Long Biên Kiếm Pháp
Lê Văn chỉ lên bàn:
- Vạn-thảo sơn-trang hân hạnh kính mời quí khách dùng chút ít thổ sản lấy thảo. Món đầu tiên là canh rau đay, mướp hương nấu với cua đồng. Chắc các vị cười rằng mướp hương, rau đay, cua đồng, đâu mà chẳng có, tại sao tại hạ lai đại ngôn rằng thổ sản bản trang?
Nó lấy trong chạn ra một quả mướp lớn bằng cổ tay. Khác với mướp thường, quả mướp này có năm múi như trái khế, da xanh ngắt, chư không xanh lợt như mướp thường:
- Đây là mướp hương, nấu với rau đay mới thơm. Còn nấu với mùng tơi thì hương giảm đi. Đay thường có hai lọai, đay đắng, trồng lấy vỏ làm dây, đan túi. Đay ngọt dùng nấu canh ăn. Đay Vạn-thảo của chúng tôi khác với đay khác là không có nhớt.
Bảo-Hòa thấy cảm tình với Lê Văn, nàng hỏi:
- Còn cua đồng, chắc cua đồng Vạn-thảo cũng khác với cua đồng nơi khác?
- Chị nói đúng. Xã Vạn-thảo nằm dưới chân núi, nước đồng Vạn-thảo do suối chảy xuống. Nước suối trong, sạch, mang theo mầu đất núi. Cua ăn mầu nước suối vừa béo, vừa không tanh. Các các vị nhìn đây, gạch cua đỏ tươi, riêu nổi lên nhiều hơn .
Từ lúc vào trang, Lê Phụng-Hiểu không nói một câu. Bây giờ chàng mới lên tiếng:
- Cậu Văn này, cậu nên nói về cách nấu canh cua đồng của mình khác với nơi khác cho quý khách nghe một thể.
Lê Văn nhìn Phụng-Hiểu:
- Dường như anh là trương-tuần của xã Vạn-thảo thì phải? Thực là quít làm, cam chịu. Vì mấy chị này cứng đầu mà anh bị giam. Thôi, đừng buồn nghe.
Quay lại phía Mỹ-Linh, Lê Văn nói:
- Cách nấu canh rau đay, cua đồng như thế này. Rau thái thực nhỏ, nhỏ như sợi tóc càng tốt. Nếu là đay Vạn-thảo, thì nấu luôn. Còn đay các nơi khác phải vò trong rá vo gạo, rồi rửa sạch nhớt đi. Mướp thì gọt vỏ, thái thành từng miếng nhỏ bằng đầu ngón tay. Cua đồng đem lột mai để riêng. Còn lại thân cua, cho vào cối dã thực nhuyễn, sau đó cho vào rá đồ với nước. Đồ xong, phải gạn nước mầu cẩn thận, vì khi dã cua, vỏ cua tan ra thành sạn. Sạn nặng, chìm xuống dưới. Nếu không gạn, nấu cả sạn, ăn vào, ê răng chết.
Nó chỉ vào cái nồi đất trên bàn:
- Bây giờ, nấu canh. Cho nước mầu, rau đay, mướp vào nồi nấu. Nhớ thêm một muỗm mắm tôm. Trong khi đó mai cua, ta dùng tăm ngoáy gạch vào cái bát. Đợi khi canh sôi, cho gạch vào. Rau đay, mướp hương mau chín, chỉ cần sôi hai đợt là phải bắt ra.
Miệng nói tay nó cầm muôi múc canh vào, bắt đặt trước mặt mọi người:
- Mời các vị húp thử.
Mỹ-Linh bưng bát húp một hơi, hương vị xông lên ngạt ngào.
Lê Văn chỉ vào một đĩa cà pháo:
- Cà pháo Vạn-thảo muối chua, chấm mắm tôm, ăn với canh rau đay, mới hợp cách.
Miệng nói Lê Văn xới cơm mời khách. Nó tiếp:
- Trang Vạn-thảo chúng tôi có 9 ngọn suối chảy xuống khe đá. Nước từ khe đá đổ ra cánh đồng. Trên cánh đồng sinh sản ra loại cá bống mít. Cá bống mít kho với hạt tiêu mới thực là ngon.
Mỹ-Linh thấy Lê Văn quả thực cởi mở, vui vẻ, hiếu khách, khác với ông bố, vui, buồn thất thường. Bảo-Hòa bị bệnh nặng, người nàng mề mệt, tuy vậy thấy thái độ của Lê Văn, nàng giảm bớt phần nào ác cảm với Hồng-Sơn đại phu. Nàng hỏi:
- Cá bống là cá bống, chứ tại sao là cá bống mít?
- Cá bống có hai lọai. Cá bống thường, da hơi vàng, dài bằng hai ngón tay. Ăn cũng ngon. Còn một loại cá bống nữa, thân hình tròn như hạt mít, da mầu tím, khi bụng chửa, buồng trứng căng lên, càng chắc nịch. Cá bống mít kho khô như thến này, ăn mới có mùi thơm.
Một là lạ miệng, hai là đói, Mỹ-Linh, Bảo-Hòa ăn nhiều gấp đôi ngày thường. Bảo-Hòa hỏi:
- Này cậu Văn, không hiểu tại sao đại phu lại thù oán ông ngọai tôi, mà cậu lại tử tế với bọn tôi?
- Có gì mà không hiểu. Bố tôi thù họ Lý vì họ Lý cướp ngôi vua của họ Lê. Mà bố tôi thuộc giòng giống vua Lê. Còn tôi, tôi không thích bố tôi làm vua, nên tôi không thù họ Lý.
Vì Lê Văn chỉ nhỏ hơn Bảo-Hòa, Mỹ-Linh ba bốn tuổi, vì vậy họ dễ thân thiện với nhau. Bảo-Hòa hỏi:
- Cứ như nội công, ngoại công của cậu, cao hơn Mỹ-Linh nhiều. Thế mà thình lình Mỹ-Linh thắng cậu, cậu có buồn không?
Lê Văn cười:
- Buồn gì mà buồn, đấu võ phải có khi thắng khi bại, chứ có đâu thắng mãi thì chán chết. Chị Mỹ-Linh, tôi biết Mê-linh kiếm pháp của chị, chị mới xử dụng lần đầu. Song có điều chị biến hóa đi, tôi giả vờ thua. Tôi biết làm vậy bố tôi buồn. Nhưng tôi không nỡ thẳng tay với người bệnh, nhất là người bệnh lại xinh đẹp như tiên nữ. Ước gì tôi có bà chị đẹp như hai chị. Trong khi chị chiết chiêu với chị tôi, chị bị tấn công quá không kịp suy nghĩ, tôi phân biệt được kiếm pháp của chị chỉ có 72 thức, mỗi thức biến hóa ra 36 chiêu.
Mỹ-Linh muốn thăm dò căn bản võ công của Lê-Văn, nàng nói:
- Bây giờ chúng ta đấu lại. Tôi chỉ dùng những chiêu thức căn bản xem cậu có thắng được tôi không?
Lê-Văn gật đầu:
- Tôi chỉ muốn thua chị. Chị đẹp như thế này, tôi có bổn phận phải thua. Nhưng chị muốn mượn tôi để luyện kiếm, thì tôi ráng làm vui lòng chị. Bây giờ thế này, nếu tôi thắng thì tất cả người bên chị phải ăn một bát ớt hiểm. Ngược lại tôi thua, thì phải gọi các chị bằng chị cả đời.
Nó nói sẽ:
- Tôi sẽ ăn cắp thuốc giải của bố tôi cho các chị uống.
Bảo-Hòa, Mỹ-Linh tìm thấy ở Lê Văn một con người mẫn tiệp, rộng rãi, tự nhiên họ nhớ tới Tự-Mai, không biết bây giờ ở đâu, làm gì?
Lê Văn lấy một thanh kiếm, bái tổ, nhường Mỹ-Linh ra chiêu trước. Mỹ-Linh cứ theo thứ tự từ thức thứ nhất, đến thức thứ 72, cùng biến chiêu diễn ra. Quả nhiên nàng không thể thắng được Lê Văn. Khi nàng đánh đến thức cuối cùng, lại trở về thức thứ nhất. Lê Văn đưa ngang kiếm, vận sức gạt mạnh. Choang một tiếng, kiếm Mỹ-Linh rơi xuống đất.
Lê Văn la lên:
- Chị thua rồi. Phải ăn ớt ngay.
Nói rồi Lê Văn lấy hai cái bát nhỏ, múc đầy ba bát ớt đỏ chói để trước mặt Bảo-Hòa, Mỹ-Linh, Lê Phụng-Hiểu:
- Quân tử nhất ngôn. Mời các vị xơi ớt.
Mỹ-Linh, Phụng-Hiểu kinh hoàng, vì làm sao nuốt nổi bát ơt hiểm? Còn Bảo-Hòa, vì tự ái, nàng bốc ớt bỏ vào miệng ăn. Không ngờ ớt không cay, mà lại ngọt, thơm tho vô cùng. Nàng định lên tiếng hỏi, thì Lê Văn nháy mắt lia lịa.
Biết có điều gì bí mật, nàng tiếp tục ăn hết bát ớt ngọt, đến quả cuối cùng mới thấy cay muốn cắt họng. Lê Văn ra hiệu bảo nuốt, nàng nuốt luôn. Mỹ-Linh, Phụng-Hiểu không hiểu gì, cũng bốc ớt ăn. Lạ một điều, sau khi ăn xong, bao nhiêu cái mệt mỏi của phấn Nhuyễn-cân biến đâu mất.
Lê Văn nói lớn:
- Nào bây giờ chị Mỹ-Linh luyện kiếm với tôi nữa đi chứ?
Mỹ-Linh là người thông minh tuyệt đỉnh. Nàng biết Lê Văn cho mình ăn thứ trái cây gì đó giống trái ớt, vừa thơm vừa ngọt. Trong bát ớt chỉ có một trái ớt cực kỳ cay. Nàng cảm động, cầm kiếm tà tà đánh ra. Bây giờ nàng áp dụng phép biến hóa phân âm-dương. Kiếm chiêu bay lượn đẹp vô cùng. Tay phải xử dụng kiếm. Tay trái bắt kiếm quyết. Thời gian ứơc hơn giờ, nàng đã đánh hết tất cả các thức, cùng biến hóa âm dương.
Lê Văn cười:
_ Bây giờ mỗi chiêu chị lại biến hóa đi, kiếm pháp trở thành phức tạp vô cùng. Thôi chúng ta tạm nghỉ, mai tiếp tục.
Lê Văn dẫn Bảo-Hòa, Mỹ-Linh đến một căn sàn nhà tre, bắc ngang qua suối. Nó thoăn thoắt leo thang lên trước, lấy đá đánh lửa, đốt đèn:
- Căn nhà này, Sơn-trang dùng cho bệnh nhân nghỉ lại. Trong có bốn cái dường. Chị Bảo-Hòa với Mỹ-Linh nghỉ tại đây. Còn anh Phụng-Hiểu sẽ có chỗ ngủ riêng. Tôi xin nói trước, trong trang có rất nhiều cây cỏ độc. Các chị đừng có dại mà trốn đi, nguy hiểm lắm. Ngày mai, tôi sẽ xin bố tôi tha cho các chị.
Nói dứt, nó dẫn Phụng-Hiểu rời nhà sàn đi về hướng chân núi.
Mỹ-Linh bàn:
- Chị Bảo-Hòa này. Từ lúc rời đền thờ Tương-liệt đại-vương, em thấy chị luôn luôn viết thư, nhận thư từ đôi chim ưng. Chị liên lạc với ai vậy?
Bảo-Hòa mỉm cười:
- Em thử đoán xem? Em mà đoán được, chị mới phục.
- Cũng dễ thôi. Thứ nhất chim ưng không phải của chị. Dễ gì chị sai khiến mãi được. Chắc chị liên lạc với chủ nhân của chim ưng phải không?
Bảo-Hòa lắc đầu:
- Sai. Chị liên lạc với anh Thiệu-Thái.
Nghe nói đến Thiệu-Thái, mặt Mỹ-Linh nóng bừng lên. Nàng muốn hỏi thăm, mà tự nhiên khựng lại. Bảo-Hòa trêu:
- Mạ mạ gọi anh Thiệu-Thái về Lạng-châu gấp, vì tháng bẩy này phải làm lễ cưới rồi.
Mỹ-Linh muốn nghẹn thở. Không tự chủ được, nước mắt chảy quanh. Bảo-Hòa tuyệt không ngờ cô em họ mình lại dễ tin, dễ súc cảm như vậy. Ngay từ hôm gặp nhau, nàng đã biết giữa Mỹ-Linh với Thiệu-Thái nảy sinh mối nhu tình. Muốn thử Mỹ-Linh, nàng nói đùa một câu, nào ngờ Mỹ-Linh khóc.
Bảo-Hòa nghĩ thầm:
- Mạ mạ ta đã hỏi vợ cho anh Thiệu-Thái, không ngờ trong chuyến đi này anh Thái gặp Mỹ-Linh. Rồi đây sẽ ra sao?
Nàng tát yêu Mỹ-Linh:
- Chị nói đùa đấy. Anh Thiệu-Thái đã liên lạc được với cậu hai. Cậu hai sai anh Thiệu-Thái dùng chim ưng theo dõi hành trình của chúng ta.
Nghe đến chú hai, lòng Mỹ-Linh ấm lại. Từ khi mẹ nàng qua đời, Khai-quốc vương trở thành người thân nhất của nàng. Ông chú này vừa đóng vai ông thầy, vừa đóng vai bà mẹ, vừa đóng vai ông bố. Nàng nghĩ thầm: tại sao phụ vương ta lại không đầm ấm như chú hai? Tuy hỏi vậy, nàng tự trả lời được ngay chú hai không vợ, không con, cho nên ông có nhiều thời giờ săn sóc nàng. Còn phụ vương nàng, nhiều vợ đông con, thời giờ đâu săn sóc nàng nữa.
Chợt bảo-Hòa để tay lên miệng, ra hiệu cho Mỹ-Linh im lặng, vì có tiếng chân người đang đi về phía mình. Hai người lắng tai nghe. Có hai tiếng bước chân rõ rệt, một trầm-trọng, một nhẹ nhàng. Mỹ-Linh thua Bảo-Hòa về kinh nghiệm, lịch lãm. Chứ về nội công nàng cao hơn nhiều. Nàng lắng tai nghe, nói sẽ:
- Có hai người tất cả. Một người bước chân trầm trọng, chắc là một cao thủ, bản lãnh cỡ anh Tạ Sơn. Một người nhẹ nhàng, dường như là đàn bà hay trẻ con. Võ công bình thường thôi.
Bảo-Hòa bàn:
- Hai đứa mình leo lên cây nhãn trước căn nhà này, xem bọn họ tới đây có việc gì. Nằm trong nhà, lỡ ra, khó xoay sở.
Nhanh như vượn, hai nàng bám cây nhãn leo lên cành lớn nấp, nhìn xuống. Hai bóng người tiến tới bên bờ suối, ngừng lại nghe ngóng động tĩnh, rồi nhẹ nhàng lội qua. Họ lắng tai một lát, rồi nhảy lên trước cửa căn nhà sàn. Một người đánh lửa lên, đốt vào mấy nén hương. Trong ánh lửa, Bảo-Hòa nhận ra là Quách Quỳ với Triệu Huy.
Nàng kinh hãi nghĩ:
- Rõ ràng Triệu-Huy bị bắt trói ở xã Vạn-thảo. Còn Quách Quỳ trốn cùng với Đinh Tòan, sao bây gìơ cả hai lại có mặt nơi đây? Dường như chúng xông thuốc mê để bắt nàng thì phải?
Sau khi xông thuốc mê, hai người đẩy cửa bước vào. Chúng đánh lửa lên soi khắp hai gian nhà. Triệu Huy kinh hãi:
- Hai con nhỏ trốn mất rồi. Dường như chúng chạy chơi đâu, vì hành lý còn để đây mà?
Quách Quỳ nói:
- Chúng ta tắt lửa, chờ chúng trở về hãy ra tay.
Triệu Huy tắt lửa liền. Hai người núp vào sau cánh cửa.
Đêm về khuya, tiếng dế rên rỉ khắp sơn trang. Thỉnh thoảng có tiếng cú rúc vang trên nền trời. Tiếng quốc kêu đêm hè não nuột. Triệu Huy chờ lâu không thấy chị em Bỏ-Hòa, y nói:
- Lạ quá, hay là có biến cố gì rồi. Hành lý chúng nó ở đây, mà chúng nó đi đâu?
Tính Bảo-Hòa tinh nghịch, nàng hái trái nhãn non, vận sức vào ngón tay búng một cái. Trái nhãn trúng trán Quách Quỳ. Nó giật mình kêu ái một tiếng:
- Sư thúc. Cháu bị trúng ám khí.
Triệu Huy lên tiếng:
- Cao nhân nào xin xuất hiện.
Mỹ-Linh bật lên tiếng cười. Biết đã bị lộ, nàng từ cành nhãn đáp xuống. Trong khi còn lơ lửng trên không, tay phải rút kiếm đưa vào cổ Triệu Huy. Triệu Huy khinh thường, đưa tay bắt.
Mỹ-Linh biến chiêu, mũi kiếm hướng ngực y. Y hỏang hốt nhảy lùi lại hai bước. Mỹ-Linh di chuyển theo. Y vội vọt mình lên cao tránh kiếm. Mỹ-Linh biến chiêu thần tốc hướng mũi kiếm lên trời. Ở trên cao, Triệu Huy không tránh được. Y rút kiếm khoa dưới chân, gạt kiếm Mỹ-Linh. Mỹ-Linh điểm một cái. Hai mũi kiếm chạm nhau trên không toé lửa. Nàng lùi lại hai bước, khoanh một vòng, kiếm quang bao phủ khắp người Triệu Huy. Triệu Huy uốn cong người lui lại tránh khỏi.
Đúng ra với chiêu kiếm đó, sau khi đắc thế, Mỹ-Linh đánh tiếp một chiêu nữa, thì Triệu Huy đã bỏ mạng. Một là nàng thiếu kinh nghiệm chiến đấu, hai là võ công nàng vốn thua xa Huy, thành ra nàng vẫn còn úy kị y, không giám truy sát.
Trong bóng tối, Triệu Huy chưa nhận ra Mỹ-Linh. Y thấy những chiêu kiếm hiểm độc, thì cho rằng người tấn công mình là một cao nhân. Hơn nữa, y nhận ra rằng đáng lẽ đối thủ có thể giết mình, mà lại ngừng tay. Y tưởng đối thử chỉ muốn cảnh cáo y mà không nỡ giết. Y lễ phép:
- Đa tạ tiền bối nhẹ tay.
Mỹ-Linh vung kiếm tấn công tiếp. Nàng đã có kinh nghiệm, cho nên chiêu nọ nối tiếp chiêu kia liên miên bất tuyệt. Lúc đầu Triệu Huy còn trả đòn được mấy chiêu. Sang đến chiêu thứ hai trăm trở đi, y chỉ lo chống đỡ. Y thấy những chiêu đối thủ đánh ra hung hiểm lạ thừơng, chiêu nào cũng bao hàm từ nội công cho đến ngoại công khắc chế với kiếm pháp của y. Thế nhưng những chiêu đó có thể giết y trong chớp mắt, thì lại biến đổi sang chiêu khác. Trong lòng y nghĩ rằng người đối địch với y là một kiếm khách, võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Người này chỉ muốn biểu diễn cho y thấy rằng võ công y còn thấp kém lắm mà thôi. Nghĩ vậy, y an tâm, thủng thẳng chiết chiêu.
Còn phần Mỹ-Linh, kiếm chiêu phát ra liên miên bất tuyệt. Lúc đầu nàng còn phải chú ý vận sức phát chiêu nào âm, chiêu nào dương. Về sau, nàng đã có ý niệm, thuận tay muốn phát âm, dương tòng tâm tuôn ra. Mỗi khi thấy Triệu Huy bị nguy khốn, nàng lại đổi chiêu.
Là công chúa, cháu nội vị hoàng đế xuất thân cư sĩ Phật-giáo, được thấm nhuần triết lý từ bi hỷ xả. Hàng ngày dù chỉ có ý tưởng giết con sâu, cái kiến nàng cũng không nỡ, huống hồ làm con người đau khổ. Bọn Triệu Huy tuy có manh tâm sang Đại-Việt ăn cắp di thư, chẳng qua y tuân chỉ của vua Tống. Hàng ngày, thầy dạy văn Lý Đạo-Thành đã giảng triết lý trung-quân, ái quốc cho nàng nghe. Nàng cũng từng đọc sử Trung-quốc, Lĩnh-nam, các sử gia không ngớt ca tụng những người chết cho đất nứơc. Vì vậy nàng càng không nỡ giết y.
Hơn tháng qua, y tuy có giam giữ chị em nàng thực, song nói năng vẫn lịch sự, nuôi ăn rất chu đáo. Nếu y ác độc, đã cho chị em nàng mỗi người một kiếm, rồi vứt xác vào rừng thực là giản dị. Do đó, nàng chỉ phóng chiêu, sao cho sắp tới người y, thì ngừng lại.
Chiết được hơn trăm chiêu nữa, nàng chợt nhớ đến lý thuyết tam hư, thất thực. Lý thuyết này là phần cuối của tuyệt kỹ kiếm pháp Long-biên, nàng đem ra áp dụng.
Triệu Huy đang lo chống trả vã mồ hôi ra, thì đột nhiên thấy kiếm pháp của đối thủ biến ảo, nhanh không thể tưởng tượng nổi. Y lùi dần, lùi dần, mồ hôi ra nhễ nhãi. Y muốn bỏ chạy, nhưng làn kiếm bao phủ khắp người.
Biết chắc phải chết. Y ngửa mặt lên trời than:
- Bệ hạ ơi. Bình-nam vương gia ơi. Hôm nay Triệu Huy đành bỏ thân ở đất Giao-chỉ để tỏ lòng trung với Đại-Tống. Chỉ mong triều đình lao tưởng đến mẹ già, con thơ của thần.
Than rồi, y thu kiếm lại không đỡ, cũng chẳng trả đòn, vung lên hướng cố tự vẫn.
Thình lình một bóng người từ dưới nhà sàn vọt lên, gạt kiếm của Triệu Huy, rồi tấn công Mỹ-Linh. Người đó lên tiếng:
- Sư đệ, có ta tiếp chiến đây.
Triệu Huy nhận ra tiếng nói của Ngô Tích. Y mừng qúa, vòng kiếm tấn công Mỹ-Linh. Thế là hai anh em y đấu với nàng.
Bảo-Hòa quan sát trận đấu, nàng kinh ngạc:
- Thật kỳ lạ. Mới mấy hôm trước đây mình không hề nghe nói Mỹ-Linh học kiếm bao giờ. Mà sao nay nàng lại biết xử dụng? Ban ngày nàng ra mấy chiêu tuy tinh diệu, nhưng rõ ràng lần đầu tiên xử dụng. Thế rồi nàng biến chiêu thắng Lê Văn. Sau chị của Lê Văn chiết chiêu với nàng, thì nàng xử dụng cả một pho kiếm rất kỳ ảo, nhưng vẫn chưa quen tay. Đến khi nàng luyện một mình, ta thấy đã tinh thục. Tiếp đến nàng đấu với Lê Văn, thì những chiêu kiếm trở thành biến ảo không thể tưởng tượng. Từ nãy đấu với Triệu Huy, lúc đầu còn chưa đủ chế thắng y. Bây giờ thì nàng làm chủ tình hình hoàn toàn. Ta thực không hiểu nổi. Ta cứ ngồi đây xem nàng có thắng nổi hai anh em Triệu Huy không?
Được Ngô Tích tiếp chiến, tinh thần Triệu Huy lên cao. Bao nhiêu cái mệt mỏi biến mất. Y múa kiếm như mây trôi, như nước chảy phản công.
Thấy Ngô Tích nhập cuộc, Mỹ Linh vẫn không luống cuống, nàng tiếp tục ra chiêu. Bây giờ nàng áp dụng hư, hư, thực, thực. Anh em Ngô Tích không biết chiêu nào hư, chiêu nào thực mà trả đòn. Thành ra bọn y cứ phải nhảy nhót, la hét để trợ oai. Nhảy nhót được một lúc, cả hai anh em đều mệt nhoài, kiếm chiêu rối loạn. Chợt Ngô Tích lên tiếng:
- Vệ-vương. Nếu vương gia không tiếp tay với bọn tôi, thì coi như anh em chúng tôi tuẫn quốc hôm nay ở đây. Chúng tôi tuẫn quốc không có gì đáng tiếc. Song có điều cái mộng trở về làm vua Giao-chỉ của vương gia e không thực hiện được.
Đinh Toàn nghe Ngô Tích lên tiếng, y vội rút kiếm tấn công Mỹ-Linh. Kiếm pháp của anh em Ngô Tích là Thiếu-lâm kiếm pháp. Còn kiếm pháp của Đinh Tòan là Hoa-lư kiếm pháp. Thành ra Mỹ-Linh phải chống với ba người, hai lọai kiếm pháp. Nàng mới tập võ không lâu, công lực còn non kém, chỉ dựa vào những tuyệt chiêu mà thắng đối thủ. Từ đầu đến giờ trải trên ba trăm chiêu, công lực cạn dần, chiêu thức của nàng kém linh họat. Nàng không còn nhảy, đuổi theo đối phương được nữa, mà chỉ đứng im một chỗ xuất chiêu. Bọn Ngô Tích, Đinh Tòan cũng nhận thấy thế. Chúng ra sức tấn công xung quanh nàng.
Trong lúc quá mệt mỏi, Mỹ-Linh nghĩ:
- Thôi rồi, hôm nay mình khó tránh khỏi cái chết. Khi chết ta sẽ được về thế giới cực lạc của đức Phật A-di-đà.
Thình lình một bóng người từ dưới nhà sàn vọt lên. Người này tung một chưởng, đẩy lui Đinh Toàn. Y đánh một quyền vào trước mặt Ngô Tích. Ngô cảm thấy ngộp thở, lộn ra sau hai vòng. Người đó lại búng tay một cái, thanh kiếm Triệu Huy đang hướng Mỹ-Linh bật trở lại. Sau khi đánh lui ba cao thủ, người đó vọt mình lên cao, biến vào đêm tối.
Nhờ người lạ mặt đẩy lui ba đối thủ, Mỹ-Linh định tâm lại: Mình đáng chết thực, phàm khi đối đầu với cường địch, mà mình kinh hãi, sao Thiền-công phát huy được.
Nghĩ vậy nàng buông lỏng chân khí. Vô tình hình thức đó đúng vào lối luyện công của phái Tiêu-sơn, mà Huệ-Sinh đã dạy nàng. Một chiêu đánh ra, không lực, chạm vào mũi kiếm của Đinh Tòan. Hai mũi kiếm đính liền vào nhau. Vừa lúc đó Mỹ-Linh chuyển kiếm đỡ chiêu của Ngô Tích. Kiếm của Ngô lại bị dính vào kiếm nàng. Triệu Huy thấy lạ, y định giết nàng. Song nghĩ lại vừa rồi nàng tha chết cho y bao phen. Y đẩy một chiêu vào cườm tay nàng, định đánh rơi kiếm đối thủ. Không ngờ khi thấy kiếm sắp tới cườm tay Mỹ-Linh. Nàng nghiêng người đi một cái, kiếm Triệu Huy lại chạm vào kiếm của nàng. Thế là bốn thanh kiếm dính thành một chùm.
Mỹ-Linh thấy hiện tượng kỳ lạ, đầu óc căng thẳng, nàng cứ cho rằng mình bị giết rồi, nên buông lỏng kình lực. Bốn người đứng im trong tư thế bất động. Trong khi đó bọn Ngô Tích, Đinh Toàn tưởng Mỹ-Linh muốn đấu nội lực với mình. Chúng dồn chân khí ra kiếm mong cả ba kết thúc tính mạng đối thủ. Không ngờ chân khí ra bao nhiêu, bị mất hút bấy nhiêu. Trong khỏang nhai dập miếng trầu, chân khí cả ba người bị kiệt. Cả ba lảo đảo ngã xuống. Bấy giờ Mỹ-Linh mới bừng tỉnh, thu kiếm về. Nàng cảm thấy chân khí trong người đầy ắp như sắp nổ tung ra. Bao nhiêu mệt nỏi biến mất.
Trong khi Mỹ-Linh đấu với bọn Triệu Huy, Bảo-Hoà nhìn rất rõ, người xuất hiện đánh lui bọn cường địch cứu Mỹ-Linh, chính là nhà sư trẻ, mà nàng đã quen ở Bắc-biên.
Nghĩ lại, hồi ấy, nàng đùa, đòi cưới nhà sư làm chồng. Những tưởng nhà sư xấu hổ, bỏ chạy. Không ngờ nhà sư cảm động, đỏ mặt lên tỏ ra bị xúc động. Từ đấy, mỗi khi nghĩ đến nhà sư trẻ, tim Bảo-Hoà lại đập mạnh.
Hôm đại hội Lệ-Hải bà vương, muốn cứu nàng, nhà sư nhảy vào vòng chiến, tay cặp nàng, thối lui. Người nàng áp vàp nhà sư. Từ đấy trong lòng nàng nảy sinh một tình cảm khó diễn tả.
Hôm nay, nhà sư lại xuất hiện. Nàng nghĩ thầm:
- Hay là chàng... thương yêu mình?
Bảo-Hòa từ trên cây nhảy xuống, hỏi Mỹ-Linh:
- Biểu muội. Có sao không?
Mỹ-Linh đáp:
- Không, dường như bọn này bị trúng gió thì phải.
Bảo-Hòa nhặt kiếm định kết liễu tính mệnh bọn Triệu Huy.
Huy kinh hãi nói:
- Cao nhân đã thắng tại hạ thì muốn mổ, muốn giết cứ giết. Triệu Huy này có chết cũng vì chữ trung, đâu có tiếc than. Tuy nhiên tại hạ muốn biết cao nhân là ai, thì chết mới nhắm được mắt.
Mỹ-Linh cười:
- Ngô chiêu-thảo-sứ, Triệu an-phủ-sứ thực đáng bậc trung quân ái quốc. Hãy nhặt kiếm lên. Ta tha chết cho đấy.
Bảo-Hòa thắp đèn lên. Bọn Triệu Huy kêu lên tiếng ái chà, chúng không ngờ người tha chết cho chúng là Mỹ-Linh.
Mỹ-Linh khoan thai hỏi:
- Ngô chiêu-thảo-sứ. Người hãy trả lời cho ta mấy câu hỏi. Thứ nhất, tại sao người đang bị giam tại xã Vạn-thảo, mà lại có mặt tại đây?
Ngô Tích kính cẩn nói:
- Thưa công chúa, tiểu-nhân cùng sư đệ được một cô gái cắt dây trói cho chạy thoát. Anh em tiểu nhân vượt hàng rào xã trốn trong rừng, rồi lần mò đến đây theo dõi công chúa.
Bảo-Hòa ngắt lời:
- Cô gái nào mà lại cắt dây trói cho các vị?
Triệu-Huy nhìn sư huynh, rồi mỉm cười:
- Hôm trước, trong chợ, khi trả tiền cho cô hàng bún riêu, vô tình sư huynh nói một câu gì đó, làm cô cảm động. Trong lúc anh em tiểu nhân bị giam, vị tướng quân Ngô An-Ngữ xin lý trưởng cung cấp thức ăn chiều cho anh em tiểu nhân. Ông lý sai cô hàng bún riêu nấu cơm, đem đến cho tù nhân ăn. Cô hàng cảm động vì sư huynh tại hạ trả cho nhiều tiền qúa, âm thầm cắt nhớm dây trói cho sư huynh. Đêm, sư huynh vận sức giật mạnh tay, dây trói đứt hết, rồi cởi trói cho anh em tiểu nhân.
Ngô Tích gốc là văn nhân, vốn lãng mạn. Y quỳ gối xuống hành đại lễ với Mỹ-Linh, rập đầu binh binh mấy cái:
- Công chúa điện hạ. Vì công chúa tha chết, nên tiểu nhân không giám dấu diếm, đã khai thực. Mong công chúa tha cho cô gái bán bún riêu. Tiểu nhân xin chịu tội chết thay cho cô.
Nói rồi y cầm kiếm đưa lên cổ, chiêu thức nhanh vô cùng. Mỹ-Linh vội rút kiếm, khẽ gạt. Choang một cái, kiếm của y văng lên cao, cắm vào cột nhà. Mỹ-Linh sững sờ tự hỏi:
- Tại sao công lực ta lại cao thế này?
Nàng ngẩn ngơ giây lát rồi nói với Ngô Tích:
- Ngày xưa trong lúc gia đình ly tán, Ngũ Tử-Tư đi trốn, đói khát ẩn thân trong bụi lau, được người con gái thương xót cho cơm ăn. Người đời khen là kỳ nữ. Nay Ngô chiêu-thảo-sứ cũng gặp kỳ duyên, thực đáng mừng. Tôi hứa tha cho cô hàng bún riêu đó. Dường như cô tên là Thanh-Trúc thì phải.
Mỹ-Linh đã hứa tha cho bọn y. Bảo-Hòa vẫy tay:
- Thôi các vị hãy đi đi.
Bọn Ngô Tích, Đinh Toàn nhặt kiếm uể oải lê bước đi.
Thình lình có tiếng nói lạnh lùng:
- Khoan. Đây là Vạn-thảo sơn trang. Cô gái này tha cho người là quyền của cô. Còn Vạn-thảo sơn-trang, thì dễ gì bọn Tầu các ngươi muốn vào lúc nào thì vào, muốn ra lúc nào thì ra đâu?
Có nhiều tiếng bước chân người đi, rồi đèn đuốc sáng choang. Một toán người xuất hiện. Trong đó có Thiếu-Mai, Lê Văn, Lâm Huệ-Phương. Huệ-Phương trông thấy Triệu-Huy, mắt phượng quắc lên:
- Tên Triệu Huy kia, người có nhớ ta không?
Triệu Huy gặp đường cùng, tuy nhiên y vẫn không mất phong độ. Y thản nhiên nói:
- Nhớ chứ sao không nhớ. Người là bọn ăn gian nói dối, buôn lậu tại bạc dịch trường Giang-đông thuộc Khâm-châu. Ta là biên cương trọng thần, bắt cha con người bỏ tù, tịch thu hàng hóa. Đó là điều đương nhiên. Sau cha con người vượt ngục về Giao-chỉ. Ta lờ đi, không yêu sách đòi Giao-chỉ bắt nộp là may rồi.
Thiếu-Mai hất hàm:
- Ta không cần biết người là ai. Đã lén lút vào Vạn-thảo sơn trang, ta bắt được, phải đi theo ta.
Triệu-Huy còn lưỡng lự. Thiếu-Mai vẫy tay, một thiếu niên trên hai chục tuổi nhảy vèo đến chụp y. Y lạng người đi tránh. Không ngờ thiếu niên chuyển động thân mình, túm gáy y, nhấc bổng lên như nhấc con gà. Tay kia chụp Đinh Toàn. Trong khi đó Lê Văn chụp Ngô Tích. Huệ-Phương chụp Quách Quỳ.
Mỹ-Linh nghĩ thầm:
- Trước ta cứ tưởng võ công Tiêu-sơn vô địch. Không ngờ ngoài bầu trời này còn bầu trời khác. Thiếu niên kia võ công có lẽ ngang với anh Tạ Sơn chứ không ít.
Lê Thiếu-Mai vẫy chị em Bảo-Hòa:
- Xin hai vị cô nương theo chúng tôi, để xử trí bọn này.
Nàng móc trong túi ra bốn viên thuốc, vung tay một cái. Bốn viên thuốc nhỏ bay ra kêu rít lên, trúng đầu gối bọn Ngô Tích. Cả bọn cảm thấy đầu gối lạnh toát.
Lê Thiếu-Mai ra lệnh:
- Hãy bỏ bọn chúng xuống. Ta cho mỗi đứa nếm một viên Hàn ngọc đơn, chúng không trốn được đâu.
Nàng đi trước, dẫn mọi người theo con đường lát đá rất đẹp. Tới bờ một cái hồ, nàng nói với Mỹ-Linh:
- Đây là hồ nhân tạo. Nhân nước suối chảy ngầm thấm qua núi, rồi vọt lên chỗ này. Thân phụ tôi xây đá xung quanh thành hồ.
Mỹ-Linh để ý, thấy hồ khá rộng, xung quanh bờ xây bằng đá. Hồ có cây cầu bắc từ bờ ra ngôi nhà thủy tạ xây theo hình bát giác. Trong nhà ánh sáng chiếu xuống hồ lung linh đẹp vô cùng. Lê Văn đi trước dẫn đường. Nó đẩy cửa vào nhà. Trong nhà, Hồng-Sơn đại-phu đang ngồi trước án thư. Cạnh ông, một cái bàn dài, Lâm Tín đang nằm dài trên đó, người đầy kim. Bà vợ Lâm Tín ngồi sau bàn. Thanh-Mai ngồi cạnh lão.
Lê Thiếu-Mai nói với cha:
- Thưa bố, con đã mời các quý khách tới ra mắt bố.
Hồng-Sơn đại-phu nhìn thấy Ngô Tích, Triệu Huy, mặt ông hiện ra nét sát khí:
- Bọn mi là người Tống phải không? Thiên đường có nẻo mi không tới. Địa ngục không đường dẫn xác vào. Đêm khuya thanh vắng, bọn mi tới sơn-trang của ta làm gì?
Ngô Tích đứng dậy chắp tay hành lễ:
- Thưa tiên-sinh, bọn chúng tôi nguyên xuất thân tiến sĩ Đại-Tống, phụng chỉ thiên-tử sung vào sứ đoàn sang Chiêm. Chẳng may dọc đường đại sư huynh chúng tôi trúng phải Nhuyễn-cân-hương. Nghe danh tiên sinh là Hoa-Đà tái thế, nên mạn phép tới cầu tiên sinh trị cho. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ nhì, ngày rằm tháng tám sang năm, Thiên-tử mở Thiên-hạ anh hùng đại hội ở Biện-kinh. Nghe tiên sinh là Thái-sơn Bắc-đẩu võ lâm Lĩnh-Nam, nên anh em tại hạ tới mời tiên sinh tham dự.
Rồi y nói rõ mục đích đại hội. Trong khi đó Triệu Huy mở bọc lấy ra một tờ thiếp mời với năm nén vàng, bỏ lên đĩa, hai tay cung cung kính kính bưng đến để trước mặt Hồng-Sơn đại-phu. Ông cầm thiếp mời lên xem, mỉm cười:
- Trong thiếp này ghi rõ người đứng ra tổ chức là Bình-nam vương, lĩnh chức Phụ quốc thái úy. Tổng quản Khu-mật-viện Triệu-Thành. Vậy Bình-nam vương đâu?
Triệu Huy đáp:
- Vương gia hiện đang trên đường sang Chiêm-quốc. Lúc trở về thế nào cũng đến thăm tiên-sinh.
Thanh-Mai cười nhạt:
- Sư phụ! Sư phụ đừng nghe mấy người này nói láo. Bọn họ có ba người, với thằng bé Quách Quỳ là bốn. Quách Quỳ là con cháu đại tướng Quách Quân-Biện, xưa bị đức Thái-tổ nhà ta (tức vua Lê Đại-Hành) bắt giam ở Hoa-lư. Hồi đó y học được chử Khoa-đẩu, cùng nói tiếng Việt. Y mưu phục thù, đem chữ Khoa-đẩu dạy con cháu. Bây giờ triều Tống cho thằng bé này theo sứ đoàn với mục đích ăn cắp di thư, hầu học võ công Lĩnh-Nam.
Nàng nhìn Bảo-Hòa:
- Ba người này tuy văn đỗ tiến-sĩ, nhưng võ họ cung có bản lĩnh. Họ nổi danh là Tung-sơn tam kiệt. Người lớn nhất trong bọn họ là Triệu Anh lĩnh chức lang-trung trong Khu-mật-viện nhà Tống. Trong khi đấu võ với chị Bảo-Hòa, bị chị ấy tung phấn Nhuyễn-cân. Cho nên anh em y đến đây xin chữa bệnh. Trên đường đi họ bắt trói con với Bảo-Hòa, Mỹ-Linh mang theo. Khi đến làng Vạn-thảo, bị Bảo-Hòa dùng thú rừng tấn công bắt giam. Không hiểu bằng cách nào họ vượt ngục, rồi tới đây mưu bắt Bảo-Hòa, Mỹ- Linh một lần nữa.
Hồng-Sơn đại-phu hỏi con gái:
- Tên Triệu Anh đâu?
Thiếu-Mai hất hàm cho Lê-Văn:
- Thằng cà chớn, giải tên Triệu Anh lên đây.
Nàng nói với Ngô Tích:
- Trong khi các người đi vào địa phận làng Vạn-thảo, chúng ta đã theo dõi. Các người được cô hàng bún riêu cứu thóat, rồi trốn vào khe suối ẩn thân. Ta biết thế nào các người cũng đến sơn-trang, vì vậy để cho các người vào, hầu trúng cỏ độc mà chết. Không ngờ các người định bắt Mỹ- Linh, Bảo-Hòa, bị Mỹ-Linh đánh bại. Ta theo dõi, liền cho người ra khe núi bắt tên Triệu Anh về giam trong sơn trang.
Lê Văn giải Triệu Anh tới. Phấn độc Nhuyễn-cân-tán ngấm vào trong người lâu ngày, khiến sắc mặt y xanh mứơt.
Khi mới vào nhà thủy tạ, Đinh, Toàn nhìn thấy Hồng-Sơn đại-phu, tự nhiên trong lòng ông rộn lên một mối cảm khái buồn rầu, lẫn hận thù. Ông cố moi óc xem, đã gặp ở đâu, mà chưa tìm ra. Hồng-Sơn đại-phu chợt quay lại nhìn Đinh Toàn. Ông cũng ngờ ngợ, dường như quen với Đinh, mà không nhớ đã gặp nhau hồi nào?
Thanh-Mai chỉ Đinh Tòan giới thiệu với Hồng-sơn đại-phu:
- Thưa sư phụ, vị này nguyên trước đây là Vệ-vương Đinh Toàn, con út của vua Tiên-Hòang nhà Đinh.
Đại-Phu kinh ngạc:
- Ta không tin. Vệ-vương đã chết trong trận đánh Cẩm-thủy trấn Thanh-hóa, xác rơi xuống sông, mất tích, đã mấy chục năm rồi, chứ đâu còn tới ngày nay?
Mỹ-Linh đã từng nghe Hồng-Sơn đại-phu nói cá nhân lão không thù hằn gì ông nội nàng. Nhưng ông nội nàng cướp ngôi nhà Lê, vì vậy lão không đội trời chung với họ Lý. Võ lâm không ai biết xuất thân của lão. Lê Văn họ Lê, mà y là con trai đại-phu, vậy chắc ông họ Lê. Như vậy không chừng ông là con cháu của Lê Hòan cũng nên. Nếu ông là con cháu Lê Hòan, thì ông có mối thù không đội trời chung với Đinh Toàn. Đinh đang theo bọn Tống mưu phục hồi ngai vàng. Ta cũng nên nhân dịp này nói toẹt âm mưu bọn Tống ra, hầu chia rẽ bọn chúng với ông.
Mỹ-Linh mỉm miệng cười:
- Hồng-Sơn tiên sinh. Tiên sinh không tin ư? Chính Vệ-vương gia đây đã thuật cho chị em tiểu nữ nghe. Hồi vương còn nhỏ, sau khi vua Tiên-hoàng cùng Nam-Việt vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết chết, triều thần tôn người lên làm vua. Bấy giờ người còn nhỏ, Thái-hậu Dương Vân-Nga tư thông với Lê Hoàn cướp ngôi của người. Người phải cắn răng nhẫn nhục, nhờ thân mẫu che chở cho. Khi Lê Hoàn mang người theo, rồi cho cận vệ bắn lén phía sau. Người giả vờ ngã xuống sông, lặn trốn đi.
Hồng-sơn đại-phu cau mặt:
- Nói láo.
Mỹ-Linh nhìn sắc mặt ông biến đổi, nàng đóan chắc ông là con cháu họ Lê. Nàng tiếp:
- Người trốn sang Trung-quốc, cầu vua Tống cho mượn quân đem về chiếm lại ngôi. Nhưng vua Tống còn ghê sợ trận Chi-lăng, Bạch-đằng, nên không giám. Bây giờ nhà Tống đã giầu mạnh. Vua Tống sai Bình-nam vương dẫn tới bốn năm sứ đòan sang Đại-Việt thăm dò đường xá, mua chuộc nhân tình, rồi sai tướng đem quân hộ vệ vương gia làm vua Đại-Việt.
Thấp thoáng một cái, đại-phu đã vọt tới trước, rồi lui trở về chỗ cũ. Áo Đinh Toàn bị xé tung, lưng lão bị hở, phía sau lưng có vết thẹo lớn.
Hồng-Sơn đại-phu gật đầu:
- Quả nhiên người là Đinh Toàn.
Đinh Toàn bật lên tiếng kêu kinh ngạc, tay lão run run chỉ Hồng-Sơn đại-phu:
- Lê Long-Mang. Người đích thị Lê Long-Mang, con thứ sáu của Lê Hoàn. Người được phong là Nam-quốc vương trấn thủ vùng Vũ-long. Khi Lê Long-Đĩnh, cùng Long-Việt tranh ngôi vua, người án binh bất động. Vì vậy sau này Long-Đĩnh lên ngôi vua, vẫn cho người giữ chức cũ. Lúc Lý Công-Uẩn cướp ngôi nhà Lê, người bỏ quan chức, treo ấn, trốn đi. Ta tưởng người đi đâu, hóa ra ẩn thân ở đây làm thầy lang.
Đinh Toàn nhìn Hồng-Sơn đại-phu như muốn ăn tươi nuốt sống:
- Hồi ta còn bé, sống trong cung với anh em người. Anh em người đánh, chửi ta nhục nhã vô cùng. Bây giờ võ công người đến trình độ vô địch thiên hạ. Ta lại bị trúng độc của con gái người, chân tay cử động khó khăn. Vậy người giết ta đi cho tuyệt hậu hoạn, bằng không sẽ có ngày ta giết hết tông tộc nhà ngươi để trả thù.
Hồng-Sơn đại-phu nhìn bọn Triệu Huy:
- Từ trước đến nay, ta chữa bệnh, có biệt lệ. Một là không chữa cho tông tộc nhà Lý. Hai là không chữa cho người Tống. Ba là chỉ chữa những bệnh mà không ai chữa được.
Ông nhìn Thiếu-Mai tiếp:
- Vạn-thảo sơn trang vẫn có biệt lệ. Nếu ai tự ý xâm nhập, sẽ bị bỏ tù. Ta chỉ tha ra khi nào chính tù nhân hoặc người nhà y có khả năng thắng một trong hai con của ta.
Lão chỉ vào Thiếu-Mai:
- Đây là một trong hai con ta. Các người có khả năng thắng thì ta tha cho.
Đinh Toàn thở dài:
- Nhưng chân bọn ta trúng Hàn ngọc hoàn tê liệt, làm sao xử dụng được võ công?
Hồng-Sơn đại-phu cười nhạt:
- Dễ lắm.
Nói rồi ông vung tay, bốn viên thuốc bay ra hướng vào Đinh Toàn và bọn Ngô Tích. Chân tay bọn này cử động được liền.
Đinh Toàn chỉ Mỹ-Linh:
- Ta đấu kiếm với đứa cháu Lý Công-Uẩn, bị nó dùng tà đạo làm tiêu hao hết công lực của ta. Ít ra phải hơn mười ngày, ta mới phục hồi được. Nếu mi anh hùng cứ để bọn ta ra đi, mười ngày sau bọn ta trở lại tái đấu.
Hồng-Sơn đại phu cùng Thiếu-Mai ôm bụng cười. Đinh Toàn bực mình:
- Các người cười cái gì?
Thiếu-Mai chỉ Mỹ-Linh:
- Này Vệ-vương gia. Đầu óc người có còn minh mẫn không đấy. Cô công chúa cành vàng lá ngọc của họ Lý này, mới học được ba cái múa của tên Lý Long-Bồ. Sau tuy được lão thầy chùa Huệ-Sinh thu làm đệ tử, nhưng bản lĩnh còn thua xa thằng cà chớn Văn nhà này. Hôm qua, con bé chiết chiêu với Lê Văn, nó xử dụng mấy chiêu kiếm Long-biên xiêu vẹo, thì bản lĩnh đâu mà làm tiêu hao công lực các người. Nếu sự thực như vậy, thì bản lĩnh các người không đáng để sơn trang ta ngó tới.
Thiếu-Mai chợt nhớ mới hai hôm trước, nàng đã đấu với anh em Ngô Tích một chiêu trên đường đến làng Vạn-thảo. Sau mỗi chiêu, nàng thấy tay ê ẩm đến nửa gìơ mới hết. Bản lĩnh như vậy đâu có tầm thường. Nàng đến bên Ngô Tích bắt mạch, quả thấy trầm, mà trì, rõ ràng là mạch của người suy kiệt đến chỗ cùng cực.
Nàng suy nghĩ:
- Phàm người học võ, thì mạch bao giờ cũng hồng, đại. Chứ có đâu trầm trì.
Nàng tiếp tục bắt mạch Triệu Huy, Đinh Toàn, cũng cùng tình trạng.
Hồng-sơn đại phu hỏi:
- Cái gì vậy?
- Bố, họ nói thực. Cả ba người mạch đều trầm, trì.
Hồng-Sơn đại-phu liếc nhìn Mỹ-Linh, rồi quay lại hỏi Lê Văn:
- Mi lớn mật thực, giám ăn cắp thuốc giải Nhuyễn-cân phấn của bố cho bọn này uống.
Lê Văn quỳ gối trước bố:
- Bố ơi! Con nghĩ việc thù oán giữa bố với ông của chị Mỹ-Linh, Bảo-Hòa là việc người lớn. Bố là đại tôn sư võ học, sao lại thù tới bậc hậu bối? Vì vậy con ăn cắp thuốc của bố trộn vào với Kỷ-tử cho họ ăn.
Mỹ-Linh cảm động:
- Cậu Văn, thì ra cậu bầy ra đấu võ với bọn tôi, làm bọn tôi thua, rồi cậu trộn thuốc giải với Kỷ-tử cho bọn tôi uống. Cậu... cậu... tốt với bọn tôi quá.
Lê Văn cười:
- Tôi vốn cảm tình với các chị, thì dù các chị có thua, tôi đâu nỡ lòng nào bắt các chị ăn một bát ớt? Chẳng qua quả Kỷ-tử mầu đỏ giống qủa ớt, tôi cho các chị ăn hầu phục lại sức khỏe sau gần tháng bị giam dưới hầm. Trong bát Kỷ-tử, tôi trộn vào một viên thuốc giải. Các chị ăn vào cay khè lửa ra, các chị tưởng là ớt thực.
Tính khí Hồng-Sơn đại phu kỳ cục thực, song lại rất thương con cháu. Tuy biết con làm trái với ý mình, nhưng ông chỉ cười xòa:
- Thằng bất trị. Bố phải đành què mới được.
Thình lình ông đứng dậy vung chưởng đánh xuống đỉnh đầu Mỹ-Linh. Chưởng phong chưa xuất ra hết, mà nàng đã ngộp thở. Nàng kinh hãy, vội vận khí xuất một chiêu Tiêu-sơn Lăng-gìa chưởng đỡ. Bình một tiếng, nàng lảo đảo ngã ngồi xuống. Tai nàng phát ra những tiếng vo vo không ngớt. Nàng vội hít một hơi chân khí, lấy lại bình tĩnh, đứng nhìn ông. Nàng biết ông mới vận có ba thành công lực.
Sau khi phát chiêu thử công lực Mỹ-Linh, đại-phu lặng im một lúc rồi nghĩ thầm:
- Hồi chiều ta thấy con nhỏ này nội lực coi như không có gì, còn thua cả Lê Văn. Không hiểu sao bây giờ lại hùng hậu như thế này? Nội lực này tuy không bằng ta, nhưng e Thiếu-Mai cũng thua.
Ông khoan thai nói với Đinh-Toàn:
- Đúng. Các vị nói đúng. Nội lực con nhỏ này không tầm thường.
Ông hỏi Mỹ-Linh:
- Này công chúa. Trong nội lực của công chúa, dường như bao gồm nội lực Tiêu-sơn, Mê-linh, còn pha lẫn nội lực Thiếu-lâm, Hoa-lư nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top