[ÁO DÀI HÀ BẮC] MƯỜI BẢY.
Sáng sớm cuối thu, quấn mình trong chăn cũng khó muốn rời giường. Thụy Kha mở mắt ngồi dậy, nằm xuống lại rồi như nhớ ra chuyện gì, bèn ngồi dậy lần nữa, sẵng giọng sang sảng ra gian ngoài.
– Hiên, nước!
Chốc sau đã thấy cậu em bưng vào một thau đồng nước ấm. Mặt nhạt như nước lã, trong giây lát như làm úa hết một bầu nắng mới đong đầy ngoài cửa sổ. Thụy Kha nhìn thấy liền bực, đợi nó để thau nước lại gần mình rồi tiện chân đá đổ. Thau đồng gõ nhịp lanh canh trên nền gạch hoa một hồi rồi dứt, để lại khoảng lặng giữa hai cậu nhỏ như kéo dài vô tận.
Nắm lấy cổ tay gầy rồi kéo Lê Hiên lên giường mình, Thụy Kha chống tay nằm dài bên cạnh, nhìn vào đôi mắt Lê Hiên đang hướng lên trần nhà. Vuốt lấy gò má đứa em, Thụy Kha cười lạnh. Da mặt tuy không trắng hồng như người phương Bắc, sờ vào vẫn thấy láng mịn ấm tay. Cảm giác thư thái khi ngắm nhìn và chạm vào gương mặt đẹp dịu dàng mà không rực rỡ này tưởng như nhành nắng nhạt một buổi chiều thu lá đổ ai đã để quên trong vùng trời ký ức. Hoài cảm xa xăm dìu dặt rơi nghiêng, bứt rứt động đậy một chút rồi thôi.
– Tưởng làm xác chết lết quanh nhà tôi là đã xong cái tiếng hầu hạ sao? Là trò gì đây? Đau khổ đến thất thần à?
Dời ánh mắt sang mặt Thụy Kha, Lê Hiên vẫn để mặc bàn tay kia vân vê gương mặt mình.
– Đâu thể nào đau khổ như Kha tần.
Thấy nét mày bên mắt phải nhướng lên đầy giễu cợt, bàn tay Thụy Kha chuyển xuống cần cổ gầy của đứa em, gỡ hai cúc áo đầu tiên rồi chạm lên xương quai xanh của nó. Còn nhớ hôm trước từng siết chiếc cổ gầy mảnh này, hôm nay nhìn lại cũng không còn dấu vết gì nữa, chỉ còn trắng xanh làn da động lòng thương cảm. Gầy ốm suy cho cùng cũng có nét quyến rũ riêng.
– Đau khổ có thể so sánh sao? – Thụy Kha thì thầm.
Đôi mắt không rõ tâm tình vẫn dán chặt vào mình khiến cậu tần có chút chột dạ vẩn vơ. Đầu ngón tay Thụy Kha vẽ lung tung trên da Lê Hiên, một phần là để cậu tần gián tiếp phân tán ánh mắt của chính mình khỏi cái nhìn trực diện xám nguội lạnh lẽo kia.
Mắt Lê Hiên trong, sáng, và nhìn kỹ có rất nhiều nước.
Phải nhìn kỹ vì đấy không phải là đôi mắt long lanh ngập tràn tâm tình mơ mộng bình thường của các cô các cậu tròn trăng. Chỉ khi cách nhau một hai gang tay, nước trong đôi mắt ấy mới sóng sánh nỗi niềm, nửa như vỡ ra, nửa như kết lại những mảnh vỡ ấy mà thành một nỗi buồn tươi mới trinh nguyên. Nước ấy là nối tròn dòng chảy luẩn quẩn của bao kiếp đời, là dòng nước tuần hoàn trong tự nhiên, là dòng nước thẳm sâu đục cặn trong mỗi con người.
Cuộc đời Lê Hiên có đau khổ hay không mà lại đầy vung tơ xám, chẳng ai có thể trả lời cho rõ ngọn ngành. Ngoài kia còn bao xanh tóc chết non, bao người trẻ sống mòn, bao người già chết mọn, còn bao cái kiếp cỏn con đáng tội hơn nhiều. Tội anh phu xe dầm dãi nắng mưa, chở hết mấy cô cậu quý tộc vào hưởng xa hoa trong cung. Tội người thiếu phụ có chồng chết trận, bụng chửa khóc tang trắng toát đời xuân. Tội bà cụ già mắt yếu quang gánh mấy đồng chè qua ngày, hôm bị giật hết tiền mà ngồi lẫy với ông trời bất công. Tội những người dân nghèo khổ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chịu vụ mùa thất bát đói cơm đói cháo lại phải gồng mình chịu thuế đất thuế thân. Tội những con người ở đáy bần hàn, cùng cực, ngóng vọng lên mâm cơm canh nhà giàu đã thấy vừa uất vừa ganh.
Ông trời có công bằng không, không ai biết. Người ta cũng chẳng biết có mấy ông trời mà định đoạt phận người này người kia. Ông trời có gặp phật gặp thần mà phân chia cứu rỗi đời người hay không, cũng chẳng ai đủ sức mà cãi quanh cãi co. Họ khổ, họ thờ thần thờ phật thờ trời, thắp mấy nén nhang mua rẻ niềm tin lay lắt để sống qua ngày mà thôi.
Đôi mắt kia ngập buồn không phải vì phận đời đau khổ nào, chỉ đơn giản là đứa trẻ đã nhìn qua và thâu hết vào tâm trí những đau khổ của người đời, cũng như ánh mắt khinh ghét mà họ nhìn đứa con nhà quan không có lấy một nỗi đau đẹp đẽ nào. Cả khi đứa trẻ đó vào cung, bị vướng vào mối tình trắc trở giữa Thụy Kha và Nguyễn Cảnh, cái nó nhận được vẫn chỉ là vị thế của kẻ qua đường tàn nhẫn. Tàn nhẫn vì không có lấy một bi kịch tròn tươi, bởi nó nào như Thụy Kha phải chịu gian tình với con chồng, gánh gồng trên vai đủ thứ đau thương.
Nhìn và ngẫm rất nhiều, dù không ra một câu trả lời thỏa đáng nào, Lê Hiên đã vô tình nhận ra một điều: Bi kịch mới thật đẹp đẽ làm sao! Bi kịch cho người ta đặc quyền ca thán, ganh ghét, cho người ta được xót thương. Vai nạn nhân mới là vai chính, bởi đời là một vở bi kịch mà người ta đóng không được trả tiền công.
Lê Hiên cười. Rồi im. Rồi lại nhìn. Và nghĩ.
Giờ Ngọ hôm đấy qua đi, nó nghe hồi chuông vang rồi tự động đứng dậy bước đi về nhà, không cần biết Thụy Kha đã đồng ý hay chưa. Trần truồng mà vẫn bước đi khoan thai chậm rãi, cậu nhỏ lại không cảm thấy ê chề nhục nhã một chút nào. Nó chỉ biết nắng rất cao, rất nóng, và nó muốn ngủ một giấc thật sâu. Góc nhỏ ấy nó ngủ không có cả mẹ ngồi bên quạt giấc trưa nồng, chỉ có nó một mình nằm chỏng chơ trong nỗi khổ sở vô hình làm con tim nặng trịch. Ngủ dậy, nó điềm nhiên thay quần áo rồi sang nhà Thụy Kha chịu cảnh kẻ ở, cũng không mở miệng lấy một lời. Lê Hiên chấp nhận, và trong lòng nó bừng nở một niềm vui úa nhạt. Chính lúc nắng trưa quất thẳng xuống đầu, nó lại phải lấy tay che đi điểm giữa sung sướng đang căng lên đầy tội lỗi vì một điều không tưởng. Tâm nó biết rằng ông trời hay kẻ nào trên cao kia đang nhìn thấy nó đóng rất tròn vai diễn nạn nhân dù là bất đắc dĩ. Đứa trẻ lần đầu tiên được khoác lên mình chiếc áo Khổ, ngắm mình rách rưới trong gương mới cười đến méo cả lương tâm.
Lê Hiên đã nhìn thấy đồi nghiêng bên dưới, và nó biết rằng chỉ cần một cú đẩy phía sau thôi, tâm tư nó sẽ lăn tròn trên mặt đá rớt xuống đất sâu. Sợ hãi nên đầu ngoảnh lại, tay vươn đến sự cứu rỗi đích thực cuối cùng và duy nhất, chính là bàn tay hữu hình, cầm nắm được rất chắc của mẹ. Đầu óc trống rỗng dần dần, nó vẫn còn nhớ hôm mẹ mình vào cung, thế là bình tâm lại. Cố gắng nhét hết tâm tình vào chiếc tủ nhỏ chật hẹp trong tim, trí óc Lê Hiên cũng không thể nghĩ đến chuyện hầu hạ làm sao cho người anh kia vui lòng. Thụy Kha giở chứng sớm trời, nó miễn cưỡng phải đối đáp cho qua, không để ý ánh nhìn của mình khiến cậu tần còn không thoải mái hơn nhiều lần.
– Không thể so sánh. Không biết so sánh.
Thụy Kha đã ngừng vuốt ve cậu em, thả đầu xuống gối nằm cạnh nó. Trong một thoáng lại tưởng như hôm nảo hôm nao, cũng hai người chung giường mà yên bình thế này. Một thoáng mong manh xa xôi, hơi thở của cả hai đều rất nhẹ. Tơ buồn giăng mau, kết trái chín sầu, vỡ ra loang lổ màu nâu tím.
Lê Hiên cắt đứt bầu không gian yên tĩnh đó, buộc lại cúc áo, cột lại tóc rồi bước hẳn xuống, đứng cạnh giường mà thưa.
– Em có một thỉnh cầu, mong Kha tần chấp nhận.
Thấy Lê Hiên chủ động lên tiếng, Thụy Kha lạ lẫm nhướng mày lên.
– Hôm nay mẹ em vào cung thăm, em xin không được hầu. Mai mẹ em lên đường về sớm, em sẽ trở lại nhà Kha tần.
Thụy Kha không trả lời, lẳng lặng xếp lại chăn gối, bước xuống giường ra bàn chải đầu.
– Không muốn mẹ em nhìn thấy cảnh nhục nhã này à? Vậy nếu tôi không đồng ý thì sao?
Im lặng trôi qua trong phút chốc. Bất giác, sau lưng cậu tần lạnh toát, bởi Lê Hiên từ lúc nào đã tiến lại gần, cầm cây lược gỗ anh đào mà chải tóc giúp cho, mà mỗi nét lược đi xuống nhẹ nhàng lại khiến Thụy Kha nuốt nước bọt tự trấn an bản thân. Kề mặt lại sát mặt Thụy Kha, Lê Hiên cùng nhìn vào gương rồi nói.
– Cậu tần sẽ không làm như vậy, vì đấy là giới hạn cuối cùng của chúng ta.
Lời dứt, Lê Hiên xoay đầu, đẩy hai đôi môi chạm nhau thật nhẹ.
Thơm mềm say sưa.
Cửa gỗ kẽo kẹt khép lại phía sau, Thụy Kha mới trút ra được một hơi thở nãy giờ đè nén. Tay run run nhặt lên chiếc lược nằm dưới đất do người em kia cố tình làm rơi, chải chưa được một đường đã phải vất lược đi chỗ khác. Nhìn mình trong gương một hồi, Thụy Kha bình tĩnh lại mới giấu mắt lên đôi bàn tay.
– Chúng ta đã thành cái gì thế này…
Ảo vọng yêu thương chỉ còn sót lại vài giọt sương trên lá. Gió mạnh, lá rung, sương rơi xuống môi tan vào lòng mặn đắng. Mưa là giọt nước mắt của trời, sương là giọt nước mắt của người. Từ lúc gặp nhau con trăng rất tròn, đến nay cũng đã mất đi mấy phần tròn đầy kiêu hãnh, chỉ từng đêm sáng nhạt nhòa sau mấy sợi mây bồng bềnh xanh xỉn cho người ngóng vọng không khỏi thương tâm. Thương tâm là thương chứ, nhưng thương không không đủ, bởi hạnh phúc chỉ đến từ sự sẻ chia. Lời đã trao nhau rất nhiều, tim lại tặng nhau không bao nhiêu, lại khéo đủ để biết rằng người kia còn đang giấu lòng đôi chút. Mà cái đôi chút ấy lại là xa cách nghìn trùng khiến hai người phải hoài trách nhau rồi cùng nhau cô đơn một chỗ.
Cảm giác đi trên mặt đất nứt lại hiện về, từng bước từng bước chông chênh, lòng hoang mang nhiều lần vì phía dưới là hừng hực lửa cháy. Ngọn lửa này là giới hạn cuối cùng của cả hai, lỡ bước một lần sẽ bùng lên thiêu sống trái tim. Thụy Kha đưa tay chạm lên ngực, thấy tim mình vẫn còn đập nhanh hơn bình thường. Chẳng phải như chim bay ngựa chạy, chỉ là chính bản thân nó đang chạy rong ruổi trên sa mạc đầy cát, nắng, và gió. Ảo ảnh phía xa là người em kia, nhưng xa hơn nữa là dáng người thân quen nhất trong cuộc đời này mà mỗi lần nhìn vào gương lại thấy…
Đầu canh Tỵ, bà Minh mới qua hết các vòng kiểm tra mà vào được hậu cung. Cả dặm đường xa lại qua bao ải lính canh, giấy tờ xong xuôi cũng đã phờ phạc ít nhiều, vậy mà thấy bóng con từ xa lại cười xán lạn như chưa phải mệt mỏi một điều gì. Lê Hiên thấy mẹ, miệng cũng cười vui như hội, quên sạch những chuyện không hay xảy ra với Thụy Kha.
Nụ cười của Lê Hiên là thực tâm. Nó không cố dựng mặt vui tươi để lừa dối mẹ mình làm gì, chỉ đơn giản là mọi buồn đau lo nghĩ trôi đi theo dòng nước mát lành, chính là tình nghĩa mẹ con không bao giờ có thể thay thế được. Không phải là chủ tâm quên đi, chỉ là tự nhiên nụ cười của mẹ thắp lên bao hồ hởi thanh xuân trong lòng. Có mấy lần nó thắp đèn trong đêm, nhìn nụ cười chính mình trong gương để nhớ đến gương mặt mẹ khi cười hiền lành như đất. Chỉ có điều, đôi mắt cậu nhỏ vẫn không thể nào ánh lên niềm vui được cho đến khi nó gặp mẹ thật sự ngoài đời.
Mẹ chẳng là tiên là phật, chỉ là đất chật thổi lớn lòng thơ.
Bà Minh vuốt tóc con, nhìn nó giành khuân cả hai chiếc bị nặng mình mang theo mà tội dáng hao gầy, nhìn cũng biết vào cung rồi vẫn chưa thể bằng ai mà ăn sung mặc sướng ngồi mát ván trên. Nghĩ con thương mình đi đường mệt nhọc, bà cũng không giành vác nặng với nó làm gì. Để cho nó thỏa cái hiếu làm con, tâm tình không chừng cũng vui vầy hơn chút. Vả chăng, Lê Hiên mang hai bị nặng cũng chẳng phải đi một đoạn đường quá xa. Từ ngoài hậu cung đến cung Bạch Liên cũng gần, lại thêm nhà nó gần ngay cổng, cũng không đến nỗi đường xa thấm mồ hôi làm gì.
Đồ đặt xuống bàn xong, bà Minh đã thấy cổ mình nóng hổi. Đôi môi Lê Hiên mềm, hôn nhẹ vào phần da phía trên cổ áo dài của mẹ cũng không tạo cảm giác gì, nhưng bà Minh cảm nhận được hơi thở nóng hổi từ miệng và mũi con. Lấy tay vuốt tóc con trai, bà để nó dựa vào mình cả một khắc mà không nói lấy câu nào. Lúc đầu nó rời khỏi, hai mắt nó không hề đỏ tí nào, nhìn sâu vào đáy lại thấy sức sống nhàn nhạt hiện lên. Nắng sáng hắt luồng vào trong, hấp háy đôi mắt dài trìu mến, lệch méo nụ cười tươi tắn tự nhiên.
Bà Minh mỉm cười theo con, xoa lấy gò má không có nhiều có bao nhiêu thịt, nước trong chảy ra từ hai khóe mắt. Lê Hiên lấy ngón tay cái quẹt đi hai dòng nước mắt của mẹ, cười gượng ra một hơi thật dài.
– Mẹ sao lại cứ khóc…
Cầm tay con bước lại phía giường, để nó nằm lên đùi mình như lúc trước, bà Minh bắt lấy hai bàn tay nó mà ấp trong tay mình.
– Thương con nên khóc.
– Thương con mẹ đừng khóc. Khi nào ghét con mẹ hãy khóc.
– Mẹ không thể ghét con. Cả đời này không thể ghét con.
Lê Hiên lại cười, lần này ra tiếng khục khặc khàn khàn.
– Mẹ chưa sống hết cuộc đời, làm sao biết không thể ghét con?
Bà Minh dừng lại trong một lúc, bàn tay cũng không còn xoa tay con nữa. Lê Hiên đã giấu mặt vào lớp vải áo dài của mẹ, bà nhìn xuống cũng không thấy được biểu cảm con mình. Nuốt đắng xuống lòng, Lê Hiên không ngờ mẹ mình nghe xong lại cất tiếng cười nhẹ.
– Hiên.
Gọi tên con thật khẽ, bà Minh vuốt tóc nó mà nói.
– Ngày trước con vào cung, mẹ có bảo muốn con đi ngủ mà vẫn thấy lòng an tĩnh. – Bà Minh nâng mặt con lên đối diện mình đã thấy được trong mắt vài đường đỏ tươi – Đấy là vì mẹ biết, sẽ có một lúc nào đó, con thấy một đêm khó ngủ làm sao, vỗ giấc ngon khó đến dường nào.
Dừng lại một lúc, bà ngẩng đầu lên nhìn vào mấy ô nắng hắt trên nền gạch.
– Nhưng con người ta không dễ dàng thay đổi như vậy. Ngây thơ ở với đời người rất lâu, bởi rốt cùng người ta mỗi ngày chỉ có thể bớt ngây thơ đi một chút. Rồi lại có một đêm nào đấy, con nhớ đến ngày xưa, miệng cười không thật tròn vẹn nữa, nhưng nỗi buồn đó lại ngây thơ vô cùng. Giấc ngủ khi ấy đến rất mau, và lòng con sẽ lại an tĩnh.
Bà Minh nhìn xuống lại mặt con. Đôi mắt xám trong, sáng, và nhìn kỹ có rất nhiều nước.
– An tĩnh không phải là một giai đoạn của đời người. An tĩnh chỉ là một trạng thái, khi ở, khi đi, cũng như đời người ta khi vui khi biến. Một lúc con nhìn lại, con nhận thấy mình đã thay đổi rồi, nhưng lắng nghe xem, có tiếng nói ngây thơ vẫn còn ở lại, đánh thức trong con an tĩnh bình yên. An tĩnh không chỉ là ngủ, an tĩnh còn là thức.
Lê Hiên nghe xong rồi lặng người, cơ miệng giật nhẹ rồi cong thành nụ cười, ép từ khóe mắt ra hai giọt nước. Chỉ hai giọt rồi thôi.
– Con rất sợ. Con không buồn, con chỉ sợ. Không có một sự bảo đảm nào. Rồi thì…có những con đường đã thấy ở trước mắt, ngả nào cũng không muốn đi, mà người phía sau đẩy tới, người phía trước thúc lên. Lạc giữa dòng người, cuốn theo dòng người, thế rồi thôi…rồi thôi…
Thở ra một hơi, cậu nhỏ nói tiếp, ánh mắt nhìn vô định vào khoảnh nắng nhạt trên nền nhà.
– Có một hôm chiều tối con ngồi ở nhà, thấy buồn quá nên xin lính canh cho sang thăm cha. Đã tối trời như thế mà cha vẫn phải khiêng vác hạc đồng. Biết tính cha có hỏi cũng không nói, con tìm người hỏi chuyện mới biết bộ Lễ vốn không quá nhiều việc trong cung, nhưng các ông quan hay tổ chức bài bạc, rượu chè, giấu với bề trên mà ăn chặn tiền lương tiền thưởng người hầu, cuối cùng đẩy họ hoặc về quê hết. Cha làm quan mà như không có danh có phận, tính khờ mà bị họ chèn ép như người ăn kẻ ở trong nhà.
Nghe tiếng mẹ mình chặc lưỡi thở dài rồi lại như sắp khóc, Lê Hiên cũng hiểu mẹ đoán được phần nào cái thế cao sang lai với thấp hèn của cha.
– Lại nói trong cung Bạch Liên có anh tên Trần Tâm, đã vào cung lâu mà chưa có được danh phận gì. Anh ta tính tình cáu bẳn, hộc hằn, tối về hay lầm lũi nơi góc nhà. Người nhà thấy con mình không được thăng tiến nên thôi không gửi tiền vào nữa. Người hầu không được tiền thưởng liền trở mặt, khiến anh ta phải tự mình làm hết công việc trong nhà. Mà quan trọng không phải là công việc lao động chân tay, chỉ là nỗi cô đơn và tủi thân khi bị bao người hắt hủi như thế.
Biết con nói xong dừng lại, bà Minh cúi người hôn lên trán nó, xuống giọng thỏ thẻ.
– Không phải chỉ có đường lớn mới gọi là đường. Có những con đường không hình không dạng, cây cối che khuất, đá nhọn gập ghềnh, nhưng chân người đi qua thì gọi là đường mà thôi.
Áp má mình lên má con, người mẹ lại tiếp tục lên tiếng.
– Chuyện của cha, mẹ từng nói không trách ông ấy, thật sự là chưa bao giờ trách cả từ trong tâm. Mẹ chỉ quanh năm ru rú xó nhà, nhưng khi nhìn ra ngoài phòng khách, thấy cha con giả lả nói cười thưa chuyện các ông quan trên, mẹ cũng hiểu. Mẹ đã nhận ra cái vòng luẩn quẩn của đời thường. Nhưng mà, có nhiều khi, nó là như vậy rồi, mình sống là chấp nhận thôi.
Xoay đầu con nhìn thẳng vào mắt mình, bà Minh nói tiếp.
– Chiều nay, chúng ta đi thăm cha con nhé.
Đứa nhỏ nằm yên không nói năng gì nữa, nhắm mắt nghe thinh không thoảng gió luồn mát qua song.
An tĩnh không phải là một giai đoạn của đời người, bởi đứa trẻ mười sáu tuổi nào đã đi được đến đỉnh đồi mà bước xuống thong dong. An tĩnh là một trạng thái, khi ở khi đi, như đời người ta khi vui khi biến, khi đứng trên đỉnh cao phiêu diêu tự tại, khi ở dưới đáy sâu nhìn vô hồn đau thương. Hay cũng có khi tay nắm buông lơi, chỉ có bình yên ghé lại chơi trong một thoáng, vui đùa bỡn cợt sự ngây thơ hoài không đổi của người, khiến người tưởng rằng lúc mình nằm đây đã là mãi mãi. Mà tàn nhẫn chính là không tồn tại một điều mãi mãi nào, bởi con diều thảnh thơi nắng gió rồi cũng phải đứt dây, rớt xuống rách tươm hết lớp vải đẹp, chỉ còn mấy thân gỗ khẳng khiu cho nát tan dần mòn, nhắc người nhớ rằng đời sống không có nhiều lựa chọn, và rằng người phải chấp nhận những giá trị nhất thời thay cho giá trị vĩnh cửu, vì vĩnh cửu nhất chính là những giá trị nhất thời.
Chuyện đời ít mà thành nhiều, bàn ra bàn vào, hai mẹ con nói với nhau đã quá Ngọ một chút. Lê Hiên biết tính mẹ thường không ăn sáng, đến trưa thấy đói sẽ mệt, nghĩ bụng một hồi liền gợi ý sang cung Thuận Thiên nấu và ăn chung với Việt phi một bữa, nhân tiện để bà Minh gặp gỡ và cảm ơn người giúp mẹ con họ có thêm được một buổi tối với nhau.
Cung Thuận Thiên ban ngày luôn mở cổng chào đón khách. Bà Oánh đang quét lá ngoài sân, thấy hai mẹ con bước vào thì chạy vào báo tin cho Bùi Việt đang dỗ con ngủ bên trong. Chào hỏi Việt phi vừa bước ra xong, Lê Hiên đã tiến tới.
– Hoàng nữ đã ngủ rồi ạ?
– Ừ, nó ngủ rồi ta mới ra đây. Sao? Đây có phải là mẹ em không? – Bùi Việt mỉm cười nhìn sang bà Minh.
Không đợi con trả lời giúp, bà Minh đã khéo léo nghiêng mình chào hỏi.
– Thưa ông phi, tôi đúng là mẹ của Lê Hiên ạ. Đội ơn ông phi đã bảo bọc nó thời gian qua, lại còn cho mẹ con chúng tôi thêm một đêm ở với nhau.
– Không cần khách sáo, ta cũng không phải làm chuyện to tát gì.
Bùi Việt nắm lấy ta bà Minh rồi vỗ nhẹ lên mu bàn tay, trong phút chốc xóa bỏ khoảng cách xa vời giữa kẻ bề trên và người bề dưới.
– Hai mẹ con sang đây thì ta ăn trưa luôn đi. Hôm nay ta chỉ nấu vài món cơm canh đơn giản, mong hai người không chê.
– Chúng tôi không dám ạ.
Vốn thích ngoài trời thoáng đãng trong lành, hôm nào không mưa, Bùi Việt luôn dọn cơm trưa ra ngoài sân. Bà Oánh bưng lên đúng thật là mâm cơm đơn giản, ngoài cá bông lau kho tộ thì chỉ còn canh chua và dưa giá. Đã nghe con mình nói qua ông phi này đơn giản, lại không ngờ gặp được người thật ngoài đời còn chân chất hơn nhiều, đúng kiểu người miền Nam không câu nệ nhiều lễ tiết.
Bữa trưa không cao sang với người trong hoàng tộc nhưng vẫn là đầy đủ cá thịt. Thấy Lê Hiên gắp cho mẹ mình một miếng cá kho, Bùi Việt lên tiếng.
– Ta người miền Nam, miệng nếm có thể ngọt hơn người Bắc. Hai mẹ con chịu khó vậy.
– Không sao đâu ạ. – bà Minh tiếp lời – Tôi lấy chồng người Nam, theo vào Nam Thành ở đã lâu, miệng nếm miệng ăn đều theo Nam cả. Tôi ăn cá kho này cũng không thấy ngọt sắc.
– Ừ. Miền Nam phải nấu ngọt mới ra món, nhưng ngọt sắc là hỏng món ăn. Bà nói vậy ta cũng an tâm.
Lê Hiên nhìn thấy không khí thuận hòa giữa mẹ mình và Việt phi, tự nhiên cũng cảm thấy ấm lòng. Vậy nhưng, cả một bữa trưa, nó lại thi thoảng nhìn thấy ánh mắt Bùi Việt nhìn hai mẹ con mình e ngại, miệng cũng lại kiệm lời hơn bình thường. Phải đợi đến lúc dọn chén bát xuống rửa, đợi bà Minh đi trước khuất ra sân sau, Lê Hiên mới dè dặt tiến lại mà hỏi.
– Thưa, mẹ con em có điều gì không phải, mong ông phi bỏ qua.
Biết đứa trẻ này giỏi nhìn ra tâm tình người đối diện, Bùi Việt cũng không giấu mà nói thẳng ra lòng mình.
– Ta mới nghe qua chuyện Kha tần bắt em phơi trần dưới nắng. Mẹ em chắc vẫn chưa biết?
Mỉm cười ngó lơ, cậu nhỏ khẽ đáp.
– Dạ, đúng thật là mẹ em chưa biết. Em không muốn bà phải hao tổn tâm trí vì mình. Những chuyện như vậy, có nói ra cũng chỉ khiến bà ấy thêm lo buồn chứ có thay đổi được gì đâu.
– Nói cũng đúng. – Bùi Việt gật đầu, đặt tay lên đôi vai gầy của Lê Hiên. – Nói vậy, em đã thuyết phục được Kha tần để không hầu hạ hôm nay?
– Không hẳn là thuyết phục. Chỉ là em đánh cược.
Thấy ánh mắt Bùi Việt lạ lẫm nhìn mình, cậu trai mỉm cười nhìn ra mẹ mình đang cặm cụi rửa bát ngoài sân.
– Nếu Kha tần vượt quá giới hạn, em sẽ rơi…Dòng đời phải chuyển động chứ không tĩnh lặng mãi được.
Hiểu được ý cậu nhỏ, Bùi Việt quay mặt đi ngăn một tiếng thở dài sắp thoát ra khỏi miệng. Xoa lấy đôi vai gầy, Bùi Việt nói vào tai cậu nhỏ.
– Ta sẽ không nhúng tay vào chuyện của em. Ta đã nói vì an toàn cho bản thân và con, ta sẽ không đối đầu với bất kỳ ai để giúp bất kỳ người nào. Em trở thành thế nào là do em chọn. Có rất nhiều chuyện trong đời không phải do dòng đời xô đẩy mà là tự mình lựa chọn.
Rời khỏi vai Lê Hiên, Bùi Việt trước khi đi ra sân ngoài còn để lại một câu.
– Rơi hay không cũng là do tay em chọn buông hay nắm.
Rũ mi mắt xuống trong một lúc, Lê Hiên cười nhạt rồi bước ra ngoài. Nhìn thấy chén bát rửa đã xong, nó phụ Bùi Việt và bà Minh dọn tất cả lên giàn phơi. Nắng đã bắt đầu gay gắt khiến từng mảnh sứ bóng lên đầy kiêu hãnh, hắt vào mắt người em trai một vốc lung linh. Nghe tiếng gọi giục vào nhà, nó lấy tay che ngang mắt, nhìn trời xanh nhức lên thêm lần nữa rồi bước vào trong, miệng cười tròn nguyên bắt hết nắng vào lòng.
Bà Minh nói ngây thơ ở với lòng người rất lâu, Lê Hiên lại chưa sống đủ lâu để kiểm nghiệm được điều đó. Vả chăng, định nghĩa ngây thơ cũng lại đổi dịch khôn lường. Lý sự chuyện đời khó mà nói được ai đúng ai sai. Đúng sai là cái lý, chỉ biết về phần tình, Lê Hiên đã làm rớt lại phần hồn nhiên tuổi mười sáu của mình ở khoảnh sân nắng thơm ấy. Con người ta có thể còn ngây thơ mãi mãi, nhưng hồn nhiên lại rất dễ đánh mất. Bởi, chỉ cần một đêm nhìn trăng cao vòi vói một mình thôi, cái hồn nhiên ấy như đã tan hết vào khoảnh trời chung quanh, lấp đầy dịu êm bầu tâm tình sóng sánh.
Ở lại hàn huyên với Bùi Việt thêm một lúc, hai mẹ con giã từ về lại cung Bạch Liên. Vốn là sang bên chỗ lính canh để xin ra khỏi hậu cung sang bộ Lễ gặp ông Minh, nhưng Bùi Việt thấy đã giúp thì giúp cho trót, bèn viết một lá thư đóng dấu để tránh cho hai mẹ con cảnh chạy tiền cửa quan. Dấu là của Trung Chính giao cho vợ lúc Việt phi mang thai lần đầu tiên, chính là đặc quyền được ra khỏi hậu cung và đi lại trong hoàng cung tùy thích.
Cuộc hội ngộ gia đình theo lý sẽ diễn ra yên bình ấm áp là vậy, nhưng điều đó lại không nằm trong kế hoạch của Dương Quỳnh.
Rắn lâu không ra khỏi hang không có nghĩa là yên phận nằm chờ, đặc biệt cá tính bà hoàng lại thích tấn công trước để phòng thủ. Biết Thụy Kha đang bành trướng thế lực bằng cách dùng tiền vua ban mà mua chuộc người trong cung lại có sẵn cung Khiết Liên để bày trò trong tối, Dương Quỳnh biết bản thân mình phải có cách kiềm hãm cậu tần trẻ tuổi này. Đấu với cậu tần xinh đẹp giỏi dựng mặt lừa người và bày mưu tính kế rất tổn hao sức lực, không bằng mượn gió bẻ măng, dùng lực người khác để đấu với kẻ xảo quyệt kia.
Mà ngọn gió tốt nhất bây giờ lại là Lê Hiên. Sau chuyện tâm tình đêm khuya hôm trước, bà hoàng đã biết được cậu nhỏ này vốn không phải kẻ vừa tay. Ánh mắt xám lạnh và tưởng chừng bàng quan kia thật ra rất linh hoạt, thâu hết vào trong đầu mọi chuyện xảy ra xung quanh, đặc biệt là thông qua cơ mặt và ánh mắt mà đoán biết tình cảm, tâm tư người khác. Lẽ thường, khó ai có thể nhìn thấu được Thụy Kha bày trò hôm thi đàn, huống chi là ánh mắt Thụy Kha nhìn người thương Nguyễn Cảnh vừa âu yếm, xót thương vừa nhẫn tâm, đành đoạn. Mắt nhìn người này tuyệt đối hữu dụng trong chốn hậu cung nếu như cậu nhỏ kia biết thay đổi mục tiêu của mình.
Lê Hiên bây giờ vẫn còn vì vướng bận nhiều chuyện mà lòng dạ ngổn ngang, theo tính tình cậu ta cũng sẽ không muốn chọn phe phái nào, cũng vì thế mà muốn khuất vào bóng tối, chọn lựa không trực tiếp đối đầu với ai. Hướng đi của đời người, muốn thay đổi đều phải có động lực. Động lực của ngoại cảnh nhiều khi là do số phận quyết định, nhưng Dương Quỳnh luôn tin nhân định thắng thiên, chỉ cần cô ta dày công tính toán, mọi việc trong hậu cung đều có thể xoay trở trong lòng bàn tay được.
Nhân định thắng thiên hay không, lịch sử bao đời cũng chưa chắc chứng minh được, nhưng lòng người chắc chắn không thắng nổi tính trời thất thường mưa nắng. Hai mẹ con Lê Hiên rời cung Bạch Liên lúc đầu giờ Dậu cũng là vừa khi trời đổ mưa rào. Trở vào nhà lấy ô, hai bóng người lúp xúp đi trên mặt đá trơn ướt, băng qua quãng sân rộng để đến bộ Lễ mà nhận được tin không hay.
Ông Minh vừa bị ngã ban trưa, động mạnh vào đầu nên đã qua đời ngay lập tức.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top