Chương I.1

Tội nghiệp con bé…

Từ giờ bố nó ở với hạnh phúc mới rồi, sau con bé sẽ bị lãng quên ở nhà xác sớm thôi.

Lạy trời lạy Phật, mong sao nó vẫn được lo hậu sự chu toàn…

Tôi mà đi lại được, chắc tôi dạy cho thằng bố nó một bài học các ông à…


   Đôi bờ mi trắng tuyết từ từ hé mở, để cho những ánh nắng ban mai lóe sáng lên đôi mắt cô bé ấy. Em ngay lập tức nhắm chặt mắt lại, đưa hai bàn tay trắng tựa men sứ lên che mặt. Em không thích nắng. Nhưng em lại vô cùng muốn đôi chân cứng đờ này di chuyển trên nền đất ấm. Phải, đã lâu em không mang chân trần đi lại trước sân khu nội trú. Em thích lắm chứ. Nhưng làn da mỏng manh như tinh sương này, chịu sao thấu những tia độc hại từ mặt trời. Nó sẽ cháy và sẽ rát bỏng như dội nước sôi vậy.
   Cô bé nhỏ thở dài. Tiếng thở thật yếu ớt, cũng sao buồn đến não lòng. Em ngước nhìn chị y tá mang thuốc vào phòng, hai tay nắm chặt tấm chăn mỏng, bặm môi.

Em muốn vận động một lát.

   Chị y tá đặt khay đồ xuống, thay nước truyền cho cô bé. Chị nghiêng đầu, ân cần đưa tay xoa đầu em:

Được, nhưng nhớ thật cẩn thận, đừng đứng dưới nắng quá lâu kẻo bỏng da nhé!

   …
   Em đứng dựa người vào cây cột trước hiên. Không y tá hay điều dưỡng nào để mắt đến em. Họ cũng còn công việc của họ. Nắng lại mạnh lên rồi. Em không thể ra khỏi vùng an toàn bé nhỏ này được, đành nghiêng cơ thể yếu ớt ôm lấy cây cột mà nhìn ra ngoài. Một đám trẻ chạy đuổi nhau trên sân khu nội trú bệnh viện, cười đùa hò hét chí chóe, chân không giày dép gì. Đó là đám trẻ con sống quanh đây, nhỏ tuổi hơn em, thi thoảng lại xin vào chơi. Em không thích, mà đúng ra, là rất ghét chúng. Cả sợ nữa. Lần trước, chính chúng nó đã bắt nạt em, may mà có một cô điều dưỡng kịp thời giải vây. Ô kìa, chúng nhìn thấy em rồi. Em sợ hãi, hốt hoảng, cố gắng xoay người chạy. Chuyển động của em thật chậm chạp, như một chú thỏ con bị tật chân, cố chạy trốn khỏi lũ sói. Chúng bắt được em, quả không ngoài dự đoán. Những tiếng chế nhạo, cười ác ý bao vây lấy em như một cái lồng lớn, khiến em như bất động, không thể la, cũng không thể vùng thoát. Ôi, em yếu quá, yếu như bọt nước có thể vỡ tan trước những cái chạm nhẹ hều.

Nhìn này, hôm nay bà chị khuyết tật này lại ra chơi!

Người đâu trắng toát, trông dị vãi! Nhìn có khác gì giấy vệ sinh dùng thuốc tẩy đâu!

Mày so sánh đúng hay đấy! Nhưng giấy vệ sinh có chịu được nắng không?

Phải thử mới biết được!

   Em giật mình, mồ hôi gáy tuôn ra lạnh toát. Không, không, không, làm vậy khác nào chúng nó đốt cháy da thịt em giữa trời nắng chói chang thế này. Kinh hãi, nhưng bất lực. Em cố kháng cự bằng cách lôi cơ thể yếu đuối này sâu về phía bóng râm, nhưng làm sao em khỏe bằng những đứa trẻ này cơ chứ… Chẳng lẽ nào, em sẽ chết sớm hơn dự đoán của bác sĩ, ha… Em nhắm mắt, buông người theo nhịp kéo của bọn trẻ. Nắng đốt em cháy lên. Em la hét quay trở lại bóng râm, trong sự ngăn cản và tiếng cười khoái trá của lũ trẻ con. Một đứa lấy xô nước dội chạy đến, tính dội lên đầu em trước sự cổ vũ của những đứa xung quanh. 
 

Chúng mày bị thần kinh à? Làm cái trò gì thế?

   Một giọng nam trẻ hơi trầm cất lên đầy giận dữ. Âm thanh khỏe khoắn ấy như một hồi chuông khiến em chợt như bừng tỉnh, đôi mắt xám nhạt từ từ nhìn lên. Một thanh niên, hoặc trẻ hơn, đang lột áo khoác hùng hùng hổ hổ đi vào trong sân, tiến về nơi em đang đứng. Em thấy lũ trẻ tỏ vẻ sợ hãi lùi lại. Em thấy anh ta sút vào mông đứa đầu tiên. Em thấy bọn trẻ kéo nhau chạy mất. Em thấy… anh ta đang lại gần em để… trùm áo khoác của anh ta lên?

Bạn có sao không? Cái đám chết tiệt đó dám bắt nạt cả người bệnh sao?

   Chuỗi sự việc trước mắt diễn ra quá nhanh, em chưa kịp hoàn hồn, định hình lại mọi chuyện trong đầu. Anh ta lôi tay em vào trong bóng râm. Cô bé đã bắt đầu cảm thấy khoan khoái trở lại, nhưng làn da mỏng như giấy vẫn còn rất xót. Em đưa mắt lén nhìn anh ta, rồi lại quay đầu đi, cắn răng trả lời:

Tôi không sao…

Có, chắc chắn có! 

   Anh ta dìu em ngồi xuống cái ghế đá phủ đầy bụi và lá khô, đưa tay phủi phủi.

Bạn ngồi đây đợi tôi nhé, tôi đi lấy nước rồi quay lại liền!

Không, tôi không cần đâu mà…

   Lời đáp của em rơi tõm vào không trung. Anh chàng chạy đi nhanh quá, giờ còn mình em ngồi đây. Em bất giác mỉm cười, thấy sống mũi mình cay cay. Ngoài ông bà ngoại, các cô các chị y tá, điều dưỡng ra, lần đầu em gặp một người khác tốt với em như thế. Em vốn không được sinh ra trên cõi đời này. Bản thân em đã gây ra cái chết của mẹ, và vì sự ra đời của em mà mẹ bị mọi người nhìn bằng con mắt khinh bỉ.
   Bố em là một người khá giả. Bố có một đời vợ trước, bà ta đã chán ngấy sự vũ phu và thói trăng hoa của ông mà tuyệt tình kí giấy ly hôn. Người đàn ông ba mươi ba tuổi ấy, không rõ sầu đời đến mức nào mà từng tùy tiện với người không nên. Ông ta đã gặp mẹ em, một thiếu nữ mười ba hồn nhiên, tràn đầy nhựa sống. Người con gái năm ấy đáng ra cũng phải có một tương lai tươi sáng như bao người con gái khác. Nhưng không, bố em đã nhẫn tâm cướp đi tất cả của mẹ. Ông ta cưỡng hiếp mẹ đến có thai. Mẹ đã giấu, cho đến khi phát hiện thì cái thai đã được 19 tuần, phá thai sẽ có nguy cơ gây tử vong rất cao. Mẹ đã giữ em lại. Bố em bị kiện, phải đi tù 15 năm và bồi thường một khoản tiền lớn. Cơ thể mẹ thì vốn yếu đuối. Khi em ra đời, mẹ cũng mãi mãi xa lìa em. Trong thời gian mang thai em, nào ai thấu được nỗi đau và sự nhục nhã mà mẹ phải trải? Theo di nguyện của mẹ, tên của em là Huỳnh Anh, là tất cả mong ước cho một tương lai ngời sáng mà mẹ muốn dành cho em, không phải chịu những tăm tối như bà. Vậy mà, em sinh ra đã mất hết sắc tố da, tóc, mắt, cơ thể thậm chí còn yếu hơn cả mẹ…
   Năm em mười bốn tuổi, ông ngoại em mất. Bà đã quá già để chăm sóc cho em. Em phải nghỉ học ở nhà. Năm ấy, bố em vừa ra tù. Ông ta không muốn bị người đời cười chê là đồ vô trách nhiệm, nên đã đưa em về nuôi và lo hậu sự cho bà. Em những đã tưởng, khi sống với người cha này, cuộc đời em có thể sẽ đổi khác theo hướng tích cực hơn. Quả là mơ hão… ông coi em như thứ của nợ, bắt em làm việc quần quật, không được đi học, và  thường xuyên đánh đập, hành hạ em. Nhưng với thân thể yếu ớt này, chẳng bao lâu, em nôn ra rất nhiều máu, buộc ông ta phải đưa em vào viện. Hẳn là họ đều thấy những vết bầm tím trên khắp người em, nhưng không ai nói gì cả. Em được chữa trị trong bệnh viện, đó cũng là lần đầu tiên mà em nhận được sự chu đáo, quan tâm từ người ngoài. Em thực sự đã vô cùng xúc động. Bệnh viện đã chăm sóc cho em rất tốt. Có lẽ một phần họ hiểu cho hoàn cảnh của cô bé này…
   Một ngày, bố biến mất. Bố không trả viện phí cho những chi phí phát sinh của em nữa. Địa chỉ nhà, thông tin liên lạc… không nơi nào có thể tìm được bố. Mọi người trong bệnh viện bảo nhau, góp chút tiền lo cho em. Chưa bao giờ em cảm nhận được hơi ấm của lòng người đến vậy. Em không tin câu "Một giọt máu đào hơn ao nước lã", vì mối quan hệ máu mủ giữa em và bố chắc gì đã bằng sự xót thương mà những người dưng vô hình kia dành cho em đâu? Tuy nhiên, dùng tiền của họ miễn phí khiến em cảm thấy hối hận. Tiền họ quyên góp cũng không nhiều như trước nữa. Có khi nào em đã gây phiền đến họ rồi không? Có khi nào, sự sống của em là gánh nặng của xã hội không? A, phải,... chỉ cần em chết đi…
   Em rất hay nghĩ quẩn như thế. Sau mỗi lần ấy, em lại tự trấn an mình, hãy cứ tin tưởng vào năng lực của bác sĩ, dù có là bệnh nan y cũng sẽ thuyên giảm thôi. Rồi em sẽ xuất viện. Em sẽ tìm một quán cà phê hay quán bún quán phở làm phục vụ không đòi hỏi kinh nghiệm. Em muốn được đền bù số tiền ấy lắm, dù chỉ là một ước mơ thật nhỏ nhoi, mong manh. 

Nước đây rồi!

   Một chai nước lạnh áp vào má cô bé, đánh thức em khỏi dòng suy nghĩ miên man. 

Bạn uống nước đi, bạn nóng lắm đúng không? - Anh ta cúi người nhìn cô bé, mỉm cười.

  Phải, phải rồi nhỉ. Anh ấy cũng là người lạ. Vào giây phút anh ta xuất hiện và bảo vệ khỏi lũ trẻ độc ác, đôi mắt buồn lúc nào cũng phủ một lớp sương dày đặc của em như được một ánh sáng xua tan và chiếu rọi. Lúc ấy, em tưởng đã buông mình cho đám trẻ con hành hạ thế nào cũng được, chính anh đã đánh thức tâm can em, và cả những cảm xúc đã lâu ngày đóng bụi. Thực sự, anh ta làm em cảm động vô cùng. Em khẽ đưa tay đón chai nước, đưa lên miệng tu một mạch. Chai nước dốc đến nỗi, tưởng như có thể làm em sặc ngay được. Anh ta đưa một tay đỡ lấy chai nước để ngang lại cho em uống chầm chậm, tay còn lại làm điểm tựa sau lưng em. Cạn sạch chai. Em khà một tiếng đầy sảng khoái, cảm thấy cơ thể mình đang được hồi sinh từng phần tế bào. Một cảm giác thư thái, mát mẻ, nhưng cũng ấm áp đến lạ kì.
   Anh xoa lưng em, mỉm cười. Em chưa bao giờ thấy ai cười đẹp như thế. Nụ cười của anh ta không đầy thương hại và gượng gạo như của các cô, các chị điều dưỡng hay các bác bệnh nhân già. Nó xoa dịu tâm hồn rát bỏng của em, một nụ cười có thể chữa lành như thang thuốc. Em bỗng thấy trong lòng mình có cái gì nảy nở, nóng ran. Nó là cái mà em chưa được trải nghiệm bao giờ.

Bạn khát nước quá nhỉ! Nên nhớ cung cấp đủ nước cho cơ thể mình mỗi ngày đấy nhé. Tôi đoán bạn sẽ sớm phục hồi thôi!

Làm gì có chuyện hoang đường ấy… - Huỳnh Anh bất giác thở hắt ra một câu như tiếng thì thào - âm thanh của sự chán nản và tuyệt vọng.

   Người con trai trước mặt chợt tắt nụ cười bừng nắng trên khuôn mặt, đưa tay phủi ghế đá ngồi cạnh em. Huỳnh Anh bất giác dịch người ra xa anh ta, đánh nhanh mắt sang hướng khác rồi lại tự ngạc nhiên: sao cơ thể lại phản ứng kì lạ như thế? Có lẽ anh ta đang nghĩ Huỳnh Anh khó chịu với hành động này nên cũng không có ý định cố gán người gần em hơn, cứ ngồi yên đó.

Bạn có muốn nói chuyện với tôi không? Nhìn bạn buồn buồn.

   Câu nói ấy vô tình đánh thức em khỏi sự u buồn, chán nản. Bây giờ em chỉ muốn tò mò thôi, và vô cùng cảm động nữa. Chỉ một câu nói mà như đi guốc trong bụng mình rồi… Thế là em khẽ gật mái đầu trắng như một chú bồ câu lắc đôi cánh.

Bạn bao nhiêu tuổi nhỉ?

Mười… sáu… - Em trả lời cộc lốc, cũng chẳng biết sao lại trả lời vô duyên như thế.

Bạn nhỏ hơn tôi một tuổi. Phải gọi bằng anh đấy nhé!

Vâng… - Lần này, em lại thấy cứ ngượng miệng thế nào.

Em tên gì? - Anh ta cũng đổi cách xưng hô theo hoàn cảnh.

Huỳnh Anh.

Tên em hay quá nhỉ!

Em cảm ơn…

Anh là Quốc. Thế em nằm viện bao lâu rồi mà anh không hay thấy ở ngoài nhỉ?

Đâu đó… gần hai năm.

Thế là lâu phết rồi đó chứ! Hay… do bệnh?

Đúng rồi, em bị bệnh nan y.

   Nói đến đây, cổ họng Huỳnh Anh nghẹn ứ lại. Em không nói gì nữa, hai bàn chân trần vân vê lá khô trên mặt đất, cố tránh chạm vào nền đất bỏng, trầm tư. Em không biết anh Quốc này đang nghĩ gì, vì em có nhìn đâu! Nhưng không thấy tiếng anh ta nữa. Chắc anh ta cũng đang bối rối. Điều đó bỗng khiến Huỳnh Anh cảm thấy có lỗi với anh lắm. Em phá tan bầu không khí yên lặng bằng mấy câu bông đùa chẳng giống bông đùa: 

Tóc em chưa già đã bạc hết cả rồi này, rồi cả lông mi, cả da, cả mắt cũng đỏ đỏ đục đục như nước bùn. Giờ em mà ra nắng gắt chắc chắn em sẽ biến thành thịt hun khói luôn!

Em không sao chứ?

Tất nhiên là không sao. Em ngồi trong viện suốt thì có gì mà sao với trăng?

Em phải ở trong viện suốt à?

Em vẫn khỏe re nhé! Chỉ sợ nắng thôi! Ngày nào em cũng được truyền nước.

    Rồi Huỳnh Anh bỗng chợt nhận ra, những câu nói vui vẻ của em hàm chứa một đống tiêu cực, như thể cố tỏ ra đáng thương hại bằng cách lồng ghép hoàn cảnh của mình vào những câu nói vui vẻ. Không, sao em lại lan truyền tiêu cực cho người lạ thế này, không, dù ở hoàn cảnh nào, em cũng sẽ luôn kiêu hãnh cơ mà…

Anh đừng bận tâm mấy cái em vừa nói nhé. Em lỡ miệng…

    Em vừa quay mặt ra đã bắt gặp ánh mắt anh nhìn chằm chằm em. Huỳnh Anh lại đưa ánh mắt đi chỗ khác. Ôi cái cảm giác chết tiệt gì thế này! Có cái gì đấy cứ ngăn em nhìn thẳng vào mắt Quốc, dù em chẳng phải đang dối gian gì. Anh cũng nhận ra sự khó xử của cô bé, thôi không nhìn nữa. Anh ta cũng chỉ vì tò mò, cả ngạc nhiên và thương xót cho em. Nhưng em đâu có cần những thứ ấy đâu. Nhưng giữ im lặng chưa bao lâu, anh lại cất tiếng:

Nhìn em cứ búp bê bằng sứ ấy.

   Rồi tiếp tục chìm vào một bể tiếng ve kêu. Câu nói của anh khiến em hơi run mình, mắt mở to nhìn cắm xuống đất. Trong người em nóng lên, cồn cào theo thời tiết của mùa hè. Em không biết tại sao, nhưng khi được so sánh với búp bê sứ, Huỳnh Anh cảm thấy vô cùng khó tả. Hình như em đang xúc động, em đang thẹn thùng, hay là còn gì khác nữa? Làm sao mà em biết được, đến khi Quốc đứng dậy rồi kéo em theo, em vẫn thấy cả thân thể như không còn cảm giác. Đến mãi khi tiếng chào của anh vang lên, em mới giật mình nhận ra đang ở trên giường trắng mọi ngày. 

***
   Huỳnh Anh nằm duỗi dài trên giường. Nắng lấp lánh qua rèm cửa, chói vào sàn đá hoa lấp loáng. Bụi bay li ti trong ánh sáng như bụi sao phép thuật của những bà tiên trong cổ tích. Chúng làm em mơ màng. Mơ màng về chuyện ban nãy. Chà, kì lạ thật đấy! Anh ta chẳng giới thiệu mấy về bản thân gì cả. Nhưng em lỡ miệng nói ra kha khá điều về em rồi. Thật là bất cẩn mà! Rồi em lại co chân lại, xoay người sang một bên, nghĩ ngợi. Nếu anh ta sống gần đây nhưng chưa thấy em bao giờ thì là điều dễ hiểu. Trước nay em chỉ quanh quẩn trong khu nội trú, rất hiếm khi ra đến ngoài sân chứ đừng nói là ngoài đường. Nhưng cứ mỗi khi ra là em không có nổi những phút bình yên, lại có bọn trẻ con hay đám bệnh nhân tầm tuổi đi qua trêu ghẹo, giễu cợt. Những lần ấy đều có người lớn, bác sĩ đi qua, người ta giải vây cho. Mà riết rồi em cũng chẳng ra nữa. Em cũng chẳng muốn đụng mặt đám người ấy chút nào. Nhưng hôm nay, cơn thèm bỗng dưng ùa đến, cơn thèm khát được chạy nhảy, đi lại giữa một không gian rộng lớn, không chỉ giới hạn quanh những hành lang hay cái giường trắng bé nhỏ, chật chội. Em cũng muốn được vượt lên chính mình lắm chứ, nhưng sao cơ thể này lại yếu ớt đến thế… 
    Chai nước gần hết vẫn còn trong tay. Vậy chuyện ban nãy chắc chắn là sự thật. Người khác chịu lắng nghe em, chịu quan tâm em, chịu bảo vệ em, là sự thật. Lúc này trong người Huỳnh Anh đang rạo rực một cái gì đó vô cùng khó tả…

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: