Tôi rất yêu bố

Biển của tôi không phải là biển của anh. Biển của tôi là thành phố F, nơi có người bạn thân học cùng đại học. Hội chúng tôi đã về đây vào ba mùa hè, hai mùa đông. Hội này có mười người, 5 nam, 5 nữ. Có người xinh đẹp nhất toàn trường, có người rất tài tử, có người học giỏi nhất lớp, có người đá bóng hay nhất đội bóng. Hội chúng tôi là hội nổi nhất lớp. Tham gia hội này có lớp trưởng, lớp phó, và cả bí thư. Thi tiếng anh toàn trường thì hội tôi đã chiếm hai giải. Tôi đã trải qua một thời sinh viên vui vẻ nhất cùng hội. Thời gian đó lúc nào tôi cũng muốn đến trường, không phải để học mà chỉ để tụ tập cùng hội. Sáng sáng, tôi ra khỏi nhà từ 6h sáng và trở về nhà vào 11h khuya. Tôi như được xổ lồng khỏi thế giới phổ thông, để thay đổi hoàn toàn một sì tai sống mới ở thế giới đại học. Trước đó, tôi từng rơi vào một hố đen tội lỗi. Tội của tôi là đã thi trượt đại học khi tất cả mọi người chắc chắn rằng tôi không bao giờ thi trượt. Đến giờ, tôi cũng không chắc sao mình thi trượt nữa. Tôi vẫn tự vin vào lý do là tại bố không cho tôi thi trường tôi muốn nên khi thi tôi bị ức chế mà lờ đi không làm bài. Nhưng thực ra giờ nghĩ lại, tôi cũng chẳng phải là người cá tính đến mức không được làm theo ý mình thì hậm hực hất đổ. Tôi là đứa con rất nghe lời bố mẹ, đặc biệt là bố. Tôi sợ bố. Sợ nhất những lúc bố bực tức, bố sẽ quát ầm ĩ cả nhà bằng những ngôn từ kém hay ho. Tôi hầu như không bị bố đánh, chỉ rất hay bị quát. Quát vì làm gì đó không đúng ý bố. Quát vì bố đang khó chịu tâm trạng. Dù vậy, tôi ít khi cãi bố. Tôi rất tôn trọng ông, thấu hiểu sự vất vả và nỗi thống khổ của một người sinh ra trong một làng quê nghèo đói, hủ tục. Ông là con trưởng trong gia tộc nhưng lại không sinh được con trai kế thừa. Dù vậy, ông không giống như nhiều người đàn ông khác ở thời đó, bỏ vợ con để kiếm lấy đứa con trai bên ngoài. Ông là một kĩ sư máy giỏi tay nghề mà vì bất mãn với chế độ, chính sách nên đã nghỉ hưu sớm, để về sửa xe đạp nuôi chị em tôi lớn. Em tôi thường bảo, bố là một người sĩ diện hão, chỉ lo đi nghe những lời dị nghị của thiên hạ mà làm khổ vợ con. Vụ tôi trượt đại học hay một vài biến cố sau này, bố thường làm rùm beng mọi chuyện chỉ vì tính sĩ diện hão này. Nhưng thực ra trong thâm tâm tôi, tôi luôn thầm cảm ơn ông vì đã đủ bản lĩnh để vượt qua sự sĩ diện nhất của một người đàn ông thời đó là không có con trai và làm thợ sửa xe đạp. Nếu lúc đó, tính sĩ diện chiến thắng, chẳng phải số mệnh của mẹ con tôi đã rẽ sang một hướng hoàn toàn khác sao? Thực tế, tôi là một đứa bẻ trưởng thành sớm. Tôi khá nhạy cảm trong suy nghĩ và biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, cái gì nên, không nên. Chính bố là người đã tạo ra tôi như vậy. Dù bố chẳng bao giờ dạy bảo tôi điều gì bằng lời lẽ ngọt ngào. Sự cáu giận của bố khiến tôi biết để ý trước sau đến cảm xúc của người khác. Những điều kém may mắn trong cuộc đời của bố dạy tốt biết yêu thương gia đình mình hơn tất thảy. Những hành động của bố đã định hướng về thái độ của tôi khi đứng trước những thử thách cuộc đời đem đến. Thời thơ ấu khó khăn đã tạo ra một tôi vừa nghị lực vừa yếu mềm. Tôi còn nhớ, mùa đông trời tạnh ráo hay mưa buốt đều phải dậy từ 5h sớm dọn hàng cho mẹ bán đồ ăn sáng. Buổi trưa hè nắng gắt, ngày nghỉ lễ hay ngày thi cuối cấp, tôi đều phải còng mình quay tay từng cốc nước mía. Rồi cạo mía, rồi đập đá, rồi đi xếp hàng chen lấn lấy đá về cho mẹ bán hàng. Mùa nắng nóng, điện cắt, nước mất, còn không đủ đá để bán nước giải khát nữa đấy. Cái thời đó sao mà vất vả quá. Thỉnh thoảng có bìa đậu rán hay canh cá, bố còn bảo tôi đạp xe mấy cây số đến trường chú tôi học bảo chú qua nhà tôi ăn cơm. Chú là em út của bố tôi. Bố đã thay ông lo lắng cho chú từ học hành, công việc đến lập gia đình riêng. Vậy mà về sau, chú không những không biết ơn bố, còn quay ra tranh giành đất cát với bố đến mức anh em không nhìn mặt nhau. Ở đời, không ai biết được chữ ngờ. Tôi rất thương bố. Cả đời ông chỉ lo cho người khác. Thực tế, ông chưa bao giờ làm được gì cho bản thân. Vì vậy, ông thường hay áp đặt những mong muốn của bản thân lên người mà ông lo như mẹ tôi, tôi, em tôi, chú tôi, cháu tôi...Vì sớm nhận thức được những điều đó nên tôi thấy cuộc sống thơ bé của tôi vẫn rất đỗi dịu dàng. Nếu bố muốn tôi học giỏi, tôi sẽ học giỏi. Bố mẹ chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện học hành của tôi. Nhưng tôi vẫn đứng nhất lớp, nhất trường. Chẳng bao giờ tôi được đi học thêm ở trường vì bố bảo không cần thiết mà đơn giản là vì không có tiền. Những lúc được bồi dưỡng trước ngày thi học sinh giỏi quận hay thành phố, dù được miễn phí mà bố cũng không muốn tôi tham gia vì sẽ không có người trông hàng, làm việc nhà. Bố nghĩ những giải đó chả cần thiết. Vậy nên tôi cũng chẳng bao giờ cố gắng đạt được giải gì. Thầy cô giáo muốn tôi thi vào lớp chọn để bồi dưỡng thêm, nhưng bố tôi thì thấy thế là phiền toái. Cứ học lớp thường, thuận theo hệ giáo dục thường tình như những học sinh bình thường, chỉ vậy là đủ. Dường như, bao hỉ nộ ái ố của đời người đã khiến bố chỉ mong tất cả là bình thường. Vậy cũng tốt, tôi cũng sẽ sống như bố muốn vậy. Đúng thế, tôi đã sống như vậy, hoàn toàn thích thú với cuộc sống đơn giản của mình. Tôi không buồn vì không được đi thăm quan, cắm trại cùng cả lớp. Tôi ở thành phố này từ khi sinh ra mà hầu như chỉ biết mỗi con đường từ nhà đến trường và quanh quẩn khu tập thể. Trên đường đi học về tôi cùng đám bạn nhặt được nắm tiền trong cống nhưng bị rách đôi, chúng đã tin tưởng đưa tôi để dán lại, nhưng tôi chấp nhận chịu lũ bạn tẩy chay vì bố muốn tôi đưa hết cho ông. Tôi sụt sùi để bố bán đi con chó mực cực kì thân thiết,  rồi nhận lấy một ít tiền từ việc bán chó để đi mua một chiếc thắt lưng cho năm học mới. Sáng đó, tôi âm thầm dẫn nó ra cánh đồng, chỉ ôm nó mà khóc nức nở. Tôi nghĩ cả thời phổ thông, chắc chẳng có đứa con trai nào thích tôi vì tôi đen đúa, gày gò, tóc ngắn như con trai, chỉ đi một chiếc xe đạp mini từ lớp 6 đến lớp 12 với bộ đồng phục nhăn nhúm. Nếu có ai đó hỏi đến tôi thì chắc hẳn muốn chép bài trong giờ kiểm tra. Mà tôi lại chính trực đến mức không bao giờ cho chép bài, không bao giờ đồng cảm với những trò mà người ta gọi là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Ngoài những hoạt động đoàn đội, kỉ niệm trường, nếu không tôi cũng ít tham gia tụ tập bạn học. Tôi cũng không hiểu tại sao mình cũng làm sổ lưu bút và đưa cho các bạn trong lớp viết, để rồi khi đọc những dòng đó tôi đã tặc lưỡi, đúng là những lời viết giả tạo. Tôi đã sống như vậy đó, như bố muốn. Vậy chẳng có lý do gì tôi lại làm bố thất vọng bằng cách cố trượt đại học. Trong không khí u ám đó, tôi tự hỏi mình là ai?  mình thực sự muốn gì? Mình sẽ tiếp tục sống thế nào đây?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top