3 Chuẩn Bị Cho Sự Lìa Đời
3
Chuẩn Bị Cho Sự Lìa Đời
Chẳng hề biết sẽ phải bỏ lại tất cả mọi thứ và ra đi,
Ta đã tạo đủ loại ác hạnh do bởi bạn và thù.
-- ĐỨC PHẬT
Đoản kệ thứ Nhì
Nguyện chúng con rút tỉa được ý nghĩa tinh túy từ cuộc đời này như một trợ duyên,
Không sao lãng với những hoạt động vô nghĩa lý, Bởi [thân người hiếm quý], nền tảng tốt lành này, khó tìm, nhưng lại dễ tán,
Là cơ hội lựa chọn giữa lợi lạc và mất mát, an bình và khổ đau.
Bạn cần cả hai, những thuận duyên bên ngoài lẫn những thuận duyên bên trong để có thể thành công trong tu tập, và bạn đã có cả hai rồi đấy. Chẳng hạn như, làm người như chúng ta, chúng ta có cả hai, thân và tâm, như là những yếu tố hỗ trợ giúp ta thấu hiểu được những giáo pháp. Do đó, chúng ta đã gặt hái được nhân duyên thù thắng bên trong. Còn về phía bên ngoài, bạn cần sự truyền thừa của các pháp tu và cần có được sự tự do để tu tập. Nếu, sau khi đã có được những trợ duyên này và bạn nỗ lực tinh tấn thì bảo đảm là bạn sẽ thành công. Tuy nhiên nếu bạn không nỗ lực tinh tấn thì thật là một sự phí phạm vô cùng lớn lao. Bạn bắt buộc phải có được những trợ duyên này bởi vì nếu không có được những trợ duyên ấy thì bạn không cả có được đến cả một cơ hội. Bạn cần phải trân quý những thuận duyên phú bẩm mà bạn có hiện nay.
Bởi vì bạn đã có được một thân người, cộng với những hoàn cảnh bên ngoài rất thích hợp [cho việc tu tập], cùng với một tâm nguyện hướng đến tu tập thì qua đó, bạn có thể làm cho cuộc đời của bạn trở thành một cuộc đời xứng đáng. Bắt buộc là bạn phải làm như thế. Bây giờ là lúc phải làm như thế. Nếu với cơ hội như thế này, bạn tham gia vào những nguyên nhân lợi lạc thì bạn có thể thành đạt được rất nhiều việc to lớn có oai lực mạnh mẽ. Còn nếu để cho ba độc của tham ái, sân hận và sự mê lầm rối rắm trở thành động cơ của bạn, và bạn gieo nhân nhân tà ác, thì cũng giống thế, bạn sẽ hoàn tất những ác nghiệp to lớn có ác lực mạnh mẽ không kém, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thật là điều khó khăn cho những chúng sinh khác, như loài súc sinh, là những chúng sinh không có được nền tảng phước duyên thù thắng như chúng ta, để chúng có thể thành tựu các thiện hạnh xuyên qua sức mạnh của riêng chúng. Cũng có những trường hợp rất hiếm hoi là các chúng sinh này cũng làm được chút thiện đức nhỏ nhoi nếu có được đúng các nhân duyên bên ngoài [tác động], nhưng thật vô cùng khó khăn để cho chúng có thể suy nghĩ, tư duy. Khi loài súc sinh làm một điều gì đó dựa vào tham, sân, si, chúng chỉ làm những việc ấy một cách tạm bợ hoặc hời hợt bề ngoài; chúng không có khả năng thực hành những đại ác hạnh khác nhau qua thân hay qua khẩu của chúng. Nhưng mà loài người thì có thể suy nghĩ, tư duy từ muôn vàn cái nhìn và góc độ khác nhau. Đó là bởi vì trí óc của chúng ta thực sự hữu hiệu hơn nhiều, và loài người có thể thực hiện cái tốt lẫn cái xấu ở một mức độ vô cùng lớn lao.
Nếu phước duyên bẩm sinh, thân người hiếm quý này, được sử dụng cho những điều tốt thì sẽ có được uy lực to lớn. Nếu bạn quan tâm giữ gìn và tham gia vào những hoạt động thiện lành thì những mục đích của đời này và những đời vị lai sẽ có thể viên thành. Còn nếu bạn không quan tâm giữ gìn thì những ác hạnh của bạn có thể là đầu mối của những khổ não vĩ đại. Đó là lý do tại sao, cho dù có nhiều loại chúng sinh khác nhau cùng tiến hóa trên hành tinh này từ thuở khai lập đến nay, nhưng chính con người là loài chúng sinh đem đến nhiều sự cải thiện thăng tiến nhất, và loài chúng sinh học được cách tạo ra sự sợ hãi, đau khổ to lớn nhất, cùng với những vấn đề to lớn khác, kể cả việc đe dọa phá hủy toàn bộ hành tinh – cũng chính là con người. Điều tốt lành nhất là do con người làm ra, và điều tàn hại nhất cũng là do con người làm ra. Bởi vì bạn có những thuận duyên bẩm sinh của thân người để có thể hoàn thành lợi lạc lẫn mất mát, bình an lẫn khổ não, nên bắt buộc bạn cần phải biết cách làm sao để sử dụng đời người một cách không lầm lạc.
Nếu bạn biết chắc rằng bạn sẽ có được thuận duyên phú bẩm này qua sự lựa chọn của bạn trong suốt cả chuỗi tương tục lâu dài của các kiếp sống, thì cũng có thể là không sao cả nếu bạn không sử dụng đời này một cách có trí tuệ. Tuy nhiên, đây đâu phải là trường hợp như thế. Sự thay đổi trong bất kỳ một hiện tượng nào là dấu hiệu cho thấy rằng hiện tượng ấy dựa vào những nguyên nhân khác nhau. Và như thế cho nên, sự thay đổi bình thường được kinh nghiệm qua thân xác của chúng ta cũng là một dấu hiệu cho thấy rằng thân này của chúng ta cũng tùy thuộc vào những cái nhân khác nhau. Các nguyên tố từ cha và mẹ của bạn đã vận hành như là nhân và duyên để tạo nên thân xác của bạn. Nhưng để cho trứng từ mẹ và tinh trùng từ cha có thể đến với nhau thì vẫn cần phải có những nhân tố khác nữa. Chẳng hạn như, điều này dựa vào trứng và tinh trùng của cha mẹ và vân vân, đi ngược đến trứng và tinh trùng của một số chúng sinh nào đó sau khi thế giới hệ (sinh thái hệ) này đã được khai lập. Dù thế, nếu sự kết tạo nên thân tứ đại với da thịt máu huyết chỉ duy nhất dựa vào trứng và tinh trùng, trong khi trứng và tinh trùng đâu có đã hiện hữu vào thời điểm khai lập thế giới hệ này, và trứng và tinh trùng cũng đâu có khơi khơi phát sinh mà không có nguyên nhân (nếu hiểu theo hệ quả như trên thì một là trứng và tinh trùng đã phải xuất hiện ở khắp mọi nơi vào khắp mọi lúc, hai là chưa từng bao giờ xuất hiện). Điều này có nghĩa là phải có những yếu tố [phụ thuộc] khác – chính đấy là duyên nghiệp.
Mỗi một thế giới hệ đều phải trải qua các thời đại hình thành (thành), trường tồn (trụ), tan rã (hoại), và cuối cùng, là giai đoạn hư vô (diệt). Sau giai đoạn thứ tư (diệt), một thế giới hệ mới được hình thành từ sự xoay chuyển của gió, khí và từ sự phát triển kế tiếp của các nguyên tố khác. Cho dù tiến trình này được giải thích theo quan điểm khoa học hiện đại hay là theo sát triết học Phật giáo, thì có một thời điểm mà trong đó một thế giới hệ nào đó không hiện hữu. Tiến trình của một thế giới hệ bắt đầu được hình thành dựa vào rất nhiều nhân và duyên, và chính các nhân và duyên này là những hiện tượng duyên sinh. Bắt buộc các hiện tượng duyên sinh này, một là được cấu tạo bởi một đấng sáng tạo nào đó, hai là do nghiệp lực (hành nghiệp quá khứ) của những con người sẽ được chào đời trong thế giới hệ đó và sẽ cùng phải trải nghiệm và sử dụng môi trường sống đó. Từ quan điểm của Phật giáo thì là chuyện bất khả, không thể nào xảy ra để cho sự kết tạo của một đối tượng duyên sinh – và vì duyên sinh nên vô thường (kể cả một thế giới hệ), lại có thể dựa vào một linh ảnh siêu phàm, hoặc một lực đẩy, của một đấng sáng tạo không do duyên sinh, mà không do duyên sinh thì có nghĩa là đấng sáng tạo này thường hằng bất biến. Thực ra, chính là do nghiệp lực của chúng sinh mà tiến trình hình thành một môi trường sống đã xảy ra. Một sự lựa chọn khác là tiến trình ấy không dựa vào nguyên nhân nào cả [không do duyên sinh] thì đây thực là điều vô lý không tưởng.
Cũng giống như một môi trường sống được khai lập, và rồi tan hoại dựa vào nhân và duyên, thì cũng thế, điều ấy cũng áp dụng vào cho phẩm chất của đời sống của chúng sinh. Đây là một nguyên lý vững chắc của nhân và quả, có nghĩa là nếu nhìn dài hạn thì nhân tốt lành tạo ra quả tốt lành và nhân xấu xa thì đưa đến quả xấu xa. Điều này có nghĩa là bất kỳ một kết quả tốt lành dài hạn nào đó cũng phải có được sự tích lũy của một nhân tố tốt lành trước đó. Cũng như thế, để có thể tạo được một kết quả đầy thù thắng thì cần có một nhân tố thù thắng. Nói đến đặc tánh vật lý (thể xác hình hài) của con người, coi như đây là sự trợ duyên của đời người, thì trong những đời quá khứ, chúng ta cần đã phải tích lũy được nhiều tầng lớp nhân duyên thù thắng vì tự chính mỗi một nhân duyên này đã đưa đến sự cấu tạo của hình dạng, màu sắc, sự thông suốt của các giác quan cùng với những phẩm chất khác nhau của tấm thân này.
Nếu sau khi ta thực hành những việc thiện và tích lũy được nhiều tiềm năng, và nếu các tiềm năng ấy tiếp tục trường tồn bất hoại cho đến khi hoa trái của các tiềm năng ấy trổ mầm trong đời này hoặc đời vị lai, thì điều ấy đã chẳng quá mỏng manh. Nhưng đây không phải là trường hợp như thế. Mà thực ra, sự phát khởi một tâm thức xấu ác mạnh mẽ, chẳng hạn như sân hận, có thể khống chế tiềm năng thiện lành đã được tạo trước đó để cho tiềm năng đó không thể trổi dậy tiến về phía trước, giống hệt như một hạt giống đã bị thui chột. Ngược lại, sự phát khởi mạnh mẽ của một tâm thức thiện lành có thể chế ngự những tiềm năng tạo ra bởi ác hạnh, ngăn trở không cho chúng thiết lập các kết quả của chúng. Như vậy cho nên điều thiết yếu không phải chỉ là tạo ra nhiều những nhân tố xây dựng tích cực, thật mạnh mẽ mà còn phải né tránh các lực đối nghịch là những gì có thể làm cho những nhân tố lợi lạc kia bị thoái hóa.
Thiện hạnh đòi hỏi sự tích lũy các nhân tố hay là các tiềm năng đến từ một tâm thức đã được điều phục, thuần hóa, trong khi ác hạnh thì lại phát sinh từ một tâm thức điên đảo chưa thuần hóa. Những chúng sinh bình thường như chúng ta, từ vô thủy vô chung, đã quá quen thuộc, thân cận với cái tâm điên đảo. Bởi do thiên hướng này mà chúng ta có thể kết luận rằng, những hành động do tâm điên đảo tạo thực ra lại mạnh mẽ hơn đối với ta, trong khi những hành động do tâm thuần hóa tạo thì lại yếu ớt hơn. [Nhưng] điều quan trọng ở đây là ta phải biết trân quý và hiểu rằng thân người này, yếu tố trợ duyên của cuộc đời này mà chúng ta có được, là một kết quả chân thiện, tròn đầy của nhiều hành động thiện lành mạnh mẽ do tâm thuần hóa đã tạo trong quá khứ. Thân người này thật rất khó được, và bởi vì điều này rất hiếm quý nên bạn phải biết chăm lo giữ gìn nó cho tốt, cố gắng nỗ lực đừng phí phạm đời người. Nếu thân này không phải là hiếm hoi, khó được, thì bạn cũng không nhất thiết phải chăm lo giữ gìn nó, nhưng đây lại không phải là như thế.
Nếu thuận duyên phú bẩm khó có được của đời người này không có khuynh hướng dễ bị tàn hoại, nếu thuận duyên ấy vững bền và thường còn mãi mãi, thì trong tương lai, ta sẽ có thời gian để sử dụng nó. Nhưng mà, cái hệ thống trợ duyên này lại rất mong manh và dễ tan rã do bởi các nhân duyên [tác động] bên ngoài và bên trong. Trong trước tác của ngài Thánh Thiên (Aryadeva), Bốn Trăm Đoản Kệ Kể Về Các Công Hạnh Du Già Của Chư Bồ Tát có nói rằng, một khi thân người này đã được cấu tạo dựa trên bốn nguyên tố đất, nước, gió, lửa, là những nguyên tố bình thường đối nghịch với nhau, thì hạnh phúc của thể xác chỉ là sự quân bằng thoáng chốc của các nguyên tố này, chứ không phải là một sự bình hòa lâu dài mãi mãi. Chẳng hạn như là, khi chúng ta bị lạnh thì khởi đầu có được nhiệt sẽ rất là vui thú cho ta, nhưng sau đó thì ta lại phải tránh không để có quá nhiều nhiệt. Điều này cũng đúng cho bệnh tật chẳng hạn; thuốc men chữa trị cho một căn bệnh nào đó cuối cùng có thể dẫn đến một chứng bịnh khác, và rồi lại phải tìm cách đối đầu với chứng bịnh mới này. Thân thể của chúng ta là nguồn gốc của các vấn đề và rắc rối to lớn; hạnh phúc thể xác chỉ thuần túy là sự vắng mặt tạm thời của các vấn đề và rắc rối kia mà thôi.
Thân thể của chúng ta cần phải được nuôi dưỡng bằng những vật thể thô lậu, như thức ăn, nhưng khi bạn ăn quá nhiều thì chính cái nguồn tiếp tế tạo ra sức khỏe lại trở thành nguồn gốc của bệnh tật và đau đớn. Trong những quốc gia mà thức ăn khan hiếm thì cái đói và nạn đói là những nguyên nhân to lớn của đau khổ. Nhưng trong những quốc gia dư thừa đủ thể loại thức ăn bổ dưỡng thì cũng vẫn có đau khổ do bởi chế độ ăn uống quá độ và bội thực, không tiêu hóa. Khi có được một sự quân bình, vắng bóng sự thể hiện của các vấn đề, thì ta gọi đó là "hạnh phúc." Nhưng thật là điều rồ dại để nghĩ rằng chúng ta đã trở thành, hoặc rất có thể sẽ trở thành, hoàn toàn vô nhiễm khỏi bệnh tật. Loại thân xác này của chúng ta là một căn nhà chứa bao vấn đề. Không có phải là hễ cứ vắng bóng bệnh tật, chiến tranh, nạn đói, là ta sẽ không thể chết. Đặc tánh chân thật của thân này là tàn hoại. Ngay từ khi mới được thọ thai là thân ta đã nằm trong tiến trình của sự lìa đời rồi.
Do đó, thân người này là một thuận duyên phú bẩm quý giá, tràn đầy tiềm năng nhưng đồng thời cũng rất mong manh. Chỉ thuần túy dựa vào việc đang được sống còn, bạn đang ở một ngã rẽ rất quan trọng và đang mang trên mình một trọng trách to lớn. Bạn có thể hoàn thành những điều thiện lành có uy lực mạnh mẽ cho bản thân bạn và cho những chúng sinh khác, cho nên nếu bạn để cho mình trở nên phân tâm, bận rộn với những sự việc nhỏ nhoi của cuộc đời này thì đây là một phí phạm cực kỳ to lớn. Bạn nên phát tâm ước nguyện sẽ sử dụng một cách có hiệu quả cuộc đời này, trong thân người này, và thỉnh nguyện đạo sư của bạn, thỉnh nguyện Tam Bảo và những nguồn gia trì khác để bạn có thể thực hiện được việc đó. Qua đó, bạn tự khuyến khích thúc đẩy mình từ bên trong (tự lực) và đồng thời nương vào sự trợ duyên từ bên ngoài (tha lực). Để làm được việc đó, đừng chỉ đọc suông những ngôn từ của đoản kệ này mà hãy quán chiếu tư duy về ý nghĩa của những ngôn từ ấy, giúp cho chúng hiện ra trong tâm thức của bạn.
Tóm lại, bởi vì thân người này, sự trợ duyên cho kiếp sống này của bạn, là điều rất lợi lạc, khó có được, nhưng lại dễ thất tán, vì thế mà bạn cần phải sử dụng nó để đem lại lợi ích cho bản thân bạn và cho các chúng sinh khác. Lợi ích đến từ một tâm thuần hòa. Khi tâm của bạn an bình, thư thái và vui vẻ, thì những lạc thú đến từ bên ngoài như thức ăn ngon, áo quần và chuyện trò giao tiếp sẽ làm cho mọi thứ càng trở nên tốt lành hơn. [Ngược lại, nếu thiếu vắng những thứ này] thì sự thiếu vắng ấy cũng không thể khống chế bạn. Nếu tâm bạn không bình yên và không thuần hòa thì cho dù những điều kiện bên ngoài có tuyệt diệu đến mấy chăng nữa thì bạn vẫn sẽ bị đè trĩu bởi những mối kinh hoàng, hy vọng và sợ hãi. Có được một tâm thức thuần hòa, bạn sẽ có thể hưởng dụng cả tài của lẫn nghèo khó, cả sức khỏe lẫn tật bệnh; ngay cả bạn cũng có thể lìa đời một cách vui vẻ hạnh phúc. Với một tâm thức thuần hòa, có được nhiều bằng hữu là một điều tuyệt vời, nhưng nếu chẳng có một người bạn nào cả thì cũng chẳng sao, cũng là điều tốt thôi. Gốc rễ của hạnh phúc và sự an dưỡng trong bạn đền từ một tâm thức an bình, được điều phục.
Riêng nói đến những chúng sinh khác, khi bạn có được tâm an bình, thuần dịu, thì đời sống sẽ vui tươi hơn cho bạn bè, vợ chồng, cha mẹ, con cái và người quen của bạn; căn nhà của bạn sẽ yên tĩnh, và tất cả những ai sống trong đó sẽ hưởng thọ một cảm giác tuyệt hảo của sự thư giãn. Khi bước chân vào ngôi nhà của bạn, người khác sẽ nhận được một cảm giác hạnh phúc. Khi tâm của bạn không an bình và không thuần dịu, thì chẳng những bạn sẽ liên tục nổi giận mà những người khác, khi họ bước chân đến cửa nhà của bạn, họ sẽ lập tức cảm nhận được là có rất nhiều cuộc cãi vã đã xảy ra trong căn nhà này – và cảm nhận là người này thường xuyên bị khuấy động bởi các xúc cảm.
Bởi vì khi tâm được làm cho an thuần thì sẽ đem lại được hạnh phúc, còn không làm được như thế thì sẽ dẫn đến đau khổ. Hãy sử dụng cuộc đời của bạn để làm giảm bớt số lượng những tâm lý điên đảo – chẳng hạn như là khống chế kẻ thù, tâng bốc bạn bè, làm tăng trưởng lợi nhuận và những thứ đại loại như thế. Hãy sử dụng cuộc đời bạn để nhiếp phục, hoặc rèn luyện tâm của bạn càng nhiều càng tốt. Đây là cách để rút tỉa ra được tinh túy đầy ý nghĩa của thân người quý giá và phù du này.
TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN
1. Nhận chân ra được giá trị của thân người mà bạn đã có được là kết quả của rất nhiều nguyên nhân thù thắng trong quá khứ. Hãy trân trọng nhận biết một sự thật không thể chối cãi là các giáo lý luôn có mặt ở đó, sẵn sàng để bạn có thể ứng dụng.
2. Bởi vì đời người quý giá này có thể được sử dụng để đem lại lợi lạc lớn lao hoặc đem đến sự tàn hại lớn lao, và bởi vì đời người này rất mong manh, hãy sử dụng cuộc đời này một cách đúng đắn ngay bây giờ.
3. Hạnh phúc thể xác chỉ là một sự quân bình thoáng chốc của các nguyên tố trong thân thể, không phải là một sự bình hòa sâu sắc. Hãy thấu hiểu về sự vô thường của loại hạnh phúc ấy.
4. Một tâm thức đã được điều phục sẽ giúp cho bạn an bình, thư thái và vui vẻ, trong khi nếu tâm bạn không an bình và thuần hòa thì cho dù những hoàn cảnh bên ngoài có tuyệt vời đến mấy thì bạn vẫn nặng trĩu những mối lo âu và kinh hãi. Hãy nhận biết rằng gốc rễ của hạnh phúc và sự an lành của bạn nằm trong một tâm thức yên bình, thuần dịu. Có được tâm thức như thế cũng là một lợi lạc to lớn cho những người chung quanh.
Đoản kệ thứ Ba
Nguyện chúng con nhận biết chẳng còn thời gian để phung phí,
Cái chết chắc chắn sẽ đến nhưng thời điểm thì bất định, Những gì hội tụ sẽ phải chia lìa, những gì đã được tích lũy cũng sẽ tiêu tán, chẳng còn chi cả,
Kết cuộc của dâng lên là hạ xuống, chung cuộc của sinh là tử.
Từ vô thủy vô chung, chúng ta đã bị chi phối của ảo giác về sự thường hằng, cho nên chúng ta nghĩ rằng ta sẽ luôn luôn còn lại rất nhiều thời gian. Tư tưởng này đặt chúng ta vào một nguy cơ to lớn, làm cho ta phí phạm đời mình với sự chần chừ do dự. Để đối đầu lại với khuynh hướng này, điều quan trọng là phải thiền quán về vô thường, thiền quán về một sự thật không thể chối cãi là cái chết có thể đến bất cứ lúc nào.
Ngay cả không có gì chắc chắn là bạn sẽ chết trong đêm nay, nhưng một khi bạn phát khởi được một sự tỉnh giác về cái chết, bạn sẽ biết trân quý [đời người khi nghĩ rằng] rất có thể bạn sẽ chết vào đêm hôm nay. Với một tinh thần tỉnh giác như thế thì nếu thấy có một việc gì đó mà bạn có thể thực hiện để hỗ trợ cho cả đời này lẫn đời sau, thì bạn sẽ ưu tiên làm việc ấy thay vì làm một công việc chỉ có ích lợi hời hợt bề ngoài cho cuộc đời hiện tại. Hơn nữa, khi không biết chắc chắn được rằng lúc nào là thời điểm mà thần chết sẽ hiện đến với bạn, bạn sẽ tránh làm những việc có nguy hại cho cả đời này lẫn những đời vị lai. Khi mà cảm giác thận trọng này đã phát sinh thì bạn sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để không tích lũy những khuynh hướng bất lợi xuyên qua những hành động tự phát [hành động không có sự tự chủ].
Bạn sẽ được thúc đẩy để phát khởi các tâm thái [tích cực] tùy vào căn cơ của mình như là những phương thức đối trị trước các hình thức khác nhau của tâm điên đảo. Rồi sau đó, cho dù là bạn sống một ngày, một tuần, một tháng hay một năm, thì thời gian ấy cũng sẽ mang nhiều ý nghĩa; tư tưởng và hành động của bạn sẽ được đặt nền tảng trên những gì đem lại ích lợi dài hạn, và bạn càng sống lâu bao nhiêu thì tư tưởng và hành động của bạn lại càng đem lại lợi ích bấy nhiêu.
Ngược lại, khi bạn để cho mình bị chi phối bởi ảo giác về sự thường còn và để cho thời giờ trôi đi trong những sự việc hời hợt ngoài da của cuộc đời này, thì bạn đang chấp nhận một sự mất mát lớn lao. Đó là lý do tại sao, trong đoản kệ này, đức Ban Thiền Lạt Ma hướng sự chú tâm của chúng ta đến giá trị của việc biến mỗi giây phút thành giây phút lợi lạc.
Trong trường hợp của bản thân tôi, bây giờ tôi đã sáu mươi bảy tuổi rồi. Tôi là người già nhất trong số mười ba Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm của tôi, ngoại trừ Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Tư, Gendun Drup, đã thọ đến khoảng tuổi tám mươi. Đạt Lai Lạt Ma đời Thứ Năm sống đến sáu mươi sáu tuổi; vậy là tôi quá già hơn ngài rồi – tôi là một ông lão! Cho dù là như thế, do bởi những phát triển hiện đại về y học và điều kiện sống, tôi có chút hy vọng là tôi sẽ kéo dài tuổi thọ đến tám mươi hoặc chín mươi. Nhưng điều nhất định sẽ xảy ra là vào một lúc nào đó, không lúc này thì lúc khác, bắt buộc tôi phải chết. Người Tây Tạng chúng tôi còn nghĩ rằng chúng tôi có thể kéo dài đời sống qua các lễ nghi tôn giáo, nhưng tôi không mấy chắc là những người thực hành các nghi lễ ấy có sống lâu hơn hay không. Để có thể thực hành một nghi lễ trường thọ, điều cần thiết là phải có được sự quán tưởng vững chắc trong sự thiền định nhất tâm. Thêm vào đó, cũng cần phải thấu hiểu về tánh không, về sự vắng mặt của tự tánh, bởi vì chính trí tuệ ấy đã hóa hiện thành ra một cái tôi lý tưởng mà bạn đang quán tưởng. Cũng cần phải có lòng từ bi và chí nguyện vị tha để đạt được giác ngộ. Những điều kiện tất yếu như trên làm cho công phu quán tưởng trường thọ trở nên khó khăn.
Bởi vì thái độ chúng ta có về sự thường còn và về sự chấp ngã, trân quý bản thân – thái độ ấy được đặt giữa trái tim ta giống như chúng là trọng tâm của cuộc đời mình, và chúng đã hủy hoại chúng ta, hủy hoại công phu thiền quán đem đến lợi lạc to lớn nhất về vô thường, hủy hoại tánh không [sự không có tự tánh] và từ bi. Không có được những điều ấy, các nghi lễ trường thọ hoặc những gì giống như thế sẽ không giúp được gì. Đó là lý do tại sao đức Phật nhấn mạnh về đôi cánh của một con chim bay vút vào giác ngộ, đó là từ bi và trí tuệ. Hai điều này chính là hai con đường đối chọi lại với hai thái độ liên quan đến sự thường còn và chấp ngã; đây là hai thái độ mà từ vô thủy vô chung đã phá hỏng mục đích hạnh phúc của chúng ta.
Vào khoảng tuổi mười lăm, mười sáu, tôi đã tu học về những giai đoạn trên đường tu giác ngộ và khởi sự thực hành một số pháp tu thiền để phát triển từng bước các giai đoạn đó. Tôi cũng bắt đầu ban giáo pháp mà qua đó tôi phải thực hành các pháp thiền minh sát nhiều hơn nữa, bởi vì giáo lý và thiền minh sát đi đôi với nhau. Chủ đề tỉnh giác về cái chết được sắp xếp xoay quanh ba nguồn gốc, chín lý lẽ và ba quyết định:
Nguồn gốc thứ nhất: Quán rằng cái chết là tất nhiên.
1. bởi vì cái chết tất nhiên sẽ phải đến và do đó, không thể tránh được.
2. bởi vì thọ mạng của chúng ta không thể kéo dài và liên tục suy thoái.
3. bởi vì ngay cả khi chúng ta còn sống, ta có rất ít thời giờ để tu tập.
Quyết định thứ nhất: Tôi phải tu tập.
Nguồn gốc thứ nhì: Quán rằng thời điểm cái chết đến là bất định.
4. bởi vì thọ mạng của chúng ta trong thế gian này là bất định.
5. bởi vì những nguyên nhân đưa đến cái chết có rất nhiều và những nguyên nhân cấu tạo đời sống không có bao nhiêu.
6. bởi vì không đoan chắc được về thời điểm của cái chết do bởi sự mỏng manh dễ tan vỡ của thân xác này.
Quyết định thứ nhì: Tôi phải tu tập ngay bây giờ.
Nguồn gốc thứ nhì: Quán rằng vào giờ phút lâm chung, chẳng gì có thể giúp ta được, ngoại trừ việc tu tập.
7. bởi vì vào giờ phút lâm chung, bằng hữu chẳng giúp gì được ta.
8. bởi vì vào giờ phút lâm chung, tài của chẳng giúp gì được ta.
9. bởi vì vào giờ phút lâm chung, thân xác ta chẳng giúp gì được ta.
Quyết định thứ ba: Tôi phải tập buông bỏ, không tham luyến bất kỳ điều gì tuyệt vời trong cuộc đời này.
Trong vòng luân hồi này, điều xảy ra một cách tự nhiên là những gì đã được kết tụ thì rồi ra cũng sẽ tiêu tán – cha mẹ, con cái, anh em, chị em và bạn bè. Cho dù bạn bè có yêu thích nhau nhiều như thế nào thì cuối cùng, họ cũng sẽ phải chia tay. Đạo sư và đệ tử, cha mẹ và con cái, anh chị em, vợ chồng và bằng hữu – không cần biết là ai thì bắt buộc cuối cùng cũng sẽ phải chia tay.
Khi vị trưởng lão giáo thọ của tôi, Ling Rinpoche, vẫn còn đang khỏe mạnh, thật gần như là điều không tưởng, không thể nào chịu đựng nổi khi tôi nghĩ đến cái chết của ngài. Đối với tôi, ngài luôn luôn là một tảng đá vững chắc để tôi có thể nương dựa vào. Tôi thường suy nghĩ không biết làm sao tôi có thể sống còn nếu như không có ngài. Nhưng khi ngài bị tai biến mạch máu não, và sau đó lại bị thêm lần thứ nhì rồi lần thứ ba, thì rồi cuối cùng, tình cảnh ấy của ngài đã cho phép một phần tâm thức của tôi đi đến suy nghĩ như sau, "Bây giờ sẽ là điều tốt lành hơn nếu ngài ra đi." Đôi lúc tôi còn nghĩ rằng, có lẽ ngài đã cố tình chấp nhận tật bệnh là để khi ngài thực sự ra đi, tôi sẽ rất sẵn sàng [về mặt tinh thần] để được trao cho công việc kế tới—là đi tìm lại hóa thân của ngài.
Ngoài sự chia lìa phải xảy ra đối với tất cả những người bạn của chúng ta thì của cải và tài nguyên mà ta đã tích lũy được qua một thời gian – cho dù là chúng tuyệt vời đến đâu chăng nữa – cuối cùng, chúng cũng sẽ trở thành vô dụng. Cho dù bạn ở trong địa vị hay cấp bậc cao sang như thế nào, cuối cùng, bạn cũng sẽ phải té nhào xuống. Để nhắc nhở tôi về điều ấy, khi tôi leo lên một pháp tòa cao vọi mà tôi phải ngồi để thuyết giảng, ngay khi tôi vừa ngồi xuống, tôi tự tụng những lời sau đây về vô thường trích trong Kinh Kim Cương:
Quán tất cả những gì hội tụ do duyên sinh
Như sao lấp lánh, như hư tướng mắt bệnh nhìn thấy, Như đốm sáng nhấp nháy của đèn bơ, như ảo giác huyễn hoặc,
Như giọt sương, bóng nước, giấc mộng, sấm sét và mây trời.
Tôi quán chiếu về sự mỏng manh dễ tan vỡ của những hiện tượng do duyên sinh và rồi tôi búng những ngón tay của mình, âm thanh ngắn ngủi [phát ra từ tiếng búng tay] tượng trưng cho vô thường. Đó là cách tôi nhắc nhở chính mình rằng không lâu sau, tôi sẽ bước xuống khỏi tòa cao.
Bất kỳ một chúng sinh hữu tình nào – cho dù là ông ấy hay bà ấy sẽ sống lâu đến đâu chăng nữa – thì cuối cùng, cũng phải chết. Không có sự lựa chọn nào khác. Một khi bạn sống trong vòng luân hồi thì bạn không thể nào sống bên ngoài cái đặc tánh của cõi ấy. Cho dù có bao nhiêu điều tuyệt vời đi chăng nữa thì những điều ấy đã được xây dựng trên chính cái đặc tánh đích thực của luân hồi, nghĩa là những điều tuyệt vời ấy và bạn (người thọ hưởng những sự tuyệt vời kia), khi chung cuộc, thì cả hai đều phải bị tàn hoại.
Chẳng những bạn phải chết ở đoạn kết, nhưng bạn lại chẳng thể biết là cái kết thúc ấy sẽ xảy ra vào lúc nào. Nếu giả sử bạn biết được thì bạn có thể từ từ không cần chuẩn bị cho tương lai. Ngay cả nếu có dấu hiệu cho thấy là bạn sẽ sống rất lâu lên đến lão làng, thì bạn cũng chẳng thể xác quyết một trăm phần trăm là bạn sẽ không chết vào ngày hôm nay. Bắt buộc không thể chần chờ, lần lữa. Thay vào đó, bạn phải thu xếp chuẩn bị để nếu ngay cả bạn sẽ chết đi trong đêm hôm nay, bạn sẽ không có gì hối hận. Nếu bạn phát khởi được sự hiểu biết thấu đáo về sự bất định và sự tất đến của cái chết thì bạn sẽ càng cảm thấy việc sử dụng thời gian của mình một cách có trí tuệ rất là quan trọng và cảm giác ấy sẽ ngày càng thêm mạnh mẽ. Cũng giống như ngài Tsongkhapa, vị đại học giả - hành giả du già đã từng nói:
Khi đã hiểu về thân người khó được, sẽ chẳng thể nào không làm gì hết.
Khi đã nhìn ra ý nghĩa vĩ đại, phí phạm thời giờ vô nghĩa lý là nhân đau khổ.
Khi đã quán về cái chết, chuẩn bị cho sự ra đi đến kiếp sau là việc phải làm.
Khi đã quán sâu về nhân quả, hãy xa lìa nguồn gốc của vô lương tâm.
Khi bốn gốc rễ như trên đã vững chắc, thì qua đó, Các việc thiện khác sẽ dễ dàng tăng trưởng.
Suy nghĩ tư duy về cái chết chẳng những giúp ta chuẩn bị cho sự lìa đời và dẫn đến những hành động lợi ích cho những kiếp vị lai, mà còn tạo được một ảnh hưởng vô cùng sâu sắc cho các quan điểm thuộc về tinh thần của bạn. Chẳng hạn như, nếu người ta không quen thuộc với việc rèn luyện một sự tỉnh thức về cái chết tất phải đến, thì ngay cả nhìn thấy rõ là họ đã già nua và sắp lìa đời, bạn bè và gia đình của họ vẫn cảm thấy là không thể nào nói chuyện thực tế với họ, và còn cảm thấy có nhu cầu nói lời khen ngợi sắc diện của họ. Cả hai phía đều biết đây là sự dối trá. Thật là nực cười!
Đôi khi ngay cả những bệnh nhân đau khổ vì một căn bệnh ngặt nghèo ở thời kỳ cuối, như bệnh căng-xe (cancer) chẳng hạn, họ vẫn tránh sử dụng các từ ngữ như "chết" hoặc "cái chết." Tôi thấy là không thể nói chuyện với họ về cái chết tất sẽ đến của họ; họ cưỡng lại, không muốn nghe về những điều đó. Nhưng đối với một người bây giờ không thể đối diện ngay cả với từ ngữ "cái chết," đó là chưa nói gì đến thực tại của việc ấy, thì khi cái chết thực sự xảy đến, điều ấy sẽ đem đến cho họ sự sợ hãi và bất an vô cùng to lớn.
Ngược lại, khi tôi gặp một hành giả có vẻ như đang lâm chung, tôi sẽ không ngần ngại nói với người ấy rằng, "Cho dù bạn chết đi hay hồi sinh trở lại, bạn cũng cần chuẩn bị cho cả hai." Điều có thể làm được là chúng tôi có thể cùng nhau quán chiếu về sự tất đến của cái chết. Chẳng cần phải dấu diếm che đậy gì cả, bởi vì người hành giả ấy đang chuẩn bị để đối diện với tử thần mà không có chút gì ân hận. Một hành giả, trước đó đã từng quán chiếu về vô thường, sẽ can đảm hơn và vui vẻ hơn trong khi lâm chung. Quán chiếu về sự bất định của thời điểm cái chết đến giúp phát khởi một tâm thức an bình, có kỷ luật và thiện lành, bởi vì tâm ấy sẽ an trú trong một [trạng thái siêu vượt] những cái hời hợt giả tạm của cuộc đời ngắn ngủi này.
TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN
1. Nếu bạn nuôi dưỡng được cảm nhận về sự bất định của thời điểm cái chết thực sự đến, bạn sẽ sử dụng thời gian một cách đúng đắn hơn.
2. Để ngăn chặn sự chần chừ, giải đãi đối với việc tu tập tâm linh, hãy nỗ lực đừng để bị kẹt trong vòng ảnh hưởng của ảo giác về sự thường còn.
3. Hãy nhận thức rằng cho dù hoàn cảnh có tuyệt vời đến mấy chăng nữa, đặc tánh [vô thường của vạn pháp] là hoàn cảnh ấy sẽ phải kết thúc.
4. Đừng nghĩ rằng sau này sẽ có thêm thời gian.
5. Hãy thẳng thắn đối diện với cái chết. Hãy khéo léo khuyến khích người khác thẳng thắn đối diện với cái chết của họ. Đừng lừa dối nhau bằng những lời khen ngợi khi thời điểm của cái chết đã gần kề. Sự thành thật sẽ trưởng dưỡng lòng can đảm và niềm vui.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top