Chương II : Nhà "Mệ tôi"

[ 11 tháng 7 năm 2018 ]

(SHIO'S POV)

_________________________________________

Mùa hè, đúng, là chuỗi ngày vô cùng lí tưởng cho những lí do rất hợp lí để nướng giấc ngủ ở trên giường, nhất là đối với bọn thanh niên vào lớp tuổi của tôi.

Nhưng không may cho cái thói quen "Chợp mắt một tí " đó, tôi không phải đứa mang trong tâm hồn niềm đam mê nhất định nào với việc ngủ.

Tiếng chuông điện thoại báo thức lúc 6 giờ kém.

Việc đầu tiên tôi thường làm sau khi đánh răng rửa mặt và thay áo, là đi xuống cầu thang, băng qua hành lang để xuống lầu dưới ngồi đọc sách. Sớm thế, tôi không chịu được cảnh ngồi trong phòng chúi đầu vô sách.

Trên đường đi xuống từng bậc thang từ phòng tôi, băng qua những hành lang, âm thanh duy nhất mà tôi bắt được là tiếng chân tôi nện trên sàn, tiếng cử động của cơ thể, tiếng thở phất phưởng và tiếng quyển sách trên tay tôi đang phật phật những trang sách.

Ngôi nhà trọ lặng im phăng phắc, và chìm trong bóng tối vất vơ. Tôi có cảm tưởng như nó đang yên lặng lắng nghe từng động tĩnh của tôi, và đáp lại những tiếng động tôi gây ra bằng những âm thanh tương tự.

Thường thì dậy sớm chỉ có như thế. Yên ắng, tối nhem, và những âm thanh khẽ khàng của người thức sớm - ở đây là tôi. Nghe như tôi là người duy nhất dậy sớm vậy, nhưng không phải.

Trong ngôi nhà này còn một người nữa luôn luôn dậy sớm hơn tôi.

Người đó luôn luôn ngồi ở một chỗ mà tôi rất thích.

Đó là sân sau của nhà trọ tôi ở, nơi có một bộ bàn ghế đá trắng trên bậc thềm đất, hướng ra một khoảng trống vừa phải có những luống trồng các loại rau, những chậu cây to nhỏ đủ loại, những hộp xốp luôn luôn lợp dưới đám rau cải xanh như mái tóc hề ngố tàu, và chiếc hộp được ghép bằng những tấm gỗ đựng phân xanh để bón cây.

Có thể gọi đó là vườn rau của tôi, nếu thích, và " của tôi " , vì tôi là người đem hạt giống về và trồng nên chúng nó. Thực ra cũng không phải tất cả là của tôi, chỉ có đám rau và cây là của tôi thôi.
Còn cái sân, cái khoảng trống đó, thuộc về Mệ tôi.

Mệ tôi là ai?

Là cụ già tóc hoa râm đang ngồi trên một trong hai chiếc ghế đá. Người đang ngồi đó đan khăn, tiếng hai đầu kim đan chạm nhau kinh kích đầy linh hoạt đối với hai bàn tay dăn deo. Người đang nhìn tôi đằng sau đôi kính lão, ánh lên những tia chào đón thân thương, trong khi hai đuôi mắt deo lại những vết chân chim.

" Shio hôm nầy dậy sớm rứa?" - Một câu không giống câu hỏi, mà là câu Mệ tôi thường dùng như ý chào buổi sáng. Nói xong, Mệ nở một nụ cười móm, nhưng là một nụ cười tươi.

" Con khôông sớm dư Mệ mô! Răng Mệ khôông nghỉ ngơi nhiều hơn? Con chộ Mệ ngủ ít quá! " -Tôi vừa nói vừa ngồi xuống trên cái ghế đối diện Mệ, đặt sách lên bàn.

Mệ nhìn xuống mấy mũi đan còn dở, vừa thoăn thoắt đôi kim, vừa nói:

" Mệ tra rồi, khôông cần ngủ nghỉ nhiều dư con trẻ các con nữa! Dưng Mệ thấy con cũng ngủ ít lắm tề!"

" Dạ, con hơi bận mấy hổm nầy. Dưng mà con ngủ 8 tiếng, rứa là nhiều lắm rồi Mệ! Con chộ Mệ phải ngủ nhiều hơn tê, người già cũng cần giữ gìn sức khỏe chứ! "

" Shio, trẻ dư con mới phải nghỉ ngơi nhiều, để có sức. Trẻ thì phải sức nhiều, để đi nhiều, làm nhiều. Nớ mới là thanh niên, là con trai. Còn Mệ tra dư rày, khôông còn sức để mần chi nữa, thì cần chi ngủ nhiều. "

" Con khôông chịu với Mệ mô. Mệ khôông nghỉ lỡ bệnh thì răng? Dư ôông mệ nội, ngoại bên ba mạ con cũng bịnh đầy người. Nớ là Mệ còn tra hơn họ. Bịnh lúc mô ai biết được tê ? "

" Rứa Mệ bịnh thì Mệ lo, Mệ đã gần tám chục, Mệ khôông lo bịnh chi nữa! " - Mệ tôi vừa nói vừa cười nhẹ nhàng, vẫn chăm chú vào chiếc khăn đan dở.

" Nỏ mô, Mệ bịnh là con chăm Mệ. Dư chăm ba, chăm mạ con thôi. Dưng mà Mệ bịnh con buồn lắm! "

" Cấy đứa ni, mi mần chi mi lo cho Mệ. " - Mệ quát tôi, nhưng qua nụ cười trên đôi môi mỏng của Mệ, tôi biết đó chỉ là một hành động ân cần cuả một con người chất phác.

Trong lúc hai bà cháu tôi ngồi trò chuyện qua lại, trời đã hửng đông. Xung quanh, như có một ngọn đèn lay lắt bật lên đâu đó, ánh sáng yếu ớt và đanh thép chiếu lên cảnh vật lúc trước còn tối hù.

Tôi nghe tiếng dế kêu, tiếng ếch gọi nhau gấp gáp, từ bên trong đám cây xanh trong vườn và vọng vào từ vùng đất trống phía sau nhà trọ, một nơi toàn cỏ dại và cỏ lau, tuyệt không có một ngôi nhà nào mọc lên từ cách đây rất lâu, như Mệ nói, hay ít nhất cũng từ lúc tôi chuyển tới ở trọ nhà Mệ.

Ngập ngừng mãi một lúc, ánh sáng mới chịu đáp lên ngôi nhà của tôi, như cách những con chim sẻ luôn luôn đến đậu ở đấy, thảnh thót hót lên một cách vô hình. Ánh sáng lan ra từ phía trên nóc nhà tầng hai, ( nhà tôi có 2 tầng ), chảy dọc theo tường sơn trắng đã cũ, một vài chỗ đen quánh lại và mọc rêu, chiếu sáng hai, ba ô cửa sổ gỗ, như một dòng thác, rơi xuống thành những giọt nắng ngay cạnh bậc thềm tôi đang ngồi được che bởi mái tôn, sau đó tràn ra khu vườn ngay phía đối diện, đập vào bức tường rào và hắt nắng lên những chiếc lá, cành cây.

Trời tuy đã sáng hơn nửa nhưng không khí vẫn còn se lại trên da. Tôi rùng mình một cách bản năng khi những tia nắng nhỏ chiếu lên người làm thay đổi nhiệt độ đột ngột.

" Con lẹng à? " - Mệ ngước lên hỏi tôi, trước đó vẫn còn mải mê với chiếc khăn trên tay.

" Dạ, khôông. Mệ cứ đan tiếp. " - Tôi trả lời để Mệ yên tâm, cầm quyển sách nãy giờ để trước mặt vẫn chưa đọc.

" Sách chi rứa con? " - Mệ lại hỏi.

" Dạ, thơ Xuân Quỳnh. Bữa qua chừ con chưa đọc miếng mô nữa. Mệ ưng nghe khôông? Con đọc cho Mệ?"

" Con đọc Mệ nghe thử. Mắt Mệ kém lâu rồi, chừ Mệ ưng đọc sách cũng khôông đọc được nữa. Hồi xưa Mệ trẻ, Mệ cũng ưng nghe thơ Xuân Quỳnh, nghe truyện Nam Cao, mà nỏ có tiền để mua... " - Mệ cất chiếc khăn đan dở và cặp kim đan vào chiếc hộp bánh quy rỗng đựng đồ lề bên cạnh, gỡ cặp kính lão ra khỏi mắt. Khi đó, tôi thấy đôi mắt tuy đã yếu của Mệ sáng lên. Hai con mắt deo lại ấy đang chăm chú nhìn tôi.

" Rứa chừ khi mô Mệ ưng nghe, Mệ kiêu con đọc cho Mệ! Con là con đọc lúc mô cũng được hết. "

" Mi răng đọc thơ, đọc truyện cho Mệ nghe cả đời được! Mi còn đi học, đi mần, đi cưới vợ, đẻ con nữa chi..."

" Mệ lo xa quá! Từ chừ tới lúc nớ còn lâu dữ lắm, con dư sức đọc hết sách cho Mệ. Mà con nỏ đọc cho Mệ thì con đọc cho ai nghe ạ ?.... "

_________________________________________

Mỗi sáng, mỗi ngày, những gì tôi muốn cũng chỉ như thế.

Ngồi trên chiếc ghế đá mát rượi, đọc sách cho Mệ tôi nghe, trong khi đám chim chóc quanh nhà rướn cổ lên hót một cách ồn ào như những người hàng xóm lắc xắc.

Bên ngoài bức tường che chắn nhà tôi với đường phố, âm thanh của con người bắt đầu xáo động bầu không khí. Tiếng guốc gỗ của những người già, tiếng loạt xoạt của chiếc giỏ đi chợ sớm, tiếng loa phát thanh từ khu chợ cách đây một con đường vang về, tiếng con nít trở dậy mè nheo, tiếng chó sủa, mèo gào,...
Đó chỉ là những tiếng động lẫn lộn, những âm thanh dễ lẫn vào nhau, đôi khi tôi cũng chẳng phân biệt được chúng.
Ngày nào ra ngồi đây, tôi cũng chỉ lắng tai nghe, vào khoảng 6 giờ, tìm kiếm, chờ đợi một âm thanh duy nhất.

" Linh kinh".

Đó là tiếng xe một ông lão mua bán phế liệu.

Đó, ổng vừa đạp xe ngang qua cánh cổng nhà tôi, tiếng chuông xe rung lên trước ngõ như thể ổng đang rung chuông cửa nhà tôi, nhưng thực ra ổng đã đạp đi qua mất rồi.

Đạp chiếc xe đạp kút kít cũ mòn sơn, ông lão luôn luôn đi ngang qua nhà trọ tôi đúng 6 giờ mỗi ngày, bất kể ngày nghỉ, ngày mưa, ngày nắng. Tôi dò ra lịch trình ấy của ông lão trong vòng một tuần sau ngày tôi chuyển vào ở trọ nhà Mệ cách đây 3 năm.

Nghe Mệ nói, ông ấy làm việc đó nhiều năm lắm rồi, từ hồi ngôi nhà trọ này mới được xây nên, cách đây hơn 20 năm. Các cư dân khác trong khu tôi ở, một số cũng biết ổng, toàn là các bậc có tuổi cả.
Tôi thường nghe những lời đàm tiếu về ổng trong những buổi nói chuyện phiếm của các cụ, thường là vào buổi sáng, khi tôi đi tới trường đại học, đi ra quán Hydrangea, cũng là khoảng thời gian ông lão đạp xe qua khu này.
Trên những bàn cờ, bên những chén trà, những người già bình phẩm về ông ta với đủ loại giọng điệu. Tò mò, hiểu biết, chê bai, thương hại,... Cái lão già nua ngày ngày còng lưng đạp xe từ đầu đường tới thấu cái hẻm cụt phía cuối khu nhà, rồi đạp trở ra, trên đuôi xe luôn treo lủng lẳng hai cái bao tải, bữa đầy bữa không.

Có một lần tôi gặp mặt ông ta trên đường ra đầu ngõ mua bánh mì, một tháng sau khi tôi nằm lòng giờ giấc cuộc hành trình đạp xe bán phế liệu của ổng, đúng cái lúc ổng cũng đang đỗ xe đạp ngay cái hàng bánh mì đó. Lần đầu tiên tôi nhìn ông ta một cách rõ ràng như thế. Đội mũ tai bèo xanh của bộ đội, khoác tấm áo sơ mi bạc màu rộng quá khổ so với thân hình gầy gò, cao ngỏng ngơ, bàn tay nhăn nheo một màu da đất nâu của người dầm nắng dãi gió gần như cả đời. Ông ta mua được ổ mì liền quay ra nhường đường cho tôi vào xếp hàng.

Đúng khi đấy, tôi nhìn thẳng vào mặt ổng, một cách hoàn toàn vô ý. Đôi mắt nhạt màu, mờ đục nhưng trong suốt như mặt trăng trong bão tố, bên dưới cặp mày rậm trắng.
Ông lão nhìn lại tôi. Lão cử động khuôn miệng bên dưới hàm râu muối tiêu theo một cử chỉ mà tôi không thể lầm đi đâu là một nụ cười. Một cái cười tự nhiên, tôn trọng và đầy khiêm tốn, của một người lao động nghèo.
Sau đó, lão quay ra cái xe đạp cũ, trèo lên và trôi vào ngõ khu nhà, như thường lệ.

Đó là hôm duy nhất từ đó tới giờ, tôi không nghe tiếng chuông xe đạp của ổng trước cổng nhà trọ. Cũng đã ngót ba năm.

Tôi không nghĩ việc ông lão đó làm một công việc vất vả suốt hơn hai chục năm trời là ngu ngốc, là bảo thủ, là lạc hậu, là phí sức,... như lời các cụ, các bà trong xóm xì xầm với nhau.

Tôi không nghĩ bất kì cái nghề nào là ngu ngốc, mặc dù nó có thể phù phiếm trong mắt nhiều người.

Ông lão đó, làm sao lão có thể trung thành với cái nghề của lão, cái nghề lang thang khắp nơi, còi cọc một thân xe đạp, lủng lẳng hai cái bị sau lưng?

Đối với lão, cái nghề đó có ý nghĩa gì?

_________________________________________

Thành phố T dạo hè này nắng rát, nhất là tháng 7. Buổi sáng từ hơn 7 giờ trở đi trời đất đã như chảo dầu.

Tôi đọc thơ cho Mệ chừng 20 phút, sau đó xin phép Mệ quay lên phòng, phần vì nắng đã mon men chiếu vào chỗ hai chiếc ghế đá nên không ngồi lâu được, phần vì tôi cần lên tưới nước cho đám hoa lá trong phòng tôi.

Nhà trọ có 2 tầng, Mệ tôi ở tầng trệt, vì mệ không leo cầu thang nổi nữa, còn lại thì tôi là cư dân duy nhất ở đây.

Căn phòng tôi ở nằm ở tầng hai. Nhìn chung nó là một nơi không quá rộng nhưng cũng đủ để tôi sống một cách thoải mái, lại mát mẻ và thoáng gió chứ không bí như đa số phòng trọ tôi từng xem qua.
Bên trong có một cửa sổ ngay bên cạnh giường, bên ngoài không biết tại sao lại xây một cái bục trống ngay dưới chân cửa sổ.
Thế là từ ngày tôi về nhà này, cách đây tầm 3 năm, cái bục đó trở thành nơi tôi tha về bao nhiêu thứ cây cối. Nó dài tầm một sải tay, rộng đủ để đặt một chậu cây với kích thước to nhỏ gì cũng được một cách thoải mái. Có thể coi cái bục đơn giản đó như một loại ban công không có lan can. Hiện tại, cái " ban công " đó đang nâng đỡ năm cái chậu, mỗi chậu một loài hoa khác nhau.

Từ bên trái sang : hồng trắng, dâm bụt đỏ, nhài Nhật đổi màu tím và trắng, hướng dương đang lớn, và hoa quỳnh.

Mỗi ngày hai cữ, vào sáng sớm và chiều mát, năm chậu cây đó sẽ được ưu tiên xơi nước. Tôi dùng một cái bình tưới nước cỡ vừa bằng inox, vòi dẫn nước của nó giống như cái vòi sen. Cái bình luôn đong đầy nước, đậy kín để tránh muỗi đẻ trứng và được tôi đặt trên bậc cửa sổ.
Thường thì tôi ít phải thay nước cho nó, vì cái bình đó chứa đủ nước để tưới năm cây hai lần một ngày. Tuy nhiên, cái mùa hè ở thành phố T này đang sản xuất ra một lượng nhiệt không thể chấp nhận được, khiến cho tôi bắt đầu lo cho đám cây đang tuổi ăn tuổi lớn đó luôn phải đứng trên bục cửa sổ cả ngày trời mà hứng nắng đến rát cả mặt lá. Nghĩ mà xót!

May mắn hơn những cây hoa bên ngoài, các chậu cây trồng trong nhà được hưởng một chút cuộc sống không lo phiền về ánh nắng mặt trời, và có số lượng nhiều hơn. Nếu đánh mắt một vòng xung quanh căn phòng của tôi, gần như mặt phẳng nào cũng có một chậu cây.

Trên chiếc tủ gỗ nâu nhỏ đựng đồ dùng nhỏ lặt vặt đặt bên cạnh giường là hai chậu sen đá nhỏ bằng bàn tay, một đứa có màu xanh, đứa kia là xanh pha hồng.

Ngay phía cuối giường kê cái bàn làm việc gấp gọn, bên trên là một chậu cây trầu bà, cành của nó tuy dèo dặt nhưng dẻo dai,lớn rất nhanh và lá lúc nào cũng xanh mướt. Cái đứa trầu bà đó lớn đến độ cành của nó đã rủ xuống chân bàn và quây thành một tụm, trông như mái tóc xanh tốt vô cùng dài ( Nếu tôi có thể tết những cành nhánh đó lại như người ta vẫn hay tết tóc, tôi sẽ đổi tên nó thành Rapunzel ).

Cái giá sách nằm vuông góc với bàn, được gắn trên tường chặt khít những sách mà tôi sưu tầm từ hồi cấp 2, vẫn chừa ra một chỗ trống vừa đủ để đặt một chậu dương xỉ. Nó là một "alien" trong đám cây cối nhà tôi. Vì sao? Thử nhìn vào những cái lá trông như những cái răng và vài ba cành non cuộn tròn uốn éo. Trông nó khá dị hợm và phá cách. Một loại cá tính chăng?

Cuối cùng, để cái danh sách trên không kéo dài thêm, tôi muốn nói tới chậu cây xương rồng trên chiếc bàn gấp gọn ( tôi dùng nó với chức năng là nấu và ăn ) ở gần bếp. Chiếc chậu đẹp nhất mà tôi có, bằng sứ màu xanh biếc và những hoa văn khá thẩm mĩ, trồng duy nhất một nhánh xương rồng. Đối với tôi, đứa trẻ đó kém may mắn hơn những đứa khác, vì nó bé, thấp, còi, ốm yếu và có màu sắc kém nổi bật nhất nhà.
Lí do tôi nghĩ là vì nó bị ném ra ngoài đường bởi ai đó, chắc là chủ cũ, và chịu đựng tình trạng đói khát,cô độc, có khi còn bị dẫm lên không chừng. Xém nữa thì nó bị xe tải nghiền nát nếu tôi không vô tình phát hiện ra nó khi đang đi chợ, vào một ngày cách đây 1 năm. Thảm thiết, tôi phải mô tả đứa trẻ đó như vậy khi đưa nó về tới nhà. Từ đó đến nay, nhóc xương rồng cũng chịu lớn lên một tí, nhưng tôi vẫn chưa kiếm ra cách chữa bệnh còi cho nó. Đôi khi, nhìn vào cái cách mà những cái gai li ti của đứa nhóc đó chĩa ra tứ phía như xù gai lên với thế giới xung quanh, tôi thấy xót cho nó. Như thể bản thân nó đang cảm thấy thù hận với tất cả mọi thứ thuộc về thế giới mà nó tồn tại vậy. Nó đã trải qua điều gì mà tôi không biết cách đây 1 năm?

____________________________________

"Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ khi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau...."

"Shio này, đoạn tiếp theo là chi ấy hè? Mệ quên mất rồi, con đọc lại được khôông?"

Đó là sau khi tôi ăn sáng xong, lại quay xuống lầu dưới giúp Mệ mấy việc nhà trong căn bếp dẫn ra bậc thềm hồi sáng. Mệ tiếp tục cái công việc tỉ mỉ ấy - đan khăn len, cái khăn so với lúc sáng nay đã dài thêm được một đoạn đáng kể. Tôi đang đứng bên cạnh bồn rửa, lặt rau cải giùm Mệ đầy một rổ để dành cho các bữa ăn sắp tới.

" Dạ, Mệ đợi con một xíu. Để con đọc lại cho Mệ nghe." - Tôi quay đầu lại - Mệ đọc bài thơ nớ nhiều thế ạ? Con nghe Mệ đọc nãy chừ. "

Mệ sửa lại cặp kính lão cho ngay ngắn trên sống mũi, đôi mắt deo lại ngắm nhìn chiếc khăn len trên tay với sự chăm chút nâng niu. " Mệ ưng bài nớ. Nghe cấy câu thơ nó êm êm, mà cũng dạt dào cảm xúc kiểu chi. Tự dưng Mệ nhớ lại hồi trẻ, hồi Mệ còn mười mí, hăm mươi tuổi đầu, cũng từng cả ngày vừa mần việc vừa đọc thơ. Mà hồi nớ, mí năm bốn mươi, năm mươi, mần việc nhà, mần ngoài đồng quanh năm suốt tháng, ngày nào Mệ cũng đọc, cũng hát...."

" Thời khốn khó Mệ hầy. Dưng mà con thấy Mệ lúc nào cũng chăm chỉ, lạc quan. "

" Thanh niên các con bây chừ sống sung túc, nhàn nhã, chứ các cụ như Mệ ngày xưa còn trẻ đã phải lo việc nhà, việc đồng, mà có thêm thằng giặc, nó khôông để yên đâu. Mệ nhớ hồi nớ, nhà Mệ nuôi giấu bộ đội, cán bộ Cách Mạng. Địch, Ngụy thì cứ đi rầm rập bên ngoài, lúc lại đập cửa, chửi bới. Mà vẫn phải kiên gan, mặt dày trơ ra với kẻ địch, chứ không thì hỏng cả. Tới mấy năm năm mươi, Mệ phải chạy giặc vào tận trong Nam... "

" Vậy còn cha mạ Mệ thì răng? " - Quá chú tâm vào câu chuyện của Mệ, tôi quên mất luôn việc đang làm.

" Cha mạ, với đứa em trai, em gái của Mệ ở lại ngoài miền Trung. Mệ vào trong nầy, chạy chọt khắp cùng mới kiếm ra kế sinh nhai. Tới lúc thống nhất, Mệ nghe tin từ miền ngoài, cha mạ mất, em trai đi lính hi sinh, còn em gái Mệ thì khôông biết ra răng... "

Giọng Mệ nhỏ dần, không còn vui vẻ, hào hứng như lúc đọc thơ, hay lúc kể chuyện hồi trẻ. Nhưng Mệ cũng không tỏ ra buồn bã trước câu chuyện của cuộc đời mình. Hình như Mệ thấy hơi hối hận vì đã kể chuyện này với tôi.

" Thôi, Mệ nỏ kể chuyện nữa mô. Xin lỗi con, Mệ lỡ nói mấy cái không hay..."
" Khôông có mô Mệ. Có chi Mệ muốn kể, Mệ cứ kể cho con. Con cũng muốn nghe, muốn hiểu về ông cha mình ngày trước. Mệ đừng lo con khôông ưng chuyện của Mệ."

Tôi quay trở lại cái rổ rau lặt dở, còn Mệ chắc là tiếp tục với chiếc khăn, tôi nghe tiếng lích kích của hai cây kim lại vang lên.

" Mệ ưi, con đọc thơ cho Mệ tiếp nha Mệ. Nãy Mệ vừa hỏi con. "

" Ừ. Con đọc đi. Con nỏ nhắc Mệ cũng quên luôn. Ùi ui! Tra rồi lẩm cẩm, ăn nói tùm lum.... "

_______________________

"....Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau.

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương

Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ. "

"Mệ ưi, con hỏi Mệ nghe."

"Răng?"

" Hồi xưa Mệ yêu những ai rứa Mệ ? "

"Uầy! Cấy đứa ni ! Răng bữa ni mi hỏi Mệ chuyện yêu đương? Mọi bữa Mệ hỏi mi, mi toàn bảo mi nỏ muốn yêu ghét chi cả! "

Ấy là lúc tôi đọc hết bài thơ Sóng cho Mệ, cũng nhặt xong hết đám cải. Tôi rửa chúng, và trong lúc đợi rau ráo nước để cất vô tủ lạnh, tôi đến ngồi cạnh Mệ bên cánh cửa mở rộng dẫn ra sân, ngắm Mệ đan khăn.

" Khôông phải con nỏ ưng yêu, ưng thích người ta. Con còn nhỏ, còn đi học, đi mần, còn chưa biết gì, yêu ai được há Mệ.
Con hỏi Mệ tại chi con chộ Mệ đọc đi đọc lại bài "Sóng" mấy lần. Tự dưng con tò mò. "

" Mi chộ mi mấy tuổi rồi mà bảo mi còn nhỏ ? " - Mệ nhìn sang tôi bằng vẻ mặt đang nhịn cười.

" Dạ, con mới hăm mốt tuổi cách đây hai tháng. "

" Nớ, vầy là mi lớn rồi. Còn bày đặt con nhỏ lắm nữa chứ. "

Mệ đưa một bàn tay lên xoa đầu tôi. Bàn tay với làn da mu deo dắt, còn lòng bàn tay u những nốt chai sần từ bao xưa. Tôi đưa bàn tay của tôi lên đặt trên bàn tay Mệ.

" Rứa hồi Mệ bằng tuổi con, Mệ có yêu ai khôông Mệ? "

" Nỏ mô con, hồi đó Mệ chỉ biết cha cha mạ mạ, chị chị em em, chứ nỏ biết thằng kia, con này yêu nhau là chi cả. Lo mần, lo trốn giặc, suốt ngày lấy thì giờ đâu mà yêu với chả đương. "

" Rứa là con đúng rùi Mệ. Chừ con chỉ muốn đi học, đi mần, có tiền để lo cho ba mạ con. Mệ hồi ấy còn làm ác hơn con bây chừ. Mần răng con khôông làm được như Mệ, như các cụ ngày trước."

Bàn tay của Mệ trên tóc tôi vỗ vai tôi một cái.

"Mệ chộ mi mần nhiều quá thì có. Mà gia đình mi cũng đủ đầy, cần chi mi đi làm như thiêu thân, như Mệ ngày xưa. Đi suốt ngày, có bữa tối mịt mới về. Trong khi bọn bè bạn mi tụi nó bồ bịch cả rồi, còn mỗi mi quanh quẩn một mình. "

" Nhà con có dư dả thì con vẫn mần. Mà con có mần nhiều chi mô Mệ! Con cũng chỉ đi rồi về, vẫn ăn ngủ đủ. Mệ hồi xưa làm đồng nắng nôi còn chẳng có cơm ăn, áo mặc. Con đi mần bao nhiêu cũng nỏ bằng các cụ, các mệ hồi ấy mần. "

" Thời Mệ khác, thời con khác. Hồi ấy tuy nghèo khổ, vất vả ngược xuôi, nhưng ai cũng như ai, người ta còn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, lo nhà cửa anh em, nhưng không lo lòng người không có. Còn bây chừ, người sống thì lo toan trăm thứ, hết lo tiền bạc, danh vọng lại lo đến người ni người nớ lừa mình, lợi dụng mình, đến mệt..."

" Rứa nớ Mệ. Con chẳng tha thiết chi lắm với đi cặp bồ người ni người nớ. Con thích ở vầy hơn. "

" Mi cứ nói với Mệ dư rứa miết. Cái đứa lớn trước tuổi này, từ hồi Mệ mới gặp con, Mệ đã coi con là người lớn rồi. Con vừa biết lo biết nghĩ, lại hiền lành, Mệ là Mệ cho con hơn hẳn đa số bọn con trai bằng tuổi con. Con thương cha, thương mạ, thương con bé Hoka chị con. Rồi con tự đi mần cho gia đình con khỏi lo. Đến Mệ chẳng là ai con cũng thương..."

" Răng Mệ bảo Mệ chẳng là ai. Mệ là Mệ con chứ răng! Mệ không đẻ ra cha mạ con nhưng con vẫn thương..."

Mệ vòng cánh tay gầy guộc ra ôm lấy hai vai tôi, thủ thỉ vào tai tôi như một người mẹ già.

" ...Con thông minh, con giỏi Mệ biết. Mệ có con thương là phúc của Mệ rồi. Cả đời khốn nạn, côi cút của Mệ, có con thương cho Mệ, Mệ hạnh phúc dữ lắm...

...Dưng Mệ chỉ còn lo, Mệ cũng nỏ biết Mệ có quyền gì để lo cho con...
...con thông minh dư vầy, sau ni có đứa con gái nào đủ thông minh như con hay hơn con, để hiểu được con, để đối xử cho phải với con không đây..."

" Con còn dại, con nỏ giỏi giang hay tốt bụng gì cả. Con cũng nỏ cần ai yêu thương con dư con yêu cha mạ, yêu Hoka, yêu Mệ mô. "

" Coi chừng lại giống lão bán phế liệu. Không vợ, không con, thui thủi một mình bôn ba giữa đời. Tra rùi cũng chẳng có ai chăm nom. Con dù có sự nghiệp, tiền bạc, danh vọng, cũng chẳng thay thế được tình cảm con người với nhau. "

" Con có gia đình thương, con có Mệ thương. Con thương bản thân con. Con có vất vả hay cô đơn cũng chẳng lo không ai yêu thương con.
Tội nghiệp ông lão phế liệu. Dưng con chộ ông ấy là người mần ăn chân chính mấy chục năm nay, trung thành với cái nghề dù nó khổ sở. Thời buổi giờ, còn mấy ai như ổng nữa mô Mệ..."

Mệ càng ôm tôi chặt hơn, mái đầu hoa râm của Mệ đặt lên vai tôi cúi xuống. Đằng sau lưng hai mệ con, ánh nắng mặt trời thiêu rát mặt đất sân vườn. Tiếng ve kêu râm ri như lời than vãn của mùa hè còn lâu mới hết.


" Cái khăn ni Mệ đang làm dành cho con đó."

" Răng Mệ nỏ làm cho Mệ? "

" Mệ làm cho Mệ rồi. Mà Mệ cũng có đủ khăn để mang hết mùa lạnh."

" Con cũng đủ rồi mà Mệ, Mệ làm cho con chi nhiều cho mệt?"

" Con năm nào cũng lớn lên hết, nên đan cái mới kẻo mấy cái cũ nhỏ quá."

Năm nào cũng thế, mới vào đầu hè Mệ đã đem kim đan ra làm khăn, áo, găng tay. Năm nào tôi cũng có, hay ít nhất kể từ khi tôi về ngôi nhà trọ này của Mệ cách đây 3 năm.

" Con còn thuộc bài thơ nào nữa khôông? Đọc cho Mệ nghe vứi!"

" Dạ có! Mệ thấy " Thuyền và biển " thì răng? "

" Răng mi cứ đọc mấy bài thơ tình cho Mệ nghe!"

" Con thấy nó hay mà Mệ....."

___________________________________________

THUYỀN VÀ BIỂN

"Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển:

Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu, sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi

Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la
Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa... còn xa

Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gửi tâm tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ

Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?)

Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố."

( 1963 - Chồi Biếc )

___________________Thay lời kết chương 2, xin tưởng nhớ nhà thơ Xuân Quỳnh _____














Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top