Chương 1

Dân chơi Sài Thành hôm nay hơi rầu, bởi lẽ dân chơi đôi khi cũng phải sợ mưa rơi. Mà chẳng mưa đâu xa xôi, mưa từ ông già dân chơi mới khổ.

Chầu rượu vỏn vẹn có hai mươi triệu mà quẹt mãi chiếc thẻ chẳng ting ting chút nào. Nhân viên bảo nhỏ "Anh ơi thẻ bị khoá" mà lòng dân chơi rối như tơ vò. Thế nhưng cốt cách cậu chủ, dân chơi vẫn phải mỉm cười, khua tay múa mép, lách lươn lách lẹo, cuối cùng chui ra một góc thanh vắng gọi cho anh trai.

- Ba khoá thẻ em rồi. Anh sai nhân viên đến đưa tiền cho em đi, hai chục củ.

- Mày làm gì mà hai chục triệu?

- Ăn chứ làm gì.

- Ăn vàng hả?

- Ăn thì phải uống, mà uống thì tất nhiên là rượu, rượu mà không quý uống như nước lọc thì uống làm gì!

Dân chơi giải thích, anh trai bó tay luôn. Tầm chừng mười lăm phút sau, có người hớt hải chạy tới. Vừa nhìn là dân chơi nhận ra ngay đó là trợ lý của ông anh, dân chơi ngoắc tay, cậu trợ lý chạy thục mạng. Sau khi thanh toán xong xuôi, dân chơi không quên khua môi với nhân viên:

- Anh nói thật với em, anh ngoài tiền và cái mặt đẹp trai, thêm nhẹ "bô đì" sáu múi ra thì chả có gì.

- Dạ vâng ạ, em biết ạ.

- Em biết hả? Biết thì...

Dân chơi rút ra tờ năm trăm, boa nhẹ cho cái sự hiểu biết tuyệt vời đó. Nhân viên cười tít mắt nịnh nọt thêm vài câu. Bình thường là dân chơi đã rút sấp năm trăm ra rồi đấy, có điều hôm nay hơi cấn cấn, thôi dân chơi hẹn lần sau.

Ông ba dân chơi kể ra ác liệt thật, thích khoá thẻ là khoá, keo kiệt thì nói thẳng chứ đời nào lại có người ba tiếc tiền cho con. Dân chơi tiêu tiền kể ra đâu có nhiều nhặng, vừa tầm hết sức là vừa. Mỗi tháng dân chơi xin nhẹ vài trăm củ, đủ ăn đủ mặc, quá là hợp lý còn gì, thế mà ông ba già làm ra vẻ dân chơi tiêu nhiều.

- Sao ba khoá thẻ con?

- Tháng này mày xài bao nhiêu rồi mày biết không?

- Sao con biết được! Ba mở thẻ cho con đi!

- Tao mở mỏ mày chứ mà mở thẻ lắm à!

Dân chơi không chịu, giãy đành đạch. Ba dân chơi gọi thằng Lập, bảo nó đem cây roi mây vào là dân chơi im bặt. Ba quất dân chơi tơi tả, nhằm mông xinh xắn mà quật tới tấp. Dân chơi la ú ớ, chạy vòng vòng. Ba già cả mà vẫn sung, vừa rượt vừa quất tới:

- Thằng phá của! Tao đánh cho mày chừa! Chưa đầy một tháng xài năm trăm triệu! Có đứa nào như mày! Mày coi tao với anh mày là máy rút tiền à?

- Á ba đau con! Thì con lỡ lố tay tí thôi mà!

- Đứng lại đây!

Dân chơi la oái:

- Đứng cho ba đánh con ha gì? Con đẹp chứ con đâu có ngu!

Ông già tức tím mặt, ông lệnh cho thằng Lập thằng Lợi bắt con trai cưng lại. Hai cái thằng phản chủ, bình thường dân chơi đối xử đâu có bạc bẽo, thế mà hôm nay tụi nó dám nghe lời ông già, tụi nó tóm dân chơi.

- Hai thằng quỷ!

- Hì hì cậu thông cảm. Cậu lớn nhưng mà ông lớn hơn, ai hơn thì tụi em nghe lệnh người đó cậu ha?

- Ha cái con khỉ khô! Đồ phản bội! Tao hận tụi bây! Từ giờ đừng có nói chuyện với tao!

Ông ba nghe thế đáp ngay:

- Khỏi khỏi nói chuyện với ai hết, nói với tôi đây này. Tôi có nhiều chuyện cần nói với anh lắm đây!

Ba quất một roi vào mông, dân chơi đau thấy tám ông trời. Nhưng mặc dù vậy, dân chơi vẫn cố thương lượng:

- Ba đánh mông xinh thôi ba nhé, ba đánh chỗ khác thì mất hết vẻ đẹp trai của con.

- Tao đánh vô cái mặt mày cho mày khỏi đi dụ con gái nhà người ta nữa!

Dân chơi hoảng. Dân chơi chỉ có mỗi cái mặt là vốn làm ăn, ba phá hoại dung nhan này thì dân chơi biết sống như nào. Trời cao yêu quý ban tặng dân chơi gương mặt tuyệt phẩm, ba mà phá thì ba phạm luật trời!

Âu ba cũng không muốn bị trời phạt, ba quất mỗi mông thôi, sưng vù. Dân chơi ôm mông mà ứa nước mắt, dẫu sao cũng to xác lớn tuổi mà ông ba hành xử như thể dân chơi vừa mới lên bốn.

Sau khi "dạy dỗ" con xong xuôi, ông Nguyên cũng mệt thở không ra hơi. Cái thằng con út này chỉ có thể dùng bạo lực thôi, nói chuyện với nó thà là ông đi nói với cái đầu gối. Nói nó nghịch tử thì hơi nặng, nhưng mà phá của thì nó thành trời. Hai mươi bốn tuổi đầu mà vô công rỗi nghề, học hành thì dở ẹt, suốt ngày chỉ ăn bám là tài. Cũng may ông còn thằng con lớn cứu vớt chứ nếu không chắc ông đem tiền đi từ thiện tất, xong ông lên chùa tu cho lành.

Nhìn thằng con trai đang rơm rớm nước mắt vì bị đánh, ông chán chả buồn nói tới. Kiểu này phải cho nó lấy vợ, có vợ rồi thì vợ nó bảo nó mới chịu nghe lời mà tu chí làm ăn. Ông cũng già cả rồi, tài sản sau này là của anh em nó, thằng anh thì ông yên tâm chứ cái thằng ranh con này ông còn bận tâm lắm.

- Thằng kia.

- Dạ...

- Muốn ba mở thẻ mày không?

- Có có! Có muốn! - Dân chơi nhanh nhảu đáp.

- Ba có ông bạn thân, con gái nhà đó học giỏi ngoan ngoãn lắm. Không mấy... mày đi xem mắt đi, sau đó tìm hiểu rồi cưới.

- Ba tự cưới đi, con bận gần chết ai rảnh đâu lấy vợ!

Ông Nguyên chọi gối thẳng mặt thằng con, ông gắt:

- Mày bận cái cù lôi! Ăn chơi tối ngày mà bận hả? Tao không biết, cuối tuần tao sắp xếp cho mày đi xem mắt, làm sao thì làm, không được thì cái thẻ đó tao khoá vĩnh viễn.

- Khoá thì khoá! Con sợ gì ba!

Ông Nguyên trề môi, dập tắt luôn suy nghĩ của con trai:

- Mày khỏi nghĩ tới thằng anh mày. Nó mà cho mày một cắc nào, tao khoá thẻ luôn.

- Ba đúng chơi kiểu cha người ta mà!

- Ba mà con! Ba đẻ con ra được mà!

Hải trề môi y chang ba, anh cãi:

- Ba là đàn ông mà đẻ gì, mẹ mới đẻ!

- Mày bị ngu à? Đầu to mà óc như cục cớt dê!

Bị xúc phạm quá nặng, dân chơi quyết định tuyệt thực để chống đối. Thế nhưng mà nửa đêm, cái bụng rỗng lại biểu tình ghê gớm. Dân chơi rón rén mò xuống bếp tìm đồ ăn, khổ nỗi chả còn cái chi sất. Con Nhu đi uống nước, thấy bóng ai thấp thoáng cứ lù lù trong bếp, nó tưởng trộm, vừa bật đèn lên là lấy chổi đập túi bụi, miệng thì hét muốn banh cái nhà.

- Cái gì vậy? Á! Con nhỏ này điên hả? Cậu nè!

- Ủa... cậu... Cậu làm gì vậy? Nửa đêm không ngủ mà lù lù mò mò gì vậy?

- Tao đói!

- Sao nãy không ăn giờ than đói?

Dân chơi chẹp miệng:

- Tao tuyệt thực để đả đảo ông mày!

- Rồi có đả đảo được không?

- Tạm thời thì chưa nhưng tao đang đói.

- Vậy là cậu thất bại òi! - Nhu nhí nhảnh bảo.

Dân chơi xua tay, gắt gỏng bảo kệ tao.

Sau một lúc tìm kiếm, dân chơi vẫn chẳng tìm được một món gì để nhét vào bụng. Con Nhu thấy thế thì bảo:

- Ăn mì cứu đói đi cậu, mì trong tủ á!

- Mày nấu cậu ăn đi. Thêm trứng, xúc xích, thịt bò Mĩ, hàu, sà lách, cà chua cho cậu nữa.

- Muốn ăn thì tự nấu đi trời. Con bận muốn chết ai rảnh đâu nấu cậu ăn.

Nhu nhại y hệt giọng điệu cậu chủ hại cậu chủ tức đỏ mặt. Cậu doạ bẻ răng nó mà nó ứ sợ. Vì sao ư? Vì nó có ông bảo kê. Cậu cũng lớn nhưng mà trong nhà ông là lớn nhất.

- Mày làm người ở hay mày làm bà nội tao?

- Cậu cứ nói vậy! Thì đồng ý con là phận tôi tớ, nhưng mà bây giờ ngoài giờ hành chính, cậu sai con là bốc lột sức lao động, phạt tù á!

- Thôi thôi im mồm, lanh quá à!

Không nấu thì thôi, dân chơi tự nấu! Có gì đâu mà khó, dễ ẹt nhé!

Tuy nhiên bắt tay vào thì mới đúng là thảm hoạ. Từ bé đến lớn dân chơi có động tay động chân vào thứ gì đâu. Bây giờ ngay cả mở bếp điện từ dân chơi cũng ngu ngơ. Thấy con Nhu cười chế nhạo, dân chơi nổi sĩ diện. Không xài bếp điện thì xài bếp ga. Dân chơi vặn một phát, lửa phựt cái bựt làm dân chơi hú hết cả hồn.

Cũng may dì Sương nghe tiếng động đi xuống mới cứu được tình hình. Dì hiền lành bảo cậu chủ ngồi chờ, dì xào mì cậu ăn. Ít ra trong nhà vẫn còn dì thương cậu.

- Ba vừa đánh con hồi chiều dì ạ.

- Sao ông lại đánh cậu?

- Ba khoá thẻ con, xong ba đánh con. Rõ là ba keo kiệt. Ba giàu muốn chết mà ba tiếc tiền cho con cái.

Cậu chủ bức xúc kể, dì Sương hiền lành giảng giải:

- Ông chủ cũng phải đi làm cực khổ mà cậu. Cậu có nhớ lần ông nhập viện vì kiệt sức không? Rồi những lần đi kí hợp đồng tận khuya. Đang bệnh vẫn phải bay ra bắc thương thảo rồi bay về liền trong ngày gặp đối tác khác, đâu có nghỉ ngơi được bao nhiêu. Tiền ông làm ra nhiều, nhưng sức ông bỏ ra cũng đâu có ít.

Dân chơi mủi lòng, cũng cảm thấy ba đáng thương. Nhưng mà vì được nuông chiều từ bé, cái tính hoang phí còn lâu mới chữa được.

Tầm chừng nửa tiếng sau dì Sương đã đem lên một đĩa mì xào thơm phức kèm thêm một chén soup nóng hổi. Dân chơi đói mờ mắt, ăn ngấu ăn nghiến. Dì cười hiền đi rót cho cậu chủ cốc nước, không quên dặn dò cậu ăn xong thì cứ để đó rồi đi ngủ sớm. Cậu chủ gật đầu, vui vẻ cho dì "cái like" để thể hiện là mì rất ngon.

Sau được khoảng một tuần từ chối các cuộc chơi vì thiếu tiền, dân chơi suy sụp hẳn. Cuối cùng vẫn là lệ thuộc tư bản, dân chơi đành lòng thoả thuận với ông già sẽ đi xem mắt, nhưng mà nếu không thấy hài lòng thì sẽ không cưới hỏi gì cả.

- Mày không có cái quyền đòi hỏi đâu con trai. Quyền nằm trong tay ba.

- Sao gió muốn lặng mà cây chẳng ngừng?

- Là cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Ối giồi sao anh ngu thế hả anh?

- Con nhầm có tí ba làm quá à!

- Mày nhầm hay mày ngu?

Nhầm mà, dân chơi hơi bị thông minh đấy nhé. Dân chơi có thể tính được cộng trừ nhân chia bằng máy tính nhé!

Dân chơi thì thông minh, nhưng ông ba dân chơi không thừa nhận. Ba cứ làm như ba khôn lắm, ba lựa ngay cho dân chơi một con vợ cao phải biết, đem nó về có mà phá gen nhà này.

- Sao lùn tè vậy?

- Có câu nào có duyên hơn không?

- Lùn thì người ta nói lùn.

Con lùn cũng chẳng vừa, nó nhìn dân chơi chăm chăm, sau đó phẩy tay hời hợt hỏi:

- Sao xấu trai quá vậy?

- Cái gì? Xấu? Có mắt không đấy?

- Xấu thì người ta nói xấu chứ tự ái gì?

Lùn làm dân chơi hơi bị mất tự tin, dân chơi ngó vào gương soi, thấy vẫn xinh đáo để cơ mà. Chỉnh trang lại tóc, dân chơi lấy lại phong độ, ghét bỏ bảo nhỏ lùn lên xe.

- Chi?

- Đi ăn cho lẹ rồi đi về. Làm như đây thích lắm không bằng, chê nhé!

- Chắc tôi thích anh quá cơ! Nhìn như con cá bảy màu, thấy ghê!

- Chắc đây yêu đấy rồi ý! Yêu sâu đậm, yêu đậm sâu, yêu chết đi sống lại ý! Lùn mà còn láo!

Nhỏ lùn tức, giẫm thẳng vào chân dân chơi hại dân chơi đau chảy nước mắt. Nhỏ nhanh nhảu chui tọt lên xe, dân chơi nhảy theo, vừa định bóp chết nhỏ trong hôm nay thì nghe giọng ông ba từ điện thoại phát ra:

- Nhã à con? Sao thế? Thằng Hải bắt nạt con à?

- Dạ...

- Nó làm gì con thì con cứ bảo bác, bác sẽ cho nó biết có nhà mà không thể về, có tiền mà không thể xài, có mạng mà không thể sống là như nào. Vậy nhé con!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top