8 Ánh Sáng Chân Tâm


Ánh Sáng Chân Tâm

Nhận biết thân này vô thường, như chiếc bình đất sét.

Biết rằng mọi hiện tượng không thể tự hiện hữu, như ảo ảnh.

Đã phá vỡ vũ khí độc hại của tham luyến,

quyến rũ tựa đóa hoa –

bạn sẽ vượt qua được đến bờ bên kia,

ngay cả khi đối diện với cái chết.

-- ĐỨC PHẬT

Đoản kệ thứ Mười Hai

Nguyện ánh sáng trong suốt mẹ và con cùng hội ngộ Khi cận-thành-tựu tan hòa vào [pháp tánh] hoàn toàn rỗng không,

Và khi vô vàn vô số vọng niệm ngừng dứt, một kinh nghiệm như bầu mùa trời mùa thu không chút gì ô nhiễm sẽ chiếu tỏa.

Theo Tối Thượng Mật Điển Du Già, không có tâm nào vi tế hơn là tâm tịnh quang (ánh sáng trong suốt của chân tâm); tâm ấy hoạt động như là cơ sở nền tảng của tất cả mọi hiện tướng trong luân hồi và niết bàn.

Tâm tịnh quang đã từng hiện hữu liên tục từ vô thủy trong vòng xoay luân hồi. Bởi vì tâm ấy không phải chỉ có mặt nhất thời trong một giai đoạn, cho nên tâm ấy được gọi là tâm nền tảng, trong khi các tâm thức khác, như tâm thức màu đen của cận-thành-tựu, màu đỏ-cam của hiện-tướng-tăng-trưởng và màu trắng của hiện tướng, vân vân... Các loại tâm thức [đen, đỏ-cam và trắng] là những gì mới được tạo ra và sẽ phải ngừng dứt do bởi lực của các điều kiện tác động; do đó, chúng được gọi là tạm bợ và bất định. Còn tâm nền tảng, ánh sáng trong suốt bản lai (vốn sẵn có từ nguyên sơ) và hoàn toàn rỗng rang của chân tâm, là tâm thức sâu xa tột cùng nhất.

Tất cả những tâm thức khác đều được xem như là thô lậu, cho dù trong số đó thì có những mức độ thô thiển và vi tế khác nhau. Nếu nói đến tâm tịnh quang thì ngay cả các tâm thức của hiện tướng màu trắng, hiện-tướng-tăng-trưởng màu đỏ-cam và cận-thành-tựu màu đen nghịt, vốn dĩ là đã vi tế hơn các loại thức bình thường khác rồi, nhưng ba loại tâm thức đó vẫn còn là thô lậu. So với tâm nền tảng trong suốt, nguyên sơ vốn sẵn có, thì ba loại tâm thức kia vẫn là tạm bợ nhất thời, không khác gì các loại tâm thức tầm thường khác.

Từ góc nhìn này, khi ta nói đến thành trì của những vọng tưởng mê lầm đối trước chủ thể và đối tượng (như đã có nhắc đến trong đoản kệ thứ tư) thì các thành trì của những vọng tưởng mê lầm ở đây chính là các hiện tượng tạo ra bởi hành động (nghiệp), và các hành động này thì lại phát sinh từ khái niệm thô lậu của thức ở các mức độ thô thiển khác nhau. Khi mà bạn có khả năng để an trú vĩnh viễn trong ánh sáng trong suốt vốn sẵn có của chân tâm, ngược giòng loại tâm thô lậu hơn ở các mức độ khác, thì sẽ không còn có cơ hội nào để tích lũy nghiệp nữa. Tuy nhiên, nếu muốn thường xuyên an trú được trong ánh sáng trong suốt của chân tâm thì bắt buộc bạn cần phải cởi bỏ những chướng ngại đưa đến sự toàn tri toàn giác. Những chướng ngại này chính là sự ô nhiễm của các hiện tướng sai lầm về chủ thể và đối tượng, cho rằng chúng có tự tánh, có thể tự mình hiện hữu. Khi bạn có thể an trú được trong ánh sáng trong suốt của chân tâm thì tất cả các loại thức dựa trên vọng tưởng sẽ ngừng dứt. Cho khi đến được giây phút đó thì bạn sẽ vẫn [tiếp tục] bị sai sử bởi thức ở mức độ thô lậu, bởi các khái niệm tạm bợ, và [như thế thì bạn tiếp tục] tích lũy nghiệp.

Trong giai đoạn cuối cùng của quá trình lìa đời, khi tất cả các thức thô lậu đều tan hòa vào trong [một trạng thái] hoàn toàn rỗng rang – trạng thái của tâm tịnh quang, của tâm thức nền tảng vốn sẵn có, thì vô vàn vô số những đối tượng của thế gian, cùng với những khái niệm phân chia đối đãi như là một hay nhiều, sẽ được làm cho an dịu ngay trong tâm thức vi tế nhất. Tất cả các hiện tướng của môi trường sống, cùng với tất cả chúng sinh [sống trong đó], đều tự tháo lui [tan biến đi]. Nếu bạn có thể chuyển hóa ánh sáng trong suốt của cái chết thành một tâm thức đầy đủ phẩm hạnh tâm linh toàn vẹn, thì tâm sẽ nhận ra được khuôn mặt thật của tâm, nhận ra được chân tánh của tâm – là toàn bộ tâm thức nền tảng.

Đối với một người không phải là hành giả, những hiện tướng thô lậu cũng sẽ tháo lui [tan biến]. Tuy nhiên, sự tan biến của những hiện tướng theo quy ước bình thường này không phải là nhờ vào một nhận thức về thực tại xuyên qua thiền định. Trong bốn giai đoạn cuối cùng của quá trình lìa đời, các luồng khí trước đây hoạt động như là những cái yên ngựa để cho thức cưỡi lên, bây giờ các luồng khí đó sẽ trở nên ngày càng vi tế hơn. Vào giai đoạn cuối cùng, khi tất cả các luồng khí tạm bợ chuyên chở thức đã đều tan hòa hết, thì tâm sẽ trở thành giống như là vô phân biệt (cho dù bạn là một hành giả hay không phải là hành giả), và một sự bao la rộng mở cực kỳ vi diệu sẽ hiện đến.

Nhưng nếu là một hành giả thì bạn nên nỗ lực vượt qua tánh không [sự rỗng rang] bình thường này, [vì sự rỗng rang bình thường ấy] chỉ thuần túy là sự vắng bóng của các hiện tướng quy ước. Khi ánh sáng trong suốt xuất hiện, hãy cố gắng chứng ngộ được tánh không phi thường của sự không có tự tánh, nương vào chính ánh sáng trong suốt của chân tâm. Điều này sẽ không xảy ra qua sự ráng sức vào thời điểm của chính cái chết, mà chỉ có thể xảy đến từ năng lực của sự thuần thục mà bạn đạt được trước khi những giai đoạn tan rã xảy ra, và cũng đến từ một sự tỉnh thức mạnh mẽ về tánh không xuyên qua các giai đoạn mà ba tâm thức của các hiện tướng trắng, đỏ và đen chiếu tỏa. Điều này khẳng định sự quan trọng của công phu rèn luyện liên tục.

Các viên đá làm nền móng cho công phu hành trì của chính tôi là sự quán chiếu về bốn giáo lý căn bản, gồm có vô thường, đau khổ, tánh không và vô ngã. Thêm vào đó, một phần trong tám pháp môn hành trì khác nhau trong ngày của tôi là thiền quán về những giai đoạn khác nhau của cái chết. Tôi tưởng tượng ra sự tan hoại của nguyên tố đất vào nước, rồi nguyên tố nước vào lửa, và vân vân. Cho dù tôi chưa thể khẳng định là tôi có được kinh nghiệm sâu sắc nào, nhưng mà có một lúc, hơi thở có ngưng lại chút xíu xuyên qua một nghi thức mà trong đó tôi phải quán sự tan biến của tất cả các hiện tướng. Tôi đoan chắc rằng có những kinh nghiệm toàn hảo hơn sẽ hóa hiện nếu hành giả quán tưởng những giai đoạn tan hoại một các chậm rãi và thấu đáo hơn. Bởi vì trong công phu hành trì bổn tôn du già của tôi, tất cả đều xoay quanh việc quán tưởng cái chết, và việc này giúp cho tôi trở nên quen thuộc, thấm nhuần hơn với tiến trình lìa đời. Do đó, vào thời điểm cái chết thực sự xảy đến, đúng lý ra là các nấc thang này đã trở thành quen thuộc lắm rồi. Nhưng còn việc tôi có sẽ thành công hay không thì tôi không biết được.

Một số những người bạn tâm linh của tôi, kể cả những hành giả thuộc truyền thống Đại Viên Mãn của dòng Cổ Mật (Nyingma) trong Phật giáo Tây Tạng, các bạn ấy đã kể lại về những kinh nghiệm sâu sắc của sự tan rã, nhưng các kinh nghiệm này cũng vẫn chỉ ở trong một cảnh giới 'sao chép' (mô phỏng) của kinh nghiệm đích thực mà thôi. Có những người Tây Tạng, họ được xem như là đã chết rồi [qua các biểu hiện của cơ thể theo y khoa], nhưng họ tiếp tục tồn tại và cơ thể của họ không trải qua sự thối rữa trong một thời gian khá dài. Mới năm ngoái đây thôi, thân thể của một lạt ma dòng Sakya đã giữ được sự tươi mới mà không hư hoại trong hơn hai mươi ngày. Vị ấy đã "chết" tại Dharamsala, nhưng vị ấy vẫn tiếp tục tồn tại trong khi ở Dharamsala, trong thiền định. Rồi sau đó, thân thể của vị ấy được chuyển đến Rajpur thuộc vùng Dehra Dun, và đến đó thì thân thể cũng vẫn còn tươi mới. Thật là chuyện quá ư khác thường. Tôi cũng biết có khoảng mười lăm người Tây Tạng [đã qua đời] mà thân thể không bị thối rữa – có một số người giữ tình trạng như vậy trong vài ba ngày, có một số khác kéo dài lâu hơn, và lâu nhất là ba tuần lễ. Vị trưởng lão giáo thọ của tôi, Ling Rinpoche, đã tồn tại như thế trong mười ba ngày.

Trong một hình thức tốt lành nhất, trạng thái này đây – khi đã chuyển hóa được thành ra một kinh nghiệm tâm linh, thì đây gọi là sự gặp gỡ giữa ánh sáng mẹ và ánh sáng con. Ánh sáng mẹ trong suốt xuất hiện một cách tự nhiên trong khi chết do bởi nghiệp lực. Ánh sáng con trong suốt được phát khởi qua công phu trưởng dưỡng con đường tâm linh, và điều này có thể đạt được qua sự dụng công của một hành giả du già trong giai đoạn thiền định trước đó. Sự hội ngộ giữa ánh sáng mẹ và ánh sáng con thực sự không phải là sự gặp gỡ giữa hai thực thể khác nhau; mà thực ra, ánh sáng mẹ trong suốt của cái chết, do sự tác động của nghiệp mà xuất hiện, nay đã biến trở thành một tri thức tâm linh, tức là ánh sáng con trong suốt. Đây là sự gặp gỡ giữa ánh sáng mẹ và ánh sáng con.

Qua một lối diễn giải khác, ánh sáng con trong suốt được xem là tánh không, và sự gặp gỡ giữa hai ánh sáng trong suốt ở đây nghĩa là không để cho ánh sáng mẹ trở thành một loại tâm thức tầm thường của cái chết, mà ngược lại, phải vận dụng tâm ấy để tâm ấy tập trung vào tánh không của sự vô tự tánh như là đối tượng [thiền định]. Tánh không của sự vô tự tánh này chính là ánh sáng con. Cách diễn giải cho rằng ánh sáng mẹ trong suốt là một tâm thức tầm thường của cái chết là một lối diễn giải phổ biến hơn, nhưng mà ý nghĩa của cả hai lối diễn giải trên đều giống nhau trên mặt tinh yếu.

NHỮNG GIỌT VI TẾ NHƯ LÀ CƠ SỞ NỀN TẢNG CỦA TÂM VI TẾ

Như đã mô tả ở trên, việc giúp cho các mức độ sâu xa hơn của thức có thể hóa hiện có liên quan mật thiết đến tiến trình vật lý của bốn nguyên tố – đất, nước, lửa và khí – đặc biệt là của nguyên tố thứ tư (khí), bởi vì khí hoạt động như là cơ sở nền tảng của thức. Trong tiến trình của cái chết, còn có sự tham dự của một giọt tinh chất vi tế nằm ở ngay tim, và giọt này chứa đựng loại thức vi tế nhất của trạng thái [tâm thức] bình thường.

Trong Mật điển Kalachakra (Thời luân), là một trong những Tối Thượng Du Già Mật Điển mà đức Phật đã từng tuyên thuyết và trở nên rất thịnh hành tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ mười, Mật điển này đã trình bày một cách rất kỳ thú về tám giọt tinh chất tại những vị trí hệ trọng trong thân thể. Đây là những điểm uế trược cần tịnh hóa mà cũng là những tiềm năng cần được đánh thức dậy. Giống như giọt tinh chất ở ngay tim đã được trình bày trong Mật điển Guhyasammaja (là hệ thống diễn giải chính yếu mà tập sách này dựa vào như đã có nói trước đây), tám giọt này là tám giọt tinh chất vi tế có kích thước nhỏ bằng một hạt mù tạt và chúng được cấu tạo bởi các phần tử cơ bản trắng và đỏ. Những giọt tinh chất này cũng là cơ sở hỗ trợ cho thức vi tế. Các thiên hướng tạo ra bởi thiện nghiệp hay ác nghiệp đã bị trộn lẫn vào với những thức vi tế này. Các hành nghiệp của thân, khẩu và ý đã gieo những khuynh hướng ngủ ngầm vào trong các thức, và các thức trú ở trong những giọt tinh chất này. Ngay tại những giọt tinh chất này, các khuynh hướng đó được lưu trữ cho đến khi có những tác duyên nhất định nào đó xảy ra, đưa đến sự hóa hiện của [các trải nghiệm] hoan lạc, đau đớn cùng các diễn biến khác trong luân hồi.

Có tất cả hai nhóm, mỗi nhóm gồm bốn giọt tinh chất; mỗi một cặp đôi (gồm hai giọt tinh chất) kết hợp làm việc với nhau để tạo ra những trạng thái tâm thức khác nhau. Nhóm thứ nhất nằm tại các vị trí như sau: (1) trán (hoặc đỉnh đầu), (2) cổ họng, (3) tim và (4) rốn; nhóm thứ nhì nằm tại: (1) rốn, (2) vùng kín mật (phần cơ sở cuối cùng của cột sống), (3) ngay giữa bộ phận sinh dục và (4) đầu mũi của bộ phận sinh dục. Hai giọt tinh chất ở trán và rốn tạo ra trạng thái tỉnh táo; hai giọt cổ họng và phần cơ sở cuối của cột sống tạo ra trạng thái mộng mị; hai giọt ở tim và ngay giữa bộ phận sinh dục tạo ra trạng thái ngủ sâu; hai giọt ở rốn và đầu mũi của bộ phận sinh dục tạo ra trạng thái hoan lạc tình dục. Như bạn đã thấy, giọt tinh chất tại rốn chứa đựng hai loại khuynh hướng khác nhau: một khuynh hướng tạo ra trạng thái tỉnh táo trong vai trò thứ tư của nhóm thuộc phần trên, và một khuynh hướng tạo ra trạng thái hoan lạc tình dục trong vai trò thứ nhất của nhóm thuộc phần dưới.

Mỗi giọt tinh chất đều chứa đựng hai loại tiềm lực khác nhau, tịnh và bất tịnh. Khi chúng ta thức giấc, các luồng khí của phần trên của cơ thể tụ lại ở trán, và các luồng khí của phần dưới của cơ thể tụ lại ở rốn; các tiềm lực thanh tịnh tạo ra các hiện tướng thuần túy của các vật thể và các tiềm lực bất tịnh tạo ra các hiện tướng của các vật thể bất tịnh. Trong khi nằm mơ, các luồng khí ở phần thân trên tụ lại ở cổ họng và các luồng khí ở phần thân dưới tụ lại ở vùng kín mật [phần cơ sở cuối của cột sống]; các tiềm lực thanh tịnh tạo ra các âm thanh thuần túy trong khi các tiềm lực bất tịnh tạo ra lời nói lộn xộn rối rắm. Trong giấc ngủ sâu, những luồng khí ở phần thân trên tụ lại ở tim, và những luồng khí ở phần thân dưới tụ lại ở ngay giữa bộ phận sinh dục; các tiềm lực thanh tịnh tạo ra sự sáng tỏ không khái niệm tạo tác, và các tiềm lực bất tịnh tạo ra sự mờ mịt tối tăm. Trong khi [trải qua kinh nghiệm] kích thích tình dục mạnh mẽ, các luồng khí ở phần thân trên tụ lại ở rốn và các luồng khí ở phần thân dưới tụ lại ở đầu mũi của bộ phận sinh dục; các tiềm lực thanh tịnh tạo ra sự hỷ lạc trong khi các tiềm lực bất tịnh tạo ra sự xuất tinh hoặc bài tiết tình dục (cho nam và nữ).

Sự rèn luyện tâm linh theo truyền thống Kalachakra là để hướng về việc tịnh hóa bốn cặp giọt tinh chất này. Qua việc tịnh hóa các giọt tinh chất tại trán và rốn (là những giọt tinh chất tạo ra hiện tướng của các vật thể bất tịnh trong khi ta đang tỉnh táo), thì các vật thể này sẽ trở thành hiện tướng của sắc-không – đây là sắc (hình tướng) vượt lên trên vật chất thuần túy [để trở thành không]. Là những hình tướng rỗng rang, các hiện tướng này có thể được áp dụng vào con đường tu giác ngộ. Các giọt tinh chất ở cổ họng và phần cơ sở cuối cùng của cột sống có khả năng tạo ra lời nói tầm xàm, nhưng qua việc tịnh hóa, ta có thể khai phá những "âm thanh hùng vĩ" để áp dụng trên con đường tâm linh. Các giọt tinh chất tại tim và ngay giữa bộ phận sinh dục có khả năng tạo ra sự mờ mịt tối tăm, nhưng nếu được tịnh hóa thì ta có thể áp dụng trí tuệ [bình đẳng] vô khái niệm trên con đường tâm linh. Các giọt ở rốn và đầu mũi của bộ phận sinh dục có khả năng tạo ra sự xuất tinh, nhưng qua sự tịnh hóa thì hoan lạc có thể được chuyển hóa thành đại lạc bất động không cần xuất tinh, và có thể được sử dụng cho các mục đích tâm linh. Những tiềm năng tốt lành này được khai triển để chuyển thành ra những hình thức cao thâm hơn và cao thâm hơn, cuối cùng trở thành thân kim cang, khẩu kim cang, ý kim cang và đại lạc kim cang vô cùng vi diệu của một vị Phật.

Trong hệ thống Kalachakra, tất cả những chướng ngại trói buộc chúng sinh vào trong một trạng thái đau khổ và hạn hẹp, ngăn chặn không cho chúng sinh trở nên hữu hiệu hơn trong một tâm thức vị tha – tất cả những chướng ngại đó đều nằm trong bốn giọt tinh chất này. Không phải thể vật lý của những giọt này là cơ sở nền tảng của sự hóa hợp của các chướng ngại tùy theo duyên nghiệp ấy, mà thật ra, chính những luồng khí rất vi tế và chính các tâm thức đang trú ở trong hai nhóm của bốn giọt tinh chất này mới là những gì bị đắm nhiễm bởi các tiềm lực thuộc nghiệp duyên, vừa thiện vừa bất thiện. Những giọt vật lý chỉ là cơ sở hỗ trợ cho các tâm thức vi tế cùng các luồng khí, cũng không mấy khác thân vật lý thô lậu hỗ trợ cho tâm của ta.

Hai năm về trước, có một hành giả du già người Tây Tạng là người tu tập theo pháp môn thiền định Đại Viên Mãn của truyền thống Cổ Mật (Nyingma). Ngài đã đạt được trạng thái làm cho thân vật lý thô lậu hoàn toàn biến mất, là một trạng thái mà chúng tôi gọi là "đạt được thân cầu vồng." Tên của ngài là Achok, và ngài xuất thân từ Nyarong. Ngài đã tu học triết lý trong một thời gian tại một học viện Geluk gần Lhasa tên là Sera và ngài cũng đã từng thọ giáo từ một vị giáo thọ của tôi, ngài Trijang Rinpoche, nhưng vị đạo sư gốc của ngài là một đại lạt ma dòng Nyingma, đức Dujom Rinpoche. Cho dù ngài tu tập Mật điển dựa theo cả hai truyền thống Tân dịch và Cựu dịch trong Phật giáo Tây Tạng, nhưng pháp hành trì chính yếu của ngài là trì tụng om mani padme hung cùng với các pháp thiền quán đi kèm với pháp môn này.

Cho đến ba năm về trước, ngài thường nói rằng ngài hy vọng sẽ có được cơ hội được gặp Đạt Lai Lạt Ma trong đời này. Và rồi, một ngày kia, ngài cho gọi các đệ tử vân tập để cử hành nghi lễ cúng dường cầu nguyện cho thọ mạng của Đạt Lai Lạt Ma. Sau khi tất cả dâng cúng phẩm xong, ngài đã làm cho họ phải kinh ngạc khi thông báo là bây giờ ngài sắp phải ra đi. Ngài đắp tăng y, rồi bảo họ hãy niêm phong ngài lại bên trong căn phòng của ngài lại trong vòng một tuần lễ. Đệ tử của ngài đã làm theo lệnh của sư phụ và sau một tuần, họ mở cửa phòng ra và thấy là ngài đã hoàn toàn biến mất ngoại trừ tấm y còn để lại mà thôi. Một trong những đệ tử của ngài và một hành giả thân cận khác đã đến Dharamsala và đã thuật lại câu chuyện này cho tôi nghe, cùng đưa tặng cho tôi một mẩu y của ngài.

Bởi vì ngài thường khi ẩn cư tu tập như là một tu sĩ rất đơn sơ giản dị, không hề tự phụ khoe khoang, khác hẳn với các lạt ma khác, ngài đã chứng tỏ rằng ngài là một hành giả thượng thừa và cuối cùng, mọi việc đã diễn tiến ra như thế. Có những người khác nữa cũng đã từng lên tiếng như thế về các sự kiện nhiệm mầu, nhưng [trong các trường hợp đó thì] không có nguồn gốc xác đáng.

Trong Tối Thượng Du Già Mật Điển, các tiềm lực trong đời sống bình thường đã dựa vào khí và tâm thức vô cùng vi tế để tạo ra những môi trường sống bất tịnh cùng các chúng sinh bất tịnh. Các tiềm lực này được tịnh hóa xuyên qua công phu tu tập trên con đường tâm linh và nhờ đó, được chuyển hóa thành tâm vị tha, thành thân và khẩu thuần tịnh của một vị Phật. Mục đích của chúng ta là giúp cho tâm thức nền tảng vốn sẵn có -- tâm tịnh quang – có thể hóa hiện. Đây chính là thức ở mức độ sâu xa tột cùng nhất, và [tu tập để] làm thế nào có thể an trú được trong mức độ tâm thức sâu xa tột cùng đó mà không phải quay ngược lại với các mức độ tâm thô thiển hơn. Tuy nhiên, trạng thái tịnh hóa này không phải chỉ thuần là tịnh hóa tinh thần mà còn liên quan đến thân thể nữa, tuy rằng thân thể ở đây là đang nói đến loại thân thể do khí cấu tạo, và khí ở đây là cái yên ngựa để cho tâm tịnh quang cưỡi ở trên. Mục đích tối hậu của các loại hóa hiện này [nương qua thân tịnh hóa và tâm tịnh quang] là để giúp cho những người khác có thể cũng đạt đến giải thoát y như ta, xa lìa đau khổ và xa lìa các giới hạn tù túng chật hẹp.

Trọng tâm của quá trình tịnh hóa này là chứng ngộ được tánh chiếu sáng và tánh thấu biết của tâm – nghĩa là phải hiểu ra được rằng những xúc cảm ô nhiễm như tham ái, oán ghét, hận thù, ganh tị và tranh chấp không thực sự trú ở trong cốt tủy của tâm mà chúng chỉ nằm ở vòng ngoài mà thôi. Khi tâm biết được thực tánh của tâm, và khi sự hiểu biết này được đi kèm với một định lực dũng mãnh thì điều tuần tự sẽ xảy đến sau đó là ta có thể giảm thiểu và cuối cùng vượt thắng được các trạng thái đắm nhiễm, là những trạng thái dẫn đến sự tái diễn của các quá trình đau khổ. Đây chính là cái nhìn của Tây Tạng về sự liên hệ mật thiết giữa tâm thức và vật chất, cũng như về cách thức mà tâm thức và vật chất chung vai sát cánh với nhau trong một quá trình tịnh hóa có chủ đích [vì mục đích] lợi tha.

TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN

1. Giai đoạn cuối cùng trong quá trình lìa đời là sự chiếu tỏa của tâm thức nền tảng vốn sẵn có, tức tâm tịnh quang (ánh sáng trong suốt của chân tâm). Cho đến nay tâm này đã luôn hiện hữu một cách liên tục từ vô thủy và sẽ thường còn mãi mãi.

2. Rồi cuối cùng, khi đạt đến quả vị Phật, bạn sẽ có đủ khả năng để an trụ trong ánh sáng trong suốt vốn sẵn có của chân tâm mà không phải trải qua tiến trình theo thứ tự đảo ngược của các mức độ tâm thức thô thiển hơn. Vào thời điểm đó, sẽ không còn bất kỳ cơ hội nào để tích lũy nghiệp nữa.

3. Ngay cả cho một người bình thường không phải là hành giả thì kinh nghiệm vắng bóng của các hiện tướng thô lậu cũng vẫn sẽ hiện ra vào lúc chết. Nhưng đối với một hành giả thượng thừa thì họ sẽ tìm cách vận dụng tâm thức [vào lúc ấy] để chứng ngộ được chân lý, chứng ngộ tánh không – tức sự không có tự tánh nội tại – [và việc này chỉ có thể xảy ra được] là nhờ vào năng lực của sự thấm nhuần phương pháp thiền định về tánh không.

4. Ánh sáng trong suốt bình thường của tâm, hiện ra vào giai đoạn cuối cùng của cái chết được gọi là ánh sáng mẹ trong suốt; và ánh sáng trong suốt được phát khởi qua năng lực trưởng dưỡng con đường tu tập tâm linh được gọi là ánh sáng con trong suốt.

5. Khi ánh sáng mẹ trong suốt chiếu tỏa do nghiệp tác động được chuyển thành một tri thức tâm linh thấu suốt tánh không (tức ánh sáng con), thì sự chuyển hóa này được gọi là sự gặp gỡ giữa ánh sáng mẹ và ánh sáng con trong suốt.

Đoản kệ thứ Mười Ba

Nguyện chúng con an trú trong định lực thâm hậu

Của tuệ giác cao quý, là sự kết hợp gữa đại lạc vốn sẵn có và tánh không,

Xuyên qua bốn [giai đoạn] của chân tánh rỗng rang, khi giọt màu trắng như ánh trăng tan chảy

Bởi ngọn lửa như làn sét của Người Đàn Bà Dũng Mãnh.

Qua các phương pháp tu định [trong Mật thừa], các hành giả du già phát khởi được nội hỏa, có tên gọi là Người Đàn Bà Dũng Mãnh (Tạng: Tumo; nghĩa đen: một người đàn bà mạnh mẽ), và vận chuyển được nội hỏa này lên phía trên của đường kinh mạch trung ương. Nội hỏa thường khi trú ở vùng đám rối dương [solar plexus: trung tâm thần kinh phía dưới xương sườn và giữa dạy dày] và sau khi được vận chuyển lên phía trên thì sẽ đốt chảy [giọt] tinh chất màu trắng đang trú trong vùng kinh mạch rất phức tạp ở trên đỉnh đầu (tại luân xa đại lạc). Nếu dùng ẩn dụ, thì [giọt] tinh chất màu trắng này được ví như mặt trăng và được gọi là tâm giác ngộ. Trong khi tan chảy thì [giọt] ấy tiếp tục vận chuyển bên trong đường kinh mạch trung ương; và khi [giọt] ấy chậm chạp từ tốn chuyển xuống được đến các luân xa ở cổ, tim, rốn và vùng kín mật thì bốn mức độ hỷ lạc sẽ được trải nghiệm – hỷ lạc, hỷ lạc tối thượng, hỷ lạc vi diệu và hỷ lạc nội tại.

Bốn loại hỷ lạc này là trí tuệ siêu việt của đại lạc. Các loại trí tuệ hỷ lạc này dựa vào tánh không như là đối tượng của sự chứng ngộ; do đó, chúng ta nói rằng hỷ lạc và tánh không kết hợp với nhau. Xuyên qua trí tuệ thiền định của đại lạc trong Tối Thượng Du Già Mật Điển, khi ánh sáng mẹ trong suốt tỏa rạng vào lúc chết do bởi nghiệp tác động, thì vào lúc đó, ta có thể chuyển hóa ánh sáng mẹ thành tri thức tâm linh trên con đường tu, tức chuyển thành ánh sáng con trong suốt. Trong đoản kệ trên, ước nguyện cuối cùng của đức Ban Thiền Lạt Ma liên quan đến giai đoạn lìa đời là hướng đến việc đạt được khả năng đó.

Đối với những ai tu tập Tối Thượng Du Già Mật Điển hằng ngày thì họ có thể quán tưởng các hiện tướng của tám dấu hiệu của cái chết như sau: ảo ảnh, khói mờ, đom đóm, đóm lửa của một ngọn đèn bơ, hiện tướng màu trắng chói lọi, hiện-tướng-tăng-trưởng màu đỏ-cam chói lọi, hiện tướng cận-thành-tựu màu đen nghịt và cuối cùng là ánh sáng trong suốt. [Đồng lúc], sự quán tưởng này phải được liên kết với sự quán chiếu về tánh không. Việc này phải được rèn luyện trong một trình tự chánh niệm gồm ba phần như sau: (1) Bạn phải nhận diện ra được dấu hiệu hiện đang xuất hiện, rồi sau đó, (2) nhận diện dấu hiệu đã xảy ra trước đó, và rồi, (3) nhận diện dấu hiệu sẽ xảy ra kế tiếp. Chẳn hạn như, "Đom đóm đang hiện ra. Khói mờ đã biến mất. Một đóm lửa sắp xuất hiện." Cho dù tám dấu hiệu không thực sự hiện ra trong thiền định, ngoại trừ cho những hành giả du già thượng thừa, nhưng bạn cần phải làm quen và thấm nhuần những dấu hiệu này. Trong công phu hành trì miên mật trọn vẹn, khi bạn đạt đến mức độ phát triển [tâm linh] đích thực thì bạn sẽ an trú trong thiền định về tánh không và các dấu hiệu sẽ tự chúng xuất hiện.

BỔN TÔN DU GIÀ

Trong pháp hành trì Mật điển, sự tưởng tượng được vận dụng để giúp cho các tiến triển tâm linh. Pháp tu bổn tôn du già (hay hộ phật du già) đòi hỏi bạn: (1) phải tưởng tượng rằng tâm của bạn (cho dù bình thường tâm ấy vẫn bị quấy nhiễu bởi cảm xúc ô nhiễm) là một tâm thức của trí tuệ thanh tịnh với một động lực do từ bi thúc đẩy; (2) phải thay thế hiện tướng của thân xác tầm thường của bạn (cấu tạo bởi thịt da, máu huyết và xương) bằng một sắc thân hóa hiện ra từ trí tuệ với từ bi là động lực; và (3) phải phát khởi được cảm giác về một bản thân thuần khiết, dựa trên một thân tâm thanh tịnh, hóa hiện trong một môi trường sống lý tưởng, hoàn toàn hiến mình vào việc cứu giúp chúng sinh. Qua những phương cách đó, bạn quán tưởng bản thân bạn đang có đầy đủ sắc tướng, công hạnh, tài nguyên và cảnh giới của một vị Phật. Sự tưởng tượng là chìa khóa chính yếu. Khi thiền quán để thấy bản thân bạn đang ở trong một hoàn cảnh lý tưởng như thế, bạn khởi sự bằng sự quán chiếu về tánh không, phát khởi sự tỉnh giác về tánh không, về sự không có tự tánh càng nhiều càng tốt. Từ chính sự tỉnh giác ấy mà vị hộ phật (hay bổn tôn) sẽ xuất hiện. Tâm của bạn, khi chứng ngộ tánh không, sẽ hiện ra như là một bổn tôn cùng với cảnh giới, tài nguyên và những công hạnh từ bi. Qua đó, bổn tôn du già là sự kết hợp giữa trí tuệ và động lực từ bi; [đó chính là] tâm thức chứng ngộ tánh không và đồng thời, sẽ hóa hiện ra trong sắc tướng của một vị bổn tôn từ bi cứu độ chúng sinh.

SỰ GIAO HỢP TÌNH DỤC

VÀ CON ĐƯỜNG TÂM LINH

Một hành giả với trí tuệ và từ bi vô cùng vững chãi có thể vận dụng sự giao hợp tình dục trên con đường tu tập tâm linh như là một phương tiện thiện xảo để giúp cho tâm thức có thể an trụ một cách vững mạnh, và giúp cho sự hoá hiện của tâm tịnh quang (tức ánh sáng nền tảng trong suốt vốn sẵn có). Mục đích của việc này là để thực chứng và kéo dài những mức độ tâm thức vi tế hơn, vận dụng toàn bộ năng lực của các mức độ tâm vi tế này để củng cố cho sự chứng ngộ tánh không. Chỉ thuần túy giao hợp tình dục một cách bình thường thì chẳng có liên can gì đến việc trưởng dưỡng tâm linh cả. Nhưng một người nào đó khi đã đạt đến được mức độ tu chứng thâm hậu dựa vào động lực [từ bi] và trí tuệ, thì ngay cả việc liên kết hai bộ phận sinh dục lại với nhau, hay còn gọi là giao hợp, cũng vẫn không làm cho việc duy trì giới hạnh của họ bị tổn giảm.

Làm thế nào để việc giao hợp tình dục có thể giúp cho ta trên con đường tu? Bởi vì tiềm năng của các mức độ tâm thức thô lậu thì rất giới hạn, trong khi tiềm lực của các mức độ tâm thức vi tế hơn lại rất mạnh mẽ, nên các hành giả với nội lực thâm hậu có nhu cầu tiếp cận với các mức độ tâm thức vi tế hơn. Để có thể làm được như thế thì loại thức thô thiển cần phải được làm cho yếu đi và tạm thời ngừng dứt. Và muốn thành tựu được việc ấy thì cần phải đem đến một sự thay đổi toàn diện rất mãnh liệt cho sự vận chuyển của các năng lượng khí bên trong thân thể. Cho dù khi chúng ta hắt xì hơi hay ngáp thì một [kinh nghiệm] mô phỏng các mức độ tâm thức vi tế hơn cũng xảy ra vào lúc đó, nhưng rõ ràng là các kinh nghiệm này không thể kéo dài. Lại nữa, cần phải trải nghiệm sự hóa hiện của các mức độ tâm thức vi tế hơn, để sau đó thì mới có thể vận dụng được các kinh nghiệm ấy khi chúng xảy ra trong giấc ngủ sâu. Bởi vì lý do này, tình dục đã được vận dụng. Qua những phương pháp đặc biệt để định tâm trong giây phút cực khoái, các hành giả với nội lực thâm hậu có thể kéo dài các trạng thái tâm thức vô cùng sâu xa, vi tế và mãnh liệt, và dựa vào các trạng thái tâm thức này để chứng ngộ tánh không. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ giao hợp tình dục trong một tâm trạng tầm thường thế tục thì chẳng có bất kỳ lợi lạc gì cả.

Thân phụ của cố đại sư Serkong Rinpoche vừa là một học giả và một hành giả chứng đắc. Ngài xuất thân từ Tu viện Ganden, khá xa kinh thành Lhasa về hướng đông nam. Nhưng sư phụ của ngài, Trin Ngawang Norbu, lại trú ở Tu viện Depung nằm về hướng tây của Lhasa. Khi ấy, thân phụ của Serkong Rinpoche đang cư ngụ tại Lhasa, cho nên mỗi ngày vào buổi sáng sớm, thân phụ của Serkong Rinpoche lặn lội trên một quãng đường rất xa từ Lhasa để đến Drepung. Đến nơi thì ngài đi xách nước cho sư phụ, lau chùi dọn dẹp liêu phòng, đôi khi thọ nhận các giáo lý vào ban ngày, và rồi lại quay trở về lại Lhasa.

Một đêm kia, thân phụ của Serkong Rinpoche gặp một cô gái và ngài đã phạm giới. Quá ân hận về việc này, sáng ngày hôm sau, trên đường đi đến Drepung, ngài vừa đi vừa khóc nhưng khi ngài bước vào liêu phòng của đạo sư thì ngài thấy đạo sư đã vừa cử hành xong một nghi lễ sám hối. Sư phụ của ngài, Trin Ngawang Norbu, nói rằng, "Con đã phạm lỗi rồi, nhưng điều đó là đúng. Bây giờ, con nên tu tập Mật điển với một vị phối ngẫu tâm linh." Chính điều ấy không thôi đã là dị thường rồi, nhưng mà điều phi thường hơn nữa là sau khi vị phối ngẫu tâm linh của ngài qua đời thì có câu minh chú của đức Kim Cang Thánh Nữ Du Già (Vajrayogini) hóa hiện ở ngay trong xương sọ của bà.

Có một vị đạo sư khác sống cùng thời tên là Tabung Rinpoche cũng tu tập với một vị phối ngẫu tâm linh. Vào một ngày cát tường trong tháng, khi ấy có vị Nhiếp Chính Vương và một số trưởng lão đạo sư như là ngài Trijang Rinpoche (sau này trở thành một vị giáo thọ trung cấp của tôi) đã đến thọ pháp từ ngài Tubung Rinpoche. Trong buổi hôm ấy, có một nghi lễ được cử hành gồm có hai nhạc cụ giống như là hai ống sáo. Hai nhạc công sử dụng tay trái và tay phải của họ trong cách thức đối ngược với nhau để chặn các lỗ sáo và như vậy cho nên, khi họ nhìn nhau qua lại thì các giai điệu họ chơi lại thành ra khác nhau. Toàn thể đại chúng ngừng tụng kinh và bật lên cười ồ khi nghe giai điệu kỳ quái này. Nhưng mà khi họ ngó lên Tabung Rinpoche thì thấy ngài vẫn ngồi yên hoàn toàn không hay biết chuyện gì xảy ra tuy rằng khi ấy ngài đang thức chứ không ngủ. Sau đó, vị Nhiếp Chính Vương mới nhận biết ra rằng vào ngay lúc ấy, Tabung Rinpoche đang thọ nhận giáo pháp từ trong pháp giới của hiện tướng thuần tịnh.

Trong thời đại của đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Mười Ba, ngài đã tiến hành một cuộc điều tra để tìm hiểu xem các đạo sư nào là những đạo sư chân chính [với đầy đủ phẩm hạnh để tu tập với một vị phối ngẫu tâm linh]. Ngài đã khai trừ khá nhiều người trong số họ. Nhưng ngài đã đặc biệt dành ngoại lệ cho hai vị trong số ấy là thân phụ của Serkong Rinpoche và Tabung Rinpoche. Qua hình thức đó, ngài đã chính thức chứng nhận khả năng phi thường của hai ngài ấy, và công nhận rằng hai ngài ấy có được quyền đặc biệt để tu tập Mật điển cùng với vị phối ngẫu tâm linh. Vì thế cho nên chắc chắn là các ngài đã có một số kinh nghiệp sâu sắc, nhưng tôi không biết là có bất kỳ ghi chép nào kể lại rằng các ngài tự cho rằng mình đã có được các kinh nghiệm ấy hay không.

TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN

1. Các hành giả thượng thừa có thể chuyển hóa ánh sáng mẹ trong suốt, là ánh sáng ló rạng vào lúc chết do nghiệp tác động, thành một tâm thức trên đường tu tâm linh.

2. Đối với mức độ tu tập thấp hơn thì những ai tu tập bổn tôn du già hằng ngày theo Tối Thượng Du Già Mật Điển có thể tưởng tượng sự xuất hiện của tám dấu hiệu của cái chết dựa vào một trình tự chánh niệm gồm ba phần là (1) nhận diện được dấu hiệu đang xảy ra, (2) dấu hiệu xảy ra trước đó và (3) dấu hiệu sắp xảy đến. Thực hành một chuỗi tám dấu hiệu liên kết với sự quán chiếu về tánh không. Mỗi một dấu hiệu có ba phần, ngoại trừ dấu hiệu thứ nhất và dấu hiệu cuối cùng thì chỉ có hai phần mà thôi.

· Ảo ảnh đang xuất hiện. Khói mờ sắp hiện đến.

· Khói mờ đang xuất hiện. Ảo ảnh vừa biến mất. Đom đóm sắp xuất hiện.

· Đom đóm đang xuất hiện. Khói mờ vừa biến mất. Một đóm lửa sắp xuất hiện.

· Một đóm lửa đang xuất hiện. Đom đóm vừa biến mất. Một hiện tướng màu trắng chói lọi sắp xuất hiện.

· Một hiện tướng màu trắng chói lọi đang xuất hiện. Một đóm lửa vừa biến mất. Một hiện-tướng-tăng-trưởng màu đỏ-cam sắp xuất hiện.

· Một hiện-tướng-tăng-trưởng màu đỏ-cam đang xuất hiện. Một hiện tướng màu trắng chói lọi vừa biến mất. Một hiện tướng [cận-thàn-tựu] màu đen nghịt sắp xuất hiện.

· Một hiện tướng [cận-thành-tựu] màu đen nghịt đang xuất hiện. Một hiện-tướng-tăng-trưởng màu đỏ-cam vừa biến mất. Một ánh sáng trong suốt của chân tâm (tâm tịnh quang) sắp xuất hiện.

· Ánh sáng trong suốt của tâm đang xuất hiện. Một hiện tướng màu đen nghịt vừa biến mất.

3. Trong một pháp tu đặc biệt của Tối Thượng Du Già Mật Điển, hành giả có thể kết hợp bất kỳ mức độ thấu hiểu nào về tánh không mà họ có được cùng với sự diễn bày tuần tự của tám dấu hiệu của cái chết. Sau đó, họ có thể vận dụng ánh sáng trong suốt của chân tâm, là ánh sáng chứng ngộ tánh không hoặc là một tâm thức mô phỏng trạng thái tâm chứng ngộ tánh không – và xem đây như là cơ sở nền tảng mà từ đó, họ có thể hóa hiện ra trong sắc tướng từ bi của một vị hộ phật.

4. Những hành giả thượng thừa, khi có được trí tuệ và từ bi vô cùng vững chắc, có thể vận dụng sự giao hợp tình dục như là một phương pháp thiện xảo để trụ được tâm một cách mạnh mẽ, giúp cho ánh sáng nền tảng trong suốt của chân tâm hóa hiện. Qua tâm thức sâu xa tột cùng này, các vị ấy có thể chứng ngộ tánh không – hay sự không có tự tánh, xuyên qua một phương pháp cực kỳ mãnh liệt.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: