[ÁO DÀI HÀ BẮC] MƯỜI HAI.

Bùi Việt giữ đúng lời hứa với Văn Duy mà cho người đưa tro hai anh em họ Phạm về lại bên gia đình vốn đã bị đày ra tận vùng biên giới. Hũ tro đầy hơn bình thường, họ nhìn vào cũng hiểu vì sao. Cả nhà chỉ còn hai đầu bạc thờ hai đầu xanh, buồn tủi uất hận cũng đành cất vào cho hết.

Người có tội chết rồi cũng chẳng ai thương, hoàng cung cũng chẳng vì thế có mùi tang tóc. Vậy nhưng Bùi Việt thương tình hai cậu cựu tần mà xin ông hoàng lập một góc bàn thờ nhỏ ở cung Thuận Thiên; Trung Chính biết ý vợ mình nên gật đầu đồng ý. Được một tháng sau khi Văn Duy, Văn Nam mất, Bùi Việt cho người gọi Lê Hiên sang cung mình, lấy cớ là cùng mình tế ngu. Tế ngu vốn chỉ dành cho nhà nào theo lối địa táng, cũng chỉ là việc con cháu tang gia phải làm, Lê Hiên nghe qua biết có điểm bất thường cũng đành tuân mệnh mà sang. Ý tứ của người lớn trong cung lúc nào cũng ngoằn ngoèo mấy khúc.

Cung Thuận Thiên bài trí đơn giản, nhìn vào cũng khó nghĩ là nơi phi ở. Vào cổng rồi phải đi qua bãi đất trồng một cây đa cổ thụ to bè, Lê Hiên có cảm giác như đi chùa hơn vào cung của người lớn. Dẫu đây là lần thứ hai nó vào nơi đây, cảm giác vẫn mơ hồ khó tả. Kiến trúc sân vườn ngay giữa, chung quanh bốn hướng là một cổng ba gian, gian chính đối cổng, lúc đi vào sẽ thấy hai gian hai bên. Cửa gian bên phải để mở, Lê Hiên nhìn vào thì thấy nhiều bàn thờ nhỏ xếp hai hàng ngay ngắn đối nhau, nhang cắm mỗi bàn một cây, khói giăng mỏng như lụa. Kỳ lạ là gian thờ này không mang lại cảm giác tiêu điều âm u mà trái lại thanh tịnh tao nhã, đích xác là chốn nghỉ ngơi yên bình của người đã khuất.

Vào cửa gian chính, Lê Hiên đã nghe tiếng trẻ con khóc rống lên. Giữa nhà là một đứa bé hai má căng tròn, mắt đen óng ánh lại ươn ướt, tóc tết hai bím đằng sau, áo đỏ quần đen, ngồi bệt hẳn ra nền gạch như đang giận lẫy. Đằng sau là một bà vú già cúi đầu im lặng và Bùi Việt đang cầm trên tay một tô cháo, miệng thổi phù phù vào thìa sứ trắng tinh. Bùi Việt đang chăm con ăn nên xắn hai tay áo dài quá khuỷu, nửa quỳ nửa ngồi trên đất gần đứa bé, miệng hết thổi nguội lại dỗ ngọt con, không thấy được Lê Hiên đang đứng ngoài nhìn vào mà cười.

Giữa bộn bề xuôi ngược, con trẻ bao giờ cũng thắp lên một niềm tin diệu kỳ, mà diệu kỳ nhất chính là khiến cả không gian xung quanh sáng bừng lên tình thương. Người cha, người mẹ nào ở trong không gian ấy cũng đẹp lên muôn phần. Có là người đàn ông đã qua tuổi ba mươi, khi nhìn con trìu mến mà cười thì cũng đẹp hơn cậu trai hai mươi nhiều lắm. Thấy con ăn ngon ngủ yên, cha mẹ nào cũng vui mừng là vậy.

Lê Hiên nhìn vào lại nhớ đến mẹ ở nhà. Năm nó lên bảy lên tám, ốm yếu nên hay bệnh vặt, mẹ đi chợ mua hành mua thịt về nấu cháo cho. Đứa nhỏ nằm trên ván, khó chịu nên rên hử hử, hành mẹ đang nấu cháo vẫn phải vào ra liên tục. Khi phải bóp chân bóp tay cho con, khi lại phải ôm vào lòng mà vỗ, vậy mà vẫn xong bát cháo hành thơm nức mũi. Lúc mẹ bưng trên tay bát cháo nóng hổi, đặt xuống ván mà xuýt xoa mấy đầu ngón tay, gương mặt trông rất tức cười. Nó cười thật, mẹ thấy thế cũng cười theo. Trong khoảnh khắc đó, nó thấy mẹ rất đẹp. Người ta hay khen mẹ có nụ cười đẹp mà nó may mắn được thừa hưởng, chỉ là họ thường nhìn thấy nụ cười duyên chào khách đến chơi nhà, ít ai thấy nụ cười vui sướng hở cả hàm răng trắng đều và tiếng cười khanh khách khi bà thật sự khoan khoái. Mà khoái hoạt của người cha người mẹ chính là lúc ở bên cạnh con mình.

Suy nghĩ trôi theo về quá khứ, Lê Hiên đứng ở bậc thềm mà mỉm cười ngây ngô. Đứa trẻ là người đầu tiên ngước lên nhìn thấy nó, đang khóc tránh thìa cháo đút tới thì lại cười lên một tiếng. Biết tính con thấy người lạ hay cười, Bùi Việt mới ngẩng đầu lên. Biết người nọ nhìn thấy mình, Lê Hiên liền khom người khoanh tay.

–        Em kính chào Việt phi.

Bùi Việt thấy Lê Hiên thì cười mãn nguyện, gọi bà vú già đang đứng cúi mặt ở đằng sau ra, trao lại bát cháo rồi mới dắt tay Lê Hiên ra ngoài. Thấy vậy, Lê Hiên liền rối rít thưa.

–        Ông phi cứ việc cho con ăn tiếp đi ạ!

–        Không cần, bà vú cho nó ăn cũng được rồi. Ta đã gọi em đến mà để em phải chờ thì không phải đạo tiếp khách.

Bùi Việt dẫn Lê Hiên sang gian thờ. Bước vào rồi mới thấy gian phòng rộng hơn mình tưởng, nhẩm tính hai dãy hai bên phải đến hai mươi bàn thờ. Nhang thơm thoang thoảng chứ không ngạt mũi cay mắt như mấy chùa đông người, thanh tịnh cũng là vì vậy. Dẫn Lê Hiên đến cuối phòng nơi bài vị hai anh em họ Phạm, Bùi Việt cất tiếng.

–        Ta lấy cớ tế ngu bảo em sang đây, thiệt ra cũng đúng vài phần. Chỉ cần em thắp cho họ nén nhang thôi.

Lê Hiên tuy hơi ngờ vực nhưng vẫn làm theo. Đợi nó vái xong ba vái, Bùi Việt mới cầm tay nó bước ra ngoài sân vườn.

–        Chắc em thấy lạ khi ta lập nhiều bàn thờ ngay trong cung mình phải không?

Đợi Lê Hiên “dạ” nhỏ một tiếng, Bùi Việt mới trả lời.

–        Họ đều là phi tần, thanh nam tú nữ trong cung, vì gây tội mà không có nơi chôn cất đàng hoàng tử tế. Tro hay xác đưa về nhà là một chuyện, ta thấy họ cũng nên có chốn đi về trong cung nên lập bàn thờ vậy. Dẫu sao, đây cũng từng là nhà của họ.

Lê Hiên nghe chữ “nhà” thì không nhịn được mà cười buồn một tiếng. Bùi Việt nghe được cũng chép miệng.

–        Ta biết, nói chữ “nhà” ra nghe nó mỉa mai lắm. Hiếm ai thương nhau, chỉ toàn giết hại và vu oan cho nhau thì không đáng gọi là nhà. Chỉ là, nói gì thì nói, đây vẫn là nơi họ và chúng ta gắn bó dài lâu.

Nghe Bùi Việt nói, Lê Hiên chỉ thấy ngạt. Mấy hôm nay nó đã suy nghĩ nhiều về chuyện trong cung, cũng chưa bao giờ nghĩ tới sự thật rằng mình phải chết ở đây. Hoàng cung đã vào thì khó mà ra, đây lại là hậu cung, có không được ông hoàng để ý cũng đành vò võ một mình mà đoạn ngày đoạn tháng. Nhận ra tâm tình của đứa trẻ, Bùi Việt cất lời.

–        Em đang không biết làm gì cho phải, đúng không?

Ngạc nhiên khi có người nhìn thấu tâm can mình, Lê Hiên quay mặt sang nhìn Bùi Việt.

–        Người trong hậu cung chẳng ai có việc bên bộ Hình. Hôm kia ta thấy em là biết ngay Văn Duy đã cho người đưa tin ra cầu viện. Chuyện của nó, em không cần cảm thấy tội lỗi đâu. Với Thụy Kha cũng vậy. Em đừng cảm giác mình là người bị kẹt ở giữa mà vô tình làm xấu chuyện của cả hai bên.

Ngồi xuống một chiếc võng mắc trong sân, Bùi Việt nhìn lên trời bị tán cây đa che khuất.

–        Ta gọi em đến đây cũng là để nói chuyện này. Trong cung không có người tốt, cũng không có người xấu. Chẳng ai chánh, chẳng ai tà. Người ta đấu tranh vì danh lợi, cả sư trong chùa cũng chẳng trách được. Đấy là bản tính con người. Đã là con người với nhau thì không cần lên án bản tính này làm gì.

Bùi Việt quay lại nhìn đứa con đang ăn cháo, nhoẻn miệng cười rồi nói tiếp.

–        Ta ít vì danh, nhưng ta nhiều vì lợi. Ta làm mọi chuyện, lợi nhất là cho bản thân mình. Ta chỉ sống khép kín với con mình, chính là để tìm cho mình thanh thản. Ta không bao giờ giúp đỡ ai tận tình, cả khi ta có cảm tình với người đó và bản thân họ đang trong hoạn nạn khó khăn; lý do là ta không muốn mạo hiểm thân mình cho ai cả. Thân mình chỉ để cho con mình thôi.

Nhìn lại vào gian thờ, Bùi Việt lại cất giọng đều đều, nhỏ mà vang như nói bên tai, nghe là biết ngay làn hơi của dân gánh hát khi xưa.

–        Nhưng ta vẫn sợ họ buồn giận với mình mà lập bàn thờ. Nói đi nói lại, chính là hèn yếu không dám xả thân nghĩa hiệp, lại tham thanh thản cho tâm hồn.

–        Nhưng ông phi không quá thân thiết với ai, cũng đâu cần vì họ mà quên mình?

Nghe Lê Hiên cao giọng, Bùi Việt quay lại cầm tay nó mà cười nói.

–        Chính thế. Em nhìn lại tay mình xem. Em ôm nổi bản thân em, tốt nữa là gia đình em, đã là quá đủ. Còn chuyện của người dưng nước lã, em có lòng là được rồi. Ta không phải dạy em vô tâm vô tình. Tình người có với nhau thì vẫn quý giá lắm, nhưng em phải biết lòng người không đủ rộng, sau này đừng bao đồng chuyện thiên hạ mà tổn hại đến bản thân mình.

Lê Hiên cúi đầu vâng dạ, giây sau lại ngẩng mặt lên.

–        Tại sao ông phi lại nói với em mấy chuyện này?

Buông tay Lê Hiên ra, Bùi Việt đi lại vào gian nhà chính. Đứa bé đã ăn xong, được bà vú đem vào bên trong cho nghỉ.

–        Vì ta từng giống em. – Bùi Việt chỉ tay vào trường kỷ – Ngồi đi.

Theo sau người kia ngồi xuống trường kỷ, Lê Hiên vuốt nhẹ một góc tà áo.

–        Ta vào cung lúc mới mười sáu tuổi như em. Dẫu có là dân gánh hát ngược xuôi mọi miền, gặp nhiều dạng người và nhiều sự tình biến cố, ta vẫn là khờ khạo chuyện trong cung. Đối nhân xử thế chưa rành, ta từng bị kẹt trong hoàn cảnh tương tự. Một người em ngày xưa thân thiết với ta lại trở nên thâm độc mà lập kế hại người. Ta quý em ấy nên biết mà không nói ra, nhưng phần lo ngại cho người kia nên cuối cùng vẫn muốn có lời xin giúp. Kết quả, ta xin không được, người kia chịu tội chết, còn tình anh em cũng rạn nứt.

–        Sao ông phi biết chuyện của em và anh Kha?

–        Ta sống tách biệt với mọi người chứ không phải không biết chuyện gì đang diễn ra trong hậu cung. Ta phải biết để đề phòng cho bản thân mình. Chuyện Thụy Kha là người của bà hoàng, cả hậu cung đều biết. Ta nghe qua sự tình hôm thi đàn rồi thấy em vào gặp Văn Duy thì cũng đoán ra chuyện nào có liên hệ với ai.

Lê Hiên ngừng bàn tay đang mân mê góc áo, gác tay lên thanh dựa rồi nói.

–        Thật ra, em lo nghĩ không phải chuyện của Duy tần, Nam tần. Vốn em đã định giúp họ sẽ không thể giúp trọn đường. Mà họ bị kẹt trong hoàn cảnh như thế, lỗi cũng không phải do em. Họ tự tử cũng là cách giải thoát mà họ chọn. Em buồn nhiều chính là chuyện với anh Kha.

Lâu ngày thui thủi một mình, không có ai giải tỏa tâm sự, nay Bùi Việt cho mượn một tai nghe, Lê Hiên cũng không tiếc lời nói thật. Chuyện cần biết ông phi này cũng đã biết, nói ra thêm cũng chẳng nguy hại gì đến mình được.

–        Không cần đến chuyện này, trước sau gì em cũng phải tan đàn xẻ ghé với thằng bé đó thôi. Chỉ cần là người của Dương Quỳnh thì em sẽ không kết bạn nổi đâu.

Nghe thẳng tên của bà hoàng cùng giọng điệu không mấy cung kính cẩn trọng của Bùi Việt, Lê Hiên quay sang nhìn lạ lẫm.

–        Ta sẽ không bị trách tội đâu. Ta ở lâu đã thành tinh trong cung rồi. – Bùi Việt cười to – Dương Quỳnh nhỏ hơn ta một tuổi, lại vào cung sau, ta không cần kính cẩn quá mức với cô ta làm gì. Đấy là chưa kể…cô ta nợ ta rất nhiều. – trầm ngâm một hồi, tiếng nói mới tiếp tục vang lên – À không, là chúng ta nợ nhau nhiều mới phải.

Thấy Lê Hiên tròn mắt, Bùi Việt đứng dậy, dợm bước đi vào phía gian sau.

–        Thôi, hôm nay ta nói thế đủ rồi. Ta phải vào dỗ con bé ngủ trưa. Khi nào rỗi, em cứ việc sang đây tìm ta nói chuyện. – dừng lại một chút, Bùi Việt mới bước hẳn vào trong – Nếu em muốn.

–        Dạ, vậy em chào ông phi em đi.

Nhìn bóng người khuất sau rèm, Lê Hiên bước ra lại ngoài sân, nhìn lên tầng lá xanh thẫm lọc nắng gắt ban trưa thành từng luồng ánh sáng dìu dịu. Lúc bước ra ngoài, nó có nghiêng mặt nhìn vào gian thờ lần cuối, thấy khói xám giăng tơ mà lòng chùng xuống.

Ở bên Thụy Kha thỏa lòng là thế, ở bên Bùi Việt lại yên bình đến lạ, tưởng như tâm tư chìm xuống đáy hồ thành cặn. Cặn vẫn ở đấy mà làm lòng nặng không thôi, nhưng ít ra trong lòng không có bão, an tĩnh cũng là chuyện đáng mừng. Người ở trong cung có loại an tĩnh này cũng đã là may mắn lắm.

Khoan thai bước về phía cung Bạch Liên, Lê Hiên lại gặp Thụy Kha đang bước ra từ cung Hoàng Dương. Áo dài đỏ tôn lên làn da trắng trẻo của người miền Bắc, vòng cổ bạc trắng sáng, tóc tết một bím phía sau, nhìn đẹp vậy nhưng lại mất đi phần tươi tắn. Bẵng một tháng trời tránh mặt nhau, người kia đã muốn trèo lên đầu cung Bạch Liên ngồi; ông hoàng cưng chiều gửi cho gấm vóc lụa là, vòng vàng vòng bạc, người nịnh hót cũng vào ra không ngớt. Giữa vầng hào quang ấy lại là ánh mắt đi lạc tận đâu, nhìn vào thấy lòng rất đắng.

Ngẫm Thụy Kha từng bảo chỉ tìm được bình yên khi ở bên cạnh Lê Hiên cũng rất đúng. Ít ra thì lúc nằm ôm nó từ đằng sau, đầu gối lên vai nó, ánh mắt người kia còn tìm được một nơi nương trú trong buổi tối trời mưa to như trút nước. Sấm sét vằn vện trắng xóa trên nền tím đen lại inh tai vào đến tận nhà, đèn lồng bên trong hắt lên chỉ là gương mặt đẹp như điêu khắc, an nhiên hiền hòa như thể ngoài kia chỉ có gió thoảng qua. Lê Hiên nhìn Thụy Kha không dứt mắt, lại đưa ngón tay trỏ vẽ một vòng quanh khung xương gương mặt người nọ. Lên tới trán lại vòng xuống đôi mày, tới mũi lại tới bờ môi, lúc dừng lại ngay giữa môi thì nghe Thụy Kha cười nhẹ một tiếng.

–        Tôi thích ở bên cạnh em.

Lê Hiên cười rất tươi, không biết ánh mắt người kia cũng ngưng lại nơi gương mặt mình. Nhìn nhau mấy giây, nó đẩy đầu người kia xuống gối vì vai đã nặng. Quay lại đối mặt nhau, cứ nhìn như thế rồi từ từ khép mắt lại. Đèn lồng còn chưa tắt, khẽ rung rinh khi gió lùa qua khe cửa ướt nước mưa, hắt sáng một vùng vàng nhạt ấm cúng trong nhà.

Nghĩ tới quá khứ mà buồn cho hiện tại, Lê Hiên cúi mặt nhìn đất rồi bước nhanh qua Thụy Kha. Người kia chỉ liếc nhanh một cái chứ không nói gì.

Nhìn đứa em ngày nào còn ở bên cạnh mình nói cười nay lạnh nhạt hẳn đi, Thụy Kha cũng thấy ngột ngạt. Chung quanh cũng đã có nhiều “đứa em” khác, trong lòng Thụy Kha vẫn hiểu chỉ có Lê Hiên là thật lòng nhất khi nói thương mình.

Rất khó để giải thích chuyện thích một người. Ngay từ lần đầu nhìn Lê Hiên bước vào ngôi nhà cạnh bên, Thụy Kha đã cảm thấy đây là người mình có thể làm bạn được. Lòng tin với người lạ mặt không dễ xuất hiện, Thụy Kha cũng chẳng buồn tự hỏi lòng mình vì sao. Về sau, nhìn thấy nụ cười tươi vui của Lê Hiên, nó lại càng tin rằng đây là người mình có thể gửi gắm tâm tình được. Nó kể cho Lê Hiên chuyện ngày xưa ngoài Hà Bắc, bảo rằng nụ cười của đứa trẻ kia sáng dịu như lồng đèn cha mua cho một buổi Trung Thu nhiều năm trước. Người đẹp trong lầu xanh không thiếu, người cười đẹp lại rất dễ tìm. Có người nở nụ cười xán lạn như mặt trời buổi sáng, có người e ấp duyên dáng như hoa nở ven đường, cũng không phải ai cũng giả tạo mà bày mặt chiều khách. Chỉ có điều, không nụ cười nào biến lòng người ta thành lụa trắng nhúng vào nước, hệt như dây thần kinh trong đầu giãn ra cho nước mát luồn vào xoa dịu.

Nước trong lành không thể nào chảy mãi, rốt cuộc cũng có lúc đổi dòng quay về lại nguồn, Thụy Kha cũng không muốn cưỡng cầu làm gì nữa. Đã nhạt thì phải nhạt đi dần dà, vẩy màu lên cũng chẳng giữ lại được mấy phần tươi tắn dài lâu. Nó chỉ buồn và giận cả mình và Lê Hiên, bởi nghĩ đến tột cùng cũng chẳng tìm ai mà trách được. Có nhiều nông nỗi, cớ sự xảy ra, dáo dác tìm cho được một kẻ để trách hờn mới khiến lòng nguôi ngoai được. Chỉ có điều, đời không phải trắng đen, chính tà phân biệt; đời vạn màu vạn sắc, nhìn thấy màu nào cũng là tùy tâm.

Vừa suy nghĩ vừa đi về hướng cung Hoàng Long gặp ông hoàng, Thụy Kha không để ý từ xa có hai người đang tiến lại phía mình. Mãi đến lúc cách nhau vài bước chân, Thụy Kha ngước lên mới thấy thân hình cao lớn tráng kiện che khuất cả ánh mặt trời trước mặt. Mày rậm cằm vuông, ánh mắt nóng rẫy, Thụy Kha nhìn rồi phải vội cúi mặt xuống, định cúi chào cho phải lễ rồi bỏ đi thì cánh tay bị giữ lại. Người kia cúi xuống nói nhỏ vào tai, ập tới mũi là hương rượu cay nồng làm nó nhăn mặt lại.

–        Cha ta còn họp bàn với các quan một lúc. Em không cần phải vội vàng đến liếc mắt đưa tình đâu.

Chua chát chực trào ra cổ họng, Thụy Kha nuốt xuống mà thưa.

–        Em sẽ ngồi đợi ông hoàng.

Khuỷu tay lại càng bị siết chặt, Thụy Kha đã bắt đầu thấy đau. Con nhà võ khỏe mạnh cường tráng, nếu muốn dùng lực thì sẽ dễ dàng khiến đối phương không được thoải mái.

–        Tình cảm nhiều thế kia mà sao chưa thấy được phong tần? Đã được cha ta gọi vào hầu đêm mà vẫn chưa leo được lên giường à?

Tức anh ách trong lòng, Thụy Kha cũng chỉ hạ mắt xuống mà nói.

–        Xin cậu hoàng cẩn trọng ngôn từ.

Giật mạnh tay người em trai rồi xoay mạnh gương mặt nó về phía mình, Nguyễn Cảnh vẫn không nhìn được thẳng vào đôi mắt trong vắt sâu thẳm kia.

–        Cẩn trọng? Nghĩ làm vợ cha ta rồi lên mặt với ta được à?

Cô hầu Lan thấy mặt mày cậu nhỏ đỏ gay cũng biết ngay Nguyễn Cảnh đã dùng quá sức bèn tiến tới khuyên can.

–        Thưa cậu hoàng, nhỡ có người qua lại nhìn thấy sẽ gây ra điều tiếng không hay. Xin cậu hoàng bình tĩnh, trước ta về lại cung Bạch Long đã.

Đôi má trắng hồng, đôi môi đỏ mọng, sóng mũi thanh tao, gần một gang tay mà xa hơn vạn dặm. Nắm chặt cần cổ mảnh khảnh rồi mà sao còn thấy xa vời vợi, tưởng như bao nhiêu yêu đương thành cát rỉ xuống qua kẽ tay, không cách nào giữ lại được hết. Xa cứ xa, đau cứ đau, đau từ bàn tay bóp chặt xương hàm người kia đến đôi con mắt không cách nào giao nhau được nữa.

Nguyễn Cảnh rời tay khỏi Thụy Kha, bước thất thểu về phía dãy tường nắng hắt đổ xiêu vẹo. Thụy Kha ở lại, hai hàm răng cắn chặt nhau run lên từng đợt, ánh mắt bị nỗi đau đập vỡ thành từng mảnh, vất ra ngoài nắng xanh xao nhạt nhòa ở xa.

Có khi nào bước đi này là sai? Có khi nào bỏ đi quá nhiều thứ sẽ không nhận được lại gì?

Có cho rồi sẽ có nhận? Vậy mình cho ai? Nhận từ ai?

Yêu thương của ông hoàng, nhận cũng đã nhiều mà lòng càng thêm tham muốn. Vậy mà chỉ cần bàn tay kia chạm vào cơ thể, tim đã đập nhanh như trống hội đình, tùng tùng thình thình nứt toác nỗi cô đơn hiu quạnh. Bản thân rơi xuống vết nứt to như chân voi, chỉ thấy nhiều vết nứt nhỏ khác cứa vào thân mình thêm nữa. Vòng tay ôm lấy bản thân rồi co quắp lại, vết cứa chỉ càng ghim sâu hơn, xuyên thủng vào tim, kích chảy ra mật sáp nóng bỏng của khát khao yêu thương.

Nóng đến cháy lòng!

Không! Yêu thương không là vĩnh cửu. Yêu thương chỉ là tấm kính thủy tinh đẹp đẽ dễ vỡ, lòng người yếu gầy sẽ không nâng nổi mà nhanh chóng làm rơi. Cả với cậu hoàng, cả với Lê Hiên, họ đều nhìn vào phía tối chật chội của lòng mình mà lạnh lùng quay đi, mà chì chiết, mà ngấu nghiến, mà cứa nát, mà dày vò, mà ném vỡ tấm thủy tinh đẹp xinh vô dụng kia. Không ai yêu ta vì bản thân ta. Người ta chỉ yêu vẻ đẹp tươi bề ngoài, cùng nữa là mấy điểm thánh thiện của tâm hồn bên trong. Tay họ hé mở một góc hồn tối tăm, tâm họ đều kinh hãi mà muốn phủ nhận, bỏ chạy đi mất, bỏ lại ta một mình vắng lạnh.

Lạnh đến nỗi nước nóng xung quanh đều không đủ ấm, Thụy Kha hụp xuống, thấy mọi thứ bắt đầu mờ đi trong mắt. Tay vuốt từ ngực xuống bụng, càng xuống dưới lại càng thấy ấm.

Chân quẫy đạp trong bồn nước nóng, tay sờ loạn thân thể mình trơn mượt, tay khác lại cấu vào làn tóc bồng bềnh chung quanh. Rời tóc, tay lần theo lưng đi xuống khe sâu quấy phá, vẽ mấy vòng chung quanh rồi như con lươn luồn vào hang tối, còn lại tay kia đã nắm bắt được căng tràn phía trước. Sục vào nỗi đau, sục vào khao khát, sục vào điểm giữa trái tim, sục vào điểm giữa thân thể cho đến khi tê sưng, đau rát.

Mọi thứ lại càng trắng nhòa đi theo từng nhịp tay. Thụy Kha thấy mờ mờ cảnh cha đang trên giường với hai người đàn ông. Đong đưa thân mình, đong đưa trái tim vỡ nát. Vuốt ve làn da, vuốt ve nỗi buồn đóng bã trong tim. Khoái lạc vỡ ra trong đầu, nổi lềnh bềnh trên nước là chất lỏng màu trắng đục và dòng nước mắt trong vắt. Tấy đỏ đôi mắt và giữa hai chân, trong máu vẫn còn căng tràn khiếp đảm của tình yêu thương và nỗi sợ hãi.

Đôi mắt nhìn ra chỉ thấy vùng trời trắng xóa, Thụy Kha từ dưới nước ngoi đầu lên dần dần. Tóc ước bệt vào hai bên tai, không khí của thực tại tràn vào đầy buồng phổi. Ngửa đầu ra dựa vào thành gỗ phía sau, bờ môi vẫn còn mở hé, thoát ra ngoài là tiếng thở nóng hổi đáng sợ. Lấy hai tay che đôi mắt đỏ au, Thụy Kha cười khục khặc mấy tiếng rồi lại khóc nấc lên cho đến khi lồng ngực thấy khó thở mà ho khan.

Đêm đó, nó mơ thấy mình quấn siết với một con rồng vàng to lớn mà bay lên mây. Thân thể cà cựa vào vảy rồng trơn cứng lại kích thích đến tột cùng. Nỗi đau khoan khoái ùa vào trong người, bốc lên tận đỉnh đầu khiến cả thân thể tê dại, nóng ran. Giữa đỉnh điểm cao trào, Thụy Kha lại nhìn thấy một con rồng trắng bay lên theo mà vờn nhau với con rồng vàng. Cả lúc vờn nhau, hai rồng vẫn không con nào bị thương, chỉ có nó là bị cấu xé đến máu chảy ròng ròng.

Từ tầng mây cao, Thụy Kha rơi xuống. Ở một tầng mây thấp hơn, nó có nhìn thấy cha đang mỉm cười, nhưng bàn tay cha đưa ra nó không bắt được. Hai đầu ngón tay chạm nhau chưa đầy nửa giây, nó lại tiếp tục rơi.

Lúc chạm đất thì nó bừng tỉnh. Bên ngoài, nắng sáng treo lửng lơ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top