nhất, tôi với cậu bằng tuổi. Tôi 17 và cậu cũng thế, cho nên đừng gọi tôi bằng anh."
"Thứ hai,...
...Tôi chết lâu rồi, năm 17 tuổi."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top