ANH HÙNG GIỮA MẶT TRẬN KHÔNG TIẾNG SÚNG

ANH HÙNG GIỮA MẶT TRẬN KHÔNG TIẾNG SÚNG

30/09/2006

Nhìn ông già với dáng dấp nho nhã, hiền lành đang nói một cách say sưa về chuyện làm ăn thời mở cửa, chuyện kinh tế thị trường và cả chuyện làm báo nữa, khó ai biết diễn giả là một nhà báo kỳ cựu suốt 23 năm hoạt động, thường xuyên tiếp xúc, giao du với những tên trùm mật vụ, cảnh sát đặc biệt, tình báo Mỹ - ngụy... và những tướng tá, chính khách chống cộng khét tiếng ngay tại Sài Gòn mà không hề bị lộ. Đặc biệt hơn, ông lại là một vị tướng - Thiếu tướng Quân đội nhân dân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Năm 2001 đã 74 tuổi, nhưng mái tóc của ông Phạm Xuân Ẩn vẫn còn đen và nói năng, suy nghĩ vẫn còn hết sức minh mẫn, thông thái. Có lẽ vì thế mà vị ký giả nổi tiếng của hãng thông tấn Reuters và các tờ báo tên tuổi như tuần báo Times, nhật báo New York Herald Tribune, nhật báo The Chritian Science Monitor vào đầu thập niên từ 1960 đến 1975 vẫn thường xuyên có các nhà đầu tư mang nhiều quốc tịch khác nhau cũng như các học giả, nhà nghiên cứu, cựu sĩ quan, chính trị gia đến tham khảo ý kiến. Không hiểu sao các nhà đầu tư Pháp, Mỹ, Đài Loan, Nhật, Hàn lại tỏ ra khá "mê tín" vì cựu ký giả vốn trước đây có sở trường đưa ra những dự đoán chính xác về việc "thay ngôi đổi chủ" trong chính giới Sài Gòn hơn là am hiểu về kinh tế và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 người ta mới thực sự biết được ký giả lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn chính là nhà tình báo chiến lược "Cộng sản nằm vùng". Đáng buồn cười là có những tay CIA gộc như Frank Snepp - chuyên viên phân tích tình báo chiến lược công tác tại chi nhánh CIA ở miền Nam Việt Nam, cũng như các ông: Edward G.Lanstale, William Cobly đã từng tiếp xúc với ký giả Phạm Xuân Ẩn, đồng thời còn là tác giả của cuốn sách nổi tiếng xuất bản năm 1977: The Decent Interval (tạm dịch là "Khoảng cách vừa phải") được dịch và tái bản nhiều lần ở Việt Nam với tựa đề là "Cuộc tháo chạy tán loạn"; hoặc Zalin Grant - một nhà báo Mỹ vừa là sĩ quan phản gián (CIC = Counter-intelligence Corps) của quân đội Mỹ làm cho tạp chí Time và New Republic từng có mặt ở Việt Nam nhiều năm nói được tiếng Việt khá lưu loát và là tác giả của quyển sách gây được sự chú ý của dư luận: "Chương trình phượng hoàng - CIA và thất bại chính trị của Hoa Kỳ tại Việt Nam" đều tỏ ra sửng sốt khi biết được ông ký giả Phạm Xuân Ẩn, người cung cấp nhiều thông tin đặc biệt tối mật về diễn tiến tình hình quân sự chính trị tại Sài Gòn cho độc giả toàn thế giới và các đồng nghiệp thân tín người Mỹ, lại là sĩ quan tình báo Cộng sản.

Hơn 25 năm qua đã có trên hàng chục bài viết của các báo, tạp chí trong nước về Phạm Xuân Ẩn, mỗi bài dưới những góc độ và cách tiếp cận với tác giả khác nhau nên đề cập nhiều vấn đề cũng có khác nhau, nhưng tất cả những bài báo này cũng không đưa ra thêm được tư liệu gì mới lạ hơn so với bản nhận xét của lãnh đạo Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, để làm cơ sở đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam năm 1976:

Đồng chí Nguyễn Văn Trung (tên thật là ký giả Phạm Xuân Ẩn) Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam, liên tục hoạt động trong vùng địch kiểm soát, luôn luôn nêu cao tấm gương về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Trong những tình huống hết sức khó khăn, phức tạp, đồng chí vẫn tích cực chủ động tiến công địch, bám chắc địa bàn, mưu trí sáng tạo... Đồng chí đã thu thập phân tích chiến lược và cung cấp kịp thời - kế hoạch quân sự và tài liệu quan trọng khác phục vụ đắc lực cho việc nắm địch về chiến lược và trong các chiến dịch lớn tạo điều kiện cho lực lượng của ta đánh bại mọi mưu đồ, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù.

Bản tuyên dương thành tích này còn nêu: Hai mươi ba năm, từ năm 1952 đến năm 1975 chiến đấu trong mặt trận thầm lặng giữa hang ổ kẻ địch, đồng chí Nguyễn Văn Trung đã 4 lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong quyển: "Biên Hòa - ghi nhớ, tự hào" do Thành ủy Biên Hòa biên soạn được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1997 cũng nêu tóm tắt thành tích của Anh hùng Nguyễn Văn Trung: "Đồng chí Nguyễn Văn Trung sinh năm 1927, dân tộc Kinh, quê ở thị xã Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nhập ngũ tháng 10 năm 1945, ở Rạch Giá và tái ngũ đầu năm 1952, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, khi tuyên dương anh hùng là trung tá, cán bộ tình báo thuộc Bộ Tham mưu Miền. Với những thành tích xuất sắc, đồng chí được Nhà nước phong Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ năm 1952 đến tháng 4 năm 1975 do yêu cầu nhiệm vụ tình báo, suốt hai mươi ba năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với địch, phải thường xuyên tiếp xúc với bọn đầu sỏ gian ác nhất, nhưng đồng chí vẫn luôn giữ vững lòng trung thành với Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng..."

Bài giới thiệu này cho biết là ngoài việc được khen thưởng 4 Huân chương Chiến công giải phóng gồm 1 hạng nhất, 2 hạng nhì, 1 hạng ba, nhà tình báo huyền thoại Nguyễn Văn Trung còn có 6 lần là Chiến sĩ thi đua.

Đã có nhiều người gặp phỏng vấn cựu ký giả Phạm Xuân Ẩn, thậm chí có nhà văn, nhà nghiên cứu còn định khai thác tư liệu để viết về cuộc đời hoạt động tình báo của ông... nhưng với ai ông cũng khéo léo từ chối, cho rằng có những bí mật bây giờ chưa thể công bố ra được. Do đó thấy lạ khi có hàng chục bài báo viết về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn mà chưa có bài nào hé lộ được chút gì về công việc gian nan, phức tạp nhưng "thầm lặng" của ông.

Anh hùng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung có lẽ là nhà tình báo còn "kín tiếng" hiện nay. Vì như chúng ta đã biết là từ sau ngày nước nhà được giải phóng, trước yêu cầu giáo dục tinh thần cảnh giác cho cán bộ, quần chúng bằng cách đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, hàng loạt sách báo viết về cuộc đời hoạt động của các cán bộ, chiến sĩ hoạt động, đấu tranh trên mặt trận thầm lặng này ra đời, được đông đảo công chúng bạn đọc háo hức đón nhận. Trong đó ngoài tiểu thuyết "Ván bài lật ngửa" được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, rồi sau đó được in thành sách, quay thành phim truyện... làm say mê hàng triệu người về cuộc đời hoạt động tình báo của đại tá Phạm Ngọc Thảo (được tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý đổi tên thành Nguyễn Thành Luân) thì những quyển sách viết về cuộc đời hoạt động của các nhà tình báo khác như: Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên - tác giả Hữu Mai), tình báo viên chiến lược Lê Nguyên Vũ (Điệp viên giữa sa mạc lửa - tác giả Nhị Hồ), Trưởng ban quân báo Nam Bộ Hoàng Minh Đạo (Chân dung một nhà tình báo - Hàn Song Thanh), Thiếu tướng tình báo Trần Văn Danh (Ba Trần)... thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp bạn đọc, đặc biệt gần đây còn có những quyển sách được viết dưới dạng hồi ký như: "Những mẩu chuyện đời tôi" của đồng chí Mai Chí Thọ - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, "Những ngày sóng gió" của đồng chí Lê Giản - nguyên Tổng giám đốc đầu tiên của Nha Công an Việt Nam... Trong đó đáng chú ý là hai quyển "Về với cội nguồn" và "Đối mặt với CIA Mỹ" của đồng chí Nguyễn Tài (tự Tư Trọng) nguyên Trưởng ban an ninh T4, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ. Trong cả hai quyển hồi ký này, nhà tình báo Tư Trọng đều cẩn thận cho biết... "trên thế giới, các nước đều có quyền định thời hạn hiệu lực của các sự kiện mật, các hồ sơ mật. Có những sự kiện mật sau 20 năm là có thể công bố hồ sơ "lưu trữ" được mở cho công chúng. Có những sự kiện quy định là 30 năm. Bởi thế, có một số sự kiện ghi trong tập hồi ký này theo sự hiểu của tôi, là đã hết thời hạn bảo mật, có thể công bố".

Vào giữa năm 1999, nhân kỷ niệm ngày nhà báo Việt Nam, Anh hùng Nguyễn Văn Trung được mời về Biên Hòa để có buổi nói chuyện về kỷ niệm làm báo trong lòng địch với những đồng nghiệp trẻ trên chính quê hương ông. Tôi đã tranh thủ trong giờ nghỉ giải lao, mọi người nói chuyện thân mật để đem những ý tưởng trên ra đề nghị nhà tình báo đã vượt qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy" kể về hoạt động tình báo của mình. Ông Trung cười thật hiền và trả lời hóm hỉnh: "Có hai thứ "tình" mà tôi chưa thể kể ra được lúc này. Đó là công tác tình báo và... tình yêu!". Như vậy là ngoài chuyện hoạt động tình báo đã hết hạn bảo mật - theo như quy ước của giới tình báo quốc tế vẫn được Anh hùng Nguyễn Văn Trung giữ kín như bưng, thì chuyện tình cảm gia đình cũng được ông "bảo mật" thật cẩn thận. Mặc dù chuyện tình của ông nghe đâu cũng khá ly kỳ. Bà Hoàng Thị Thu Nhạn - người bạn đời của ông Trung hiện nay, vốn là cô gái ở quê lụa Hà Đông đã cùng ông se tơ kết tóc cách nay đúng 39 năm. Nhưng cô "con gái xứ Bắc lấy chồng Đồng Nai" này chỉ sống trọn vẹn với nhau được có 5 ngày sau khi cưới, để rồi vì nhiệm vụ khẩn trương ông phải bỏ lỡ cả tuần trăng mật để lao vào công tác.

Giữ kín chuyện "tình báo" và tình yêu" nhưng trong cuộc trao đổi thân tình với những người làm báo trẻ ở Đồng Nai, nhà tình báo chiến lược Nguyễn Văn Trung cũng hé mở vài mẩu chuyện khá kỳ thú chung quanh cuộc đời và hoạt động làm báo của ông giữa lòng địch:

Sinh năm Đinh Mão giờ Sửu ở Biên Hòa, nhưng Nguyễn Văn Trung không phải sinh ra ở nhà bảo sanh hay do "mụ vườn" đỡ đẻ như bao hài nhi Việt Nam khác trên đất nước vào thời kỳ bấy giờ, mà là được sinh ra ở... Nhà thương điên Biên Hòa. Chuyện này mới nghe có vẻ lạ kỳ, nhưng không phải ai cũng có thế chọn cái nơi để mình cất tiếng khóc chào đời một cách... không đúng chỗ như vậy. Trường hợp của ông thật đặc biệt, cha ông là một công chức trắc địa người Việt Nam xông xáo và tận tâm với công việc lại giao du rộng nên rất được quan chủ tỉnh và các công chức Pháp ở Biên Hòa nể trọng. Trắc địa sư lại là một công chức ngạch được giao phụ trách việc đo đạc, định hạng ruộng đất, đồn điền cả một vùng miền Đông màu mỡ đang được khai phá nên ai cũng muốn cầu cạnh, làm thân. Do đó, khi biết vợ của viên trắc địa sư sắp đến ngày sinh nở, vị giám đốc của Nhà thương điên Biên Hòa bèn tế nhị mời bà vào nơi mà nhà cầm quyền thực dân Pháp tự hào là khu điều trị bệnh tâm thần lớn nhất Đông Dương có bác sĩ người Pháp trực tiếp đỡ đẻ. Chào đời ở một nơi tréo ngoe như vậy, nên tấm giấy khai sanh của Nguyễn Văn Trung cũng khác đời vì những người chứng sinh toàn là các quan đốc tờ Tây. Không ngờ với cái giấy khai sanh độc đáo này cùng với bản lý lịch "ngon lành" có cha là trắc địa sư, công chức cao cấp của Pháp, trở thành loại "thông hành" có giá trị để sau này Nguyễn Văn Trung có ngay sự thuận lợi bước đầu trong việc bám sâu trèo cao hoạt động tình báo.

Cách mạng Tháng Tám thành công, như bao thanh niên Việt Nam yêu nước khác, chàng trai 18 tuổi Nguyễn Văn Trung háo hức tham gia vào thanh niên Tiền Phong. Đối với chàng trai đã "Âu hóa" Nguyễn Văn Trung nếu nói hăng hái thôi chưa đủ lắm, mà phải nói là háo hức vì từ lâu theo cha đi khắp vùng đất miền Đông rồi bây giờ là miền Tây Nam Bộ, nơi nào Trung cũng nhận thấy cảnh bị bóc lột, bị đối xử bất công giữa tá điền nghèo khổ với bọn địa chủ phong kiến quan lại Việt Nam cùng bọn chủ đồn điền thực dân người Pháp. Và bên Trung luôn có hình ảnh hai anh em Ngôn và Ngữ cùng tuổi với Trung quê cũng ở miền Trung nhưng do hoàn cảnh phải lưu lạc vào Nam trở thành người hầu cho "cậu Trung". Ngôn và Ngữ phải thay nhau chẻ củi, quét nhà rồi lại hầu quạt cho Trung lúc cậu chủ ngồi ăn cơm, học bài, ngủ... Bất nhẫn với cảnh bất công, nên tuy sống trong làng Tây, học trường Tây, nhưng cha con Nguyễn Văn Trung đều cương quyết không chịu trở thành... dân Tây (tức lấy quốc tịch người Pháp, là đặc ân mà nhà cầm quyền Pháp dành cho công dân thuộc địa giàu có, công chức được chúng đào tạo chính ngạch có vị trí cao trong xã hội đương thời...).

Trong khí thế hào hùng của cả dân tộc vừa giành được độc lập và được nghe lời hiệu triệu của Việt Minh, Nguyễn Văn Trung đem hết nhiệt khí tuổi thanh xuân ra phục vụ kháng chiến.

Hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc, đội viên thanh niên Tiền Phong tỉnh Cần Thơ Nguyễn Văn Trung được chọn đi đào tạo ở trường quân sự Thanh Trị. Kết thúc khóa huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh Cần Thơ với loại xuất sắc, Nguyễn Văn Trung trở thành một chiến sĩ Vệ quốc đoàn tham gia đánh giặc khắp bưng biền miền Tây Nam Bộ.

Với bản lý lịch độc đáo, năm 1946 anh bộ đội Nguyễn Văn Trung được lệnh trả lại súng để về Sài Gòn làm nhiệm vụ khác. Tổ chức giao cho Trung về Thành và tìm mọi cách xin vào làm ở sở quan thuế Sài Gòn, đây là nơi rất thuận tiện để anh có thể nắm được và kịp thời báo cho cách mạng về tình hình vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự và quân đội viễn chinh do Pháp đưa từ mẫu quốc sang Việt Nam và từ Việt Nam về Pháp. Có một thân thế ngon lành như thế, Nguyễn Văn Trung không khó khăn gì lắm để trở thành một công chức trong sở quan thuế Sài Gòn. Và từ đây, toàn bộ mọi thứ hàng hóa, khí tài được nhập từ Pháp qua đều có các báo cáo ghi đầy đủ đưa về đến Bộ chỉ huy Quân sự Miền nằm trong bưng hẻo lánh miền Đông (chiến khu Đ). Tín hiệu mà người chiến sĩ quân báo Nguyễn Văn Trung đang hoạt động lặng lẽ, âm thầm ở Sài Gòn nhận lại được là những trận công đồn, những trận giao thông chiến mà bộ đội miền Tây và miền Đông đã đốt phá, tịch thu, hủy diệt nhiều sinh lực, vũ khí của địch. Nhưng thấy công việc của mình thầm lặng quá, trong khi khắp các chiến trường đang âm vang tiếng súng đuổi giặc năm 1951, Nguyễn Văn Trung làm đơn gởi về đơn vị xin cho mình được ra chiến trường cầm súng. Nguyện vọng của Trung là được chiến đấu ngay trên mảnh đất quê hương nơi anh cất tiếng khóc chào đời, giờ được đổi thành tỉnh Thủ Biên, nơi có đơn vị Vệ quốc đoàn của Huỳnh Văn Nghệ lừng danh đang làm cho giặc Pháp điên đảo. Gởi đơn rồi và đang háo hức chờ ngày rời đô thành Sài Gòn để ra chiến trường, thì ngay đầu năm 1952, Nguyễn Văn Trung nhận được thư của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - nguyên là thủ lĩnh thanh niên Tiền Phong trước đây và bây giờ đang là Ủy viên của Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ trực tiếp mời ra chiến khu đang tạm đóng tại Đất Cuốc. Lần này Nguyễn Văn Trung cũng không được phân công cầm súng chiến đầu mà lại được động viên để nhận một nhiệm vụ cụ thể hơn nữa tại trung tâm đầu não quân sự của giặc ở Sài Gòn, theo như nghị quyết xác định trách nhiệm mỗi bên giữa sở công an Nam Bộ và quân báo vừa thống nhất trong hội nghị ngày 21 tháng 12 năm 1951: "Quân báo chú trọng công tác điệp báo trong cơ quan quân sự địch và phòng nhì, tiến hành công tác phòng gian, phản gián trong lực lượng quân sự của ta". Nhiệm vụ của Nguyễn Văn Trung là phải bằng mọi cách khai thác các mối quan hệ sẵn có để tiếp cận cho được Bộ Tổng hành dinh quân đội liên hiệp Pháp đặt ở thành Ô Ma (nay là Bộ Công an II trên đường Nguyễn Trãi - thành phố Hồ Chí Minh) bằng hoạt động công khai nắm cho được các ý đồ chiến lược về chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế của thực dân Pháp. Cái "mác" công chức lại là dân học trường Tây, có giấy khai sinh do Tây cấp và là con của một cựu trắc địa sư tên tuổi, đã giúp ích rất nhiều cho người chiến sĩ quân báo Việt Nam trở thành nhân viên tham mưu tin cậy trong Bộ chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp.

Quân Pháp liên tục thất bại trên chiến trường Đông Dương, Mỹ từ viện trợ quân sự ban đầu cho Phép đã trực tiếp can thiệp vào Việt Nam với ý đồ thay chân bọn thực dân cũ. Anh nhân viên tham mưu người Việt Nam nhỏ thó nhưng có cái nhìn chiến lược về quân sự Nguyễn Văn Trung đã lọt vào cặp mắt xanh của trung tướng Edwar G.Lansdale, trưởng nhiệm sở CIA và trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (US.MAAG) ở Sài Gòn. Đã nắm được ý đồ can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, nên sau khi được báo cáo của Nguyễn Văn Trung, các đồng chí Mười Hương, Năm Xuân, Tư Hùng... quyết định giao cho anh nhiệm vụ mới: bám sát nhóm cố vấn Mỹ MAAG. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đường dây hoạt động tình báo chiến lược đơn tuyến này, tổ chức bố trí cho Nguyễn Văn Trung một "hòm thư sống" mà anh chỉ được biết với tên là một phụ nữ gốc Long An gọi "Chị Ba". Thông qua chị Ba, Trung nhận chỉ thị của cấp trên và báo cáo phân tích của ngành tình báo chiến lược căn cứ trên mọi tin tức mà mình thu thập được.

Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, giữa lúc cán bộ, bộ đội chuẩn bị xuống tàu tập kết ra miền Bắc, thì Nguyễn Văn Trung lại trở thành người cộng sự của phái bộ quân sự Mỹ tại Sài Gòn (Sài Gòn Military Mission) thường xuyên đến văn phòng hoặc nhà riêng để gặp gỡ đại tá CIA Ed Lansdale, thiếu tá Lou Conien, trung úy Rufus Philyes chỉ huy một nhóm tình báo Mỹ ở Sài Gòn đang tìm cách củng cố chế độ Ngô Đình Diệm, tiêu diệt các giáo phái đối lập cùng các thế lực ảnh hưởng Pháp.

Năm 1955, phái bộ cố vấn quân sự Mỹ chính thức thay Pháp để đứng ra huấn luyện và xây dựng "quân đội Quốc gia Việt Nam", Nguyễn Văn Trung được cố vấn Mỹ đề nghị tham gia soạn thảo các tài liệu về tham mưu, tổ chức, tác chiến, huấn luyện, hậu cần. Đặc biệt, Nguyễn Văn Trung được Mỹ và bộ tổng tham mưu "Quân đội Việt Nam cộng hòa" tham gia phái bộ thành lập bộ khung của 6 sư đoàn bộ binh đầu tiên của "quân đội Việt Nam Cộng hòa" vốn thành phần nhân sự ban đầu là sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính người Việt trong quân đội liên hiệp Pháp trước đó, để lại. Nguyễn Văn Trung còn được giao hợp tác với Mỹ chọn lựa sĩ quan trẻ có "tinh thần quốc gia", có triển vọng rồi kiểm tra trình độ Anh ngữ để đưa sang Mỹ đào tạo. Trong số 25 sĩ quan người Việt được đưa qua trường tham mưu và chỉ huy (Command and General Staff ở căn cứ Fort Leavenuorth, Kansas City) để dự khóa huấn luyện tham mưu và chỉ huy trong mười tháng, có Nguyễn Văn Thiệu (sau này là trung tướng, tổng thống chế độ Sài Gòn) Trần Ngọc Châu (sau đó là trung tá tỉnh trưởng Kiến Hòa, dân biểu quốc hội Sài Gòn)...

Thực hiện một chủ trương chiến lược hoàn toàn mới mẻ trong toàn bộ các cuộc chiến tranh xâm lược trước đây ở Việt Nam của nhà tình báo lão luyện Ed Lansdale vốn cũng xuất thân là nhà báo. Đầu năm 1957, được giải ngũ, Nguyễn Văn Trung chuẩn bị mọi thủ tục giấy tờ đi Mỹ học làm nghề báo chí, đồng thời học hỏi văn hóa Mỹ, hiểu tâm lý người Mỹ...

Trước ngày lên đường sang Mỹ, Nguyễn Văn Trung được các đồng chí cấp trên căn dặn là phải cố gắng học cho thật giỏi. Đây cũng là cơ hội hiếm có để có điều kiện phát triển kiến thức, mà quan hệ với cấp trên, tiếp xúc với các cơ quan đầu não của địch thực hiện nhiệm vụ tình báo chiến lược.

Sau 2 năm do học ở Mỹ, Nguyễn Văn Trung về Việt Nam và được mời làm thông tấn viên cho hãng thông tấn Reuters. Ký giả Phạm Xuân Ẩn được Mỹ đưa đi đào tạo về nước lại làm cho hãng thông tấn của Anh và về sau là các báo Mỹ và giao du khá rộng rãi với các cơ quan quân sự, tình báo, thông tin Mỹ cùng quan chức cao cấp phủ tổng thống, cơ quan đặc ủy tình báo, tổng nha cảnh sát quốc gia, bộ tổng tham mưu nên các chính khách, tướng tá của chế độ Sài Gòn hết sức quý trọng, đều nghi Phạm Xuân Ẩn là người của CIA. Cũng cần biết là các phe phái quân nhân cầm quyền ở Sài Gòn, tuy đều "thần phục" dưới bàn tay đạo diễn của Mỹ nhưng luôn hục hặc, tìm cách hất cẳng nhau... do đó, "ông nhà báo gốc CIA" trở thành nhân vật đáng nể mà phe phái nào trên chính trường Sài Gòn cũng muốn tranh thủ để vừa đón được ý đồ của quan thầy Mỹ vừa nghe ngóng địch tình. Nhờ vậy các buổi tiệc ngoại giao của chính giới Sài Gòn đều luôn có mặt Phạm Xuân Ẩn. Vị ký giả điềm đạm này còn là khách mời của các chính khách tên tuổi ở Sài Gòn trong những buổi họp mặt ở các khách sạn Cravelle, Majectic... và được các cấp chỉ huy an ninh tình báo cũng như các tướng tư lệnh quân nhảy dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, tư lệnh vùng tiếp đón nồng hậu, lê la khắp các vũ trường tráng lệ nhất Sài Gòn lúc bấy giờ như QueenBee, Tự Do, Rite, Đêm Màu Hồng...

Qua những mối giao du đó, ký giả Phạm Xuân Ẩn lại càng nổi tiếng về những tin tức nóng hổi tính thời sự của tình hình miền Nam Việt Nam. Đặc biệt Phạm Xuân Ẩn còn có những bài báo chính xác các diễn biến thuộc nội tình chính giới Sài Gòn - nơi mà báo chí phương Tây cho rằng "Đảo chính xảy ra như ăn cơm bữa", nên rất được các đồng nghiệp nước ngoài kính nể. Một loạt các tờ báo tên tuổi trên thế giới như: tạp chí Time, The New York Herald Tribrene, Người hướng dẫn Thiên Chúa giáo... mời Phạm Xuân Ẩn làm đặc pháo viên tại Sài Gòn. Các nguồn tin thu thập được càng mở rộng cũng có nghĩa là những bản báo cáo và phân tích tuyệt mật của Nguyễn Văn Trung qua hòm thư "chị Ba" được chuyển vào R càng phong phú, kịp thời. Với một khả năng phân tích, phán đoán nhạy bén, sắc sảo để kịp đưa ra trước công luận những bài báo cáo ấn tượng, tạo thành tên tuổi cho ký giả huyền thoại Phạm Xuân Ẩn, người chiến sĩ tình báo chiến lược cũng đã có những lần bị "tai nạn nghề nghiệp" suýt làm ảnh hưởng đến chuyện lớn.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung vui vẻ kể lại:

- Có một lần đại sứ Mỹ Federic Nolting đến khánh thành một đường băng mới trong phi trường Tân Sơn Nhất. Trước đó, tôi đã được một cô bạn người Mỹ làm thư ký ở Tòa Đại sứ Mỹ cung cấp cho bài phát biểu đã được ngài Đại sứ sửa tay hẳn hoi. Yên chí, tôi cho đưa tin trước để qua mặt các đồng nghiệp. Không ngờ hôm đó, Nolting không đọc nguyên văn bài phát biểu đã sửa và sáng hôm sau lại nghe tin của tôi đưa qua đài VOA khác đi, ông ta nổi giận lệnh cho bộ phận an ninh ở Tòa Đại sứ Mỹ phải tìm cho ra "lỗ dò rỉ tin nội bộ" này bọn tay chân của an ninh Mỹ tìm tới điều tra tôi rất dữ, nhưng tôi vẫn khôn khéo bảo vệ được nguồn tin của mình!

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung còn vui vẻ kể thêm những "chuyện ớn hồn" trong tai nạn nghề nghiệp khi làm báo ở Sài Gòn:

- Hồi đó, dư luận ở Sài Gòn đang rộ lên tin đồn là Henry Cabot Lodge sắp qua thay Đại sứ Federic Nolting, tôi liền đến một nhà hàng sang trọng "La Cigale" mà các quan chức Mỹ và các nhà ngoại giao cũng như ký giả nước ngoài hay đến để moi tin thẩm tra lời đồn đoán này. Ngồi được một lát thì tôi thấy ông bí thư trẻ của Đại sứ Nolting thường ngày ăn mặc rất chỉnh tề, nhưng hôm ấy mặc áo chim cò dẫn một cô gái người Việt đi ăn. Tôi vừa lên tiếng hỏi : bữa nay ông bí thư ăn mặc đơn giản thế ? Thì ông trả lời: "Chỉ còn một tuần lễ nữa tôi sẽ trở về nước, hôm nay đi xả hơi một chút". Với kinh nghiệm nghề nghiệp tôi nhanh chóng đoán ra ngay, về văn phòng đưa tin: "Đại sứ Federic có thể được thay thế trong vòng một tuần lễ sắp tới". Tin này làm Nolting bực tức, còn Ngô Đình Nhu thì đùng đùng nổi giận lệnh cho Đặng Đức Khôi làm ở phủ tổng thống cho bác sĩ Trần Kim Tuyến gọi tôi đến để điều tra nhằm tìm cho ra ai đã cung cấp nguồn tin gây mất ổn định chính trị này. Biết trước là sẽ có chuyện rầy rà với Nhu, tôi liền đến gặp bác sĩ Trần Kim Tuyến - giám đốc Sở nghiên cứu chính trị (thực chất là cơ quan mật vụ của Ngô Đình Nhu) nhờ bảo vệ để... "bảo vệ nguồn tin". Sau đó, Trần Kim Tuyến lẫn Đặng Đức Khôi đều rất quý mến tôi!

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung lại cười hiền hậu:

- Còn chuyện này nữa cũng rất gay. Sau khi bài viết "Thủ tướng Phan Huy Quát có thể bị thay thế" của tôi được loan tải trên báo chí thế giới, thì đích thân tổng giám đốc cảnh sát quốc gia gọi tôi lên gặp. Ông ta hăm dọa rồi mua chuộc đủ điều nhưng tôi vẫn kiên quyết giữ kín được nguồn tin. Mãi đến khi Phan Huy Quát bị cho thôi tôi mới hết bị làm khó dễ, nhưng "Tổng nha" lại cho người "để mắt" tới tôi rất dữ!

Để hoạt động tình báo giữa hang hùm miệng rắn suốt 23 năm mà vẫn không lộ, thậm chí đến ngay sau những ngày đất nước vừa giải phóng, chính quyền địa phương đã khẩn cấp báo với Ủy ban quân quản là phải bắt ngay "tay CIA gộc còn nằm lại để thực hiện kế hoạch hậu chiến", đồng chí Nguyễn Văn Trung đã tuân thủ phương pháp bảo mật hết sức chặt chẽ: không quan hệ, tiếp xúc và hợp tác với những đồng nghiệp có tư tưởng tiến bộ, thân cộng hoặc những người mà đồng chí biết chắc là "người đằng mình". Trước ngày giải phóng đối với những người cứ tìm cách làm quen, đồng chí Trung còn nhờ bên an ninh quân đội Sài Gòn sưu tra lý lịch dùm. Phải chối bạn, chơi với kẻ thù là điều hết sức khổ tâm, nhưng vì sự nghiệp chung, nhà tình báo chiến lược Nguyễn Văn Trung đã cố nén lòng suốt hơn hai mươi năm, chỉ giao du, chơi bời với các tướng tá an ninh, mật vụ, cảnh sát Sài Gòn, còn đồng nghiệp thân thiết là những nhà báo bồi bút gia nô điên cuồng chống cộng.

Tạo được vỏ bọc hết sức tốt như thế, nhưng với bản chất "Bộ đội Cụ Hồ" cũng có mấy lần Nguyễn Văn Trung đã để sơ hở nghi vấn cho kẻ thù. Anh hùng Nguyễn Văn Trung nhớ lại:

- Hồi sang Mỹ học báo chí, tôi học giỏi và nói tiếng Anh cũng giỏi nên được cô giáo dạy môn phóng sự điều tra chú ý. Cô thường hỏi tôi đủ thứ chuyện cả chuyện học tiếng Anh ở đâu mà nói và viết chuẩn như vậy, mục đích học làm báo để làm gì?...

Sau này mãn khóa học, đã tin cậy nhau rồi cô mới thổ lộ cô vốn là nhà tình báo đội lốt nhà báo Mỹ hoạt động ở Đức thời đệ nhị thế chiến. Đã từng tiếp xúc với những người Cộng sản ở Đông Đức nên thấy cách sống khác lạ của tôi cô nghi. Sống khác lạ ở đây là tôi không nhậu nhẹt chơi bời... như những học viên người nước ngoài khác!

Rút kinh nghiệm sâu sắc về chi tiết này, khi về nước và trở thành ký giả Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Văn Trung đã cố biến mình thành một... playboy (tay chơi) cùng với các sĩ quan cao cấp, các nhân viên tình báo, an ninh quân đội...

Nguyễn Văn Trung la cà khắp các vũ trường, các nhà hàng sang trọng và thậm chí trong túi lúc nào cũng có vài tấm ảnh của các em cave (vũ nữ) ăn khách nhất lúc bấy giờ. Vậy mà trong một lần cùng ngồi bên chai rượu Martell ở nhà hàng - khiêu vũ trường Tự Do, một số người bạn thân thiết của Trung là đại tá Dương Văn Tâm phụ trách phủ đặc ủy tình báo quốc gia ở số 3 bến Bạch Đằng - Sài Gòn đã cao hứng hỏi:

- Nè Ẩn! Vì sao anh rất nổi tiếng lại sống không rượu, không gái, mà cũng không mê chức quyền gì cả? Tôi biết là chính phủ mời anh làm đổng lý văn phòng, rồi mời làm thứ trưởng bộ thông tin - chiêu hồi anh đều từ chối hết?... Anh là ai vậy anh Ẩn?

Ánh đèn màu của vũ trường Tự Do đã che giấu khuôn mặt của ký giả nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn chuyên viết về chính trường Nam Việt Nam. Còn câu hỏi "Anh là ai?" của nhà tình báo lão luyện Dương Văn Tâm, mãi đến ngày 15 tháng 1 năm 1976 mới được mọi người biết đến bằng việc công bố Quyết định 01/LCT của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho đồng chí Nguyễn Văn Trung, trung tá, cán bộ tình báo thuộc Bộ Tham mưu Miền.

Lê Biên Hùng

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #gautruckaka