[ÁO DÀI HÀ BẮC] MƯỜI TÁM.
Tiếng cửa lạnh run rẩy cót két sau lưng, Thụy Kha quay lưng lại thì thấy một khung đêm gió trăng phơi phới, mờ tỏ xa gần hình bóng người em trai.
Dế kêu, lại tiếng dế kêu, yêu quá tiếng dế kêu, mà oán quá cũng tiếng dế kêu.
Trập trùng trập trùng, sóng từ gió từ có thành không.
– Mẹ em sao rồi?
Cậu tần sợ. Sợ nỗi sợ đứa nhỏ làm vỡ bình hoa quý của cha mẹ, sợ nỗi sợ đêm tối đầu đời, cha bảo ông kẹ sẽ vào bắt mất mấy đứa nhỏ không ngoan. Nỗi sợ ngây thơ không hiện nguyên hình, an toàn núp đằng sau gương mặt băng lạnh. Lạnh vì gió đêm lạnh, mà lạnh hơn nữa vì người đem đến gió đêm.
Chính là vỡ lần đầu, vỡ thật sự. Là Thụy Kha, cũng là Lê Hiên.
– Đã ngủ.
– Ngủ được…là tốt.
Lê Hiên tiến đến ngồi cạnh Thụy Kha. Tóc tai gọn gàng, đôi mắt sáng rõ, nhàn nhạt nụ cười ấm áp trong đêm. Tím xanh hắt lên xương đôi gò má, tạo thành mấy góc cạnh u uẩn lạ thường. Lê Hiên đẹp, Thụy Kha luôn thấy Lê Hiên đẹp. Cả nước mà chọn vào hậu cung có mấy chục người, mặt mũi dáng hình đều phải thuộc loại xuất chúng. Cậu em này không có gương mặt đẹp sáng thấy rõ, nhưng người nhìn lần đầu đều thấy vẻ hài hòa, cân đối, chân phương của từng đường nét. Lạ hơn nữa là vẻ đẹp ấy rất gợi. Nó khiến người ta quay đi rồi vẫn còn phải thắc mắc một điều không thể diễn đạt thành hình thành tiếng, kích thích trí tò mò nổi lên làm người ta nhìn lại lần nữa. Nhìn lần thứ hai thấy đẹp hơn, nhìn lần thứ ba lại thấy đẹp hơn nữa; và cứ mỗi lần như vậy, người ta thích thú phát hiện ra điều phức tạp sau cái chân phương giản dị ban đầu. Nhưng vẫn chưa hết, vì người lại nhớ đáy mắt bờ môi kia như còn điều gì ẩn khuất mà ngoái nhìn hồi sau để rồi vỡ lẽ rằng cái gốc của sự phức tạp lại là sự chân phương bình thường nhất.
Lê Hiên từng ngắm Thụy Kha say mê, không biết rằng người kia cũng bị cuốn vào từng chi tiết trên gương mặt của mình. Cũng như giờ phút này, ánh mắt cậu tần đặt hoàn toàn ở bờ môi đang đóng mở từng hồi. Mở rất ít mà đóng rất nhiều.
– Mai em cùng mẹ đưa xác cha về nhà làm tang. Tối nay qua đây gặp Kha tần báo trước.
Vốn chẳng phải là báo trước cho ai xét duyệt. Mai về mà tối nay báo là báo cho biết, cho có lệ, hoặc nữa là cái cớ cho một lần mở lòng vẩn vơ.
Thụy Kha quản cung Bạch Liên, lệ thường thanh nam đều thông qua tần quản cung mà thưa gửi chuyện ra vào, tần thấy cần thì báo lên bà hoàng sau. Lê Hiên có được giấy rời cung mà không cần thông qua Thụy Kha là do Bùi Việt đến xin thẳng với ông hoàng để cậu nhỏ rời cung một tháng. Lo tang cha, lo việc nhà, lo mẹ bệnh.
Bà Minh không ngất, chỉ khóc lặng rồi thiếp đi. Không ăn, không uống, không nói, chỉ có hai dòng nước mắt dăm hồi lại ứa ra, chảy mãi chảy mãi thấm cổ áo dài. Lê Hiên lau đi, bà không cản, bởi hồn bà ở đẩu ở đâu, bắt không thấy về. Bà bắt nó không về, Lê Hiên bắt càng không được. Cậu nhỏ lau nước mắt cho bà một lần, lần sau không lau nữa. Ép mẹ ăn không được, nó chỉ lâu lâu đặt vào miệng bà miếng nước. Chẳng nói chẳng rằng, gian nhà nhỏ im thin thít, nghe rõ từng tiếng thở lỡ nhịp của nhau. Mẹ lỡ nhịp của cha, hối tiếc một mình rồi lỡ luôn cả nhịp của con.
Còn Lê Hiên, nó nhận ra và chọn không lắng nghe thêm nữa.
Mẹ thất thần từ khi thấy xác cha, Lê Hiên dắt về nhà rồi sang cung Thuận Thiên nhờ Bùi Việt sắp xếp giúp. Xác ông Minh tạm để vào hòm gỗ một hôm, phu xe được xếp ngay cho hai mẹ con đưa xác về nhà làm tang, giấy tờ đều do Việt phi quản. Bùi Việt nhìn cậu nhỏ kể sự tình một hồi chỉ nhanh chóng an bài mọi việc cho chứ không giữ lại hỏi han gì tâm tình nó. Ông phi kia biết nó cần ở một mình, bởi cả nắng chiều nhạt cũng đã không còn trong đáy mắt kia.
Lê Hiên mười sáu tuổi không khóc, mắt cũng không hề thấy đỏ, chỉ lẳng lặng chạy ngược chạy xuôi để lo mọi sự cho ngày mai kịp về. Vài người thanh nam biết chuyện đến hỏi thăm, nó đuổi đi bằng hết, việc lo xong rồi lại đi gói đồ, gói đồ rồi lại nghĩ việc mà lo, lòng vòng đến chiều tối thì ngồi cầm tay mẹ nó ngủ trên giường, nghe bà nói mớ tên cha, thi thoảng mở mắt trừng trừng rồi từ từ khép lại. Bàn tay run lên, con tim run lên định xõa bời một lần cho hết, nhưng nó chợt nhớ ra còn một chuyện phải làm, còn một người phải gặp.
Thụy Kha ngước sang nhìn cậu em ngồi cách mình ba tấc. Trường kỷ chẳng dài, hai người ngồi thế mà lại gần nhau. Trước khi cậu tần kịp nói thêm điều gì, Lê Hiên đã dựa vào vai người kia mà cất tiếng.
– Anh Kha.
Là tiếng thân thương đã lâu chưa gọi, xưa ấm bao nhiêu giờ lạnh bấy nhiêu. Trầm khàn nhưng mỏng và nhẹ, Thụy Kha nghe thấy rất êm tai. Nó từng thích những khi ở gần, Lê Hiên tâm sự chuyện ngày xưa ngày nay, trên trời dưới đất bằng chất giọng dễ say lòng người, nằm nghe một hồi sẽ ngủ lúc nào không biết. Ngủ rồi mơ sẽ không gặp ác mộng nữa.
– Nhà có tang chắc nhiều việc phải lo nhỉ? Xưa kia cha anh mất chắc cũng phải mấy bận vào ra?
Thụy Kha vuốt mặt người em, hôn tóc nó mà bảo.
– Đừng thế này, xin em đừng thế này.
Lê Hiên ngước mặt lên nhìn Thụy Kha trong mấy giây rồi cười mỉm, môi thành đường cong nhẹ.
– Anh đừng lo. – nó lại dựa đầu vào vai người anh nọ – Tôi đang đi trên giới hạn chứ chưa vượt qua nó. Hương sen ở nhà có thể sẽ khiến tôi vượt qua giới hạn…mà một lần…cho hết. Hoặc hoài không hết được.
Thụy Kha lắc đầu, thấy buồng phổi mình bị ép nghẹt.
– Không phải tôi làm. Nếu muốn thử lòng tôi thì em đã làm được rồi, không cần phải thế này nữa.
Cậu tần quay mặt đi, Lê Hiên vươn tay ra xoay lại thì thấy đôi mày kia nhăn lại, hai con mắt tơ đỏ nổi lên.
– Sao tôi lại có thể không biết chứ? – Lê Hiên lấy tay xoa nhẹ, giãn cặp mày Thụy Kha ra – Anh còn cần phải nói sao?
Thấy người kia tiếp tục nhìn mình trân trân, Lê Hiên rời tay, thu người lại rồi giấu mặt vào đầu gối đang co lên, hai mắt nhắm lại .
– Đừng lúc nào cũng suy đoán nghĩa bóng này nọ. Tôi không sâu sắc tinh tướng đến vậy, cũng không đủ tài diễn kịch để thử lòng hay tra tấn tinh thần anh Kha. Chỉ là tôi biết anh không liên quan đến cái chết cha tôi.
– Em biết kẻ đứng đằng…
– Cha tôi ngã chết.
– Em…
– Cha tôi ngã chết.
Lê Hiên mở mắt.
Nhìn Thụy Kha ngắc ngứ mấy tiếng không rõ ràng rồi lại thở dài, Lê Hiên tiếp tục buông giọng trầm đều.
– Không phải tôi đau khổ đến thất thần như mẹ tôi đâu. Tôi đã nói rồi, tôi đang đi trên giới hạn. Chúng ta chưa vượt qua nó. Tôi còn đủ tỉnh táo để hiểu.
Gác cằm lên gối, cậu nhỏ lại quay ánh mắt ra khoảnh sáng mờ nhòa ảo diệu của đêm tối ngoài sân.
– Nói là tôi đến dày vò anh cũng được. Muốn trách anh, tôi cũng không thiếu chuyện để trách, nhưng tôi trách thì được gì…Cũng như cha tôi, tôi khóc thì được gì? Tôi phải nhờ người này người kia mà lo tang cho sớm, tôi phải giữ mình quay mòng với mấy tính toán ngược xuôi, bởi tôi biết mình đang chênh vênh trên giới hạn. Nó mỏng manh lắm, mà bước chân tôi đi giờ nặng lắm.
Thụy Kha nghe đứa em nói, trút ra một hơi thở dài sau cùng rồi lặng im, cùng nó ngóng ra ngoài sân, nghe lòng mình nặng mà không rớt xuống, chỉ bay la đà mà bứt rứt không thôi.
– Đến bây giờ, tôi giấu anh mà làm gì. Tôi đâu có đấu với anh, mặt tôi sao tôi để thế, lòng tôi sao tôi nói thế, phút này tôi phải thành thật với anh, với chính bản thân mình. Buồn thì tôi buồn, cha mất thì tôi đau, cha xa ở chốn nào đấy giờ mới lại gần, bất thình lình lại rời xa vĩnh viễn. Vĩnh viễn? – nó cong miệng cười chua chát – Anh Kha à, bây giờ tôi tin rằng chỉ có sự tiếc nuối mới là vĩnh viễn. Hoặc là sự cô đơn. Hoặc là cái sự thật rằng mọi thứ trên đời đều ngắn ngủi biết bao.
– Lòng người vui hay buồn, tâm người vững hay rung, trí người khôn hay dại, rốt cùng cũng không phải là một giai đoạn của đời người. Tất cả chỉ là những khoảnh khắc đổi thay khôn lường. Chúng ta nắm bắt sự thay đổi đó không kịp nên mới tiếc nuối. Thế nên tiếc nuối mới trường tồn. Mà chúng ta lại vo tròn bản thân trong nỗi tiếc nuối của bản thân, nên cô đơn cũng là trường tồn như vậy.
Đặt chân xuống lại, Lê Hiên đứng lên rồi bước ra thềm nhà, dựa thân người mảnh khảnh vào khung cửa. Trong một thoáng, Thụy Kha ngỡ như thân thể nó hòa vào màn đêm mà tan đi mất, chỉ còn lại giọng nói âm trầm thấp thoáng bên tai.
– Tôi đã luôn biết rằng mình đang rơi xuống. Chậm nhưng mà nghe tiếng gió vút qua. Tôi cô đơn nhiều đêm, anh biết không? Mẹ là tia sáng duy nhất cuối cùng bên tôi, vậy mà bà lại quay đi với nỗi đau riêng mình. Tôi ước bà khóc thật to để tôi có thể khóc theo cùng, nhưng bà chỉ ngẩn ngơ ứa lệ từng đợt. Vậy rồi nên tôi cũng ôm gối vò võ một mình. Ngay khi tôi ở bên bà, ngay khi tôi ở bên anh, tôi đều thấy cô đơn. Chắc là tôi tham lam mất rồi.
Gió đêm có cuốn đi vài chữ, nhưng Thụy Kha nghe đều hiểu.
– Khi tôi đi, tôi nghĩ. Người ta bảo tôi u sầu ủ dột, hồn phách tận đâu, tôi nghe đều biết, nhưng tôi cần phải nghĩ. Cái mà tôi thông ra được chính là quan niệm đau đớn về cái đẹp trong cuộc đời này. Cái đẹp chỉ có ở bi kịch. Nhiều người đẹp lắm, vì đời là bể khổ. Anh cũng đẹp, rồi tôi đua đòi theo anh, trông tôi lại kệch cỡm bao nhiêu. Áo anh tôi mặc không vừa, phận anh tôi bám không xong.
Thụy Kha đứng dậy, từ từ bước đến phía sau lưng Lê Hiên, tai dần lắng nghe tròn đầy từng tiếng một. Chẳng trầm chẳng bổng, cũng chẳng réo rắt bi ai, chỉ nhẹ nhàng từng hơi từng chữ như tiếng thở một hơi sau cùng của màn đêm trước khi tím xanh kia lụi tàn đi mất.
– Tôi làm gì có bi kịch chứ? Cha tôi chẳng qua là không có chí tiến thủ, lo phận mình chẳng xong. Đàn áp bắt nạt cũng không thể bị hoài, huống chi bao người không vạ, cha tôi lại vạ, rốt cùng là vì ông đóng không trọn vai khổ. Khổ thì phải biết thoát khổ, như người ta từ quan, về làm ruộng vườn cũng xong. Hoặc khổ như anh mới có chí tiến lên, bây giờ thành cậu tần, chẳng mấy mà tôi phải gọi bằng ông phi.
Vòng tay ôm cổ đứa em từ đằng sau, Thụy Kha miết cằm lên vai nó. Cười giễu ra tiếng, giễu bản thân tự nghĩ mình hiểu hết, giễu cái chân đau cản trở đôi mắt nhìn kẻ khác đau. Đau khổ nào mới là vết cắt thật sâu, đo đếm thế nào cho biết mà tinh tướng với nhau?
– Hiên! Nếu tôi ôm em thế này, em có còn cô đơn không?
– Kha tần muốn chia sẻ với tôi?
– Nếu là tôi của ngày xưa?
Lê Hiên quay mặt lại, gỡ tay Thụy Kha ra mà cười khàn.
– Anh Kha ơi là anh Kha, anh chơi đùa với lòng người mãi mà quên nó trông thế nào rồi sao.
Vòng tay lên cổ Thụy Kha, mặt đối mặt, Lê Hiên cười thêm lần nữa.
– Nó bết như đất sét. Anh nắn, anh nhào, bây giờ lại muốn nó trở về hình dáng cũ sao? Mà giả sử như anh vo vê nó được thành hình rồi, anh có chắc bàn tay mình sẽ dừng lại không?
Thấy người anh kia không lên tiếng, Lê Hiên tiếp tục.
– Tôi nói mấy điều này cho anh cũng chẳng biết để làm gì. Tôi không cần sự chia sẻ. Có khi tôi chỉ nhớ ra một người. Một người xa tôi lắm rồi, một người làm đau tôi mà vẫn làm tôi nhớ. Không phải là anh của ngày nay hay ngày trước, mà là chính tôi trong anh, là chính anh trong tôi…
Nhìn Lê Hiên bần thần trong giây phút, Thụy Kha gật đầu chậm rãi mấy cái rồi quay lưng lại về phía đứa em.
Lời nói ở đầu môi có khi không tải hết tâm tình. Hoặc giả có là lời từ gan ruột thật thà, đến tai người kia cũng là đã khác. Phải nghe, phải hiểu, phải trả lời, phải dựa, phải ôm, thế mà bao lâu vẫn không thành chia sẻ. Mỗi người khi nói ra lòng mình đều như hé mở dần từng kẽ tay đang bịt chặt vết thương trong tim, tự khắc sẽ mong đợi một thứ ánh sáng cùng màu, một loại âm thanh đồng điệu. Tiếc là hai con người không ai giống nhau hết được, chia sẻ và lắng nghe vì thế mà trở thành chặng đường chông gai vô cùng.
– Chẳng thà như em nói ngay từ đầu là đến để làm tội tôi.
Bóng lưng nào cũng lạnh đến tê người. Lê Hiên bước tới gần Thụy Kha, từ đằng sau dựa vào lưng người phía trước.
– Nói thế cũng được, nhưng tôi còn muốn nói một lời tạm biệt.
Thụy Kha khịt mũi, cảm giác như ngón tay xước nào đang chà xát lên dây đàn thật căng, vừa rợn người vừa buồn thảm.
– Chỉ là tạm biệt thôi, tôi đi rồi sẽ trở về. Ra sao thì ra, tôi cũng phải trở lại nơi này. Tôi không khiếp sợ hay căm hận nó gì cả, thật tình thì nơi nào cũng là một chốn cô đơn mới mà thôi. Chỉ là, khi tôi trở lại, sẽ không còn thế này được nữa, vì…có những thứ đã lỡ rồi. Theo dòng như thế, là lục bình trôi. Còn lời cuối cùng…là một lời nhắc lại.
Lê Hiên đột ngột rời khỏi tấm lưng người anh, để gió lùa vào khiến Thụy Kha bất ngờ run rẩy.
– Anh cho em những gì em muốn, nên em thương anh.
Không có tiếng guốc mộc nào vang lên vì cậu nhỏ kia từ đầu đã đi chân đất, nhưng Thụy Kha biết nó đã rời khỏi rồi. Người đến mang gió lạnh, người đi bỏ lại gió lạnh hơn.
Tím xanh một khoảng trời đêm, tím đen một khoảng trời thương, hun hút hun hút đến tận nơi cao. Sao mà với hoài không tới, sao mà không thể ôm gọn cho nguôi? Sao mà day dứt để hoài không trọn vẹn trao, không trọn vẹn nhận?
Thụy Kha bắc ghế ra trước cửa nhà, đứng lên hất chiếc lồng đèn đỏ xuống đất, theo đà ngã xuống đất lạnh cũng không buồn đứng lên. Cảm tình nguyên sơ nóng hổi hôm nào còn ấm đầu ngón tay bây giờ thành vết bỏng cháy mòn da thịt. Cạo đi từng vết cháy đen đúa bên ngoài, hoảng hồn nhận ra bên trong còn phập phồng sự sống hồng non. Con tim bên trong còn đập vang từng nhịp, để chỉ nghĩ đến cảnh chia tay và gặp lại hồi sau thôi là đã thấy run người.
Có những điều đã thành nhịp điệu, sai đi một phách lại phải ngậm cay.
Lê Hiên đi buổi sáng hôm sau, Thụy Kha đứng ở trên lầu nhìn nó xách hai bị nặng dắt bà Minh lủi thủi ra ngoài. Ánh mắt sắc lạnh bám theo bóng lưng hai mẹ con nhà kia một hồi rồi dứt, khi Lê Hiên ngoái lại nhìn thì đã thấy lầu cao vắng bóng người.
– Chào anh.
Nhỏ giọng nói một lần cuối cùng chỉ để cho gió nghe chứ không thể nào vang tới lầu cao được. Không phải vì người này đứng thấp, kẻ kia đứng cao, vốn chỉ vì cả hai không thể thuộc về nhau được, chỉ có thể cùng nhau song song chứ không thể nào chạm nối. Mấy đường thẳng cong, mấy nét vuông tròn, còn ở lại là một đoạn tình cảm không thể gọi tên, nhắc nhở lòng nhau cùng tiếc nuối, cùng oán trách, cùng thở than. Nhịp điệu giống nhau duy nhất lại là nỗi cô đơn úa nát khô cằn.
Cô đơn khi ở bên Thụy Kha, nay lại cô đơn cả khi ở bên mẹ. Lê Hiên ngồi trên xe ngựa, lấy tay ôm đầu mẹ dựa vào vai mình. Thi thoảng thấy ướt vai áo, nhìn lại vẫn là đôi mắt vô hồn của bà Minh đang rỉ ra hai dòng nước trong. Lấy tay quẹt đi nước mắt giúp mẹ, Lê Hiên nhếch môi rất nhẹ, ngả đầu ra sau một chút.
Xe ngựa đi đường xa khá xóc, ghế gỗ ngồi cũng chẳng êm, chỉ là đi mấy lần đã quen, bởi trước kia nhà cũng chưa bao giờ đủ giàu để thuê xe đệm nhung êm ấm.
Nhưng xe ngựa vẫn là xe ngựa, vẫn có vuông cửa sổ con con mà mấy lần gió thốc mành vải lại thấy ánh mắt khinh khỉnh của những người dân đen. Họ đen bùn đồng ruộng, đen hạt gạo mâm cơm, có khi còn đen thân vác kiệu, khiêng võng cho nhà quan lớn. Họ thấy cậu nhỏ kia trắng trẻo quá, tội lỗi quá, đáng khinh quá…
Lê Hiên phóng cái liếc sắc lẻm về một người bên đường đang nhìn mình chăm chú. Ông ta cúi mặt xuống, mấy nếp môi xéo vào nhau nghe không ra tiếng gì. Vậy mà Lê Hiên nghe ra tiếng oán thán. Đứa nhỏ trước kia sẽ suy nghĩ buồn phiền hoài trong lòng; đứa nhỏ ngày hôm nay biết đời có người đóng vai nạn nhân thì phải có người đóng vai kẻ ác. Hoặc là nạn nhân, hoặc là kẻ ác, vốn người ta thích trắng đen phân biệt, sẽ không để đất diễn cho kẻ qua đường xám nâu.
Mà Lê Hiên nghĩ, có khi làm người ác cũng được.
Mẹ bảo an tĩnh chỉ là một trạng thái, không phải một giai đoạn, vậy thì làm người ác rồi cũng có thể an tĩnh thôi. Nhưng mà ác thế nào? Làm ác rất khó, bởi ngay từ bước đầu tiên, người ta phải đành đoạn với những giá trị mình từng tin tưởng. Có cái giá trị nào vĩnh cửu đâu, mọi thứ đều là những giá trị nhất thời, nhưng cả cái nhất thời cũng khó mà qua đi. Có khi nó như vết mực trên trang giấy, không tài nào xóa đi được. Muốn xóa đi cái nhất thời này thì tốt nhất là đốt bỏ đi trang giấy đó khiến vết mực cũng phải chết theo.
Cậu nhỏ thở ngắt ra từng hơi ngắn, nhìn xuống mắt mẹ mình rỗng toác như một vết nứt ở tận đáy lòng, chính là nứt từ dưới đáy hồ sâu khiến nước bị hút vào vết cả, rút đi hết long lanh nắng sớm hôm nào trong đáy con ngươi. Tóc mai mẹ bay lên, Lê Hiên nhìn theo ngọn gió vừa thổi qua mành đã thấy bình yên hoang vắng vùng ngoại.
Đã ra khỏi kinh thành từ lâu nhưng chưa đến thôn trấn nào, quãng đường vắng không một bóng người chỉ lặng thiền cùng đất đá. Một bên dốc núi lười nhác nghiêng mình, một bên rừng cây yên ắng nhìn sang. Đoạn này rất vắng, nó biết, vì sắp về đến nhà.
Nhưng đường về nhà xa lắm. Đường đất thì đi hoài rồi cũng tới, nhưng đường đời ông trời xếp cho lại dài thăm thẳm, quanh co lắt léo không hay. Có những sự không biết ai bày, xảy đến rồi mới bàng hoàng nhận thấy cái buồn mười sáu năm kia bé bằng hạt cát, và cả nỗi đau mất cha còn tươi mới này cũng chỉ là lưng bát mà thôi.
Ngay lúc nó ngả đầu lên đầu mẹ để tận hưởng chút yên ắng hiếm hoi thì ngựa ở ngoài chợt hí lên lớn tiếng, nối theo sau là tiếng người phu xe kêu “tha mạng” mà răng gõ côm cốp vào nhau.
Vừa mở rèm ra, đập vào mắt cậu nhỏ đã là một đường đao cứa ngọt cổ người phu xe. Xác ông ta ngã về sau, đầu chạm vào đùi nó. Hai mắt người chết mở trừng nhìn xoáy vào trong não người sống, khiến cậu nhỏ trong một giây cảm giác luồng hơi xám lạnh nào bao lấy cổ họng mình, khơi lên dịch chua từ trong bụng. Bản năng muốn sống trỗi lên, miệng nó vừa mở ra đã bị một bàn tay thô to chặn lại.
Ngoài xe là toán người năm tên vận đồ đen bịt mặt, chỉ để lộ ra mấy đôi mắt đỏ ngoét trừng trừng. Miếng giẻ nhét vào miệng khiến nó ú ớ không ra câu, ngay giây sau cả thân đã bị vất ra nền đất cứng. Trong xe, bà Minh vừa lui cui bò ra, chưa kịp định thần để hiểu chuyện gì đã bị đẩy ra gần chỗ con trai. Và ngay lúc bà ngã chúi người về phía nó, Lê Hiên nhìn thấy điều kinh hãi nhất cuộc đời mình.
Đao to phía sau vung ra, đầu bà Minh rơi xuống ngay trước mặt.
Đứt lìa.
Vỡ toác.
Tình thương của nó. Tia sáng của nó. Tâm hồn của nó. Tâm trí của nó.
Mẹ của nó. Điều còn lại cuối cùng khi tất cả qua đi của nó.
Bẽ bàng đau đớn quặn trào từ ngoài vào trong, đổ hết yêu thương vào vũng máu đang tràn ra nóng rẫy. Máu thịt đỏ tươi của hai nửa cơ thể ngập tràn trong mắt, là đáy mắt cũng như con ngươi. Cuồn cuộn rần rật máu chảy trong thân thể, chảy dốc lên đầu, đánh thẳng vào não, gây tê liệt toàn bộ chân tay, nhưng trong từng thớ thịt còn nguyên sơ nỗi sợ, đau, hãi, hận, vây tròn vây tròn rồi bắn xuyên vào lòng và tâm, để lại một vết thương thành thẹo về sau còn mãi.
Nước rút xuống khe nứt thật nhanh, hơi thở trong phút chốc bị rút cạn. Chiếc cổ mà hôm nào nó vừa hôn lên giờ chỉ còn là đống thịt dư đỏ máu của phần đầu. Đôi mắt còn mở nhìn nó trân trân là đôi mắt dịu dàng nhìn nó âu yếm bao năm trời. Khuôn miệng đẹp mà nó thừa hưởng không còn cử động nữa. Những đường tơ máu, thật ở đây, rõ ràng ở đây, đâm thủng từng nếp não, xé rách con tim, nấu sôi ùng ục từng giọt máu trong người. Luồng hơi xám lạnh siết mạnh lấy cổ nó, và Lê Hiên có cảm giác cổ mình sắp đứt lìa ra.
Đứt lìa.
Vỡ toác.
Khi lồng ngực muốn vỡ ra, nó biết rằng vốn mình chưa vượt qua một giới hạn nào. Những nỗi buồn ủ giấm không thể sánh bằng nỗi đau, nỗi sợ, nỗi khiếp đảm kinh nhược như lũ tràn về này. Giới hạn này, nó cháy tưng bừng, cháy thành tro, cảm nhận rõ ràng cả cơ thể mình đang bị thiêu sống mà lại không chết được. Nghẹt thở từng giây, từng phần trăm phần ngàn của giây, qua từng cơn lại thêm nghẽn đến đau buốt vào xương chứ không hề vơi bớt.
Đứa nhỏ mười sáu tuổi gặm lấy miếng giẻ không thể chặt hơn nữa, ú ớ mấy tiếng hoang dại. Hoang như chó hoang, mèo hoang, hoang như bão như cát, hoang như đồng như ruộng, hoang như đôi mắt người chết nhìn người sống. Mẹ nó chết chưa thốt lên được tiếng nào mà quanh tai vẫn nghe từng tràng âm thanh người nói liên tục. Không, không, nó bảo đây là mơ, nhưng miếng giẻ đắng miệng lại thật đến phũ phàng, và từng phân vuông da thịt đang rung lên mới thật làm sao.
Tâm trí nó trống rỗng. Không có kỷ niệm, không có quá khứ. Không có dự định, không có tương lai. Không có màu xám của nỗi buồn đóng cặn, không có màu đen của những đêm tối cô đơn. Chỉ có hiện tại của ngay giây phút này. Chỉ có màu đỏ của cái đầu này, máu thịt này. Như không còn là mẹ nó. Như không còn là thứ gì thân thuộc. Như không còn là thứ gì mà nó từng biết đến. Như không phải là của con người.
Hành động này, khung cảnh này, giây phút này, hiện tại này không nằm trong phạm vi con người mà nó từng nghe và nhìn thấy. Mắt nó không nhắm mà căng tròn, tận hưởng thỏa thuê máu thịt trước mặt. Tai nó chào đón cả tiếng thở gấp rút của chính bản thân, cho nó biết mình còn đang tồn tại, và rằng sự sống đằng kia đã kết thúc thật sự rồi.
Lần đầu tiên trong đời cũng là lần cuối cùng trong đời, sức mạnh đến thật bất ngờ khiến nó vùng thoát được hai tay mình đang bị khóa chặt sau lưng. Tay nó bưng cái đầu, tay nó giữ cái thân, ôm trong mình nguồn sống đã đứt làm đôi, đã vỡ làm đôi, hay làm ba làm tư làm năm làm sáu. Hay một nghìn một vạn.
Cay nghiệt nhất là nó không chết, bởi nó ước mình chết ngay phút này thôi, là đầu nó sẽ rơi tròn tại đất này, trên con đường về nhà, trên con đường vắng vẻ chỉ hai mẹ con nó đi, trên con đường về vùng ngoại Nam Thành yên tĩnh đến nghe được tiếng gió lùa mành thưa.
Khi nó ngước mặt lên lần nữa để gào như con chó điên mất ổ tru hoang, thấp thoáng từ xa là bóng một người đang đơn phương giết từng tên bịt mặt.
Người kia vút đường kiếm giết nốt tên sát thủ cuối cùng, nhìn cậu nhỏ ôm đầu và thân người đàn bà mà ư hử từng hồi trong cổ họng. Giọng cậu ta trầm, khàn, mà miếng giẻ còn ở trong miệng khiến những âm thanh kia như bị nhốt vào họng, vọng bên tai là tiếng ma quỷ không rõ âm người. Tiếng gào, tiếng rên kia xé rách một mảnh nhỏ tâm hồn của kẻ từng thấy thân người bị phanh thây thành tám khúc. Chẳng thà cậu ta khóc than, nghe có mủi lòng cũng không ai oán như tiếng gào hoang sơ như vậy.
Đôi mắt xanh ngọc ngập tràn tơ đỏ kia từ từ nhắm lại, và lúc cậu nhỏ sắp ngã ra sau, người nọ đã tiến tới kịp lúc để đỡ lấy. Thân thể mảnh gầy lạnh lẽo rơi vào vòng tay, người nọ liền một thoáng rùng mình. Lạnh lẽo vì một người đang từ chối sự sống của chính bản thân mình, tự rút cạn hơi ấm phần người, để lại khô cằn lăn lóc phần con.
Từ xa tiếng chân người gần lại, một người thuộc hạ chạy đến phía sau, thấy đầu lĩnh mình đang ôm một cậu nhỏ lại vừa cố gỡ cái đầu trong đôi tay gầy mảnh kia ra.
– Anh Kháng, không sao chứ? Còn người này…
– Tôi không sao.
Gỡ được đầu bà Minh trong tay Lê Hiên ra, Trần Kháng bế cậu nhỏ đứng dậy, nhìn khuôn mặt tím xanh nằm gọn trong vòng tay mình rồi ngoảnh mặt nói với người kia.
– Cậu ta kinh sợ mà ngất đi, tôi muốn đem về trông nom mấy bữa. Mấy xác đàn ông kia anh đem chôn, xác người đàn bà thì hốt đem đi đốt, xong đưa tro vào hũ mang đến chỗ tôi.
– Tuân lệnh.
Đi được vài bước, chợt nhớ ra chuyện gì, Trần Kháng quay lại nói thêm với người thuộc hạ.
– Gươm đao nhờ anh thu dọn rồi đem về trạm mình nhờ họ khám xét. Tôi nghi là của người trong hoàng cung.
Người thuộc hạ dạ thêm một tiếng, nhìn lại vũng máu mà lắc đầu, chợt để ý tiếng thở phì phò mà ngẩng đầu lên nhìn xung quanh.
Con ngựa bị đao chặt một chân, nằm trên đất thở từng hơi nặng nhọc. Hòm trong xe ngựa bật nắp, nằm bên trong là xác một người đàn ông.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top