6 Thiền Định Trong Khi Lìa Đời


6

Thiền Định Trong Khi Lìa Đời

Cuộc đời này đang biến vút đi

Như những gì được viết trên mặt nước bằng một cái que.

-- ĐỨC PHẬT

Đoản kệ thứ Tám

Nguyện chúng con phát khởi mạnh mẽ một tâm thức thiện lành

Trong khi các nguyên tố -- đất, nước, lửa và gió – đang tan rã qua từng giai đoạn,

Khi sức lực tan biến, những nếp nhăn, miệng và mũi ráo khô,

Hơi ấm tan dần, hơi thở hổn hển, và những âm thanh khò khè trổi dậy.

Bảy đoản kệ đầu tiên đã được trình bày dựa trên cả hai loại giáo lý của đạo Phật, là Kinh điển lẫn Mật điển. Trong Mật điển lại có một pháp môn đặc biệt mà qua đó, ta quán tưởng bản thân chúng ta, ngay bây giờ và ngay nơi đây, là một người, trong sắc tướng của một vị Phật, với đầy đủ lòng từ bi và trí tuệ toàn vẹn. Bắt đầu từ đoản kệ thứ tám trở đi, những giáo lý trình bày trong đó phần lớn thuộc về các pháp môn Mật điển, đặc biệt là thuộc vào cấp độ của Tối Thượng Du Già Mật Điển.

Những điều đã được mô tả về cái chết có liên quan đến sự tuần tự tan rã của thân và tâm và sự tan rã của tứ đại là những giáo lý đặc thù của Tối Thượng Du Già Mật Điển. Sau khi ta đã được thọ thai thì có một tiến trình phối tạo đi từ cái vi tế qua cái thô lậu hơn, nhưng vào lúc chết thì sự tan rã lại xảy ra từ cái thô lậu đến cái vi tế hơn. Hiện tượng tan rã này gồm có sự tan rã của bốn nguyên tố (tứ đại) – đất (chất đặc trong thân), nước (chất lỏng), lửa (nhiệt) và gió (khí) (năng lượng, sự vận chuyển).

Cho dù bạn có sống hết trọn quãng đời của bạn hay không thì tiến trình chết vẫn bao gồm đầy đủ các giai đoạn ấy. Trong một cái chết đột ngột (bất đắc kỳ tử), bạn vẫn trải qua các giai đoạn này một cách hết sức nhanh chóng và gần như có rất ít cơ hội để nhận biết và tận dụng được những giai đoạn khác nhau này. Những dấu hiệu báo động về cái chết, chẳng hạn như là sự thay đổi của hơi thở vận chuyển qua hai lỗ mũi như thế nào, những giấc mộng và những dấu hiệu của thân vật lý, đã có thể xảy ra trong nhiều năm trước khi cái chết thực sự đến, cho dù đối với những người bình thường thì những điều này thường xuất hiện trong vòng một đến hai năm trước khi lìa đời. Những dấu hiệu báo động về cái chết có thể bao gồm sự nhờm tởm đối với khung cảnh chung quanh, với căn nhà của bạn, với bạn bè, vân vân, đưa đến kết quả là bạn có ước nguyện muốn đi đến một nơi nào đó một mình. Hoặc là, có thể là bạn lại phát khởi một sự tham luyến quá mức bình thường đối với những gì mà bạn đã từng có trước đây. Bạn cũng có thể chuyển đổi từ một người lỗ mãng thành một người thích hợp tác, hoặc là ngược lại. Sự hăng say của bạn cũng có thể tăng trưởng hoặc tàn lụi một cách khá rõ rệt. Cũng có thể có những thay đổi về sự mượt mà của thể xác hoặc thay đổi về cách thức cư xử của bạn. Tánh chất của những câu chuyện giao tiếp của bạn có thể trở nên rất là mạnh bạo thô lỗ – như chửi thề, và vân vân. Hoặc là bạn cũng có thể suốt ngày liên tục nói về cái chết.

Khi tiến trình thực sự của cái chết bắt đầu, bạn sẽ phải đi qua tám giai đoạn. Bốn giai đoạn đầu tiên bao gồm sự suy sụp, tan hoại của bốn nguyên tố (tứ đại). Bốn giai đoạn cuối cùng bao gồm sự tan hóa của thức vào tầng mức sâu nhất của tâm, gọi là tâm tịnh quang [hay tâm quang minh,ánh sáng trong suốt, chiếu soi của chân tâm]. Hãy nhớ rằng, sự biểu hiện của những giai đoạn khác nhau của cái chết là một bản đồ chỉ ra những trạng thái tâm sâu xa vi tế hơn, là những trạng thái tâm [vi tế] luôn xảy ra trong suốt cuộc đời hằng ngày nhưng thường lại không được nhận biết. Tám giai đoạn này tiến hành tuần tự theo một tiến trình từ trước đến sau vào lúc ta lìa đời, [y như] khi ta bắt đầu ngủ, khi kết thúc một giấc mơ, khi đang hắt hơi, khi đang bất tỉnh (xỉu) và trong cơn cực khoái. Và rồi sau khi quá trình của cái chết đã hoàn toàn kết thúc, tám giai đoạn này lại tiến hành theo một thứ tự đảo ngược, và tám giai đoạn này bình thường cũng xảy ra như khi ta vừa tỉnh dậy khỏi giấc ngủ, khi vừa bắt đầu nằm mơ, khi hắt hơi kết thúc, khi cơn bất tỉnh kết thúc và khi cơn cực khoái kết thúc.

Tám giai đoạn được nhận diện qua các nội dung hình ảnh tuy rằng không thể nhìn thấy được bằng mắt:

Tiến trình theo thứ tự từ trước đến sau

1. ảo ảnh

2. khói

3. đom đóm

4. đóm lửa của một ngọn đèn [bơ]

5. bầu trời tâm thức màu trắng sáng chói

6. bầu trời tâm thức màu đỏ-cam sáng chói

7. bầu trời tâm thức màu đen nghịt

8. ánh sáng trong suốt

Tiến trình theo thứ tự đảo ngược

1. ánh sáng trong suốt

2. bầu trời tâm thức màu đen nghịt

3. bầu trời tâm thức màu đỏ-cam sáng chói

4. bầu trời tâm thức màu trắng sáng chói

5. đóm lửa của một ngọn đèn [bơ]

6. đom đóm

7. khói

8. ảo ảnh

BỐN GIAI ĐOẠN ĐẦU TIÊN CỦA TIẾN TRÌNH CHẾT THEO THỨ TỰ TỪ TRƯỚC ĐẾN SAU: SỰ TAN HOẠI CỦA BỐN NGUYÊN TỐ

Nói chung, những nguyên tố thô tan hòa vào các nguyên tố vi tế hơn. Khi khả năng hỗ trợ cho tâm thức của các nguyên tố thô bắt đầu suy sụp thì các nguyên tố vi tế hơn sẽ hoạt hiện mạnh mẽ hơn lên. Có tất cả tám giai đoạn tan hoại và bốn giai đoạn đầu tiên như sau:

Giai đoạn 1. Nguyên tố đất (địa đại) sẽ suy sụp và tan hoại vào nguyên tố nước (thủy đại). Những chất đặc trong cơ thể như xương, không còn đủ khả năng chống đỡ như một cơ sở nền tảng cho thức; do đó, các chất đặc trong thân sẽ tan hoại, hoặc là chuyển thành các chất lỏng trong thân, như là máu huyết và đờm dãi. Bấy giờ nguyên tố nước sẽ thể hiện một cách mạnh mẽ hơn, trở thành như là cơ sở hỗ trợ cho thức. Thân thể của bạn sẽ trở nên gầy ốm một cách rõ rệt và chân tay trở nên lủng bủng. Bạn sẽ không còn sức lực – sinh lực và sự mượt mà của thân thể tan biến một cách mau chóng, làm cho thân thể tàn tạ. Thị giác sẽ trở nên đậm tối, không còn nhìn thấy rõ nữa; bạn cũng không thể mở mắt, nhắm mắt được nữa. Cũng có thể bạn sẽ có cảm giác như đang bị lún xuống đất hay lún xuống bùn, và có thể bạn cũng sẽ kêu lên, "Kéo tôi lên!" hoặc cố gắng phấn đấu để gượng nâng người mình lên nhưng điều quan trọng ở đây là đừng phấn đấu như thế; hãy duy trì sự an tĩnh trong một tâm thức thiện lành. Những gì mà bạn nhìn thấy trong tâm của bạn vào lúc ấy chỉ giống như là ảo ảnh.

Giai đoạn 2. Khả năng của nguyên tố nước (địa đại) suy sụp và sẽ tan hoại vào nguyên tố lửa (hỏa đại) – nguyên tố lửa ở đây chính là nhiệt để duy trì thân thể -- và nguyên tố lửa sẽ chống đỡ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ như một cơ sở nền tảng cho thức. Bạn sẽ không còn cảm thấy những cảm xúc như vui sướng hay đau đớn, kể cả những cảm xúc trung tính liên quan đến các giác quan và đến tâm thức. Miệng, lưỡi và cổ họng sẽ trở nên ráo khô do bị thiếu nước miếng, và bọt sẽ đóng váng chung quanh răng. Những chất lỏng khác như là nước tiểu, máu, các chất lỏng tái tạo và mồ hôi cũng đều khô cạn hết. Bạn sẽ còn nghe được âm thanh, và những tiếng vo ve bình thường trong tai sẽ ngừng bặt. Cái gì mà bạn nhìn thấy trong tâm bạn vào lúc ấy sẽ giống như là những đám khói, hoặc giống như làn khói mỏng lan tỏa khắp căn phòng, hoặc như khói bốc lên từ một ống khói của lò sưởi.

Giai đoạn 3. Khả năng của nguyên tố lửa (hỏa đại) suy sụp và sẽ tan hoại vào nguyên tố gió (phong đại) – nguyên tố gió ở đây chính là sự vận hành của khí, hay năng lượng, để điều khiển những hoạt động khác của thân như hít vào, thở ra, ợ chua, khạc nhổ, nói, nuốt, co giãn các khớp xương, co giãn chân tay, mở miệng, khép miệng, tiêu hóa, tiểu tiện, đại tiện, có kinh nguyệt và xuất tinh. Nhiệt trong thân thể sẽ tiêu dần, làm cho ta không thể tiêu hóa thức ăn được nữa. Nếu trước đây trong phần lớn cuộc đời của bạn, bạn đã hành xử thiếu đức hạnh thì vào lúc đầu, nhiệt trong thân của bạn sẽ kéo tụ xuống dưới, nghĩa là từ trên đỉnh đầu kéo tụ xuống tim, và phần trên của thân thể sẽ trở nên lạnh trước. Nhưng nếu bạn đã sống phần lớn cuộc đời mình một cách thiện lành thì nhiệt sẽ tụ lại ở hai gót chân chuyển ngược lên đến tim, và phần dưới thân thể của bạn sẽ trở nên lạnh trước. Khả năng ngửi mùi sẽ chấm dứt. Bạn không còn có thể chú tâm gì nữa đến những hoạt động và ý muốn của bà con bạn bè chung quanh và cũng không thể nhớ được tên của họ. Bạn sẽ trải qua kinh nghiệm khó khăn khi hít thở, hơi thở ra sẽ kéo dài ra hơn, còn hơi thở vào thì lại trở nên ngắn quãng hơn. Cổ họng của bạn sẽ phát ra những tiếng khò khè hoặc hổn hển. Những gì mà bạn nhìn thấy trong tâm sẽ giống như là những con đom đóm, hoặc như làn khói, hoặc giống như là những tàn lửa của nhọ nồi trong lòng một chiếc chảo bằng kim loại.

Giai đoạn 4. Khả năng của nguyên tố gió, khí thô, sẽ suy sụp và tan hoại vào trong thức. Lưỡi của bạn sẽ trở nên dầy và co ngắn lại, cuống lưỡi sẽ biến thành màu tím bầm. Bạn không thể cảm nhận được những va chạm (thuộc về xúc giác), và luôn cả những hành động thuộc về thân cũng không còn cảm nhận được nữa. Hơi thở xuyên qua hai lỗ mũi sẽ ngừng dứt, nhưng vẫn còn hơi thở, hay khí, ở mức độ vi tế hơn, cho nên sự chấm dứt của hơi thở xuyên qua mũi không phải là dấu hiệu của sự hoàn tất của quá trình của cái chết. Những gì mà bạn nhìn thấy trong tâm giống như đóm lửa của ngọn đèn bơ hoặc ngọn nến (hoặc giống như ánh sáng lập lòe phía trên ngọn đèn bơ hay ngọn nến). Vào lúc đầu, ánh sáng lập lòe giống như là bơ hay sáp của ngọn đèn sắp cạn hết. Nhưng rồi sau đó, khi những luồng khí mà các thức đang cưỡi ở trên bắt đầu suy hoại thì đóm lửa hiện ra một cách ổn định hơn.

Nói chung, thân thể của con người là sự kết hợp của bốn nguyên tố (tứ đại); tuy nhiên, do bởi có đủ loại đường kinh mạch và các luồng khí luân lưu bên trong cái khung thể xác ấy, nên mỗi người mỗi trải nghiệm những hiện tướng bên trong khác nhau xuyên qua quá trình của cái chết. Đó là lý do tại sao có những sự khác biệt nho nhỏ trong những giải thích về quá trình này trong một số các Mật điển đặc biệt mà đức Phật đã tuyên thuyết, chẳng hạn như là Guhyasamaja (hệ thống diễn giải chính yếu mà tập sách này dựa vào), ChakrasamvaraKalachakra, cùng với những Mật điển thuộc Truyền Thống Cựu dịch của Phật giáo Tây Tạng, gọi là Cổ Mật (Nyingma). Những sự khác biệt nho nhỏ này chủ yếu đến từ sự khác biệt của những đường kinh mạch trong thân, cùng với sự khác biệt của các luồng khí và các giọt tinh chất là những gì vận chuyển trong các đường kinh mạch ấy. Bởi vì những yếu tố nội tại này của mỗi người mỗi khác, cho nên các pháp du già cũng biến đổi chút ít. Ngay cả khi các yếu tố nội tại này giống nhau đi nữa thì những dấu hiệu bên trong của cái chết, khi chúng hiện ra trong tâm thức của mỗi người, chúng sẽ hiện ra trong những hình thức khác nhau, bởi vì các hành giả du già đặt trọng tâm tu tập của họ trên những điểm khác nhau trong thân thể.

Xuyên qua các giai đoạn, bạn cần phải giữ một tâm niệm thiện lành không gì ngăn che được. Đây chính là tâm nguyện mà đức Ban Thiền Lạt Ma đã biểu lộ trong đoản kệ này của ngài. Chúng ta là chúng sinh phàm phu, dưới sự lôi kéo và ảnh hưởng của sinh tử, chắc chắn là chúng ta có mang trong mình những khuynh hướng đã được thiết lập qua nhiều đời kiếp liên quan đến các hành động thiện và bất thiện, nhưng trái quả của các hành động này chưa đến lúc trổ. Mỗi một giây phút chúng ta tham dự vào những hành động do vô minh sai sử thì việc ấy góp phần vào sự [trở lại] sống trong luân hồi của chúng ta. Những hành động rất mạnh mẽ có thể sẽ thúc đẩy [sự trở lại] không những một kiếp mà rất nhiều kiếp trong luân hồi. Vào thời điểm cái chết cận kề, một trong những khuynh hướng liên quan đến các nghiệp thiện và bất thiện sẽ được nuôi dưỡng và sẽ trở thành là nền tảng hỗ trợ cho toàn bộ kiếp sau của ta; có rất nhiều nghiệp khác nhau trổ thành ra những phẩm chất khác nhau trong cuộc sống, chẳng hạn như sức khỏe, tài nguyên, và trí thông minh. Kế tiếp thì những tư tưởng và trạng thái tinh thần của bạn vào giờ phút lâm chung là những điều vô cùng quan trọng.

Ngay cả nếu trong phần lớn cuộc đời của bạn, bạn đã trưởng dưỡng một tâm thức thiện lành, nhưng vào giây phút cận tử, một khuynh hướng bất thiện khởi lên mạnh mẽ cũng có thể vun bồi cho những khuynh hướng xấu ác mà tất cả chúng ta đều có mang trong người; đây là một thời điểm cực kỳ nguy hiểm. Ngay cả nếu có một tiếng động gây khó chịu từ một người nào đó đã đặt một vật gì đó xuống thật mạnh thì sự khó chịu và giận dữ cũng có thể phát sinh trong ta. Ngược lại, một người thường khi không quen thuộc thấm nhuần với thiện đức cho lắm nhưng lại phát khởi được một tâm thức thiện lành thật mạnh mẽ vào lúc cận tử, thì điều này sẽ đánh thức những khuynh hướng của thiện nghiệp và đưa đến một kết quả tái sinh tốt lành. Do đó, bạn cần phải hết sức thận trọng vào giờ phút lâm chung và phát khởi càng nhiều càng tốt bất kỳ một tâm thức thiện lành nào mà bạn có khả năng phát khởi. Điều rất quan trọng ở đây là những ai chăm sóc cho người lâm chung cần phải biết rằng tâm của những người sắp chết nằm trong một trạng thái rất là mỏng manh [nhạy cảm]; và những người chăm sóc cho người sắp chết cần phải hết sức thận trọng không tạo ra sự quấy rối – chẳng hạn như nói to, khóc lóc hoặc mạnh tay với đồ vật – và thay vào đó, phải tạo ra một khung cảnh an bình.

TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN

1. Để không bị kinh ngạc khi tiến trình của cái chết bắt đầu xảy ra, bạn cần phải học hỏi về những giai đoạn khác nhau của sự tan hoại của bốn nguyên tố (tứ đại) cùng với những dấu hiệu bên ngoài đi kèm những giai đoạn đó, như đã được giải thích ở trên, và cả những dấu hiệu xảy ra bên trong như trong những câu kệ kế tiếp.

2. Hãy cẩn thận để ý để vào thời gian cận tử, những khuynh hướng thiện lành được vun bồi và qua đó có thể giúp kích hoạt những tâm thức thiện lành.

3. Những dấu hiệu báo động cái chết có thể hiện ra trong vòng một hoặc hai năm trước khi lìa đời. Những điều này báo động rằng ta cần phải lo chuẩn bị, nhưng thực ra sẽ tốt lành hơn để chuẩn bị sẵn sàng ngay cả trước thời điểm đó.

Đoản kệ thứ Chín

Nguyện chúng con chứng ngộ trạng thái vô sinh Khi những hiện tướng mê lầm đầy hãi hùng và ghê rợn hiện đến,

Nhất là khi ảo ảnh, khói mờ và đom đóm xuất hiện, Và khi tám mươi vọng tưởng đều tuyệt dứt.

Khi tứ đại tan hoại thì sẽ có những hiện tướng xuất hiện. Đôi khi, ngay cả trước khi mắt và tai ngừng hoạt động thì đã có những hình ảnh và âm thanh kỳ lạ hiện đến. Và luôn luôn sẽ có những hình ảnh khác nhau hiện ra trong tâm thức. Ví dụ như, có những người đã phải trải qua đau khổ vì một căn bệnh làm họ suy nhược thì những người ấy có thể sẽ thấy một đám cháy khủng khiếp, gây cho họ một sự hoảng sợ to lớn. Có những người khác lại trải qua kinh nghiệm tươi vui, có những hình ảnh tuyệt vời hiện đến và họ tiếp tục ở trong trạng thái thư giãn. Những khác biệt như thế đến từ những khuynh hướng liên quan đến thiện nghiệp và ác nghiệp trong đời này và các đời quá khứ. Những khác biệt ấy báo hiệu cho ta thấy cảnh tái sinh và hoàn cảnh tốt xấu của cuộc đời kế tiếp sắp xảy đến cho họ ra sao, cũng giống như tánh chất [tươi sáng hay âm u] của ánh sáng trong bầu trời trước rạng đông có thể báo trước được thời tiết của ngày hôm đó sẽ ra sao.

Trong khi bốn nguyên tố cứ tan hoại từng nguyên tố một, thì những dấu hiệu bên trong xuất hiện. Sự tan hoại của nguyên tố đất vào nguyên tố nước tạo ra một hiện tướng giống như là ảo giác trong sa mạc; kết quả của sự tan hoại của nước vào lửa là một hiện tướng giống như những đám khói từ một ống khói của lò sưởi lan tràn ra khắp căn phòng; sự tan hoại của nước vào gió tạo ra một hiện tướng giống như các con đom đóm, hoặc giống như những tàn lửa trong nhọ nồi mà trước đây là đậu rang, trong lòng một chiếc chảo bằng kim loại. (Sự tan hoại của nguyên tố gió hay khí sẽ được thảo luận trong chương kế tiếp).

Những dấu hiệu như ảo ảnh, khói, đom đóm và đốm lửa [của ngọn đèn bơ hay nến] , cùng với bốn dấu hiệu sẽ được mô tả dưới đây, là những dấu hiệu xảy đến cho những người trải qua cái chết một cách từ từ. Những dấu hiệu ấy không xảy đến cho những ai chết đột ngột, chết trong tai nạn hay chết bởi vũ khí.

TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN

1. Hãy nhận thức ra rằng vô số những hiện tướng, kể cả những hiện tướng rùng rợn và kinh hoàng, có thể sẽ hiện ra trong khi chết do bởi nghiệp của bạn. Đừng để những hiện tướng đó làm cho bạn bị phân tâm.

2. Hãy học về ba hiện tướng đầu tiên trong số tám hiện tướng: ảo ảnh như trong sa mạc; những đám khói như từ ống khói của lò sưởi hoặc làn khói mỏng bay ra khắp phòng; đom đóm, hoặc tàn lửa trong nhọ nồi trong lòng chảo bằng kim loại.

Đoản kệ thứ Mười

Nguyện chúng con phát khởi sự tỉnh thức mạnh mẽ và không ngừng quán chiếu nội tâm

Khi nguyên tố gió bắt đầu tan hoại vào thức,

Khi chuỗi hơi thở bên ngoài ngừng dứt,

những hiện tướng thô tế đối đãi cũng tan nhòa,

Và hiện tướng như ngọn đèn bơ lập lòe xuất hiện.

Thức được định nghĩa là một cái gì đó chói sáng và mang tánh thấu biết. Chói sáng ở đây có hai nghĩa [hai đặc tánh] – đó là trong suốt [thông suốt] và chiếu soi. Chiếu soi nghĩa là làm cho hiển lộ, giống như một ngọn đèn xóa tan bóng tối để cho các vật thể có thể được nhìn thấy. Thức cũng nhận biết các đối tượng, theo nghĩa là thức hiểu thấu được các đối tượng ấy ngay cả khi không biết về các đối tượng ấy một cách chỉnh mực.

Thức được kết tạo bởi những khoảnh khắc [sát na], thay vì bởi các tế bào, các nguyên tử (hạt cực nhỏ) hay các phân tử. Qua hình thức này thì trên cơ sở nền tảng, thức và vật chất mang đặc tánh khác nhau và bởi thế, chúng có những nhân thiết yếu khác nhau. Những gì thuộc về vật chất thì có những thứ khác thuộc về vật chất làm nhân thiết yếu (gọi như thế vì chúng sản xuất ra một vật thể, hay một thực thể căn bản, từ kết quả), và vì bắt buộc phải có một sự đồng thuận giữa đặc tánh căn bản của nhân thiết yếu và quả thiết yếu. Ví dụ, đất sét là một nhân thiết yếu cho cái bình đất sét. Trong khi đó, đối với nhân thiết yếu của một tâm thức, thì chính nhân ấy phải là một cái gì đó sáng chói và mang tánh thấu biết – nhân ấy chính là một khoảnh khắc nào khác [đã xảy ra] trước đó. Bởi thế, bất kỳ một khoảnh khắc nào của thức cũng đòi hỏi phải có một khoảnh khắc khác của thức [xảy ra] ngay trước đó như là một nhân thiết yếu, và điều này có nghĩa là chắc chắn phải có một sự tương tục của tâm từ vô thủy [không có khởi đầu]. Xuyên qua lý luận như thế thì đây chính là cách thức mà vòng tròn tái sinh từ vô thủy đã được thiết lập. Thêm vào đó, nếu có được một hồi ức chính xác về sự đầu thai trở lại thì đó đã đủ là một dấu hiệu [đáng tin cậy], cho dù không phải ai ai cũng cần phải nhớ lại như thế. Sự vắng bóng của kiếp trước và kiếp sau chưa bao giờ được tiếp cận một cách trực tiếp, trong khi đó thì có những trường hợp đã được kiểm chứng về một hồi ức rõ rệt của những đời quá khứ. Mặc dù điều hiển nhiên ở đây là thân thể phải dựa vào những điều kiện khác nhau để có thể tăng trưởng hoặc tàn lụi, nhưng ngay tự bẩm sinh thì thân thể ấy đã có được sinh lực, và khi sinh lực ấy chấm dứt thì thân thể cũng sẽ nhanh chóng rữa thối và trở thành một cái xác chết. Không cần biết là trước đây đã từng xinh đẹp hay bảnh bao ra sao, nay đã trở thành một cái xác không hồn. Nếu bạn phân tích chính cái sinh lực đã nuôi sống thân ấy, cái sinh khí đã giúp cho thân thể khỏi thối rữa, bạn sẽ thấy ra rằng đó chính là tâm thức của bạn. Điều hiển nhiên ở đây là thân thể đã được nối kết với tâm thức để giữ cho thân thể không bị hư hoại. Chính cái tương tục của tâm này là cái gì sẽ tiếp tục tiến vào cuộc đời kế tới.

Sự khác biệt giữa đặc tánh của tâm và đặc tánh của vật chất đòi hỏi những nguyên nhân thiết yếu khác biệt. Nhưng điều này không có nghĩa là tâm và vật chất không tương tác (tác động qua lại) với nhau bởi vì [trên thực tế], tâm và vật chất tác động qua lại dưới rất nhiều hình thức. Vật chất có thể là một tác duyên của tâm, giống như là, có một loại thể chất vi tế bên trong tròng mắt đã hoạt động như một tác duyên cho nhãn thức, hoặc như khi một màu sắc hay hình thù nào đó cũng hoạt động như là một tác duyên cho nhãn thức, hoặc như chính thân thể của bạn hoạt động như là một sự hỗ trợ hay là một cơ sở nền tảng cho chính tâm thức.

Cũng giống như thế, tâm thức tạo ra vật chất bởi vì chính các hành động, hay hành nghiệp của ta, là do thức thúc đẩy, và những hành động này lại cấu tạo nên môi trường. Những ảnh hưởng chung của các hành nghiệp (cộng nghiệp) của nhiều chúng sinh hình thành chính thế giới hệ mà chúng ta đang sinh sống trong đó. Thêm vào đó, theo Tối Thượng Du Già Mật Điển thì thức cưỡi trên gió (khí) và khí là một thể vật lý, cho dù khi ở trong trạng thái vi tế nhất thì khí lại không phải là sự cấu tạo của các phân tử. Bởi vì như vậy cho nên, sự liên hệ giữa tâm và khí mật thiết đến nổi cả hai trở thành như là một thực thể hợp nhất khó phân biệt. Một bậc giác ngộ có thể hóa hiện thân mình cùng với khí vi tế (khí vi tế ở đây được xem như là nhân thiết yếu), một loại thân siêu vượt các phân tử thuộc vật lý, giống như trong trường hợp của Thọ Dụng Thân của một vị Phật trong một cõi Tịnh Độ.

Khi áp dụng giáo lý của các nguyên nhân thiết yếu cùng với các tác duyên để đưa đến một sự tạo hình thì chúng ta thấy là thể chất của mẹ và của cha – trứng và tinh trùng đã hoạt động như là nhân thiết yếu để tạo nên thân thể cho đứa con, và chúng cũng đã hoạt động như là những tác duyên [nhân duyên phối hợp hỗ trợ] cho tâm thức. Giây phút cuối cùng của thức trong cuộc đời vừa mới dứt của đứa bé sẽ hoạt động như là nhân thiết yếu của thức vào thời điểm đứa bé được thụ thai, và đồng thời cũng là một tác duyên hỗ trợ cho thân. Cũng giống như ở mức độ thô lậu thì thân thể – ngay cả phôi thai cũng thế -- được xem như là một trợ duyên vật lý của thức (thức cưỡi trên khí giống như một người cưỡi trên lưng ngựa), để cho khí trở thành một thực thể vật lý hỗ trợ cho thức. Cho dù thức có thể tách lìa khỏi thân vật lý như khi chúng ta di chuyển từ một đời này qua một đời khác, nhưng thức không bao giờ có thể tách lìa khỏi khí ở tầng mức vi tế nhất.

Tôi không nghĩ là năng lượng, hay khí ở tầng mức vô cùng vi tế, có thể được xếp loại chung trong bốn nguyên tố -- đất, nước, lửa và gió (khí) – bởi vì khí ở tầng mức vô cùng vi tế này siêu vượt các phân tử vật lý. Loại khí vô cùng vi tế là một khía cạnh của sự chuyển động của tâm vô cùng vi tế; khí này chính là thực thể của tâm tương ứng. Thật là một điều vô cùng khó khăn để phân tích thức và loại khí vô cùng vi tế bằng những dụng cụ khoa học; tuy nhiên, điều có thể xảy ra là khoa học cũng có thể phát hiện ra được sự hiện hữu của thức và loại khí vô cùng vi tế này trong những trường hợp mà y học coi như là đã chết rồi, vào thời điểm trước khi thức thoát ra khỏi thân trong khi thân xác chưa bị rữa thối. Có một vài khoa học gia đã đem một số máy móc đến bệnh viện của chúng tôi, nhưng trong khi họ ở đấy thì chẳng có ai chết cả, và rồi khi có những người có kinh nghiệm tâm linh lìa đời thì máy móc lại không có ở đó!

Đủ loại thức ở các mức độ khác nhau cưỡi trên khí, và khi khí, hay năng lượng, trở nên rất yếu ớt và tan hoại một cách trọn vẹn hơn nữa vào thức, thì thức ở những mức độ vi tế hơn nữa sẽ hoạt hiện. Vào lúc bắt đầu của giai đoạn thứ tư, khi các luồng khí (trong cương vị của những cái yên ngựa để cho các tâm thức khác nhau cưỡi ở trên) bắt đầu tan hoại, thì trong tâm sẽ hiện ra một hình ảnh giống như là đóm lửa của một ngọn đèn bơ hay của một ngọn nến, mới đầu lập lòe và rồi sẽ vững vàng ổn định sau đó. Hơi thở bên ngoài chấm dứt. Thế giới thường thường cho rằng [khi hơi thở bên ngoài chấm dứt thì] đây là thời khắc [đích thực] của cái chết, cho dù thực ra thì phải sau lúc đó, cái chết [đích thực] mới xảy ra. Trong giai đoạn này, những hiện tướng ở mức độ thô tế hơn sẽ tan hoại – đây là những hiện tướng ở mức độ thô tế của chủ thể và đối tượng như là hai thực thể xa cách và riêng biệt. Khi những hiện tướng ấy tan hoại thì mắt không thể nhìn thấy ra hình thù được nữa, tai không nghe được âm thanh, mũi không ngửi được mùi, lưỡi không nếm được vị và thân không cảm giác được sự xúc chạm của những vật thể. Tánh chói sáng và tánh thấu biết của tâm sẽ hiển lộ một cách chói lọi hoàn toàn không che đậy.

Nếu bạn có thể tỉnh thức vào lúc chết, nhận biết được dấu hiệu của những giai đoạn tan hoại, duy trì sự quán chiếu nội tâm, đủ để cố gắng nỗ lực ở bất kỳ mức độ thiện hạnh nào mà bạn biết được, thì việc thực hành tu tập của bạn sẽ trở nên rất mạnh mẽ. Hoặc ít ra là công phu tu hành của bạn cũng sẽ có ảnh hưởng tốt cho cuộc đời kế tiếp của bạn.

TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN

1. Cho dù tâm và vật chất có những nhân thiết yếu khác nhau nhưng tâm và vật chất cũng tương tác qua lại trong nhiều hình thức.

2. Sau khi ba dấu hiệu bên ngoài xảy ra, gồm có ảo ảnh, khói và đom đóm thì rồi kế đến là dấu hiệu thứ bên trong, cũng giống như là đốm lửa của một ngọn đèn bơ hay ngọn nến, lúc đầu lập lòe, nhưng sau sẽ ổn định.

3. Cho dù vào thời điểm này, hơi thở bên ngoài xuyên qua mũi đã ngừng dứt và cũng không có một phản ứng có ý thức nào đối với các tác nhân kích thích từ bên ngoài, nhưng người ta chưa chết hẳn. Điều ích lợi ở đây là không nên tạo khuấy động cho cơ thể cho đến khi nào cái chết hoàn toàn kết thúc.

4. Duy trì tỉnh thức và sự quán chiếu nội tâm và điều này sẽ giúp cho bạn nhận diện được giai đoạn nào trong quá trình bên trong đang xảy ra, và điều này có thể thúc đẩy một sự chứng ngộ mạnh mẽ và tạo ảnh hưởng cho việc tái sinh tốt lành.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: