Anh ở tuổi thơ em

"Mình thì mình vẫn còn nhớ như in sự đáng yêu của người ấy, mà người ta có nhớ gì mình đâu? Duyên cớ gì khiến em gặp anh, rồi bây giờ đúng với mấy chữ người xa lạ."

Tôi post mấy dòng trạng thái lên facebook, rồi tắt máy vội vàng. Chắc non một tuần sau tôi không dám online nữa. Con gái phức tạp thế đấy, có tâm sự gì thì một  nửa muốn được chia sẻ, nửa còn lại là ý niệm chôn sâu nó thành bí mật. Tôi sợ bạn bè thăm hỏi, sợ buột miệng kể về anh. Nếu ai hỏi tôi ngoài gia đình, người mà tôi cho là tuyệt nhất là ai, thì tôi sẽ không ngần ngại trả lời là anh mặc dù trên Trái Đất đang quay không ngừng nghỉ này có biết bao con người giỏi giang kỳ diệu. 

 Anh hơn tôi hai tuổi. Hai năm đủ để con người ta trưởng thành nhiều lắm, miễn là cuộc đời cho phép. Và tôi đã mặc định như vậy, rằng  tạo hóa ưu đãi sinh anh ra trước, anh được trải nghiệm nhiều thứ hay ho ý nghĩa thì anh người lớn hơn tôi. Lúc còn học ở trường xã, anh là người đứng đầu từ cấp 1 lên đến cấp 2. Anh lặng lẽ, khiêm tốn nhưng ấm áp. Mãi về sau, tôi lại thêm hai từ nhút nhát và dễ thương vào từ điển miêu tả anh. Mà tôi chẳng có chút chắn chắc gì độ xác thực của chúng nếu chúng nói về anh của bây giờ.  Có lẽ là vì tôi và anh đã lớn, nhưng những ký ức của tôi hoặc là cứ dừng lại ngày ấy, hoặc là tự suy diễn từ anh của quá khứ.

Ngày ấy ấy à...?

Mười sáu năm trôi qua biến tôi thành thiếu nữ, thế nhưng ngần ấy thời gian chưa bao giờ tôi khắc sâu một lần tình cờ gặp gỡ nào hơn lúc quen biết anh. Một ngày nắng vàng rực rỡ năm tôi học lớp sáu, nắng thắm tươi hơn cả màu của hoa mai dịp tết, mà nắng lại ngọt ngào và trong xanh như mạ non dưới ruộng. Chúng tôi từ trường xã đạp xa quãng đường hơn năm cây số để dự Hội trại hè cho Đội viên ở một trường điểm khác. Lúc đi thầy Tổng phụ trách bảo chúng tôi đi theo cặp để khỏi mang nhiều xe. Tôi đi chung với Nhi, một đứa bạn khá thân, thân mãi đến một ngày nó bỗng thay đổi làm tôi không thích ứng kịp. Nhưng thôi, đó là chuyện của sau này. Tôi chỉ muốn nói là trong suốt quá trình thi, ăn trưa, ngủ nghỉ, tôi và anh không nói với nhau câu nào. Chỉ có tôi lén lút đưa mắt nhìn anh. Lúc chân ướt chân ráo đặt chân vào cấp hai, tôi nghe người ta kể về anh như một huyền thoại, siêng năng, học giỏi ngoan ngoãn, được nhiều thầy cô thương. Trúng phốc những gì con bé tôi ngày ấy hằng ao ước! Trên thế gian xuất hiện một người thế đấy, để rồi trái tim non nớt biết thế nào là ái mộ, thế nào là thần tượng. Tôi không như những cô gái cùng độ tuổi, idol của họ là ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc xinh đẹp lung linh, suốt thời thanh xuân bẽn lẽn trôi của tôi chỉ có anh, anh ảnh hưởng tôi một cách triệt để. Anh đi nhanh để tiết kiệm thời gian vào lớp, tôi cũng tập đi nhanh, tập leo ba tầng lầu với tốc độ ánh sáng. Anh không ăn quà vặt giữa giờ nghỉ, anh tập trung giải bài tập, thế là tôi ngậm ngùi chia tay những phút thời gian lãng phí tám chuyện cùng lũ bạn mà làm thân với cái ghế cái bàn, quyển tập cây bút giữa giờ ra chơi. Anh hay vào thư viện đọc sách, tôi thì không thích sách học thuật khô khan, tôi chỉ mê truyện, tiểu thuyết, nhưng tôi cũng lặng lẽ theo anh vào thư viện, nấp một góc nhìn anh, ngấu nghiến mấy mươi quyển sách để mong một ngày bắt chuyện với anh, tôi sẽ có chủ đề để nói. Rồi lớp tám tôi bị cận, tôi bỗng có một khao khát mãnh liệt, rằng sao anh cũng không cận đi, mình cùng nhau nhìn trí thức hơn!? Ấu trĩ đúng không, ái mộ một ai thì đúng hơn là phải mong ước họ được những điều tốt đẹp nhất. Nhưng lúc đó tôi vẫn còn trẻ con lắm. 

Tôi lan man quá. Tôi đang kể về cái hội trại hè đầy mộng mơ và hoài niệm nhỉ? Trại hè thì dĩ nhiên không phải là dựng cái trại giữa mùa hè rồi chui vào trong ấy mấy mươi cặp mắt nhìn nhau thắm thiết, mà là hàng loạt trò chơi, không thể xưa hơn nhưng không thể hấp dẫn hơn ở trường học bấy giờ, nổ ra: kéo co, đổ nước vào chai, nhảy bao bố, chạy xe đạp chậm. Mà không biết các bạn có hiểu sự cách biệt giữa một trường nhỏ và một trường điểm là gì không? Là khi chưa vào trận đã cảm thấy thật áp lực, làm sao mình thắng được 'tụi nó' đây? Anh chơi nhảy bao bố, đội trường anh thua, anh thua. Tôi chơi đổ nước vào chai. Luật chơi là dùng tay để hứng nước chạy thật nhanh đến đích, may thay, nếu dùng thìa lớn nhỏ các loại tôi không chắc mình sẽ thắng, nhưng trò  giữ nước trong lòng bàn tay cho nó không tràn ra và làm sao hứng được nhiều nước nhất là trò tôi hay thực hành nhất ở nhà. Thế là tôi tự tin hết sức bước vào vạch xuất phát, tự tin vượt qua cả rào cản trường điểm và trường nhỏ, thi đấu hết mình. Khi mực nước ngấp nghé cổ chai thì đến lượt tôi thi. Lúc co chân chuẩn bị chạy, tôi nghe tiếng ai hô:'Cố lên Trân ơi, đầy chai luôn! Cố lên!' Tôi cứ ngỡ là anh, thần tượng của mình đứng ngoài vòng thi đấu cổ vũ cho mình nên tôi thật cảm động, cũng thêm nhiều quyết tâm, sải chân càng rộng, cẩn thận đổ hết nước vào chai, và nó đầy thật! Đội trường thắng, tôi thắng. Hạnh phúc không phải vì vài ba bịch bánh ban tổ chức tặng, tôi vui vì mình đem lại một thành tích dù là nhỏ xíu cho trường, tôi vui vì trước mặt anh, tôi tài giỏi thế đấy! Còn về chuyện cổ vũ, lâu thật lâu những năm tháng tiếp nối hành trình làm kẻ theo dõi anh, chưa một lần tôi thấy anh hò hét giữa đám đông, nên đúng là nhiều khi mong ước quá, suy nghĩ quá có thể dẫn tới mộng mị ban ngày....

Hết ngày trại hè xanh tươi vui khỏe, chúng tôi lại chuẩn bị xe trở về. Lúc đó khoảng tầm hai ba giờ trưa gì đó, nắng còn vàng, còn tươi hơn buổi sáng. Thử tưởng tượng bạn sẽ phải cuốc bộ năm sáu cây số đường lộ dưới cái thời tiết như vậy, bạn sẽ thành ra cái dạng gì? Kinh khủng lắm đúng không? Thế mà tôi khi học lớp sáu đã suýt chút may mắn được trải nghiệm điều tuyệt vời ấy. Bạn Nhi nhẹ nhàng đi đến trước mặt tôi, nhẹ nhàng bảo tôi rằng:

- Ê Trân ơi tao đi đường tắt giữa đồng, rồi tới nhà tao tao quẹo vô luôn, mày kiếm ai đi chung đi nhe, chứ chở mày vô tới trường nữa mắc công quá à!

Nói xong bạn Nhi định đi thẳng, mà tôi khi ấy sao cảm thấy cuộc đời này quá khó hiểu nên gọi nó lại:

- Ủa sao mày nói gì kỳ vậy? Người ta ai cũng đi có đôi, mày kêu tao kiếm ai đi chung, tao đi với ai bây giờ? Với lại hồi nãy ở trường mày đâu có nói nhà mày ở dưới đây đâu, mày nói là tao không đi chung với mày rồi.

Tức thì nó tiếp lời tỉnh bơ:

- Thiếu gì thầy cô đó, với lại tao đâu biết Trại hè ở trường này đâu.

Nói xong, Nhi bỏ đi thẳng

Nhi nói xạo, nó không học chung với tôi từ hồi nhỏ, nó chuyển từ trường khác lên, mà ngôi trường khác ấy chính là ngôi trường vừa mới tổ chức trại hè đây. Chẳng lẽ khi nghe thầy Tổng phụ trách sinh hoạt, nó không biết là mình sẽ quay về trường cũ sao? Đó là lần thứ hai tôi nếm trải sự vứt bỏ của bạn bè, mà lần đầu tiên là hồi mẫu giáo giành bong bóng với thằng bạn, tôi hăng quá nên nó nước mắt ngắn dài bỏ tôi đi luôn, còn lần này, tôi đã sai điều gì? Phải chăng tôi chưa đủ tốt với Nhi, phải chăng giữa chúng tôi tình bạn chỉ là cái mác gá hờ cho thiên hạ biết, còn thực sự, nó chẳng xem tôi là bạn? Lúc đó, tôi chẳng ích kỷ, chẳng thu mình hay suy nghĩ vẩn vơ như tôi bây giờ. Tôi khi ấy vẫn bao dung, vẫn ngây thơ, vẫn cảm thông, rằng Nhi thật sự mệt mỏi sau một ngày dài chơi đùa, và nhà người ta gần thì người ta có quyền về trước, mình nhà xa nên đành chịu. Tôi không trách nó, nên tôi mới có thể làm bạn với nó hơn bốn năm sau nữa, nhưng tôi biết nếu đổi vị trí cho nhau, tôi sẽ không hành xử như nó. Lúc đó tôi cứ nghĩ vậy, nhưng bây giờ, tôi thấy mình thật ngốc khi  nhìn sự việc của con bé tôi lớp sáu bằng con mắt của tôi lớp mười một! Ừ thì phải thừa nhận một điều, sống ở nơi quá đỗi thanh bình, gia đình quá đỗi hạnh phúc, bạn bè quá đỗi đơn thuần so với nhiều nơi khác, vậy mà những góc cạnh vị tha, bao dung trong tôi đã bị người rồi người mài nhẵn, càng lớn càng nhẵn, càng khó biết cách cảm thông tha thứ khi mà xung quanh người ta tệ bạc với mình quá, và dù không bị mài nhẵn đi nữa, ngoài những góc cạnh ấy sẽ bị một lớp vỏ chắc chắn bọc lại, không để cho tôi khi lớn có thể yếu mềm, nên tôi mới cảm thấy xót xa cho mình ở quá khứ, chứ hồi đó, tôi có nghĩ gì đâu!

Tôi nhìn nó đạp xe với mấy đứa cùng xóm về nhà, nước mắt sắp rơi đến nơi. Người ta về ngày càng nhiều, tôi chạy lại nói với thầy Tổng phụ trách:

- Thầy ơi bạn Nhi về rồi, bạn Nhi không chở em về.

Ông thầy lóng nga lóng ngóng kêu trời:

- Trời ơi kỳ vậy, đi cặp với nhau mà nó bỏ em về rồi thầy làm sao đây!

Thầy xoay đầu, gọi một người thầy khác, người mà đang chủ nhiệm anh, và sau này khi tôi lớp tám, thầy cũng chủ nhiệm tôi:

- Nam ơi, em chở em học trò này về dùm tôi nhé, tôi còn chở hai đứa nữa!

- Ủa nhưng mà không có nón bảo hiểm rồi sao giờ? Chạy tới năm cây số lận á!

Thầy loay hoay tìm kiếm, tôi thì đực mặt ra. Cảm giác sao mình giống cục nợ quá! Lúc đó, mấy đứa học trò còn laị chỉ còn chị họ bằng tuổi và học chung lớp với tôi, một đứa cùng xóm đi chung xe với chị tôi và anh. Sao anh không về? Tôi không biết. Chị họ kéo tôi lại gần rồi nói:

- Nhờ anh Duy kìa, anh Duy đi một mình.

Thế là tôi đành hít sâu một hơi cho hơi nước lấp loáng khóe mi biến mất, rồi đỏ mặt chạy lại chỗ anh lí nhí:

- Anh Duy cho em đi chung xa về nha, tại con bạn em nó về trước rồi, nó nói nhà nó gần nó đi đường tắt...

Đại khái là, tôi không nhớ mình đã lảm nhảm gì nữa. Tôi chỉ nhớ anh cười. Anh cười ấm áp.

- Mà yên xe anh không biết có ngồi được không nữa!

- Hông sao, em sao cũng được.

Tôi chạy lại nói với thầy tôi có 'xe đi ké' rồi, thầy yên tâm gật đầu rồi chạy về. Nói về thầy, thầy cũng không tìm được cái nón bảo hiểm cho tôi, thầy cũng không làm anh hùng của tôi vào lần va chạm đầu tiên với sự nghiệt ngã của đời. Lúc đó tôi suýt ngẫm ra rằng cuộc sống này con người sống cho cá nhân, cái gì cũng tự mình đương đầu và giải quyết, thương người, người chẳng thương ta, gieo quả lành, ăn trái đắng. Nhưng có anh, nhờ anh! Nhờ anh tôi sẽ không bao giờ gieo vào đầu cảm xúc tiêu cực ấy, cảm xúc làm cho người ta sống thu mình, sống ngu ngốc hơn. Tôi còn phải cảm ơn Nhi, không nhờ nó, sao tôi được đi với anh. Tôi vội vội vàng vàng ngồi lên xe anh, như sợ bị bỏ lại. Anh cũng lên xe, rồi anh đạp xe, và ... anh không ... anh không chở tôi được.

- Đó giờ anh không quen chở người khác.

Tôi xấu hổ muốn chui xuống đất. Mặc dù anh hơi nhỏ con, như mà một đứa con gái làm sao mà để một thằng con trai chở không nổi. Tôi mặc cảm dễ sợ. Thế là sau đó tôi và anh đổi vai trò, tôi trở thành anh hùng, tôi chở anh vượt năm cây số. Đoạn đường năm cây số ấy, đến bây giờ vẫn chiếm ngôi đầu trong bảng xếp hạng những con đường đẹp nhất đời tôi. Chị họ tôi rủ:

- Đi đường tắt đi cho mát!

Con đường đó thật sự rất tuyệt, những cây bạch đàn, cây còng mọc dài theo con đường đất cứng cáp, mát rượi. Đường chạy sát ruộng, nghe được cả mùi mạ non ngọt ngọt trong xanh đưa theo hương gió, đường chân trời chạy xa tít tắp, vẽ nên một không gian mênh mông. Trời xanh mây trắng, gió thổi nhẹ, thỉnh thoảng nắng vàng lắt rắt rơi trên gương mặt tôi và anh. Tôi chở anh chạy qua những đống rơm đầy ụ của vụ mùa trước, thơm nức mùi ấm no. Tôi chở anh đi ngang qua những con trâu mập ú thung thăng gặm cỏ quá đỗi bình yên, tôi chở anh đi ngang qua những con dê kêu be be mà tôi sợ muốn chết, thế nhưng anh nói dễ thương. Tôi chở anh ngang qua một miền ký ức của con bé con ngây ngô...

Lãng mạn quá, thiết nghĩ nếu tôi là con trai và anh là con gái, anh có rung rinh trước tôi không, người đèo anh qua con đường mơ mộng? Sự thật là đứa con gái chở anh khi ấy dù làm sao cũng không gỡ bỏ được sự ái mộ đối với anh, anh có biết không anh ơi!

- Em bao nhiêu ký?

Anh bỗng nhiên hỏi, tôi thì suýt đâm xuống ruộng. Xấu hổ quá đi!

- À.. Ừm ..em 3x ký!

- Ừm còn anh 3y ký! Anh hơi kén ăn nên ốm vậy đó!

Chắc chắc là cái số x nó lớn hơn cái số y ấy! Cũng mừng là không phải cách nhau mấy mươi ký, cũng mừng không phải tại mình béo mà anh không chở nổi mình. 

Con đường mộng mơ vẫn còn phía trước, nhưng chúng tôi phải chia tay nó để về nhà. Không may làm sao, cả bốn đứa chưa ai một lần đi đường tắt nên không biết lối ra nào là chính xác nhất. Tôi bèn thể hiện tư chất lãnh đạo, chọn một ngã rẽ cho cả nhóm, thực chất là chọn bừa, nhưng thấy hãnh diện làm sao khi con hẻm ấy không phải ngõ cụt. Chúng tôi ra được đường lộ. Đoạn đường còn khoảng hơn một cây số, lúc chạy ngang qua một bến đò ngang, tôi 'điêu luyện' né những chiếc xe từ dưới bến chạy lên, chở anh cũng nặng lắm mà! Lúc đó, hình như tôi nghe anh nói:

- Em chạy xe hay thật, nếu là mấy bạn anh chắc không chạy được như vậy đâu...

Tim tôi đập rộn ràng. Tôi muốn cười lên, cười cho cả thế giới biết thần tượng của tôi xem trọng tôi thế đấy. Anh ơi, sao mà anh lúc ấy lại dễ thương ấm áp như vậy. Thỉnh thoảng nghĩ về phút giây ấy, tôi bần thần lo sợ, nhỡ lúc đó anh không nói như vậy, nhỡ lúc đó là ảo giác của tôi, thì sợ dây nối tôi và anh sẽ là gì đây? Anh sẽ quên tôi thôi một con nhóc quá giang kỳ quặc, còn tôi thì lấy gì nhớ con người của anh? Sự thật là sau lần đó, chúng tôi không gần nhau như vậy nữa. Tôi sống tròn vai một người hâm mộ, anh thì là idol cao xa vời vợi không thể nào bắt chuyện. Tôi ghét mình nhút nhát, nhút nhát ngay cả lần duy nhất được gần anh:

- Một lát em dừng xe trước cổng trường, anh chạy vô còn em đi bộ vô nha!

Tôi không biết vì sao mình làm vậy, nếu đổi lại bây giờ, dù bị mắng mặt dày tôi cũng bám anh không buông, làm thân với anh để rồi bây giờ không phải mang hai tiếng gọi thật đớn đau: người lạ. Thời gian qua, nó sẽ chẳng nhân từ quay trở lại. Năm anh lớp chín, tôi lớp bảy, anh làm Liên đội trưởng, nhiệm vụ cuối năm kiểm sổ chi đội của chúng tôi. Thế là tôi bỏ thời gian làm cái việc vô cùng nhàm chán là nắn nót viết từng chữ, tôi sợ anh chê tôi viết chữ xấu,  chữ anh thật sự đẹp, đẹp hơn mức cho phép của một đứa con trai. Năm đó anh cuối cấp, anh xa mái trường cấp 2 là cả một thế giới mới mở ra, liệu anh có còn nhớ tôi. Tôi phải làm sao để anh nhớ mình? Tôi cắm đầu học, học đến nhất khối nhất trường, học đến được xướng tên để bắt anh phải nghe tên tôi. Đến dịp mình chuyển cấp, tôi chọn trường anh đang học, tôi chọn cách lặng thinh theo dõi anh từ xa, chọn cách lấy anh làm động lực, chọn cách cố gắng bon chen nhất lớp đến anh nhớ, anh nhớ tôi, con bé tên Ngọc Trân!  Vậy mà, kết quả là bây giờ anh với tôi vẫn đôi người xa lạ.

Năm nay tôi mười một, cũng tức là anh đã vào đại học, cũng tức là cánh cổng hiện tại nó còn rộng hơn năm ấy. Anh khoa y, mà tôi lại đi kinh tế. Hai đường thẳng song song nó đi mãi rồi cũng cắt nhau ở vô cực, thế nhưng điểm chung nào cho hai vectơ không cùng nằm trên một mặt phẳng? 
Thanh xuân chưa qua mà đã để lại bao tiếc nuối, ai sẽ còn nhớ ai? Em sợ em quên anh, nên em mới viết lại. Em ghi cảm xúc trên giấy để nó không bị thời gian vô tình rửa trôi. Mặc dù hơi đau vì anh với em thật xa lạ, nhưng em cảm ơn anh đã xuất hiện trong cuộc đời em. Lối sống của anh, thái độ học tập, cử chỉ đối đời của anh luôn là bài học quí giá cho em. Một mai thành người lớn, mong là em của tương lai sẽ tìm thấy anh giữa dòng đời xuôi ngược.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top