Chương 3: Bạch thủy khởi năng độ Hồi 4
Lư Vân cười khổ, liên tục chắp tay nói:
- Tiểu nhân bất học vô thuật, nhất thời hồ đồ, quấy rầy nhã hứng của hai vị đại nhân, kính xin nhận trách phạt.
Bùi Nghiệp dò xét hắn vài lần rồi cười hắc hắc, lắc đầu nói:
- Vị tiểu bằng hữu này, phải là phải, không phải là không phải, ngươi đừng mạo danh người khác a!
Lư Vân nghe ra ngữ khí của lão có ý hoài nghi, bất giác khẽ giật mình, nói:
- Vế trên này cũng không có gì khó khăn, ta cần gì phải thế thân người khác?
Cố Tự Nguyên cùng Bùi Nghiệp nghe hắn nói lời cuồng ngạo, nhịn không được cùng hừ một tiếng. Cố Tự Nguyên trầm mặt nói:
- Ngươi chỉ là một thư đồng nho nhỏ, sao dám nói chuyện như vậy, cũng không xem gia pháp ra gì!
Lư Vân nghe ra sự khinh thị của hai người, đột nhiên trong lòng dâng lên nhiệt huyết, thầm nghĩ: “Lư Vân ta mặc dù chỉ là gả thư đồng sai vặt, nhưng cũng không hèn hạ như vậy!”
Liền tức giận mặt đỏ lên, lớn tiếng nói:
- Hai vị lão gia ở trên, tiểu nhân dù không phải là tiến sĩ Hàn Lâm gì nhưng quả thực đã nghĩ ra vế đối, không phải chỉ là “Ẩm thực khiếm tuyền, bạch thủy khởi năng độ nhật sao”? Tiểu nhân xin đáp vế dưới là “Ma thạch ma phấn, phân mễ thứ khả sung cơ” không biết hai vị đại nhân định như thế nào?
Tai nghe Lư Vân nói ra vế dưới, trong lòng hai người không còn hoài nghi, thoáng chốc nhìn nhau rồi đồng loạt vỗ tay cười to, đều nói:
- Hậu sinh khả uý, hậu sinh khả uý!
Lư Vân sững sờ ở tại chỗ, thầm nghĩ: "Bọn họ thật sự là tán thưởng? Hay vẫn là giễu cợt ta không biết tự lượng sức mình?"
Thấy thần thái của hai người như thế, Lư Vân trong tâm lại sinh ra sợ hãi, lui về sau mấy bước, vẻ mặt đầy lo lắng.
" Ẩm thực khiếm tuyền, bạch thủy khởi năng độ nhật. Ma thạch ma phấn, phân mễ thứ khả sung cơ"
Cố Tự Nguyên cùng Bùi Nghiệp liếc nhìn nhau, hai người thấp giọng tụng niệm mấy lần, thần sắc lúc này có ba phần sợ hãi, bảy phần bội phục.
Nguyên lai cái vế trên “Ẩm thực khiếm tuyền, bạch thủy khởi năng độ nhật” bên trong có sáu chữ ẩm thực khiếm tuyền bạch thủy liên hoàn không ngừng mà vế dưới của Lư Vân là “Ma thạch ma phấn, phân mễ thứ khả sung cơ”. Trong đó chữ Ma(磨) cũng có thể tách thành chữ thạch (石) cùng chữ ma(麻), chữ Phấn(粉) thì tách thành chữ phân(分) cùng chữ mễ (米) tạo thành ma thạch ma phấn phân mễ, sáu chữ liên hoàn đối lại vế trên, từng chữ đối từng chữ cực kỳ tinh tế.
Thực ra chỗ xảo diệu của vế đối này không chỉ ở hành văn mà còn đáp lại nghi vấn của vế trên, dùng “gạo” là biện pháp đáp lại ý hỏi uống nước trắng sao có thể sống qua ngày. Giống như Lư Vân đang cùng cái lão kia ngồi đối diện nhau. Lão cái một bên ngửa mặt lên trời cười dài, nói ta nghèo rớt mồng tơi, đến bữa phải uống nước suối cầm hơi, biết lấy gì mà sống đây? Lư Vân bên này liền đáp lão huynh a lão huynh ngươi có gì phải lo lắng đây, nếu quả thực không có cái ăn thì cứ tìm lấy “Hạt của cây đại ma (1)” mài lên tảng đá, cũng có thể thành “gạo” để lót dạ a!
Vế trên cho là chua xót cho thân phận, vế dưới thì lộ rằng dù nghèo hèn cũng không mất đi thanh cao, dùng "ý chí Nhan Hồi (2) " ứng với " Phẫn thế hận tục ", văn ý trùng hợp, đối đáp tinh tế có thể nói là nhất tuyệt.
Bùi Nghiệp đánh giá Lư Vân thì cười cười, hướng về Cố Tự Nguyên nói:
- A! Lão gia hỏa ngươi, thu một đồ đệ tuấn tú như vậy từ bao giờ, rồi lại gọi hắn giả làm thư đồng trốn ở chỗ này giỡn ta!
Thực ra Bùi Nghiệp nào biết trong lòng Cố Tự Nguyên kinh ngạc càng lớn hơn, lão vội nói:
- Bùi huynh chê cười, hài tử này thực là thư đồng của ta.
Bùi Nghiệp gắt một cái, nói:
- Đã đến nước này, ông lại còn dấu ta, còn tưởng là ta là lão già vô tri sao?
Cố Tự Nguyên dốc sức liều mạng giải thích nhưng Bùi Nghiệp đâu chịu tin, nếu Lư Vân chỉ là một thư đồng nho nhỏ, há có thể có ý văn khéo léo như thế sao? Cố Tự Nguyên nói đến miệng đắng lưỡi khô vẫn là khó mà khiến người tin tưởng.
Bùi Nghiệp thấy Cố Tự Nguyên vẫn là không nhận, liền tự cười cười, nói:
- Được rồi được rồi, vô luận hài tử này là ai thì cuối cùng đã đối chỉnh được cái vế trên này, đã giúp ta một đại sự.
Nói xong vẫy tay về Lư Vân, nói:
- Hài tử ngươi tới đây.
Lư Vân theo lời đến gần, khom người nói:
- Đại nhân có gì phân phó?
Bùi Nghiệp cười nói:
- Ngươi vừa giúp ta một việc khó, ta rất cảm kích. Ngươi muốn có đồ vật gì? Để ta liền thưởng cho ngươi.
Lư Vân khẽ lắc đầu, nói:
- Tiểu nhân đoán bậy đoán bạ, sao lại dám kể công lao, thỉnh đại nhân vạn lần không cần như thế.
Bùi Nghiệp thấy hắn khiêm tốn hữu lễ, khí độ phi phàm, ở đâu lại xuất hiện một thư đồng như vậy, có vẻ giống như một văn sĩ triều đình hơn. Y không khỏi thầm khen, trong lòng càng ưa thích.
Y thấy Lư Vân kiên quyết không nhận công lao, đành hướng sang Cố Tự Nguyên nói:
- Này! Ông nghĩ biện pháp, thưởng chút gì đó cho hài tử này. Ta thiếu nợ ân tình của hắn.
Cố Tự Nguyên nhẹ gật đầu, nói:
- Ta sẽ lưu tâm việc này.
Nói xong lão lại nhìn về Lư Vân với vẻ buồn bực, nhất thời đoán không ra lai lịch của hắn.
Bùi Nghiệp vỗ vai Lư Vân, cười ha hả nói:
- Lần này toàn bộ mấy chục học đường Giang Nam đều bị lão khất cái kia làm khó. Cũng may nhờ có hài tử này, chỉ có Tu Dân Quán ta là có thể phá giải vế đối nọ. Ha ha, ha ha, ngày mai xem ta làm sao cho lão khất cái này một trận, cho hắn hiểu rõ đạo lý núi cao còn có núi cao hơn!
Nói xong đứng dậy muốn cáo từ.
Cố Tự Nguyên thấy lão bằng hữu vui sướng như vậy, trên mặt lại bất động thanh sắc, đứng dậy tiễn khách. Lúc qua bên cạnh Lư Vân thấy hắn ngây ngốc đứng đấy, liền phân phó:
- Ngươi trước lưu lại, lát nữa ta có chuyện hỏi ngươi.
Ngữ khí có phần nghiêm túc, dường như hoài nghi lai lịch của hắn.
Sắc mặt Lư Vân lộ vẻ sầu thảm, thầm nghĩ: "Thảm rồi, lần này ta tự chủ trương, Cố đại nhân nhất định nổi giận, chỉ sợ chén cơm này bưng không xong rồi".
Chỉ một lúc sau đã thấy Cố Tự Nguyên trở lại thư phòng rồi ngồi xuống, Lư Vân thấy sắc mặt của lão bất thiện thì hoảng sợ, không dám động đậy thân hình.
Cố Tự Nguyên dò xét Lư Vân từ trên xuống dưới, một lúc sau đột nhiên nói:
- Nghe quản gia nói ngươi họ Lư, tên một chữ Vân, phải hay không?
Lư Vân gật đầu vâng một tiếng, khom người nói:
- Quản gia nói không sai, tiểu nhân họ Lư tên Vân, đã nhọc lòng đại nhân quan tâm.
Cố Tự Nguyên không cho ý kiến mà lại hỏi:
- Nghe nói ngươi là người Sơn Đông, sao lại đến Dương Châu?
Trong tâm Lư Vân sợ hãi, thầm nghĩ: "Hiện nay nha môn vẫn còn truy nã ta, ta không nên tiết lộ thân phận".
Liền ho một tiếng, nói:
- Ta. . . Cố hương của ta thu lương không tốt, thiếu lương thực, mới một đường lưu lạc đến Dương Châu.
Lư Vân thấy Cố Tự Nguyên nhắm mắt trầm tư khó phân biệt hỉ nộ, nhất thời càng cảm thấy tâm thần bất định.
Sau nửa ngày, Cố Tự Nguyên nói:
- Ngươi đã từng lên kinh ứng thí sao?
Lư Vân cảm thấy rùng mình, vội nói:
- Không dối gạt đại nhân, ta thích đọc sách từ thuở nhỏ, nhưng trên thân không có công danh gì.
Cố Tự Nguyên thấy hỏi gì Lư Vân cũng như không biết, không muốn nói rõ lai lịch của bản thân, liền đoán có điều khác thường, thầm nghĩ:
- Lai lịch người này có điểm kỳ quái, phải điều tra nghe ngóng kỹ một phen. Ngày mai ta phải thử một lần, xem hắn thực sự có bản lĩnh hay chỉ có chút thông minh vặt vãnh.
Trong lòng đã có tính toán, lão liền phân phó:
- Cũng không còn sớm, ngươi lui xuống nghỉ ngơi đi! Ngày mai chúng ta nói sau.
Sáng sớm hôm sau, Lư Vân lại đến thư phòng, sau khi lau dọn liền khoanh chân ngồi xuống, tập luyện nội công tâm pháp do bản thân tự ngộ ra, dù nội lực vận hành không tự nhiên nhưng mỗi lần luyện đều có cảm giác thư thái, đến nay nếu bỏ luyện thì đã thấy khó chịu rồi.
Qua chừng nửa canh giờ thì Lư Vân nghe tiếng bước chân, biết là Cố Tự Nguyên đã đến. Hắn liền mở cửa nghênh tiếp, nói:
- Lão gia, ngài tới sớm a.
Cố Tự Nguyên đi vào thư phòng rồi ngồi xuống, thần thái nghiêm túc, viết lên giấy mấy chữ. Lư Vân nhìn lại chỉ thấy bên trên viết:
- Luận việc hưng suy của Đại Tống.
Lư Vân thầm nghĩ: "Có lẽ Cố đại nhân muốn lấy sách lập luận. Nhưng về hưng suy của Đại Tống nhân quả tuần hoàn đan xen, không phải dăm ba câu là có thể lý giải.
Cố Tự Nguyên chợt nói:
- Ngươi đến đây, ngồi xuống.
Lư Vân theo lời ngồi ở một bên trong lòng kỳ quái, chỉ nghe Cố Tự Nguyên nói:
- Đề mục này sâu rộng uyên bác, ta muốn kiểm tra ngươi chút.
Lư Vân khẽ giật mình, nói:
- Lão gia….điều này…
Cố Tự Nguyên vỗ vỗ bờ vai của hắn, nói:
- Ráng viết a, chẳng qua ta muốn xem văn chương của ngươi một chút, không có ý khác.
Lư Vân ngây người một hồi, thầm nghĩ: "Lão gia đã bảo thì ta cứ viết là được".
Liền suy ngẫm theo đề bút, một lát sau, liền chấm bút viết nhanh. Cố Tự Nguyên xem chốc lát liền đi ra ngoài, tiện tay đóng cửa phòng để hắn ở lại một mình.
Qua một canh giờ, Cố Tự Nguyên trở về thư phòng, thấy Lư Vân ngơ ngác nhìn qua ngoài cửa sổ, lòng thầm nghĩ: "Dù sao không phải xuất thân chính tông, khiến thức có hạn, mới một canh giờ, năng lực đã cạn kiệt".
Lúc này mới hỏi:
- Sao không viết nữa?
Lư Vân nói:
- Bẩm lão gia, đã viết xong.
Cố Tự Nguyên gật đầu, không nói gì mà cầm lấy bài văn của hắn xem xét, chỉ thấy thư pháp của Lư Vân cứng cáp có lực, tung hoành bay múa, bất giác cả kinh, thầm nghĩ: "Bút pháp thật điêu luyện".
Lại nhìn văn vẻ, chỉ thấy Lư Vân viết: "Triệu Tống trước thì phải tiếp quản loạn thế thời Ngũ Đại, sau thì phải đối mặt đám dị tộc hưng thịnh, Liêu Kim thay nhau xâm nhập phía nam. Từ trước đến nay, nhiều lời bàn rằng Tống trị văn nhược, lời lẽ này nghiêm khắc, riêng ta lại không cho là như thế."
Cố Tự Nguyên thầm nghĩ: "Khẩu khí của tiểu tử này thật không nhỏ".
Liền xem tiếp theo.
"Nhà Tống mất nước không phải buông thả võ công, luận điều thứ nhất là không chiếm lại được mười sáu châu Yên Vân, thứ hai là do vận số, e rằng không phải không dám chiến.
Các dị tộc phía Bắc cường thịnh, võ công còn hơn cả Hán Đường. Liêu Kim mấy chục năm nhòm ngó mặt Nam, Đông thì có Cao Lệ, Tây thì các phiên vương cát cứ, vậy thì có thể đối phó thế nào?? Hậu Tấn bỏ đất Yên Vân, sau này Bắc Tống không lo thu lại, đây là mối họa thứ nhất. Người Hồ du mục, quân dân cùng ở một chỗ, tạo nên sức mạnh to lớn. Đây là mối họa thứ hai."
Cố Tự Nguyên trong lòng thầm kinh ngạc, lại đọc tiếp:
"Đời nhà Hán dùng Hán chế, quân lệnh nhất thống, pháp định môn quy nghiêm ngặt, chính là ba điều thành công vậy. Tống tuy có anh hùng như Dương Nghiệp, Nhạc Phi, nhưng với tài trí của một hai người thì có thể phản kháng sao? Tống dùng Đường chế thiết định Tiết Độ Sứ, có đặt phủ binh nhưng không ở nơi hiểm yếu thì có tác dụng gì? Đến khi lui về Nam, mặc dù Vua sợ thần yếu nhưng nhờ vào Trường Giang hiểm yếu, đã bắc kháng Mông Cổ mấy chục năm. Tại Quan Trung, toàn bộ lão bá tánh Đại Tống đại kháng thiết kỵ của Mông Cổ, cả nước ai ai cũng không màng sinh tử, sao thể nói là thời Tống văn nhược? Đây phải bàn về Tống đã mất đại thế, chính là Tống để mất đi Yên Vân, mất đi thiên mệnh ở phía Bắc a!"
Cố Tự Nguyên càng xem càng kinh hãi. Lão ra đề mục này chỉ là muốn xem cách hành văn của Lư Vân. Xem hắn có biết văn chương không, không ngờ được hắn lại có kiến giải thực sự. Cố Tự Nguyên thầm gật đầu, nhìn về người tuổi trẻ này thật lâu.
Lư Vân thấy Cố Tự Nguyên không nói một câu, sợ rằng lão không để văn vẻ của mình vào trong mắt, vội nói:
- Đại nhân, ta tùy ý mà viết, không có gì đặc biệt, đã làm ngài thất vọng rồi.
Thầm muốn thu tay, miễn bị người giễu cợt.
Nào biết Cố Tự Nguyên lại thầm suy nghĩ : "Hài tử này có kiến thức quảng bác như thế, thật sự là nhất đẳng nhân tài, nếu ta để hắn mai một ở nơi này, chẳng phải thiên hạ sẽ cười Cố Tự Nguyên ta không biết nhìn người sao?"
Lư Vân thấy bộ dáng bất động của lão, nhất thời lo lắng trong lòng, chỉ khom người cúi đầu, không dám náo động.
Cố Tự Nguyên trầm tư thật lâu, mới nói:
- Ngươi nói chưa bao giờ khảo thí, thân không có công danh, thực là thế chăng?
Lư Vân liền đáp qua loa:
- Khởi bẩm lão gia, tiểu nhân chỉ qua mấy ngày đèn sách, không dám nghĩ tới nhập khoa khảo thí, lại để đại nhân chê cười rồi.
------------
Chú thích:
( 1) Cây gai. Có khi gọi là hỏa ma hay hoàng ma. Có hai giống đực và cái, giống đực gọi là mẫu ma, giống cái gọi là tử ma. Thời xưa mọc dại rất nhiều. Nếu sang tiết xuân phân gieo hạt, trước sau tiết hạ chí mới nở hoa, sắc trắng xanh xanh. Gai đực có năm nhị, gai cái có một nhị. Gai đực thì khi hoa rụng hết liền nhổ, ngâm nước bóc lấy vỏ, mềm nhũn mà có thớ dài, dùng để dệt vải thưa. Gai cái thì đến mùa thu mới cắt, bóc lấy hạt rồi mới đem ngâm, dùng để dệt sô gai, vì nó đen và xù xì nên chỉ dùng làm đồ tang và túi đựng đồ. Hạt của nó cũng ăn được.
(2) Nhan Hồi là người nước Lỗ thời Xuân Thu (từ nửa sau của thế kỷ 8 TCN đến nửa đầu thế kỷ thứ 5 TCN), ông tôn sùng Khổng Tử và đã lý giải sâu sắc học thuyết tư tưởng của Khổng Tử; hơn nữa suốt đời nỗ lực thực hành lời dạy của thầy, để đức hạnh lưu danh với đời.
Sinh thời Nhan Hồi học tập hết sức khắc khổ. Nhưng dù điều kiện học tập rất gian khổ, ông lại có thể sống thanh bần vui với Đạo. Sớm làm tối nghỉ, ra sức học hành nghiên cứu Thi Lễ, toàn tâm theo đuổi sự nghiệp học tập, đem những lời thầy dạy ôn lại nhiều lần, có thể “học một biết mười”. Khổng Tử khen ngợi rằng: “Nhan Hồi thật tuyệt vời, mỗi bữa chỉ ăn một bát cơm, chỉ uống một bát canh, ở trong gian phòng đơn sơ, có thể nhẫn chịu được những gian khổ mà người khác không cách nào nhẫn chịu nổi, chí hướng cao xa của bản thân không mảy may thay đổi, kiên trì bền bỉ học tập, thật giỏi lắm!”. Nhan Hồi thấu hiểu hàm nghĩa của chữ “Nhân” mà Khổng Tử đề xướng, đồng thời hết lòng nỗ lực thực hành. Tính tình ông khiêm tốn “Không giận cá chém thớt, không tái phạm lỗi lầm”. Khổng Tử hỏi ông về đạo xử thế, ông nói: “Người nào thiện với trò, trò cũng thiện với người đó; người nào không thiện với trò, trò vẫn thiện với người đó”. Khổng Tử khen ngợi rằng: “Hồi dã, kỳ tâm tam nguyệt bất vi nhân, kỳ dư tắc nhật nguyệt chí yên nhi dĩ hĩ”, “Tự ngô hữu hồi, môn nhân ích thân”. (Tạm dịch: “Nhan Hồi trong tâm ba tháng không làm trái với đức Nhân; từ đó về sau thì luôn như vậy mà thôi”, “Từ khi ta có Nhan Hồi, học trò càng như người thân”).
Cả đời Khổng Tử khởi xướng nền chính trị nhân từ và đạo đức, Nhan Hồi đã xem chí hướng của thầy như chí hướng của mình mà suốt đời làm theo
Nguồn: http://4vn.eu/forum/showthread.php?81772-Tan-vo-hiep-Anh-Hung-Chi-Tac-Gia-Ton-Hieu-Quyen-IV-Chuong-3-Nguon-4vn-eu&page=8#ixzz1wXPF9BI8
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top