[ÁO DÀI HÀ BẮC] HAI MƯƠI.
- Nắm tay ta.
Lòng bàn tay to lớn đầy vết chai sẹo đưa ra, đợi qua một phút vẫn chưa thấy người kia đặt tay vào.
- Tôi bị bịt mắt không thấy đường. Sao ông không nắm lấy tay tôi?
Không nghe tiếng trả lời, cậu trai cất tiếng cười khẩy, kéo ra hơi khàn lạnh.
- Chỉ một lần thôi. Nắm tay tôi đi.
Người đàn ông thở ra một hơi nặng nhọc rồi từ từ cầm lên bàn tay kia. Hơi lạnh từ bàn tay cậu trai khiến mặt Trần Kháng khẽ nhăn lại, nhưng hắn vẫn vuốt dọc từng ngón thon mướt mềm non.
- Vẫn lạnh như lúc trước. Và mềm oặt.
- Tại tay ông nóng và cứng quá.
Lướt ngón cái trên mu bàn tay người em trai, người đàn ông gật gù.
- Ừ. Ta luyện võ rồi cầm đao kiếm đi giết người, tay luôn phải nóng và cứng.
- Còn tôi là cậu ấm trói gà không chặt nên tay lạnh và mềm?
- Bây giờ đã biết trói và cắt cổ gà rồi.
Trần Kháng siết chặt tay, Lê Hiên cười ra tiếng. Khóe môi cong đầy đặn rất đẹp, đặc biệt khi thân thể tươi tốt hơn trước, gò má cũng trờ nên sinh động nhiều lần. Nến lập lòe lập lòe, Trần Kháng nhìn sướng mắt vẫn không muốn rời đi.
- Ông có đang...nhìn tôi?
Hỏi vừa xong đã thấy ngón tay ai đặt ngang môi mình.
- Đừng hỏi.
Mắt chỉ thấy một mảng tối đen, nhưng mũi, môi và tai đều cảm ra hơi ấm. Chỉ là một ngón tay mà gợi lên bao ước ao vọng tưởng, đành tham lam giữ cho mình hơi ấm khi ở khi bay.
- Chúng ta khác nhau nhiều vậy, sao ông lại tin tôi? Có sợ không? Có lo không? Tại sao lúc nào cũng quyết đoán, bản lĩnh, áp chế người khác, vững vàng kiên định như vậy?
- Ta nói đừng hỏi.
Tay chặn miệng cậu nhỏ, vô tình phát hiện cảm giác bờ môi lướt qua da tay mới tuyệt diệu thanh sảng dường nào, vậy rồi mà thành tình thoảng gió, có cũng thành không.
- Tin thì không giải thích được. Đầu lĩnh đúng thật luôn phải quyết đoán, vững vàng, lý trí, nhưng không phải cứ một kiểu tuồng suốt ngày đem ra đóng mãi. Ai cũng là con người, tức là có đôi lần đem lòng tin ra thử với người ta. Mà thật ra, thử là chắc ăn, vì đã tin rồi là phải chắc ăn.
- Mặc kệ người khác nói ra nói vào về người ta?
Vén màn cửa cạnh bên, Lê Hiên xoay đầu nhìn ra ngoài.
- Bị bịt mắt thì có thấy gì đâu.
- Cùng một màu đen, nhưng bầu trời đêm có pha màu xanh tím. Tôi muốn gió thổi vào, tưởng tượng mình nhìn được trời đêm.
Đứng lên định nắm lấy đôi vai nó rồi lại thôi, hắn ngồi xuống lại.
- Họ tin lòng cậu nhiều, chỉ là họ cần thấy sự kiên quyết nhiều hơn nữa. Ta không mặc kệ. Nói đi thì phải nói lại, ta dựa nhiều vào lý trí, ít vào cảm tính, nhưng chưa bao giờ bỏ cái này lấy cái kia.
- Hèn gì chưa ba mươi đã đứng trên ngàn người.
- Ta không đứng trên. Ta đứng cùng. Họ cần một con đường, ta biết đường nên dẫn họ đi.
- Hiểu.
- Đi chưa?
Trần Kháng đưa tay ra lần nữa, lần này Lê Hiên chủ động đặt tay mình vào.
- Đi.
Hồn cậu nhỏ lìa khỏi xác mất cả một tuần. Đau xót cùng cực, đến thế rồi thôi. Hôm cầm hũ tro cha mẹ trên tay, nó kêu Trần Kháng dắt ra vách đá mà đổ đi hết. Mắt bịt khăn đen vậy mà vẫn thấy một dòng nước mắt cuối cùng, Trần Kháng hiểu Lê Hiên đang tiến gần đến bước giải phóng tâm hồn mình.
Tro không phải là thứ để giữ lại. Ở lại là lòng tin, là lý tưởng. Con người có thể chết đi, nhưng lòng tin và lý tưởng thì phải sống.
Chính thế nên khi Lê Hiên nói muốn gia nhập nghĩa quân, Trần Kháng đã đồng ý.
Kẻ đứng đầu không thể tùy tiện vì tình hay nghĩa mà để người nào gia nhập đột xuất. Vài người vẫn sợ cậu ấm kia chỉ vì một phút đau khổ nhất thời mà quyết liều mình, vốn không có đủ kiên định để theo đến cùng, tương lai sẽ dễ dàng trở mặt. Lê Hiên ở trong căn nhà bốn bề u tối, chỉ có cái giếng trời ngóng ra mảnh xanh trắng trên cao, đi ra ngoài lại bị bịt mắt bịt tai hết cả.
Một hôm nó ngồi một mình, từ đâu bỗng vang lên tiếng đao gươm ngày càng chát chúa. Bồn chồn định vén màn lên nhìn ra ngoài thì đã bị ai chụp ngay miếng vải đen vào đầu lôi đi. Lúc vải đen được mở ra là thấy quan quân triều đình ngồi sẵn, vặn vẹo tra khảo nơi ẩn náu của quân khởi nghĩa suốt mấy canh giờ. Nhất quyết bảo không biết lại bị đánh đập không thôi, từ dùi cui đến roi thừng, thứ nào cũng đủ vết hằn máu trên người. Xong nó bị lột truồng rồi bỏ vào lu đất giữa trời nắng gắt, ngồi bó gối mà nghe cái nóng hầm tận vào da. Vết thương lở loét chưa lành lại bị lôi ra đánh tiếp, bất tỉnh thì nhúng đầu vào nước bắt khai. Chân tay bị trói gô, vải ướt đắp ngay lên mặt, buồng phổi cạn kiệt đến run bần bật thân người, khoét sâu thêm vết trói ở cổ tay cổ chân. Không khí trở thành món ăn quý giá và ngon lành nhất.
Không tắm không ăn, nó thành con ma đói hôi hám, trần truồng bó gối trong lu cùng lũ sâu bọ và bãi phân nước tiểu của bản thân mình, cựa thân thể đầy vết thương máu đen bong tróc vào thành lu, ước mình có con dao rạch tay mà chết.
Lu có khe nứt nhỏ, con cóc từ đâu nhảy vào, lớp da gai sần cựa vào sau lưng. Vươn tay ra sau muốn vuốt da con cóc. Con cóc nhảy đi. Nó nghĩ đời mình sắp hết rồi.
Vậy mà chưa hết.
Quân lính bắt nó ra khỏi lu rồi ngồi lên một sợi dây thừng, không khai thì họ nắm tay chân kéo mạnh đường đầu tiên.
Một đường máu hằn trên dây, và cơn đau rõ mồn một cào rách thân người.
Họ cho nó một khắc để thẩm thấu hết nỗi đau. Và nỗi nhục. Và lòng tin tụt dần tụt dần đến không còn đất đá nào che chở nữa, chỉ muốn rơi vào khốn cùng tâm điểm của giấc mơ hoang hoải nào. Như khi cả thân thể bị lột truồng, như nóng đốt lu, lạnh ăn thân thể, như từng gáo nước lạnh xối thẳng lên người, như từng đòn roi xéo quằn lớp da non bọc xương mảnh khảnh, như khe hở và vùng kín tróc máu nóng rát khiến nó muốn chối bỏ cả phần thân thể này khi nước mắt không thể không trào ra được.
Đau quá mẹ ơi...
Lạy! Mang con đi theo với.
Tia sáng mặt trời nhòa đi trong mắt, hồn nó bung ra khỏi ngực mà ôm lấy mân mê, van cầu thứ ánh sáng toàn năng thiện mỹ kia đừng bỏ rơi nó lúc này.
đôi cánh chim bay
trên trời cao rộng
ước hồn mình cũng rộng
để chở cánh chim bay
Bao kẻ đọc sách tin tâm mình vững như thạch, bảo rằng nỗi đau thân thể không thể sánh với nỗi đau tinh thần, chỉ là khi họ chưa bao giờ chịu đau thật sự. Nỗi đau vốn không thể đem ra so sánh, nhưng cơn đau thân thể hành hạ con người ta khác với cách nỗi đau tinh thần ngự trị trong tim trong não. Cơn đau thân thể rõ ràng, mạch lạc, xuyên suốt, kết nối toàn bộ tâm hồn, lý trí, bẻ cong niềm tin và nhận thức, quăng con người xuống một tầng tối tăm hơn, nơi mà người ta quên hết những nỗi đau khác, khiến người đành đoạn với người mà tiến về phần "con" đáng sợ. Chẳng phải trong bao nhiêu cơn nguy khốn, kẻ bị tra tấn luôn phải khai ra đồng đội mình đó sao?
Lê Hiên bị tra tấn, nhưng nó không mở miệng lấy một lời, tâm biết rõ mình với nghĩa quân còn chưa thể gọi nhau tiếng đồng đội. Đau đến đứt gân đứt ruột, nhưng chưa đủ. Nó chờ đợi một sự bùng nổ mãnh liệt hơn, cao trào hơn, như tiếng nhị ai kéo đến gần đứt dây, réo ra réo rắt át đi tiếng suối, nhuộm xám bờ cỏ non, bóp chặt đôi cánh chim đang vùng bay thoát mất.
Cao trào cực khoái đang đến. Tim nó đập thật nhanh. Răng va nhau cồm cộp. Đỉnh giữa ngoi lên thách thức. Máu chảy đầu da thấm ướt lòng sâu. Rộng lớn bạt ngàn cả một bể dâu. Tìm niềm đau ở đầu con gió.
Họ kéo đường thứ hai theo hướng ngược lại. Phía trước tránh khỏi nỗi nguy rách đứt, nhưng khe sau đã bị cày nát thêm một lần.
Bao nỗi niềm bị xới tung lên rồi vất ra ngoài đất cát, lồ lộ phơi mình dưới nắng mưa. Nắng đốt đất khô, cây không trổ lá. Mưa dầm đất ướt, nước chảy thành sông. Ào ạt ào ạt về nguồn, co rút trút mình vào bão, cuồng loạn mê đắm một nắm xuân xanh xoay tròn cao tít. Cánh chim đi lạc, bão bóp chết thành máu thịt bê bết trời xanh.
Lê Hiên mỉm cười.
Đường thứ ba chưa kéo, dây thừng đã bị chặt đứt xuống. Trước khi ngất đi, nó thấy mình rơi vào vòng tay ai mát dịu như đan từ mây từ lá.
Lá tre làng Mạ. Tre xanh ngắt, thân xanh đậm, lá xanh nhạt, hiền mà dữ, nhâm nhi gió non mà chép miệng kể chuyện mình. Câu chuyện những đời thừa nương náu chốn ngoại thành lặng yên, chì chiết nhau dăm ba câu lại phải ngóng lên thân tre cao đếm từng đốt năm đốt tháng, ngỡ ngàng thấy mùa xuân qua đi quá vội mà bản thân không còn giữ lại được gì. Khởi điểm là không cho không nhận, lê lết dần mòn qua thời gian mới thấy phí hoài và nhẫn tâm với bản thân mình quá, nhưng chỉ biết buồn, biết bẽn lẽn u sầu vậy thôi.
Tận cho đến khi đốt tre cao nhất vói lên trời, đâm xuyên nỗi buồn thành nỗi đau tuyệt đích.
Tuổi thơ yên bình nứt giòn, Lê Hiên mãn nguyện nhắm mắt.
Không mơ, chỉ ngủ, và mở mắt ra là nắng hắt ngoài song, bóng người đàn ông gần lại, bát cháo tới cạnh bên.
Quân khởi nghĩa và Trần Kháng muốn thử cậu nhỏ nên đành dựng kịch. Thử lòng trung thành, thử sự kiên định, nó cũng chẳng còn sức mà tranh cãi. Khi tỉnh dậy, nó mở miệng thều thào mấy hơi tức tối rồi dằn xuống lại, thở hổn hển hổn hển, nhổ hết cháo xuống đất mà ăn thật ngon thứ không khí trong lành đã bị tước mất nhiều ngày qua. Nó giành lại sự sống tươi ngon, thỏa thuê nắm trọn định mệnh mình dần chuyển hướng.
- Vì sao lừa tôi?
- Lừa một lần để không bao giờ lừa nữa.
Miếng cháo giận, miếng cháo thương, miếng cháo nghĩa tình mới tươi mà đậm đà, đắng ngọt đầu lưỡi. Nỗi đau, nỗi buồn nhạt như nắng sớm, bởi thân thể và tâm tình rã rời tan thành từng bèo nhỏ, trôi đi trôi đi theo nước mắt không chảy ra được phải quay trở lại vào lòng.
- Quân ta có ông thầy y giỏi sẽ chữa lành được mấy vết thương của cậu, kể cả ở...
Vừa nói vừa đưa tay luồn vào chăn. Lê Hiên giật mình co người lại, con chó điên hôm nào giờ như chó con lạc mẹ, thấy người động một tí lại dựng hết cả lông lên.
- Đã thấy hết rồi, không cần ngại.
Thuốc mỡ mát lành vùng tâm điểm sâu kín, cả trước cả sau, từ má đùi ngoài vào má đùi trong, bôi đến đâu lại thấy bàn tay cậu nhỏ cấu vào chăn thật chặt.
- Ta muốn cậu hiểu cái đau, cái nhục, cái bất lực, tù túng không phải là tất cả. Nó giết dần mòn tâm hồn con người, nhưng không phá hủy được lý tưởng. Lý tưởng sống mãi giữ cho thân thể và tinh thần nguyên đẹp, chính là điều mà bao dụng hình tra tấn không làm gì được. Cậu có thể bị nhốt trần truồng đau đớn trong lu, đái ỉa đều trong ngục tù nhỏ bé ấy, nhưng một khi cậu vượt ra, tất cả sẽ tốt đẹp trở lại. Cái đẹp nhất không phải đẹp từ trong trứng nước đẹp ra, mà là cái đẹp đã qua tôi luyện, hình thành lại thân thể, tinh thần, và lý tưởng, nuôi sống một con người mới với niềm tin và lòng kiên định vững mạnh nhất.
Nắm lấy bàn tay gầy guộc còn hằn đường máu, Trần Kháng siết chặt. Lê Hiên không thấy đau, chỉ thấy ấm.
- Lý tưởng của ta, bây giờ cũng là của cậu.
Khi nhìn Lê Hiên mỉm cười trên sợi dây thừng hằn vết máu tươi, Trần Kháng biết mình muốn đặt hết niềm tin vào người này. Ôm cơ thể nhẹ bâng trong tay mà lòng nặng trịch tội lỗi, ai nỡ làm đau người ta đến đau cả chính bản thân mình. Da này, xương này, máu này, từ bây giờ phải là của hắn. Chảy vì hắn, sống vì hắn, vì lý tưởng của hắn. Là giấc mơ cho đất nước tốt đẹp hơn, giàu mạnh hơn, tự cường tự lực mà không cần đến can thiệp ngoại quốc, là lý tưởng hắn gieo vào trí não ngàn người bao năm qua.
Đã sớm nói cho cậu nhỏ biết kẻ giết mẹ nó là người của triều đình, Trần Kháng cẩn thận vun trồng lòng thù hận trong tâm tưởng kẻ chưa trót đời kia. Hắn còn giảng giải cho nó hiểu chế độ vua tôi hà khắc này mới chính là thủ phạm, bởi nó làm biến chất con người, khiến họ sinh lòng ganh ghét với nhau, giẫm đạp nhau mà sống; và nó, cậu thanh nam bé nhỏ hèn mọn sẽ bị đập bẹp cho thoi thóp như cái kiến bò mãi chẳng thấy hang, ngoi ngóp hơi tàn mà lánh đời thừa vào cỏ lá.
Trần Kháng tin Lê Hiên đã hiểu. Nó trước không tin vào chính nghĩa, chỉ tin vào nhân sinh, cụ thể hơn là cuộc sống của chính bản thân mình. Nhưng nếu gắn được chính nghĩa với cuộc sống của mình, thấy được nỗi đau chính mình phải chịu, nỗi buồn chính mình phải gánh, chính nghĩa mới trở thành một phần trong con người. Giữa lòng chảo tuyệt vọng, bơ vơ trong đất trời là tâm hồn đi hoang. Nó cần một con đường, và Trần Kháng tin mình biết đường nên dẫn nó đi.
Hắn biết cậu nhỏ này yếu nhược nhưng không hèn. Trong hoàn cảnh tưởng chừng túng quẫn nhất, cũng chính là cực hạn cho đứa nhỏ chưa đủ trải đời, tâm nó vẫn hướng về một chuẩn mực chân thiện mỹ vô hình, bấu víu vào đấy để sống, tức là vượt qua mức tồn tại mà sống ngẩng cao đầu trong cái lu bé nhỏ hôi tanh. Giữa không gian chật hẹp như bàn tay ai đang siết mình nhỏ lại, khi tất cả sâu kín bị mở toang, nó mới được giải phóng tự do.
Húp ngụm cháo thứ hai, nó không nhổ ra nữa, lặng lẽ nuốt xuống, mắt nhìn người kia đăm đăm, chính thức nắm lấy bàn tay đưa ra cứu vớt cuộc đời khốn khổ. Mười sáu năm chưa hiểu trọn khổ cực, bây giờ đã sang năm mười bảy rồi.
Chạp sắp sang Giêng.
Lê Hiên về tang cha một tháng, nay gặp thổ phỉ giết người cướp của, rước thêm tang mẹ và mớ vết thương trên người, xin thêm hai tháng để tang là ba. Ông hoàng,bà hoàng cùng Việt phi đến thăm thấy cậu thanh nam thẫn thờ trên giường cũng hiểu cảnh nhà khốn đốn thế nào. Chưa từng để ý đến cậu nhỏ bao giờ, song nghĩa vợ chồng với nhau phải có, nay nhà họ Lê tan nát như thế cũng khiến ông hoàng không thể không mủi lòng.
Liếc thấy Trung Chính nắm tay Lê Hiên hỏi han, Dương Quỳnh dời ánh mắt đi thật nhanh rồi xin đứng dậy về trước, không để ý mắt một người liếc nhìn cô ta còn nhanh hơn mấy lần, tức là liếc mà như không, chỉ thần tốc chớp lấy một biểu cảm trên gương mặt người đàn bà đã quay đi quá nửa.
Cả Trung Chính và Bùi Việt đều muốn nó trở lại hậu cung. Họ hiểu kẻ khốn cùng cần phải có người cứu giúp, tốt nhất là không nên ở một mình mà lâm vào cảnh cô độc khó khăn thêm. Lê Hiên cần trở lại hậu cung để có nơi nương tựa ổn định, cũng chính là cung Thuận Thiên vốn ít người hầu cận. Cậu nhỏ nghe xong cũng gật đầu dạ vâng, chỉ xin được tịnh dưỡng thêm hai tháng tại quê nhà cho lòng mình bình ổn lại. Bùi Việt ôm nó thật lâu, thì thầm vào tai mấy câu mới cất bước rời đi. Câu chữ bảo trọng sức khỏe nhòe đi hết, cậu nhỏ chỉ nghe được một tin.
Thụy Kha đã có thai, bây giờ hạn chế ra ngoài nên không đến thăm nó được.
Lê Hiên mỉm cười không nói gì.
Trở lại doanh trại nghĩa quân, Trần Kháng cử ngay ông thầy y giỏi nhất đến chăm nom cho nó. Vốn cậu nhỏ báo tin lên triều đình chỉ để xin kéo dài thời gian, sớm đã từ chối thầy y do ông hoàng và Việt phi cử tới với lý do chỉ có vài vết trầy xước ngoài da rất nhẹ, không cho họ biết rằng nó đã được điều trị được một phần trước đó mới đi đứng lại bình thường được, cũng do mặc quần áo che đi mà không thấy những vết thương nặng hơn ở trong.
Có điều Trần Kháng nói là thật. Ông thầy y trong nghĩa quân là giỏi hiếm có, thuốc men mấy chốc đã giúp nó lành lặn trở lại. Sẹo mờ đi nhiều, cả vùng kín cũng tươi màu trở lại. Trần Kháng giúp cậu nhỏ bồi bổ, hướng dẫn nó tập luyện thân thể, qua mấy tuần đã thấy có da thịt, thậm chí còn muốn khỏe mạnh hơn lúc trước. Do chỉ có thời gian ba tháng, sau khi bình phục phải vào ngay quãng thời gian tăng cường tập luyện. Luyện cho Lê Hiên dùng đao gươm thành thục là điều bất khả, nhưng dạy cho nó mấy đường võ và cách dùng vũ khí cơ bản cũng đã đủ. Nó trở lại cung là để làm nội gián cho nghĩa quân, muốn thành công thì cần diễn giỏi hơn là đánh giỏi.
Cả với Bùi Việt cũng là diễn trò. Nếu ông phi kia không xin cho nó vào cung mình thì tự Lê Hiên cũng sẽ mở miệng xin, lấy lý do rằng nó cần người ở bên để bầu bạn nương tựa cho qua sầu khổ, thực chất là sắp xếp cho toan tính về sau. Trở lại cung để tiếp tục lấy lòng ông hoàng như ban đầu phải thế, chỉ khác rằng mục đích lần này còn cao hơn, chính là giúp cho nghĩa quân lật đổ triều đình.
- Dựa vào điều gì? Cậu vốn chỉ là thanh nam bị hắt hủi trong cung.
- Khi ông hoàng đến thăm tôi, mọi chuyện đã khác.
Gương mặt đã không còn gầy gò khắc khổ, khi cười vẫn thấy hơi lạnh vấn vương.
- Người trong hậu cung vốn chỉ mong tiếp cận được ông hoàng một lần. Mỗi lần gặp là một lần quyết định vận mệnh mình về sau. Quan trọng nhất là gợi được lòng thương.
- Lòng thương hại chưa chắc đã thành tin yêu?
- Ông có tin tôi không?
Lay nhẹ một bên thái dương, Trần Kháng nghiêng đầu im lặng, ra hiệu cho Lê Hiên nói tiếp.
- Chỉ là điểm khởi đầu. Nói thẳng ra, không ai dám chắc có thể khiến người khác tin mình tuyệt đối. Nhưng phải thử, vì không thử thì không bao giờ biết được. Thương hại là điểm bắt đầu, nhưng dĩ nhiên vào cuộc rồi phải khác.
- Cậu được gì? Chúng ta được gì?
Không nhìn thấy được tâm tình trong mắt cậu trai nữa, hắn bắt đầu lo sợ. Dĩ nhiên, chẳng ai làm thánh mà đoán trúng lòng người luôn luôn, nhưng hắn sợ đôi mắt ướt nước trong suốt hôm nào sẽ như hôm nay phủ đầy màu xám. Bức tường khói mỏng manh nhưng không mũi tên nào xuyên thủng, ngăn bao người và cả hắn bước vào, tưởng như hắn phóng sinh con chim mà nó bay đi không trở về cạnh nữa.
- Nếu tôi thành công tiếp cận ông hoàng, luồn được tin ra ngoài cho nghĩa quân, chuyện ông lấy đầu ông ta sẽ trở thành có thể. Nếu tôi thất bại, mình tôi chết trong cung, quyết không khai nửa lời. Ông chỉ được chứ không mất gì.
- Ta hỏi chúng ta được gì? Không phải ta. Không phải cậu. Là chúng ta.
- Chiến thắng.
- Không bảo đảm.
- Không có kế hoạch nào bảo đảm thắng lợi.
- Vì sao lại liều mình quá sớm?
- Lý tưởng.
Lê Hiên đưa lòng bàn tay ra. Chỉ tay rối nát, không thấy rõ vận mệnh.
- Tôi đã nhìn thấy. Tôi muốn tiếp tục nhìn thấy...
Trần Kháng nhíu mày, đẩy ghế đứng dậy.
- Lý tưởng.
Đôi mắt nào trong như nước, tâm tình nào xám như sương?
Tim nóng, đầu lạnh, ám ảnh bao nhiêu tháng năm không bao giờ nhòa đi một khắc. Có khi chỉ vì đôi mắt kia mà đổi cả hướng đi của mình. Tự nhủ rằng không lệch đi, chỉ là rẽ sang bên một chút. Trần Kháng day day sống mũi, cau mày nhăn mặt gần một khắc. Lê Hiên im lặng, gương mặt không cảm xúc kiên nhẫn hướng về phía người kia.
Qua một khắc, bàn tay to nắm bàn tay nhỏ, Trần Kháng kéo Lê Hiên đứng dậy. Lúc này nó mới mở miệng trở lại.
- Cảm ơn.
Lại cười, nhưng lần này khiến Trần Kháng buồn bực quay đi, Lê Hiên nhìn theo cười thêm một lần không ra tiếng.
Hắn cử một người chuyên làm nội gián đến dạy cho Lê Hiên. Hắn biết nó học rất nhanh, vì một khi chính hắn đã không còn nhìn thấy được, hiếm ai có thể làm được nữa. Có khi hắn đi ngang qua chỗ hai người nói chuyện với nhau, mắt cậu trai sẽ liếc sắc ngọt, có buồn có vui, có tiếc nuối có lo âu, nhưng chẳng có tâm tư nào rõ ràng được nữa, chỉ mơ hồ vụn vỡ, cứa vào mỏm đá trơ mười mấy năm chưa thổn thức lấy một lần.
Ngay cả chính lúc này, khi mắt người em kia đã bị vải đen che mất, Trần Kháng vẫn thấy ngàn cây kim nhỏ đâm vào tim mình, chẳng đau, chỉ khiến mỗi lần lồng ngực phập phồng thở lại nhức lên một ít. Lê Hiên tuy đã lấy được lòng tin của nhiều người trong nghĩa quân, bản thân là người mới gia nhập cũng chưa thể biết nơi ra vào doanh trại, mỗi lần vào ra đều phải bị bịt mắt, chỉ khác rằng nó xin được cho mình không bị bịt tai.
Xe ngựa lần này chở nó về lại nhà, ở nhà sẽ ngủ một đêm rồi hôm sau lên xe Bùi Việt xếp sẵn để về cung. Phải đến tối mịt, xe mới tới làng Mạ, vốn Trần Kháng không muốn tai vách mạch rừng nên đã chọn đi lúc tối khuya. Lê Hiên bước xuống, đợi người kia tháo vải bịt mắt mình, thấy Trần Kháng nhìn chăm chăm đôi gương xanh xám mà chùn tay, trộm nghĩ đường về nhà tự nhiên xa và lạnh quá.
- Có muốn đi dạo một đoạn?
Rồi không đợi Trần Kháng trả lời, Lê Hiên chủ động nắm lấy tay hắn kéo đi, đằng sau xe ngựa đã khuất dần trong tối.
- Đi.
Đêm an tĩnh, không trăng không sao, tỏ mờ lồng đèn dăm ba cái uốn quanh đường làng.
- Làng Mạ ít người, nhà cửa không bao nhiêu, nhưng họ vẫn thích treo đèn.
- Cho sáng.
- Không hẳn. Phần để xua đi nỗi sợ.
Lê Hiên bước đi song song bên cạnh, cách Trần Kháng chưa đến gang tay. Hắn không biết cậu nhỏ chủ động đi rất gần mình, vải áo nhiều khi chạm vào nhau thật nhẹ.
- Sợ cô đơn. Sợ không ai nhớ đến. Tàn nhẫn nhất trên đời chính là sự lãng quên. Chết cũng được, chỉ cần được nhớ tới.
Trần Kháng dừng bước chân, ngẩn người nhìn bóng áo dài mập mờ trong tối, tưởng như hòa vào màn đêm mà tan thành sương khói, để rồi người ta quên đi, chính nó cũng sẽ quên đi sự hiện diện của chính mình. Sương khói là để tan, không làm gì khác được, và thế mới khiến ai lỡ nhìn thấy vẻ đẹp của nó phải tiếc nuối đến bất lực, cảm giác như sức mạnh đôi tay không còn ý nghĩa, và những điều tuyệt vời nhất rã nát trong chính lòng bàn tay.
Cảm giác người kia không còn đi cạnh bên, Lê Hiên quay người lại. Người đàn ông cao lớn trong bóng tối trầm buồn như tượng đá, bao nét phong trần nhuốm thành gió sương, nhưng sự hiện diện thì rõ mồn một, tưởng như hắn nắm chặt bàn tay nện xuống đất, khẳng định quyền sống và tự do bao người hằng khao khát. Một sự sống mãnh liệt và vững chãi như thế rất dễ khiến người ta đau khi không được dựa vào.
- Đi?
Hương thơm đồng quê dịu nhẹ lan vào mũi, ngai ngái mùi đất, mùi cỏ, mùi cảm tình chưa chín tới, nhưng ửng xanh ngan ngát cả một cõi hoang dại trong lòng. Lê Hiên quay bước đi, Trần Kháng bỗng níu tay kéo lại.
- Ta sẽ cố không quên em.
Máu xám vỡ ra trong đêm. Nét cười được tô đậm. Tiếng cười hắt ra rất nhẹ là một hơi thở còn dư cho tình yêu, cho khát khao vẹn toàn, cho hạnh phúc lỡ tuột qua tay nay có người vớt lên đặt vào lại.
Nhanh quá, thời gian nhanh như cánh chim bay, bay qua bầu trời không bao giờ tìm lại được. Như phù du là vĩnh cửu, mãi mãi tiếc nuối, mãi mãi ngóng trông, ở lại là kỷ niệm lỡ mắc vào cọng rêu yếu ớt phơi mình trên đá xanh. Nước chảy rồi đá phải mòn, nhưng trân quý từng phút giây đá rêu ở cạnh nhau cũng đã là hạnh phúc lắm, nói gì đến kiếp sống mỏi mòn không có cả người để ngóng trông.
Không phải là lời khẳng định chắc chắn cho nghìn thu vọng tưởng, nhưng lời hứa cố gắng chắc nịch kia lại khiến Lê Hiên cười tròn đến tận mang tai, vui như sáo diều vi vu buổi đồng quê lộng gió, ước mơ thơ bé bay mãi lên trời rồi trở lại trong tay. Cầm nắm được, sờ nặn được, cảm nhận được rõ ràng vị ngọt mát trên đầu lưỡi, khoan khoái lâng lâng như say.
Nụ cười trong tối vẫn đẹp vô cùng, Trần Kháng thấy tim mình bay lên cùng mây trời, trong một chốc thoát đi gánh nặng của gông cùm lý trí và niềm tin yêu vốn bị rèn thành sự kiên định sắt đá đầy rẫy nghi ngờ. Nghi ngờ niềm vui đã mất trong bao năm của chính bản thân, tự tin rằng tâm tình riêng tư đã hòa vào tâm tư của ngàn vạn người ngoài đó. Vậy nhưng con người ta phải có khoảng lặng khao khát lấp đầy của riêng mình, chính là ao sen nhỏ thoang thoảng hương bay, ám ảnh nhiều đêm nhớ ai mà cả trong mơ còn thức.
- Tiễn đến đây là được rồi.
Áo dài lại phải rời đi. Hắn không biết nói gì nữa. Hắn thấy mình dở quá, nhưng đành chịu. Hắn từng giảng giải đàm đạo với bao người, không ít lần dùng tài ăn nói mà thuyết phục người ta đứng vào hàng ngũ mình, vậy mà giờ không biết nói sao cho thành lời tạm biệt.
- Mạnh khỏe.
Là lời bỏ lại cùng của cậu trai. Lê Hiên bước đi thật nhanh, để mặc sau lưng bức tượng đá rốt cuộc cũng với theo được một câu.
- Phải sống.
Từ xa trong màn đêm, hắn có thấy cậu trai quay lại. Hình như có cười, nụ cười buồn và đẹp lắm.
Cả đời Trần Kháng nhớ nhất là hai nụ cười. Một là mẹ cười trấn an khi nghe tin cha chết, méo lệch cả cơ mặt, đôi mắt tan tác bỏ nắng mà đi. Hai là nụ cười người em trai khi chào tạm biệt, buồn đến ma quái mà vẫn đẹp ngây thơ không tưởng.
Người em trai mười sáu tuổi đã đóng lại vết thương trên da và trong tim, liếm nốt giọt máu cuối cùng còn rỉ sót, chọn bước đi song song sát gần bên hắn, nhưng lại khéo léo giữ khoảng cách xa vời khi hắn cố tình bước sang.
Người em trai mười sáu tuổi ở trời Nam nhưng còn ít nhiều nét Bắc, biết lấy một lớp lá sen che ẩn đi tâm tư thật sự trong lòng, lời nói bâng quơ mà gây nhiều vương vấn, giống như người đàn ông đẹp cha từng đưa đón khi xưa.
Người em trai mười sáu tuổi với nụ cười ám ảnh, không hiểu sao gợi nhắc ký ức đau thương mùa xưa cũ, khi một đêm mẹ giấu nước mắt vào tay áo mà nhìn trời mưa nói vu vơ.
- Đừng tin lời con trai đẹp, con nhé.
Sao lại không tin cho được? Hiên đâu phải là chú Nguyên hay chú Nhiên...
Chặc lưỡi quay đi, bóng Trần Kháng lẫn vào đêm tối.
Đằng xa, cổng nhà Lê Hiên đang hé từ từ đóng lại.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top