1 Tỉnh Giác Về Cái Chết
1
Tỉnh Giác Về Cái Chết
Giống như khi dệt vải,
Ta đến mảng cuối cùng
Với những sợi chỉ mịn màng
đan xuyên vào nhau,
Và đời người này cũng thế.
-- ĐỨC PHẬT
Thật là điều vô cùng thiết yếu để có được sự tỉnh thức về cái chết – để quán chiếu rằng bạn sẽ không tồn tại lâu dài trong cuộc đời này. Nếu bạn không tỉnh giác về cái chết, bạn sẽ đánh mất cơ hội tận dụng đời người hiếm quý này mà bạn đã đạt được. Đời người này rất có ý nghĩa bởi vì, dựa trên đời người ấy, mà có những kết quả vô cùng quan trọng có thể được thành tựu.
Sự phân tích về cái chết không phải là để trở nên sợ hãi mà là để biết trân quý kiếp sống này, trân quý kiếp người mà qua đó bạn có thể thực hành những pháp tu quan trọng. Thay vì hoảng sợ thì bạn cần phải quán chiếu, tư duy để thấy rằng khi cái chết hiện đến, bạn sẽ không đánh mất một cơ hội tốt lành để thực hành. Qua đó, sự quán chiếu về cái chết sẽ đem thêm nhiều năng lượng cho công phu tu tập của bạn.
Bạn cần phải chấp nhận rằng cái chết sẽ đến như là một điều tự nhiên, bình thường trong quá trình của đời sống. Như Đức Phật đã từng thuyết:
Một nơi hoàn toàn không phải chạm mặt cái chết, Nơi ấy không hiện hữu.
Nơi ấy không hiện hữu trong không gian, không hiện hữu trong đại dương,
Cũng chẳng hiện hữu ngay cả khi bạn ngồi ngay giữa một trái núi.
Nếu bạn chấp nhận được rằng cái chết là một phần của đời sống, thì khi cái chết thực sự hiện đến, bạn có thể chạm mặt với cái chết một cách dễ dàng hơn.Trong sâu thẳm của tâm hồn, nếu người ta biết rằng cái chết sẽ đến nhưng lại cố tình lãng tránh việc phải suy nghĩ về cái chết thì việc này không tương xứng với hoàn cảnh và là một điều phản nghịch rất bất lợi. Điều ấy cũng chẳng khác nào như khi ta không chấp nhận tuổi già như là một phần của đời sống mà lại xem đó là điều ta không muốn xảy đến, rồi cố tình tránh né suy nghĩ về tuổi già ấy. Như vậy sẽ đưa đến tình trạng thiếu chuẩn bị về mặt tinh thần; và rồi khi tuổi già buộc phải xảy đến thì việc ấy sẽ rất khó khăn cho ta.
Nhiều người tuy thân xác đã già nua rồi nhưng lại cứ làm bộ như là họ vẫn còn son trẻ. Đôi khi khi tôi gặp lại những người bạn lâu năm, chẳng hạn như là những vị thượng nghị sĩ tại những quốc gia như Hoa Kỳ, tôi chào mừng họ bằng câu nói, "Chào bạn già của tôi," hàm ý là chúng tôi đã quen nhau trong một thời gian dài, chứ không nhất thiết là già nua thể xác. Nhưng khi tôi nói như vậy thì một số trong các vị ấy dứt khoát đính chính một cách mạnh mẽ. "Chúng ta không già! Chúng ta là những người bạn lâu năm." Sự thật là họ có già chứ – tai họ thì mọc lông, đây là một dấu hiệu của tuổi già – nhưng họ lại cảm thấy không thoải mái với chuyện già nua của họ. Thật là rồ dại.
Tôi thường nghĩ rằng đời sống con người có kéo dài thì nhiều nhất cũng chỉ là một trăm năm, mà nếu đem so sánh chuỗi thời gian ấy với tuổi thọ của hành tinh này thì đời người rất ngắn ngủi. Sự hiện hữu ngắn ngủi của chúng ta cần phải được sử dụng như thế nào để không đem lại khổ não cho những người khác. Ta không nên sử dụng đời người trong những công việc đem lại tai họa và phải dùng đời người ấy cho những hoạt động tích cực – hoặc ít ra là cũng không đem đến sự thiệt hại hoặc đem đến vấn đề cho những người khác. Qua cách sống như thế, chuỗi thời gian ngắn ngủi của ta như là một người đi du hành trên hành tinh này sẽ có ý nghĩa.
Trong số một trăm năm của đời người, phần đầu là khoảng thời gian ta sống như một đứa bé và phần cuối là sống trong tuổi già, lắm khi giống như một con thú được đút ăn rồi cho ngủ. Khoảng ở giữa, có thể là sáu mươi hoặc bảy mươi năm là ta có thể sử dụng một cách có ý nghĩa. Như Đức Phật đã từng thuyết:
Nửa cuộc đời trôi qua trong giấc ngủ. Mười năm trôi qua trong tuổi thơ. Hai mươi năm chìm đắm trong tuổi già. Trong số hai mươi năm còn lại, buồn tủi, than trách, đau đớn và bực tức khó chịu đã giết mất bao thời giờ, và rồi thêm cả trăm thứ bệnh tật về thể xác còn đem đến sự tàn hại thêm nhiều nữa.
Để mang lại ý nghĩa cho cuộc đời, việc chấp nhận tuổi già và cái chết như một phần của đời sống là điều vô cùng thiết yếu. Nếu ta có cảm giác là cái chết gần như chẳng thể nào xảy ra thì cảm giác ấy sẽ tạo ra nhiều vấn đề và thêm nhiều tham đắm – đôi khi lại còn đem đến hại họa một cách có chủ ý cho những người khác. Khi chúng ta nhìn kỹ vào cuộc đời của những người được coi như là những nhân vật vĩ đại – các vị hoàng đế, quân vương và những người đại loại như thế -- họ đã xây cất những tòa nhà khổng lồ với những bức tường khổng lồ, thì ta thấy là sâu thẳm trong tâm thức của họ, họ có tư tưởng cho rằng họ sẽ sống vĩnh viễn trong cuộc đời này. Sự tự đánh lừa như thế sẽ dẫn đến đến kết quả của nhiều sự đau đớn và nhiều vấn đề hơn nữa cho nhiều người.
Ngay cả cho những người không tin rằng có đời vị lai thì việc tư duy, quán chiếu về thực tại là một việc làm tích cực, có ích lợi và có tính cách khoa học. Lý do là bởi vì con người, tâm của con người và tất cả những hiện tượng duyên sinh, tất cả đều biến chuyển thay đổi từ phút này qua phút khác, và như thế cho nên, điều này mở ra tiềm năng cho sự phát triển tốt lành. Nếu những hoàn cảnh khác nhau trong đời sống không thay đổi thì chúng sẽ vĩnh viễn ôm giữ lại đặc tánh của khổ não. Một khi bạn biết được rằng mọi thứ đều luôn luôn biến chuyển và thay đổi, thì ngay cả bạn phải trải qua một giai đoạn rất khốn khó, bạn sẽ tìm được sự bình yên trong lòng khi hiểu rằng hoàn cảnh khốn khó ấy không thể nào tồn tại mãi mãi. Thế cho nên, không cần phải bức xúc.
Sự may mắn của phước lộc cũng thế, chẳng thể nào thường hằng vĩnh cửu; thành ra, [hiểu được như thế thì] ta chẳng có nhu cầu để bám luyến quá nhiều những khi mọi việc diễn ra một cách tốt đẹp. Một cái nhìn dựa vào sự thường hằng, tồn tại vĩnh viễn, sẽ gây tai hại cho chúng ta. [Nếu bạn cho rằng mọi thứ sẽ vĩnh cửu] và ngay cả nếu bạn có chấp nhận rằng có những đời vị lai chăng nữa thì kiếp sống hiện tại sẽ trở thành mối bận tâm của bạn, và các đời tương lai thực sự lại chẳng quan trọng là mấy. Việc này sẽ phá hủy cơ hội mà bạn có được với cuộc đời hiện tại, là một cuộc đời được phú bẩm với những phước duyên để thực hành những việc làm tốt lành, tích cực. Một cái nhìn dựa vào vô thường sẽ có ích lợi hơn.
Muốn tỉnh giác về vô thường thì cần phải có kỷ luật –phải rèn luyện tâm – nhưng kỷ luật ở đây không mang ý nghĩa của sự trừng phạt hay sự khống chế từ bên ngoài. Kỷ luật không có nghĩa là cấm đoán; hơn là như thế, kỷ luật ở đây có nghĩa là, khi có sự đối chọi giữa những quan tâm dài hạn với những quan tâm ngắn hạn thì bạn hy sinh cái ngắn hạn để đạt được lợi ích dài hạn. Đây chính là tự kỷ luật, đến từ việc tin tưởng chắc chắn vào luật nhân quả. Ví dụ như là, trong trường hợp của tôi để giúp cho bao tử của tôi trở lại bình thường sau cơn bệnh vừa qua, tôi tránh ăn các thức ăn chua và tránh uống nước lạnh cho dù bình thường thì các thức ăn và thức uống này có vẻ rất là ngon lành, quyến rũ. Loại kỷ luật như thế này mang ý nghĩa của sự bảo vệ. Cũng như thế, sự tư duy, quán chiếu về cái chết đòi hỏi sự tự kỷ luật và tự bảo vệ, chứ không đòi hỏi sự trừng phạt.
Con người ta có rất nhiều tiềm năng để tạo ra những điều tốt lành nhưng muốn sử dụng được tất cả những điều ấy lại đòi hỏi phải có sự tự do, độc lập. Chế độ chuyên chính làm gãy đổ sự phát triển này. Để hỗ trợ cho việc phát triển này thì cần có chủ nghĩa cá nhân, có nghĩa là bạn không mong đợi cái gì đến từ bên ngoài hoặc là ngồi chờ mệnh lệnh; mà ngược lại, chính bạn phải tự khởi xướng. Do đó, đức Phật thường xuyên khuyến khích "giải thoát cá nhân," nghĩa là tự giải thoát, chứ không phải giải thoát xuyên qua một hội đoàn. Mỗi một cá nhân bắt buộc phải tạo ra một tương lai tốt lành cho bản thân cá nhân ấy. Tự do và chủ nghĩa cá nhân đòi hỏi sự tự kỷ luật. Nếu tự do và chủ nghĩa cá nhân bị lạm dụng cho những xúc cảm ô nhiễm thì sẽ đưa đến những hậu quả tiêu cực. Tự do và tự kỷ luật phải song hành làm việc với nhau.
MỞ RỘNG TẦM NHÌN
Từ cái nhìn của Phật giáo, mục đích tối thượng là đạt được Phật quả để có được khả năng giúp đỡ cho vô lượng vô số chúng sinh; tuy nhiên, ở mức độ trung bình của sự thành đạt ấy là tự giải thoát bạn ra khỏi chuỗi luân hồi của sinh, già, bệnh, chết; còn ở mức độ thấp hơn, tuy là thấp hơn nhưng vẫn là một mức độ thành đạt đáng giá, là làm cho các đời tương lai được cải thiện, tốt lành hơn. Từ sự cải tiến từng bước một của các kiếp sống khác nhau mà qua đó bạn có thể đạt được giải thoát, và dựa vào đó, cuối cùng sẽ thành tựu quả vị Phật. Khởi đầu, cái nhìn của bạn phải nới rộng ra để bao gồm cả những đời vị lai của bạn; rồi sau khi thấu hiểu về cảnh ngộ này, bạn sẽ tiếp tục nới rộng tầm nhìn của bạn để bao gồm tất cả vòng quay đau khổ từ kiếp này qua kiếp kia, gọi là vòng xoay luân hồi hay ta bà. Cuối cùng, sự thấu hiểu này có thể được nới rộng đến những người khác, xuyên qua ước nguyện thấm đẫm từ bi, mong cầu tất cả chúng sinh thoát khỏi đau khổ và nguyên nhân tạo khổ. Chính tâm từ bi này dẫn dắt bạn đến với tâm nguyện thành tựu Phật quả.
Trước khi có hiểu biết về toàn bộ đặc tánh của khổ não và của vòng xoay luân hồi, bạn cần phải quan tâm về những khía cạnh sâu xa khác nhau của cuộc đời, là những khía cạnh có thể ảnh hưởng đến những đời tương lai. Từ đó, sự hiểu biết về đau khổ là điều cần thiết để có thể phát triển được lòng từ bi toàn hảo, trọn vẹn. Cũng như thế, người Tây Tạng chúng tôi cố gắng tìm kiếm những phương cách làm thế nào để có được quyền tự chủ trên đất nước Tây Tạng, để có thể đem đến lợi lạc cho người dân trên xứ sở của chúng tôi, nhưng đồng thời, chúng tôi cũng phải cố gắng thiết lập cộng đồng của chúng tôi trong hoàn cảnh tỵ nạn tại Ấn Độ. Đạt được quyền tự chủ cho Tây Tạng, mục đích to lớn hơn, cũng tùy thuộc vào mục đích giai đoạn là thành lập cộng đồng của chúng tôi ở Ấn Độ.
NHỮNG BẤT LỢI CỦA VIỆC KHÔNG TỈNH THỨC VỀ CÁI CHẾT
Thật là việc lợi lạc để có sự tỉnh giác rằng, rồi ra, bạn sẽ chết. Tại sao? Nếu bạn không tỉnh giác về cái chết, bạn sẽ không tỉnh thức về sự tu tập của bạn mà lại chỉ sẽ tiêu phí đời mình một cách vô nghĩa lý, không quán sát xem đâu là những hành động và thái độ làm cho đau khổ nổi dậy và đâu là những gì đem đến hạnh phúc.
Nếu bạn không tỉnh thức rằng có thể bạn sẽ ra đi một ngày rất gần thì bạn sẽ để mình rơi vào sự lôi kéo của một cảm nhận hư ảo về sự trường tồn vĩnh cửu. "Mai mốt tôi sẽ chết, nhưng lâu sau kìa." Và rồi, khi thời điểm ấy đến, ngay cả nếu bạn có cố gắng thành tựu một chuyện gì đó thật xứng đáng chăng nữa thì khi ấy, bạn cũng chẳng còn hơi sức. Nhiều người Tây Tạng nhập tu viện khi họ còn trẻ tuổi và học hỏi các văn điển về các pháp thực hành tâm linh, nhưng khi thời điểm đến để thực sự hành trì các pháp đó thì không hiểu sao, khả năng thực hành của họ lại có vẻ rất thiếu vắng. Đó là bởi vì họ không có được một sự hiểu biết đích thực về vô thường.
Nếu, sau khi bạn suy nghĩ về việc làm thế nào để tu tập, bạn đi đến quyết định là bắt buộc bạn cần phải ẩn tu để công phu hành trì trong thời gian mấy tháng hoặc ngay cả trong thời gian mấy năm, thì bạn đang được thúc đẩy bởi sự hiểu biết của bạn về vô thường. Còn nếu cảm giác cấp bách này không được duy trì xuyên qua việc thường xuyên quán chiếu về cái tàn phá của vô thường thì rồi ra, công phu thực hành của bạn sẽ thui chột đi mất. Đó là lý do tại sao có nhiều người ẩn tu trong nhiều năm nhưng lại không kinh nghiệm được một dấu ấn nào cả trong cuộc đời của họ sau đó. Quán chiếu về vô thường không những thúc đẩy việc tu tập của bạn, mà còn là xăng nhớt cho tu tập.
Nếu bạn có được một cảm giác mạnh mẽ về sự tất đến của cái chết và về sự bất định khi cái chết xảy ra, bạn sẽ được thúc đẩy từ sâu bên trong. Cũng giống như là có một người bạn đang nhắc nhở bạn, "Hãy cẩn thận, hãy thành thực [với chính mình], một ngày nữa đang trôi qua."
Cũng có thể bạn sẽ rời nhà để xuất gia, sống đời sống trong tu viện. Nếu bạn đã xuất gia, bạn sẽ được ban cho một cái tên mới và y áo mới. Bạn cũng sẽ ít có những hoạt động bận rộn hơn; bạn sẽ phải thay đổi thái độ của bạn, hướng sự quan tâm của bạn đến những mục đích sâu sắc hơn. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp tục lăng xăng bận rộn với những sự việc hư ngụy của hiện tại – thức ăn ngon, quần áo tốt, nơi ăn chốn ở tốt lành hơn, những cuộc đối thoại vui vẻ, nhiều bạn bè, nhiều người quen, và ngay cả việc gây thù oán nếu có một ai đó làm một việc gì đó mà bạn không thích và rồi lại tranh cãi, dành lộn với nhau... Nếu mà bạn tiếp tục như thế thì thật sự bạn cũng chẳng khá gì hơn là trước khi bạn xuất gia sống đời sống trong tu viện, mà có khi lại còn tệ hại hơn nữa là đằng khác. Hãy nhớ rằng, hoàn toàn không đủ chín chắn đâu nếu bạn chỉ lánh xa những hoạt động hư ngụy ấy do bởi sự xấu hổ hoặc sự sợ hãi là có những người bạn đồng tu khác nghĩ xấu về bạn, mà sự thay đổi phải đến từ bên trong. Điều này hoàn toàn đúng và cần được áp dụng cho chư tăng, ni, và cả các cư sĩ nữa, cho tất cả ai đang hành trì giáo pháp.
Có thể bạn đang bị vây bủa bởi cảm giác tin tưởng vào sự vĩnh cửu, hoặc do bạn nghĩ rằng bạn chưa vội chết đâu mà, và nghĩ rằng trong lúc bạn vẫn còn sống thì bạn rất cần thức ăn ngon, cần quần áo và sự chuyện trò. Do bởi tham đắm vào những kết quả tuyệt vời của hiện tại, ngay cả nếu những điều này cũng chẳng có ý nghĩa là bao trên con đường dài, nhưng bạn vẫn sẵn sàng sử dụng đủ mọi loại mưu chước và thổi phồng mọi việc mà không biết xấu hổ để có thể đạt được những gì bạn muốn – cho vay lãi nặng, khinh rẻ bạn bè, kiện tụng, v.v. – tất cả cũng chỉ để tích lũy những sự dự trữ nhiều hơn là cần thiết cho bản thân.
Bởi vì bạn đã quăng ném đời bạn vào những hoạt động như thế, tiền của trở nên quyến rũ hơn là việc học hành, và ngay cả bạn có cố gắng tu tập hành trì đi nữa thì bạn cũng không mấy chú ý đến việc đó. Nếu một trang giấy rơi ra từ một quyển sách thì bạn có thể ngần ngại nhặt nó lên, nhưng nếu có một tờ giấy tiền nào đó rơi xuống trên mặt đất thì khỏi cần phải hỏi. Nếu bạn gặp những người thực sự dành trọn đời mình để theo đuổi những mục đích sâu xa thì có thể bạn nghĩ tốt về sự gắng công đầy lòng quy ngưỡng của họ, nhưng chỉ thế thôi; ngược lại, nếu bạn gặp một ai đó ăn vận quần áo đẹp đẽ lịch lãm, chưng diện của cải của họ, thì bạn lại khởi tâm mong muốn điều ấy, thèm thuồng điều ấy, hy vọng điều ấy – tất cả với nhiều và nhiều sự tham luyến hơn nữa. Cuối cùng, bạn sẽ làm bất cứ điều gì cần làm để đạt được những gì bạn khát khao.
Một khi bạn nhắm mục đích của mình vào những điều lộng lẫy của cuộc đời này thì các cảm xúc ô nhiễm của bạn sẽ tăng trưởng và sau đó, sẽ đưa đến thêm nhiều ác hạnh. Những cảm xúc tiêu cực, bất lợi này chỉ đưa đến toàn là những vấn đề, làm cho bạn và những người chung quanh mất thoải mái. Ngay cả nếu bạn đã học lướt qua phương cách thực hành các giai đoạn hành trì trên con đường dẫn đến giác ngộ thì bạn vẫn chỉ tiếp tục thu góm thêm nhiều vật chất và tiếp xúc với thêm nhiều người, đến mức độ gần giống như là bạn đang thực hành toàn những điều hư ngụy, mang tính cách bề ngoài của cuộc đời này, thiền định về việc nuôi dưỡng tham luyến cho bạn bè và sân hận cho kẻ thù, cố gắng tìm ra cách làm sao để hoàn thành được những cảm xúc ô nhiễm ấy. Vào thời điểm đó thì ngay cả bạn nghe được về những pháp tu chân chính, lợi lạc thì bạn sẽ có chiều hướng cảm thấy rằng, "Đúng rồi, là như thế, nhưng mà...." Tiếng "nhưng"này nối tiếp tiếng "nhưng" kia. Đúng thật, bạn đã trở nên quen thuộc gần gũi với các xúc cảm ô nhiễm khởi từ vô thủy vô chung của vòng luân 13 hồi, nhưng mà bây giờ thì bạn lại còn đặt thêm vào đó cái pháp hành của sự giả trá. Điều này làm cho hoàn cảnh của bạn càng tệ hại hơn, đưa bạn đi xa khỏi những gì thật sự có thể giúp cho bạn.
Bị sai sử bởi tham đắm, bạn sẽ chẳng tìm thấy an bình thoải mái. Bạn không làm được cho những người khác hạnh phúc –và chắc chắn không làm cho bản thân mình hạnh phúc. Càng ngày càng xoáy vào bản thân mình – "cái này của tôi, cái kia của tôi," "thân xác của tôi, tài của của tôi" – cho nên bất kỳ ai gây trở ngại cho bạn thì cũng sẽ lập tức trở thành đối tượng của sân hận. Cho dù bạn tin tưởng, nhắm vào "các bạn của tôi" và "bà con của tôi," nhưng bạn bè bà con của bạn chẳng thể giúp bạn trong lúc chào đời hoặc khi lìa đời; bạn đã một mình đến với cuộc đời này, và bạn sẽ một mình lìa khỏi cuộc đời này. Nếu vào ngày bạn phải lìa đời mà người bạn của bạn có thể theo chân bạn thì tình cảm tham ái còn khả dĩ xứng đáng, nhưng đằng này, làm sao như thế được. Đến khi bạn tái sinh trở lại trong một hoàn cảnh hoàn toàn xa lạ, nếu người bạn trong tiền kiếp ấy của bạn có thể giúp đỡ được gì đó cho bạn khi bạn chào đời trở lại thì điều này cũng cần phải xét lại, nhưng mà chẳng được là như thế. Vậy mà, trong giai đoạn ở giữa sự chào đời và sự lìa đời, trong nhiều thập niên qua thì đấy là "bạn của tôi," "chị gái của tôi," "em trai của tôi." Trọng tâm đặt lầm chỗ chẳng giúp ích gì được cho bạn cả, ngoài trừ việc tạo ra thêm nhiều bối rối hoang mang, nhiều tham ái và nhiều sân hận.
Nếu quan tâm quá sâu đậm đến bạn bè thì sự tập trung vào kẻ thù cũng sẽ sâu đậm tương đương như thế. Khi bạn chào đời, bạn chẳng quen biết ai cả và chẳng ai biết bạn cả. Ngay cả tất cả mọi người đều mong muốn hạnh phúc ngang bằng nhau và không muốn đau khổ cũng ngang bằng nhau, nhưng bạn lại ưa thích khuôn mặt của một số người và nghĩ rằng, "Đây là những người bạn của tôi, " và chán ghét khuôn mặt của một số người và nghĩ, "Đây là những kẻ thù của tôi." Bạn gán ghép căn cước và danh tánh cho lên những kẻ ấy và rồi cuối cùng, bạn thực hành việc khởi sinh lòng tham ái cho bằng hữu và lòng sân hận cho kẻ thù. Giá trị của việc này nằm ở đâu? Chẳng có giá trị gì hết. Vấn đề nằm ở chỗ quá nhiều năng lượng đã phải bị tiêu dùng cho những mối quan tâm hư dối, ở cái mức độ hời hợt bề ngoài, không sâu hơn là những sự việc giả trá của cuộc đời này là bao. Cái thâm diệu đã phải chào thua trước cái tầm thường.
Nếu bạn chưa từng tu tập hành trì và trong ngày lìa đời của bạn, thay vì có được một người nhắc nhở bạn về những thiện hạnh của bạn, bạn lại được bao vây bởi bằng hữu và những người thân yêu đang khóc lóc về những sự việc đang xảy ra cho bạn thì điều này sẽ chỉ đem lại nhiều vấn đề cho bạn mà thôi, và đấy chính là tự bạn đã có lỗi để cho bạn phải bị rơi vào hoàn cảnh như thế. Lỗi lầm nằm ở đâu? Ở chỗ bạn đã không tỉnh thức về vô thường.
NHỮNG LỢI LẠC CỦA VIỆC TỈNH THỨC
VỀ LẼ VÔ THƯỜNG
Tuy nhiên, nếu bạn không chờ đợi đến phút cuối để thấm thía với sự hiểu biết về cái chết, và ngay bây giờ, nếu bạn đã thực sự đánh giá được về hoàn cảnh của bạn thì bạn sẽ không bị những mục đích tạm bợ, hư giả của đời này đổ ập vào người bạn. Bạn sẽ không bỏ rơi những gì thực sự quan trọng trên đường dài. Là điều tốt lành hơn nếu bạn có thể quyết định ngay từ lúc khởi đầu rằng bạn sẽ chết và từ đó, khảo sát về những gì đáng giá. Nếu bạn giữ trong tâm bạn sự hiểu biết rằng cuộc đời này sẽ biến đi nhanh chóng như thế nào thì bạn sẽ trân quý thời gian có được và sẽ làm những điều có giá trị. Với cảm nhận mạnh mẽ về sự chắc chắn phải đến của cái chết, bạn sẽ cảm thấy nhu cầu của việc thực hành tu tập tâm linh, của việc hoàn thiện tâm thức của bạn và sẽ không phí phạm thời giờ trong những hoạt động phân hóa khác nhau, từ ăn uống cho đến chuyện trò vô bổ về chiến tranh, tình cảm nam nữ, hoặc ngồi lê đôi mách nói chuyện tầm phào.
Tất cả chúng sinh đều muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Chúng ta đã sử dụng nhiều trình độ, nhiều phương thức khác nhau để cởi bỏ những đau khổ mà ta không mong cầu trong các hình thức hời hợt hoặc sâu xa. Nhưng phần lớn đây là một tính cách rất con người khi ta tham dự vào những phương cách khác nhau lúc còn trẻ chỉ để làm sao thoát khỏi đau khổ khi về già. Đối với người thực hành tôn giáo, lẫn người không thực hành tôn giáo, cả hai đều đi tìm phương thức tránh bớt một số đau khổ và đoạn trừ một số đau khổ khác, đôi khi lại còn phải dựa vào cái đau như là một phương tiện để thoát khỏi những đau khổ to lớn hơn và [qua đó] đạt được một chút ít hạnh phúc.
Ai ai cũng muốn đoạn trừ cái đau hư giả bề ngoài, nhưng có một loại phương tiện khác liên quan đến việc đoạn trừ đau khổ ở một mức độ sâu xa hơn – ít nhất là cũng nhắm vào việc làm giảm thiểu đau khổ trong những đời tương lai, và xa hơn thế nữa, nhắm cả việc cắt bỏ hết mọi hình thức đau khổ cho bản thân và cho tất cả chúng sinh. Thực hành tâm linh chính là phương tiện sâu sắc để đoạn trừ đau khổ ấy.
Những phương tiện này gồm có việc chỉnh sửa lại thái độ của bạn, và qua đó, việc thực hành tâm linh chỉ thuần túy có nghĩa là chỉnh sửa luôn cả các tư tưởng trong bạn. Trong tiếng Phạn, đây chính là dharma (pháp), có nghĩa là "cái mà giữ lại được." Điều này có nghĩa là bằng cách chỉnh sửa các thái độ tiêu cực bất lợi, bạn thoát khỏi một mức độ đau khổ nào đó và nhờ đó mà giữ lại được, [không để bị rơi vào] đau khổ ấy. Việc thực hành tâm linh sẽ bảo vệ bạn, hay là giữ bạn lại và giữ những người khác lại, [không để bị rơi vào] vòng khổ não.
Khởi đầu khi đã có hiểu biết về hoàn cảnh của bản thân bạn trong luân hồi và tìm cách giữ cho bạn không bị rơi vào vòng đau khổ, thì sau đó, bạn nới rộng sự chứng ngộ này đến với những chúng sinh khác và phát triển lòng từ bi cho họ. Điều này có nghĩa là bạn hiến mình để giữ cho những chúng sinh ấy không bị rơi vào vòng khổ não. Đây là một điều thực tế cho chính bạn để giúp bạn có thể lo lắng bảo bọc cho nhiều chúng sinh khác, dù bạn chỉ là một cá nhân thôi. Nhưng đồng lúc, khi chú tâm đến sự an nguy của các chúng sinh khác thì chính bạn sẽ hạnh phúc hơn. Lòng từ bi làm giảm thiểu sự hoảng sợ của bạn trước chính cái đau của bạn và giúp cho sức mạnh bên trong bạn tăng trưởng. Điều này cho bạn cảm giác của sự gia lực và cảm giác rằng bạn có thể thành tựu được các công việc của mình. Điều ấy đem đến sự khích lệ cho bạn.
Bây giờ hãy để tôi cho bạn một ví dụ nhỏ. Mới đây, tôi ở Bồ Đề Đạo Tràng. Tôi đã bị bịnh vì chứng ung tấy đường ruột kinh niên. Trên đường đi đến bệnh viện, cái đau trong bụng tôi thực là kinh khủng, và tôi đã vả mồ hôi rất nhiều. Xe của chúng tôi đi ngang qua một vùng của Đỉnh Linh Thứu (đức Phật đã thuyết pháp tại đấy), nơi đây người dân làng hết sức nghèo khó. Nói chung, Tiểu Bang Bihar rất nghèo nhưng đặc biệt khu vực ấy lại còn nghèo hơn thế nữa. Tôi chẳng thấy những đứa trẻ đi học hoặc trở về từ trường học. Chỉ toàn là nghèo khó. Và bệnh tật. Tôi có một ký ức rất rõ rệt về một đứa bé trai bị bệnh bại liệt, nó có mang khung sắt rỉ sét bó trên chân cùng với một cặp nạng bằng sắt cao lên đến nách. Nhìn là cũng biết đứa bé trai ấy chẳng có ai chăm sóc cho nó. Tôi đã bị rất xúc động. Một thời gian ngắn sau đó, [tôi lại thấy] một ông lão già ở một quán trà, ông ta chỉ mặc có một mảnh áo dơ dáy, ông té lăn xuống đất và bị bỏ mặc nằm ở đó mà không thấy có một ai đến chăm sóc cho ông.
Sau đó, khi ở bệnh viện, tư tưởng tôi cứ tiếp tục xoay vòng quanh cảnh tượng mà tôi đã nhìn thấy, rồi tôi suy gẫm và nghĩ rằng thật là buồn quá khi ở đây tôi có người chăm sóc, trong khi những kẻ nghèo khó kia lại không một ai chăm sóc cho họ. Những tư tưởng trong đầu tôi hướng về chỗ ấy, thay vì hướng đến cái đau của tôi. Cho dù mồ hôi vả ra như tắm từ thân tôi, nhưng sự quan tâm của tôi lại đang nằm ở một chỗ khác.
Bằng cách đó, cho dù thân của tôi phải chịu đựng rất nhiều đau đớn (thành ruột của tôi có một cái lỗ xuyên thủng) làm cho tôi không thể nào ngủ được, nhưng tâm của tôi không chút đau khổ vì sợ hãi hay đau đớn khó chịu. Nếu tôi tập trung vào vấn đề của riêng mình thì chắc chắn là điều này sẽ làm cho hoàn cảnh của tôi càng thêm tệ hại. Đây là một ví dụ từ kinh nghiệm nhỏ bé của tôi để thấy là thái độ từ bi có thể giúp ta như thế nào, đè nén được phần nào sự đau đớn của thân vật lý và giữ cho tinh thần không bị kiệt quệ, cho dù những người khác chưa hẳn là có thể giúp cho ta một cách trực tiếp.
Lòng từ bi làm cho cái nhìn của bạn thêm vững mạnh, và với sự dũng cảm ấy, bạn sẽ cảm thấy thư giãn hơn. Khi cái nhìn của bạn bao gồm cả sự đau khổ của vô lượng chúng sinh thì cái đau của riêng bạn nếu đem so ra thì sẽ thấy tương đối nhỏ bé thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top