[ÁO DÀI HÀ BẮC] BẢY.

Thụy Kha tay phủi áo quần, tay vén lại tóc mai mới bước vào cung Hoàng Dương. Một người hầu gái của Dương Quỳnh đã quen mặt Thụy Kha, liền chạy vào thưa với bà hoàng đang uống trà bên trong. Thụy Kha bước vào thì thấy Dương Quỳnh đang tưới nước sôi lên hai cái tách.

–        Lại đây ngồi uống trà với ta.

–        Em không dám ngồi chung ván với bà hoàng.

–        Không cần ngại. Cả hậu cung biết em là do ta tiến cử rồi, cũng chẳng ghét em thêm được đâu.

–        Vậy em xin vâng lời.

Thụy Kha ngồi lên ván, Dương Quỳnh cũng vừa rót trà vào tách xong.

–        Uống đi rồi hãy nói.

–        Dạ em xin.

Tách trà nóng hổi, qua lớp vải áo vẫn thấy như phải phỏng, Thụy Kha vừa nâng lên đã phải hạ xuống.

–        Trà không ngon?

–        Dạ không, chỉ là nóng quá ạ.

Dương Quỳnh nhếch mép.

–        Trà để nguội mất ngon, nên phải vừa thổi vừa uống. Cái giường ông hoàng cũng không thể để nguội, phải biết thừa lúc tiến lên, nhưng là vừa đánh vừa lui.

–        Xin bà hoàng chỉ dạy – Thụy Kha nghe biết có ý, nâng tầm mắt lên một chút.

–        Khang phi đã có thai, nay sẽ phải kiêng cữ chuyện giường gối dần dà. Ông hoàng lạnh mặt nhưng không lạnh lòng, sẽ cần người bên cạnh cho giường ấm nệm êm. Những lúc cô đơn này, ông hoàng sẽ càng nhớ tới một người trong tranh.

–        Người trong tranh là ai ạ?

–        Cả cung Hoàng Long chỉ có một bức tranh, chính là bức vẽ Nguyên phi chèo thuyền hái sen lúc còn ở Hà Bắc. Ông hoàng nhớ tới người trong tranh, sẽ rất cần một người thật ngoài đời.

–        Vậy bà hoàng sẽ thu xếp để em được vào hầu ông hoàng?

Dương Quỳnh thổi xong một hơi, nhấp vào một ngụm trà, quay sang tươi cười với Thụy Kha.

–        Chưa. Như ta đã nói, phải vừa đánh vừa lui. Nguyên phi ngày xưa không phải là người suồng sã, nay ta mà đưa em vào hầu ngay sẽ làm mất đi hình ảnh của Nguyên phi ngày xưa, ông hoàng sẽ không thích.

Dương Quỳnh đặt tách trà xuống, cầm tay Thụy Kha mà nói.

–        Ta đang gợi nhắc lại một hình ảnh. Hình ảnh không chỉ là gương mặt, dáng người, giọng nói bên ngoài. – ngón tay vẽ theo đường cằm của Thụy Kha, men theo cổ xuống ngực rồi dừng lại ở đấy – Nó còn là tính cách, là nội tâm bên trong.

–        Nhưng làm sao mà em có thể gợi lại tính cách của Nguyên phi?

–        Phải đánh vào kỷ niệm. Cứ từ từ gợi nhắc những kỷ niệm trong quá khứ, chỉ cần trong những hoàn cảnh tương tự mà em ứng xử như Nguyên phi, ông hoàng sẽ nghĩ tính cách của em cũng như Nguyên phi. Tất nhiên, phải có những lúc lui binh không đánh để tạo cảm giác vô tình trùng hợp.

Thụy Kha nghe xong mới hiểu vì sao người đàn bà này đứng đầu hậu cung trong một thời gian dài như vậy. Tính toán thế này không chừng chỉ là một lớp nổi nhỏ bé của lòng dạ cô ta.

–        Bà hoàng nhìn xa trông rộng, em rất cảm phục.

–        Ta chưa cần em cảm phục – Dương Quỳnh gác chân lên ván, nhìn bâng quơ móng tay mình – Những gì em cần học còn nhiều lắm. Trước mắt là cuộc thi đàn. Hôm nay em sang đây là để xin ta qua bộ Lễ mượn đàn, đúng không?

Thụy Kha “dạ” xong, nghĩ biết ý Dương Quỳnh bảo mình ở cung Bạch Liên đã có người theo dõi, là lời cảnh báo không được sơ suất hay có ý đồ với bà hoàng.

–        Mang đàn ra đây – Dương Quỳnh nói lớn.

Từ bên trong, một người hầu gái ôm ra một cây đàn bầu, hai tay kính cẩn đưa cho Thụy Kha. Thân đàn làm bằng cây bương, dài gần bốn thước.

–        Ta biết em thấy lạ. Đàn trong cung đáng lẽ là loại hộp gỗ vông hay gỗ ngô đồng, là loại cải tiến cao cấp chứ ít ai dùng loại đàn thân tre, thân bương vốn từ những nơi không đủ điều kiện chế tác tỉ mỉ thế này. Vậy nhưng ngày xưa, Nguyên phi ở Hà Bắc chính là dùng loại này đàn cho ông hoàng. Ta gợi nhắc hình ảnh Nguyên phi phải là hình ảnh ngày xưa ngoài Hà Bắc.

Dương Quỳnh lại kêu người hầu bưng ra thêm một tấm áo dài nâu sờn trao cho Thụy Kha.

–        Ngày thi, em mặc áo này. Mấy kẻ ngoài kia lúc nào cũng lo ăn mặc đẹp đẽ tươm tất, đàn hay đồ dùng nào cũng tìm loại tốt mà dùng, bởi chúng nó không thể biết hình ảnh Nguyên phi ngày xưa thế nào mà bắt chước. Ta biết em lớn lên bên cha, không gần với chú nên ta chỉ em mấy điều này. Giờ thì lui đi.

Phan Nguyên ngày xưa hái sen, mặc áo dài nâu là để đỡ lấm bùn đất. Con nhà dân, áo dài thô sờn vậy vốn là để lao động, không ai mặc đi hội đình chứ đừng nói vào cung. Dương Quỳnh ngày xưa ra Hà Bắc thăm chồng mới biết vẻ đẹp nào của cậu hái sen làm chồng mình tương tư không dứt được, nay nhìn thấy người người xun xoe ăn ngon mặc đẹp, cũng chỉ cười khẩy bỏ qua. Vốn họ không phải Phan Nguyên, không cần biết mà bắt chước làm gì, chỉ có Thụy Kha với ngoại hình tương tự mới thực sự gợi lại được hình ảnh người xưa trong lòng ông hoàng Trung Chính.

Thụy Kha mang áo dài và đàn về cung Bạch Liên, may mắn không bị ai nhìn thấy mà dò hỏi. Cất đàn rồi xếp áo vào tủ, lại khóa cửa nhà rồi rảo bước sang nhà bên, thấy Lê Hiên đang đếm tiền mà nhăn mặt nhíu mày tính toán, mới tiến vào giật lấy một tờ tiền mà nói.

–        Tiền em không đủ thì sau này đừng đút mấy người hầu nhiều quá nữa. Mấy hào là được rồi. Còn việc nào tự mình làm được thì nên tìm cách, không nên nhờ vả ai.

Lê Hiên gục gặc đầu, thở dài lại cất tiền vào lại dưới gối.

–        Trong hậu cung có một hồ nước gần cung bà hoàng. Em có muốn ra đó chơi cho thư thái đầu óc không?

–        Thôi ạ. Hôm nay cha em vào cung lại, đã hẹn em một khắc nữa gặp nhau.

–        Vậy thôi tôi đi một mình.

Thụy Kha đi rồi, Lê Hiên cũng búi tóc, đeo thêm chiếc vòng cổ bằng đồng rồi ra bộ Lễ gặp cha. Ra ngoài phạm vi hậu cung vẫn là nên chỉn chu như thế, huống gì bây giờ gặp lại cha cũng đã có thân phận khác.

Đưa giấy tờ cho người lính canh, ra ngoài lại đi men theo khoảng sân rộng hôm trước. Nắng trưa tưới vàng sân, cảm giác như đi qua một vùng sáng mơ hồ, đầu óc giãn ra một chút. Ngẫm lại từ lúc vào cung đến nay vui vẫn nhiều hơn buồn, có người bầu bạn, tâm sự, lại chưa phải tính toán so đo với ai, có bận lòng cũng chỉ là chuyện thi thố sắp tới. Hoàng cung vẫn sáng như thế này, đêm về cũng dặt dìu đèn lồng mấy người tuần cảnh, dẫu sáng mờ thì vẫn hơn ngọn nến mẹ thắp trong nhà.

Lê Hiên đi đến bộ Lễ thì nhìn thấy cha đang bê một lư đồng cùng mấy người hầu. Một ông quan áo đỏ, mặt cũng đỏ au như vừa xong rượu, lớn tiếng la mắng, chỉ dẫn bên này bên kia. Cha cao lớn, hung dữ trong trí nhớ trẻ thơ giờ teo hắt lại, chỉ còn người đàn ông thô gầy áo đen một tiếng dạ, hai tiếng thưa, ba vâng các ông quan lớn. Trí nhớ lại hiện về mấy buổi trưa cha cúi mình mời các ông lớn vào nhà ngồi chơi, vồn vã rót rượu lại đút tiền, tiễn các ông đi cũng phải có quà có lễ. Thở hắt ra, tay miết lên vạt áo dài lúc nào không hay.

Quan cửu phẩm, bậc chót cùng bộ Lễ, bị khinh bạc ra là thế này. Lắm cái uy trong cung là uy hờ.

–        Xin chào các ông.

Lê Hiên tiến vào, ánh mắt xoáy vào ông quan áo đỏ đang đứng bên trên, cũng không thấy ông ta phản ứng gì mà vẫn tiếp tục hô hào to tiếng. Ông Lê Minh thấy con, bèn ngẩng đầu thưa lên.

–        Xin ông lớn cho tôi nói chuyện với con tôi một chút ạ.

–        Bê xong cái lư đồng sang kia rồi nói. Việc còn chưa xong, nói nói cái gì!

Lê Hiên vốn là đứa nhỏ hiền lành, ngày xưa mua đồ bị ăn thêm tiền cũng không dám nói, chỉ về nhà kể lể cho mẹ vỗ đầu rồi thôi. Thế nhưng nay, không hiểu sao áo gấm với vòng đồng khiến nó tin mình đã có thân phận khác. Vừa ghét vừa sợ những người đỏ mặt đỏ mày lại lớn tiếng nạt nộ người khác, nó lấy tay đặt lên vai cha chặn lại. Mấy người hầu kia thấy vậy cũng hạ lư xuống.

–        Cha ra ngoài nói chuyện với con.

Kẻ kia ở trên nhìn thấy liền chau mày như đôi con rết treo trước trán, bước lại chỉ thẳng vào mặt Lê Hiên mà mắng.

–        Cậu kia, là ai mà vào đây làm loạn?

–        Thanh nam cung Bạch Liên, Lê Hiên.

Cố giữ dáng vẻ điềm tĩnh không sợ ai, ai dè cái uy khoác hờ lên thân chỉ khiến kẻ kia cười lớn. Ông Lê Minh sợ quắp người, kéo áo con tính lôi đi, lại líu lô tạ tội quan lớn, không ngờ Lê Hiên lại giữ chặt tay cha không cho đi.

–        Ta hỏi là hỏi cho có lệ, là nạt để đuổi cậu đi. Ta biết thừa cậu là con lão Lê Minh này. Sao? Làm thanh nam rồi tưởng vào đây làm loạn được?

–        Hiên, thôi đi con. Nói xin lỗi ông lớn rồi mình đi – ông Lê Minh nài nỉ, mặt đã nhúm lại như giẻ lau.

–        Cha, ở đây chúng ta làm cho rõ chuyện. – nói xong quay lại đối mặt kẻ kia – Cha tôi bậc thấp cũng là quan, không đáng bị ông sai sử như người hầu. Tôi là thanh nam, dù gì cũng là vợ ông hoàng, ông liệu mà cư xử cho phải phép.

Một trận cười lại vang lên lần nữa.

–        Thanh nam là cao quý lắm à? Ta là quan tứ phẩm, kể cả các tần còn sợ ta nữa kìa. Cậu đây mới vào cung đã làm ngựa non háu đá. Ta mới nói cho cậu hay: vợ ông hoàng các quan dĩ nhiên phải trọng, nhưng nếu là vợ lẽ, thậm chí còn chưa được vào hầu ngủ ông hoàng thì chưa là cái gì hết. Thanh nam còn phải đút lót bọn người hầu mới được hầu hạ, tưởng bọn ta không biết sao?

Ông quan kia chắp tay sau lưng, đến sát Lê Hiên rồi hừ mũi.

–        Bộ Lễ dạo gần đây bị cắt giảm mấy người, cha cậu là quan cấp thấp, chạy ra gánh việc chung với bọn người hầu thì có gì sai? Nói thật, nhà các người rốt cuộc chỉ có danh hão. Nào là quan, nào là vợ vua, đều là dưới đáy bùn mà đèo bồng cao quý. Hãy tự biết thân biết phận đi!

Lê Hiên hai tay bấu vào tà áo trước đã run nhẹ, vẫn cố giữ mình có cốt cách. Sợ, giận, buồn, lo, thứ nào cũng có, cứ thế vây tròn trong đầu. Ông quan kia liếc sơ qua cũng biết đứa nhỏ này vốn không phải dữ dằn gì, tức cho cha mình mới bộc phát mấy câu, bị hai chữ “danh hão” đánh trúng tim đen đã im bặt, liền phóng mắt sang ông Lê Minh mà nói.

–        Cũng gần trưa rồi, ta cho nghỉ hai khắc. Nói chuyện xong trở lại đây làm việc.

Ông Lê Minh biết được quan trên tha, tức khắc kéo tay con ra một đình ngoài bộ Lễ ngồi, lúc đi mới nhận ra tay con khi nãy nắm chặt vạt áo giờ đây đã buông thõng. Hai cha con bước vào đình mát, đến lúc ngồi xuống vẫn còn nắm tay nhau. Không chặt không thư. Mắt Lê Hiên phóng vào một khoảng không vô định, ông Lê Minh nhìn theo chỉ thấy vết nắng chảy loang trên mảnh sân ngoài. Hiểu lòng con, ông định lên tiếng thì thấy tay mình được nắm chặt, ngẩng mặt lên đã thấy con nhìn thẳng vào mắt mình.

–        Con xin lỗi cha.

–        Đừng – ông xoa nhè nhẹ lên mu bàn tay con – Chẳng có gì mà xin lỗi cả. Chúng ta là gia đình với nhau. Có tệ bạc với nhau, khi hiểu nhau rồi thì chẳng cần lỗi phải làm gì.

–        Con đã luôn nghĩ mình hiểu thông mọi sự rồi. Con vốn không hay lên tiếng, chỉ lặng lẽ lắng nghe, quan sát, nhìn thấy cha làm mẹ cực, rồi lại đút tiền các ông kia, con cứ nghĩ mình nhìn thấy hết cái sự này rồi. Ai dè bức tranh to quá, mà con thì bé bằng cái kiến thôi.

–        Không đâu. Cái hoàng cung này, cái cuộc đời này nó rộng, nó gồ ghề thô ráp, được góp lại từ đủ vật trên đời ra thành một khối hình thù dị dạng. Đừng bao giờ so với một bức tranh phẳng lì.

–        Cha nói phải.

Thấy con cúi mặt nhìn bàn đá, ông Lê Minh lấy tay nâng mặt nó lên.

–        Hiên ngoan.

Vốn hai cha con từ nhỏ không tiếp xúc nhiều với nhau, trong nhà vô tình tạo ra bức màn ngăn cách giữa ông và vợ con, ông cũng nghĩ mẹ con họ suốt ngày ru rú xó nhà, vốn không trải đời như mình nên chẳng màng giải thích. Cứ hành, cứ cực, cứ một chiều đi, một chiều lại, cứ im lặng và cô đơn. Cái nếp nhà thế vô tình là một nỗi đau nho nhỏ, mỗi khi trái gió trở trời lại nhức lên. Cái tính họ là thế, cứ im lặng mà làm khổ nhau thêm là thế, cứ không sẻ chia là thế, bởi sẻ chia không được, nói ra chưa chắc đã hiểu nhau. Gia đình máu mủ ruột rà cũng không chắc được nói ra đã tỏ hết sự tình.

Chỉ có lúc này, khi một người ở cùng hoàn cảnh người kia, tâm mới dần thay đổi. Trên đời có nhiều lắm những điều mình nghĩ mình biết rồi, đến khi nhìn tận mắt mới hiểu đằng sau đấy thực sự là gì. Hoàng cung là chốn bon chen, cái sự đấy là lẽ thường ai ai cũng biết, trẻ nhỏ nghe người lớn than cũng hiểu chuyện mà bốc phét với lũ bạn cùng lứa, nhưng chỉ khi một người bước vào tận bên trong rồi, anh ta mới hiểu nỗi ủ ê bám rêu từng bức tường, từng phận người là thế nào.

Đã có một ông quan cửu phẩm Lê Minh, cũng sẽ có ông quan tứ phẩm kia dưới quyền nhiều người khác. Họ trút nỗi buồn bực từ trên xuống dưới, hệt như thác chảy từ thượng lưu xuống hạ nguồn. Đứng từ hạ nguồn trông lên, chỉ thấy kẻ ở trên sao mà ác tâm quá, đành đoạn quá; chỉ khi lội ngược dòng đi lên, ta mới thấy hết hoàn cảnh mọi người, mới ngỡ ngàng nhận ra: hình như chúng ta đều là đáng thương hơn đáng tội. Nước đâu chảy từ trên xuống dưới, càng không chảy từ dưới lên trên, nước là vòng tuần hoàn khép kín; người với người, cũng khép với nhau một vòng khổ tâm.

Nói một hồi mấy chuyện khổ tâm đối nhân xử thế cũng quá ngột ngạt, chuyện cũng nhạt dần, đến lúc sắp hết giờ nghỉ thì ông Lê Minh mới sực nhớ chuyện cây đàn, trở vào trong đem ra một cây nhị líu giao cho con.

–        Hiên, cha con mình nói tỏ lòng nhau. Con muốn làm cha vui thì hãy đàn cho hay hôm gặp ông hoàng. Cha không có kinh nghiệm mấy chuyện ở hậu cung, chỉ biết khuyên con thế này, đường đi nước bước con tính thế nào cho được thì làm.

Lòng vòng thế nào cũng phải trở lại chuyện nỗ lực cố gắng vươn lên. Người biết chuyện, hiểu chuyện nhưng làm sao mà tránh chuyện cho xong, đành phải lao vào vòng nhiễu sự mà nhiễm thói đời đen trắng lẫn vào nhau.

Lê Hiên miết nhẹ ngón tay lên sợi dây nhị bằng tơ se, nhìn bóng cha trở lại vào trong mà đánh dài cái thượt. Cha trải đời hiểu chuyện vẫn là không thể tìm ra một lối đi, rốt cuộc là hiểu rồi cũng đành để đấy.

Giữa lúc suy nghĩ, mấy lời nói lại lần lượt vọng về.

“…cha có tính toán trên quan trường nhưng lòng cha không độc…”

“Mẹ chỉ mong con sống tốt mà vẫn thấy nhẹ lòng, đi ngủ lòng cũng thấy an tĩnh.”

Cuối cùng là lời nói của chính bản thân.

“…tâm sạch sẽ nhìn thấy nhiều điều hay và đẹp.”

Lê Hiên cười buồn, nhìn ra nắng treo trên ngọn cây cao ngoài đình, bỗng thấy nghẹn lên họng một trận chua chát. Phải làm thế nào thì cái lòng, cái tâm mới an nhiên, bình ổn? Thế nào là cố gắng vươn lên? Rồi thì có khi nào cái hiền lành nó bị ủ lâu thành bạc nhược?

Hiểu cho nhiều cũng chẳng làm được bao nhiêu, nói ra cũng chỉ lòng vòng luẩn quẩn. Cái tâm, cái lòng, cái chí tiến lên, tất cả lại mơ hồ như buổi tháng tư oi nồng, trời xanh nhức lên, nắng bức nhòe ao sen nhỏ ngoài sân, nằm trên trường kỷ nhìn ra chỉ thấy một mảng vàng cam đổ dài lên thân phận. Giơ tay lên trước mặt, nhìn trời qua kẽ tay là những ô vuông xanh trắng nhỏ nhỏ, nhận ra một khoảng hư vô mà tâm bất ổn, mà chính sự bất ổn ấy cũng bị nắng trưa làm mờ nhòe đi.

Mờ mờ nhòe nhòe, lúc nào mới biết cửa ra?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top