Thầy Tăng Mở Nước
Câu truyện đến chỗ gay cấn nhất, Bố-Đại hòa thượng móc tay vào vách đá, một viên đá bật ra. Ông chĩa tay vào hốc, nước từ trong vọt ra có vòi. Ông há miệng cho nước bắn vào. Ông uống rất ngon lành. Ông hỏi Mỹ-Linh: - Con bé có uống không?
Không đợi nàng trả lời, ông chĩa ngón tay vào hốc. Nước vọt ra trúng vào miệng nàng. Nàng uống no rồi, ông lại cho vòi nước bắn vào người Thiệu-Thái. Đợi Thiệu-Thái uống xong, ông cầm viên đá lấp cái lỗ lại. Ông cười:
- Ta biết sau viên đá có suối ngầm, bèn tìm cách cậy đá ra, lấy nước uống. Thôi để ta thuật tiếp. Tự-Viễn dẫn hổ, báo đi khắp bảo điện tìm nhà sư cướp con nai của mình, mà không thấy. Khi ông đến chỗ tổ Pháp-Hiền, thấy tổ đang gõ mõ tụng kinh. Ông đẩy tổ một cái. Tổ không nhúc nhích. Ông vận sức đẩy cái nữa tổ cũng không nhúc nhích. Ông kinh ngạc, vì hàng ngày, ông đẩy một cái, đến voi cũng phải ngã. Cớ sao tổ không ngã. Ông hít hơi, đánh một hỗ quyền vào vai tổ. Ông cảm thấy trời long đất lở, mắt nảy đom đóm, trong tai những vo vo không ngừng. Ông kinh hòang, vận sức đánh một chiêu Hổ-quyền nữa. Lần này tay ông dính vào lưng tổ, gỡ không ra. Tổ chợt ngừng tụng kinh, nhìn ông mỉm cười : Con ngồi xuống đây. Chúng ta có duyên với nhau. Thế là Trần Tự-Viễn được tổ thu làm đệ tử. Ngược lại ông dạy ngoại công cho đồng môn Tiêu-sơn.
Mỹ-Linh như từ trong tối ra sáng:
- Thì ra thế. Con nghe người đời nói Ngọai công Tiêu-sơn phát xuất từ phái Đông-a là thế.
- Đúng. Sau, về già, Trần Tự-Viễn dẫn con cháu đến vùng Thiên-trường, lập ra phái Đông-a. Từ đó đến giờ trải 427 năm. Phái Đông-a nghiên cứu thêm về nội công. Phái Tiêu-sơn nghiên cứu thêm về ngọai công. Cho nên võ công hai phái khác biệt nhau, nhưng đại thể lại giống nhau là thế.
Thiệu-Thái ngẫm nghĩ một lúc, rồi hỏi:
- Đại sư đã chỉ cho biết rõ nguồn gốc phái Tiêu-sơn, Đông-a. Nhưng đại-sư vẫn chưa chỉ rõ cho biết nguồn gốc thầy tăng mở nước do đâu mà có.
Bố Đại cười:
- Khoan, khoan đã nào. Phái Tiêu-sơn chỉ dạy đệ tử thuộc tăng giới mà không dạy đệ tử tục gia. Truyền qua đời thứ tám, chưởng môn phái Tiêu-sơn là tổ Định-Không. Ngài thấy dân Việt bị cai trị trải gần tám trăm năm, điêu linh vô hạn. Cái họa bị đồng hóa sắp đến. Trong khi quan lại Trung-quốc sang cai trị, đều thuộc loại tàn ác. Ngài muốn lập lại nước Việt. Nhưng bấy giờ người Việt bị cai trị đã trên tám trăm năm, ý thức quốc gia không mấy người chú ý nữa. Ngài phải làm một cái gì cho ý thức ấy sống lại. Ngài đi khắp đất nước, tìm lấy một thế đất phát đế vương, rồi chờ thời cơ, ai có duyên trời cho sẽ được táng mả tổ tiên vào đó.
Mỹ-Linh hỏi:
- Thưa sư thúc tổ, ngài có phải chờ lâu không?
- Ngài không mất công lâu, đã thấy ngôi đất ấy tại làng Dịch-bảng. Ngài mới làm ngôi chùa gần ngôi đất, chùa đó tên Quỳnh-lâm (785) .Trong khi đào đất xây chùa, ngài tìm thấy mười cái khánh và một chiếc lư hương. Khi đem xuống sông rửa, một chiến khánh chìm mất. Ngài nói Mười chiếc là thập khẩu .Chữ thập với chữ khẩu thành chữ Cổ .Một chiếc rơi xuống tức thủy khứ viết chung lại thành chữ pháp. Ngài đặt tên cho thế đất đó tên Cổ-pháp. Ngài nói thế đất này sau sẽ nảy sinh ra một vị đế vương. Ngài làm bài thơ ghi lại sự kiện ấy:
Địa trình pháp khí,
Nhất phẩm tinh đồng.
Tri Phật pháp chi hưng long,
Lập hương danh chi Cổ-pháp.
Pháp khí xuất hiện,
Thập khẩu đồng chung,
Lý hưng vương, tam khấu thành công.
Thiệu-Thái không thông Hán-văn, chàng đưa mắt nhìn Mỹ-Linh cầu cứu. Mỹ-Linh giải thích :
- Bài thơ trên tạm dịch như sau:
Đất trình ra pháp khí,
Phẩm chất lại tinh đồng.
Phật pháp sắp hưng long,
Làng mang tên Cổ-pháp.
Pháp khí lại cùng hiện,
Gồm mười chiếc khánh đồng,
Họ Lý làm vua, ba phẩm thành công.
Bố Đại tiếp:
- Khi tổ Định-Không viên tịch, ngài trối trăn lại cho đệ tử là tổ Thông-Biện rằng Thế đất linh này phải coi sóc cẩn thận. Đừng để người ta phá đi. Cũng đừng để người ta đem xương chôn trộm vào. Tổ Định-Không gìn gĩư trọn vẹn. Khi tổ viên tịch, trối lại cho tổ La Qúi-An (852-936). Trong thời tổ La Qúi-An, thế đất này vượng qúa, chiếu sáng rực lên không. Bên Trung-quốc, các quan Thiên-văn nhìn rõ, tâu lên vua Đường Ý-tông (860-873). Vua Đường nghĩ lại thời vua Trưng, Lĩnh-Nam hùng mạnh làm nghiêng ngả giang sơn nhà Hán. Vua sai quan Thái-sử Cao-Biền sang làm An-nam đô hộ. Trước khi Biền đi, vua ban chỉ dụ An-Nam hiện có nhiều thế đất vượng đế vương. Khanh sang ếm hết đi. Sau đó vẽ bản đồ đem về cho trẫm xem. Biền đến đất Việt, qua núi sông nào có vượng khí y ếm hết. Biền tâu về rằng các thế đất ếm được cả. Duy núi Tản-viên không ếm được. Tổ La Qúi-An biết Biền đào lỗ 19 chỗ, ếm thế đất Cổ-pháp. Tổ bèn lấp lại cả. Trong khi lấp, tổ trồng mười chín cây lê. Đêm đó tổ nhập thiền, rồi làm một bài kệ tiên đoán tương lai đất nước như sau:
Đại sơn long đầu khởi,
Cù vĩ ẩn chu minh.
Thập bát tử định thành,
Đào thụ hiện long hình.
Thố kê thử nguyệt nội,
Định kiến nhật xuất thanh.
Bố-Đại ngừng lại hỏi Mỹ-Linh:
- Con nhí. Hiểu không?
Mỹ-Linh đáp:
- Đệ tử thấy nghĩa tối quá. Đệ tử hiểu như thề này: đầu rồng nổi lên ở núi lớn. Đuôi rồng dấu sự thịnh vương. Mười tám người sẽ thành công.
Cây đào hiện ra hình rồng. Trong tháng thỏ, gà, chuột, sẽ thấy mặt trời mọc lên trong trẻo.
Bố-Đại võ tay vào bụng kêu bồm bộp:
- Đại sơn long đầu khởi, chỉ vào việc Lê Hòan lên ngôi vua vào năm Canh-thìn (980). Suốt thời gian hai mươi bốn năm thịnh vượng. Cho đến cuối năm Giáp-thìn (1004) linh khí hết. Đó là năm vua Lê lâm bệnh, rồi năm sau băng. Thập bát tử thành để chỉ họ Lý. Chữ Lý gồm chữ thập, chữ bát , chừ tử . Đào thụ hiện long hình, chỉ vào việc Tín-nghiã hầu Đào Cam-Mộc, người khuyên Lý Công-Uẩn lên ngôi vua. Thố, kê, thử nguyệt nội. Thố là con thỏ, kê là con gà, thử là con chuột. Câu này ý nói trong tháng thỏ tức tháng hai, tháng gà tức tháng tám, tháng chuột tức tháng mười một. Trong ba tháng đó, nhà Lý dựng nghiệp, như mặt trời mọc lên trên bầu trời trong sáng.
Mỹ-Linh được nghe về nguồn gốc sự dựng nghiệp của ông nội mình, nàng không ngờ ngài La-qúi-An sống trước ông nội trên trăm năm mà đã biệt việc mai sau. Nàng hỏi:
- Bấy giờ có ai giải được ẩn nghĩa này không?
- Không. Ngài La Quí-An còn quyên góp vàng bạc, đem chôn, dặn đệ tử khi nào có cuộc khởi binh, hãy mang ra dùng.
Thiệu-Thái hỏi:
- Đại sư nói rằng thế đất đó do phái Tiêu-sơn trông coi. Trong chùa lúc nào cũng có hàng trăm đệ tử, thế thì ai đến thế đất đó mà táng được?
Bố Đại cười:
- Thế mà tổ tiên họ Lý táng được mới kỳ. Nguyên ông thân sinh ra Lý Công-Uẩn không biết họ gì. Ông là người làm ruộng cho chùa. Một ngày ông làm ruộng xong, mệt quá, lại nhân trời lạnh, ông thấy một hàng rào, rào xung quanh một cái hố. Ông vào đó nằm ngủ, rồi chết luôn. Mối đùn đất lên che phủ người ông. Chiều người nhà không thấy ông về, đi tìm, mới hay ông chết. Các tổ Tiêu-sơn thấy vậy, cho rằng ông có phúc được hưởng. Lệnh lấy đất đắp quanh mộ để bảo vệ. Vì vậy con cháu mới phát lên được. Bấy giờ Công-Uẩn mồ côi cha, được sư điệt ta là Lý Khánh-Vân nhận làm con nuôi, cho y mang họ Lý. Do ngôi mộ của bố phát phúc Uẩn mới phát lên được. Sau này Công-Uẩn lên ngôi vua truy phong cho bố làm Hiển-khánh đại vương. Y là người hiếu thuận, nên không trở lại họ mình, vẫn giữ họ Lý của nghĩa phụ.
Thiệu-Thái hỏi:
- Khi ngoại tổ của đệ tử được trời táng vào thế đất đó, hào quang ắt chiếu lên mây. Người Hoa họ không biết sao? Họ biết chắc sẽ tìm mà phá chứ?
Bố-Đại lắc đầu:
- Phá sao được, vì đệ tử Tiêu-sơn có hàng nghìn, võ công cao cường. Sau khi ngôi mộ kết phát, đem đêm thần linh tụ hội, chầu vào đó. Vạn-Hạnh nhập thiền xuất hồn, được thần linh ban cho bốn bài thơ. Để ta đọc cho mà nghe.
Ngài đọc lớn:
Chính Nam Phù-ninh hộ trạch thần,
Vinh thế nam nữ xuất đa nhân.
Thiên-đức phú quí mãn ốc thịnh,
Bát phương, hội nữ thường xuất quân.
Mỹ-Linh nghe xong, mắt nàng sáng ngời:
- Như vậy thần linh báo trước việc ông nội đệ tử được thần nhân phù trợ.
Thiệu-Thái ngơ ngác hỏi:
- Mấy câu thơ trên nghĩa là gì vậy?
Mỹ-Linh giảng:
- Hướng chính Nam của đất Thiên-đức là Phù-ninh, có thần bảo hộ. Thiên-đức tức là châu Cổ-pháp, lộ Bắc-giang, quê của ông nội. Bốn câu này ý nói: ở hướng chính Nam là đất Phù-ninh có thần bảo hộ. Trai gái đều có tài làm vẻ vang cho đời. Trai ý chỉ vào ông nội cùng Vũ-Uy vương, Dực-Thánh vương. Còn nữ ý chỉ thái cô Tịnh-Huyền. Đất Thiên-đức khắp mọi nhà đều giầu sang thịnh vượng. Khi ngôi sao nữ xuất hiện giữa tám phương trời ắt thánh quân xuất hiện. Câu này em không hiểu.
Bố-Đại gật đầu:
- Con nhí không hiểu à? Tám phương là gì? Chính là Càn, Khảm, Cấn, Trấn, Tốn, Ly, Khôn, Đòai. Sao nữ ứng với cung Khôn là phương Nam, tức năm Bính-ngọ (1006) năm mà Lý Công-Uẩn được phong chức tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.
Mỹ-Linh nghe Bố Đại nói về nguồn gốc tổ tiên mình, nàng mới rõ nguyên nhân tại sao ông nội nàng lại tôn trọng đạo Phật như thế. Nàng hỏi:
- Thái sư thúc tổ.Như vậy người là đệ tử của tổ La Quý-An sao?
- Đúng. Sư phụ ta có bốn đệ tử. Đứng đầu là Thiền-Ông thứ đến Sùng-Phạm, Pháp-Bảo. Ta nhỏ nhất. Ngay từ khi sư phụ ta còn tại thế. Người thấy nếu cứ thu đệ tử tăng-lữ, làm sao có nhân tài cứu nước. Từ đấy người ra lệnh cho các đệ tử thu thực nhiều tục gia đệ tử. Do vậy mới có nhiều anh tài cho cuộc khởi binh của Dương Diên-Nghệ, Ngô Quyền, Đinh Tiên-Hoàng. Nhất là đủ nhân tài giúp Lê Hoàn đánh Tống cùng giúp Lý Công-Uẩn lập thành triều đại lâu dài. Từ những việc ấy, người đời dùng danh xưng thầy tăng mở nước để nói về cuộc mưu phục hồi đất Việt lâu dài của phái Tiêu-sơn.
Mỹ-Linh tìm thấy ở Bố Đại hòa thượng tính hồn nhiên như trẻ con. Tên sư tổ, sư phụ, ông gọi thẳng ra, chẳng kiêng cữ gì cả. Ông nội nàng đường đường đương kim thiên tử, mà ông cũng gọi tên tục, không úy kị.
Nhà sư nhìn qua cửa sổ:
- Có lẽ sắp Ngọ rồi đấy. Các người mau ra cửa hang đi. Sẽ có người đem cơm cho các người ăn. Ăn xong rồi vào đây nói truyện với ta.
Mỹ-Linh cùng Thiệu-Thái trở ra. Cửa hang không rộng cho lắm. Cánh cửa bằng những song sắt lớn hơn ngón tay cái. Ngoài song cửa, ánh nắng hè chiếu xuống rằng cây xanh biếc. Gió núi thổi vào đem theo hương thơm hoa rừng ngào ngạt. Thiệu-Thái hỏi Mỹ-Linh:
- Em thử đóan xem Nguyên-Hạnh có giết bọn mình không?
- Giết. Nhất định y phải giết. Bằng không chúng mình thoát ra được, y sẽ bị tru di tam tộc. Hoặc nhẹ ra cũng bị xẻo từng miếng thịt một. Luật bản triều đối với tội phản quốc nặng lắm.
Mỹ-Linh nói sẽ:
- Bây giờ em cứ giả tảng như còn bệnh nàm dài ra đây. Anh cũng phải giả vờ lo lắng, để đánh lừa tụi nó. Theo như bà Đỗ Lệ-Thanh, tối thế nào bọn chúng cũng phải đến đem bà đi coi Nguyên-Hạnh với Cao Thạch-Phụng hành lạc. Bấy giờ chúng phải qua chỗ chúng mình. Anh em mình nhân đó đào thóat.
Mỹ-Linh giả bộ nằm dài ra, thiêm thiếp ngủ. Còn Thân Thiệu-Thái ngồi ôm gối, ủ rũ.
Không cần chờ lâu, đúng như lời Bố Đại đoán, có một toán thiếu-nữ Hồng-hương đi cùng Cao Thạch-Phụng gánh cơm, nước đến cho tù nhân. Bọn thiếu nữ đem để những bát cơm, bình nước trước cửa các nhà tù. Khi chúng tới cửa phòng giam Mỹ-Linh, thì Cao Thạch-Phụng dòm vào hỏi:
- Thằng đần kia. Con nha đầu ra sao?
Thiệu-Thái thở dài:
- Còn ra sao nữa! Mửa ra máu, hơi thở yếu ớt không biết có qua khỏi đêm nay không?
Cao Thạch-Phụng nhìn vào, thấy quần áo Mỹ-Linh bê bết những máu. Y thị tin liền, sai thiếu nữ Hồng-hương để cơm trước cửa cho hai người rồi đi. Hai người lấy cơm ra ăn. Đợi trời tối lại vào trong nói truyện với Bố-Đại hòa thượng. Thiệu-Thái chỉ sang phòng bên cạnh hỏi Bố Đại:
- Đại sư. Còn ai bị giam bên này vậy?
- Sư huynh của ta đó. Người có pháp danh Sùng-Phạm.
Mỹ-Linh hỏi lại:
- Là thái sư thúc tổ Sùng-Phạm. Tại sao Nguyên-Hạnh lại giam người?
- Vì y điên. Sư huynh cũng như ta luyện được thuật xuất hồn. Nguyên-Hạnh muốn chúng ta truyền cho y. Nhưng y ngu qúa. Thuật này chỉ có người giác ngộ đắc đạo mới học được. Chứ còn người như y tham, sân, si đầy rẫy làm sao xuất được? Vì vậy y giam chúng ta hòai.
Mỹ-Linh nắm lấy tay Bố Đại giật mạnh:
- Thái sư thúc tổ. Vì người xuất hồn được, nên biết hết mọi việc của đệ tử phải không?
- Đúng. Cách đây mấy tháng, ta xuất hồn đi chơi, thấy con bé đến chùa, ta sợ con bé bị Nguyên-Hạnh hại. Ta xuất hồn theo sát. Tất cả những việc con bé làm ta đều biết hết.
Bây giờ Thiệu-Thái mới hiểu tại sao lúc chàng vừa vào ông đã biết
hết truyện của mình. Ông ở trong phòng, xuất hồn, thấy rõ tình trạng Mỹ-Linh. Chàng thấy hối hận đã nghĩ oan cho ông.
Bố Đại vỗ bụng bồm bộp:
- Con bé có biết không? Lần trước ba đứa vào rừng săn gà, nai nướng ăn. Các người ngồi sờ sờ ra đó, bị người ta cắt mất nửa con nai mà không biết. Con bé có biết ai làm truyện đó không?
Mỹ-Linh nhớ ra truyện cũ, nàng hỏi:
- Đúng rồi, hôm ấy đệ tử cùng Thanh-Mai, Bảo-Hòa, ăn gà xong rồi, quay lại mất nửa con nai nướng. Không biết ai ăn vụng. Thái sư thúc tổ có biết quái nhân nào không?
- Ta biết người cắt nửa con nai nướng. Người đó chỉ cắt, mà không ăn vụng. Vì y ăn chay.
- À, một hoà thượng? Không biết pháp danh thế nào?
- Còn ai vào đấy nữa. Thằng cu con Lý-long-Bồ nhờ Huệ-Sinh theo dõi, rồi trong khi bọn ba đứa không để ý, y cắt nửa con nai.
Nghe Bố-Đại nói Mỹ-Linh cảm động trong lòng:
- Chú ta thực chu đáo. Chú ẩn thân, làm bọn Tống không biết đâu mà lường. Chú nhờ thân mẫu Bảo-Hòa ra lệnh cho bọn ta dò thám. Dù bọn ta có làm lộ ra, thì bọn Tống vẫn tưởng rằng lệnh của cô ta. Rồi sợ chúng ta không an tâm, người bầy ra trò ú tim trộm thịt nai, như vậy chúng ta biết có cao nhân người nhà bên cạnh, an lòng hành sự.
Thiệu-Thái ngơ ngẩn xuất thần:
- Xuất hồn như vậy có khác với chết không nhỉ?
Bố Đại cười khúc khích:
- Con lợn ơi. Xuất hồn là khi những người tu Thiền đắc quả. Hồn rời khỏi xác bay đi khắp bốn phương. Khi muốn, lại trở về nhập vào xác. Còn chết là khi cơ thể mục, một trong các bộ phận bất tòan. Bấy gìơ hồn mới lìa khỏi xác, phiêu phiêu tưởng tưởng rồi đi đầu thai.
Mỹ-Linh chợt nhớ lại một lần nàng thảo luận với sư-phụ, và thái-cô về các thiền sư Tiêu-sơn đắc đạo. Hôm nay gặp Bố Đại hòa thượng, nàng phải hỏi cho rõ ràng hơn:
- Thái sư thức tổ. Kiếp trước thái sư thúc tổ là ai vậy?
- Ta là ta. Mà ta cũng chẳng là ai hết. Hết thảy đều là không. Ta định khi nào cái xác này mục, ta sẽ đầu thai trở lại, làm người Việt nữa, quyết xây dựng đất nước này cho chắc, rồi mới đi luôn. Cũng như gã Minh-Không, chưởng môn phái Tiêu-sơn. Gã nguyên sinh tại Tây-trúc, là một Bồ-tát đại đệ tử của Như-Lai tên Tu-bồ-Đề.
Nghe đến tên Tu-bồ-Đề, Mỹ-Linh bật lên tiếng kinh ngạc:
- Tu-bồ-Đề à? Không ngờ ngài cũng giáng sinh vào Đại-Việt. Hạnh nguyện của ngài ra sao?
- Con nhí ngạc nhiên lắm sao? Ta cho mi biết tất cả mười đệ tử của Như-Lai đều thay nhau đầu thai vào Đại-Việt. Minh-Không này mới là Minh-Không thứ nhất. Y sẽ còn đầu thai hai kiếp liên tiếp nữa, cũng giữ nguyên pháp danh.
Ông chỉ vào phòng giam Sùng-Phạm:
- Sư huynh ta hồi này thần rất tốt, mà thể không khá. Người định xuất hồn đi luôn. Ngặt vì một đời luyện Thiền-công, khi không bỏ đi thì tiếc. Vì vậy người định tìm lấy một xác nào khỏe mạnh, cho hết công lực. Người có duyên ấy phiêu bạt lên Bắc-biên, bây giờ mới tới.
⬔Mỹ-Linh nghĩ đến một truyện:
- Thái sư thúc tổ. Ví thử bây giờ người chờ lúc Nguyên-Hạnh ngủ, người đuổi hồn hắn ra, nhập vào xác hắn có được không?
- Không được. Hồn chúng ta xuất ra chỉ có thể tìm những trẻ vừa sinh ra, có xác mà không hồn, nhập vào.
Có tiếng trầm trầm trong phòng Sùng-Phạm vọng ra:
- Con nhí không hiểu gì cả. Để ta nói cho mà nghe.
Ông vẫy tay gọi Thân Thiệu-Thái:
- Người lại đây.
Cái vẫy của ông làm Thiệu-Thái không tự chủ được, người chàng bị kéo về phía ông. Ông cầm tay chàng. Tay bóp vào huyệt Nội-quan. Người chàng bủn rủn không còn lực. Ông gật đầu:
- Thực là đại duyên, ta mới gặp con. Thời gian của ta chẳng còn được bao lâu nữa, để ta nói cho con nghe về việc xuất hồn đầu thai. Phàm khi người ta chết đi. Hồn phách phơi phới, u u mê mê, rồi đi đầu thai. Đầu thai vào cơ thể mới, ít người nhớ lại được tiền kiếp. Chỉ những người tu thiền lâu, hoặc linh mẫn, kiếp sau còn nhớ được một phần những gì kiếp này biết. Còn nếu tu đắc qủa, xuất hồn, khi nhập xác trẻ sơ sinh, mình vẫn còn nhớ hầu hết những gì kiếp trước. Nhưng ở trong xác trẻ, phải chịu cái thơ ấu của xác, nói không được. Rồi lúc lớn lên mới xử dụng kiến thức kiếp trước cộng với kiến thức thu thập kiếp này. Tuổi để hồi tưởng hòan toàn kiếp trước thường từ 12 tới 16. Tuổi đó mình nhớ hết bố, mẹ, anh, em, thầy, học trò, cũng như kẻ thù.
Ông vỗ tay lên vai Thiệu-Thái:
- Ta bị Nguyên-Hạnh giam, bởi kiếp trước ta đã bắt giam con chồn hôi trong hang đá. Kiếp này nó đòi nợ. Ta phải trả. Nếu ta chống lại, các kiếp kế tục nó sẽ đòi ta nữa.
Ông vỗ vai Thiệu-Thái:
- Hôm nay, ta tìm được con, thu con làm đệ tử, ta mừng lắm. Xác ta mục quá rồi, ta phải xuất hồn đi luôn. Tuy nhiên ta tiếc công lực tu luyện từ sáu tuổi. Bây giờ bỏ xác ra đi, uổng phí quá. Vậy ta cho con hết. Con hãy quì xuống làm lễ bái sư đi.
Thiệu-Thái quì xuống lạy tám lạy, gọi:
- Đại sư, cháu không thể bái đại sư làm sư phụ được. Vì cháu đã có sư phụ rồi. Sư phụ của cháu là ông nội cháu. Nếu cháu bái đại sư làm sư phụ, e ông nội cháu đánh chết.
Sùng-Phạm mỉm cười:
- Đành vậy. Tiểu thí chủ. Bàn tăng thấy tiểu thí chủ có nhiều phúc trạch quá, nên đem một trăm năm công lực truyền cho thí chủ. Vậy thí chủ hãy quì xuống thề rằng sẽ dùng công lực này khuông phò Đại-Việt, cùng cứu khốn phò nguy.
Thiệu-Thái định từ chối, nhưng chàng thấy Mỹ-Linh nháy mắt ra hiệu, chàng đành nói:
- Không cần đại sư truyền công lực, suốt đời cháu cũng chỉ lo bảo vệ Đại-Việt.
- Tốt quá! Tốt quá. Thí chủ ngồi lại đây, bần tăng nói cho nghe.
Thiệu-Thái ngồi gần lại bên cửa của Sùng-Phạm. Ông cầm tay chàng bắt mạch, rồi nói:
- Thí chủ đã luyện tập võ công Tây-vu. Võ công Tây-vu khởi từ thời vua Bà, lấy leo trèo, bay nhảy, bắt chước thú rừng làm khởi điểm. Sau này kiêm thêm một ít võ công Tản-viên. Trải trên ngàn năm qua, các đời sau nghiên cứu rộng thêm ra, mà thành hệ thống. Hà khó quá.
Bố-Đại hòa thượng cười toe toét:
- Khó mà thành được, mới đúng hạnh ngộ.
Mỹ-Linh hỏi:
- Thái sư thúc tổ, tại sao lại khó?
- Sư huynh ta muốn đem trăm năm công lực rót vào người con lợn. Con lợn không cần luyện tập, có công lực mạnh ngang với bọn ta. Nhưng có nhiều cái khó khăn. Một là Thiền-công Tiêu-sơn từ trước đến giờ chia thành hai phần. Một phần dạy cho bất cứ người nào luyện cũng thành. Thằng cu Lý Công-Uẩn, Lý Long-Bồ luyện loại này. Đó là Thiền-lực. Còn một loại nữa chỉ truyền cho đệ tử xuất gia, bao gồm Thiền-lực lẫn Thiền-tuệ. Công lực của sư huynh ta thuộc loại này. Khi luyện Thiền-tuệ cần phải ăn chay.
Mỹ-Linh à lên một tiếng:
- Đệ tử hiểu rồi. Thiền-công trong người sư thúc tổ là Thiền-công của người ăn chay. Bây giờ truyền vào cơ thể anh Thiệu-Thái, e có chỗ không ổn.
Đỗ Lệ-Thanh nói vọng sang:
- Nếu bây giờ lão hòa thượng kia truyền hết Thiền-công cho anh cô. Thiền-công đó sẽ giống như vàng ma đem chôn cất, như người mặc áo gấm đi đêm, không phát huy được.
Bố-Đại tiếp:
- Lẽ không ổn thứ nhì là con lợn chưa qui y Tam-bảo, cũng chưa luyện Thiền-công, thành ra không biết phát lực, ví như đứa trẻ ngồi bên kho gạo, mà chịu chết đói vậy.
Ông nói với sư huynh:
- Ta cần người có tâm đạo. Con lợn có tâm đạo là đủ. Nó lại phúc trạch không chừng. Biết đâu sau này không gặp cơ duyên nào đó, giải được hai điều khó khăn kia?
Sùng-Phạm hít một hơi chân khí, hai tay nắm song sắt kéo mạnh. Song sắt dãn ra. Ông chuồn sang hang đá cả Thiệu-Thái. Đỗ-Lệ-Thanh nói vọng sang:
- Đại sư. Đại sư kéo song sắt cứu đệ tử với!
Sùng-Phạm vẫy tay:
- Thí chủ đừng vội. Vận hạn thí chủ còn ba ngày nữa mới hết. Sau ba ngày đó, tự nhiên có người đến cứu thí chủ.
Ông bảo Thiệu-Thái:
- Con ngồi yên. Nếu thấy trong người ngứa ngáy cũng không được chống lại, không được lên tiếng.
Nói dứt lời ông bảo Thiệu-Thái xòe bàn tay ra. Ông ấp hai bàn tay vào bàn tay chàng:
- Con buông lỏng chân khí, nhắm mắt lại.
Thiệu-Thái vừa nhắm mắt, chàng cảm thấy người như đi trên mây, khi nóng, khi lạnh. Cứ như thế kéo dài cho đến khi chàng mê đi không biết gì nữa. Rồi chàng mơ mơ tỉnh tỉnh thức dậy.
Trước mặt chàng, Mỹ-Linh đang quỳ gối đọc kinh. Bên kia Bố Đại hòa thượng cũng đang đọc kinh vãng sinh. Chàng hỏi Mỹ-Linh:
- Cái gì đã xẩy ra?
Mỹ-Linh khóc:
- Thái sư thúc tổ Sùng-Phạm muốn thoát hồn đi lâu rồi. Ngặt vì người tiếc gần một trăm năm luyện Thiền-công, bỏ đi thì tiếc. Người có ý tìm một thân thể khỏe mạnh truyền cho, rồi nhập diệt. Người tìm thấy anh, truyền cho anh hết công lực. Người sắp đi rồi.
Thiệu-Thái nhìn lại quả thấy xác Sùng-Phạm vẫn ngồi trong tư thế Kiết-già. Miệng nở nụ cười từ ái. Chàng qùi gối xuống lễ tám lễ, rồi khấn:
- Sư phụ dạy rằng sư phụ sẽ trở lại làm người Đại-Việt để xây dựng đất nước. Con xin nguyện sẽ đem tất cả tâm trí ra giữ gìn non sông này.
Sùng-Phạm nói rất nhỏ:
- Thân thí chủ, ta đọc cho người nghe một bài sấm ký, khi ta xuất hồn lần đầu, đã khải ngộ, làm ra. Người theo đó, mà biết lẽ biến động của trời đất.
Ngài đọc, thanh âm rất nhỏ:
Thụ mộc diểu diểu,
Mộc biểu thanh thanh,
Hòa đao mộc lạc,
Thập bát tử thành.
Đông-a nhập địa,
Dị mộc tái sinh.
Chấn cung hiện nhật.
Đoài cung ẩn tinh.
Lục thất niên gian,
Thiên hạ thái bình.
Thiệu-Thái ngơ ngác, hỏi:
- Đại sư, đệ tử không hiểu ý nghĩa mấy câu kệ này.
Sùng-Phạm đọc sang tiếng Việt:
Gốc cây thăm thẳm,
Cành cây xanh xanh,
Cây lê ngã xuống,
Mười tám người thành.
Điều này ứng rồi đó. Thụ là cây. Căn là gốc. Thọ căn là gốc cây. Trong một nước cũng giồng như cây. Vua là gốc cây. Diểu đồng âm với yểu. Yểu là chết non. Mộc biểu thanh thanh là cành cây tươi tốt. Cành cây là quan, là bầy tôi. Thanh còn đọc là thinh, đồng âm với chữ thịnh. Như vậy một trong các bầy tôi sẽ lên làm vua. Hòa đạo mộc lạc nghĩa là chữ hòa hợp với chữ đao chữ mộc thành chữ Lê . Như vậy là nhà Lê xuống. Thập bát tử là chữ Lý . Vậy mấy câu này ứng với việc nhà Lê mất ngôi về nhà Lý.
Đến đó tiếng ngài nhỏ dần, trên môi ngài nở nụ cười, mắt nhắm lại. Một tia sáng chói từ đỉnh đầu Sùng-Phạm vọt ra cửa, có tiếng kêu o o vang dội.
Mỹ-Linh hỏi:
- Thái sư thúc tổ, rồi sao nữa?
Không thấy ngài trả lời. Bố-Đại hoà thượng lâm râm đọc kinh vãng sinh, ngài bảo Mỹ-Linh:
- Sư huynh ta đi rồi. Ta thấy điểm sáng bay về phương Bắc. Giờ này người đã nhập vào một hài nhi mới sinh. Một kiếp luân hồi bắt đầu. Người cũng sẽ gặp các con sau mười sáu năm.
Mỹ-Linh bắt mạch Sùng-Phạm, quả nhiên đã hết nhảy. Nàng cùng Thiệu-Thái quì xuống lễ tám lễ. Thiệu-Thái khấn:
- Đệ tử nay mắn được Bồ-tát ban cho một trăm năm công lực. Đệ tử nguyện dùng công lực này vào việc bảo vệ Đại-Việt như tâm nguyện của Bồ-tát.
Mỹ-Linh chỉ song sắt nói:
- Thái sư thúc tổ quả thực có tâm bồ đề. Nếu người không muốn giải nghiệp, Nguyên-Hạnh làm sao có thể giam người.
Thiệu-Thái hỏi Mỹ-Linh:
- Bài ký của Bồ-tát, ý nghĩa ra sao?
Mỹ-Linh suy nghĩ, rồi lắc đầu:
- Khó hiễu quá. Thái sư thúc tổ chỉ giải nghiã bốn câu đầu. Còn bốn câu sau nghĩa như thế này: Đông a nhập địa, nghĩa là cành Đông rơi xuống. Nhưng chữ đông với chữ a hợp lại thành chữ Trần. Như phái Đông-a, có nghĩa là phái võ họ Trần. Đông-a nhập địa là gì? Thì khó mà đoán được. Đến câu dị mộc tái sinh có nghĩa một cây mới sẽ tái sinh, vậy đó là cây mận, cây lê, em đóan bấy giờ họ Lý hoặc họ Lê lại nắm quyền. Còn mấy câu sau, em chịu.
Bố-Đại cười:
- Có thế mà cũng không hiểu. Cung chấn là phương Đông. Chấn cung kiến nhật, là Đông phương lại thấy chính vị thiên tử xuất hiện. Đoài cung ẩn tinh, có nghĩa phương Tây một giòng họ nào đó lùi vào bóng tối. Lục, thất niên gian, là trong khỏang sáu, bẩy năm nữa. Thiên hạ thái bình, đất nước sẽ thanh bình.
Mỹ-Linh xịu mặt xuống, nàng cầm tay Bố-Đại hoà thượng:
- Thái sư thúc tổ. Nghĩa như thế, nhưng thực tế, thời cuộc ra sao?
- Ra sao, thì cũng an bài rồi. Biết trước để làm gì. Sau khi rời đây, con nhí, con lợn sẽ gặp nhiều vấn đề nan giải. Ta nhắc lại, dù sao cũng không sợ. Họ Lý cường thịnh đến trên hai trăm năm mà.
Bố-Đại bảo Thiệu-Thái:
- Thời cơ đã đến rồi, người bẻ song sắt đi.
Thiệu-Thái hít hơi, vận sức bẻ thử. Song sắt chỉ hơi chuyển động. Bố Đại cười:
- Con lợn ơi là con lợn. Thiền công của sư huynh ta thuộc vô nhân tướng công Vậy người phải tập trung tinh thần, bỏ ra ngoài nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt thân, ý, công lực mới phát ra được.
Thiệu-Thái cố gắng nhắm mắt bỏ hết Lục-tặc ra ngoài rồi vận lực sức kéo mạnh. Hai cái song từ từ trở lại vị trí cũ.
Bố Đại lắc đầu:
- Nếu con lợn hiểu được hết lẽ nhân, ngã tứ tướng người chỉ sẽ kéo một cái, các song sắt bị gẫy liền.
Thiệu-Thái quỳ gối:
- Xin Đại-sư từ bi hỷ xả thương xót đệ tử chỉ cho thấy rõ cái lý về tính không.
Bố Đại vỗ tay vào vai Thiệu-Thái:
- Con lợn nói câu đó là hết lợn tính rồi. Người giác ngộ mau thực.
Mỹ-Linh nghe anh nói câu đó, nàng cũng mừng, vì chàng thoát khỏi cái u mê của chúng sinh.
Bố Đại giảng:
- Ta đã giảng trong kinh Bát-nhã, Kim-cương, Lăng-gìa đều nói về tính không. Ta cũng nói đạo đức Thế-tôn tuy có hàng vạn pháp môn, nhưng thu về chỉ một mối. Cũng như đức Thế-tôn dạy đạo của ta không có chỗ khởi đầu, cũng không có chỗ tận cùng là thế.
Thiệu-Thái tỉnh ngộ, gật đầu liên tiếp, tỏ vẻ hiểu biết. Ngược lại Mỹ-Linh ngơ ngác không hiểu gì.
Bố Đại tiếp:
- Từ khi đức Thích-ca mâu-ni đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác rồi đi thuyết pháp trong mấy chục năm. Thường người nào có nhân duyên, chỉ nghe qua, là vào cửa Bồ-đề liền. Trong khi người thông minh, nghe lại không giác ngộâ được. Như khi ngài Tăng-gỉa Nan-đà thuyết pháp tại hồ Động-đình, thông minh tuyệt thế như Trưng Nhị lại không giác ngộ được. Trong khi Phật-Nguyệt, Trần Năng ngộ ngay. Lại như trong trận đánh đồi Vương-sơn. Hiện diện có hàng trăm người. Thế mà ngài tụng kinh Lăng-gìa, Bát-nhã lên, duy Trần Năng giác ngộ, áp dụng vào việc xử dụng thần công tại chỗ. Còn lại đều không thấu được. Cũng như việc tổ Pháp-Hiền đắc pháp vậy... con nhí hiểu chưa? Con nhí học nhiều, cực kỳ thông minh, nhưng vô duyên, nên không hiểu. Còn con lợn, tuy ngu tối, nhưng có duyên, độp một cái hiểu liền.
Thiệu-Thái hỏi:
- Bạch đại-sư, truyện tổ Pháp-Hiền đắc pháp ra sao?
Bố Đại bảo Mỹ-Linh:
- Con nhí nói cho con lợn nghe đi.
Mỹ-Linh đã nghe nói hàng trăm lần giai thoại này, nàng thuật:
- Ngày nọ, Bồ-tát Tỳ-ni Đa-lưu-chi đến Đại-Việt. Sau khi vân du khắp nơi, ngài nghe nói chùa Pháp-vân nơi hòa thượng Pháp-Duyên làm phương trượng, có hơn ba trăm tăng chúng tu học. Ngài chống gậy tới tìm người thừa kế tâm ấn. Tới nơi, ngài rung chuông. Chú tiểu Pháp-Hiền chạy ra mở cổng. Chú thấy một hòa thượng da đen, biết ngài từ Tây-Trúc qua. Chú thụp xuống lạy. Bồ-tát hỏi:
- Chú tiểu tên gì?
Pháp-Hiền hỏi lại:
- Thầy tên gì?
Bồ-tát lại hỏi:
- Chú tiểu có tên không?
Pháp-Hiền đáp:
- Tên thì ai mà chẳng có. Đố thầy biết tôi tên gì?
Ngài quát lên:
- Biết để làm gì?
Pháp-Hiền tỉnh ngộ, quỳ xuống lạy, và được truyền tâm ấn.
Bố Đại hỏi Thiệu-Thái:
- Lợn hiểu không.
Thiệu-Thái cung kính thưa:
- Bạch đại-sư. Bồ-tát muốn biết tổ Pháp-Hiền đã thoát ra khỏi cái vòng nhân ngã tứ tướng đầu tiên là ngã tướng chưa, mới hỏi Chú tiểu tên gì.Quả nhiên ngài Pháp-Hiền còn trong vòng u mê, còn nguyên sắc tướng. Ngài coi cái tên quan trọng vô cùng, nên hỏi Hòa thượng tên gì. Bồ-tát muốn thử lại một lần nữa Chú tiểu có tên không?. Không những tổ Pháp-Hiền chưa thoát khỏi u mê, coi cái tên quá quan trọng, hỏi Đố thầy biết tôi tên gì?. Bồ-tát mới quát lên Biết để làm gì?. Bấy giờ tổ mới tỉnh ngộ, quỳ xuống lạy.
Bố Đại giảng tiếp:
- Cái tính không là thế. Trong nhân ngã tứ tướng thì Ngã tướng tức tướng của mình quan trọng hơn hết. Nếu có bỏ ra được cái ta, xóa cái ta đi, mới không có cái người tức Nhân tướng. Khi không có nhân tướng, đương nhiên không có nhiều nhân tướng. Nhiều nhân tướng tức thành Chúng sinh tướng. Cho nên Thiền-công nhà Phật có ba lọai. Một là Vô ngã tướng tưởng bị thất truyền. May đâu còn chép trong di thư Lĩnh-Nam, mà con nhí học được. Hai là Vô nhân tướng truyền vào Trung-nguyên qua ngài Bồ-đề Đạt-ma, và truyền vào Đại-Việt qua ngài Tỳ-ni Đa-lưu-chi. Còn Vô chúng sinh tướng thần công là tổng hợp của Vô ngã tướng và Vô nhân tướng. Trước kia tưởng thất truyền vì Vô ngã tướng không còn. Nay tìm lại được, hợp với Vô nhân tướng thì coi như không mất.
Mỹ-Linh hỏi:
- Thái sư thúc tổ. Xin người chỉ cho đệ tử phương pháp hợp hai thức nhân, ngã lại.
Bố Đại cười:
- U mê. U mê. Giác ngộ phải tự mình chứ ai dạy được? Phàm phép tu Phật, đắc pháp là đắc pháp, chứ làm gì có sắp đắc pháp, họăc đắc pháp một nửa họăc đắc pháp chút chút.
Thiệu-Thái đến trước cửa sổ của Bố-Đại, chàng nói vọng vào:
- Đai-sư. Đệ tử bẻ song cho đại-sư ra. Chúng ta cùng đi tìm Nguyên-Hạnh tính tội y.
Bố Đại cười:
- Con lợn. Nếu ta muốn ra, ta bẻ lấy không được sao? Ta cứ ngồi đây cho đến khi nào hết nghiệp quả thì thôi.
Mỹ-Linh bảo Thiệu-Thái:
- Trước khi sư phụ xuất hồn, người dặn rằng anh phải nhắc tảng đá bên kia, bỏ nhục thể người vào đó.
Thiệu-Thái đến bên tảng đá lớn. Chàng hít một hơi chân khí, không tâm đẩy mạnh. Viên đá từ từ lui sang một bên, để hở ra một hang động vuông vức mỗi chiều khoảng mười thước. Chàng kính cẩn mang nhục thể sư phụ bỏ vào đó, rồi đẩy tảng đá che lại.
Vừa lúc đó có nhiều tiếng chân người đi lại. Tiếng Nguyên-Hạnh hỏi:
- Thằng cha Sùng-Phạm đâu rồi?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top