Những thí nghiệm tâm lý vô nhân tính
10 THÍ NGHIỆM TÂM LÝ VÔ NHÂN TÍNH TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI
Tâm lý học là ngành khoa học còn khá non trẻ, chỉ mới bắt đầu được các nhà khoa học chú ý từ đầu thế kỷ 20. Thế nhưng mong muốn tìm hiểu được suy nghĩ và hành động của con người, cũng như sinh vật, luôn là điều các nhà tâm lý học trăn trở. Có một sự thật là một số nhà khoa học đã tiến hành các thí nghiệm tâm lý vượt quá các chuẩn mực đạo đức, gây ra thương tổn nặng nề cho những người tham gia thí nghiệm.
10. Thí nghiệm Quái vật (1939)
Thí nghiệm này được nhà khoa học Wendell Johnson tại đại học Iowa tiến hành trên 22 trẻ em mồ côi, tại Davenport, Iowa, năm 1939 để kiểm tra chứng nói lắp của chúng. Johnson cũng chọn Mary Tudor, một trong những sinh viên của ông làm người tiến hành và giám sát nghiên cứu. Sau khi phân các trẻ làm thí nghiệm thành hai nhóm, cô Tudor bắt đầu tiến hành trị liệu nói lắp trên 2 nhóm theo 2 cách khác nhau.
Một nhóm được khen ngợi rằng các em nói năng rất trôi chảy, nhóm còn lại luôn luôn bị chê bai và chế giễu mỗi khi các em nói sai. Các em ở nhóm này bị gọi là những kẻ nói lắp. Có rất nhiều trẻ em có kỹ năng nói bình thường, sau khi tham gia thí nghiệm này và bị xếp vào nhóm thứ hai, đã phải chịu những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực và các vấn đề về ngôn ngữ trong suốt phần đời còn lại.
Các đồng nghiệp của Johnson đã gọi đây là “Thí nghiệm quái vật”, vì ông đã dám lấy trẻ mồ côi ra để chứng minh học thuyết của mình. Thí nghiệm này đã được giữ kín vì Johnson sợ danh tiếng của mình bị ảnh hưởng, trong bối cảnh các thí nghiệm trên cơ thể người của Đức quốc xã đang bị thế giới lên án. Đại học Iowa đã phải chính thức xin lỗi về thí nghiệm này vào năm 2001.
9. Dự án Aversion (1970-1980)
Các đội quân phân biệt chủng tộc tại Nam Phi đã bắt ép những người đồng tính nữ da trắng và những người lính đồng tính nam tham gia các cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính vào những năm 1970-1980 bằng cách cắt bỏ bộ phận sinh dục, dùng điện giật và nhiều biện pháp vô nhân tính khác. Ước tính đã có khoảng 900 cuộc phẫu thuật cưỡng ép được tiến hành từ năm 1971 đến 1989 tại các bệnh viện quân đội. Dự án này là một phần của chiến dịch loại bỏ tận gốc tình dục đồng giới ra khỏi quân đội.
Các bác sĩ quân y và các giáo sĩ sẽ chọn ra những người nghi là bị đồng tính trong quân đội và chuyển họ đến các đơn vị y tế bí mật tại Voortrekkerhoogte, gần Pretoria. Những “bệnh nhân” không thể “chữa trị” được bằng thuốc, sốc điện, điều trị nội tiết hoặc hóa học, sẽ bị cắt bỏ bộ phận sinh dục và tiến hành các phẫu thuật chuyển giới.
Mặc dù người ta đã ghi nhận được một số phẫu thuật chuyển giới trên các nữ bệnh nhân đồng tính, các nạn nhân của dự án Aversion chủ yếu là nam giới da trắng, tuổi đời từ 16 tới 24 tham gia vào các đội quân phân biệt chủng tộc. Tiến sĩ Aubrey Levin (người đứng đầu nghiên cứu này) giờ là giáo sư lâm sàng tại Khoa Tâm thần học (Bộ phận pháp y) tại Đại Học Y Khoa Calgary. Ông cũng hành nghề tư nhân như một thành viên có uy tín của Trường Cao đẳng Bác sĩ và bác sĩ phẫu thuật của Alberta.
8. Thí nghiệm nhà tù Stanford (1971)
Đây không hẳn là một thí nghiệm phi đạo đức từ ban đầu, nhưng nó đã để lại những kết quả tồi tệ cho những người tham gia. Nhà khoa học nổi tiếng Philip Zimbardo là người đứng đầu thí nghiệm nổi tiếng này. Ông muốn tìm hiểu và đánh giá về hành vi của các cá nhân khác nhau trong vai trò tù nhân hoặc cai ngục và xem xét biểu hiện của họ trong từng vai trò.
Các tù nhân sẽ bị đặt vào các tình huống khiến họ mất phương hướng, suy sụp tinh thần hoặc mất nhân cách. Còn những người tham gia vào vai quản giáo thì không được đào tạo bất cứ điều gì để xử lý các tình huống trên. Cho dù ban đầu họ khá lúng túng, nhưng vẫn có thể giải quyết vấn đề ổn thỏa theo cảm tính.
Sang ngày thứ hai, các tù nhân được ra lệnh tổ chức một cuộc nổi loạn. Các cai ngục lập tức có những phản ứng bạo lực và gay gắt. Họ đã sử dụng đặc quyền của mình để phá vỡ tình đoàn kết của các tù nhân khiến họ không tin tưởng nhau nữa. Các cai ngục trở nên hoang tưởng về việc các tù nhân sẽ phá nhà giam để bắt họ, và giám sát tù nhân rất chặt chẽ. Về phần tù nhân, họ bắt đầu trải qua các cảm giác ghê tởm, áp lực và tuyệt vọng. Khi được một mục sư tới thăm, các tù nhân chỉ tự nhận diện mình qua những con số trong trại giam chứ không phải tên gọi và khi được hỏi về kế hoạch đào tẩu, hầu hết họ đều bối rối. Họ hoàn toàn đã bị “nhập vai” vào thí nghiệm.
Tiến sĩ Zimbardo đã cho dừng thí nghiệm sau 5 ngày sau khi ông nhận ra các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm đã nhập vai quá sâu. Thí nghiệm này đã chứng tỏ sự lạm dụng quyền hành của con người khi được đặt vào trường hợp cụ thể như thế nào, và vụ tra tấn tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib năm 2004 là minh chứng hùng hồn nhất cho các kết quả thí nghiệm.
7. Thí nghiệm thuốc gây nghiện trên loài khỉ (1969)
Đã từ lâu, con người sử dụng động vật nhằm mục đích nghiên cứu cơ thể của chính mình cũng như phát triển các loại thuốc vắc xin, thế nhưng thí nghiệm thuốc gây nghiện năm 1969 lại vượt khỏi các chuẩn mực đạo đức với loài vật. Trong thí nghiệm này, một lượng lớn khỉ và chuột đã bị mang ra làm thí nghiệm. Chúng được huấn luyện để có thể tự tiêm các chất gây nghiện như mooc-phin, cocaine, codein, rượu và amphetamine vào cơ thể. Khi các động vật đã có thể tự tiêm thành thục, người ta cung cấp cho chúng một lượng lớn thuốc để sử dụng.
Những con vật bắt đầu có những phản ứng tiêu cực để thoát khỏi thí nghiệm như tự làm tay mình bị thương, co giật khi dùng cocaine và trong một số trường hợp chúng còn tự bẻ ngón tay mình do ảo giác. Một con khỉ sử dụng amphetamine còn tự bứt hết lông ở cánh tay và bụng mình. Trong trường hợp sử dụng cả cocaine và mooc-phin trong 2 tuần, các con vật thí nghiệm sẽ chết.
Thí nghiệm này chỉ đơn thuần để chứng minh ảnh hưởng của chất gây nghiện tới con người, nhưng những hành động đối xử tàn ác với động vật vô tội thật khó có thể chấp nhận.
6. Thí nghiệm biểu cảm trên khuôn mặt của Landis (1924)
Vào năm 1924, nhà tâm lý học tốt nghiệp Đại học Minesota Carney Landis đã tiến hành thí nghiệm để kiểm tra sự liên hệ giữa trạng thái cảm xúc và biểu cảm khuôn mặt. Mục đích của thí nghiệm này là để xem xét liệu tất cả mọi người đều có chung biểu cảm gương mặt nếu có cùng cảm xúc như vui, buồn, tức giận… hay không?
Phần lớn người tham gia thí nghiệm là sinh viên. Họ được đưa tới phòng thí nghiệm và được tô sơn đen lên mặt để nghiên cứu chuyển động của cơ mặt. Sau đó, họ được tiếp xúc với các tác nhân gây cảm xúc và các cảm xúc sẽ được Landis chụp ảnh lại. Các phản ứng bao gồm ngửi nước tiểu, xem ảnh khiêu dâm hoặc cho tay vào một chiếc xô đầy ếch.
Một con chuột được đưa cho mỗi người tham gia cùng với hướng dẫn làm sao để chặt đầu nó. Trong khi hầu hết những người tham gia đều từ chối thực hiện, gần 1/3 số người đồng ý chặt đầu con chuột. Các sinh viên đã không hề biết cách cư xử nhân đạo và những con chuột cũng phải chịu đau đớn trong thí nghiệm. Đối với những người từ chối, Landis sẽ cầm dao và cắt đầu chuột hộ cho họ.
Kết quả của thí nghiệm cho thấy con người có thể sẵn sàng làm mọi việc khi được yêu cầu, cũng như con người không có một hệ thống biểu cảm gượng mặt nói chung trong từng trường hợp cụ thể.
5. Thí nghiệm Albert bé nhỏ (1920)
John Watson, cha đẻ của thuyết hành vi, là một nhà tâm lý học luôn chủ trương sử dụng các trẻ em mồ côi để tiến hành nghiên cứu. Watson muốn kiểm tra xem nỗi sợ là bẩm sinh hay là phản xạ có điều kiện. Ông đã chọn bé Albert, 9 tháng tuổi tham gia thí nghiệm bằng cách cho em bé tiếp xúc với thỏ trắng, chuột bạch, khỉ, mặt nạ có và không có tóc, bông và giấy cháy trong vòng hai tháng.
Albert được đặt trên một tấm nệm trong phòng để tiến hành thí nghiệm. Một chú chuột bạch được đặt cạnh bé và em được phép chơi cùng chú chuột. Albert không hề tỏ ra sợ hãi chú chuột.
Sau đó, Watson sẽ tạo ra một âm thanh to phía sau lưng bé bằng cách gõ búa vào thanh thép treo trên cao mỗi khi Albert chạm vào con chuột. Lúc này Albert bắt đầu gào khóc và tỏ ra rất sợ âm thanh to. Sau khi thử nghiệm vài lần, Albert bắt đầu tỏ ra sợ hãi chú chuột và khóc to mỗi khi chú chuột xuất hiện. Bé Albert bắt đầu hình thành phả xạ sợ hãi của mình với bất cứ thứ gì màu trắng hoặc bông xù (hoặc cả hai). Nhưng trước khi Watson có thể tiếp tục thí nghiệm, ai đó đã mang Albert đi.
4. Thí nghiệm về sự tuyệt vọng có điều kiện (1965)
Vào năm 1965, 2 nhà tâm lý học Mark Seligman và Steve Maier đã tiến hành thí nghiệm trên 3 nhóm chó bị nhốt. Nhóm 1 gồm những chú chó được thả sau một khoảng thời gian và không bị đánh đập. Nhóm 2 gồm những chú chó được phân theo cặp và được xích cùng nhau. Một trong 2 chú chó sẽ bị sốc điện, và điện sẽ hết khi cần gạt được đẩy. Nhóm thứ 3 cũng tương tự như nhóm 2, chỉ khác là sau khi cần gạt được đẩy điện vẫn không bị ngắt. Những cú sốc đến một cách ngẫu nhiên và dường như không thể tránh khỏi, và gây ra "sự tuyệt vọng có điều kiện". Chúng đã buông xuôi trước các cú sốc điện. Những con chó trong nhóm 3 đã xuất hiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Sau đó, nhóm ba con chó đã được đặt trong một chiếc hộp. Chúng bị sốc điện một lần nữa, nhưng chúng có thể dễ dàng kết thúc thử nghiệm bằng cách nhảy khỏi hộp. Hành động này cũng mang ý nghĩa “bỏ cuộc”, và do đó là phản xạ tuyệt vọng có điều kiện.
3. Thí nghiệm Milgram (1974)
Thí nghiệm Milgram là một trong những thí nghiệm tâm lý nổi tiếng nhất thế giới do Stanley Milgram thực hiện nhằm kiểm tra sự phục tùng mệnh lệnh của con người. Ông tiến hành thí nghiệm với các “giáo viên”- những người tham gia thí nghiệm và “học viên” là một diễn viên. Cả giáo viên và học viên đều được thông báo rằng đây là thí nghiệm về học tập và ghi nhớ.
Cả giáo viên và học viên sẽ được phát ngẫu nhiên một tờ phiếu, nhưng thực sự cả 2 tờ phiếu đều như nhau. Người đóng học viên sẽ nói dối rằng phiếu của anh ta không có câu trả lời để đánh lừa giáo viên. Cả 2 sẽ được đặt vào 2 phòng riêng biệt và chỉ có thể nghe thấy nhau. Giáo viên sẽ đọc một cặp từ, đưa ra 4 đáp án cho một câu hỏi. Nếu học viên trả lời sai, giáo viên sẽ có quyền ra lệnh sốc điện tăng dần theo mỗi câu hỏi. Nếu trả đúng họ sẽ không bị sốc điện và được quyền trả lời câu hỏi tiếp theo.
Thực tế là không ai bị sốc điện trong thí nghiệm cả. Tiếng thét được thu sẵn trong băng mỗi khi giáo viên ra lệnh sốc điện. Khi điện thế bị tăng lên, học viên sẽ đập vào tường và cầu xin giáo viên dừng thí nghiệm. Cuối cùng, cả tiếng thét và tiếng đập vào tường đều bị ngắt khiến cho tất cả các giáo viên tham gia thí nghiệm đều cảm thấy căng thẳng và xin dừng thí nghiệm.
Nhiều người trong số họ hỏi về thí nghiệm và học viên, trong khi một số khác được khuyến khích tiến hành tiếp thí nghiệm và đảm bảo rằng họ không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.
Nếu bất cứ lúc nào các giáo viên mong muốn dừng thí nghiệm, người chủ trì thí nghiệm sẽ nói với họ: “Xin vui lòng tiếp tục”, “Thí nghiệm đòi hỏi bạn phải tiếp tục”,” Tiếp tục thí nghiệm là rất quan trọng” và “Bạn không có lựa chọn nào khác, bạn phải tiếp tục”. Nếu sau cả 4 mệnh lệnh mà giáo viên vẫn muốn dừng thí nghiệm, họ được phép ngưng. Chỉ có 14 trong số 40 giáo viên dừng thí nghiệm trước khi thực hiện một cú sốc 450V, và mặc dù mọi người tham gia đều đặt câu hỏi về thử nghiệm, không có giáo viên nào kiên quyết từ chối để ngăn chặn những cú sốc trước 300V.
Năm 1981, Tom Peters và Robert H. Waterman Jr đã viết rằng các thử nghiệm Milgram và thí nghiệm nhà tù Stanford đã “phát hiện” ra những mảng tối đáng sợ trong tâm hồn con người.
2. Thí nghiệm Giếng tuyệt vọng (1960)
Tiến sĩ Harry Harlow nổi tiếng với các thí nghiệm ông đã tiến hành trên khỉ nâu liên quan đến cô lập xã hội. Tiến sĩ Harlow đã bắt những chú khỉ con đã được gặp mẹ về nhốt trong các lồng sắt để cắt đứt tình mẫu tử giữa chúng. Chúng bị nhốt trong vòng một năm và sau khi được thả ra, rất nhiều khỉ con có biểu hiện tâm thần không thể phục hồi.
Tiến sĩ Harlow kết luận rằng cho dù quá khứ có hạnh phúc tới đâu cũng không thể kéo người ta ra khỏi những áp lực hiện tại. Tuy nhiên, thí nghiệm của ông bị xem là lạm dụng động vật nghiêm trọng và bị lên án bởi cộng đồng quốc tế.
1.Thí nghiệm David Reimer (1965 - 2004)
Vào năm 1965, một bé trai tên là David Reimer được sinh ra tại Canada. Vào lúc 8 tháng tuổi, Reimer được đưa đi cắt bao quy đầu nhưng không may do sai sót kỹ thuật, dương vật của cậu đã bị cháy. Khi bố mẹ Reimer đến gặp nhà tâm lý học John Money để tìm giải pháp, ông này đã đề nghị một thử nghiệm táo bạo là chuyển đổi giới tính cho Reimer. Ban đầu, bố mẹ cậu phản đối nhưng sau cùng cũng đồng ý. Họ không hề biết rằng mục đích thực sự của thí nghiệm là để xem xem giới tính có được do tự nhiên hay do quá trình nuôi dạy. John đã tàn nhẫn sử dụng chính David để chứng minh cho nhận định của mình.
David, giờ đây đã được đổi tên là Brenda, được tái tạo cơ quan sinh dục và tiêm hormone nữ. Bác sĩ John Money khẳng định thí nghiệm đã thành công mà phớt lờ các báo cáo xấu về tình trạng sức khỏe của Brenda. Cô vẫn có những hành động như một chàng trai và cảm xúc trở nên hỗn độn. Cha mẹ cô cũng không hề thông báo cho cô về tai nạn ngày nhỏ, điều này đã dẫn đến thảm kịch cho cả gia đình. Mẹ Brenda đã tự tử, bố nghiện rượu trong khi anh trai cô bị trầm cảm nghiêm trọng.
Cuối cùng, cha mẹ Brenda nói cho cô biết về giới tính thật của cô vào năm 14 tuổi. Cô quyết định quay trở lại làm David, ngừng tiêm estrogen và tiến hành phẫu thuật tái tạo dương vật. Bác sĩ John lúc này vẫn một mực khẳng định sự thành công của thí nghiệm trước kia và bỏ qua tất cả bất ổn tâm lý của David. Sau cùng, anh tự tử ở tuổi 38.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top